Những Ngã Rẽ
 

Hồi ký


Dương Văn Ba

 

 


 

Chương 15
THỜI KỲ LÀM GỖ MIỀN ĐÔNG,
TÂY NGUYÊN, CAMPUCHIA

 

Đầu năm 1978, do yêu cầu và rủ rê của một người bạn già, ông Hai Miên, cán bộ phụ trách giao nhận gỗ rừng Miền Đông của Ty Thương Nghiệp tỉnh Minh Hải, tôi và bạn tôi, anh Thạch Phen, hai người cùng đứng ra tổ chức lực lượng kéo gỗ từ các tỉnh miền Đông về Sài Gòn để tỉnh Minh Hải có gỗ phục vụ chương trình thu mua lương thực rất to lớn do chính phủ TW giao nhiệm vụ.

Ông Hai Miên, tên thật Trương Công Miên là một người quen biết khá thân với tôi ngay thời kỳ tôi còn là dân biểu chế độ cũ, lúc đó ông Hai Miên là trung uý thuộc Ban 1 Sư đoàn 18 đóng ở Chơn Thành – Thủ Dầu Một. Thành tích của ông Hai Miên, lúc ở trong quân đội chế độ cũ, là người chuyên lo việc phát lương cho các đơn vị quân đội thuộc Sư đoàn 18, nên ông Hai Miên có cơ hội đi đó đi đây trong phạm vi đóng quân của Sư đoàn 18. Vừa là sĩ quan quân đội Sài Gòn, ông Hai Miên lại vừa là cán bộ binh vận của Cục R. Ông Hai Miên vừa đi phát lương, vừa giao du với các Tiểu đoàn các đại đội Bộ binh của Sư đoàn 18, ông vừa làm cán bộ binh vận, chuyên chỉ điểm các địa điểm đóng quân chủ yếu của Sư đoàn 18, ông đánh dấu trên bản đồ những điểm xung yếu cần pháo kích, ông có lần dẫn cả một vị chỉ huy lực lượng Bộ binh của R để đánh phá tấn công sân bay Chơn Thành nhiều bận. Lợi dụng chiếc xe Jeep của Sư đoàn 18 đi các nơi phát lương, ông Hai Miên nhiều lần chở cán bộ của lực lượng quân sự bên trong vào các điểm xung yếu dò xét tình hình để nắm yếu tố thực địa lên kế hoạch đánh phá. Vai trò binh vận và gián điệp bên trong của trung uý Trương Công Miên, ông ta đã hoàn thành khá xuất sắc và được xếp vào loại người có công trong lực lượng binh vận. Sau khi giải phóng xong miền Nam, ông Hai Miên được điều về Minh Hải, bổ xung làm cán bộ nồng cốt cho Ty Thương Nghiệp Minh Hải dưới thời ông Trần Văn Mẫn (ông Năm Trường) làm Trưởng ty Thương Nghiệp và ông Năm Dũng (Nguyễn Bỉnh Nguyệt, cán bộ tập kết) làm Phó Trưởng ty.

Ông Hai Miên là một con người bình dị, thẳng thắn, ông gốc người quê ở Giòng Bướm –Ấp Khúc Tréo, Xã An Trạch, Huyện Giá Rai. Nơi sinh đẻ của ông là Giòng Bướm, ổ Cách mạng địa phương, đa số bà con của ông đều có gốc Việt cộng, bản thân ông dù là đi lính “quốc gia”, vẫn được cấp trên bên trong giao nhiệm vụ tình báo và binh vận. Đại tá Lê Hữu Đức, có thời kỳ làm Tư lệnh sư đoàn 600, từ thời Việt Minh đã có lúc là cấp trên của ông Hai Miên.

Ông Hai Miên quan hệ với tôi như tình anh em từ năm 1968. Gia đình ông đối với tôi như chỗ bà con ruột thịt trong nhà. Ông thương mến tôi và cảm kích nhiệt huyết cùng tinh thần đấu tranh quyết liệt của tôi cho bà con tỉnh Bạc Liêu, trong thời kỳ tôi còn làm dân biểu của tỉnh nhà. Dù đóng quân ở tận Chơn Thành, hể có dịp ông vẫn tìm cách thăm tôi ở Sài Gòn và ông luôn luôn theo dõi hoạt động của tôi trên báo chí. Chính sự cảm kích lẫn nhau từ lúc còn chiến tranh, môt bên là cán bộ Việt cộng nằm vùng trong quân đội quốc gia, một bên là trí thức trẻ của chế độ cũ, chúng tôi vẫn hiểu ý nhau và cùng ngó về một hướng trong thời kỳ trước 1970. Khi  được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng giao nhận gỗ miền Đông cho tỉnh Minh Hải, ông Hai Miên đã tìm đến tôi để nhờ kết hợp giúp ông hoàn thành nghĩa vụ được cấp trên ở tỉnh nhà giao phó. Tôi và Thạch Phen đã tích cực làm công việc này với sự hứng thú được làm thêm một ngành nghề mới, rất có lợi cho nhân dân vùng nông thôn tỉnh Bạc Liêu – Cà Mau. Tôi và Thạch Phen có quan hệ với mấy người bạn chuyên nghề làm xe be ở ngã ba Hàng Xanh, ở Thủ Đức và ở Biên Hòa. Chúng tôi vận động được lực lượng xe cơ giới của một đơn vị vận tải đang làm khoán cho Sở Thuỷ lợi TP.HCM. Chúng tôi vận động anh em đó tham gia vận tải gỗ cho Minh Hải với giá cả phải chăng và được họ vui vẻ chấp nhận. Vì việc chở khoán cho Sở Thuỷ lợi thành phố không choáng mất thì giờ của họ là bao nhiêu, cho nên họ tập trung lực lượng ưu tiên vận tải kéo gỗ đường dài cho tỉnh Minh Hải theo kế hoạch mà chúng tôi giao phó. Đoàn xe của ông Ba Hiệp Sở thuỷ lợi thành phố vẫn không đủ sức đảm đương 1/3 kế hoạch của chúng tôi, tôi và Thạch Phen mò lên Biên Hòa làm thân với một tay lão làng trong ngành vận tải xe be Đồng Nai, đó là lão tướng Tư Gối. Tư Gối là một tay anh chị người Bắc di cư, nổi tiếng trong nghề kéo xe be và đang lãnh thầu cho toàn bộ chương trình kéo gỗ của lâm trường La Ngà – Đồng Nai, thời bấy giờ dưới quyền của Đại tá Giám đốc Phan Xuân Đợt (sau này có thời kỳ Phan Xuân Đợt làm Bộ Trưởng Bộ Lâm Nghiệp). Anh Cả Đỏ Tư Gối dù là một tay trùm trong nghề xe be trước giải phóng, nhưng anh vẫn quan tâm đọc báo chí Sài Gòn và anh được biết tên tôi trên báo chí những năm 1968-1972. Anh Tư Gối, thích tờ báo Điện Tín của tôi, gặp tôi tại Lâm trường La Ngà, trong một bữa nhậu tại quán nhậu giữa rừng của bà Ba Dao Cạo, sau những lời hàn huyên về thời quá khứ của nhau, anh Tư Gối lập tức chấp nhận dùng toàn bộ lực lượng xe của ông, ban ngày chở gỗ cho lâm trường của ông Phan Xuân Đợt, ban đêm vận tải gỗ cho Minh Hải theo yêu cầu của Dương Văn Ba.

Tôi ra quân làm gỗ miền Đông cho tỉnh Minh Hải với sự giúp sức của Thạch Phen, ngay những tháng đầu tiên đã gặp dịp may khiến cho tôi thắng lớn. Với một phần lực lượng xe của Tư Hiệp thuộc Sở Thuỷ lợi (cũng chỉ là xe tư nhân hợp tác với nhà nước) cùng toàn bộ lực lượng xe kéo gỗ đường dài của Tư Gối (Lâm trường La Ngà – tư nhân hợp tác với nhà nước), tôi và Thạch Phen ngay thời gian đầu tiên đã có trong tay trên 30 xe vận tải nặng. Đoàn xe của Tư Hiệp và Tư Gối với sự phối hợp và điều động của tôi, trong những tháng đầu mùa khô 1977-1978, đã ầm ầm kéo gỗ ngày đêm về (các xưởng cưa ở Hố Nai và Sài Gòn, cưa xẻ, chế biến theo nhu cầu cấp bách của tỉnh Minh Hải).

Lúc khởi sự đi làm gỗ miền Đông, tôi vẫn còn giữ vai trò phó Tổng biên tập báo Tin Sáng. Cả một sự sắp xếp chương trình làm việc: hầu như mỗi ngày từ 3-4 giờ sáng tôi phải cùng Thạch Phen lái xe La Đalat lên La Ngà, Đoàn 600, Maragout cùng ông Hai Miên đi giao nhận gỗ. Tôi sắp xếp cho các đoàn xe nhiệm vụ lấy gỗ, phân công cho các anh em giao nhận vận tải theo dõi bố trí lực lượng. Tôi phải tranh thủ hàng ngày làm thế nào đó về Sài Gòn, có mặt ở toà báo Tin Sáng trước 5 giờ chiều để sắp xếp các tin tức giờ chót, quyết định bài vở cho trang 1 và trang 8 xong xuôi trước 20 giờ 30. Dĩ nhiên là tôi được sự hỗ trợ tích cực của các người phụ tá cho tôi lúc đó là anh Minh Đỗ, anh Trương Lộc và anh Trần Trọng Thức. Mỗi tuần tôi phải từ Sài Gòn đi lên rừng Đồng Nai, rừng Bình Dương từ ba đến bốn bận, tranh thủ giải quyết sắp xếp công việc vận tải cho đúng kế hoạch thời gian. Bình quân hầu như mỗi lần đi, ngày nào tôi cũng phải vượt trên 300 cây số cả đi lẫn về, chưa kể phải lội rừng vài ba tiếng đồng hồ. Công việc khá vất vả, phải thật sự đổ mồ hôi, phải thật sự nắm vững hiện trường, nắm vững mọi đường đi nước bước, nắm vững các khó khăn cần giải quyết và có biện pháp linh động, cấp thời ngay tại chỗ. Tôi và anh Thạch Phen như hình với bóng, sau khi ổn định được các đầu mối, giải quyết các yêu cầu của tình hình, tôi vội vã lên xe về Sài Gòn, tấp ngay vào toà soạn báo, lúc đó còn ở đường Bùi Chu – Bùi Thị Xuân, tiếp tục làm việc đến sau 12 giờ đêm. Về nhà, chỉ ngủ chừng 4 tiếng đồng hồ, hôm sau dậy thật sớm, cùng tài xế lên đường trên chiếc xe La Dalat lộc cộc, vừa đi vừa ngủ gà ngủ gật. Cuộc sống như thế rất cực nhưng lại rất vui, tôi có thêm khá nhiều kinh nghiệm lăn lộn với giới lao động vận tải, giới thợ rừng, quen biết công việc cực khổ và nguy hiểm của nghề phá sơn lâm. Đi trong rừng miền Đông nhiều tháng nhiều năm liên tục, tôi bỗng say mê gió bụi của rừng, thích cái rét căm căm của những đêm rừng những ngày cận tết, say mê cái nắng cháy da trên những con đường đầy cát bụi đỏ, tôi trở thành một người làm nghề rừng khá quen thuộc và nổi tiếng trong giới dân vận tải, dân thợ rừng, dân kiểm lâm, dân đại diện cho các tỉnh miền Tây đua nhau đi giành giựt từng lóng gỗ về cho địa phương nhà. Những địa danh Bù Nho, Bù Đốp, Bù Na, Bùi Gia Mập, Tánh Linh, Đoàn 600…Đắk Lắk, Thuần Mẫn, Mang Giang, Đắc Tô, Đắc Nông, Ea-Súp, Buôn Hồ…và nhiều nữa không bao giờ mờ nhạt trong tâm trí của tôi.

Kết quả vận tải gỗ miền Đông về cho tỉnh Minh Hải cưa xẻ thành be xuồng, thành cột kèo xây dựng nhà ở cho dân nông thôn, giúp cho tỉnh Minh Hải đạt chỉ tiêu thu mua lúa giao nộp cho chính phủ lúc bấy giờ, nhớ lại thật đáng phấn khích. Tỉnh Minh Hải không những đi đầu nộp lương thực cho TW mà kể cả về chỉ tiêu giao nộp heo thịt cho Tổng Công ty Visan, theo lệnh của Bộ Lương thực và Bộ Thương Nghiệp, do việc hoàn thành kế hoạch gỗ đổi cho nông dân, lúc nào tỉnh Minh Hải cũng đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng, so với các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang hay Đồng Tháp. Từ thành quả cụ thể đó, mặc dù chỉ là một tư nhân ký hợp đồng khoán vận chuyển gỗ cho Ty Thương Nghiệp Minh Hải, tôi và anh Thạch Phen không những được những người lãnh đạo Ty Thương Nghiệp quý mến, mà cả bên Ủy Ban Tỉnh cũng quan tâm theo dõi và khen thưởng. Ông Năm Dũng - Phó Ty Thương Nghiệp, ông Năm Trường - Trưởng Ty trực tiếp cổ vũ động viên tôi cố gắng hơn nữa làm tốt cho tỉnh nhà. Ông Bảy Nông - Chủ Tịch tỉnh Minh Hải, ông Ba Hùng - Phó Chủ tịch trực tiếp mời tôi báo cáo công việc giao nhận vận chuyển gỗ miền Đông cho các ông nghe và thường có những chỉ đạo cụ thể cho Ty Thương Nghiệp Minh Hải phải làm tốt hơn nữa việc lấy cho hết các chỉ tiêu gỗ của TW giao cho Minh Hải, để tỉnh Minh Hải làm sản phẩm đối lưu khích lệ nông dân sản xuất và chăn nuôi. Từ vai trò một anh trí thức thành phố, gốc gác quê hương Bạc Liêu, nhờ việc tích cực thi hành nhiệm vụ được Ủy Ban tỉnh giao phó, mặc dù không phải là cán bộ nhà nước, công việc tôi làm theo dạng khoán sản phẩm, tôi vẫn được các vị lãnh đạo tỉnh lúc đó coi như là một người có công đối với việc làm tròn các nhiệm vụ của tỉnh được cấp trên giao. Ông Ba Vị khi làm Bí Thư Tỉnh uỷ Minh Hải vào năm 1979, vẫn thường xuyên cho mời tôi trực tiếp báo cáo các công việc đang làm ở miền Đông cho tỉnh Minh Hải. Ông Ba Vị cứ hai tuần lễ một lần có gọi tôi đến văn phòng, nói chuyện góp ý với ông về những vấn đề kinh tế của tỉnh Bạc Liêu – Cà Mau. Theo nhận xét của tôi, lãnh đạo tỉnh Minh Hải, thời kỳ ông Mười Kỷ (Phan Ngọc Sến), thời kỳ ông Ba Vị (Đoàn Thanh Vị) làm Bí Thư, cả hai ông này đều quan tâm sử dụng trí thức một cách đặc biệt trong việc góp sức phát triển kinh tế tỉnh nhà. Cả hai ông Mười Kỷ và Ba Vị đã đi đầu và tiên phong sử dụng tiến sĩ Võ Tòng Xuân trong chương trình phát triển cây lúa ở các vùng ngập mặn và đất phèn. Ông Mười Kỷ, ông Ba Vị đã từng xăn quần lội đồng nhiều phen khắp vùng Thới Bình, U Minh, Phước Long, Giá Rai, Năm Căn, Cà Mau… tìm mọi cách mọi cơ hội cùng với tiến sĩ nông học Võ Tòng Xuân để đưa Bạc Liêu – Cà Mau từ một vụ lúa tiến đến làm hai vụ, thay đổi giống lúa, thay đổi cách canh tác. Chính từ việc sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của nhà nông học Võ Tòng Xuân, được sự hỗ trợ tích cực của ông Năm Khai Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ lúc bấy giờ, các nhà lãnh đạo Minh Hải đã làm một bước tiến đột phá toàn diện, mới mẻ ở xứ đồng chua nước phèn. Thái độ của lãnh đạo UBND và Tỉnh Ủy Minh Hải lúc bấy giờ là thái độ mời gọi, mở cửa đón nhận đóng góp của trí thức trong việc hợp tác xây dựng phát triển kinh tế. Cá nhân tôi do có mối quan hệ từ trước giải phóng (1968) với Tỉnh ủy Sóc Trăng – Bạc Liêu, do đã từng được các ông Ba Vị, Ba Hùng, Bảy Nông, Năm Quân, Năm Dũng quan tâm theo dõi từ thời còn chiến tranh chống Mỹ, do đó khi tôi theo chân ông Hai Miên trở về Bạc Liêu lãnh nhận trách nhiệm cùng ông Hai Miên tổ chức việc vận chuyển gỗ cho Minh Hải, tôi đã được khá nhiều sự đồng tình tin tưởng ủng hộ. Trong lúc bên Ty Lâm Nghiệp với lượng kế hoạch thấp hơn mà vẫn khó hoàn thành chỉ tiêu, bên Ty Thương Nghiệp vẫn đạt mức hoàn thành kế hoạch, đó là những yếu tố cụ thể thúc đẩy việc tôi càng lúc càng được chính quyền tỉnh Minh Hải tin tưởng giao nhiệm vụ.

 

Trí thức Sài Gòn, trí thức Việt kiều Pháp, Mỹ lần đầu tiên được lãnh đạo tỉnh Minh Hải tổ chức mời đi thực tế Năm Căn, Sông Đốc.

Tôi còn nhớ giữa năm 1978, chủ tịch tỉnh Minh Hải lúc bấy giờ là ông Bảy Nông (Nguyễn Minh Đức) đã mời đoàn trí thức Sài Gòn đứng đầu là ông Nguyễn Ngọc Hà, bác sĩ từ Pháp về, trưởng ban công tác Việt kiều tại TP.HCM cùng với hàng chục trí thức khác về thăm Bạc Liêu - Cà Mau. Trong đoàn còn có bác sĩ Jeanne Phi, tiến sĩ  Hoàng Long Hưng, tiến sĩ Trần Thành An ở Pháp cùng đại sứ Phạm Văn Ba, và nhiều người khác nữa, trong đó có Ngô Công Đức, Miên Đức Thắng, Huỳnh Thị Mỵ Cơ…Đoàn này được ông Bảy Nông tiếp đón nồng nhiệt, ông đã tổ chức thuyết trình về thực trạng kinh tế Minh Hải và kêu gọi trí thức trong nước ngoài nước góp sức phát triển kinh tế Cà Mau – Bạc Liêu, căn cứ địa của kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Khu 9. Ông Bảy Nông còn cho ông Ba Ngọc - Phó Giám đốc Công an tỉnh Minh Hải, dùng tàu đánh cá 100 tấn chở đoàn trí thức về thăm rừng U Minh, thăm Huyện Năm Căn và thăm Sông Đốc. Được đi tàu trên các vùng kinh rạch sông nước Cà Mau – Bạc Liêu, được hít thở mùi vị hăng nồng của gió biển, của rừng đước rừng tràm, đoàn trí thức lần đầu tiên tham quan tỉnh Cà Mau vô cùng xúc động khi tàu chạy vào những con kênh lạch sâu thẩm ở tận cùng đất Mũi, ở bất cứ nơi đâu vào lúc đó, mọi người trong đoàn đều được tận mắt ngắm nhìn những đền thờ Bác Hồ đã được người dân mộc mạc của tận cùng tổ quốc, xây dựng nên ngay trong thời kỳ ác liệt nhất của kháng chiến. Dấu tích đó đã gây ấn tượng nơi các trí thức Việt kiều ở hải ngoại về tinh thần chấp nhận đấu tranh gian khó của người dân đất Mũi đã nói lên lòng tôn kính của họ đối với chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã soi đường dẫn lối và luôn tạo niềm tin cho họ trong mọi thời kỳ gian khó, để luôn luôn tiếp tục chiến đấu. Chuyến đi tham quan thực tế của trí thức Sài Gòn ở tận cùng Đất Mũi rất hào hứng. Bás sĩ Jeanne Phi đã nhậu rượu đế rất cứng cựa với các ngư dân Năm Căn. Nhạc sĩ Miên Đức Thắng đã đánh đàn ca hát vang dội trên tàu xuyên những làng mạc vùng Năm Căn, Sông Đốc. Chuyến đi gây một ấn tượng khó quên cho cả phía người đi tham quan và cả những người nông dân vùng đất Mũi. Chắc chắn tình yêu quê hương, yêu sông nước, yêu ruộng vườn, yêu cảnh thiên nhiên nơi tận cùng tổ quốc đã để lại trong tâm tư những người từ xa xứ trở về những nốt nhấn đậm đà khó phai.

Lãnh đạo tỉnh Minh Hải gồm ông Mười Kỷ, ông Bảy Nông, ông Ba Vị, ông Ba Hùng từ năm 1978 đã bước đầu hướng về trí thức Việt kiều, kêu gọi sự đóng góp của họ trong việc phát triển kinh tế của quê hương. Lớp lãnh đạo Cà Mau – Bạc Liêu lúc bấy giờ đã trãi qua bao nhiêu năm gian khó nằm gai nếm mật đắng, lòng yêu nước của họ đã thúc đẩy trái tim họ, đầu óc nông dân mộc mạc của họ hướng về những cái mới, họ ý thức rõ: kinh tế của Cà Mau – Bạc Liêu sẽ phát triển mạnh nếu họ quy tụ được trí tuệ, hiểu biết khoa học kỹ thuật, vốn liếng vật chất của những người Việt hải ngoại. Phải chăng, con đường mà lãnh đạo tỉnh Minh Hải đã hướng tới từ năm 1978, là hướng tiên phong báo trước sự cởi mở sau này của đất nước trong việc chào đón mọi tấm lòng, mọi trái tim, mọi trí tuệ của Việt Nam để cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam mới. Rất tiếc, những người lãnh đạo đó của Cà Mau – Bạc Liêu, những con người thật trong sáng, đến nay không còn nữa. Bước khai phá tiên phong của họ đã để lại dấu ấn cho nhiều nơi khác noi theo, dù đã có lúc những người thanh sạch ở Minh Hải, đã phải chịu bao nhiêu bão táp từ trên đầu dằn xuống, do hiểu lầm bảo thủ và vị kỷ với các động cơ cá nhân. Hiện nay kiếm được một ông chủ tịch tỉnh lặn lội chịu khó, bám sát thực tế, hiểu rõ trách nhiệm với dân, luôn có đầu óc sáng tạo như ông Bảy Nông, ông Ba Hùng, ông Năm Hạnh không phải dễ, trong một đất nước mà tham ô, cá nhân chủ nghĩa dễ lây lan hơn những tấm gương hy sinh trong sáng. Rất khó tìm được một ông bí thư tỉnh ủy hai nhiệm kỳ làm TW Ủy Viên, khi bị nhà nước cho về hưu, chỉ có một căn nhà dột nát, phải dãi nắng dầm mưa đi nuôi tôm ở tận đất Mũi, mùa màng cay đắng, khi được khi mất, nhưng vẫn tự hào ôm hoài bão trong sáng của người cộng sản giữ khí tiết trong lúc khó khăn, không cúi đầu nịnh bợ, đôi bàn tay sạch trơn, nhiều khi buồn chán phải cầm ly rượu đế uống nghêu ngao cho quên đời, quên quan trường ô trọc mà trước kia khi đi làm cách mạng trong lòng vẫn luôn luôn khinh bỉ bọn tham quan ô lại, khinh bỉ những kẻ đứng đầu nhưng bụng dạ còn hẹp hơn con tép ở dưới mương đìa. Ông Đoàn Thanh Vị, ngày nay vẫn giữ được khí tiết, vẫn tạo được sự mến yêu của dân Cà Mau – Bạc Liêu và người ta thông cảm sâu đậm với những lý do đã khiến ông dù trên dưới 70 tuổi vẫn thường say sưa với ly rượu đế. Ông uống rượu để tìm hiểu xem tại sao và tại sao trong đất nước này vẫn luôn có những nghịch lý giữa nói và làm, giữa lãnh đạo và những người đi theo… đôi lúc ông lẩm bẩm: “Ngày xưa lúc còn ở rừng, sao không thấy những cảnh nhố nhăng như thế”. Và trong tận cùng của những cơn say, người ta thấy những giọt nước mắt lăn ra trên má của người đã từng làm tư lịnh chiến trường trong thời kỳ chiến tranh Cà Mau ác liệt nhất. Những giọt nước mắt khóc cho bản thân ông hay những giọt nước mắt khóc cho những sai lầm đầy rẫy mà ông phải hứng chịu từ trên trời rơi xuống?!

20-3-15