Những Ngã Rẽ
 

Hồi ký


Dương Văn Ba

 

 


 

Chương 16

ĐI LÀM KINH TẾ Ở LÀO

 

 

Cuối tháng 10 năm 1984, theo gợi ý của anh Tô Thái Học (Sáu Việt Trung), giám đốc công ty XNK Minh Hải (Mihaimex), tôi và anh Huỳnh Kim Báu – Phó giám đốc Mihaimex – quyết định đi Hà Nội để gặp Ủy Ban Hợp tác Kinh tế – văn hóa Việt Nam, Lào và Campuchia. Ủy Ban này lúc đó do ông Đặng Thí, Ủy viên TW Đảng, một người thân cận với ông Lê Duẩn, làm chủ nhiệm.

Chúng tôi đi ra Hà Nội bằng đường bộ, xuất phát từ Tp.Hồ Chí Minh, trên chiếc xe Ford, 12 chỗ ngồi đã cũ. Xe do tài xế Tỵ lái, chạy ngày đêm, từ Sài Gòn ra đến Thủ đô Hà Nội chúng tôi phải mất 3 ngày. Lúc đó Nghệ An chưa có cầu Bến Thủy, chúng tôi chạy qua cầu phao, với cảm giác đang còn trong thời kỳ vừa mới hết chiến tranh. Từ cầu phao Bến Thủy đổ ra Hà Nội xe cũng chạy mất cả một ngày. Lúc đó, tôi và Huỳnh Kim Báu còn ở độ tuổi tráng niên, lòng hăng hái và bầu nhiệt huyết vẫn còn, nên ngồi xe 3 ngày 3 đêm không cảm thấy mệt mỏi.

Ra đến Hà Nội hai anh em chúng tôi vội vã chạy đi tìm ông Trần Chính, Vụ Trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế với Lào. Tôi nói rõ ý định của chuyến đi Hà Nội cho ông Trần Chính, ông ta rất hoan nghênh vì lúc ấy ông Trần Chính được Bộ Trưởng Đặng Thí giao nhiệm vụ tìm một tỉnh phía Nam, mời qua Lào, làm hợp tác kinh tế để vừa phát triển đất nước Lào, vừa tìm thêm nguồn lợi xây dựng một tỉnh của đồng bằng Sông Cửu Long.

Chương trình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào đã được chính phủ hai bên quan tâm thực hiện từ sau năm 1975, lúc đầu việc hợp tác chỉ diễn ra trong phạm vi quân đội hai nước. Quân đội Việt Nam đi Lào để phát triển kinh tế, lúc ấy còn gọi là “Đi C”. Từ cuối năm 1975 đến gần hết 1984 công việc phát triển kinh tế giữa hai quân đội chỉ nằm lẩn quẩn trong phạm vi hẹp giữa các trung đoàn kinh tế bộ đội quân Khu 4, đóng trên địa bàn Nghệ An – Hà Tĩnh – Thanh Hóa. Việc hợp tác kinh tế lúc ấy còn giới hạn trong việc sửa đường, sửa cầu trên đường số 7, đường 8, chủ yếu nối liền giao thông đường bộ giữa một số tỉnh Bắc Trung Bộ với một số tỉnh Trung Lào và Bắc Lào. Giai đoạn sau 1975 đến 1984, việc sửa đường, nối cầu cũng còn giới hạn trong việc san lấp những hố bom, những vũng lầy, những đứt đoạn, những ổ voi ổ gà do thời kỳ chiến tranh còn để lại trên những con đường 8, đường 9 và đường 7. Bộ đội Việt Nam đã rất tích cực trong chương trình nối liền giao thông giữa hai bên Đông và Tây Trường Sơn.

Vào thời kỳ ấy, giao thông trên đường số 1, đường giao thông chủ yếu nối liền Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, có những đoạn rẽ sang Tây Trường Sơn để tìm mọi cách tạo tuyến lưu thông xuyên suốt từ Việt Nam sang Lào, phải nói là một chương trình khá lớn mà Việt Nam đã dốc khá nhiều sức người và của để thực hiện. Đường giao thông từ phía Việt Nam sang phía Lào, lúc đó vẫn còn phải vượt qua những đoạn đường mòn Hồ Chí Minh và vẫn còn sử dụng cái nền tảng cũ của những con đường 6 – 7 – 8 xuyên qua các trục lộ mà thời kỳ Tây còn để lại. Có thể nói mạng lưới quốc lộ Việt Nam trên hướng sang phía Tây vẫn là mạng lưới đường Đông Dương thời Pháp thuộc để lại. Đi qua những đoạn đường đó vào những năm 80 của thế kỷ 20 vẫn còn đầy rẫy những hang ổ, những vết cày xé của đạn bom suốt trong thời kỳ chống Mỹ và đánh Mỹ. Trên những vết thương sâu nứt, lỗ chỗ những hố hầm do đạn bom của mấy chục năm đánh giặc, cày xới, ai có một chút lòng thương yêu quê hương ruột thịt đều cảm thấy đau nhói xót xa. Từ trong nỗi đau nhức sâu thẳm đó, những con tim Việt Nam còn nóng bỏng cũng đều náo nức muốn làm một cái gì đó để xóa hẳn các vết loang lỗ của chiến tranh. Bộ đội Việt Nam sau năm 1975 đến 1984 đã không ngừng thực hiện nhiệm vụ lịch sử chữa lành các vết thương cũ. Đó là một chương trình khá to lớn, nếu không muốn nói là vĩ đại để nâng cấp và nối liền Việt Nam – Lào.

Lào – Việt Nam có đường xương sống chung với nhau là dãy Trường Sơn và rừng Trường Sơn hùng vĩ, xây dựng và phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Lào lúc bấy giờ là phải đi lên Trường Sơn, nối liền Đông và Tây Trường Sơn, nối liền Thượng Lào – Trung Lào – Nam Lào với các tỉnh Bắc Bộ – Bắc Trung Bộ. Chúng tôi, những con người của thành phố Hồ Chí Minh và Minh Hải, do một tình cờ của lịch sử, do một đòi hỏi tất yếu của sự phát triển kinh tế Lào và Việt Nam vào những tháng cuối năm 1984, đã được lựa chọn và chỉ định giao nhiệm vụ nối liền kinh tế Việt Nam – Lào, bởi chuyến đi lịch sử đó, bởi những con người lãnh đạo của tỉnh Minh Hải thời đó, giao cho một sứ mệnh. Lúc đó tôi và Huỳnh Kim Báu cũng không nghĩ tưởng tới những sự lớn lao và phức tạp mà từ sứ mệnh lịch sử này đã “quăng” chúng tôi vào bốn bề rừng núi của Lào, và từ đó chúng tôi dựng lên một điều gì đó thật mới mẽ trên đất nước Chămpa.

Ông Trần Chính – Vụ trưởng vụ hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào thuộc Ủy ban Liên lạc Văn hóa kinh tế Lào – Việt Nam – Campuchia, là một người gốc Hà Nội, đơn giản, cởi mở và chân thành. Ông Trần Chính đã đưa Huỳnh Kim Báu và tôi gặp bác Đặng Thí. Bác Thí, người Quảng Bình, đã nhiều năm đóng vai trò Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ thời kỳ ông Phạm Văn Đồng còn làm Thủ tướng. Gặp chúng tôi hai người làm kinh tế trẻ của thành phố Hồ Chí Minh và Minh Hải đã rất sốt sắng gởi chúng tôi ra Hà Nội tìm đường hợp tác kinh tế với Lào. Bác Thí có nói: “Chính phủ rất tin tưởng những người làm kinh tế ở miền Nam. Các cậu ra đây bản thân tôi rất mừng. Tôi hy vọng hai cậu sẽ làm được một việc tốt ở Lào để giúp cho hai chính phủ Việt – Lào”. Sau cuộc gặp ngắn ngủi với ông Đặng Thí, ông Trần Chính đã vội vã giục chúng tôi lên xe ô tô để cùng với ông đi vào Nghệ Tĩnh gặp đại diện của quân đội Lào đang có mặt tại thành phố Vinh. Chiếc xe Ford của chúng tôi rập rình chạy qua cầu phao Bến Thủy, chúng tôi tìm đường về ngay trụ sở của Ban C Nghệ Tĩnh. Ngay tối hôm đó, một buổi tối trời hơi rét vào những ngày cuối tháng 11 năm 1984, ông Trần Chính, tôi và Huỳnh Kim Báu đã được gặp một Thiếu tướng người Lào, to con, bụng bự, tướng đi chậm chạp nhưng miệng lúc nào cũng tươi cười, đó là thiếu tướng Bun-Niên-Kẹo-Sa-Vang, người gốc Xiêng Khoảng, phó tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần của Quân đội nhân dân Lào. Tướng Bun Niên nói tiếng Việt khá sỏi, trợ lý cho ông trong việc giao tiếp có đại tá Quách Bá Đạt, một người khá lanh lợi, chuyên gia của đoàn cố vấn quân sự Việt Nam tại Lào. Ông Quách Bá Đạt lúc ấy tuổi khoảng hơn 50, nhỏ người, có cặp mắt rất sáng, kêu nhà thơ nổi tiếng Quách Tấn, gốc Bình Định bằng bác (thân phụ của Đại tá Quách Bá Đạt từng giữ chức vụ phó viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao trong chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà). Đại tá Đạt đã có hơn 25 năm phục vụ ở chiến trường Lào với tư cách chuyên gia quân sự của bộ đội tình nguyện Việt Nam. Ông đã từng lăn lộn suốt chiến trường Lào từ Sầm Nưa – Xiêng Khoảng đến Khăm Muộn – Polikhămxay. Cuộc đời thanh niên và tráng niên cũng như lúc gần đến tuổi lục tuần ông đã trải qua ở đất nước Lào, ông nói tiếng Lào, viết được chữ Lào và có thể nói ông thông thạo ngôn ngữ, văn hoá Lào nhiều hơn văn hoá Việt Nam. Có thể gọi ông Đạt là một người Lào không hề sai, cũng như sau này chúng tôi có gặp được đại tá Trần Công Hàm, chuyên gia quân sự Việt Nam bên cạnh văn phòng Tổng bí thư kiêm Thủ tướng Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào là ông Cây Xỏn Phom Vi Hản.

Ông Bun Niên, Đại tá Quách Bá Đạt, ông Trần Chính và Huỳnh Kim Báu cùng tôi đã nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngay trong buổi tối hôm ấy, sau khi chúng tôi ghé Vinh không đầy 4 giờ đồng hồ. Tướng Bun Niên, được sự ủy nhiệm của Bộ Quốc phòng Lào, đại tướng Khăm Tày Xi Phăn Đon, đồng ý mời tỉnh Minh Hải cử một đoàn đại diện có thẩm quyền của Ủy ban tỉnh ra Nghệ Tĩnh rồi sang Lào, bằng con đường số 8 để hội họp cùng phía chính phủ Lào về việc hợp tác kinh tế, phát triển vùng rừng núi Lạc Sao ở Trung Lào (thuộc tỉnh Polikhămxay). Biên bản cuộc họp giữa hai bên do tôi, Dương Văn Ba, soạn thảo bằng tiếng Việt, đại tá Quách Bá Đạt phiên dịch ra tiếng Lào. Thời buổi lúc ấy, giấy viết ở Việt Nam còn khá khó khăn, chúng tôi đã ghi biên bản ghi nhớ thỏa thuận giữa hai bên trên giấy tập học trò. Phía Lào, tướng Bun Niên đã ký với tư cách đại diện Quân đội Nhân dân Lào (vì được bổ nhiệm toàn quyền ký kết bởi Bộ trưởng Khăm Tày Xi Phăn Đon, lúc ấy đương kiêm Phó thủ tướng thường trực chính phủ Lào). Phía đoàn Minh Hải ông Huỳnh Kim Báu và tôi cùng ký tên với tư cách đại diện của công ty Mihaimex và Công ty Gỗ Minh Hải (chúng tôi ra Nghệ An gặp đoàn Lào được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Ủy ban tỉnh Minh Hải là ông Phạm Văn Hoài, tức Ba Hùng).

Biên bản thoả thuận đó chỉ sơ lược có hai điểm:

-  Phía quân đội Nhân dân Lào đồng ý mời tỉnh Minh Hải qua Lào hợp tác khai thác gỗ Lào xuất khẩu và giúp quân đội Lào phát triển vùng rừng núi Trung Lào thuộc địa phận hai tỉnh Khăm Muộn và Polikhămxay.

- Phía Minh Hải đồng ý cử đoàn công nhân và cán bộ sang Lào khai thác gỗ xuất khẩu bằng xe cơ giới và xác nhận sẽ về báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Minh Hải chính thức cử đoàn đại diện sang Lào ký kết hợp đồng hợp tác kinh tế với Bộ Quốc phòng Lào. Biên bản có ghi ngày đoàn Minh Hải dự tính đến Lào là ngày 22 tháng 12 năm 1984.

Ông Trần Chính đã rất hài lòng vì nối kết được tỉnh Minh Hải với Lào. Đại tá Quách Bá Đạt cũng rất vui vẻ, vạch ra cho tôi và Huỳnh Kim Báu một số việc cần làm ngay để giúp bạn Lào. Tướng Bun Niên Kẹo Savang đã hớn hở như vừa làm xong một sứ mạng lớn do cấp trên của ông giao phó. Sáng hôm sau, chúng tôi hai bên chia tay nhau trong tình cảm thân thiết như những người đã quen thuộc với nhau từ lâu.

Vào tháng 11-1984 Huỳnh Kim Báu đang giữ chức vụ Phó giám đốc Công ty XNK Minh Hải (Mihaimex). Giám đốc Mihaimex là ông Tô Thái Học tức Sáu Việt Trung.

Tôi xin nói qua một đoạn về lý do tại sao Huỳnh Kim Báu vốn là một sinh viên thân cộng, thời chế độ Nguyễn Văn Thiệu, quê gốc Quảng Nam - Đà Nẵng, lý do nào đã đưa Huỳnh Kim Báu về làm việc tại Minh Hải?

Sau tháng 4-1975, Huỳnh Kim Báu từ trong rừng ra Sài Gòn, những năm tháng đầu sau thời kỳ giải phóng, Báu làm việc ở Hội Trí Thức Yêu Nước TP.HCM. Lúc ấy, giáo sư Lê Văn Thới một trí thức kỳ cựu của Sài Gòn, nguyên giáo sư các trường Đại học Khoa học Sài Gòn (ông là tiến sĩ Hoá học tại Pháp) theo sự đề bạt của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành phố Sài Gòn Gia Định, ông chấp nhận làm chủ tịch Hội Liên hiệp Trí Thức Sài Gòn, giáo sư Lý Chánh Trung làm Phó chủ tịch Hội, Huỳnh Kim Báu vì là Đảng viên nên giữ chân Tổng Thư ký Hội.

Tính tình của Báu ngang ngạnh hay phát biểu ồn ào và luôn tỏ vẻ không khâm phục cấp trên, cho nên sau khoảng 4 năm giữ chức vụ Tổng Thư ký Hội Trí Thức, Báu được Thành ủy TP.HCM lúc đó ông Phan Minh Tánh (Chín Đào) là Phó Bí Thư Thường trực Thành Ủy, điều động Báu từ Hội Trí Thức đi học khóa bồi dưỡng nghiệp vụ và chính trị tại trường Nguyễn Ái Quốc TP.HCM, thời đó đặt trụ sở tại Quận Thủ Đức. Thời kỳ ấy tôi vừa làm Phó Tổng Biên Tập Nhật báo Tin Sáng, vừa kiếm kế sinh nhai thêm bằng cách tổ chức đoàn xe ‘Be’ tư nhân vận chuyển gỗ thuê từ miền Đông về giao cho tỉnh Minh Hải lúc bấy giờ là ông Mười Kỷ, Phạm Ngọc Sến - Bí thư, ông Đoàn Thành Vị - Phó Bí Thư thường trực, ông Nguyễn Minh Đức (Bảy Nông) - Chủ tịch tỉnh Minh Hải. Những vị này đều biết tôi có hoạt động yêu nước, chống chính phủ Nguyễn Văn Thiệu trong thời kỳ chống Mỹ. Sự thành công của tôi trong giai đoạn 1977 đến năm 1987 tại Minh Hải trong việc giúp Minh Hải phát triển kinh tế có nhiều yếu tố. Trong đó, tôi xin nêu một vài yếu tố sau đây:

-  Nguồn gốc của tôi: quê quán Cà Mau – Bạc Liêu. Trong gia đình có nhiều người thân đi theo Cách mạng từ năm 1947 (chú của tôi, cậu của tôi và mấy bà dì cùng hai người anh trong dòng họ đều theo Việt Minh từ những năm 1949, 1950). Tôi là một trí thức nổi tiếng gốc Bạc Liêu. Thời còn trẻ đã tham gia chống chính quyền Thiệu, từng lãnh đạo một cuộc biểu tình lớn tại chợ Bạc Liêu, đả đảo chính quyền tỉnh Bạc Liêu vào ngày 19-8-1971.

- Thời kỳ làm Dân Biểu Quốc Hội chế độ cũ tại diễn đàn Hạ Nghị Viện Sài Gòn, tôi luôn phát biểu những tư tưởng công khai chống chiến tranh, công khai chống Mỹ can thiệp vào Việt Nam và luôn kết tội chế độ Thiệu tham ô thúi nát (sự tham ô thúi nát thời ấy so vơi những năm sau này chưa chắc ai hơn ai)?!!

Những bài tôi viết trên các báo Tin Sáng, Điện Tín, Tuần Báo Dân Tộc (do tôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút), báo Thời Đại Mới…đều có xu hướng chống Mỹ can thiệp vào Việt Nam và chống chế độ cầm quyền thời đó. Cộng thêm vào sự thành công cụ thể của chương trình kéo gỗ miền Đông và Tây Nguyên, giao cho tỉnh Minh Hải sử dụng phục vụ phương tiện đi lại (gỗ be xuồng), sửa sang nhà cửa ở nông thôn, làm hàng đối lưu cho chính quyền tỉnh thu mua lúa gạo của dân và thu mua heo giao nộp cho Trung ương, là thêm những điều kiện tạo nên sự tín nhiệm của lãnh đạo tỉnh Minh Hải đối với cá nhân tôi.

Huỳnh Kim Báu lúc còn đi học ở trường Nguyễn Ái Quốc, Thủ Đức, còn khá nghèo. Là bạn bè với tôi, lúc đó tôi cũng thỉnh thoảng giúp anh nhiều thứ (một miếng khi đói bằng một gói khi no) và hàng tháng tôi còn hỗ trợ một số tài chính cho Báu. Tình cảm thắm thiết nảy sinh từ đó. Sau khi tốt nghiệp khoá học chính trị cao cấp ở trừơng Nguyễn Ái Quốc II, Báu ngỏ ý với tôi muốn xin về Minh Hải công tác vì anh ta tự nhận thấy ở Sài Gòn không được thuận lợi, do cấp trên của anh là ông Phạm Minh Tánh đã có nhiều “dị ứng” về thái độ ứng xử của Báu. Ông Chín Đào – Nguyễn Minh Tánh là một trong những lãnh đạo chính trị “rất đàng hoàng” được nhiều người kính nể vì thái độ nghiêm túc trong công tác và vì là một người cộng sản thực sự có tâm huyết (đến ngày hôm nay ông Chín Đào đã về hưu, nhưng tiếng thơm về ông một thời kỳ làm quan chức cao cấp nhưng thanh bạch vẫn còn đọng lại nơi những người trí thức biết ông). Vì lý do hơi “kỵ jeu” với ông Chín Đào, Huỳnh Kim Báu né tránh về Minh Hải, tìm đường tiến thân dựa vào mối quan hệ tình cảm với tôi và dựa vào thời kỳ tôi đang được lãnh đạo tỉnh tín nhiệm.

Tôi có trình báo với ông Nguyễn Minh Đức (Chú Bảy Nông) - Chủ Tịch tỉnh Minh Hải về ý định Huỳnh Kim Báu vừa tốt nghiệp Nguyễn Ái Quốc muốn xin về Bạc Liêu phục vụ. Tôi có nói với ông Bảy Nông: “Chú Bảy hãy tin cháu, Báu là người có năng lực và rất có nhiệt huyết phục vụ xã hội. Xin chú Bảy tin cháu mà nhận Báu về công tác tại Minh Hải”. Ông Bảy Nông có nói với tôi: “Mày nói nó là tri thức tốt của Sài Gòn, là bạn của mày, tao tin. Để tao bàn với Sáu Việt Trung xin nó về giúp một tay cho Sáu Việt Trung (GĐ Mihaimex), mày bảo nó làm đơn xin chuyển về đây, tao sẽ có ý kiến xin với Ủy Ban TP)”.

Ngoài việc vận động với ông Bảy Nông - chủ tịch Tỉnh Minh Hải, tôi còn vận động với ông Tô Thái Học – Sáu Việt Trung. Anh Sáu Việt Trung nói: “Mày là em nuôi của tao, tao tin mày và tin trí thức Sài Gòn. Tao đồng ý nhận nó về để phụ trách cơ quan đại diện Mihaimex tại Sài Gòn”. Tôi cũng có vận động cho Báu được về Minh Hải với ông Trang Anh Khải, Phó chủ tịch tỉnh Minh Hải phụ trách kinh tế. Ông Năm Khải có vài lần gặp Báu ở Sài Gòn, nên ông ta tán đồng ngay. Đích thân ông Năm Khải đã nói thêm nhiều điều có lợi cho Báu đối với ông Bảy Nông và ông Sáu Việt Trung. Tháng 10-1983, trong lúc tôi được bổ nhiệm Phó Giám đốc Công ty gỗ Minh Hải thì Huỳnh Kim Báu cũng được bổ nhiệm làm chức vụ Trưởng cơ quan đại diện Mihaimex tại Sài Gòn với tư cách Phó Giám đốc Công ty XNK Minh Hải.

Về làm công tác cho tỉnh Minh Hải, được hậu thuẫn tích cực của anh Sáu Việt Trung, Huỳnh Kim Báu đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ được tỉnh giao. Ông Sáu Việt Trung rất tín nhiệm Báu và đã hết lòng nâng đỡ Báu bằng cách hỗ trợ cho Báu về uy tín đối với Bộ Ngoại Thương, đối với Ngân hàng Vietcombank TP.HCM và đối với Tổng Công ty XNK Generalimex lúc đó do ông Nguyễn Xuân Quang làm Tổng Giám đốc.

Do Báu có khả năng làm việc, biết tính toán, lanh lợi và khéo léo lấy lòng hai ông Nguyễn Nhựt Hồng (GĐ Vietcombank Sài Gòn), Nguyễn Xuân Quang (Tổng Giám đốc Generalimex) cho nên từ cuối năm 1983 đến cuối năm 1984, Cty XNK Mihaimex có chiều hướng đi lên rõ rệt. Uy tín của ông Tô Thái Học đối với Tỉnh Ủy cũng đi lên. Riêng Huỳnh Kim Báu đã được ông Ba Hùng - Chủ tịch tỉnh Minh Hải, ông Năm Hạnh (Lê Văn Bình) Phó Chủ tịch Tỉnh tin cậy. Quan hệ cá nhân của tôi và Huỳnh Kim Báu ngày càng thắt chặt. Lúc đó mỗi buổi sáng trước khi đi làm việc Báu đều ghé vào nhà tôi ở số 3-14 Võ Văn Tần, Q.3 để bàn bạc công việc, cùng đi ăn sáng với nhau và cùng đi liên kết một số công tác tại Sài Gòn.

Chính vì mối quan hệ thân thiết đó mà Huỳnh Kim Báu và tôi được Chủ tịch UBND Tỉnh Minh Hải ông Phạm Văn Hoài tức Ba Hùng cử đi Lào mở đầu cho chương trình hợp tác phát triển kinh tế với Bộ Quốc Phòng Lào.

Tỉnh Minh Hải thời kỳ sau Đại hội Đảng của tỉnh tháng 6-1983, được lãnh đạo bởi một tập thể cán bộ đã từng kiên trì theo cách mạng, đoàn kết với quyết tâm xây dựng, một tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu tiến bộ, đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc. Lãnh đạo tỉnh Đảng bộ Minh Hải thời kỳ đó là một tập thể đứng đầu bởi sự lựa chọn của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhưng đồng thời cũng nhờ sự hướng dẫn cố vấn của ông Võ Văn Kiệt – Uỷ Viên Bộ Chính trị, lúc đó đương kiêm Phó Thủ Tướng Chính phủ.

Ông Đoàn Thành Vị, Trung ương Ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy là một con người chân chất, sống đơn giản đạm bạc, cả hai thời kỳ làm Trung ương Ủy viên, gần 8 năm làm Bí thư tỉnh ủy tỉnh Minh Hải lúc về hưu và già, vẫn ở một căn nhà lụp xụp, nhỏ hẹp tại chợ Cà Mau. Đời sống vẫn thiếu trước hụt sau, đã lớn tuổi vẫn phải đi vào vùng U Minh, lặn lội nuôi mấy sào tôm sú.

Ông Phạm Văn Hoài, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, một con người bộc trực có nhiều hiểu biết về kinh tế, rất mạnh dạn quyết đoán trong việc chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển tỉnh nhà.

Ông Trần Hữu Vịnh, Phó Bí thư tỉnh ủy, một con người mực thước, dè dặt, kỹ lưỡng trong vấn đề lựa chọn cán bộ, một con người không có đầu óc bè phái.

Ông Lê Văn Bình, Thường vụ tỉnh ủy, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, từng nhiều năm làm cán bộ lãnh đạo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản phụ trách các tỉnh Phía Nam. Ông Năm Hạnh (Lê Văn Bình) thông minh, nhạy bén, có kiến thức tổng quát, có trình độ văn hoá, đầu óc cởi mở luôn hướng về cái mới, luôn năng động, sáng tạo tìm mọi cách phát triển đời sống kinh tế của tỉnh nhà.

Tôi xin phép nói qua một số điều về các ông lãnh đạo này của tỉnh Minh Hải vì thời kỳ mấy ông đương quyền, kinh tế của tỉnh Minh Hải, văn hoá của tỉnh Minh Hải có những bước đột phá, cởi mở rõ rệt có lợi cho đời sống nông thôn. Chính vào thời kỳ này, ông Trang Anh Khải, tỉnh ủy viên được cử làm Phó chủ tịch phụ trách kinh tế. Ông Năm Khải từng nhiều năm giữ chức vụ Phó Văn phòng Khu ủy Khu 9, ông có một số hiểu biết về kinh tế và đầu óc cũng khá bén nhạy với những vấn đề thực tiễn. Ông Năm Khải từng phụ trách công ty XNK Minh Hải. Sau đó là thời kỳ ông Sáu Việt Trung tức Tô Thái Học, người đã đem đến nhiều cái mới cho Công ty XNK Minh Hải, vấn đề khoán sản phẩm, vấn đề sử dụng chuyên viên trí thức, không phân biệt đối xử với người từng sống trong chế độ cũ hoặc người đi theo cách mạng mút mùa. Ông Sáu Việt Trung cho rằng phải biết sử dụng các chuyên gia trí thức mới có thể đổi mới được cung cách làm ăn. Thời kỳ ông Sáu Việt Trung làm giám đốc Mihaimex, theo sự giới thiệu của tôi ông Sáu Việt Trung đã mạnh dạn mời kỹ sư Huỳnh Hữu Lộc một chuyên gia cơ khí từng du học ở Nhật Bản về Bạc Liêu thiết kế và xây dựng lò sấy tôm, sấy cá khô cho tỉnh Minh Hải. Ông Sáu Việt Trung biết rõ kỹ sư Lộc từng tổ chức vượt biên và từng bị giam cầm ở Bến Tre 2, 3 năm liền, nhưng vẫn mạnh dạn sử dụng. Cũng chính từ ông Sáu Việt Trung đề xuất với ông Ba Hùng - Chủ tịch Tỉnh Minh Hải, với ông Năm Hạnh Phó Chủ tịch mà chương trình Minh Hải hợp tác làm kinh tế với Lào mới được đề xuất và thực hiện.

Tỉnh Minh Hải lúc đó có những người có đầu óc rất mới, từng nhiều năm trăn trở về cảnh sống cực khổ của dân Bạc Liêu – Cà Mau, đường bộ thì nhiều đoạn ngập lụt, sình lầy năm nào cũng hư hao, đường sông thì bà con nông dân rất thiếu xuồng ghe để đi lại. Nhà cửa ở nông thôn ở các vùng sâu, các vùng từng là căn cứ địa của cách mạng thì chỉ là đa số “nhà lá, nhà đạp”. Gọi là nhà đạp, ý ám chỉ cái nhà khá mong manh xiêu vẹo, chỉ cần lấy chân đạp năm bảy cái là nhà có thể bị sụp đổ, gỗ dùng để làm kèo cột làm sườn nhà lúc ấy còn rất thiếu. Các vị lãnh đạo tỉnh Minh Hải lúc đó hy vọng thiết kế được quan hệ hợp tác phát triển kinh tế với quân đội nhân dân Lào, Minh Hải sẽ có thêm được nhiều cây gỗ để cung cấp cho nhân dân vùng nông thôn sửa nhà cửa, xây nhà mới, cất trường học ở khắp các xóm làng bằng cây gỗ của Lào, hình thành chương trình “ngói hoá và gỗ hoá ở nhà nông thôn”. Một người mạnh dạn cổ vũ cho chương trình này là Nguyễn Quang Sang một cán bộ tập kết từ ngoài Bắc về, quê ở Đầm Dơi, Cà Mau, người rất hiểu rõ sự cần thiết của gỗ be xuồng, gỗ làm ghe tàu. Gỗ để xây nhà cho dân Bạc Liêu – Cà Mau. Do ý thức đó mà ông Nguyễn Quang Sang mặc dù đang giữ vai trò Trưởng ty Tài chính vẫn đốc thúc ông Chủ tịch tỉnh là ông Ba Hùng mạnh dạn đưa quân tiến công vào rừng Lào để đem gỗ về xây dựng nông thôn Minh Hải. Thời kỳ đó, tỉnh Minh Hải có những con người đầy nhiệt huyết, đầy ưu tư trăn trở làm thế nào để đổi mới được quê hương, một quê hương mà nhiều chục năm trước họ đã rũ áo ra đi theo tiếng gọi của cách mạng để có ngày trở về làm cho nó khá  hơn, sạch sẽ  hơn, khang trang hơn. Những con người như Nguyễn Quang Sang, Tô Thái Học, Nguyễn Văn Mười, Lê Văn Bình và một số người khác nữa trong một số ngành như báo chí, tuyên huấn, giáo dục ... Có thể gọi những người con người đã được lựa chọn, sàng lọc bởi tấm lòng muốn làm một cái gì đó cho quê hương Cà Mau đổi mới, những con người đã được ê kíp ông Ba Vị, ông Ba Hùng, ông Năm Hạnh chọn lọc như “lựa chọn những con gà đá độ” để mở màn một thời kỳ cái xứ tận cùng trời đất là Đất Mũi – Năm Căn, là Cà Mau – Bạc Liêu vươn vai đứng dậy, thẳng bước vào con đường đổi mới. Nhớ lại thời kỳ đó, nhớ lại những con người cách mạng hăng hái, bộc trực sạch sẽ đó, đã từng được một số bô lão khó tánh của cách mạng Cà Mau – Bạc Liêu như ông Võ Văn Sĩ, ông Sáu Nhân, ông Sáu Đức và cả ông già khó tính Hai Sớm nữa ... không khỏi bùi ngùi nhớ lại cái hào khí của những con người cách mạng Cà Mau – Bạc Liêu thức thời, với lòng tin yêu tràn đầy vào điều tốt, vào lẽ phải, vào ích lợi thực tiễn cho dân, đã dám gan liều “ đi trước thời đại”, dù là ở một tỉnh nhỏ xa xôi, tận cùng trời cuối đất vẫn dám hiên ngang làm một điều gì đó có lợi cho dân nghèo Cà Mau – Bạc Liêu, “dám cả gan” đi trước cấp trên ở tận trên đầu triều đình xa kia... Chính ở Minh Hải, Cà Mau – Bạc Liêu những con người như Ba Vị, Ba Hùng, Năm Hạnh đã tiên phong đổi mới sớm hơn, trước hơn nhiều ông to ở trên cao, nếu giờ đây bình tĩnh, khách quan và toàn diện xét lại những chương trình đổi mới kinh tế, đổi mới xã hội của họ.

Cà Mau – Bạc Liêu dù xa xôi nhưng đã đi trước mở đường, mạnh dạn hợp tác kinh tế với Lào, Campuchia...

Cà Mau – Bạc Liêu dù là một vùng đất “quê  mùa” nhưng đã mạnh dạn mở cửa, mời gọi trí thức Việt kiều và trí thức trong nước về hợp tác giúp ý kiến tư vấn phát triển kinh tế.

Chính Cà Mau – Bạc Liêu đã đi đầu trong phong trào ngói hóa trường học nông thôn, từng bước tiến tới thực hiện chương trình 10 -15 năm tập trung ngói hóa toàn bộ nông thôn ... Chữ “ngói hóa” dùng ở đây chỉ là hình tượng cụ thể của ý đồ tập trung ưu tiên, mạnh dạn đầu tư cho vùng sâu vùng xa, đổi mới vùng sâu vùng xa bằng cách tập trung vốn, tập trung trí tuệ, tập trung sức người và của, ưu tiên phát triển nông thôn. Nông thôn Cà Mau – Bạc Liêu phải trở thành những điểm sáng kinh tế, văn hoá, xã hội và luôn luôn có phát triển công nghiệp hóa từng bước các ngành nghề của nông thôn. Nông thôn được hiểu bao gồm rừng lúa, vùng rừng, vùng biển U Minh, Sông Đốc, Năm Căn, Cái Nước của Trần Quang Thời... Những người làm cách mạng ở Cà Mau – Bạc Liêu đã ý thức được muốn đưa Cà Mau – Bạc Liêu đi lên phải phát triển mạnh về vùng biển, về các vùng sông nước. Ông Năm Hạnh đã có lần phát biểu để mở rộng Bạc Liêu phải đưa thành phố Bạc Liêu ra sát biển, phải mở con đường quốc lộ từ Bạc Liêu xuống Năm Căn và tìm cách vòng qua Sông Đốc. Xét về phương diện phát triển kinh tế cho cả vùng bán đảo Cà Mau, đó là một ý tưởng tiên phong độc đáo. Giờ đây, ý tưởng đó đã được thực hiện một phần qua chủ trương xây dựng cụm khí điện đạm Cà Mau. Nếu từ thời 1983 – 1984 những ý tưởng mới, những sáng kiến về phát triển kinh tế của ông Ba Hùng, ông Năm Hạnh, ông Ba Vị, ông Bảy Nông, được tiếp tục thực hiện. Có lẽ ngày nay hai chữ lạc hậu đã được xoá sổ trong cảnh sống của nhân dân một vùng mà thời kỳ cách đây không xa lắm đã kiên trì nằm gai nếm mật, đến bây giờ vẫn chưa thấy được hào quang của sự đổi đời.

Những dấu ấn lịch sử vẫn còn đó, những con người đã mạnh bạo đề xuất và thực hiện chương trình đó. Đến nay, năm 2006 một số vẫn còn sống và một số đã chết... nhưng cái hào khí, sáng kiến, cái bạo dạn, cái một lòng vì những người dân nghèo của một tầng lớp cán bộ lãnh đạo Cà Mau – Bạc Liêu vẫn còn đó. Dù ai có quyền lực lớn lao đi nữa, muốn bôi đen, muốn xoá bỏ cái hào khí đó, ngày nay rất nhiều người dân, rất nhiều cán bộ còn sót lại của Cà Mau – Bạc Liêu vẫn không thể quên.

Ngày 18-12-1984, ông Lê Văn Bình, phó Chủ tịch Thường trực của UBND tỉnh Minh Hải, theo lời mời của Bộ Quốc phòng Lào – đại tướng Khăm Tày Xi Phăn Đon vừa là Bộ trưởng vừa kiêm chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ Lào – đã hướng dẫn một đoàn cán bộ của tỉnh Minh Hải sang Lào bàn chuyện hợp tác làm ăn. Cùng đi với đoàn Minh Hải có ông Lê Công Giàu, lúc bấy giờ là giám đốc công ty Bao bì xuất khẩu của TP.HCM (Wopacex). Đoàn Minh Hải gồm có ông Nguyễn Quang Sang – Giám đốc Sở Tài Chính, ông Huỳnh Kim Báu – Phó Giám đốc Mihaimex, ông Trương Công Miên – Giám đốc công ty gỗ, ông Dương Văn Ba – Phó Giám đốc công ty gỗ.

Chuyến đi đầu tiên qua Lào tìm cách hợp tác phát triển kinh tế của ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh) khá gian nan vất vả. Từ Bạc Liêu ông Năm Hạnh phải dùng chiếc xe Niva (Liên Xô) để lên Sài Gòn. Tại Sài Gòn, ông có gặp được ông Nguyễn Võ Danh (Bảy Dự) lúc đó là Phó chủ tịch thường trực của TP.HCM phụ trách kinh tế. Hai ông Phó chủ tịch của hai đơn vị miền Nam đã sơ bộ bàn với nhau về ý đồ hợp tác phát triển kinh tế với Lào. Ngay từ khởi điểm, lãnh đạo của tỉnh Minh Hải gồm ông Ba Vị (bí thư), ông Ba Hùng (chủ tịch tỉnh), ông Năm Hạnh (phó chủ tịch tỉnh) đã có ý đồ kéo Sài Gòn vào tham gia cùng làm ăn với Lào. Đó là lý do tại sao có Lê Công Giàu, giám đốc một công ty kinh tế của Sài Gòn cùng đi với đoàn Minh Hải (Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu và tôi cùng là bạn bè trí thức của Sài Gòn cũ).

Ra đến thành phố Vinh việc đầu tiên của đoàn Minh Hải đi công tác Lào là phải tìm cách xin giấy phép thông hành tại Sở Công an Nghệ Tĩnh để sử dụng đường số 8 đi Lạc Sao. Việc này đã có cán bộ  của Ủy ban Hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia (cơ quan trung ương của ông Đặng Thí) túc trực tại Vinh để chạy giấy tờ giúp.

Tưởng là nhanh vì có Phó chủ tịch tỉnh Minh Hải dẫn đầu, nhưng thực tế cũng phải mất 2 ngày với hai, ba lượt chạy tới, chạy lui tại các cơ quan ở Nghệ An mới xong.

Đoàn khởi hành đi Lạc Sao, từ 4 – 5 giờ sáng. Cùng theo đoàn có chuyên gia của Ban C trung ương tên là Trần Văn Sài, vì ông này đã rành thủ tục qua biên giới (chúng tôi muốn nhắc rõ chi tiết này để cho đọc giả cuốn hồi ký biết rõ là ngay từ đầu khởi đi thương lượng làm ăn kinh tế với Lào, tỉnh Minh Hải đã có sự thúc đẩy, đồng ý và sự giúp đỡ của cơ quan hợp tác kinh tế cao nhất của chính phủ là Ủy ban Hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia, lúc đó do ông Đặng Thí làm chủ nhiệm của Ủy ban, hàm Bộ trưởng là người cho phép và thúc đẩy).

 

 

 

 

20-3-15