Phan Vũ đọc “Hà Nội phố” đêm giao thừa đại lễ

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Hà Nội trong anh là một Hà Nội xưa đã mất. “Ta còn em… là ta nhớ em đã qua” những người đẹp xưa, nay yên phận làm những bà già. Hoặc là bóng dáng phảng phất còn đây của những người đẹp đã di cư, những người đẹp “Khăn san bay lả lơi trên vai ai…”

 

Tháng 5 ngay sau giải phóng 1975, Phan Vũ đã đến ở chơi và ngủ lại nhà Trịnh Công Sơn và Sơn nghe Hà Nội phố, bảo: Không ngờ chiến tranh khói lửa mịt mù mà Hà Nội có dòng thơ lãng mạn thế này”.

“Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”

Phan Vũ hào hứng nói về cuộc biểu diễn thơ sắp tới của anh. Biểu diễn bài Hà Nội phố với độc một tiếng đàn guitar của Lê Minh Sơn. Sơn bàn: “Anh sẽ tắt hết điện. Em mua nến anh cắm. Em chịu tiền”. Khi ở Sài Gòn, Phan Vũ mail thơ cho Sơn. “Cậu ấy reo trong máy: Em không ngờ. Có những câu thơ anh đã lớn tuổi, sao làm được thế?”. Họ sẽ bài trí đơn giản – nếu là bức tranh Hà Nội của Phan Vũ, bức “mảnh trăng mồ côi mùa đông”. Ngôn từ, không cần bày biện. Có người lo lắng: ngôn từ thơ mộng mà Sơn tung hoành cái guitar thì kinh khủng lắm. Có người sợ loãng. Nhưng Phan Vũ không sợ. Sẽ có đoạn tắt đèn đi và giọng Phan Vũ đọc “đêm tháng chạp”. Anh kể về “lý do” của cái đoạn “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”: nguyên đó là tiếng đàn của một cô gái đầy tài năng, học hành “theo kiểu Đặng Thái Sơn” nhưng ngày ấy con nhà tư sản là thành phần khó được học đại học. Cô ấy chờ mãi người đưa thư, mong cái giấy báo trúng tuyển. Phan Vũ bảo: Nếu em đậu được đi đại học, anh sẽ tặng em bó hồng đẹp nhất. Vào mùa đông lạnh, mặc áo kiểu ngư dân đánh cá của Anh, nghe cô chơi nhạc Beethoven. Đừng viết tên cô ấy ra nhé, cô ấy đã lớn tuổi, đang sống buồn ở nước ngoài, chỉ chơi đàn ở vùng ngoại ô. Sống bằng trợ cấp người già. Buồn đến nỗi mua đất làm huyệt sẵn cho mình, hàng ngày cô ra thăm huyệt...

Vào cái năm chiến tranh, bom Mỹ ném xuống phố xá Hà Nội ấy, đánh trúng vào ngôi nhà cô gái. “Tôi thấy cô chạy ra với chiếc mũ sắt đội đầu. Mái nhà bị tốc hết, trơ ra cây đàn piano với lả tả bay các tờ giấy chép nhạc”. Tôi có viết về hình ảnh cô gái đi sơ tán không có đàn mang theo, phải vẽ phím đàn đàn trên sàn gỗ nhà dân nơi cô sơ tán để tập bài tập đàn. Chủ nhật được nghỉ cô mới về Hà Nội chơi trên cây đàn của mình.

Yêu cái hồn, không cắt nghĩa

Mỗi lần ra Hà Nội, anh thường lang thang một mình cô độc trên các con phố xưa. Miên man đến nỗi “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”. Anh cứ đi như thế để tìm lại cái hồn sâu lắng của Hà Nội. Có phải bây giờ nó mất hết do đô thị hóa ào ạt và không thể cất tiếng trong cái đại công trường? Những trung tâm hội nghị quốc gia quốc tế, liên hiệp thể thao, khu thương mại, đô thị mọc lên với kiến trúc mang phong cách châu Âu có công viên cây xanh, trường học, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí, sân tennis. Tất cả hiện có là “văn minh phá không khí, chẳng biết mất cái gì. Chỉ thấy mất” như lời nhà thơ Hoàng Cầm nói về cái làng “bên kia sông Đuống” của ông hôm nay?

Hà Nội hôm nay thế nào trong tim nhà thơ Hà Nội phố? Bây giờ đi qua phố cổ, nhìn vào các cửa hàng ông có còn thấy toàn ánh mắt như muốn móc ví người ta ra và khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, lòng mới yên trở lại khi thấy cô gái áo dài vàng chạy xe máy, có vẻ thật hơn? Đã có lần nhà thơ giải thích: Yêu Hà Nội không cần cụ thể. Một cái hồn, không cắt nghĩa. Thơ anh không vần, đã có một bạn Việt kiều nhận xét: “Yêu Hà Nội không rõ cái gì cụ thể. Một cái hồn không cắt nghĩa được, đọc lên rung động, yêu và nhớ Hà Nội da diết”. Hay là chính tình thương nhớ Hà Nội đã tạo nên vẻ đẹp khó cắt nghĩa ấy? Tình thương nhớ như tiếng kêu của hai nhạc sĩ họ Hoàng nói lên đại diện: “Hà Nội ơi, những ngày vui đã qua mau, biết người còn nhớ nhung chi” (Hoàng Dương) và “dù có đi bốn phường trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội” (Hoàng Hiệp). Có phải cái đẹp man mác nao lòng đó chính là do lòng thương nhớ tạo ra? Dưới mắt Phan Vũ, người Hà Nội hôm nay “hiện đại, hoang dã, công tử. Đám tinh túy vẫn mang hồn Hà Nội. Từ xưa đến nay lúc nào cũng có sự tinh tế, dù cuộc sống có càn quấy. Nay sống quá bạo đi, nhưng vẫn có cái tinh túy nối tiếp rất nhiều đời mới có được”. Thế hệ trước Phan Vũ, như anh dẫn ra trường hợp Đoàn Phú Tứ đi dạy học, ăn mặc chỉnh tề, còn có cả cây ba toong đi vào lớp dạy văn. Đến Phan Vũ thì phong cách bụi. Lớp kế tiếp theo hiện nay hoang dại tài năng sống hết mình. Phan Vũ ấn tượng với tuổi trẻ Hà Nội. Anh đi uống cà phê tối ngắm cả trăm cặp ngồi sát bên nhau “mặt chúng nó có ánh sáng trí tuệ thông minh”. Hà Nội tanh bành đại công trường nhưng thế nào cũng có những đặc tính riêng. Người Hà Nội sẽ tụ tập. Bề bộn sẽ tự thu dọn, sẽ tạo nên một nơi không đâu có được, Sài Gòn, Paris cũng không có được. Phan Vũ bảo anh không sợ mất Hà Nội như mọi người đang sợ.

Tài hoa lúc nào cũng có

Phan Vũ muốn nói trong cái đêm thơ đặc biệt của anh diễn ra vào đúng giao thừa đại lễ 1.000 năm Thăng Long, muốn đánh dấu cho Hà Nội một kỷ niệm không thể quên được. Suốt giờ, anh sẽ cùng một nữ sĩ của Hà Nội đọc bài thơ Hà Nội phố trong tiếng guitar của Lê Minh Sơn. Anh sẽ mặc bộ đồ thế nào đây? Ai cũng biết Phan Vũ ngoài 80 vẫn phóng xe tốc độ trên quốc lộ ở Sài Gòn như tụi trẻ. Vẫn vẽ say sưa.

Vào đêm đọc thơ giữa giao thừa đại lễ nghìn năm Thăng Long, anh sẽ gửi những hoài niệm của một Hà Nội lộng lẫy, ẩn náu từ xa lắc xa lơ, hình ảnh đan xéo không thứ tự. Sẽ tìm lại cơn lốc thổi lá sấu bay trên đường, lần lượt những tình yêu cùng năm tháng, những gương mặt người như họa sĩ Bùi Xuân Phái “mặt nhợt nhạt vì không có cà phê”. Và chắc chắn không tìm thấy ai cả. Nhưng Phan Vũ hôm đó sẽ mặc “đồ lớn” khác với phong cách hàng ngày của anh rất bụi, anh giành sự trân trọng nhất cho thơ. “Mặc đồ lớn complê vì thơ nó phải như thế, dành cho thơ phần cao nhất”. Phan Vũ bảo bài thơ Hà Nội phố có được sự phổ cập rộng qua nhạc Phú Quang, nhưng thật ra đó là một bài trường ca dài, bổ sung suốt bao nhiêu năm. Bạn bè thân xui anh chép tặng và mỗi lần chép ấy là một lần bổ sung không giống nhau. Anh hy vọng lần đọc này sẽ là bản chính thức cuối cùng của quãng đời ở trọ trần gian, được sống lâu hơn rất nhiều người bạn bè đã mất. Nói một lời công khai với người Hà Nội. Trong đêm thơ ấy anh sẽ nhớ lại những người đầu tiên cùng anh sáng lập ở trong Ban chấp hành Hội Văn nghệ đã qua đời... Nhớ nhiều người Hà Nội.

Cuộc biểu diễn bài thơ, tráng ca Hà Nội phố sẽ diễn ra ở Thư viện Quốc gia với 200 khách mời trí thức, văn nghệ sĩ Hà Nội, một đêm tôn vinh thơ và chắc chắn sẽ để lại một dấu ấn khó quên.
Phan Vũ bảo: điệp từ “ta còn em” là một thách thức, là một tiếc nuối mất mát Hà Nội, nhưng anh bảo: không thể nào “mất” Hà Nội được. Nhiều người sợ chẳng còn gì của Hà Nội xưa nữa, nhưng anh không sợ. Cuộc kiếm tìm Hà Nội xưa đau thương với những con người thân quen có thể sẽ không gặp, xúc động, nhưng anh tin chắc sẽ lại có những góc Hà Nội đằm thắm. Bởi tài hoa lúc nào cũng có. Nhà Hồ rời kinh thành mà Bà Huyện Thanh Quan vẫn còn tìm thấy “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”, thì chúng ta sẽ luôn có những truyền thống của Hà Nội xưa. Phan Vũ bước vào đêm thơ với lòng tin mạnh mẽ.

 
Phan Vũ thực sự gắn bó với Sài Gòn, với Nam bộ, nó dính với sinh mạng một thời quyết liệt. Anh từng làm chỉ huy quân sự ở một tỉnh “nhiều cọp nhất Campuchia”. Và tiểu đội của anh từng cõng những thùng vàng trên lưng đi từ Trung ương vào Nam bộ. Bao đạn cũng là bao vàng. Hồn Sài Gòn tôi thương nó từ thời mở đất. Rồi chiến tranh ác liệt chống xâm lược. “Sài Gòn chính là ca khúc bi tráng. Cái phần bi tráng dữ dội lắm”. Ngồi trong hội trường của Đại Hội nhà văn Việt Nam lần VIII, Phan Vũ kể lại lúc đại biểu ngồi chờ kiểm phiếu lâu tới cả buổi. Anh nhớ Sài Gòn và kể về bài thơ lớn về Sài Gòn đang hoàn thành: “Tôi đi tìm những dấu vết của Sài Gòn này, nhắc lại từ thời kỳ sinh viên học sinh xuống đường hoặc chuyện lạ chỉ Sài Gòn mới có: phong trào ký giả đi ăn mày”. Anh nói làm bài thơ ấy còn là cuộc đi tìm nhiều thứ: tìm một người là Trịnh Công Sơn. Chỉ còn tiếng hát sâu thẳm bay lượn trong lòng Sài Gòn và người Sài Gòn.


 

Đọc thêm:

Phan Vũ “Hà Nội phố”: 82 tuổi với tập thơ đầu đời

 

28-9-10