Phan Vũ “Hà Nội phố”:

82 tuổi với tập thơ đầu đời

 

Nguyễn Thị Ngọc Hải

 

 

 

 

 

Tự họa

 

Hà Nội phố - chính là một hồi ký hoài niệm. Mỹ ném bom B52, có thể còn, mất “em” (Hà Nội). Đó là một dòng riêng hoài niệm trong khi bạn cùng lứa làm thơ về chính trị. Họ bảo: Mày vẩn vơ. Nhưng đó chính là nỗi đau tình yêu, chiến tranh. Giản dị nhưng đau sâu, xót xa. Có ông bạn đọc cho vợ nghe. Người vợ khóc.

Nhà thơ Thụy Kha bảo: Thì ra Phan Vũ là một nhà thơ hiện đại!

Vậy trước khi “thì ra” ấy, người ta nghĩ Phan Vũ là ai?

Là bộ đội lúc kháng chiến chống Pháp, người tiểu đoàn trưởng thường làm thơ đọc cho lính, cho giao liên cận vệ nghe. Họ chở vàng và tiền Đông Dương từ TW vào Nam Bộ. “Năm 1946. Mỗi người lính đeo một cái thùng đã hàn kín hoặc đeo hai cát tút đựng vàng. Bao đạn là bao vàng. Đi một tiểu đoàn nhưng chỉ một tiểu đội mang thứ đó.” Ít ai hình dung thi sĩ Phan Vũ đã từng là chỉ huy trưởng quân sự một tỉnh “nhiều cọp nhất ở Campuchia”.

Bây giờ có người bạn làm quan chức ở TP. HCM “xưa chèo ghe cho tôi”. Những chuyện người cùng lứa trong Ban chấp hành chi hội văn nghệ đầu tiên như Trương Bỉnh Tòng, Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai… Phan Vũ bảo với bạn bè: “Thôi xa quá tao quên mất thời kỳ đó rồi”.

Là bộ đội. Là trưởng đoàn kịch Nam Bộ. Đạo diễn sân khấu, điện ảnh, viết báo. “Có đóng vài phim lăng nhăng”. Nghề cuối cùng là vẽ. “Nghề nào tôi cũng thích”. Nhưng bạn bè Hà Nội, Sài Gòn biết ông nhiều là một nhà thơ. Lúc say rượu ông đọc thơ và nhiều người thích nghe. Chứ thật ra, cho đến 2008, Phan Vũ mới xuất bản tập thơ đầu tiên mà ông đề tặng bạn bè “kể như một cuộc trò chuyện”. Và ông nói thêm: “Tập thơ đầu đời của lão già 82”. Hà Nội trong ông là một Hà Nội xưa. Cho nên sau 1954 tập kết ra Bắc, ông thấy “mất Hà Nội”. Những cô đẹp đã di cư, bóng còn như phảng phất. Hà Nội nhiều tài hoa. Rồi người khắp nơi về.

Thời khó khăn bao cấp, ăn một thứ ăn, mặc một thứ giống nhau. Phan Vũ như một “người lạ” đầu tiên mặc quần loe, để tóc dài. Ông ngơ ngác mất Hà Nội xưa buổi sáng ran tiếng “chào cụ ạ, ông ạ, có khoẻ không ạ? Rất văn hoá. Nay nhiều người mặt lạnh, không quen. “Ta còn em…” là ta mất em rồi, tiếc một cái gì xa lắm rồi. Thời Mỹ ném bom miền Bắc, Phan Vũ ở phố Hàng Bún trong căn nhà trước của thiếu tá người Pháp, có lò sưởi to nhưng Hà Nội thời đó nghèo đến nỗi mùa đông lạnh, ông cũng chưa bao giờ dám đốt lên sưởi. Vài bạn bè mang guitar đến chơi. Bùi Xuân Phái đến treo tranh. “Ông ấy đi vẽ đâu, tôi đi theo. Tôi mê vẽ nhưng không dám vì đi cạnh cha vẽ đẹp quá. Mùa đông Hà Nội, hai ông mặc áo dạ dài, đi bộ. Lang thang phố cổ. Sau hắn thuộc lòng không cần đi, vẽ lên cả bao diêm, tay lúc nào cũng hí hoáy. Nó thấm vào tôi”.

Hồi đó ông hay chơi với một cô bé, có hôm mùa đông lạnh quá, nó huýt sáo dưới cửa sổ gọi ông chở nó đến trường.

Rồi người Hà Nội đi sơ tán, tránh bom Mỹ, nhà thơ vẫn cứ lang thang trên phố cổ, bờ sông. Một người bạn quen là cô giáo đi sơ tán cùng học trò bên Cổ Loa. Ngày sinh nhật cô, bom Mỹ thả bến đò Dâu. Ông vẫn cứ đi. Mặc chiếc áo dạ lớn, trong nhét những bông cúc đại đoá.  Giờ chiều qua bến đò Dâu để đúng 7g tối gõ cửa đưa hoa tặng, cô nhận mà ứa nước mắt. Bây giờ cô ấy đang sống ở Anh”.

Mỹ dùng máy bay B52 ném bom. Ông sợ Hà Nội bị tàn phá thành hoang mạc. Mọi kỷ niệm, thương nhớ ùa về. Ông viết những dòng thơ lạ bên cạnh cái lò sưởi, không cố tình. Có nhiều đoạn ông uống rượu say rồi vứt đi. Lúc đó không khí chiến đấu hừng hực, nhiều bài thơ kêu gọi, giọng Mai a, ít ai viết thơ về Hà Nội.

Thơ ông không vần, nhưng có người bạn Việt kiều nhận xét: “yêu Hà Nội không rõ cái gì cụ thể. Một cái hồn không cắt nghĩa được, đọc lên rung động, yêu và nhớ Hà Nội da diết”.

Phải, đọc thơ ông mỗi người sẽ hiện lên kỷ niệm của riêng mình. Thí dụ như lá sấu khô chạy rào rào theo bước chân vào mùa gió thổi.

Sau một đời đào hoa yêu rất nhiều cô mà vẫn cõng vợ từ Hàng Bún đến bệnh viện Việt Xô vì Phi Nga đau tim, Phan Vũ tâm sự: Cái bền chặt nhất với người đàn ông là tình thương chứ không phải tình yêu. Trong tập thơ đầu đời này, Phan Vũ dành “gửi theo Phi Nga” khá nhiều bài thơ hay. “Ông già 82” có một tuyên ngôn về đời mình trong bài “Bình vỡ”:

Xưa tôi có bình, đợi một bông hoa đỏ.
Đến khi bình vỡ rồi thì đầy đường hoa đỏ.

Nhà thơ vừa có một cuộc triển lãm tranh tại Pháp do một người bạn giới thiệu. Ông gọi bà Phượng là “siêu bạn” vì đã thân biết nhau từ khi ông 30 tuổi. Nhà thơ bắt đầu vẽ từ khi bắt đầu 70. “Vẽ trừu tượng ngay. Tôi phải đuổi theo một công việc nhọc nhằn vì bạn bè học vẽ 5, 6 năm rồi ra đời vẽ tới 50 – 60 năm. Tôi đuổi theo. Tôi đọc hội hoạ nhiều rồi nhưng vẽ bằng đầu. Vẽ mãi thành kỹ thuật: Đó là bản năng, màu sắc trời cho, tự nhiên, từ trong tiềm thức”. Màu sắc tranh ông rực rỡ mà êm, hoà hợp những sự trái ngược. “Khi tôi bôi màu lên thì quên ăn quên ngủ”. Ông giữ được sự hồn nhiên, giống như lần này ông sang Pháp, phát biểu trước cử toạ: Mặc dù đến Pháp thời hiện đại nhưng Paris vẫn là Paris trong bài thơ ông học lớp đồng ấu, và ông hát bài hát về bà Gian – đa học từ lớp đồng ấu, mà nay có người giới trẻ Pháp cũng không biết. Mọi người ồ lên thú vị.

Nói đến tính cách Phan Vũ, phải có phần về ăn mặc. Đời ông có hai lần đi nước ngoài. Lần đầu sang Đức, cái thời cán bộ đi phải mượn đồ của Bộ tài chính thì Phan Vũ “chơi” toàn đồ jeans. Đến nỗi có cán bộ báo cáo: Ông Vũ không có quần áo nghiêm chỉnh. Phan Vũ bảo đừng bắt ông mặc những thứ không vừa ý. Cho đến bây giờ ông vẫn mặc “bụi” đến nỗi người vợ trẻ của ông – chị Diễm Chi phóng viên bảo: “Anh đừng vào cơ quan em, ăn mặc vậy mấy bà nói”. Vừa rồi đi Pháp, thi sĩ còn diện quần jean rách nhưng anh bạn Pháp bảo: quần anh mắc tiền hơn quần tôi.

Phan Vũ trẻ. 82 tuổi người ta không thể gọi ông hay cụ, mà vẫn gọi anh. Phóng xe trên xa lộ như tụi trẻ. Lao động sáng tạo, chạy đua với thời gian.

Hỏi anh về Hà Nội hôm nay, Phan Vũ vui vẻ: những người bạn cũ không còn. Những cô người yêu yên phận thành những bà già. Đi qua các phố buôn bán, họ nhìn người qua đường như muốn moi tiền trong túi. Về đến sân bay Tân Sơn Nhất, thấy cô tiếp viên mặc áo dài vàng chạy xe máy, thấy thật hơn, lòng yên trở lại.

Ông nói vậy thôi, nhưng tự nhận là đời mình “dính dáng” Hà Nội, dù là một thứ tình cảm cô độc, bơ vơ trên phố xưa.

Nguyễn Thị Ngọc Hải.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn 10.2008

 

 

 Lên trang này ngày 2-11-08