TIẾNG DÂN
28-11-22

“VINFAST-ism” và Chủ nghĩa dân tộc: Thất vọng gì với hai năm nhìn lại?

Nguyễn Quốc Tấn Trung

VÌ SAO CÔNG NGHIỆP Ô TÔ QUAN TRỌNG?

Cách đây gần hai năm, khi Vinfast lần đầu tiên công bố mẫu xe điện của họ và được nhà nhà hưởng ứng, Trung có một bài viết về khái niệm “VINFAST-ism” – hay “CHỦ NGHĨA Vinfast”.

Tại thời điểm viết bài này, mình từng kỳ vọng về một thứ triết lý thật sự của ngành công nghiệp automobile Việt Nam – do Vinfast xây dựng.

Đến cuối cùng, trong thế giới của văn hóa vật chất, xe hơi/ xe ô tô/ xe bốn bánh là điển hình của tất cả mọi kiểu mẫu cho tư duy dân tộc.

Nói theo các tác giả nghiên cứu lâu năm trong ngành, ô tô là sản phẩm công nghiệp tinh túy (quintessential manufactured) của thế kỷ 20 (và thậm chí là của cả thế kỷ 21). Nó là tạo tác đại diện toàn bộ nền công nghiệp một quốc gia, thứ phức tạp nhất một ngành công nghiệp dân dụng và đại chúng có thể sản xuất.

Trong bài viết, mình cũng bình luận rằng: “Dù là về gia đình, sự thành công, ham muốn tính dục, chủ nghĩa dịch chuyển, sự nam tính hay sự nữ tính… xe ô tô trở thành một kênh để truyền thông tin và kết nối các thành viên trong xã hội.”

Với đóng góp cả về mặt vật chất lẫn tinh thần to lớn, không khó để hiểu vì sao chính quyền Việt Nam lại đặt nhiều kỳ vọng (hợp lý) vào Vinfast như vậy. Cùng vai trò điển hình và dẫn đầu của ngành công nghiệp ô tô cho toàn bộ năng lực sản xuất quốc gia, văn hóa – tư duy dân tộc được khuyến khích gắn liền với nó không phải là điều quá ngạc nhiên.

Tại Hoa Kỳ, chúng ta có “Fordism”, gắn chặt tư duy sản xuất xe tô với “dân chủ hoá” và “bình quân hoá” – nơi mà sở hữu ô tô phải trở thành một đặc tính chung của “người Mỹ”.

Tại Vương quốc Anh, chúng ta có Rolls-Royce, Bentley hay Lanchester… biểu tượng của thịnh vượng và chủ nghĩa tinh hoa (tức không phải ai cũng cần phải sở hữu ô tô).

Hay danh tính công nghiệp của người Nhật được xây dựng bởi Toyota/Honda, nhấn mạnh vào sự ổn định, đáng tin cậy.

Danh tính công nghiệp của người Hàn được xây dựng bởi Huyndai/Kia, nhấn mạnh vào “bám trend”, theo đuổi tích hợp những công nghệ mới nhất.

(Tất cả thường được biết đến với tên gọi chung Auto-Nationalism).

Như bất kỳ nền công nghiệp mới nổi nào, sự xuất hiện của ngành công nghiệp xe hơi là một điềm lành, là dấu hiệu của một nền công nghiệp tự cường và khơi nguồn của tự hào dân tộc.

Nếu Vinfast thật sự xây dựng một thứ chủ nghĩa tiêu dùng đặc trưng, một văn hoá sản xuất chất lượng và có định hướng như những gì Ford hay Toyota làm được, đó quả thật là một điều tốt.

THẤT VỌNG?

Trong suốt hai năm, khó có thể nói các sản phẩm xe xăng của Vinfast đã đóng góp được bất kỳ điều gì trong việc xây dựng một chủ nghĩa sản xuất nghiêm túc, hay một văn hoá tiêu dùng rõ ràng.

Định giá sản phẩm dàn trải từ thu nhập thấp đến trung cấp và đến cả cao cấp;

Chất lượng xe cho đến nay có thể được khẳng định là “hit-or-miss” (aka hên xui);

Nguồn gốc sản xuất và đóng góp nội địa hoá “mờ nhân ảnh”;

Tư duy và sáng tạo nổi bật về mặt công nghệ lẫn truyền thông là không tồn tại;

Thay vì là động lực, là mũi nhọn để phát triển chủ nghĩa dân tộc sản xuất/chủ nghĩa dân tộc vật chất lành mạnh, Vinfast lại mặc tạm chủ nghĩa dân tộc như áo giáp chống đạn cho mọi chỉ trích nhắm đến mình.

Tháng 6 năm 2022, xe xăng của Vinfast chính thức bị khai tử, dù nhiều tháng liền các mẫu xe rẻ tiền của Vinfast đang đứng đầu danh sách bán tại nhiều thị trường khu vực nội địa Việt Nam.

Tháng 11 năm 2022, những lô xe điện đầu tiên của Vinfast được xuất sang… Hoa Kỳ.

Cơ hội xây dựng danh tính Việt của ngành sản xuất ô tô Việt, trong bối cảnh văn hoá – địa lý – nhân học – và tư duy Việt, có lẽ cũng chấm dứt.

“ROMEO PHẢI CHẾT”?

Nhiều người Việt Nam cho rằng ngành xe điện sẽ là thị trường “mới” cho Vinfast, là cơ hội cho Vinfast chuyển mình/thay tên đổi họ trong một sân chơi đầy rẫy những tay to mặt lớn.

Nhưng thị trường xe điện có thật sự “mới” cho Vinfast như người Việt hay tưởng tượng?

Là một người quan sát các kênh truyền thông, kênh văn hoá của giới enthusiast xe phương Tây; và là một người thường quan sát thị trường tại khu vực này; khó có thể nói rằng đây là nhận định đúng.

Hyundai Ioniq đang trở thành hiện tượng ở Bắc Mỹ và được dân chơi xe điện cực kỳ yêu thích (Ngoài ra mẫu Soul EV cũng cực kỳ đắt hàng).

BMW i3 đã là một cái tên phổ biến cho người yêu thích xe điện cỡ nhỏ, xe điện “bổ sung” cho những gia đình dùng xe xăng.

Honda e gây được tiếng vang với độ quái, độc nhưng đi kèm chất lượng truyền thống của hãng. (Và Toyota vẫn lì lợm với niềm tin vào dòng xe sử dụng nguyên liệu “xanh” hydrogen).

Tất cả các hãng xe sang cũng đã có sẵn những lựa chọn xe điện chất lượng (lẫn xe xăng truyền thống) cho giới mộ điệu. Những cái tên có thể kể đến bao gồm Tesla model S, dòng Audi e-tron, dòng Porsche E-Hybrid, Lucid Air, Polestar…

Điều gì khiến cho người ta tin vào Vinfast?

***

Mình không nghĩ rằng Vinfast sẽ tồn tại lâu trên thị trường Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, dù kết quả có ra sao, cơ hội để Vinfast xây dựng “Vinfast-ism” trên đất Việt Nam cho đến nay dường như quá mong manh.

Bài trước: Công nghiệp ô tô, chủ nghĩa dân tộc và “Vinfast-ism”: Mối lương duyên dài lâu nhưng vô định