Dân Luận
9-9-15

 

Thử xem xét việc cắt hợp đồng một nhà báo

 

Trần Quang Hạ

 

DL - Ngày 4/9/2015 khi Đỗ Hùng bị tước thẻ nhà báo thì gần như cùng lúc, Lê Diễn Đức cũng bị cắt hợp đồng trên RFA. Đỗ Hùng "nhạo báng" HCM và Võ Nguyên Giáp, trong khi Lê Diễn Đức "chế nhạo" mặt trận Hoàng Cơ Minh và VNCH. Theo RFA đây chỉ là vấn đề dân sự, không mang tính hành chánh hay chính trị như ở Việt Nam. Sự giải thích như thế có thỏa đáng hay không khi quyết định đưa ra khá nhanh chóng và hậu quả có được cân nhắc thấu đáo?

Trong "đôi lời minh định" về sự kiện nầy, RFA lập luận: Lê Diễn Đức có quan điểm cá nhân không phù hợp với tiêu chí, mục đích và nguyên tắc của RFA.  Được biết nhà báo Lê Diễn Đức đã cộng tác với RFA nhiều năm, về nguyên tắc nhân sự, RFA không thể không biết quan điểm cá nhân một người cộng tác với mình. Nếu đã không phù hợp mà cho người ta viết bài trong nhiều năm thì RFA đã gián tiếp thừa nhận “sơ hở” trong khâu tuyển chọn người cộng tác.

Sự việc cắt hợp đồng và rút toàn bộ các bài viết của nhà báo Lê Diễn Đức xuống ngay lập tức không đơn thuần là vấn đề dân sự mà là sự trừng phạt phát đi thông điệp có ý nghĩa. Cho rằng cái status ngày 30/8 của anh là "gây chia rẽ" thì có thể hiểu được, nhưng còn hàng chục bài viết khác của anh chẳng lẽ không có giá trị gì trong việc đấu tranh với cái ác, chống độc tài và cổ xúy dân chủ? Tôi tin rằng RFA không thiếu cách nhắc nhở, chấn chỉnh để đội ngũ nhà báo và cộng tác viên xây dựng uy tín chung, sự trừng phạt chỉ là biện pháp cuối cùng, là nguyên tắc nhân sự áp dụng cho tất cả chứ không riêng một cơ quan truyền thông.

Trong quá khứ VNCH sử dụng bài hát Thanh Niên Hành Khúc của Lưu Hữu Phước làm quốc ca, mặc dù tác giả bài hát đang là Bộ trưởng Thông tin phía đối nghịch. Điều nầy minh chứng cho sự phóng khoáng rộng mở của một xã hội dân chủ khác xa với chủ nghĩa lý lịch hẹp hòi cộng sản. Trên nguyên tắc, những bài viết của cộng tác viên không thuộc quyền của họ mà thuộc quyền của RFA, là tài sản chung cho công cuộc đấu tranh vì dân chủ tiến bộ. Xóa tất cả bài viết của một tác giả vì vài dòng ngắn ngủi trên facebook là việc làm của tuyên giáo TW chứ không thể của một cơ quan truyền thông hải ngoại.

Cắt hợp đồng của Lê Diễn Đức xảy ra cùng lúc với bộ 4T CSVN rút thẻ nhà báo Đỗ Hùng phát đi một thông điệp. Hậu quả không đơn giản như RFA giải thích Lê Diễn Đức có thể "làm cho hãng thông tấn, tòa báo, tạp chí khác..." mà là việc định giá của phát biểu cá nhân trên mạng xã hội. Nói về sự kiện lịch sử, dù sự thật, chúng ta phải biết uốn éo thế nào để làm vừa lòng người. Status vài dòng không còn chổ để ngẫu hứng tán gẫu vốn là thói quen bộc lộ rất thành thật.

Nhà nước CSVN không cần biện bạch đâu xa, họ chỉ đưa ra bằng chứng RFA để chứng minh rằng ở đâu báo chí cũng là công cụ của nhà nước, phải viết cho đúng tiêu chí nếu không anh sẽ bị trừng phạt. Rằng ở nước ta càng phải kiểm duyệt báo chí để giữ ổn định xã hội, ngay cả nước dân chủ như Mỹ họ còn làm thế huống gì Việt Nam. Các báo đài nước ngoài đều bị cộng sản xem là phương tiện của thế lực thù địch, nếu đem trường hợp nầy ra dẫn chứng không gì hay bằng. Đây mới là hậu quả chính từ một quyết định khá vội của cơ quan truyền thông có số lượng độc giả lớn tại Việt Nam.