“TÔI CÓ GIÚP ĐƯỢC GÌ KHÔNG?”

 

Tạ Thị Ngọc Thảo

Chiều qua, tôi có việc đi ngang cầu Tân Thuận (Quận 7, TP. HCM) và tận mắt chứng kiến 2 cảnh té xe liên tiếp thoát chết trong gang tấc. Lần đầu, là một người đàn ông trung niên đang điều khiển xe gắn máy vận hành tốc độ chậm, đúng luồng, đột nhiên mất phương hướng lệch qua luồng bên kia rồi ngã xuống - không có chiếc xe tải nào cả - hú hồn! Rồi khoảng mươi bước lại một người phụ nữ đang chạy xe cũng tự nhiên té ngã ra phía ngoài vừa lúc chiếc xe tải cùng chiều lướt qua hết phần đuôi. Tôi chột dạ, có cái gì đó bất thường? Liền được nghe bác tài của tôi nói: “Lại dầu rồi!”. “Dầu ở đâu ra?” - tôi hỏi. Bác tài xế giải  thích: “Những chiếc xe bồn chở dầu mazut đi giao cho các nhà máy, khi về ngang khu vực Quận 7 (TP.HCM) thường xuyên bị một số thanh niên kè theo mở van lấy dầu cặn còn đọng lại sau khi giao hàng, vì lụp chụp nên không kịp khoá van lại để dầu rỉ ra trên đường”. Giá 1 lít dầu “chôm” bán được khoảng 2.000 đồng, thế nhưng vì nó mà người này thản nhiên gây đau khổ cho người kia. Lòng tôi quặn thắt!

Thời gian gần đây có những chuyện xãy ra làm lòng nhiều người quặn thắt: Chuyện các em học sinh thường bị bị lật đò dẫn đến không an toàn tánh mạng. Chuyện chất lượng đào tạo kém và bệnh thành tích của ngành giáo dục làm méo mó cả thế hệ. Chuyện vô trách nhiệm của một số y, bác sĩ trong ngành y tế dẫn đến những cái chết đáng tiếc của bệnh nhân. Chuyện đầu tư “nóng” của một số doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường …v.v. Có một cái gì đó bất ổn trong đời sống, có một cái gì đó trục trặc trong guồng máy vận hành của xã hội? Ta không nên đổ thừa tại người dân chấp hành phép nước chưa nghiêm, hoặc tại cơ chế thị trường, càng không nên đổ thừa cho Nhà nước…Vì đổ thừa như thế nó trừu tượng, nó chung chung rồi ai cũng ung dung tự tại. Mối quan hệ giữa người với người cứ thế mà xuống cấp. Do vậy, hãy một lần quy trách nhiệm về cá nhân, từng người hãy xét nét lại bản thân mình để rồi chép miệng nói thầm: “Thì ra, chính mình đã góp phần làm cho cái xã hội này nó trục trặc, chính mình nhiều khi chỉ để hái được một trái (không tưới nước lại đã đành) có khi còn nhổ luôn cả cây”. Mình tệ thật!

Có lẽ đã lâu lắm rồi trong cuộc sống mình đã bỏ quên thói quen tha thẩn, nên ngạc nhiên khi thấy cô gái nước ngoài đi trên hè phố nước mình vừa đi vừa đọc sách, nét mặt thư thái hồn nhiên. Và cũng đã lâu lắm rồi, mình không còn bước chân vào chùa để hít thở hương trầm, nghe tiếng ê a kinh kệ. Ve vẫn kêu mà mình không hay, hoa vẫn nở mà mình không biết. Mình hối hả với cuộc sống, khắc nghiệt với bản thân, trần trụi với người bên cạnh và vô cảm với xã hội. Nguồn gốc của sự bất ổn bắt nguồn từ đó, trục trặc của xã hội cũng từ đó. Mình tội nghiệp mình, lẽ nào mình lướt qua cuộc sống chỉ để tồn tại, như không  có quá khứ, không có hiện tại cũng chẳng có tương lai (mà chính đời mình không có được ba thứ đó thì làm sao con cháu mình có?)

Thôi, trong mỗi chúng ta đừng thờ ơ với cuộc sống nữa, hãy bắt đầu nghĩ về những người chung quanh và làm những điều tốt đẹp cho đời dù chỉ là một việc nhỏ. Nếu đã lỡ “xin đểu” dầu mazut thì hãy nhớ khóa kỹ van sau khi “chôm” để không gây rủi ro cho người khác.  Tưới một cái cây vừa trong tầm tay của mình và ươm một hạt giống xuống đất, nếu có thể. Lớn hơn, là đừng buộc người khác phải về địa phương chứng một cái đơn vớ vẩn gì đó để rồi chính mình cũng không biết để làm gì. Đừng thò tay ký duyệt khởi công những công trình gì đó mà chính mình cũng không hiểu nó sinh ra để làm gì, nhưng cũng đừng chần chừ khi bắt những cây cầu để các em nhỏ sớm được qua sông an toàn, lành lặn….

Thôi, đừng ra quân rầm rộ với khẩu hiệu “một ngày sống vì mọi người” vì như thế thì cá nhân mình lại muốn diễn tuồng cho người khác xem, hoặc mình lại bị người khác giật dây như con rối. Từ trong sâu thẳm của mỗi con người, ta chọn một ngày làm điều gì đó cho những người bên cạnh vui lòng, rồi lặp lại đều đặn cho thành thói quen. Có khó khăn gì đâu khi ta tiếp cận mọi người bằng một nụ cười cởi mở và câu hỏi chân thành: “Tôi có giúp được gì không?”. Và như thế, quy luật của muôn đời tức thì phát huy tác dụng: “người này mang lại niềm vui cho người kia, người kia mang lại niềm vui cho người kia nữa”… Xã hội cứ như thế mà tươi đẹp lên, cuộc sống cứ như thế mà vĩnh cửu.

TẠ THỊ NGỌC THẢO

(Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hoá Phật giáo số tháng 3 – 2007)