Thời báo Kinh tế Sài Gòn
15-7-04

Điều khác thường sau ngày phán quyết
(Những diễn biến đầu tiên trên thị trường mua bán tôm sau phán quyết sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ)

Một diễn biến nằm ngoài dự đoán của những người quan tâm đến vụ kiện bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ là giá tôm, thay vì giảm, đã tăng ngay sau phán quyết sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 6-7-2004. Và người góp phần đẩy giá tôm lên chính là các nhà nhập khẩu Mỹ.

Giá tôm đi ngược vụ kiện

THANH TÙNG

Ông Ngô Tứ Hải, chủ doanh nghiệp Hồng Vân, chuyên mua tôm tại Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết giá tôm sú nguyên liệu đã tăng 2.000- 3.000 đồng/ki-lô-gam so với thời điểm trước ngày 6-7-2004, cụ thể tôm sú cỡ 30 con/ki-lô-gam (mua lựa) giá 102.000 đồng, giá mua xô là 98.000 đồng.

Ông Lê Văn Quang, Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, cho biết khách hàng Mỹ và Nhật cũng đang chào giá mua tôm khá hấp dẫn trong mấy ngày qua.

Giải thích về diễn biến ngược với logic vụ kiện này, một số doanh nghiệp (trong số 21 doanh nghiệp bị áp đặt mức thuế phá giá từ 12 - 19,13%) lý giải, cái gốc vấn đề là cán cân cung cầu tôm trên thị trường thế giới bị mất cân đối do thiếu nguồn cung cấp từ sáu nước bị kiện. Trước vụ kiện, các nhà nhập khẩu Mỹ và Nhật lo ngại mức thuế phá giá của sáu nước sẽ rất cao, nhất là với Việt Nam và Trung Quốc, hai nước bị quy là có nền kinh tế phi thị trường, nên họ chưa dám mua như bình thường.

Tuy nhiên, mức thuế theo phán quyết sơ bộ cho 21/38 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam không cao như dự đoán của các nhà nhập khẩu. Mặt khác, thị trường Mỹ đang có nhu cầu và chấp nhận mức thuế trên, nên họ có kế hoạch mua với số lượng khá lớn tôm Việt Nam, đặc biệt là tôm sú tinh chế cỡ lớn (10-30 con/ki-lô-gam). Đây là cỡ tôm mà Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh so với các nước xuất khẩu tôm khác. Trong khi đó, Thái Lan là nước xuất khẩu tôm tinh chế loại nhỏ hàng đầu vào Mỹ nhưng hiện chưa bị áp mức thuế phá giá nên Việt Nam là điểm nhắm duy nhất của các nhà nhập khẩu ngay thời điểm này.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hiệp hội chế biến - xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nói rằng “tuy thị trường Mỹ còn hẹp do mức thuế áp đặt và đầu mối xuất khẩu bị thu nhỏ nhưng nhà xuất khẩu và nhập khẩu đang tái lập quan hệ”. Ông phân tích thêm, ngoài yếu tố cung cầu, việc Mỹ quay trở lại Việt Nam có nguyên nhân do hai nước xuất khẩu tôm sú lớn là Indonesia và Thái Lan đang chuyển một phần diện tích sang nuôi tôm thẻ chân trắng, mức cung cấp tôm sú cỡ lớn của các nước khác cũng không đáp ứng đủ nhu cầu, khiến Mỹ phải mua tôm Việt Nam.

Theo ông Lực, khả năng Việt Nam được các nhà nhập khẩu Mỹ và Nhật chọn làm nhà cung cấp hàng đầu về tôm sú thay cho các nước khác là hoàn toàn có cơ sở do các lợi thế vừa nêu. Vì thế, giá tôm Việt Nam sẽ không sa sút nhiều trong thời gian tới, nhưng với điều kiện phải đảm bảo chất lượng và có khả năng truy xuất nguồn gốc sản xuất…

Chờ ngày 28-7-2004

Hiện nay, điều mà các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm là chờ xem mức thuế sơ bộ mà DOC “dành” cho bốn nước còn lại (gồm Brazil, Ecuador, Thái Lan và Ấn Độ) cao, thấp ra sao vào ngày 28-7 này. Một nhà doanh nghiệp nhận định những thuận lợi trên khó có thể kéo dài và tương lai con tôm Việt Nam phụ thuộc phần nào vào phán quyết của DOC.

Nếu mức thuế cho bốn nước còn lại bằng hoặc không quá thấp so với của các doanh nghiệp Việt Nam (trừ 17 doanh nghiệp Việt Nam bị mức thuế 93,13%) thì mức thua thiệt của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ít. Ông Lực cho rằng, cán cân cung cầu sẽ quyết định đến khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam, đặc biệt, Việt Nam có lợi thế về sản phẩm tinh chế từ tôm sú cỡ lớn, nếu giá có cao hơn nước khác chút ít, vẫn có khả năng bán được.

Thời gian này, các doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung củng cố chứng cứ về các yếu tố cấu thành sản phẩm, như tỷ lệ nguyên liệu trên mỗi ki-lô-gam thành phẩm, tiền lương, tiêu hao điện, nước… để trả lời trực tiếp với các chuyên gia của DOC vào cuối tháng 8-2004.

Vụ kiện tôm đang đi dần đến điểm gút quyết định vào cuối tháng 8-2004, tức là giai đoạn thẩm tra của DOC để Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) làm cơ sở ra phán quyết mức thuế cuối cùng vào đầu năm 2005.

Phan Văn Kiệt

Cách tính thuế của DOC

Nguyên tắc tính mức phá giá của DOC là so sánh giá bán tôm trên hóa đơn của các doanh nghiệp Việt Nam với giá thành các sản phẩm đó. Tuy nhiên do DOC coi Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường, nên việc tính toán giá thành phải dựa trên các giá trị thay thế của Bangladesh, với giá thành cao hơn giá bán sẽ bị coi là bán phá giá.

Do cách tính thuế dựa trên các yếu tố sản xuất thực tế của từng công ty mà các doanh nghiệp cung cấp cho DOC, cụ thể như, định mức tiêu hao nguyên liệu, điện, nước, nhân công… nên với định mức tiêu hao khác nhau của các mặt hàng khác nhau ở từng doanh nghiệp, giá thành của mỗi doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau; đồng thời với giá xuất của từng đơn vị khác nhau nên mức thuế phá giá cũng khác nhau cho bốn bị đơn bắt buộc. Bình quân gia quyền của bốn mức thuế phá giá này sẽ là mức thuế phá giá chung cho các doanh nghiệp được DOC chấp thuận áp dụng mức thuế suất riêng lẻ. Các doanh nghiệp còn lại phải chịu mức thuế phổ biến dựa trên mức thuế cao nhất do nguyên đơn đưa ra.

Nguồn: Vasep