Người Việt
22-1-15

 

Tưởng nhớ anh Phạm Văn Thuyết

 

Phạm Đỗ Chí

 

1.

 

Khi được tin anh mất, với tôi là bất ngờ, qua anh chị Châu-Khuê Mỹ, tôi bàng hoàng nhưng vẫn có ý nghĩ tưởng tượng là Anh ngủ quên từ đêm trước và trễ hẹn với bạn bè hẹn buổi sáng đi ăn điểm tâm, như anh thường sai hẹn với tôi và nhiều người bạn khác trong các cuộc giao du thường xuyên. 

 

Anh Thuyết thường như vậy, bị bạn thân gọi đùa là "chuyên hẹn lèo" về giờ giấc, nhất là buổi sáng khó dậy sớm. Bực mình với anh thì có về cái sai hay trễ hẹn này, nhưng lâu ngày thì quen tính Anh đi và không ai còn biết giận nữa! Anh nằm yên đây không còn trả lời được nữa nên cho tôi cứ xin bắt đầu về Anh bằng cách kể vui bừa phứa nhé?

 

Ngay cả lúc anh còn đi làm ở World Bank, anh cũng chỉ vào văn phòng lúc 10g-10g 30, rồi chiều tối về rất trễ, và tôi đoán ai cũng quen với giờ giấc của anh từ dạo xưa ở Saigon. Một tiến sĩ Thuyết với cá tính đặc biệt bất kể giờ giấc, làm ai cũng phải theo mình, nhưng lại rất được đồng nghiệp nể trọng và quí mến vì tài năng chuyên môn cũng có mà vì tính vui nhộn trong chuyện trò cũng có. Đó cũng chỉ là một nét nhỏ trong cá tính "ngang, bất cần đời" mà bạn bè thân cũng quen dần ở Anh và chấp nhận anh như thế. 

 

Trong công việc chuyên môn cũng như cách xử thế, anh coi nhẹ mọi việc, không làm quan trọng hóa, dù Anh đã đảm nhiệm nhiều chức vụ cố vấn kinh tế và quản trị xí nghiệp quan trọng trong cả hai khu vực công tư, từ dự án phát triển kinh tế Vũ Quốc Thúc-Lilienthal dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đến khi làm Tổng giám đốc công ty tư nhân Mekong trước 1975. 

 

Vì là hậu bối nhiều năm của anh dù trong cùng nghề, tôi không biết nhiều về Anh trong thời gian trước 1975, ngoài tiếng tăm của anh là Giáo sư kinh tế ở trường Luật Saigon. Tôi vẫn thường hỏi các bạn bè đàn anh cùng thời với anh, sao một người có bằng cấp và uy tín chuyên môn cao như anh không đảm nhiệm một chức vụ chính trị cao như Tổng trưởng Kinh tế hay Tài chính, hay Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, để có thể đóng góp tài năng vốn có hữu hiệu hơn cho các chính phủ VNCH trước 1975?

 

Vài người quen anh nhiều, nhận xét chính vì cá tính xuề xòa "chịu chơi" của anh, Anh Thuyết không chấp nhận được hay hợp với cung cách lễ nghi trịnh trọng của một "ngài Tổng hay Bộ trưởng" trong bất cứ chính phủ nào, tư cách một chuyên viên kinh tế cao cấp hợp hơn với Anh.

 

Vì thế Anh đã đặc biệt thành công trong giảng đường Luật khoa Saigon, ở vị trí được ngưỡng mộ dạy một môn khó là Kinh toán học (Econometrics) cho các sinh viên Cao học kinh tế thuở đó. Tôi được nghe anh say mê kể những lúc giảng Toán, ngồi trên bàn và dùng phấn viết công thức trên lề bàn phía dưới chân ngồi, trước những con mắt thán phục của đám môn sinh, tất nhiên có cả những đôi mắt nai tơ tạo niềm hăng say cho các giáo sư trẻ ở Mỹ về.

 

Theo tôi biết, các thế hệ sinh viên Luật ở Saigon là niềm cảm hứng vô biên của anh trong nghề nghiệp, hơn cả những chức vụ chính trị hay kinh doanh. Chính nơi đây anh đã là hình ảnh thần tượng cho nhiều thế hệ học trò, một "role model" khiến nhiều bạn trẻ yêu mến thán phục. Ngay cả sau 1975, lúc anh về nước đi công tác cho WB, các học trò đã thành đạt trong nhiều chức vụ công tư đều tìm đến anh. 

 

 

 

2.

 

Trong những năm ở WB, chúng tôi bạn bè đồng nghiệp ở WB-IMF gặp nhau thường xuyên ở bữa trưa hay những dịp lễ tết VN. Anh thành công nhiều trong các chuyến công tác là chuyện tất nhiên với khả năng chuyên môn và kinh nghiệm dày dạn. Chúng tôi ít bàn về các món chuyên môn "chán ngấy" đó, nhưng thường say mê theo dõi các câu chuyện về Việt Nam mà anh kể trong những lần về công tác hay ghé thăm vài ngày. Từ đó tôi hiểu thêm cái được gọi là "hội chứng VN" hay đúng hơn là cái "hội chứng Saigon" trong anh, cái mối nợ đối với một đất nước, một thành phố thân yêu tưởng chừng "đã mất" sau 30/04/75, nhưng chợt sống lại với những chuyến thăm sau 1989. Anh ghé về thăm Saigon 2-3 lần mỗi năm trong thời gian còn công tác cho WB, gặp lại gia đình và bạn bè cũ, nhưng quan trọng hơn cả là đám học trò cũ trường Luật, nay đã là nhiều doanh nhân thành danh. Họ tìm đến tỏ niềm tôn sư kính trọng, điều mà anh ít tìm thấy trong đời sống Mỹ. Và đó là điều Anh thiếu, những người học trò! Họ cũng tìm đến để xem Thầy Thuyết cần giúp gì.

 

Tôi đặc biệt thích một chuyện do anh kể lại trong niềm hãnh diện, một anh sinh viên cũ thành đạt làm giám đốc một hãng xây dựng, biết thầy có ý định hồi hưu ở Saigon, đã tự động tìm mua đất và xây giúp thầy một ngôi nhà đẹp khang trang ở Thảo Điền (Quận 2), mà thầy không hề biết, chỉ lúc xây xong mới mời Thầy về xem nhà và tính tiền vốn xây cất không hề lấy lời, lúc giá cả nhà cửa lên vùn vụt ở Saigon. Thầy Thuyết trả tiền mà lòng vui vô kể, không phải chỉ vì được ngôi nhà vừa ý, mà còn vì tình sư đệ ngút ngàn! 

 

Ngoài mối tôn sư tìm thấy lại, Anh còn thích trở lại vùng trời kỷ niệm cũ, hít thở cái nóng Saigon mà nhiều người về thăm quê hương sau này lại thấy chán vì cái nóng bụi ô nhiễm. Anh thích lang thang ở khu Bonard-Tự Do-Lê Lợi cũ, ghé các quán cà phê nhỏ quen thuộc, lui tới các hiệu ăn hàng quán cũ, bất chấp các cảnh cáo về thực phẩm bụi bậm nhiễm độc mà chính gia đình anh lưu ý. Anh chọn mỗi năm về sống 6 tháng ở Saigon từ tháng 10 đến tháng 4, để tránh cái lạnh của miền đông bắc Hoa kỳ. Ngôi nhà Thảo Điền là nơi lý tưởng của anh với cái vườn nhỏ ở khu vực ngoại ô Saigon. Tôi cũng về Saigon sống trong khoảng thời gian sau này, đến nhà anh trưa mồng 2 Tết trong vài năm sau, sống lại không khí Tết xưa cùng anh và một số bạn bè cũ ở nhà hay bạn từ Mỹ về chơi. Anh chị Thuyết hay đãi những món cũ, rồi ăn xong bạn bè ca hát với anh trổ tài piano. Tôi biết anh hạnh phúc nhiều trong những giây phút đó, bất nhất khung cảnh chung quanh mà chính gia đình hay nhiều bạn thân của anh không thích! Đó là hoàn cảnh của nhiều gia đình Việt Nam bên Mỹ bây giờ. 

 

Anh Thuyết chấp nhận bỏ lại ngôi nhà villa Mc Lean sang trọng, trở lại tìm cái nắng ấm xưa của Saigon bằng mọi giá, ngay cả nhận tính "lập dị" mà nhiều người thân hay bạn bè nghĩ về Anh, khi anh chỉ tìm những hàng quán Saigon lấy niềm vui, thay vì những tours du lịch lớn bằng những du thuyền tráng lệ với gia đình bạn bè ở Mỹ sang du lịch Âu châu hay các vùng biển Địa trung hải. 

 

Tất nhiên thấp thoáng sau người đàn ông nhiều thành công đó, đồng thời lại theo được thú tiếu ngạo giang hồ trở về chốn cũ, đã là người đàn bà thông cảm cùng cực và chịu đựng. Chúng tôi muốn nói đến chị Thỏ Châu với lòng quí mến và kính trọng.

 

Không phải chỉ có các niềm vui nhỏ đó, Anh Thuyết cũng còn đóng vai trò cố vấn kinh tế và trong những ngày tháng cuối, anh cho xuất bản cuốn sách nhỏ nổi tiếng "Việt Nam: Mãnh Hổ hay Mèo Rừng" được nhiều giới làm chính sách ở nhà đọc, nêu lên sự thất bại của chính sách phát triển trong 7-8 năm vừa qua, cùng những biện pháp cứu chữa sửa đổi mà không biết sau này giới hữu trách Việt Nam có chịu nghe hay không?

 

Sách đã in lại lần thứ hai và cũng chờ lượt xuất bản ở Bắc Mỹ theo dự định bỏ dở của anh Thuyết. Cũng như nhiều thứ khác còn bỏ dở trong cuộc đời của một người sang tuổi 80 còn yêu công việc, yêu đời và yêu người.

 

Tôi chỉ biết nói với anh Thuyết là Anh đã làm được quá nhiều trong đời anh, cho gia đình, người thân, các thế hệ học trò và bạn bè.

 

Vậy không còn gì để tiếc nuối chiều nay lúc chúng tôi nói lời chia tay Anh và chia xẻ nỗi đau đớn với chị Châu và tang quyến. 

 

Anh Thuyết ơi, ngủ yên Anh nhé!