Thấy Gì Trước Thảm Trạng
Cuộc Di Dân Tự Phát Hiện Nay

Nguyễn Minh Đào

    

Những ngày qua, chứng kiến cảnh hàng vạn người dân từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, thành phố Hồ Chí Minh ùn ùn kéo về quê miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên… bằng xe gắn máy, thậm chí tay xách nách mang dắt dìu nhau đi bộ. Là người Việt Nam yêu nước thương dân, chứng kiến thảm trạng này của người dân, không ai không xót xa, day dứt! Vì đâu nên nỗi?

Tha phương cầu thực

     Nhiều năm trước, người dân nghèo các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên… thỉnh thoảng nghe thấy vượt biên đi nước ngoài, như vụ 39 người dân chết trong thùng container xe tải tại nước Anh ngày 23/10/2019, báo chí đưa tin gây bàng hoàng trong cả nước. Hay như người dân tha phương cầu thực đến các tinh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, thành phố Hồ Chí Minh… làm thuê kiếm sống, vì không cam chịu cuộc sống bần hàn ở quê nhà không có công ăn việc làm!

     Ở Bình Dương, tôi biết từ thời ông Sáu Phong tức Nguyễn Minh Triết nguyên Chủ tịch nước làm Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, về sau là tỉnh Bình Dương những năm 1990, có chánh sách thông thoáng “trải chiếu hoa” mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp thu hút lao động trong cả nước, nhất là các tỉnh nhiều dân nghèo như miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên… Ở tỉnh An Giang - quê tôi hay nhiều tỉnh - thành khác, tôi biết cũng có xây dựng khu công nghiệp nhưng tôi thấy vắng tanh như “chùa Bà Đanh”. Tôi hỏi lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết có ngàn lẽ một lý do không thu hút rộng rãi các nhà đầu tư!

Cuộc tháo chạy lịch sử

Trong lịch sử cận đại, người dân nước Việt có những cuộc di dân rầm rộ như năm 1954, hay năm 1975 do biến động chánh trị - thời cuộc! Với cuộc tháo chạy chưa từng có của người dân từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, thành phố Hồ Chí Minh … lần này chủ yếu vì sinh kế, do dịch Covid-19 bùng phát, các nhà máy xí nghiệp ngừng hoạt động, người dân thất nghiệp lâm cảnh thiếu đói phải cam chịu trở về quê nhà tìm đường sống! Trên đường thiên lý vượt hàng trăm, thậm chí cả ngàn cây số bồng bế vợ con, gánh gồng tài sản. Có những chuyện thương tâm cười ra nước mắt” như ở Cà Mau, một cặp vợ chồng thợ hồ cùng gia đình chạy xe gắn máy mang theo đàn chó 15 con và 1 con mèo, bị những người làm nhiệm vụ phòng chống dịch địa phương tiêu hủy vì sợ đàn chó mèo bị dịch lây lan, làm ồn ào dư luận những ngày qua; nhất là những người yêu mến động vật không tiếc lời nguyền rũa sự vô nhân của họ! Nhưng, trên đường về quê vất vã bà con cảm thấy ấm lòng nhận được sự hỗ trợ thấm đậm nghĩa tình của đồng bào ruột thịt như tiép tế cơm nước chẳng hạn… Thậm chí chạy chiếc xe cũ nát được nhà hảo tâm mua lại 0 đồng, bán lại chiếc xe mới toanh giá 0 đồng như trên đèo Hải Vân – Tây Nguyên!

Vì đâu nên nỗi?

     Cuộc tháo chạy về quê của người dân khỏi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, thành phố Hồ Chí Minh theo tôi do lỗi quản trị đất nước của chánh quyền và cũng có phần lỗi của người dân:

     - Về phía chánh quyền, có lỗi trong trách nhiệm những năm trước 1986 quản trị đất nước theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, khiến cho nền kinh tế tàn lụn, đời sống người dân khó khăn điêu đứng, phải đổ xô lên “miền đất hứa” các tinh – thành nói trên làm thuê kiếm sống. Tại đây, do cung cách làm việc quan liêu xa dân, xa thực tế, vô cảm… khi dịch bệnh bùng phát người dân thất nghiệp thiếu đói, chánh quyền các cấp kể cả trung ương không biết, không hay, không chỉ đạo tổ chức cứu trợ kịp thời, đúng lúc, đúng đối tượng để người dân thiếu đói phải tháo chạy. Khi xãy ra cớ sự đổ lỗi do “thế lực thù địch” xúi giục, tổ chức ứng phó lúng túng như gà mắc tóc!

     - Về phía người dân, khi nhà máy xí nghiệp đóng cửa không việc làm đời sống khó khăn, thay vì kiên trì bám víu tại chổ tìm kiếm sự trợ giúp của chánh quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, không lâu hết dịch nhà máy xí nghiệp hoạt động lại, cuộc sống trở lại bình thường. Họ quá biết ở đây các nhà máy xí nghiệp cần công nhân như thế nào, trong khi ở quê nhà cuộc sống của họ đâu dể dàng gì! Lại nữa, họ không chịu nổi sự hà khắc bởi những qui định quan liêu, máy móc “chống dịch như chống giặc” của chánh quyền! Trong cơn khốn khó, tội cho người dân nghèo, họ không đủ tỉnh táo chọn lựa con đường phù hợp!

      *

     Ngày tháng trôi qua, dịch bệnh không còn, cuộc sống người dân trở lại “trạng thái bình thường mới”. Các cấp chánh quyền và người dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, thành phố Hồ Chí Minh bình tâm nghĩ lại những tháng ngày phòng chống dịch rút ra bài học bổ ích, nhất là các cấp chính quyền, tôi nghỉ không khó nhận ra :   

     Thứ nhất, bất kể trong hoàn cảnh nào và ở nơi nào, nhất định không để người dân thiếu đói.

     Thứ hai, học tập kinh nghiệm các nước chống dịch thành công, thực hiện các biện pháp ứng phó dịch bệnh linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp, có hiệu quả.  

     Mong lắm thay!

             Long Xuyên, ngày 14 tháng 10 năm 2021

                                                  N.M.Đ

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 14-10-21