Phỏng vấn nhà báo Vũ Kim Hạnh – Giám đốc Trung tâm  Nghiên cứu Kinh doanh & Hỗ trợ Doanh nghiệp (Business Studies and Assistance Center (BSA))

Không Ở Diễn Đàn Long Trọng,
Mình Là Người “Kéo Màn”

 

Nguyễn Thị Ngọc Hải phỏng vấn

Rời vị trí TBT báo Tuổi trẻ gần 30 năm, làm Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt nam chất lượng cao rồi Giám đốc BSA -  một tổ chức nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp ngoài  công lập đầu tiên từ 2008.  

Trong mùa  đại dịch Covid đang hoành hành khắp Thế giới, ở Việt nam  mỗi tháng 13.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường –cao hơn hẳn số mới tham gia. Mà đất nước đứng trước nhiệm vụ  kép: Chống dịch và phát triển kinh tế- Vị Giám đốc nhà báo này xưa nay “đau đáu với Hàng Việt“ giờ đang có bài toán nào?

Chị có còn là người lao vào việc như có nhà báo nói vui  “muốn cho bà này…chết chỉ cần không cho bả làm việc “?

Vốn là đồng nghiệp cũ-chị nhận lời nói chuyện tâm sự chứ không …”phỏng vấn báo chí “.

I. CÓ CÒN LÀ “BỘ TRƯỞNG BỘ …THAN “? .

Phóng viên (PV): Dạo xưa chị hay đề xuất những cái khó cần gỡ cho doanh nghiệp-Họp đâu cũng…kêu , đến nỗi có vị lãnh đạo đặt tên chị là “Bộ trưởng Bộ …than “. Bây giờ dịch Covid khó nữa,  Bộ  “than “ lên  chức  đến đâu rồi?

Nhà báo Vũ Kim Hạnh (VKH): Than là kêu cho doanh nghiệp thì vẫn than chị ơi. Nhưng tuổi mình giờ không còn nhiều  thời gian, thôi thì cứ làm được gì cho doanh nghiệp thì cố làm, dù biết là không giúp được bao nhiêu.Mình còn tồn tại thì còn làm việc dù ít kỳ vọng (cười , đùa  ) Hơi “ngu ngốc” vậy đó.

PV:  Nhưng trên FB, chị đưa toàn chuyện nóng. Chợ trái cây xuất khẩu  xôn xao thương lái nước ngoài tìm mua sầu riêng vì Thái lan đang rộ dịch. Saigon , Cần Thơ đều mở cuộc bàn chuyện …làm nông. “Hai ông nông dân 4.0 : ông Việt kiều té giếng Nguyễn thanh Mỹ và ông hữu cơ Nguyễn lâm Viên –ông Viên vừa  lấy 200 bằng sáng chế của Hoa Kỳ về Công nghệ sấy đông khô trò chuyện”…rồi chuyện đem “Tiêu chuẩn” chống quảng cáo láo, chuyện anh bác sĩ trẻ có nụ cười tỏa nắng, cắt phăng mái tóc để đi vào tâm dịch Bắc Giang...Vậy theo chị, giờ có gì đang khó nhất với doanh nghiệp,  nếu  chị cần tiếp tục… than?

VKH: Khó thì nhiều. Cạnh tranh ngày càng quyết liệt, hai năm qua dịch bệnh tàn phá không ít lãnh vực và các doanh nghiệp. Xưa nay nghe rồi: Nào là sức mua giảm. Tiền “đưa dưới bàn” mới giải quyết được chuyện trên bàn. Nạn ăn cắp mẫu mã, thương hiệu. Đạp giá, giành khách lẫn nhau…Nguồn nhân lực thiếu trầm trọng. Nhiều bạn trẻ nhảy ra kinh doanh online kiếm tiền dễ, sính chuyện thị phi, bỏ ngoài tai mọi quan tâm xã hội, chính trị...

Nhưng nếu bắt nói gọn một câu thì trong đại dịch khó nhất của doanh nghiệp là tìm đầu ra cho sản xuất, giữ được mối liên hệ tin cậy với khách hàng của mình và tìm cách tồn tại trong môi trường kinh doanh quá bất định.

Nhìn ra thế giới, tất cả các nước đều sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp của nước họ tồn tại và còn tìm cách bảo vệ doanh nghiệp. Châu Á 80-90% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu có chính sách chăm lo giỏi thì nó thành sức mạnh nền kinh tế. Mà chăm lo dở, yếu, nó thành gánh nặng.

Khối dịch vụ Việt Nam sau mấy mùa đại dịch thì tổn thất gần như…hoàn toàn. Có những cặp vợ chồng trẻ dành dụm mãi, quyết bỏ ra 300, 500 triệu kinh doanh dịch vụ, gặp dịch là sập tiệm luôn. Thành phố này, doanh nghiệp mới có trình độ kinh doanh dịch vụ khá cao, gặp bão Covid là “banh chành” hết.

Rầu nhất là thấy các doanh nghiệp nhỏ đầy triển vọng đang “chết lịm từ từ” mà không có sự trợ lực nào từ nhà nước, chạnh lòng nghĩ, những hạt mầm đó, hay các doanh nghiệp nhỏ, nếu cứ bỏ mặc cho chết thì đến lúc kinh tế khá hơn, có… đổ sâm chắc cũng họ không còn sức mà uống nổi. Chính sách Nhà nước công bố hỗ trợ có nhiều nhưng thụ hưởng thì khó lắm, thủ tục nhiêu khê lắm. Nội cáí khâu “chứng minh sự thiệt hại” là quá khó luôn. Nhiều doanh nghiệp nói thẳng, thôi không cần xin, không cần được cho gì, nhận gì, chỉ xin nhà nước giúp giảm chi (hoãn đóng các khoản phí bảo hiểm, phí công đoàn mà thu cũng đem gửi ngân hàng) cũng không xong.

PV: Vậy những doanh nhân chống chèo giỏi nhất thì kiểu nào?

VKH: Đó là các doanh nhân có chiến lược phát triển, có tầm nhìn và quản lý rủi ro tốt. Họ chống chọi vô cùng khó, nhưng rồi cũng đứng được, giống như cuộc sống tự nhiên người ta phải thở vậy. Khó ló khôn. Những người đó biết tận dụng thời gian giãn cách để huấn luyện, nâng trình độ đội ngũ và dành thời gian nhìn lại toàn bộ chiến lược phát triển và mô hình kinh doanh để thay đổi. Thay cho những hội thảo đông đảo, ồn ào, là các bàn tròn ít người mà thực chất bàn rốt ráo với nhau về các công cụ quản trị, về sách lược liên kết các doanh nghiệp cùng hay khác ngành thành chuỗi, thành mạng, thêm sức cho cạnh tranh. Càng khó họ càng tinh nhạy với những cơ hội thị trường, với việc thiết kế các dòng sản phẩm mới, các chương trình hành động mới.Suốt Bắc hay Nam đều có những người như thế.

PV:    hiện tượng lạ: Ban đầu dịch bùng lên, người người hốt hoảng đi vét hàng, kể cả… giấy vệ sinh . Sau mới té ngửa ra là: Dù có phong tỏa cách ly một thành phố, cũng không bao giờ thiếu. Rồi thỉnh thoảng “giải cứu“ cái này kia. Nó đặt ra vấn đề mới nào của doanh nghiệp trong đại dịch, có niềm vui nào không?

VKH: Đúng là nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu thì cũng mạnh lên. Xưa tự cung tự cấp mới lo thiếu, nay nền kinh tế mở hết cỡ với bên ngoài, luôn có hàng hóa dịch vụ mới trên thị trường, người tiêu dùng luôn có nhiều khả năng lựa chọn. Tuy nhiên cũng vì thế mà có khi người làm chính sách bị mất cảnh giác: hàng ngoại ngày càng lấn lướt hàng Việt, doanh nghiệp bán đi ngày càng nhiều, mua lại hay đầu tư ra thực sự kém hơn đến đáng lo. Nhìn bên ngoài không thấy cái nguy cơ lặn sâu ở trong...

Trong đại dịch lại có cái khó mới, và càng trui rèn bản lĩnh chống chọi. Nhiều doanh nhân nỗ lực, sáng kiến hay lắm. Không thể kể hết.  Trong các doanh nhân làm hàng tiêu dùng có cộng đồng các doanh nhân người Hoa họ liên kết và vẫn phát triển tốt. Thí dụ Biti’s - tôi mới đến khánh thành nhà máy giày và túi xách Bảo Tiên ngày 29-4 tại Trà Vinh. Nhà máy mới có đến 5000 công nhân. Họ sống được nhờ vào…thời trang, lạ chưa? (cười) Biti’s đua giày thời trang rất ổn chứ nếu cứ như ông xã tôi (nhà báo Nguyễn Kiến Phước - pv)và  ông xã chị, cứ ăn chắc mặc bền đôi xăng đan Biti’s đến 5, 10 năm thì làm sao  doanh nghiệp họ bán?

Biti’s có thế hệ trẻ, đại diện là một cô gái trẻ xinh đẹp nhé, cô Vưu Lệ Quyên giờ là CEO của Biti’s, sáng tạo dòng sản phẩm giày mới là Biti’s Hunter, còn xuất khắp các nước ASEAN với cách tiếp thị hoàn toàn mới. Thiên Long cũng tốt. Sứ Minh Long thì “số hóa” và tung hàng loạt sản phẩm mới không ngơi nghỉ...

Có những ngành tưởng thật khó ngặt, như giữa thời dịch nhiều biến động khó khăn này, trang sức vàng bạc bán cho ai? Vậy mà PNJ họ tăng doanh số, thay đổi mô hình kinh doanh, tiếp thị từ “bom tấn“ sang “bắn tỉa“, đi sâu vào từng nhóm khách hàng nhỏ nhất, chinh phục chắc tay từng phân khúc thị trường cả nước bằng công nghệ mới... Hay như nghề sấy trái cây mà cũng tung được các dòng sản phẩm mới với công nghệ mới theo đúng trend toàn cầu để tranh đua trên thị trường toàn cầu là “thực phẩm vì sự sống” với hàng trăm bằng sáng chế của Hoa Kỳ thì đủ thấy bản lĩnh cạnh tranh bền bĩ của doanh nghiệp.

PV: Có con số công thức ngay thời bình của thế giới nữa không chỉ ta,-  tôi  nghe chết khiếp “ 80% starup chết yểu ngay những năm đầu “.Tình hình này trong dịch  “bi thảm “ cỡ nào?

VKH: Đúng là khó. Startup công nghệ cũng có thành tựu nhưng nhìn chung còn gian nan. Lớp trẻ thiếu kiến thức, khả năng quản trị và vốn mà chưa có đầu tư từ nhiều nguồn. Tôi có tiếp cận được 3 doanh nghiệp đang tự tạo tốt nguồn lực nhân sự trẻ về công nghệ: chỉ riêng Vinamit với đội ngũ 40 kỹ sự nông nghiệp trẻ, Rynan Technologies với cũng khoảng 40 kỹ sư công nghệ giỏi và RTRobotics làm máy bay không người lái có 30 kỹ sư công nghệ trẻ giỏi, từ đó tôi nghĩ, VN mình không thiếu kỹ sư, nhân lực công nghệ giỏi, chỉ thiếu môi trường nuôi dưỡng tay nghề và phát triển họ (và tôi sợ cứ lình xinh như hiện nay thì Singapore cùng các nước họ “vớt” hết).

Còn khởi nghiệp về nông nghiệp, tức khởi nghiệp bằng nghề nông, bằng tài nguyên bản địa thì theo tôi, không có đột phá thành công nhưng cũng ít thảm bại lớn. Cuối cùng khởi nghiệp không xong thì chuyển sang...mưu sinh bằng nông nghiệp thôi. Họ vẫn đang vượt lên, so với thời bố mẹ làm nông, với các sáng kiến thăng hoa chính nguyên liệu cũ, như làm sản phẩm sáng tạo từ mật hoa dừa, mật dừa nước, cả than gáo dừa không khói... đều từ dừa; từ lá và đài sen phụ phẩm (làm nhang sinh học), các loại trà thảo dược, và vô số các món chế biến từ nguyên liệu đặc sản vùng miền. Họ liên kết với nhau rất chí tình, sáng tạo miệt mài và dám liều tung sản phẩm ra thị trường. Họ đang yêu và đáng tin lắm.

(Đi  tới cái kệ trưng bày sau lưng, cầm ra một số chai lọ  lớn nhỏ rất đẹp) Đây chị xem, nhờ có Khởi nghiệp rồi có các chuyên gia chỉ dẫn cụ thể, họ mới biết làm. Bột rau má sấy lạnh, mật hoa dừa, mật dừa nước, bột tam thất Hà Giang...có bao bì đẹp vầy do họa sỹ làm cho chứ chủ DN thì nhà quê chân chất.Vậy mà hàng của họ cũng xuất sang Mỹ, Hà Lan,vì đáp ứng đúng thị trường.

II. SAY MÊ CHUYỆN MỚI, CHUYỆN “SỐ HÓA” VÀ “CHUẨN HÓA”.

PV: Chị đang chuẩn bị tham gia sự kiện lớn cùng Bộ Khoa học và Công nghệ. Sẽ có chuyện gì hay ở đó?

VKH: Đó là việc tổ chức sự kiện thường niên, lâu nay kết hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng Cao. Tên của sự kiện là IIBF: Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, tổ chức lần này là lần thứ 4, nhân ngày Khoa học và Công nghệ VN 18/5 hàng năm. Nhưng năm nay khi mọi việc chuẩn bị nội dung tạm xong thì dịch bùng phát. Chủ đề của diễn đàn đã được chọn là “Chuyển đổi số trong nông nghiệp-định hướng chuẩn hội nhập” nên cũng có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phat triển Nông thôn. Lúc dịch bùng, các nhóm chuyên gia đã thảo luận để chuẩn bị cho nội dung diễn đàn về: Vì sao cần chuyển đổi kỹ thuật số cho nông nghiệp (vì công nghệ là một nguồn tài nguyên bền vững nhất lại luôn phát triển). Tìm hiểu thực trạng chuyển đổi số. Chiến lược và định hướng Chuyển đổi số của nông nghiệp Việt Nam? Và quan trọng nhất là: qui trình của chuyển đổi số cùng đề xuất được lộ trình chuyển đổi số cho hợp tác xã, hộ nông dân cũng như các công ty nông nghiệp.

Chúng ta lâu nay vẫn loay hoay tháo gỡ từng phần, từng dịp khi sự cố bùng ra. Như cứ liên miên giải cứu các loại nông sản ùn ứ. Hay cứ miệt mài chạy thao sản lượng lớn mà giá trị bèo, cũng là một dạng gia công như trong công nghiệp. Ví dụ chúng ta có một con số thí dụ gay go : Xoài Việt xuất khẩu, năm 2019, 99% xuất khẩu tiểu ngạch hết. Hệ thống dữ liệu đưa đến con số kết luận này đâu, cần truy ngược quá trình tích lũy, xây dựng và phân tích kỹ. Từ đó mà phân tích tiếp từng thành tố của chuỗi giá trị nông nghiệp của Xoài xuất khẩu.

PV: Chắc  ở đó quý vị sẽ phải đụng nhiều chuyện quan trọng về chuyển đổi doanh nghiệp sang kỹ thuật số. Nhớ cung cấp thông tin cho nhà báo biết nhé, chứ nhiều người  nghĩ số hóa chỉ là… bán hàng online?

VKH: Bán hàng online chỉ là một khâu. Nói Chuyển đổi số  cần hiểu ngắn gọn là: trên cơ sở dữ liệu thông tin  trước đây chỉ ở dạng vật lý thì nay, chuyển sang dữ liệu số. Phân tích dữ liệu số giúp doanh nghiệp tư duy lại về cách vận hành sao cho hiệu quả hơn,  tức đổi mới qui trình và cách thức hoạt động. Và sau đó là tích hợp kỹ thuật số vào các lãnh vực hoạt động của chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng và tạo ra giá trị mới cho xã hội.

PV: Nhưng phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn buôn gánh bán bưng nữa.Thí dụ…bà bán cháo thì hiểu chuyển đổi kiểu gì?

VKH (cười ): Bán cháo hả? Nhỏ mấy cũng có thể tích lũy dữ liệu để tìm ra qui trình, cách thức kinh doanh sao cho hiệu quả nhất. Chuyện này có vai trò các chuyên gia xây dựng các phần mềm quản lý kinh doanh và tạo các ứng dụng (App) cho người kinh doanh nhỏ sử dụng được. Thì ở mỗi gia đình, bây giờ, trẻ con cũng biết xài các thiết bị đơn giản, còn các bà nội trợ thì cũng dễ dàng làm chủ tivi,  lò vi sóng, máy giặt, nồi hầm điện…Vui chút vậy thôi. Chúng tôi mong sau Diễn đàn đổi mới sáng tạo trong SX kinh doanh lãnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục có các thảo luận đưa đến các ứng dụng thông minh, thiết thực làm thay đổi sản xuất, kinh doanh nông ghiệp của mình.

 PV: Nghe nói, trong chuyện nuôi tôm còn có chuyện... tôm đạo đức nữa?

VKH: Vâng, có vậy chị ạ. Có doanh nghiệp đi thực tế sát sao nghề nuôi tôm, sau nhiều ngày thấy rằng: hiện nay nghề này có nhiều cái thiếu, thiếu chăm lo đúng mức cho người lao động; thiếu đảm bảo an toàn sinh học cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường; thiếu đầu tư thiết bị để vận hành sản xuất và kinh doanh có hiệu quả... Như vậy, với nhiều đối tác trực tiếp, đều phải nêu vấn đề đạo đức để xoay chuyển tình hình. DN này đã đầu tư công phu, xây dựng hệ thống các phầm mềm điều khiển qui trình nuôi tôm hiệu quả, an toàn. Với data dữ liệu tích lũy đủ lớn, họ xử lý các thông số mang lại lời giải về lượng thức ăn cần thiết cho tôm hàng ngày theo qui trình tự động hóa, từ đó, nắm được mật độ tôm, độ lớn theo ngày nuôi và lượng thức ăn cần tương ứng, trọng lượng tôm, sức khỏe tôm. Sử dụng thiết bị máy quang phổ kết nối với internet đo các thông số của ao nuôi: nhiệt độ, lượng oxy, độ ph, độ đục, độ mặn. Người nông dân chỉ cần tập quen sử dụng App để theo dõi tình trạng nước, thức ăn, kiểm tra sức khỏe tôm.

Chuyện nông dân xài áp để biết độ mặn của nước để điều khiển hệ thống tưới của HTX không còn xa lạ với nông dân ĐBSCL. Với “Internet vạn vật”, khả năng học máy của trí tuệ nhân tạo, các thiết bị định vị, ảnh viễn thám, quan trắc nước...các công ty công nghệ đang cung cấp các công cụ và phần mềm công nghệ cho nông dân. Còn lại là huấn luyện cho họ sử dụng App, và thực tế là đã có ngay một lực lượng nông dân đặc biệt (trẻ, có trình độ kỹ thuật, tham gia quản lý HTX) đồng hành cùng nông dân...

Nói đơn giản dễ hiểu vui vậy thôi.Doanh nghiệp chuyển đổi số qua 3 giai đoạn  cần nhiều công sức đầu tư lắm: Tích lũy, xây dựng dữ liệu doanh nghiệp.Số hóa quy trình rồi mới chuyển đổi doanh nghiệp sang kỹ thuật số.

III. LÀM BÁO LÀ SỐNG MỘT CUỘC ĐỜI HAY.

PV: Chăm bẵm bao năm việc xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm của hàng Việt,chị hay nói “Nông nghiệp mình vướng nhất là tiêu chuẩn”. Bây giờ  nếu hỏi trong số  nhiều thành tựu BSA đạt được- giống như có một đàn con, chọn lấy đứa để khoe thì chị chọn đứa nào?

VKH (Ngỡ ngàng  một thoáng): Biết chọn đứa nào?

PV: Thí dụ tôi chú ý chương trình “giúp doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn LocalGAP”- như một loại giấy thông hành bắt đầu bước ra thế giới đàng hoàng  đó? Làm ra được cái “đệm giữa khôn ngoan“  giữa VietGAP (chỉ dùng nội địa) và GlobalGAP (yêu cầu cao, khó, chi phí và thời gian lấy chứng nhận cũng cao) thì LocalGAP rất hợp thời và kịp thời cho nông sản Việt mà?

VKH: À,  đó là một trong những  thành quả  của giai đoạn 3  mà Hội hợp tác với Bộ KH & CN vừa hoàn thành năm 2020 và đã được GlobalGAP đưa vào thực hiện như một tiêu chuẩn mới cho nông sản Việt Nam. Đã 3 năm rồi, Hội Doanh nhân Việt Nam hàng Chất Lương Cao đã tham gia làm thành viên chính thức của tổ chức tieu chuẩn toàn cầu Global.GAP. Nay họ rất kỳ vọng và nhiệt tình gắn bó với nông dân và doanh nghiệp qua LocalGAP vừa sức hơn. Chẵng đường xây dựng Thương hiệu và Tiêu chuẩn cho DN Việt nhiều chông gai và kỷ niệm lắm. Hồi mới làm, giai đoạn trước năm 2000 còn chưa có khái niệm thương hiệu. Ông Cục trưởng Cục Sở Hữu Trí tuệ khi ấy còn nói trên diễn đàn: “Về pháp luật, VN chỉ có nhãn hiệu, làm gì có thương hiệu, cái Hội này chỉ bịa!”

LocalGAP  tương lai là chuyện lớn nhưng cần nhiều nỗ lực và cần thời gian dài. Muốn khuyến khích nông dân xây dựng tiêu chuẩn thực chất cho HTX mình cũng vô cùng khó. Vì đã quen làm ăn dễ dãi với Trung Quốc, bất chấp tiêu chuẩn, giá nào cũng bán được, bị ép cũng chẳng sao, miễn bán được cho xong. Những vấn đề căn cơ không thể chém gió một cách “lấp lánh “ được.  Làm rồi mới “té ra là“  thế giới này nó có kiểu như GlobalGAP hay cả hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế được thị trường thế giới công nhận, không là, không thuộc Chính phủ nào, mà quyền lực ghê gớm. Chỉ gồm những tổ chức tư nhân, các chuyên gia thực, hệ thống những tiêu chuẩn quốc tế biết tự hoàn chỉnh mỗi ngày đang chi phối toàn cầu, bằng chuẩn mực. Ở Việt Nam, hệ thống tiêu chuẩn trong nước và quốc tế thì có lâu rồi mà việc tuân thủ như nhu cầu tự thân của từng doanh nghiệp, từng tổ chức, con người vẫn còn xa. Nên khi nông dân và các nhà kinh doanh thấm thía là có những loại tiêu chuẩn dành cho thực hành nông nghiệp tốt, nhất thiết phải tuân thủ thực sự thì thấy là... “làm thật sao mà khó thế!”.

PV: Vậy sau nhiều năm, chị quen lớn lắm nhỉ ,toàn quan chức và doanh nhân đại gia tên tuổi? Có phải do khởi đầu, chị từng làm Tổng biên tập  Tuổi Trẻ - một báo địa phương nhưng  từ những năm 80, “thương hiệu“ đã lừng lẫy nổi tiếng cả nước?

VKH:  Tôi không có mối quan hệ nào với các giới chức mà không bắt đầu từ yêu cầu công việc, và sau đó, giữ bền lâu cũng chả có quan hệ nào là từ vụ lợi. Còn quí nhau vì tình nghĩa thì nhiều, và “tương kính” là chính. Như với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nay đã thành bạn thân cũng vẫn luôn tương kính. Làm rất nhiều sự kiện, kết nối-Hội chợ - Hội thảo trong ngoài nước, tôi là “nhân vật cần thiết trong chuỗi mắt xích“. Tôi biết với cách của mình, mình không phải loại “high profile” chuyên ngồi ghế cao trọng vọng, phát biểu khai mạc mở màn mà mình chỉ là “anh kéo màn “, màn chưa kéo thì không diễn được. Nhưng thời thế (cười) bây giờ nhiều khi màn không cần kéo vẫn diễn êm, với màn hình LED, sân khấu mở, cũng đâu cần màn nữa, thì mình là cái nhịp cầu kết nối nhiều phía, một kiểu mai mối chăng?

PV: Chị đã học lên Thạc sỹ lâu rồi. Năm 1969 chị vào đại học và ngày 30/4/1975 đến, chỉ trước khi chị lấy bằng thạc sỹ một tháng. Mãi lâu sau, chị mới lấy cái EMBA. Tôi vừa  thấy ông thày dạy Anh văn của chị sốt ruột lấp ló chờ ngoài kia.Có phải đời nhà báo rèn ra cái tính học hoài không biết mỏi?

VKH:  Làm báo là được sống một cuộc đời hay. Nó thôi thúc  tôi học hỏi, tìm tòi nghiên cứu mỗi ngày.Xử lý thông tin mới hiểu tình hình, biết kết nối liên tưởng . Nó cảnh báo tôi biết sợ cục máu đông chặn đường lưu thông máu huyết bình thường mà thông tin chính là máu. Tôi đọc sách về chuyển đổi số trong Nông nghiệp, càng đọc càng hay, rồi tự dịch ra , tìm tài liệu của đại sư mà đọc. Như anh Hồ Tú Bảo. Nói vụng đây: anh ấy giãng bài thì buồn ngủ mà là chuyên gia giỏi nhất về AI. Tôi thấy những người đi xa được đều là nhờ họ chiu học như các doanh nhân bạn tôi: anh Phạm Phú Ngọc Trai, chị Cao thi Ngọc Dung, anh Nguyện Lâm Viên, anh Lý Ngọc Minh...Họ siêng học và lại thành tâm muốn chia sẽ sở học của mình cho các bạn trẻ. Mà cũng nhờ làm báo, tôi gặp, đọc được bao điều hay của con người...

PV: Chị mới mất anh Phước, đau buồn giấu vào trong, nghe nói ngày nào chị cũng viết cho anh ấy. Chị viết gì vậy? Có chia sẻ được không ạ?

VKH (Đưa ra tấm hình anh Phước lưu trên desktop, anh đang ăn tô mì gói): Đây là tấm ảnh con gái chụp anh ấy vừa đi bệnh viện vô thuốc về, ngồi ăn tô mì gói, khen ngon. Vậy mà chỉ vài tháng sau, anh ấy ra đi. Anh Phước về hưu cả 10 năm thì suốt thời gian ấy, tôi vẫn còn đi làm. Anh ấy ở nhà đọc sách, viết sách và thành ra bạn tri kỷ, tâm giao, thành chỗ dựa và có khi thành cả cái “thùng rác” của tôi. Mất anh ấy, dù không quá đột ngột, tôi bối rối không gì thay thế được. Tôi  vừa viết trên face mẩu chuyện lần đầu thấy anh Phước, anh lấy giấy nháp xếp tàu để gạt tàn thuốc rồi vò đem về khiến tôi cảm mến dù chẳng biết là ai. May gặp lại nhờ ông mai mát tay là anh Võ Như Lanh. Anh ấy đi rồi tôi ngày càng khám phá, con người và cách sống của anh có bao điều hay thật bình dị, đời thường.

PV: Vâng, chúng ta đều học hỏi và thương tiếc nhà báo lớn ấy. Xin cảm ơn  chị đã trò chuyện -  và chúc chị luôn vui sống mạnh mẽ như đã trở thành người trợ lực trong  nhu cầu của  doanh nghiệp, giúp nâng cao năng lực quản trị và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhất là người hiểu họ .

Nguyễn Thị Ngọc Hải.

 

NTNH gủi cho viet-studies ngày 25-10-21