Hiến Pháp 2013,  kính chào!
 

Nguyễn Khắc Mai


Hôm nay,  1-1-2014 Hiến Pháp 2013 có hiệu lực. Để nhân dân biết chấp hành nghiêm chỉnh, để Đảng, Quốc Hội, Chính Phủ Mặt trận…biết thi hành nghiêm túc Bản Hiến Pháp bắt đầu có hiệu lực, với tư cách một công dân, biết nghĩa vụ của mình, tôi xin có mấy điều mong ước.

1.  Dù bản Hiến Pháp đã được thông qua với đa số tuyệt đối, nghĩa là sự thống nhất rất cao, nhưng như một quy luật khách quan, rất nghiêm của cuốc sống, bất cứ văn bản nào, đều xuất xứ từ qúa khứ. Nghĩa là khi văn bản hình thành bắt đầu đi vào cuộc sống, thì hiện thực khách quan đã đổi thay. Người ta khẳng định rằng mọi văn bản (kể cả triết lý, khoa học, đường lôi, chính sách…) khi vừa hình thành thì chúng cũng bắt đầu lạc hậu. Như thế, người thi hành, người chấp hành thật sự phải vươn lên, giỏi hơn, đức hạnh hơn, nhất là công tâm hơn, may ra mới có hiệu quả tử tế nào đó. Nếu quả thật Hiến Pháp mới có những tư tưởng rất tiến bộ như một số người vừa phát biểu (nhiều lắm), thì một bộ máy cũ càng, đến nổi công an, dân phòng vẫn ngang nhiên đánh người, tra tấn để điều tra nghi án…vẫn coi mạng người như cỏ rác…là không thể chấp nhận. Đó chỉ là ví dụ nhỏ. Còn bao chuyện khác to lớn hơn nhiều! Chế độ chính trị có thể chưa thay đổi, nhưng thể chế, bộ máy và con người thì phải kiên quyết đổ mới!

2. Điều cả hai phía, nhân dân, xã hội và những người cầm quyền đều nên thấy rõ những nghịch lý nằm ngay trong bản thân Bản Hiến Pháp, để “liệu cơm, gắp mắm”. Không thể không thấy rõ là đã có mâu thuẫn thuộc về bản thể luận, nghĩa là trong bản chất bản Hiến Pháp đã hàm chứa mâu thuẫn. Này nhé, bản HP khẳng định tiến lên chủ nghĩa xã hội, thế nhưng cái chủ nghĩa ấy nó thế nào thì có mâu thuẩn. Người lãnh đạo tối cao để thực thi HP này là Tổng Bí Thư Đảng CSVN thì cả quyết: trăm năm nữa biết có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện hay không. Còn Quốc Hội thì biểu quyết tiến lên chủ nghĩa xã hội, một cái CNXH không hoàn, không thiện, nghĩa là còn méo mó, khuyết tật, còn chưa thiện nghĩa là còn chưa tốt, lành, còn ác, xấu. Thế thì phải làm sao hài hòa cho được cái nghịch lý này. Đây là vấn đề quá lớn không thể không nghĩ đến. Đã không biết đi đằng nào mà vẫn cứ đi. Thì chỉ có hai cách. Một là làm theo phương thức tiền sử, mà người Trung Hoa gọi là “dò đá qua sông”, vừa đi vừa mò mẫm, mà đã mò mẫm theo một định hướng sai, thì càng đi càng chệch hướng, càng kiên trì càng bối rối. Cách thứ hai là ở vào thời đại tin học, phải tập hợp nhau lại, không được biệt phái, tự mình cô lập, chỉ khẳng định mình là duy nhất đúng, thời đó đã qua lâu rồi, có thể dùng lý thuyết tối ưu,  dùng minh triết để kiếm tìm một giải pháp tổng thể, hợp lý nhất, khả thi nhất hiệu quả nhất trong một tình thế cụ thể là nước Viêt Nam hiên nay. Nhân loại khôn ngoan đã biết chỉ cần qua hai kỳ bầu cử là phải thay đổi, điều chỉnh. Sự điều chỉnh ngay trong nhiệm kỳ này tất yếu phải đặt ra. Thi hành, chấp hành bản Hiến pháp này phải khôn ngoan mưu trí nhiều, dũng khí và công tâm nhiều hơn, lại phải có cái nhãn quan rộng và xa hơn tầm lỗ mũi mình.

3.  Người lái xe giỏi, ở đây là hai người. Một người là kẻ điều hành. Một là ông chủ, phải tỏ rõ uy quyền và tài đức của kẻ chủ nhân, để có thể ra mệnh lệnh. Xưa nay từng có những ông chủ kém tài đức,  bạc nhược, lười biếng nên đã giao khoán cho bọn quản lý muốn làm sao thì làm,  nên đã dẫn đến khuynh gia bại sản. Bài học lịch sử cay đắng vẫn luôn có ích. Trong cơ chế thị trường, người ta bảo đôi khi thanh lý xe cũ đi lại có lợi hơn!

4. Đạo lý hàng đầu của người cầm quyền của mọi thời đại là phải biết tôn Dân, phụng sự Dân. Thánh Mẫu Kỳ Anh là người đời Trần, tên gọi Bích Châu, đã để lại ”Kê Minh Thập Sách”, một áng văn, làm nền tảng cho đạo lý trị nước của mọi thời đại, mọi chế độ, đã nêu lên hàng đầu giá trị minh triết: ”Phù quốc bản, hà bạo khử tắc dân tự an” có nghĩa là nâng giữ gốc nước, trừ bỏ hà khắc và bạo ngược thì Dân tự yên vui. Hãy tạo ra nhiều điều kiện, nhiều cơ hội, để người Dân thực sự làm chủ việc thi hành Bản Hiến Pháp.

Tác giả gửi cho viet-studies  ngày 1-1-14