TIẾNG DÂN
10-6-21

Lãnh đạo Việt Nam phải là những người ăn nói khác thường

Jackhammer Nguyễn

Đội banh Việt Nam thắng đội Indonesia, 4-0, một chiến thắng đáng được ồn ào, nhưng lạ thay nó không ồn ào bằng lời tuyên bố của đương kim thủ tướng Phạm Minh Chính về chiến thắng đó.

Ngài thủ tướng, cựu công an từ Thanh Hóa, nói rằng: Chiến thắng đó “được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Những người đọc dễ tính như tôi tự nhiên chột dạ, bởi vì từ trước tới giờ mình chỉ biết bóng đá xuất phát từ nước Anh, nhưng bây giờ theo diễn ngôn của Thủ tướng thì bóng đá xuất phát từ Việt Nam “bốn ngàn năm văn vật” chăng? Bóng đá là văn hóa cơ mà.

Tôi bèn lục lại cho kỹ thì bóng đá vẫn là từ nước … Anh! Lạ nhỉ?

Mạng xã hội lắm lời dè bỉu Thủ tướng đủ điều. Ông Lưu Trọng Văn bảo, Thủ tướng “nỗ ngớ ngẫn” quá. Ông Mai Bá Kiếm, soi vào bức thư của Thủ tướng (có “đậm đà bản sắc dân tộc” trong đó) để kết luận rằng, Thủ tướng viết lung tung dài dòng quá. Ông Nguyễn Quang A thì hỏi: Ủa các nhà ngôn ngữ học đâu, sao không cố vấn cho Thủ tướng?

Bình tâm lại thì tôi thấy có mấy điều như sau:

1/ Diễn ngôn của các lãnh đạo cộng sản Việt Nam là những đoạn văn mẫu, gồm một hệ thống từ riêng, độ vài trăm từ, cụm từ, để khi cần thì ghép lại với nhau. Tôi có bàn chuyện này khi viết về diễn văn dài hơn 8.000 từ của ông Nguyễn Phú Trọng, ca ngợi chủ nghĩa xã hội. Cụm từ “đậm đà bản sắc dân tộc” vốn nằm trong cuốn từ điển văn mẫu ấy, cho nên ông Chính, ông Trọng cùng đa số các lãnh đạo cộng sản cứ thế mà đọc.

Cũng nó những ngoại lệ, thường rơi vào mấy tay dân túy đã thất sủng, đôi khi có những diễn ngôn hơi lạ một chút, ví dụ như trùm miền Trung, Nguyễn Bá Thanh (“bắt hết, nhốt hết”), hay đồng chí X, Nguyễn Tấn Dũng (“hữu nghị viễn vông”). Ngoại lệ khẳng định quy luật là vậy.

Những đoạn văn mẫu này lan xuống cả dân chúng, mà có vẻ như đó là điều các nhà lãnh đạo mong muốn.

Cách đây độ 20 năm, tôi có dịp lên tỉnh Sơn La, nơi có nhiều người dân tộc Thái sinh sống. Thấy hai cô gái mặc trang phục Thái có hàng cúc bạc rất đẹp, tôi bèn lân la hỏi chuyện: Các bạn là người Thái đen hay Thái trắng vậy? Một cô trả lời: Dạ chúng em là người Kinh, nhưng chúng em “bản sắc dân tộc” thôi ạ. Sau một hồi choáng váng, tôi mới hiểu cô ta muốn nói rằng, cô ta không phải người Thái, nhưng mặc quần áo Thái cho giống người địa phương.

2/ Kỳ thị chủng tộc kiểu cộng sản. Người ta hay nói đến thói kiêu ngạo cộng sản, nhưng tôi thấy họ có thêm thói phân biệt chủng tộc nữa, nhất là ở những xứ như Việt Nam, phong trào cộng sản vốn thoát thai từ một loại chủ nghĩa dân tộc. Trước đây, người ta thường hay nghe các lãnh đạo, các tờ báo của Đảng hay dùng cụm từ như thế này: “Hơn ai hết dân tộc Việt Nam là dân tộc….X, Y, Z”. Các bạn có thể thay X, Y, Z bằng những cụm từ như là yêu nước, là đấu tranh không mệt mỏi,… tức là những tính từ đẹp nhất mà ngôn ngữ tiếng Việt có được.

Cái kiểu “đậm đà bản sắc dân tộc” nằm trong lối suy nghĩ ta đây là nhất thiên hạ và có mục đích giành lấy cảm xúc dân tộc về phe của Đảng Cộng sản.

Kiểu tuyên truyền này không phải là không có kết quả. Trong nhiều vụ “biểu dương lực lượng” tại các sân vân động quốc tế, ta thấy các cổ động viên trẻ tuổi người Việt từ Việt Nam, phất cao cờ đỏ búa liềm, một biểu tượng chẳng có gì liên quan đến dân tộc Việt Nam cả.

3/ Tư duy cái đình làng. Nhiều người Việt, mà đặc biệt là những người cộng sản Việt Nam, không biết rằng, trên thế giới có những giống người khác, có những dân tộc khác, cũng có những truyền thống xưa cũ, khác với loại văn hóa đại chúng Âu – Mỹ ngày nay. Người cộng sản Việt Nam cứ nghĩ rằng, họ khác lắm, họ đặc biệt lắm so với thế giới hiện đại ngày nay.

Đó là kiểu suy nghĩ làm cho họ cứ… “đậm đà bản sắc dân tộc”, năm này qua tháng nọ, mà cơ khổ là dân chúng Việt Nam cứ liều chết ra đi, vượt biển ngày trước bằng tàu, di cư lậu ngày nay bằng máy bay, bằng xe container… Họ không muốn ở lại với những người cộng sản để mà… “đậm đà bản sắc dân tộc”.

Kiểu suy nghĩ đó dẫn đến câu chuyện của ông tướng Nguyễn Chí Vịnh kể về một ông tướng khác, khi đi qua máy dò kim loại ở Mỹ, bị báo động thì “ngẩng cao đầu” mà nói là trong người ông toàn là bom Mỹ. Một chuyện bình thường, đánh nhau thì bị thương có mảnh bom mảnh đạn, có gì phải “ngẩng cao đầu” như thế. Nhiều sĩ quan Mỹ cũng có mảnh đạn của Việt cộng trong người vậy! Thái độ “ngẩng cao đầu” đó không hẳn là thái độ tự tôn tự đại, mà còn là tự ti nữa.

Nhưng thôi, hãy trở lại với những bài văn mẫu của các lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Các bài văn mẫu ấy thể hiện cho những quan niệm bảo thủ, e ngại sự mở mang suy nghĩ của họ. Không ít các nhà quan sát đã đánh giá rằng, đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua đã đưa lên một nhóm lãnh đạo mới trung thành với … “chủ trương đường lối hơn”. Mà trong đó có ông Phạm Minh Chính. Diễn ngôn cho đội banh Việt Nam … “đậm đà bản sắc dân tộc” ấy của đương kim thủ tướng, báo hiệu không có nhiều cải cách xã hội chính trị trong thời gian tới, nếu như không có gì thay đổi lớn.

Người dân sẽ có nhiều hy vọng hơn, khi những lãnh đạo Việt Nam nói năng một cách bình thường như mọi người.