Những Ngã Rẽ
 

Hồi ký


Dương Văn Ba

 

 


 

Chương 9
ĐỐI MẶT VỚI GIAN LẬN BẦU CỬ

 

 

Thời gian 4 năm tôi làm dân biểu tỉnh Bạc Liêu qua cũng khá nhanh. Sau khi tôi đi Mỹ về, cuối tháng 6-1970, quỹ thời gian của tôi chỉ còn lại có 12  tháng.

Kiểm điểm lại những gì mình đã làm được với tư cách đại diện nhân dân Bạc Liêu, tôi có những đánh giá sau:

- Với tư cách một người trí thức trẻ, quê quán gốc Bạc Liêu, tôi đã chứng tỏ được mình là một con người không quay lưng trước bạo quyền, dám công khai chỉ trích những tệ nạn do chính quyền cũ gây ra, và chỉ trích mạnh trên báo chí.

- Tôi đã gây dựng được một phong trào đấu tranh trong lòng quần chúng Bạc Liêu, những người trẻ khác, cùng lứa tuổi với tôi, tại tỉnh Bạc Liêu, đã mạnh dạn dám ăn dám nói, dám đối lập với chính quyền. Những người đó đã đi đầu trong việc hướng dẫn quần chúng, kết hợp với sự đấu tranh của Phật Giáo. Nhiều người trẻ ở Bạc Liêu đã trở thành diễn đàn nói thẳng với chính quyền và là chỗ dựa của dân khi họ gặp chuyện bất công, oan ức. Các bạn trẻ của tôi Đỗ Khắc Tường, Tạ Văn Bo là những thầy giáo của trường Trung học Bồ Đề, nhờ mạnh mẽ đứng ra nói tiếng nói của quần chúng, trong kỳ bầu cử Hội đồng tỉnh năm 1970, anh Tường và anh Bo đã đắc cử Nghị viên tỉnh Bạc Liêu, cùng với anh Tạ Kim, đại diện chính thức của tôi, cũng đắc cử. Ba người này tạo ra tiếng nói đối lập với chính quyền của Tỉnh trưởng Hoàng Đức Ninh. Họ công khai chống đối với Ninh trong việc đuổi chợ Bạc Liêu, giao cho một tay thầu ở Vĩnh Long xuống Bạc Liêu sắp xếp lại toàn bộ việc mua bán trong chợ. Giới mua bán nhỏ trong chợ kêu cứu, các ông Nghị viên trẻ đã chống đối ngăn cản không cho Ninh phá chợ, phá chén cơm của nhiều người đem giao cho một tay thầu có ăn chia với ông ta. Để tạo áp lực, các Nghị viên Bo, Tường, Kim đã tuyệt thực tại Hội đồng tỉnh với biểu ngữ chống Tỉnh trưởng phá chợ. Ninh đã cho lịnh bắt giam những nguời này, tôi đã bay về Bạc Liêu để can thiệp. Tôi đã dẫn theo một đoàn mấy nhà báo Sài Gòn, kể cả mot nhà báo Mỹ, nữ phóng viên Marie Joannidis người gốc Hy Lạp. Tôi đã yêu cầu ông Chánh An Huỳnh Văn Xuân phải xét lại việc Ninh bắt giam 3 Hội Đồng tỉnh. Chánh An Xuân đã lập phiên toà xử công khai, tuyên án trả tự do cho họ. Việc bắt giam 3 hội đồng tỉnh trong cả 4 ngày, là thêm một việc làm bạo ngược của Tỉnh trưởng Hoàng Đức Ninh. Tôi đã loan tin trên báo, phê phán Ninh nặng nề, Ninh rất căm ghét tôi, Thiệu thì cho tôi là thằng luôn phá rối trật tự trị an. Đối với độc tài, không có cách nào khác hơn là phải công phá dư luận. Liên tiếp trong nhiều tháng, trên báo Tin Sáng, báo Thời Đại Mới, báo Bút Thép, báo Công Luận là những tờ báo thân hữu, hầu như tuần nào tôi cũng loan tin, nêu bật các sự kiện hỗn loạn, vô trật tự, mất dân chủ ở tỉnh nhỏ Bạc Liêu. Vận dụng sức mạnh của dư luận báo chí, một vũ khí tấn công của tôi đối với chính quyền ngang ngược ở tỉnh. Một lần, Hoàng Đức Ninh đã cho lính địa phương quân thuộc tiểu khu Bạc Liêu tổ chức giết tôi.

 

Chết hụt 2 lần

Trong tháng 4-1971, tháng Thanh Minh, những người dân Bạc Liêu, Cà Mau, xa quê thường về thăm gia đình và nhân đấy cúng mã mồ ông bà tổ tiên. Có một Đại úy làm việc ở Bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn, lần đó, mặc thường phục chở vợ con về xã An Trạch, quận Giá Rai cúng Thanh Minh. Xui cho ông ấy, ngày đó cũng là ngày tôi đi Giá Rai thăm cử tri, vận động quần chúng. Từ Giá Rai, khoảng 3 giờ chiều tôi đã đi về Bạc Liêu. Tôi đi trên một xe Datsun 1300, sơn màu trắng. Về đến Bạc Liêu gần 4 giờ chiều. Tối hôm đó, tôi nghe một số người trong chợ Bạc Liêu báo: “Hồi chiều có một xe du lịch từ Cà Mau ra khỏi xã An Trạch vừa qua ấp Khúc Tréo bị Việt Cộng phục kích bắn chết tài xế.”

Tôi cũng mừng mình về sớm, nếu không, lỡ gặp cảnh đó không biết số mạng mình sẽ ra sao. Ai ngờ, ba tháng sau, tôi gặp chị Nguyễn Thị Trung, vợ thứ nhì của anh Hồ Ngọc Nhuận, chị Trung cho biết: “Anh Ba, mạng anh lớn lắm đó”. Tôi hỏi tại sao chị lại nói như vậy. Chị Trung kể: “Ba tháng trước, thằng cháu rể của tôi là đại uý, mặc civil, chở vợ con về An Trạch cúng mả, dọc đường bị lính địa phương quân phục kích bắn chết. Bắn xong, chúng nó chạy ùa lên đường, lật xác người chết xem, có đứa chỉ huy la lên: “Đ.M. không phải thằng Dương Văn Ba tụi bây ơi”. La xong, cả bọn lại lũi xuống ruộng dông mất. Vì tôi có ân oán giang hồ với Hoàng Đức Ninh, hắn đã cho người phục kích giết tôi nhưng lại giết lầm kẻ khác. Ông đại uý, cháu rể chị Trung, đã thay mạng tôi chết oan, tôi chưa thắp nén nhang nào để cầu siêu cho anh ấy. Hôm nay, qua những dòng chữ này, tôi xin lỗi đối với oan hồn của anh và tin chắc anh đã tiêu diêu nơi cõi Phật.  Mạng sống của tôi, anh đã thay thế tới bây giờ, tôi mới hối hận là hồi đó, khi biết tin, mải mê với công việc, tôi chưa lần nào vào chùa để cầu siêu cho anh. Kẻ tổ chức giết tôi, lại giết nhầm anh. Đó là số phận. Kẻ giết anh đến nay cũng chưa đền tội.

Lần thứ nhì, Hoàng Đức Ninh giết tôi hụt, cũng là vận may của tôi. Ngày đó, một ngày trong tháng 8-1971, tôi đã sắp xếp chương trình đi vào xã Vĩnh Hưng quận Phước Long để vận động dân chúng. Thầy Quảng Thiệt và dân biểu Thạch Phen đã chuẩn bị sẵn sàng mấy chiếc Honda 70 cùng với 8 học sinh trường trung học Bồ Đề đi theo. Sáng hôm đó, tự nhiên tôi có linh cảm không hay. Tôi nói với thầy Quảng Thiệt: “Tôi cảm thấy trong người bất an, không muốn đi, hay là thầy cùng 8 em học sinh đi thay tôi và Thạch Phen. Thầy đầy đủ tư cách để nói chuyện với bà con ở Vĩnh Hưng”. Quảng Thiệt đồng ý, nói: “Vĩnh Hưng là một xã nguy hiểm. Vào đó, có thể gặp tụi lính của Mã Thành Nghĩa tiểu đoàn 411 làm bậy. Để tôi đi một mình với mấy em học sinh Bồ Đề là đủ rồi”. Thầy Thiệt và mấy em học sinh, khăn gói đầy đủ truyền đơn vận động tranh cử, hình ảnh của tôi và Thạch Phen. Thầy Thiệt dẫn đám quân học sinh đi bằng 5 xe Honda 70 đàn ông. Tôi tiễn họ đi mà trong lòng không yên. Mãi đến khuya hôm đó họ vẫn chưa về. Cả ngày hôm sau, chúng tôi chờ đến 6, 7 giờ tối mới thấy tàn quân của Quảng Thiệt dẫn về. Ao thầy tu màu lam của thầy rách tả tơi. Học sinh có em bị sưng mặt, có em bị lọi tay, có em chân đi cà nhắc. Chúng tôi họp nhau ở nhà của Đỗ Khắc Tường, kế bên Chùa Vĩnh Hoà thầy Thiệt nói: “Anh Ba không đi chuyến này là hên lắm. Thầy trò tụi tui bị Mã Thành Nghĩa đích thân tiếp đón. Tụi nó cho tui một trận đòn nhừ tử, cả chục thằng lính địa phương quân vây đánh bọn tôi. Chúng nó vừa đánh vừa chửi: “Đ.M. thằng Dương Văn Ba chưa tới số, hôm nay, nó xuống đây, tụi tao cho tụi bây ôm xác nó về chợ Bạc Liêu”. Mã Thành Nghĩa uống rượu say bí tỉ, chống nạnh, chửi thề: “Đ.M. thằng Ba Dương xuống đây, đích thân tao đánh nó chết. Đ.M. nó còn hên lắm. Tụi tao đươc lệnh chờ nó ở đây mấy ngày rồi. Mày thầy tu hả, tao đánh theo kiểu thầy tu. Tụi bây bắt chúng nó nhốt trong mấy chuồng trâu cho muỗi cắn, cho nó biết thế nào là dám chống chính quyền, thế nào là lễ độ với Đại tá Ninh…”. Thầy Quảng Thiệt nói: “Tụi nó định bắn anh tại Vĩnh Hưng. Không có anh, tụi nó đánh thầy trò tui ê mình, ê mẩy, may mà tôi có chút võ công, nên không đến nổi”. Mấy em học sinh vừa khóc vừa nói: “Thầy Ba ơi, rất hên cho thầy đó, hôm qua thầy xuống dưới, tụi em đã phải ôm xác thầy về”.

Quảng Thiệt và các em học sinh đã nói lên sự thật: Hoàng Đức Ninh đã cho lệnh “phơ” tôi ở các vùng xôi đậu nặng như vùng Vĩnh Hưng, Phước Long. Số tôi chưa hết nên tôi đã không đi xuống chỗ tử địa.

 

Không thể đào ngũ

Trước ngày bầu cử Hạ Nghị Viện lần thứ hai mấy tháng, vào khoảng tháng 6-1971, tôi và các anh em trí thức ở Bạc Liêu có họp bàn kế hoạch: “Tôi có nên tái tranh cử ở Bạc Liêu hay không?”. Anh Tạ Kim người lớn tuổi nhất trong nhóm nói: “Dương văn Ba không nên về Bạc Liêu tái ứng cử. Hoàng Đức Ninh nó mạnh lắm. Chắc chắn nó tổ chức gian lận, mình không địch lại nó được đâu”. Thầy Quảng Thiệt có ý kiến khác: “Dương Văn Ba phải sống chết ở Bạc Liêu đấu tranh, bỏ về Sài Gòn ứng cử, rất có thể thắng vì bây giờ Dương Văn Ba đã có nhiều tiếng vang tốt trên báo Sài Gòn. Nhưng bỏ Bạc liêu là đào ngũ. Tụi tôi ăn nói làm sao với những người ủng hộ Dương Văn Ba đây”.

Đỗ Khắc Tường, Tạ Văn Bo cũng đồng tình với ý kiến của Thầy Thiệt. Riêng tôi, tôi không muốn bỏ chạy vì biết rõ mình được đại đa số cử tri Bạc Liêu ủng hộ. Bỏ chạy là hèn nhát. Ở lại chiến đấu chống gian lận bầu cử của Hoàng Đức Ninh mới đáng là đại diện cho dân. Tôi quyết định tái tranh cử năm 1971 ở Bạc Liêu, mặc dù bác Trầm Đức Quang khuyên tôi nên ra tranh cử ở Chợ Lớn, Bang Hội Triều Châu Chợ lớn sẽ ủng hộ tôi vận động người Hoa, kể cả tài chinh nữa. Tôi hơi phân vân. Nhưng vẫn quyết định ở lại Bạc Liêu, vì còn có Thạch Phen, tôi không thể bỏ ông ta một mình ở lại đối mặt với Hoàng Đức Ninh.

Buổi chiều ngày nộp đơn ứng cử, tôi vào Tòa Tỉnh trưởng làm thủ tục. Gặp Đại tá Ninh, anh ta nói: “Ông dân biểu tái tranh cử ở Bạc Liêu, chắc chắn là thắng rồi, yên chí đi”. Anh ta vừa nói vừa cười, vẻ mặt hớn hở. Anh ta biết chắc tôi đã lọt vào cái bẫy mà ông ta đã giăng sẵn, chờ đó, cả mấy tháng rồi .

Trong 30 ngày vận động tranh cử, nhóm anh em cộng sự cuả tôi giới hạn việc đi xuống các vùng sâu, vùng xa, sau biến cố Quảng Thiệt và các học sinh Bồ Đề bị đánh nhừ tử ở Phước Long. Chúng tôi mời các Ban đại diện Phật Giáo ở các xã về, mời các đại diện sư sãi Khơ Me về, mời các thầy giáo trong hệ thống của tôi về. Mọi người đều nói: “Thầy Ba và Thầy Phen kỳ này chắc chắn đắc cử, nếu chính quyền không gian lận. Thầy Ba không nên một mình đi đâu xa khỏi chợ Bạc Liêu, chỉ cần đưa truyền đơn, chúng tôi âm thầm phát cho bà con các nơi. Uy tín thầy Ba, thầy Phen to lớn lắm, không phải tuyên truyền nữa. Tạ Kim nói: “Chúng nó càng cấm cản đường đi của thầy Ba, chúng nó càng làm cho dân đổ xô ủng hộ thầy Ba thêm. Không lo vận động nữa, Hoàng Đức Ninh đã vận động dân bỏ phiếu cho Dương Văn Ba rồi”. Đỗ Khắc Tường nói: “Tôi lo là không giữ nổi các thùng phiếu, tụi nó sẽ tráo phiếu, sửa biên bản”.

Ngày 19-8-1971, tôi nhớ mãi ngày đó, có cuộc nói chuyện công khai của các ứng cử viên với đông đảo công chức, giáo chức, cán bộ và đại diện nhân dân trong tỉnh Bạc Liêu tại hội trường của tỉnh Bạc Liêu, ngay sát bên toà hành chinh tỉnh.

Sáng sớm hôm đó, lúc 6 giờ, tôi và bạn tôi là thầy giáo Khương cùng dân biểu Thạch Phen ngồi ăn sáng ở quán Năm Châu, truớc rạp hát Nam Tiến trên đường Trưng Trắc. Đang ăn, có một thanh niên khoảng 25 tuổi, mặc thường phục, tạt vào ngồi bàn của chúng tôi. Người thanh niên mắt ngó dáo dác xung quanh, nói nhỏ và rất nhanh: “em báo cho anh Ba biết, 9 giờ sáng nay, trong cuộc nói chuyện tại Hội trường tỉnh, lính tiểu khu Bạc Liêu đã được lịnh tổ chức phá anh và thầy Phen, không cho nói, chúng nó sẽ ném cà chua trứng thúi, đập bàn đập ghế và nếu cần, được lệnh đánh luôn những người ủng hộ các anh. Em là Trung sĩ làm ở tiểu khu. Em nghe việc này hồi sớm, vội vã ra đây tìm các anh báo để các anh liệu đề phòng”. Cho thông tin xong, anh thanh niên vội vã đi mất.

Tôi và Thạch Phen vội vàng về nhà Thạch Phen ở đường Triệu Ấu. Tôi cử người ra chợ mua ngay 5m vải trắng khổ 0,9m. một hộp sơn đỏ, một cây cọ. Dụng cụ mua về, tôi nhờ thầy Tạ Văn Bo viết ngay biểu ngữ: “Đả đảo tỉnh trưởng Bạc Liêu, tổ chức đàn áp bầu cử, đả đảo Nguyễn Văn Thiệu tác giả của chiến tranh”. Biểu ngữ đó, tôi xếp nhỏ lại, lận vào lưng quần tây, tôi mặc áo sơ mi 3 túi bằng vải kaki màu, áo bỏ ngoài. Tôi nói với Thạch Phen và Quảng Thiệt: “Khi tôi lên nói chuyện, tụi nó ném cà chua trứng thúi, mình phát động ngay cuộc biểu tình”. Mọi người đồng ý và khí thế nổi nóng rất hăng.

 

Cuộc biểu tình tự phát tại chợ Bạc Liêu

Đúng như điều được mật báo trước, hôm đó, công chức giáo chức trong tỉnh đi nghe diễn thuyết rất đông. Ban tổ chức sắp xếp cho Lâm Hoàng Hôn, Nguyễn Văn Chi, hai con gà thân chính quyền lên diễn đàn nói trước 15 phút. Tới lượt tôi, người thứ ba, tôi vừa đứng lên, chuẩn bị tiến lên sân khấu, ở phía dưới hội trường, nhiều tên lính mặc đồng phục đứng lên, đập bàn đập ghế  “ĐM không cho nó nói. Đánh chết mẹ tụi nó, đánh chết mẹ tụi nó”.

Y như dự liệu, tôi rút tấm biểu ngữ đã giấu sẵn trong người, Thạch Phen cùng với tôi căng biểu ngữ, tiến ra phía ngoài hội trường. Các học sinh thanh niên ủng hộ chúng tôi, đánh nhau với lính Hoàng Đức Ninh. Chúng tôi hô to: “Đả đảo Hoàng Đức Ninh, tên tham ô giết hại dân Bạc Liêu. Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu tên khát máu”. Ngoài đường hàng trăm dân chúng ùa vào hàng ngũ của chúng tôi, tự phát biến thành cuộc biểu tình sôi động trong chợ Bạc Liêu. Bọn lính đánh nhau với dân một lát, rã hàng. Đoàn biểu tình của chúng tôi kéo qua đường giữa chợ Bạc Liêu, kéo qua cầu Quây, đi về phía nhà thờ Lớn. Cha Nhì mở cổng ra đón chúng tôi vào. Cha nói: “Hoan nghinh các anh đã dám biểu tình, nhưng không thể ở nhà thờ lâu, chúng nó sẽ cô lập nhà thờ”.

Tôi nói với Quảng Thiệt: “Mình kéo về Phường 4, Chùa Vĩnh Hoà, ở đó có nhiều nhà dân”. Đoàn biểu tình của chúng tôi gồm đủ hạng nguời, học sinh có, lao động có, dân buôn bán ở chợ có, phu xe lôi, xe xích lô có, họ bỏ mọi việc đi theo sau tôi và Thạch Phen. Chúng tôi tiếp tục hô: “Đả đảo Hoàng Đức Ninh tỉnh trưởng độc ác. Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu, còn Thiệu còn chiến tranh”.

Một khí thế sôi sục đấu tranh. Lúc đó, tôi và Thạch Phen, bất chấp việc gì sẽ xảy ra. Khi đoàn biểu tình đi ngược lên cầu Quây, tôi chạm mặt với Trung tá Nguyễn Oanh, Trưởng ty Cảnh sát Bạc Liêu. Tôi nói: “Oanh, anh dám chận đường chúng tôi hả?”. Oanh trong quân phục cảnh sát dã chiến nói: “Tôi không cản đường anh, nhưng anh nên giải tán sớm. Hoàng Đức Ninh  sẽ dùng lính tiểu đoàn 411 tấn công anh, nếu tiếp tục biểu tình”. Trung tá Oanh, tự động lách sang một bên, cảnh sát dã chiến dưới quyền anh cũng kéo dây kẽm gai giãn ra, tránh đường cho đoàn biểu tình. Chúng tôi vừa đi vùa la to các khẩu hiệu tự phát. Phu xe lôi và phu xe xích lô Bạc Liêu được một dịp đả đảo chính quyền thỏa thích. Thấy tình hình không thể kéo dài, chúng tôi hướng đoàn biểu tình nhanh về cầu số 4, xóm làng, tản hàng vào chùa Vĩnh Hoà, một cứ điểm ủng hộ phe đối lập của chúng tôi. Ở đó, thầy Thích Trí Đức cho giọng chuông thật lớn, thật lớn như trong ngày lễ Phật, chào mừng một ngày dân Bạc Liêu xuống đường hả hê đả đảo bạo quyền. Chúng tôi ở lại Chùa Vĩnh Hoà tới chiều, khuyên anh em cảm tình viên, ủng hộ viên về nhà lánh mặt một buổi, đè phòng bọn cảnh sát chìm, bọn phòng Nhì Bạc Liêu biết mặt, bắt giam trả thù.

Nhiều người lớn tuổi tại chợ Bạc Liêu cho biết “Cuộc biểu tình ngày 19-8-1971 tại chợ Bạc Liêu là cuộc biểu tình tự phát đông người tham gia lần thứ nhì trong tỉnh Bạc Liêu. Cuộc biểu tình lần thứ nhất xảy ra cũng tại Bạc Liêu ngày 19-8-1945 dưới phong trào Việt Minh”. Lịch sử về cuộc nổi dậy của dân chợ Bạc Liêu đã có sự lặp lại. Cả 2 lần cũng chỉ với một mục tiêu: “Chống cường quyền áp bức, đòi hỏi tự chủ, tự do”.

Cuộc biểu tình tự phát của dân chợ Bạc Liêu ngày 19-8-1971 dưới sự sách động của tôi và Thạch Phen và những người ủng hộ chúng tôi, đã xảy ra với sự vô cùng bất ngờ của chính quyền tỉnh và của cả dân trong chợ. Cho nên, chính quyền không kịp trở tay, họ cũng không kịp ra lệnh cho cảnh sát bắt bớ và đàn áp. Đã có cuộc biểu tình, vì đã có sự thông báo đột xuất của một người dân. Chúng tôi đã hành động đúng theo ý nguyện của dân. Nhiều người thấy biểu tình, vội vàng bỏ việc chạy theo ủng hộ. Nguyễn Oanh, Trưởng Ty Cảnh Sát, là một trí thức, cũng không biết phải tính làm sao. Vì anh ta biết rõ có đàn áp bầu cử, con người trí thức trong anh cảnh sát lúc đó dạy anh ta phải đứng yên, không cản trở. Cuộc biểu tình đó, bây giờ vẫn còn sống trong tôi như lúc tôi 30 tuổi. Con người bị đè bẹp quá, phải có lúc bung lên như phản ứng của chiếc lò xo bị dồn nén. Ngày 19-8-1971 dân chợ Bạc Liêu đã bùng lên, cho thấy sức đề kháng của đa số thầm lặng nhưng bất khuất.

Anh Tạ Kim nói: “Hoàng Đức Ninh tổ chức cuộc đàn áp cuộc nói chuyện của Dương Văn Ba trước quần chúng, Dương Văn Ba đã sách động được dân biểu tình. Hoàng Đức Ninh đã lùa dân tự động về phía Dương Văn Ba, chúng ta có nhắm mắt cũng thấy Dương Văn Ba nắm được đại đa số phiếu bầu”.

 

Đánh đập sinh viên để gian lận bầu cử         

 Trước ngày 29-8-71, một ngày, các sinh viên Sài Gòn ủng hộ tôi đã lần lượt kéo nhau về Bạc Liêu để tình nguyện làm quan sát viên giữ thùng thăm. Kế hoạch chống gian lận bầu cử của tôi là sử dụng quan sát viên sinh viên và sử dụng một số phóng viên nhà báo. Đâu có ngờ Hoàng Đức Ninh cao tay hơn, trưa ngày 28-8-1971 Ninh thả vài chục an ninh chìm và mật vụ của tiểu khu Bạc Liêu ra chật cả bến xe đò Bạc Liêu, hễ thấy thanh niên lạ mặt mà từ xe đò xuống, chúng hè nhau vây đánh cho sưng mặt, sưng mày không kịp bỏ chạy. Mấy người quan sát viên của tôi không kịp la, không kịp báo, chỉ tìm đường chạy thoát thân ra quốc lộ 4 đón xe lôi máy chạy về Cái Dầy, đón tiếp xe đò, xe hàng chạy về Sài Gòn. Cả ngày hôm đó, bến xe Bạc Liêu xảy ra hàng chục cuộc ấu đả. Sinh viên bị “đánh bề hội đồng” làm sao mà đỡ, chỉ tìm cách thoát thân. Kết cục kế hoạch kiểm soát thùng phiếu bằng lực lượng sinh viên Sài Gòn bị Ninh bẻ gãy.

Vụ đánh đập sinh viên lan nhanh khắp nơi trong tỉnh. Những người quan sát viên bầu cử của tôi không ai dám rục rịch, ho hen nói năng gì trong ngày bầu cử, im thin thít như đám ma. Chỉ có những nhân viên giữ thùng phiếu, kiểm tra phiếu, ghi biên bản phiếu là còn làm việc. Đa số những người nầy là giáo chức. Họ âm thầm làm, không nói không rằng, nhưng sau khi kiểm phiếu xong, họ đều mật báo cho các đại diện của tôi ở tất cả các xã “con chim bồ câu ngậm bông lúa mang ngôi sao” của tôi thắng lớn. Phiếu của dân bầu cho tôi chiếm 81%, các ứng cử viên của chính quyền chia nhau khoảng 20% còn lại. Có những nơi xa xôi, Ninh cho lính canh cửa, cầm súng chĩa vào dân cấm không cho bỏ phiếu cho Dương Văn Ba. Kết quả ngược lại, vào phòng kín họ chỉ bỏ cho con chim bồ câu, mấy phiếu khác, họ xé bỏ quăng vào thùng rác. Cuộc kiểm phiếu kết thúc vào lúc 11giờ đêm. Kết quả hoàn toàn trái ngược với mong muốn của Ninh. Hắn ra lệnh tất cả trưởng phòng phiếu phải làm lại biên bản, lấy kết quả phiếu của tôi chia cho Lâm Hoàng Hôn và Nguyễn Văn Chi. Nhiều thầy giáo sợ quá, không làm, phải ngất xỉu. Như thầy giáo Nguyễn Văn Hiệp ở Xã Hoà Bình, quận Vĩnh Lợi, hiệu trưởng tiểu học Hoà Bình, phải chở đi bệnh viện vì khủng khiếp quá. Hiệp từng là học trò lớp Đệ Nhất A của tôi ở trường Nguyễn Đình Chiểu năm 1965 ở Mỹ Tho. Sau nầy gặp lại, Hiệp kể: “Sau vụ đó, họ cho em nghỉ. Em bây giờ thôi dạy học, thôi làm Hiệu Trưởng, đi phụ bán hàng xén với vợ ở chợ Hoà Bình”. Cô giáo Trần Kim Nhan bạn học cũ của tôi, nói: “Tụi em kiểm phiếu thấy toàn là phiếu chim bồ câu, con Thu ở trường tiểu học Hoà Bình cũng nói như vậy. Họ đổi ngược hết kết quả bầu cử”.

Hoàng Đức Ninh 3 giờ sáng hôm sau, cho lệnh chở tất cả thùng phiếu về Toà Hành chinh ở Bạc Liêu. Cô lập 2 căn phòng bên hông toà tỉnh trưởng, tập trung 6 công chức ngồi làm lại tất cả biên bản kiểm phiếu, làm tới đâu bắt các trưởng phòng phiếu ký lại biên bản tới đó. Làm như thế ròng rã 3 ngày, 3 đêm mới xong. Năm đó, kết quả bầu cử đơn vị Bạc Liêu, Trà Vinh của Ngô Công Đức, công bố chậm nhất. Đến ngày 5-9-1971, Bạc Liêu mới công bố kết quả chính thức. Tôi đã tập hợp tất cả các tài liệu, các nhân chứng, có số liệu đầy đủ tất cả các phòng phiếu ở các đơn vị xã, quận, viết thành cuốn Bạch thư về gian lận bầu cử ở Bạc Liêu, đem tố giác trước báo chí Sài Gòn và quốc tế tại tiền sảnh Nhà Hát Lớn vào ngày 3-9-1971. Tài liệu của chúng tôi rõ đến mức: Số phiếu của tôi, họ lấy làm phiếu của Lâm Hoàng Hôn và ngược lại, phiếu của Lâm Hoàng Hôn họ gắn cho tôi.

Tài liệu công bố xong, tôi nộp đơn thưa bầu cử gian lận ở toà án Bạc Liêu. Toà Bạc Liêu không xử, tôi chuyển cho toà Sài Gòn, toà Sài Gòn không xử bảo là thuộc thẩm quyền của toà án thượng thẩm. Toà thượng thẩm bảo thuộc quyền của tối cao pháp viện. Vụ án gian lận bầu cử Bạc Liêu bị nhận chìm xuồng. Báo chí có la lớn thế mấy, ngày họp Hạ Nghị Viện Khoá II vẫn khai mạc. Lâm Hoàng Hôn thay tôi vào ngồi ghế ở Nhà Hát Lớn. Cuộc bầu cử diễn ra như một tuồng hát. Thiệu đã quyết định cho Lâm Hoàng Hôn thắng cử ở Bạc Liêu, thay tôi vì tôi là “thằng hỗn nhất nước” và vì Hôn là ông thầy Ký, chủ tịch Đảng Dân Chủ tỉnh Bạc Liêu, một tên gia nô hạng I ở chợ Bạc Liêu, từ thời Tây cho đến thời Mỹ.

Thất cử xong, tôi trở lại nghề cầm bút để chiến đấu. Tôi cầm ngòi bút mạnh mẽ hơn, sâu lắng hơn, tiếng nói của tôi tại diễn đàn quốc hội. Cầm bút hay cầm micro, để nói những điều cần nói, cầm bút khó hơn, nhưng có nhiều người đọc và suy nghĩ nhiều hơn khi nghe mình nói.

 

Trốn khỏi quê hương Bạc Liêu

Tôi suýt quên kể thêm một chuyện quan trọng vào ngày bầu cử 29-8-1971.

Sáng hôm đó, anh em trong Bộ Tham Mưu của tôi đóng trụ sở tại chùa Vĩnh Hoà. Máy bay trực thăng có chở 2 nhà báo Mỹ xuống Bạc Liêu quan sát bầu cử để hổ trợ cho cuộc chiến đấu của chúng tôi. Nhà báo nữ Marie Joannadis là bạn tôi ở Sài Gòn, chị nhờ Quảng Thiệt chở xe Honda chạy loanh quanh trong tỉnh đến 3 giờ chiều thì về. Máy bay trực thăng đáp xuống chùa Vĩnh Hoà, khiến thầy Trí Đức trụ trì chùa, phải cho chặt mất 3 cây dừa để làm chỗ đáp. Sự hiện diện của ký giả Mỹ và trực thăng của Kỳ làm cho Hoàng Đức Ninh nổi khùng hơn, anh ta cho lính tiểu đoàn 411, bao vây quanh chùa để canh tôi ở các ngõ ra, và bọn lính trẻ luôn luôn được cho uống rượu “thả giàn”. Buổi chiều, nhà báo Mỹ về Sài Gòn, trực thăng đã bay đi mất, bọn lính siết vòng vây chùa chặt hơn. Buổi tối, thầy Trí Đức cho tụng kinh gõ mõ vang rân để trấn an mọi người trong chùa. Thầy Trí Đức và thầy Thiệt bàn: “Coi mòi đêm nay chúng nó sẽ tấn công vào chùa. Bọn lính đứa nào đứa nấy say rượu và nói năng toàn giọng điệu khát máu”. Thầy Trí Đức nói: “Phải tìm cách bảo vệ thầy Ba và thầy Phen”. Thầy Đức cho chúng tôi trốn trong 1 cái buồng kín của thầy, chung quanh che bởi 4 cái tủ gỗ đứng. Đến 2 giờ sáng, thầy Quảng Thiệt bàn với ông giáo Trần Trung Tình, phải tổ chức cho Dương Văn Ba và Thạch Phen đang đêm trốn về Sài Gòn. Ở đây, hết bầu cử, Hoàng Đức Ninh có thể bắt Dương Văn Ba. Tôi đồng ý trốn đi. Cách trốn: Lúc 3 giờ sáng, vợ thầy giáo Tình đóng vai kẻ ăn sương. Tôi và Thạch Phen trùm áo mưa kín, nón che mặt, theo chị Tình băng ngang một chiếc đòn dài bắc ngang con rạch nhỏ, từ chùa Vĩnh Hoà băng qua rạp hát Chung Bá ở gần đó. Đến rạp hát Chung Bá là ra khỏi vòng vây của lính tiểu đoàn 411, đã có sẵn 2 xe Honda ôm chờ chúng tôi. Họ đưa chúng tôi trốn ra khỏi chợ Bạc Liêu vào 4 giờ sáng ngày 30-8-1971 xe Honda ôm dừng lại bên kia cầu Cái Dầy thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi xuống xe ngồi trong bóng tối. 15 phút sau, tôi và Thạch Phen, đón xe hàng (xe tải) quá giang lên sân bay Sóc Trăng. Chúng tôi vào sân bay lúc 6 giờ 30 sáng, gặp Chỉ huy trưởng sân bay là Trung tá Không quân Nguyễn Hồng Tuyền. Trung tá Tuyền vồn vã đón tiếp tôi, hỏi thăm tình hình. Tôi kể: “Bọn này phải trốn Hoàng Đức Ninh ra khỏi Bạc Liêu ban đêm, ban ngày sợ Ninh cho lính bắt”. Tuyền an ủi tôi: “Anh đến chỗ tôi là an toàn rồi. Thằng Ninh không có quyền gì ở đây. Hôm nay tôi sẽ liên lạc với ông Kỳ, xin ý kiến cho máy bay trực thăng chở hai anh về Sài Gòn”.

Nguyễn Hồng Tuyền lớn hơn tôi chừng 3 tuổi, nguyên là học sinh College Phan Thanh Giản Cần Thơ. Nhà có cây xăng ở ngay bến xe Cần Thơ. Lần đầu tiên gặp nhau, phong cách nhanh nhẹn thẳng thắn của Tuyền gây được cảm tình của tôi và Thạch Phen. Chúng tôi biết đã tạm yên thân khi thoát khỏi nanh vuốt của con Hùm Xám Hoàng Đức Ninh. (Tôi tuổi Ngọ, Ninh tuổi Cọp. Con cọp đã vồ hụt con ngựa hai lần, vì con ngựa đi chung với con rồng Thạch Phen).

Nguyễn Hồng Tuyền, Chỉ huy trưởng sân bay Sóc Trăng, cho chúng tôi uống cà phê sữa, ăn phở gà, mở phòng máy lạnh cho hai anh em chúng tôi ngủ. Chiều hôm đó, Hồng Tuyền cho 1 trực thăng chở 2 anh em chúng tôi về Sài Gòn. Lần đó, ngày 30-8-1971 tôi trốn khỏi Bạc Liêu, trong đầu không hiểu ngày nào chắc còn xa lắm mới quay lại được, vì Thiệu còn đó, Ninh vẫn còn đó. Cảm giác này giống hệt cảm giác của tôi 18 năm sau vào ngày 22-4-1989, khi tôi bị Toà Hình sự thuộc Toà Án Tối Cao xử án tù chung thân tại rạp hát Chung Bá của tỉnh Bạc Liêu.

Rạp hát Chung Bá là nơi lúc nhỏ, tôi thường níu áo mẹ tôi đi xem hát bội. Người ta dựng rạp hát để xử tội tôi, như lời tuyên án trong một vở kịch. Chiều ngày 22-4-1989, tôi bị đưa lên xe tải của Bộ Công An chở khỏi chợ Bạc Liêu giữa cái nắng chứa chan của xứ lúa đồng bằng, tôi tự hỏi: Biết bao giờ mình sẽ được trở lại quê hương, sống vô tư lự như lúc tuổi thơ đi bắt dế, bắt cá lia thia trong những ngày bãi trường.

 Quê hương của tuổi thơ giống như khúc ruột mẹ, không bao giờ dứt ra được.