Những Ngã Rẽ
 

Hồi ký


Dương Văn Ba

 

 


 

Chương 18

CUỘC HÀNH QUÂN QUA LÀO THẦN TỐC

 

 

Đúng vào ngày 23 tháng Chạp năm 1984, công ty Cimexcol Minh Hải phối hợp với công ty Savimex của TP.HCM đã tổ chức lễ xuất quân sang Lào hợp tác kinh tế khai thác gỗ Lào.

Gọi là cuộc hành quân thần tốc, theo kiểu nói của ông Huỳnh Kim Báu, lúc đó là giám đốc công ty Cimexcol Liên doanh Minh Hải - TP.HCM, việc tổ chức đưa đoàn xe khai thác gỗ gồm 15 chiếc cần cẩu chữ A, 10 xe chở gỗ theo kiểu xe tải 15 tấn Kamaz của Liên Xô, với lực lượng công nhân trên dưới 100 người, tập hợp từ TP.HCM, đi đường bộ ra Nghệ An, trên một tuyến đường dài hơn một ngàn Km, trong một thời gian chuẩn bị mọi thứ vừa tròn 20 ngày sau lễ ký kết hợp tác tại Vientiane, là một nỗ lực khá phi thường.

Tôi với tư cách người chỉ huy lực lượng vận chuyển và khai thác gỗ Lào, đã quyết định rút gần phân nửa lực lượng vận tải cơ giới của Minh Hải đang thi công tại Gia Lai Kontum, đưa về tập hợp ở Quy Nhơn, cấp tốc sửa sang, chuẩn bị đón đoàn xe từ TP.HCM ra tại Qui Nhơn, kết thành một lực lượng đông đảo, nhắm hướng ra thành phố Vinh. Đường bộ từ Qui Nhơn qua đèo Hải Vân, từ đèo Hải Vân qua đèo Ngang để tiến vào vùng đất Hà Tĩnh lúc đó còn lắm gian nan trắc trở. Xe tải nặng trên 15 tấn phải từng chiếc chuyển qua Phà Danh. Một  chiếc phà chỉ có thể cõng được 1 xe lô bồi chở máy ủi D7 hoặc D8. Chúng tôi đã tung vào chiến trường khai thác gỗ Lào cả thảy 6 máy D7. Đi theo đoàn xe cơ giới, có cả 2 chiếc cẩu Bricker. Một toán thợ sửa chữa xe máy gồm 5 người cũng được điều động. Có cả 2 kỹ sư làm đường hiện diện trong đoàn quân. Thợ rừng có 8 người với 8 máy cưa tay hiệu Kulock sẵn sàng tác chiến. Một cán bộ và 2 kỹ sư lâm nghiệp cũng có mặt. Cùng đi có cả một tổ thợ mộc, chuyên viên dựng nhà cấp tốc. Một y sĩ và một y tá cũng được mang theo với một ba lô thuốc phổ thông, đề phòng cấp cứu. Gạo, đường, mắm, muối, lương khô, cá khô, hột vịt muối, mì gói, tương chao cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi đã trang bị khá tươm tất cho cuộc hành quân có thể chiến đấu trong thời gian 3 tuần lễ đầu mà không cần tiếp ứng. Vấn đề cung cấp tiếp ứng nhiên liệu xăng dầu Gasoil, nhớt đã được bàn trước và Bộ quốc phòng Lào đã chuẩn bị sẵn sàng cho mượn trước để công việc khai thác vận chuyển gỗ được liên tục và luôn trong tình trạng khẩn cấp.

Đoàn cơ giới của Minh Hải và TP.HCM rầm rộ đến thành phố Vinh, đậu chờ ngay ngã ba Bãi Vọt vào đúng ngày 28 tết. Sau khi giao hàng tiếp trợ cho các cơ quan ở Nghệ Tĩnh, đoàn của chúng tôi tách hướng từ đường 1 sang đường 8 và tiến thẳng lên đèo Kèo Nưa. Tưởng cũng nên nhắc lại, số quà mà tỉnh Minh Hải trao tặng cho UBND tỉnh Nghệ Tĩnh lúc đó, vừa là quà tết, vừa là quà xã giao, gồm có: 10 tấn nếp để gói bánh chưng, 10 tấn bột ngọt để làm gia vị trong các thức ăn, 30 ngàn mét vải nhập khẩu từ Nam Triều Tiên và nhiều thứ linh tinh khác gọi là tượng trưng cho tấm lòng biết ơn của Minh Hải đối với Nghệ An trên bước đường sang Lào. Sau này có những kẻ xấu bụng, nghĩ đó là một kiểu biếu xén không được lành mạnh lắm, trong một cơ chế kinh tế còn bao cấp, còn lắm điều phân vùng phân lãnh địa, khác hẳn với cơ chế thị trường toàn diện và toàn cục như thời bây giờ (!!!???).

Từ bãi Vọt đến Keo Nưa, đoàn xe phải mất hơn 14 giờ đồng hồ trải qua đoạn đường 80 Km. Chúng tôi từng chiếc xếp hàng từng chập, đơn lẻ qua phà Linh Cảm. Con sông Linh Cảm bề ngang không quá 30 m, đoàn xe phải mất hơn 4 giờ đồng hồ mới hoàn tất việc vượt qua sông. Lúc đó cầu Linh Cảm chỉ đủ sức chở một hai xe gắn máy. Tất cả xe cơ giới đều phải đi phà. Phà không phải chạy bằng máy nổ, mà được tập trung kéo qua sông bằng dây cáp. Qua phà Linh Cảm, đã để lại trong mỗi người chúng tôi những kỷ niệm sâu đậm về một vùng đất, về một con sông mà mùa nước lên có thể tính trên 1,5 mét. Qua Linh Cảm chúng tôi như trút bỏ được gánh nặng và vội vàng tiến về Phố Châu, để lên huyện trung tâm, vội vàng vượt qua Ngầm nước Sốt.

Cuộc hành quân mở màn cho chiến dịch Minh Hải đến với Lào thật rầm rộ, gây chấn động cả một vùng núi đồi heo hút. Người dân địa phương từ trong các thôn ấp, bản làng sâu, đổ ra đường 8 để đón chào những người con của Cà Mau – Sài Gòn vượt Trường Sơn qua Lào. Thời tiết lúc đó khá lạnh. Cái rét xứ Nghệ khá ngọt  ngào và đậm đà đối với những công nhân khai thác rừng miền Đông và Tây Nguyên, càng làm cho những người lần đầu ra Bắc, sang Lào trong lòng thêm háo hức. Chúng tôi đi cả ngày và đêm, không biết mệt mỏi. Vượt qua những cánh rừng Napê, đến Lạc Sao sau một đêm dài trời đã bắt đầu sáng hửng khi đoàn quân cơ giới đổ tại bản Lạc Sao lúc đó chỉ lưa thưa 6 – 7 căn nhà sàn mái tranh, cột kèo bằng gỗ lồ ô hoặc gỗ. Chúng tôi đến hiện trường, bắt đầu dựng ngay láng trại vào đúng buổi sáng ngày 30 tết. Ông Trương Công Miên, chỉ huy phó của chiến dịch, đốc thúc anh em thợ rừng, xe cẩu quyết tâm xuất quân vào sáng mùng 1 tết. Đêm 30 tết, 4 xe Oát của bộ đội Lào đến chở chúng tôi vào doanh trại của thiếu tướng Bun Niên và đại tá Chẹng. Chúng tôi làm lễ đón giao thừa giữa rừng già Lạc Sao, không có tiếng pháo nổ nhưng có tiếng của những tràng súng AK bắn bổng lên trời, chào mừng một đoàn quân từ miền Nam mới đến. Đêm đó bạn Lào đã thiết đãi chúng tôi cơm lam ống tre gà nướng, rượu đế với tiếng Khèn dìu dặt trong điệu nhảy Lâm vông mà những người bạn Việt chưa biết nhảy lần nào cũng cứ múa “buá sua”.

Phát biểu cảm tưởng trong buổi liên hoan, Thiếu tướng Bun Niên Kẹo Savang – Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Hậu cần Quân đội Lào – đã nói: “Đoàn Minh Hải và TP.HCM đã đến Lạc Sao rất đúng hẹn. Sự hăm hở của những thanh niên miền Nam Việt Nam qua Lào giúp bộ đội Lào làm kinh tế đã gây dấu ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người lãnh đạo đất nước Lào. Tôi đã báo cáo việc này lên Bộ Quốc phòng Lào và vài hôm nữa ở Vientiane sẽ cử đại diện chính phủ Lào đến Lạc Sao chào mừng đoàn Minh Hải và chúc tết các bạn Việt Nam. Quân đội Lào tại vùng Lạc Sao – Khăm Muộn sẽ làm tất cả những điều có thể để bảo vệ cho chương trình làm kinh tế của Minh Hải tại đất Lào được an ninh và thành công”. Tôi đại diện cho đoàn làm kinh tế của Minh Hải – TP.HCM tại Lào đã cam kết sẽ làm hết sức mình để cho vùng núi Lạc Sao trở thành một vùng trù phú, cùng với bạn Lào xuất khẩu gỗ thông ra hướng Biển Đông, phá bao vây kinh tế của Thái Lan đối với Lào. Tôi đã ví von xứ Minh Hải có những đồng lúa phì nhiêu, đất Lạc Sao – Khăm Muộn có những rừng thông bạt ngàn. Mỗi cây thông có giá trị hàng mấy trăm đô la Mỹ được khai thác sẽ làm giàu và đổi mới núi rừng Trung Lào. Chúng tôi yêu đất rừng Lạc Sao như yêu những đồng lúa của Cà Mau – Bạc Liêu. Sự hợp tác làm ăn kinh tế này sẽ làm cho Lạc Sao và Cà Mau gắn bó và càng ngày càng trở nên giàu có hơn.

Sáng sớm mồng một tết năm 1985, dù đã thức gần trắng đêm nhảy Lâm Vông, ca múa với bạn Lào. Ông Trương Công Miên cũng đã về sớm “khua” anh em thợ rừng và tài xế thức dậy tiến thẳng vào rừng, đi sâu vào đường 8B, vượt sông Nạm Ngườm, chảy ngang qua Bản Lạc Sao, để đến với những láng gỗ thông dày đặc, cây nào cây nấy chừng hai ba người ôm mới xuể.

Đã quá quen thuộc với nghề cắt gỗ bằng cưa máy Kulock hoặc cưa Echo của Mỹ, những tay thợ rừng nổi tiếng vùng Bù Na – Bù Đốp như Thạch Sum, như anh em Lý Tình – Lý Tịnh… trong không đầy 12 tiếng đồng hồ đã dọn đường rừng bằng tay và đả ngã được cả trăm lóng gỗ to đùng, dưới sự hướng dẫn kỹ lưỡng của ông Hai Miên.Tôi xin dừng tại đây để được phép nói vài dòng về “chú Hai Miên”.

Gọi là “chú”, theo tiếng gọi thân thương của thợ rừng và tài xế, ông Hai Miên lúc đó đã trên 50 tuổi. Đầu đã hoa râm, ông gốc quê ở Tháp Dòng Bướm, xã An Trạch, huyện Giá Rai. Một địa danh, một thời nổi tiếng của hoạt động Việt Minh và hoạt động Cộng sản. Là một Đảng viên Cộng sản, nhưng ông Hai Miên đã được cài từ lâu vào Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Từ 1970 đến 1975, ông đã đóng lon Trung úy, quân đội chế độ cũ. Ông được phân giữ vai trò phát lương cho các Trung đoàn và Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 18 đóng ở miền Đông. Với vai trò phát lương ông được sử dụng xe Jeep nhà binh, đi các Tiểu đoàn và nhờ đó ông đã một vài lần chở cán bộ quân  báo của Cộng sản vào tận các căn cứ đóng quân, các sân bay thuộc Sư đoàn 18 để tìm hiểu địa hình, vẽ bản đồ cho các cuộc tấn công, tập kích. Với vai trò đó, ông Hai Miên là một cán bộ binh vận của Cộng sản. Ông đã hết lòng thi hành nhiệm vụ và từng được ông Đại tá Lê Hữu Đức từng là Binh Đoàn Trưởng Binh đoàn 600 khen ngợi. Sau 1975, ông Hai Miên được rút về Minh Hải, chuyển sang làm cán bộ Ty Thương nghiệp Minh Hải, ông được giao nhiệm vụ đi tiếp nhận gỗ của các tỉnh miền Đông đem về xây dựng quê hương Cà Mau – Bạc Liêu. Một con người từng hy sinh tận tụy cho cách mạng trong thời kỳ chiến tranh, thế mà cuối đời, vì những cơn nổi giận triệt hạ cá nhân của các quan lớn ở trên chóp bu của Đảng, ông Hai Miên đã bị hàm oan và bị kết án 10 năm tù. Ông từng đi tù ở Hàm Tân, Phan Thiết rồi bị đưa về trại T82 của Tổng cục an ninh một thời gian, sau đó ông được xét thả năm 1994. Ra khỏi trại tù, ông Hai Miên giận đời, giận Đảng, không trở về quê sinh sống. Ông lủi thủi một mình tìm đường sang Lào, tiếp xúc lại với Tướng Chẹng Sayavong của Lào lúc đó đang làm Tổng giám đốc Cty BPKP (công ty Phát triển Rừng núi Lào). Ông Hai Miên âm thầm làm việc cho tướng Lào khoảng ba bốn năm thì bị bệnh chết tại Vientiane, không một lời trăn trối nhắn gửi với bà con thân nhân. Trước khi chết, có lần ông từng nói với tôi: “Những nhà cầm quyền ở Việt Nam không còn xứng đáng để cho tôi phục vụ, vì rất nhiều lẽ. Tôi thà chấp nhận cái chết tha hương trên đất Lào”. Gỗ ở Bản Lạc Sao dày đặc những thông là thông. Đây là loại thông hai lá khác với những cây thông dầu thường tìm thấy ở cao nguyên Langbiang. Người Đà Lạt gọi những cây thông 4 lá là cây Ngo, rất dễ dàng bắt lửa. Thông Lào chỉ có những nhánh hai lá, cây nào cây nấy sừng sửng như những cây cột thẳng tuốt chống trời. Có những thân cây ba bốn người câu tay lại để ôm vẫn không hết bề hoành của nó. Mỗi cây thông thợ rừng ngã xuống làm chấn động cả một vùng như những tiếng bom nổ xé trời. Nhựa trắng, đục như sữa tiết ra từ dấu cưa hạ giống như những dòng sữa chảy đậm đặc, để lộ phần trong của thân cây đỏ đậm như mật ong. Người Nhật rất thích loại thông này, nó có mùi thơm ngào ngạt. Mỗi thân cây có thể đếm trên một trăm vòng hoành. Mỗi đường hoành là một tuổi thọ của cây. Thông trên cao nguyên Nakay có cây lớn đến hơn trăm tuổi. Không biết ngày xưa những người thực dân Pháp đã gieo trồng thông Lào như thế nào mà nó lại khác giống với thông Đà Lạt. Chưa có một nghiên cứu lịch sử lâm nghiệp nào của Việt Nam còn để lại để nói về giống thông Lào. Nhưng, lặn lội khắp vùng cao nguyên Nakay trên những con đường ngoằn ngoèo, đầy dốc đá, suốt ba bốn ngày bằng xe Oát của Nga, chúng tôi cũng không thể nào xuyên thấu hết rừng thông Lào. Nó trải dài và dày đặc bốn bề của vùng Trung Lào trên một diện tích rừng có đến vài chục ngàn cây số vuông. Xuyên qua những đồi thông chúng tôi có thể tìm thấy dấu vết còn để lại của cuộc chiến tranh vệ quốc của ba nước Đông Dương. Việt - Lào là hai quốc gia, hai dân tộc có chung một số phận lịch sử trên vài trăm năm. Chúng ta không thể tìm thấy sự khác biệt nào khi đi giữa rừng già Tây Nguyên hoặc khi đi xuyên qua những triền đồi triền suối của cao nguyên Nakay, của thung lũng Napê. Vết tích của trận chiến tranh dai dẳng mấy chục năm cũ vẫn còn đọng lại ở những hố những hầm mà đạn bom đã cài nát trong nhiều năm qua những trận oanh kích của máy bay Mỹ. Trên tận những chốn rừng sâu của cao nguyên Nakay vẫn để lại tàn tích của cuộc kháng chiến mà bộ đội Việt Nam đã xuyên rừng, xuyên Lào từ miền Bắc vượt qua Tây Nguyên vào miền Nam. Có đi xuyên suốt trong những cánh rừng Lào chúng tôi mới cảm nhận được sự gắn bó kết dính của những dân tộc nghèo đói nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu giành độc lập. Lòng những người thanh niên đi trong rừng già Lào tự dưng bỗng rưng rưng những giọt máu nóng, trào dâng từ trái tim yêu đất nước, yêu các dân tộc Đông Dương. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bằng chiến tranh và qua chiến tranh, đã gắn kết keo sơn người Việt – người Lào, người Campuchia và các dân tộc vùng cao trong tất cả các bản làng, xa thẳm heo hút. Cuộc chiến đấu để giành độc lập đã khiến ba nước Đông Dương Lào -Việt Nam-Campuchia không tách rời nhau được. Vào thời kỳ xây dựng và phát triển sau năm 1975, những binh đoàn của Việt Nam vẫn còn nằm lại trên những vùng đèo cao heo hút của núi rừng Lào. Họ ở lại để lấp vá những vết thương của chiến tranh, biến những hố đạn bom xưa thành những vùng trũng có thể làm nương rẫy. Họ ở lại để xây dựng kinh tế. Từ sau năm 1975 đến năm 1984, nhiều binh đoàn của Việt Nam  vẫn còn nằm lại rải rác khắp núi rừng Lào – Việt Nam – Campuchia. Họ nằm lại vừa vì mục tiêu quốc phòng, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Từ sau năm 1984, nhiệm vụ xây dựng kinh tế của những binh đoàn Việt Nam ở Lào dần dần được nhường lại cho những chương trình dân sự hợp tác phát triển kinh tế với Lào. Đoàn quân của Công ty Cimexcol Minh Hải đến Lào trong bối cảnh lịch sử đó, với nhiệm vụ mà tình thế của đất nước Lào giao cho họ, để nhanh chóng bức phá khỏi lập Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào”. Đoàn Minh Hải đã nhận nhiệm vụ lịch sử kinh tế đó. Chúng tôi đã động viên nhau cố gắng hoàn thành chỉ tiêu trong vòng 45 ngày. Các bạn nên hiểu với rừng dày đặc những thông là thông, việc chặt hạ ba bốn ngàn khối gỗ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, không phải là khó. Nhưng, cái khó nằm ở chỗ vận chuyển được ba bốn ngàn khối gỗ từ Lào về Cảng Xuân Hải của thành phố Vinh, đoạn đường chỉ dài hơn 150 km, nhưng đường sá vô cùng khó và vô cùng hiểm trở đối với các xe tải nặng của Miền Nam, là một điều không phải dễ.

Chúng tôi còn nhớ, ngày đầu tiên đưa gỗ từ Lạc Sao lên Napê, vượt đèo Keo Nưa, một đoạn đường dài hơn 20 km, một bên là núi cao chớm chở, một bên là hố sâu thăm thẳm, xe rị mọ chở những lóng gỗ dài 8m, 10m qua những cua chữ C, gắt hơn cái cùi trỏ, đường thì vô cùng hẹp, không đủ cho hai xe vượt qua nhau, thấy xe này lên dốc, xe đàng trước đối diện phải tìm chỗ núp, kế bên những dốc đứng, khung cảnh thật khủng khiếp. Chưa kể những đoạn phải vẹt rừng mà đi, những đoạn đầy hầm hố, và những lần xe bị lún. Ông Trương Công Miên và tôi đã liều mạng xung phong ngồi trên cabin mỗi người một xe, cùng tài xế vượt lên đèo tử thần. Đó là những chuyện gần như là kỳ tích mà sau này anh em lái xe trong đoàn vận chuyển của Minh Hải còn nhắc đi nhắc lại. Anh em không bao giờ quên được một đoạn đường chỉ hơn 20 km, có khi phải đi cả ngày và đến đêm phải chịu cảnh ngủ giữa rừng đón nhận cái giá rét của Trường Sơn, đón nhận những cơn mưa sương lộp độp trên người. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, trong một tình thế mà dân thợ rừng và xe be của miền Nam chưa từng trải qua dù là miền Đông hay Tây Nguyên, đoàn làm kinh tế của Minh Hải đã cố gắng vượt qua thử thách để hoàn thành ý nguyện của chính phủ Lào.

Dân Lào ở vùng rừng núi Lạc Sao, bộ đội Lào và cán bộ Lào ở vùng đó đều cảm mến những công nhân làm kinh tế của Minh Hải. Họ thấy được ở người Minh Hải tấm lòng phục vụ hết sức vì bạn Lào. Họ thấy được tác phong làm việc mới, ngày đêm không biết mệt. Họ thấy được sự lăn xả vào nhiệm vụ mà đoàn Minh Hải từ lớn đến nhỏ đều quyết tâm, đồng lòng làm cho được một cái gì thật mới mẻ trên vùng cao hoang sơ heo hút này. Thắng lợi của anh em Minh Hải là thắng lợi của nhiệt tình, của cung cách làm việc dứt khoát, đâu ra đó, nói là làm, và làm có hiệu quả. Chính phủ Lào đã cử nhiều Tướng lãnh cao cấp ở Vientiane xuống Lạc Sao tìm hiểu cung cách làm việc của đoàn Minh Hải. Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn, Phó trưởng đoàn chuyên gia quân sự của Việt Nam tại Lào, cũng đã từng trải qua nhiều ngày đêm làm việc với chúng tôi. Trung tướng Hoàng Cầm - tư lệnh Quân khu 4 của Việt Nam -  cùng với Thiếu tướng Thước - Tư lệnh Phó Quân khu - cũng đã dẫn một đoàn chuyên gia đến thăm và nghiên cứu công việc làm ăn của đoàn Minh Hải tại Lạc Sao. Nhiều câu hỏi và nhiều vấn đề đã được đặt ra cho chúng tôi về cách làm ăn, về cách tưởng thưởng công nhân, cách huy động đoàn quân làm kinh tế như thế nào để đạt hiệu quả.

Những tháng đầu năm 1985, đoàn Minh Hải hơn 200 người vừa công nhân lao động, vừa trí thức vừa kỹ sư, của chế độ cũ lẫn chế độ mới, đã quần quật làm việc giữa rừng già, đã nhanh chóng xây dựng những cơ ngơi mà trước đó nhiều năm, người ta không làm được.

23-3-15