Những Ngã Rẽ
 

Hồi ký


Dương Văn Ba

 

 


 

Chương 17

ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN QUA LÀO GIAN NAN

 

 

 

Từ Vinh, chúng tôi chạy xe qua ngã ba Bãi Vọt. Khoảng cách từ Bãi Vọt lên đến biên giới Lào – Việt trên 80 Km.

Những địa danh rất mới đối với chúng tôi những người ở miền Nam. Xe qua Đức Thọ, xe đến Phố Châu, xe qua Linh Cảm, xe qua Ngâm Nước Sốt, xe đến huyện trung tâm, xe lên Hương Sơn, xe chạy dọc theo con sông Ngàn Phố. Hai bên đường Trường Sơn cảnh sông nước rất đẹp. Ở trên cao xe qua những đoạn đường ngoằn ngoèo đầy vách đá chặn ngang. Ở phía dưới, có đoạn là con sông Ngàn Phố đẹp thơ mộng quyến rũ với bãi cát dọc dài hai bờ. Ở bên trên, dọc theo đường xe đi qua những con đèo, phía dưới là thung lũng sâu với những dãy cây ngút ngàn trùng điệp. Nhưng đoạn đường từ Bãi Vọt lên đến đèo Keo Nưa vào cuối năm 1984, đường đi không phải dễ. Có những ổ voi, những đoạn bị đứt ngang, những đoạn phải vượt Ngầm. Mùa tháng 11, tháng 12 ở ngoài Nghệ An- Hà Tĩnh, trời rét, nhiều khi cả ngày gặp mây mù, mưa dầm từng chập kế đến là những đoạn mưa phùn với những hạt nhỏ li ti, đập vào những cánh tay thò ra ngoài chiế xe Oát (uaz) của Nga, lạnh ngắt.

Phải mất đến 10 giờ đồng hồ, đoàn xe 3 chiếc của chúng tôi mới mò lên tới được Trạm Hải quan và Trạm Cửa khẩu Keo Nưa. Anh em gác đồn Hải quan biên giới Cầu Treo, anh em bộ đội biên phòng, sau khi biết đoàn chúng tôi là đoàn tỉnh Minh Hải và TP.HCM, nhắm hướng qua Lạc Sao để hợp tác với quân đội Lào làm kinh tế, các anh đã giữ chúng tôi lại ngủ qua đêm. Những nồi cháo nghi ngút khói với mấy đĩa thịt gà và mấy chai rượu Quốc Lũi (rượu đế lậu) đã được bày đầy bàn trong vòng 1 tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi đến. Các anh bộ đội biên giới, các anh đồn Hải quan Cầu Treo rất vồn vả đối với những đại diện của miền Nam. Các anh bày tỏ sự vui mừng, có Cà Mau – Bạc Liêu lên rừng Trường Sơn, có thành phố Sài Gòn lên đến chỗ cao heo hút Keo Nưa sẽ vui nhộn hẳn lên, đường qua biên giới sẽ luôn ì xèo tiếng xe chở gỗ. Cảm tình của những người nhiều năm phải đóng ở đồn biên giới, dù là một đồn biên giới thân thiện, cũng tạo nên sự phấn khích trong lòng anh em Minh Hải – Sài Gòn. Đêm đó rất khuya chúng tôi mới ngả lưng trên những chiếc giường gỗ chỉ độc một manh chiếu và luôn có một chăn bông đơn 5 – 7 Kg quấn vào người. Đêm Keo Nưa qua mau, chúng tôi thiếp vào giấc ngủ với sự náo nức trong lòng.

Từ sáng sớm, nhân viên của đồn biên phòng đã làm thủ tục cho chúng tôi “xuất biên”. Từ xuất biên lần đầu tiên chúng tôi được nghe từ cửa miệng của anh bộ đội biên phòng gốc Hà Tĩnh, chúng tôi có cảm giác ngồ ngộ lạ tai. “Xuất biên” chứ không phải “vượt biên” như ở miền ven biển những năm trước, người ta rủ nhau hàng đàn hàng đống xuống các ghe đánh cá bỏ trốn ra nước ngoài. Những lần đi là những lần thập tử nhất sinh thế mà hằng hơn triệu người ì xèo bỏ trốn. Nhớ tới cảnh vượt biên, khi nghe danh từ xuất biên ở chỗ đèo heo hút gió Keo Nưa, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nhà nước đã làm gì, đã cư xử như thế nào, đã đánh giá kiểu gì đối với một số đông đảo người đã sống và lớn lên trong chế độ cũ, họ không thể chấp nhận được mà phải bỏ ra đi. Chấp nhận cái chết trước mắt có thể xảy ra để đổi lấy sự sống thoải mái về sau này. Tôi còn nhớ rõ mồn một lời ông chủ tiệm người Hoa ở Bạc Liêu nói với tôi và ngỏ ý rủ tôi vượt biên: “lụ mẹ, cái cột lèn nó biết li nó cũng bỏ li, chớ đừng nói tới ngộ”.

Những ngày chúng tôi sắp sửa qua Lào, chuyện vượt biên ở các vùng biển đã ì xèo, nhưng đó đây vẫn còn những người ra đi tìm đường cứu lấy cái thân mình. Phải nói rằng, chúng tôi xuất biên qua Lào vì chúng tôi còn có điều kiện hợp pháp để làm cái gì đó, nếu ở trong cảnh bế tắc không còn đường nhúc nhích, không một kiểu cách làm ăn như đa số những người ở chợ Bạc Liêu, chợ Cà Mau, chợ Hộ Phòng… và ở nhiều nơi khác nữa, chưa chắc gì những người đang ngồi trên xe Oát của Nga đi trên đường số 8 qua Lào, sẽ tiếp tục mãi mãi nhẫn nại ở lại. Cuộc sống xã hội hay cuộc sống đời thường chỉ là tổ hợp những hoàn cảnh, những điều kiện giống nhau hoặc khác nhau, trong những hoàn cảnh đó, đại bộ phận con người sẽ có những phản xạ giống nhau vì đã bị cơ chế và hệ thống hành chinh lúc đó áp đặt. Nhà phản xạ học người Nga Pavlov đã gọi con người là những con vật được đặt trong một chuỗi những phản xạ có điều kiện. Hàng triệu người vượt biên lúc đó bị đặt chung trong những điều kiện giống nhau vì trước đó ở chung trong những hoàn cảnh giống nhau, cho nên khi cùng đường hoặc khi muốn tìm một con đường khác, họ chỉ có một loại phản xạ vượt bỏ hoặc xé bỏ.

Chúng tôi không vượt biên, mà xuất biên vì lúc đó chúng tôi có những công việc, những chương trình được nhà nước tỉnh Minh Hải giao phó. Việc nhà nước hay chính sách của nhà nước biết sử dụng, biết quản lý con người, biết tạo cho họ công ăn việc làm, biết dẫn dắt họ đi theo những đường hướng tốt có lợi cho nhiều người, có lợi cho bản thân họ, có lợi cho đất nước là một thước đo, một tiêu chí để đánh giá nhà nước đó, trong hoàn cảnh đó biết đối xử, biết có sách lược đúng hay sai. Không thể đỗ tội và ép buộc người ta sống theo những luật lệ khắc nghiệt, đi ngược lại truyền thống của người khác. Ngày nay bài học này đã được hiểu rõ bởi những người cầm quyền, sau khi cả nước đã phải trả một giá quá đắt. Ngày nay thì chính những người vượt biên năm xưa đang được mời gọi trở về, với ưu đãi để họ có thể sống như cách sống của họ, để họ còn có thể nhập lại làm một với đất nước này. Âu, đó cũng là kết quả của một thời ấu trĩ của cách mạng. Bây giờ, mọi việc đúng sai đều thấy rõ, bây giờ là thời kỳ hàn gắn, xây dựng lại, đoàn kết lại. Cho nên cũng không có gì ngạc nhiên và không đáng trách khi chính từ những kẻ cầm quyền, do đòi hỏi thực tế của lịch sử, đã thay đổi thái độ.

Đã thay đổi hoàn toàn đúng hay chưa? Thời gian sẽ còn chỉ ra nhiều bài học để mọi người có thể suy nghĩ và rút ra kết luận. Chúng tôi xuất biên trong điều kiện cùng làm việc với những người có chung nhiệt huyết, có chung điểm hướng tới là muốn thay đổi cuộc sống nghèo nàn và thấp kém về dân trí, thấp kém về phương tiện sinh hoạt văn hóa ở vùng Đất Mũi xa xôi. Chính từ khát khao đòi hỏi phải có cái gì mới, cái gì khá hơn cho quê hương Cà Mau – Bạc Liêu mà đoàn Minh Hải và Sài Gòn đã đi Lào để gặp, bắt tay và cùng với những người bạn Lào tìm cách xoay chuyển tình thế trên cơ sở thực tế của núi rừng đất Lào.

Chiếc xe Niva hai đầu sơn màu vàng, nhỏ nhắn như một chiếc xe Jeep mà ông Năm Hạnh – Phó Chủ tịch tỉnh Minh Hải đã mượn của Ủy Ban Bà Mẹ Trẻ Em Minh Hải, để đi đường rừng, là một phương tiện thích hợp cho việc lội đèo vượt suối. Ông Năm Hạnh, ông Ba Sang – Giám đốc Sở Tài chinh Minh Hải - và ông Huỳnh Kim Báu ngồi trên chiếc Niva đã thoăn thoắt lội đèo, lội Ngầm, lội qua những ổ voi, ổ gà. Nhờ có hai cầu mà chiếc xe Jeep của Nga đã lao nhanh về phía trước. Tôi và ông Lê Công Giàu lò dò trên chiếc xe Toyota 12 chỗ ngồi của Nhật, không thể nào chạy nhanh được. Đến sông Nạm Ngườm, không thể vượt Ngầm được, anh Giàu và tôi phải bỏ xe và tài xế ở lại giữa rừng, đón một chiếc xe nhà binh hiệu Zinh cũ kỹ của Nga để cố gắng đi cho đến Lạc Sao. Chiếc xe một cầu dằn xốc, nhảy lên thụt xuống lắc qua lắc lại, có lúc tưởng như đã lộn cả ruột gan, cuối cùng cũng mò đến Lạc Sao, trễ hơn đoàn của ông Năm Hạnh gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi xuống xe, trả cho tài xế 50 ngàn đồng, nhưng anh bộ đội lái xe không nhận tiền, còn nói: “Hai chú ở Sài Gòn ra, bọn cháu được chở qua Lào trên Trường Sơn là một kỷ niệm đáng nhớ. Lấy tiền để làm gì?” Tôi cám ơn anh bộ đội và hỏi đường đi vào nhà chỉ huy của Trung Đoàn Bộ binh của Trung Tá Kế. Xe trước đã đến từ lâu, mọi người đang ngồi uống trà với Trung đoàn trưởng Kế. Bộ chỉ huy Trung đoàn của ông Kế là ba dãy nhà, lợp lát nền xi măng, được cất lên trên một triền đồi. Tới xứ người ở giữa rừng bốn bề bạt ngàn chung quanh, được tiếp đón nơi doanh trại của bộ đội, được uống chén trà nóng, được hít mấy hơi thuốc lá thơm A đỏ, chúng tôi quên cả mệt nhọc (thuốc A đỏ là thuốc lá thơm của Lào rất thịnh hành ở miền Bắc lúc bấy giờ).

Vài tiếng đồng hồ sau khi đoàn của ông Năm Hạnh đến, Đại tá Quách Bá Đạt cùng với Đại tá Chẹng Sayavong của Lào xuất hiện. Bộ chỉ huy của Đại tá Chẹng đóng cách nơi Trung đoàn 31 của Trung tá Kế không xa.

Lần đầu tiên bắt tay với ông Chẹng, ông nói một câu tiếng Pháp để chào tôi khi Đại tá Đạt nói một tràng tiếng Lào để giới thiệu đoàn của Minh Hải. Ông Đạt đã qua Lào từ năm 18 tuổi, sống, làm việc và chiến đấu như bộ đội Lào. Ông Đạt nói tiếng Lào thông thạo như người Lào. Dáng ông nhỏ người, tóc hoa râm, đôi mắt sáng ngời lanh lợi. Ông đội chiếc nón nỉ màu nâu sẫm, trong giống như một tên lính Kín thời Pháp thuộc, chỉ thiếu cặp kính đen trên mặt nữa mà thôi. Ông Đạt, một cố vấn thân cận của tướng lĩnh Lào, được biệt phái về Lạc Sao làm việc bên cạnh tướng Bun Niên – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hậu cần của quân đội Lào – và cùng làm việc với Đại tá Chẹng Sayavong, lúc đó là Phó Tổng giám đốc Công ty Chấn Hưng Miền Núi Lào.

Tổng Công ty Chấn Hưng Miền Núi Lào (Bolisat Phatana Khet Phudoi) được Bộ quốc Phòng của quân đội Lào thành lập đầu năm 1984, có nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế vùng rừng núi Lào. Tướng Bun Niên Kẹo Savang, kiêm TGĐ, còn Đại tá Chẹng, nguyên là một Trung úy của bộ đội Hoàng Gia Lào, ly khai theo Pathet Lào năm 1960 cùng với Đại úy Khong Le. Ông Chẹng là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 quân đội Hoàng Gia, nguyên là học sinh trung học tại tỉnh Savanakhet. Ông gia nhập quân đội Hoàng Gia Lào và từng được gửi đi tu nghiệp tại Pháp, ở vùng núi Pô trên dãy Alpe. Có thể coi ông như một trí thức của Lào, giác ngộ cách mạng, ông đã theo quân đội Pathet Lào chiến đấu trên 15 năm trời.

 Đại tá Quách Bá Đạt đã đề nghị với ông Năm Hạnh chương trình làm việc, trong khi chờ trực thăng từ Vientiane xuống để rước đoàn Minh Hải lên Thủ đô Lào. Về phía Minh Hải, tôi được phân công và phía Lào Đại tá Chẹng cùng bắt tay làm việc ngay, soạn thảo những nét chinh trong hợp đồng hợp tác kinh tế giữa Bộ quốc phòng Lào và tỉnh Minh Hải.

Sau hơn một ngày làm việc, có sự cố vấn thông dịch của Đại tá Đạt, tôi và Đại tá Chẹng Sayavong đã soạn thảo được đề án hợp tác kinh tế phát triển vùng Trung Lào. Dự thảo của ông Chẹng và tôi được đọc cho mọi người nghe. Ông Năm Hạnh, ông Ba Sang, ông Lê Công Giàu có góp thêm một số ý kiến. Sau khi sửa đổi, hoàn chỉnh, Đại tá Đạt cùng với Đại tá Chẹng Sayavong dịch ra tiếng Lào, chuẩn bị văn bản chữ Lào chờ ngày lên Vientiane báo cáo cho Đại tướng Khăm Tày Xiphandon, lúc đó là Phó Thủ Tướng Thường trực kiêm Bộ Trưởng Bộ quốc phòng Lào.

Hành trang đi Vientiane, Thủ đô Lào để dự hội nghị trù định kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế Lào – Minh Hải đã được chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi ngủ nán lại tại doanh trại của Trung đoàn 31 thêm một đêm giữa rét lạnh. Ban đêm nghe bộ đội ca hát giữa rừng, tận hưởng những hương vị mới mẻ của một vùng rừng núi còn hoang sơ đối với chúng tôi. Sáng hôm 24-12-1984, khoảng 9 giờ bỗng dưng chúng tôi nghe ầm ầm tiếng động cơ của chiếc trực thăng MIG 17 quần trên bầu trời. Mọi người nhốn nháo chạy ra sân, trực thăng của quân đội Lào đã đáp xuống giữa bãi cỏ được cắt phẳng của Trung đoàn 32, đón đoàn Sài Gòn và Minh Hải lên Vạn Tượng, bắt đầu một thời kỳ lịch sử mới giữa Cà Mạu – Sài Gòn và Vientiane.

Chúng tôi đến sân bay Vạn Tượng vào giữa trưa trời nắng gắt của ngày Noel 1984. Đêm đó đoàn Minh Hải – Sài Gòn được đón tiếp, thiết tiệc khoản đãi tại nhà khách riêng của quân đội Lào, trong lòng Thủ đô Lào.

Đại tướng Khăm Tày Xinphandon, Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ quốc phòng Lào đã chủ trì cuộc họp giữa đoàn đại biểu tỉnh Minh Hải và các tướng tá thuộc Bộ quốc phòng Lào, vào sáng ngày hôm sau khi đoàn chúng tôi đến Vientiane.

Hiện diện trong buổi họp có Trung tướng Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị, có Thiếu tướng Savay, thư ký riêng của ông Khăm Tày - Chánh Văn Phòng Bộ quốc phòng Lào. Có Thiếu tướng Thông Lẩy Phó - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, có Trung tướng Chum Mali – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, có Thiếu tướng Bun Niên Kẹo Sàvàng - Tổng cục Trưởng Tổng cục Hậu Cần, có Trung tướng Nakhon và nhiều tướng khác.

Sau khi nghe Thiếu tướng Bun Niên trình bày những nét chính trong bản dự thảo hợp tác phát triển kinh tế giữa tỉnh Minh Hải và Bộ Quốc phòng Lào, Đại tướng Khăm Tày Xiphandon đã phát biểu hoan nghênh sự hiện diện của đoàn đại biểu Minh Hải. Ông Khăm Tày cho rằng từ lâu nước Lào muốn phát triển kinh tế nhưng chưa tìm được một đối tác thích hợp. Ông tin tưởng đoàn tỉnh Minh Hải và TP.HCM sẽ có nhiều đóng góp mới mẻ, giúp nước Lào có thêm nhiều bài học về kinh nghiệm phát triển kinh tế. Ông Khăm Tày đã rất trân trọng sự có mặt của đoàn Minh Hải trong lúc đất nước Lào đang bị phương Tây (Thái Lan) phong tỏa về kinh tế. Ông rất muốn đoàn Minh Hải sẽ giúp Lào phát triển sang hướng Đông và sử dụng cửa biển Việt Nam để giao thương với quốc tế. Đại tướng Khăm Tày Xiphandon bày tỏ lòng quý mến đối với những người từ Cà Mau – Bạc Liêu sang Lào giúp phát triển kinh tế. Ông hy vọng vào ngày 22 tháng 3 năm 1985, Minh Hải sẽ giúp Lào xuất khẩu được chuyến gỗ đầu tiên qua ngõ Biển Đông đến Nhật Bản, để kỷ niệm ngày 30 năm thành lập Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào.

Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Minh Hải đã thật sự xúc động khi được chính phủ Lào tiếp đón một cách long trọng tại Bộ Quốc phòng Lào. Ông Năm Hạnh cam kết với Phó Thủ tướng Khăm Tày Xiphandon là đoàn Minh Hải sẽ lao động sản xuất nhiệt tình, bất kể ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ được Phó Thủ tướng Lào giao.

Cuộc họp Bộ Quốc Phòng Lào diễn ra trong ngày 25 tháng 12 năm 1984 đã kết thúc tốt đẹp bằng lễ ký kết văn bản hợp tác kinh tế giữa Công ty Chấn Hưng Miền Núi Lào và tỉnh Minh Hải. Phía Lào, Tướng Bun Niên đại diện. Phía Minh Hải, ông Lê Văn Bình đại diện. Lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó thủ tướng Khăm Tày Xiphadon và một số tướng lãnh cao cấp khác Qtrong Bộ quốc phòng Lào.

Văn bản hợp tác dài 5 trang đánh máy và có giá trị trong vòng 10 năm kể từ ngày 25-12-1984. Đoàn Minh Hải ngoài việc giúp quân đội Lào khai thác gỗ, còn có trách nhiệm tìm thị trường xuất khẩu cho Lào. Ngay trong buổi ký kết tôi đã được ông Năm Hạnh tham khảo ý kiến và tôi đã được phép đại diện cho đoàn tỉnh Minh Hải và TP.HCM khẳng định trước hội nghị giữa hai bên Lào – Việt là đúng vào ngày mồng 1 tết năm 1985, phía Minh Hải và đại diện của Công ty Wopacex Sài Gòn sẽ đưa quân có mặt tại Lạc Sao để triển khai ngay lập tức việc khai thác gỗ thông Lào xuất khẩu sang Nhật Bản. Lời khẳng định của tôi dựa trên thực tế tình hình xe cơ giới sẵn có trong tay, dựa trên thực tế khả năng chuyên nghiệp khai thác gỗ rừng của đoàn khai thác vận chuyển gỗ Miền Đông và Tây Nguyên lúc đó do tôi đứng đầu. Lời khẳng định đó đã gây phấn khởi cho Thiếu tướng Bun Niên và Đại tá Chẹng Sayavong - Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Chấn Hưng Miền Núi Lào. Những quan khách có mặt trong hội nghị, về phía VN có Thiếu tướng Hòa - Trưởng đoàn Chuyên gia Quân sự VN tại Lào, Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn – Phó đoàn Chuyên gia và Đại tá Trần Công Hàm, Đại tá Quách Bá Đạt. Những vị này cũng vui vẻ phấn chấn lên và bày tỏ sự tin tưởng vào thái độ phản ứng nhanh nhẹn, chứng tỏ quyết tâm của giới làm ăn kinh tế tại miền Nam. Các ông ấy hân hoan ra mặt, nhưng trong lòng cũng nơm nớp nỗi lo sợ không biết tay trẻ tuổi này của Minh Hải có giữ được lời hứa trước mặt đông đảo các quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Lào hay không. Đêm hôm đó sau cuộc liên hoan trọng thể có múa Lâm Vông và với những điệu Khèn da diết bất hủ của núi rừng Lào, ông Năm Hạnh trở về phòng nghỉ vẫn không giấu được nỗi lo âu, không biết Dương Văn Ba nói chắc như  đinh đóng cột mà có điều động được một chuyến đi rầm rộ đúng ngày giờ hay không. Ông Năm Hạnh mấy lần hỏi tôi và Hai Miên: “Các ông có chắc làm được hay không?” Tôi và ông Hai Miên luôn luôn gật đầu khẳng định vì việc làm rừng chúng tôi đã khá thành thạo trong nghề.

Sáng hôm sau đoàn Minh Hải trở về Nghệ An trên chiếc máy bay trực thăng MIG 17 của không quân Lào. Cùng đi đến Việt Nam với chúng tôi, phía Lào có thiếu tướng Bun Niên, Đại tá Chẹng Sayavong và Thiếu tướng Nguyễn Hòa. Sau hai giờ bay trên vùng rừng núi Lào, băng qua Trường Sơn chiếc trực thăng đã lượn trên bầu trời Nghệ Tĩnh, phía dưới là những đám mây mùa đông dầy đặc, phía bên trên những lớp mây đó nắng chói chang. Viên phi công người Lào phải quần ba bốn lượt mới tìm được khoảng trống để đưa chiếc Mig 17 xuyên đám mây mù lần lần xà xuống đất. Chiếc trực thăng tìm chỗ đáp ngay sân vận động của Nghệ Tĩnh. Bên dưới hàng trăm trẻ em và người lớn hiếu kỳ ùn ùn kéo đến gần nơi máy bay hạ cánh. Đoàn chúng tôi bước xuống sân bay tạm trước đám đông người đầy tiếng la ó chào mừng. Mấy chiếc xe Uaz của quân đội Lào chực sẵn đã vội vã chở chúng tôi về nhà khách của tỉnh ủy Nghệ Tĩnh. Buổi chiều hôm đó, thiếu tướng Nguyễn Hòa, thiếu tướng Bun Niên, đại tá ChẹngSayavong và đại tá Quách Bá Đạt cùng với ông Lê Văn Bình được ông Nguyễn Bá – chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh mời đến trụ sở của Ủy ban Nhân dân tỉnh, tiến hành cuộc thương lượng giữa các bên. Thiếu tướng Nguyễn Hòa đóng vai trò cầu nối giữa UBND tỉnh Minh Hải và UBND tỉnh Nghệ Tĩnh. Phía Lào đóng vai trò của người chủ khu vực rừng kế cạnh Nghệ Tĩnh, ngỏ ý xin phép UBND tỉnh Nghệ Tĩnh chấp thuận cho đoàn Minh Hải được triển khai công việc khai thác gỗ trên rừng Lào phía bên Tây Trường Sơn và vận chuyển gỗ khai thác được đưa về Nghệ Tĩnh mượn cảng Xuân Hải trên đất Nghệ Tĩnh, xuất khẩu gỗ ra ngoài biển Đông cho các nhà công kỹ nghệ Nhật Bản. Công việc có mục tiêu rõ ràng như thế, phía tỉnh Minh Hải đóng vai trò là người khai thác gỗ vận chuyển cho Lào, phải mượn đường của đất Nghệ An – Hà Tĩnh để qua Lào và phải sử dụng đường Ă nối liền Lào với Hà Tĩnh cho đoàn xe vận chuyển gỗ của Minh Hải đưa gỗ Lào xuất qua cảng Hà Tĩnh.

Tình hữu nghị bạn bè đặc biệt giữa Lào và Việt Nam được đưa ra vận dụng làm đầu đề, kêu gọi sự tương thân tương ái của Nghệ An đối với Lào. Ông Lê Văn Bình với tư cách đại diện UBND tỉnh Minh Hải đã tha thiết khẩn khoản yêu cầu ông Nguyễn Bá – chủ tịch tỉnh Nghệ Tĩnh – cho phép đoàn Minh Hải được thực hiện công tác hợp tác kinh tế với bạn Lào, nhờ vào đất địa bàn của Nghệ An. Dù tình hữu nghị cao cả như thế, tình đồng chí cách mạng miền Bắc – miền Nam tha thiết như thế, nhưng ông Nguyễn Bá – chủ tịch tỉnh Nghệ Tĩnh lúc đó – vẫn khăng khăng một mực từ chối không đồng ý cho tỉnh Minh Hải đi ngang qua đất Nghệ Tĩnh, khai thác và vận chuyển gỗ qua Lào. Lý cớ được viện ra là khai thác rừng Lào sẽ ảnh hưởng đến thiên nhiên vùng Nghệ An, bên Đông Trường Sơn là Nghệ Tĩnh sẽ chịu thiệt hại về lũ lụt do nạn phá rừng Lào. Lý cớ thứ hai được ông Nguyễn Bá viện ra là xưa nay Nghệ An khai thác gỗ chỉ dùng cưa tay thủ công, chỉ dùng voi để kéo gỗ xuống núi chứ không bao giờ dùng cưa máy và dùng xe cơ giới. Xe máy của Minh Hải và cưa máy của Minh Hải sẽ gây ra nạn phá rừng trầm trọng. Thiếu tướng Nguyễn Hòa đã phải khẩn khoản cắt nghĩa đôi ba lần cho ông Nguyễn Bá được rõ. Minh Hải giúp Lào khai thác gỗ để xuất khẩu gỗ qua hướng Đông là thực hiện chủ trương đưa quan hệ mua bán của Lào về phía Việt Nam, dùng biển Việt Nam để đi giao thương quốc tế. Đó là chủ trương rất quyết liệt của ông Cây Xỏn Phomvi Hản để phá thế bao vây kìm kẹp, cô lập Lào với phương Tây. Việc xuất khẩu gỗ của Lào vừa giúp Việt Nam phát triển kinh tế đồng thời là đòn chính trị phá thế bao vây của Thái đối với Lào. Tỉnh Nghệ An nên giúp Lào thực hiện chủ trương chính trị đó mà hai đảng Lào – Việt đã thống nhất trong tình hình cấp bách vừa qua.

Ông Lê Văn Bình đã cam kết với ông Nguyễn Bá là sẽ sử dụng các tuyến đường trên đất Nghệ An một cách thận trọng, đồng thời sẽ góp phần tu bổ, sửa sang con đường số 8. Ông Lê Văn Bình cho biết sẽ kiên quyết áp dụng phương châm vừa khai thác gỗ rừng, vừa trồng mới lại rừng, khai thác bao nhiêu sẽ có kế hoạch trồng bồi bổ bấy nhiêu. Ông Lê Văn Bình còn nhấn mạnh Nghệ Tĩnh giúp Minh Hải được làm trên đất Lào cũng là giúp Lào và Minh Hải, ông sẽ không quên cái nghĩa về việc được phép sử dụng đường từ Hà Tĩnh đi về để làm kinh tế. Cụ thể nhân dịp tết Nguyên Đán 1985 sắp đến (lúc đó là đầu tháng 12 âm lịch) Minh Hải sẽ tự nguyện đóng góp cho Nghệ An – Hà Tĩnh 10 tấn bột ngọt, 10 tấn nếp để gói bánh chưng, 30 chục ngàn thước vải để may quần áo, quà biếu cho cán bộ công nhân làm đường của Nghệ An. Đồng thời, mỗi năm Minh Hải sẽ đóng góp một phần chi phí nhất định cho việc sửa đường, sửa cầu phà dọc trên tuyến đường 8 từ ngã ba Bãi Vọt qua đất Lạc Sao của Lào. Ông tướng Lào Bun Niên, đã đại diện cho quân đội Lào khẩn khoản xin được sự giúp đỡ của ông Nguyễn Bá để việc hợp tác giữa quân đội Lào và Minh Hải có thể triển khai. Hơn 3 tiếng đồng hồ giằng co vừa tình vừa lý, vừa năn nỉ vừa nhún nhường, vừa phải “biết điều”, ông Nguyễn Bá – chủ tịch tỉnh Nghệ Tĩnh- đã xiêu lòng, gật đầu cho Minh Hải được xuyên qua Nghệ An, xuyên qua Hà Tĩnh, bắt tay nối kết với bạn Lào. Cuộc họp kéo dài dây dưa, những người trong đoàn Minh Hải phải ngồi chờ ở Nhà khách Tỉnh Ủy, sốt ruột đứng lên ngồi xuống không biết bao nhiêu bận. Cuối cùng khi thấy ông Năm Hạnh, ông Nguyễn Hòa, ông Bun Niên trở ra mới thở phào nhẹ nhõm.

Thế mới biết, mượn đường của đất tỉnh bạn để băng qua Trường Sơn, làm kinh tế với Lào, không dễ dàng, đơn giản chút nào. Nhiều người, nhiều phía, sẽ có nhiều cái nhìn khác nhau, nhiều ý đồ khác nhau và tai họa cũng có thể đến bất ngờ không báo trước được.

Tình hữu nghị bạn bè Lào – Việt thắm thiết thật đấy nhưng cũng có người nhìn sự thắm thiết đó qua lăng kính màu đen, cũng có người thực hiện sự thắm thiết này với tất cả nhiệt tình tâm huyết. Đời không chỉ có một màu đen, cũng không chỉ có màu hồng. Đen hay hồng là do cái tâm của người hành xử và nhất là tùy vào các lý giải từ một số các ông lớn. Cách mạng hay không cách mạng cũng đều xuất phát từ tâm địa của con người. Nhận định đó, những diễn biến tiếp theo sau sẽ nói lên sợi dây oan nghiệt đã được thắt gút từ bàn tay của một vài ông lớn của chế độ tại Hà Nội. Oan nghiệt thay những vinh quang, những thúc bách trong sáng của một thời kỳ đi làm kinh tế Lào làm kinh tế của những con người xứ Minh Hải.

 

22-3-15