Những Ngã Rẽ
 

Hồi ký


Dương Văn Ba

 

 


 

Chương 12

NGÔ CÔNG ĐỨC TRỞ VỀ SÀI GÒN

 

 

 

Ngày 26-4-1975, từ một khách sạn ở Bangkok Ngô Công Đức gọi điện thoại về nhà Đại Tướng Dương Văn Minh ở số 3 Võ Văn Tần. Ông Đức có được số điện thoại này là do con trai của Tướng Dương Văn Minh ở bên Pháp. Thời gian lưu vong, Ngô Công Đức có nhiều tháng ở Paris, ông hoạt động với tư cách thành phần thứ ba. Dương Minh Đức con trai lớn của Tướng Minh là một đầu mối liên lạc để Ngô Công Đức nắm tình hình bên nhà.

Ngô Công Đức điện thoại về gặp Tướng Minh chỉ nói sơ về tình hình chính trị và báo cho Tướng Minh biết chắc chắn phải có thay đổi ở Sài Gòn. Mục đích chính của cuộc điện đàm là để trực tiếp nói chuyện với ông Hồ Ngọc Nhuận, lúc đó đang tạm trú trong nhà ông Dương Văn Minh. Tướng Minh trao máy điện thoại để dân biểu Hồ Ngọc Nhuận có điều kiện trực tiếp đàm đạo với ông Ngô Công Đức. Qua gần 40 phút trao đổi, Ngô Công Đức cho biết từ Bangkok ông đang tìm đường đi Hà Nội thông qua ngõ Hong Kong vì hoàn cảnh lúc đó giữa Hà Nội và Thái Lan không có trực tiếp bằng đường hàng không. Hồ Ngọc Nhuận cũng được Ngô Công Đức khuyên đừng giữ bất cứ chức vụ gì trong chính phủ Dương Văn Minh vì chắc chắn Sài Gòn sẽ được giải phóng. Ngô Công Đức qua Hà Nội để biết thủ đô của Việt Nam và để làm một số nhiệm vụ, sau đó ông ta sẽ nhanh chóng trở về Sài Gòn. Những nội dung này anh Hồ Ngọc Nhuận không nói hết cho tôi nghe, chỉ úp úp mở mở vì nó còn nằm trong vòng bí mật. Sau này có dịp ông mới nói rõ lý do tại sao trong những ngày 27, 28, 29 và 30-4-1975 ông đều rất ít có mặt trong nhóm Dương Văn Minh, mặc dù những đêm đó ông và bà Kiều Mộng Thu đêm đêm vẫn về ngụ tại nhà số 3-2 Võ Văn Tần là nhà của Thiếu Tá Hoa Hải Đường, cận vệ và là sĩ quan tùy viên trung tín nhất của Tướng Minh. Thiếu tá Hoa Hải Đường luôn có mặt sát cạnh Tướng Minh vào những giờ nguy hiểm nhất. Sau ngày 30-4-1975, Thiếu tá Đường phải đi học tập cải tạo gần 3 năm trời, sau đó theo yêu cầu của ông Dương Văn Minh, chính quyền cách mạng mới cho Thiếu tá Đường trở về nhà sum họp với vợ con. Về nhà được ít lâu, người sĩ quan tùy viên trung thành nhất của Tướng Minh, đã cùng vợ và hai con gái vượt biên sang Mỹ. Ông Đường và gia đình sang Mỹ trót lọt và sống đời bình yên ở đó. Tướng Minh có ba sĩ quan tuỳ tùng. Đại tá Trương Minh Đẩu, cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và cả tiếng Hoa. Ông Trương Minh Đẩu tinh tình vui vẻ và hay tếu, vợ ông là ca sĩ Mộc Lan, nổi danh một thời. Sau ngày giải phóng ông Trương Minh Đẩu không phải đi học tập cải tạo. Do giỏi Anh Pháp ngữ có lúc ông làm cán bộ xuất nhập khẩu của công ty Xuất khẩu Nông sản Sài Gòn. Ông Đẩu mất khoảng năm 1986, vợ ông rất nghèo, có căn nhà ở trong phạm vi Bộ Tư Lệnh thành, bị đuổi, hiện  nay đã trên 70 tuổi, phải ở trong một căn nhà nhỏ thuê mướn trong xóm lao động nghèo, nuôi đứa con gái bị bệnh tâm thần nhẹ. Hoàn cảnh gia đình của chị Mộc Lan, những người biết chị và ông Đẩu rất thương tâm, nhưng chẳng ai giúp được gì nhiều. Ông Đẩu mất đi vì bệnh hoạn, trong tuổi già và nghèo. Đời của một sĩ  quan chân chất làm tuỳ tùng cho một ông Tướng sạch, kết thúc trong âm thầm lặng lẽ.

Thiếu tá Hoa Hải Đường là sĩ quan nhảy dù, con của ông Hoa Văn Mùi, có lúc làm giám đốc cảnh sát Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm. Ông Đường tinh tình khẳng khái đơn giản là một con người trong sáng. Ông theo ông Dương Văn Minh đến giờ phút sau cùng, chứng tỏ ông là một quân nhân có kỷ luật, một thanh niên trung thành với những điều tốt đẹp mà lương tâm và kiến thức đã dạy cho ông. Tôi có thời gian sống gần Thiếu tá Hoa Hải Đường trên 2 năm phải nhìn nhận ông ta là một con người ngay ngắn, trung thực và tôn trọng lẽ phải.

Thiếu Tá Trịnh Bá Lộc, sĩ quan tùy viên thứ 3 của Dương Văn Minh, con của ông Hai Tiễn, bạn thân của Tướng Minh. Ông Lộc lo các công vịêc cần vụ cho Tướng Minh. Ông cũng là một thanh niên thông minh, nhạy cảm, biết tính toán và biết chọn đúng thời cơ để tạo cho vợ con một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ông Lộc có gần 2 năm vừa làm việc cho Tướng Minh, vừa chạy giấy tờ thủ tục lo cho vợ con của lính Mỹ và của các viên chức Mỹ di cư sang Mỹ. Ở đoạn trên trong quyển hồi ký thứ nhất, tôi đã có nói về việc này. Ông Lộc biết rõ thời cơ Mỹ đã bỏ chạy từ tháng 3-1975 qua nhiều lần nói chuyện với tôi. Ông xác định chắc chắn Việt Nam Cộng Hoà sẽ sụp đổ, các lực lượng quan trọng của Mỹ ở Đà Nẵng đã rút lui về nước từ tháng 2-1975. Ông Lộc không tin chắc vào thời cơ hoà bình sẽ lọt về tay Tướng Dương Văn Minh. Ông đã thẳng thắn xin phép Tướng Minh đưa vợ con ông đi Mỹ từ những ngày đầu tháng 4-1975.

Tôi dành những trang này trong quyễn hồi ký để nhắc về những con người đã sống, làm việc và đi theo phò cận tướng Minh. Những người thanh niên ngay thẳng, đơn giản, sống cuộc đời lương thiện bình thường, trong một xã hội hoàn toàn không bình thường có rất nhiều tệ nạn và thảm cảnh. Những người lính của ông Dương Văn Minh dù họ còn hay mất vẫn để lại trong ký ức của tôi, vợ và các con tôi những hình ảnh tốt đẹp, chân chất. Tôi không khỏi buồn khi nhắc về những ngày tháng từng sống chung với họ trong sự đùm bọc của Tướng Dương Văn Minh.

Anh Đẩu, anh Đường, anh Lộc, tôi bằng cuốn sách này xin gửi đến các anh những tình cảm quí mến nhất. Chúng ta là những thanh niên cùng thời, dù có thể chúng ta sinh lầm thời đại, nhưng theo gương các anh tôi vẫn cố giữ một nếp sống và nếp nghĩ của con người lương thiện và trung thực. Tất cả rồi sẽ qua đi như những lượn sóng phải tan trong đại dương bao la.

Từ sau cuộc nói chuyện với anh Ngô Công Đức, anh Hồ Ngọc Nhuận ít có mặt trong những cuộc họp rầm rộ của ban tham mưu của Tướng Minh. Từ đêm 27, 28-4-1975, ông Nhuận và bà Kiều Mộng Thu như biến đi đâu mất. Kể cả bác sĩ  Hồ Văn Minh, người mà năm 1971 ông Dương Văn Minh đã chọn làm ứng cử viên phó tổng thống chung liên danh, cũng biến mất. Sau này gặp lại, tôi hỏi bác sĩ Minh lý do, tại sao những ngày cuối cùng không thấy bóng dáng của anh đâu. Bác sĩ Minh trả lời: “moi thấy tình hình không còn thuốc chữa nữa, moi có khuyên ông Tướng đừng nhận chức tổng thống vì trễ quá rồi. Ông Tướng không nghe lời moi, nói rằng ở địa vị của ông, ong không thể trốn tránh nhiệm vụ trước lịch sử, dù là để đầu hàng”. Như vậy, phản ánh của bác sĩ Hồ Văn Minh càng cho tôi thấy ông Dương Văn Minh đã biết rõ vai trò của mình khi nhận chức tổng thống vào ngày 27-4-1975. Ông Dương Văn Minh biết rõ trách nhiệm của ông nhận vai trò để đầu hàng từ trước. Ngô Công Đức trong một dịp nói chuyện với tôi sau này vẫn nhắc lại: “Từ Bangkok ngày 26-4-1975, moi đã khuyên ông Tướng đừng nhận chức Tổng thống vì đã trễ lắm rồi. Ông Tướng Minh đã không nghe moi”.

Từ Bangkok Ngô Công Đức bay qua Hongkong và về đến Hà Nội vào ngày 1-5-1975. Ngô Công Đức ở lại Hà Nội nhiều ngày. Ông quen biết khá nhiều nhân vật ở Hà Nội như đại sứ Phạm Văn Ba, đại sứ Nguyễn Văn Tiến, bà Nguyễn Thị Chơn (vợ của ông Trần Bạch Đằng), ông Phan Nhẫn, đại diện Mặt trận Giải phóng miền Nam tại Thụy Điển. Những ngày ở Hà Nội là những ngày ông làm quen với tình hình mới, nghiên cứu tình hình mới, thắt chặt mối dây liên lạc đã sẵn có từ những ngày ông lưu vong ở nước ngoài và phải chăng là cũng để nhận một số nhiệm vụ. Ông Ngô Công Đức quen khá thân với Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hiếu, ông cũng quen biết thân tình với Mã Thị Chu – vợ ông Hiếu. Có lần ông Ngô Công Đức kể lại cho tôi và Hồ Ngọc Nhuận nghe, thời gian lưu vong ông từng được gặp Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, trong một cuộc tiếp xúc bí mật với Thủ Tướng Phạm văn Đồng nhân dịp Thủ Tướng Đồng công du tại Budapest, thủ đô của Hungary. Ông được sự sắp xếp của Đại sứ Nguyễn Văn Tiến và Đại sứ Phạm Văn Ba để từ Pháp ông bí mật đi Hungary. Ngô Công Đức là một nhân vật chính trị nổi tiếng trong thành phần thứ ba ở Sài Gòn, ông lưu vong với tư cách thành phần thứ ba, ông xuất hiện trước quốc tế như một đại diện độc lập nổi tiếng của thành phần thứ ba, tiếng nói của ông lúc đó là tiếng nói đại diện cho một lực lượng, ông ngã về phía nào, sẽ rất có lợi cho phía đó. Ông Ngô Công Đức đã đóng vai trò của mình khá xuất sắc. Ông từng sống ở Thụy Điển với vai trò đại diện cho thành phần thứ ba ở miền Nam. Những tin tức về tình hình ở Sài Gòn do Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quí Chung, Kiều Mộng Thu, linh mục Chân Tín, linh mục Nguyễn Ngọc Lan cung cấp là những tài liệu quí giá để ông khai thác, chiến đấu trước dư luận quốc tế, như tiếng nói của một khát vọng hoà bình, tiếng nói của đại đa số. Vị trí của ông Ngô Công Đức có được trong tình hình chính trị Việt Nam lúc bấy giờ, do ông là một người có tài biết xoay sở ứng phó với bản lĩnh và cung cách riêng. Nhưng vị trí đó càng thêm mạnh mẽ do cuộc đấu tranh của các phong trào quần chúng ở miền Nam lúc bấy giờ tăng thêm sức mạnh cho ông. Vị trí đó càng vững chắc khi ông được tiếp sức bởi các nhà ngoại giao lỗi lạc như đại sứ Ba, đại sứ Tiến, như anh Nguyễn Ngọc Hà và phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp. Chính phủ ở Hà Nội lúc đó và các nhà lãnh đạo Đảng, những người đóng vai trò nồng cốt trong Mặt Trận Giải Phóng Miền nam đã khôn khéo sử dụng tiếng nói của Ngô Công Đức như một tiếng nói độc lập của phong trào quần chúng hỗ trợ cho cách mạng. Những phân tích trên đây có lẽ phần nào cắt nghĩa được vai trò của Ngô Công Đức thời bấy giờ, một phần nào cắt nghĩa được lý do tại sao ông Trần Bạch Đằng với tư cách Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương hỗ trợ tích cực cho Ngô Công Đức được tái xuất bản nhật báo Tin Sáng, nhật báo mang tính cách tư nhân mấy tháng sau ngày 30-4-1975.

Ngày 7-5-1975, từ Hà Nội, Ngô Công Đức bay về Sài Gòn trên máy bay TU 134 của hãng hàng không Việt Nam. Không có người nào ra đón ông ta tại sân bay Tân Sơn Nhất, kể cả ông anh rễ Nguyễn Văn Binh. Thời gian ấy, việc thường dân đi vào sân bay, dù là sân bay dân sự, còn khá khó khăn. Ngay sau khi Ngô Công Đức về đến nhà ở bên chợ Thị Nghè, người đầu tiên có mặt là Hồ Ngọc Nhuận, sau đó là tôi. Lúc ấy gia đình của Ngô Công Đức ở tầng trệt và tầng 1 trong một căn nhà lầu gần mũi tàu chợ Thị Nghè. Gia đình của chị Hai Ngô Công Đức (vợ anh Nguyễn Văn Binh) ở chung nhà trên lầu 2 và lầu 3. Anh em dân biểu và từng làm báo với nhau nhiều năm, những ngày đó gặp lại nhau vô cùng mừng rỡ và thân thiết. Hồ Ngọc Nhuận là người bạn rất thân với Ngô Công Đức từ thuở còn học trường nhà dòng Taberd Sài Gòn, ông Nhuận tin ông Ngô Công Đức một cách triệt để. Tôi khá thân với Ngô Công Đức từ năm 1967 cho đến khi ông ta lưu vong. Trong tập hồi ký số 1, tôi đã kể lại việc sắp xếp cho Ngô Công Đức di tản theo ngõ Campuchia như thế nào. Thời gian mấy năm Ngô Công Đức ở Pháp, ở Mỹ và ở Thụy Điển, chúng tôi thuờng xuyên qua lại bằng thư từ. Tôi nhỏ hơn Ngô Công Đức 6 tuổi, anh ta tuổi Tý sinh 1936, tôi tuổi Ngọ sinh 1942. “Tý Ngọ Mẹo Dậu tứ hành xung”, nhưng trên đấu trường chính trị ở Quốc hội, trên báo chí tôi và Ngô Công Đức đứng cùng một phía. Tuổi trẻ, thông minh, lanh lợi, đầy sáng tạo, đầy sức sống, Ngô Công Đức đã nhiều lần chứng tỏ mình là một tay bản lĩnh trên chính trường Sài Gòn, nhờ báo Tin Sáng anh ta càng chứng tỏ là một tay bản lĩnh trong báo chí. Mối quan hệ của Ngô Công Đức ở Sài Gòn lúc làm báo Tin Sáng trước năm 1972 thật rộng. Là người Công giáo ông Ngô Công Đức có quan hệ bà con với Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình. Ông ta chơi khá thân với linh mục Nguyễn Ngọc Lan, linh mục Huỳnh Công Minh, đồng thời ông ta có quan hệ khá gần gủi với linh mục Chân Tín và linh mục Trần Khắc Từ. Người Công giáo ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Mỹ Tho coi Ngô Công Đức như một anh em chí cốt. Thế đạo giáo của Đức khá mạnh vào những năm tháng ấy. Ngoài vị thế đạo giáo, những năm làm ăn với quân đội Mỹ ở Hậu Nghĩa cũng tạo cho Ngô Công Đức một mối quan hệ khá chặt với nhiều tay sừng sỏ trong chính quyền cũ. Ngô Công Đức chơi thân với tỉnh trưởng Hậu Nghĩa, tỉnh trưởng Vĩnh Bình, với nhiều sĩ quan cấp tá ở Vùng IV Chiến thuật, ông lại biết đá gà và có lắm tiền cho nên cũng chơi khá thân với Nguyễn Thiện Nhơn phụ tá đặc biệt của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, qua trung gian của Nguyễn Thiện Nhơn, Đức dễ dàng chơi thân với Kỳ. Trong vai trò dân biểu hạ nghị viện, một tiếng nói sừng sỏ trong phe đối lập, Đức càng dễ bề tạo ảnh hưởng và gây ấn tượng đối với Kỳ. Thời gian Kỳ làm phó tổng thống (1967-1971), vai trò của Kỳ lu mờ trước ảnh hưởng của Nguyễn Văn Thiệu, cho nên Nguyễn Cao Kỳ không phải là đích nhắm của phe đối lập, ngược lại đôi khi ông ta còn ngầm ủng hộ phe đối lập để phe này có thêm sức mạnh, có thêm phương tiện trong việc chống báng Nguyễn Văn Thiệu. Ngô Công Đức cũng đã khéo léo trong việc ngầm bắt tay với phe Nguyễn Cao kỳ, để từ vị trí của môt trong những người đầu đàn phe đối lập tại quốc hội, tiếng nói của Ngô Công Đức càng có thế mạnh hơn trong việc đối đầu với Thiệu. Phân tich tình hình chính trị ở Sài Gòn những năm 1967-1971, mới thấy rõ thế đứng của dân biểu Ngô Công Đức, thế đứng của một người khá bén nhọn trong nghề làm chính trị. Trên báo chí, trước mắt quần chúng, trước dư luận của phe Phật giáo đối lập, Phật giáo Ấn Quang, vị thế của Ngô Công Đức khá nổi bật, ai cũng dễ có cảm tình với ông trong vai trò đối lập nổi bật. Người ta không để ý đến việc ông Ngô Công Đức có thể đi đêm với Nguyễn Cao Kỳ hoặc có thể đi đêm với Mỹ, hay hơn thế nữa đi đêm với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Từ lúc nào và do hoàn cảnh nào, do những động lực nào đưa đẩy, ông Ngô Công Đức đã ngã hẳn sang hàng ngũ của những người đi theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền nam.

Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận về thời gian sau này có lần đã nói với tôi sau chuyến đi Pháp về năm 1968 được người của phía MTDTGP Miền Nam móc nối tại Paris, được đại sứ Nguyễn Văn Tiến và đại sứ Phạm Văn Ba tiếp xúc, anh Hồ Ngọc Nhuận đã giác ngộ con đường cách mạng. Chính sự giác ngộ đó của anh đã là nguyên do lôi kéo Ngô Công Đức đi theo. Bởi vì sau khi ở Pháp về (Hồ Ngọc Nhuận đi Pháp với tư cách dân biểu của chế độ cũ) anh Hồ Ngọc Nhuận đã nói rõ mọi việc và phân tích con đường tương lai cho Ngô Công Đức thấy. Chính sự phân tích đó đã ảnh hưởng đến thái độ chính trị của Ngô Công Đức. Riêng tôi nghĩ rằng phân tích của ông Hồ Ngọc Nhuận có phần đúng, nhưng cũng có phần chủ quan vì xét về quá trình bản lĩnh chính trị, bản lĩnh ở đời trong mọi dàn xếp tiếp xúc và giao hảo, Ngô Công Đức bén hơn, sắc nét hơn, lém lỉnh hơn anh Hồ Ngọc Nhuận rất nhiều. Việc Ngô Công Đức đi theo lập trường của anh Hồ Ngọc Nhuận có thể chỉ là một sự trùng hợp về động cơ chính trị, trùng hợp về phân tích thời cuộc, một sự trùng hợp do hoàn cảnh chính trị thời bấy giờ tạo ra. Qua những hành động cụ thể nổi rõ trước mắt từ năm 1967 đến năm 1975, khó ai phủ nhận được Ngô Công Đức đã có những đóng góp có lợi cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, cũng khó ai phủ nhận được động cơ của những việc ông làm phát xuất từ lòng yêu nước của một con người có bản lĩnh. Chính tôi cũng đã tìm gặp Ngô Công Đức trong những hoàn cảnh đó, thấy được ở ông ta những sắc nét có lợi cho công cuộc chung, tôi đồng tình với ông ta trong nhiều quan điểm công khai và từ đấy có một thời gian khá dài tôi và ông ta là những người bạn chính trị có thể tin tưởng lẫn nhau. Đọc lại những bức thư tôi viết cho Ngô Công Đức thời kỳ ông ta lưu vong ở Pháp và Thụy Điển, mới thấy hết mối thân thiết và sự tin cậy lẫn nhau trong tình bạn của chúng tôi. Tôi xin trích lại sau đây một vài đoạn trong những bức thư tôi đã gửi lén lút từ Sài Gòn cho Ngô Công Đức qua đường dây của anh Hồ Ngọc Nhuận.

Đức thân, hôm nay viết thư cho mày vào lúc 12 giờ đêm sau một ngày mệt óc vì họp hành liên miên.

Thông thường, mỗi thứ sáu, “nhóm” đều có họp từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối, sau đó dùng cơm thân mật với “ông già” và bàn chuyện nọ kia luôn tới 10 giờ hơn. Nhưng hai tuần rồi, vì thời buổi mắc mỏ nên phần thứ hai của chương trình “cơm tối” được anh em hủy bỏ cho đỡ tốn. Tuy nhiên sau tết lại cứ một tháng có hai lần ăn cơm, theo “ông già” là để giữ tình thân. Cũng hai tuần rồi Nhuận buồn không đi họp vì một vài sự thiếu tế nhị của người lớn, nhưng chỉ không đi để làm một cử chỉ tượng trưng. Sau này sẽ đi họp lại vì mày biết tao, Nhuận và Minh Hồ cùng Chung Lý thường ăn ý nhau hơn. Thiếu Nhuận, dĩ nhiên thiếu rất nhiều.

Hôm nay mệt vì từ 3 giờ đến 5 giờ có cuộc họp của báo Điện Tín để bàn về tiền thưởng tất niên cho anh em Ban Biên Tập. Kể về báo chí cho mày đỡ buồn. Mày biết hễ cuối năm là phải trả lương lao động ít nhât ½ tháng cho anh em, nhưng hai năm nay thằng Như (cai thầu báo Điện Tín) không bao giờ chịu trả, chỉ kì kèo cho qua để rồi cuối cùng chỉ nhả ra chút đỉnh cho anh em tượng trưng ăn tết. Năm nay, cũng không tránh khỏi cảnh đó nhất là lại có ông Đông (Hồng Sơn Đông) xen vào chuyện tài chinh, họ xiết được mức nào là họ mừng mức đó. Tao ở trong thế làm công phải lo cho mấy anh em, nhưng chẳng được kết quả như ý. Hơn nữa phần mình nghèo thấy tổ chỉ chờ tết, kiếm chút thưởng lao động nhưng họ lại nói mình thuộc vào Section đầu não khỏi đặt vấn đề, thành ra chẳng có mẹ gì. Trong khi đó kể từ tháng 10-1973 tao không còn nắm trọn vẹn quyền hành trong tờ báo nữa vì có Lý Chánh Trung cộng thêm thằng Chung “mắt kiếng” nên sự việc càng rắc rối thêm. Tao có lần viết thư than với mày bây giờ chuyện tờ báo khó lắm. Hơn thế nữa, mấy thằng nhỏ cũng mất tinh thần. Tao thì dù bản chất rất hăng nhưng cũng có lúc nản, dầu vậy vẫn phải cố lo hết sức để cho tờ báo đừng rớt. Chuyện xử sự ở đời có lắm kẻ chẳng bao giờ dám phiêu lưu và chịu đổ mồ hôi, nhưng khi thấy mòi công cuộc kẻ khác làm nên, thì thường dựa hơi kẻ lớn thế để nhảy vào làm cha thiên hạ (làm cha tao thì chẳng được vì sợ mang tiếng và kẹt, tao gầy dựng nên tờ báo này, cũng khổ công lắm, trong đó có Nhuận từ đầu…). Nói thế cho mày hiểu chuyện nhà cũng có nhiều thứ li ti đáng lý không nên nói ra, nhưng phải nói để mày hiểu chuyện tờ báo mà còn như vậy. Sau này chuyện lớn còn khó đến mực nào… Dầu vậy, tao vẫn tự hào là mình đã lấy mồ hôi ra để kiếm bát cơm, mình đã gầy dựng được một cái gì dù là trong những phút kẹt nhất của một giai đoạn không lấy gì làm sáng sủa…Mày biết lúc luật 007 (luậtt báo chí) ra đời, mấy ông lớn, ông nào cũng đòi dẹp tờ báo. Một mình tao chống trả với phong ba ngay cả bằng nước mắt và nhịn nhục, thúc đẩy cho nó đóng ký quỹ để ra tiếp, tới nay người ta mới thấy là mình có lý. Lúc đó nghe lời mấy ông trên mây trên gió không những một đám anh em đói queo mà ngày nay cũng không còn gì để ăn nói hay hiện diện gọi là… Nhắc lại chuyện cũ không phải để khoe công, nhưng để nói cho mày rõ là vấn đề quan niệm hành động, chiến lược, chiến thuật hành động chính trị, ứng phó với thời cuộc là một mối khổ tâm không nhỏ ở bên nhà cho Nhuận và tao. Dĩ nhiên thế của Nhuận dễ hơn vì dù sao “lui” cũng còn nhiều phong độ. Hôm 18 tháng 12 (1973), nếu tụi tao không làm mạnh, chưa chắc gì đã có mấy cái “bánh tráng” gửi ra ngoài (bánh tráng đồng nghĩa với các bản tuyên bố của ông Dương Văn Minh) cùng với chuyện ông Thích Thiện Châu ra tuyên bố ở bển…

…. Tuy nhiên, bánh xe vẫn đi tới vì dù sao cũng không có đường nào khác nhất là thời cuộc cũng khó có thể ngồi chờ. Tao tin là dù có chậm, cũng vẫn cứ phải đẩy cho bánh xe lăn. Dĩ nhiên mình cũng nhớ rằng không có ai giống mình hoàn toàn, bởi một lớp tuổi, một quá khứ, một hành động theo kiểu và theo nếp riêng. Hoà hợp và tin cậy nhau để làm việc từ hơn một năm nay ở bên này, như vậy là cũng đã khá lắm rồi. Có lúc tao nóng lên nhưng nghĩ lại có nôn nóng cũng không xong vì vấn đề là phải biết làm theo hoàn cảnh và thấy rõ con đường mình đi….Tao có đọc một đoạn thư mày viết cho Nhuận, vấn đề là đường dài, vấn đề là của chúng ta trong tương lai…tao đồng ý và thường thúc Nhuận phải định cho rõ bốn, năm thằng trẻ, định làm cái gì, thế ở đâu, phải làm cách nào, từng bước một, phải nối kết với bên ngoài….Trong tết này mày suy nghĩ xem sao và sau tết biên về những dự định trên một qui mô lớn để anh em bên này cùng liệu…

Trên đây tôi xin phép trích lại một đoạn thư cá nhân gửi cho Ngô Công Đức vào dịp cuối năm 1973 đầu năm 1974 khoảng trước tết. Chúng tôi đã có một thời kỳ gắn bó với nhau mật thiết vì xu hướng chính trị giống nhau, vì cùng chơi chung với một nhóm bạn, những người có đầu óc tương đối phóng khoáng, muốn làm một điều gì đó mới mẻ để đất nước sớm thoát khỏi cảnh chiến tranh. Lúc Ngô Công Đức bị Tỉnh trưởng Vĩnh Bình (tên gọi cũ của Trà Vinh) là đại tá Chung Văn Bông lập mưu bắt quả tang đánh người trong một tiệc nhậu nhân dịp tết 1970-1971, vì tình bạn, tôi rất nóng lòng cùng anh Hồ Ngọc Nhuận mượn máy bay của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, bay xuống Trà Vinh để giải vây cho Ngô Công Đức. Trong hoàn cảnh đấu tranh của chế độ cũ, lập trường chúng tôi giống nhau nên dễ kết thân, dễ chung vai chiến đấu. Tôi thường xuyên viết những bài báo chính trị trên nhật báo Tin Sáng trước năm 1971. Lúc tôi xuất bản tuần báo Đại Dân Tộc với tư cách chủ nhiệm, chính Ngô Công Đức xuất vốn đầu tư vì Ngô Công Đức cũng biết rõ tôi là người có năng khiếu nhạy bén về làm báo, viết báo. Cho nên, tháng 5-1975 sau khi Ngô Công Đức về nước được ông Trần Bạch Đằng và Thành Ủy TP Sài Gòn Gia Định chấp nhận giao cho xuất bản Nhật báo Tin Sáng (hồi II) với tư cách báo tư nhân, hai người đầu tiên mà Ngô Công Đức luận bàn để hình thành nhật báo Tin Sáng sau ngày giải phóng là anh Hồ Ngọc Nhuận và tôi. Căn nhà tôi ở tại số 3-14 Võ Văn tần Phường 6, Quận 3, Tp Sài Gòn Gia Định lúc bấy giờ, là nơi hội họp của báo Tin Sáng bộ mới trong những ngày đầu tiên lúc Ngô Công Đức mới về nước. Chính Ngô Công Đức, anh Hồ Ngọc Nhuận và tôi cùng nhau bàn bạc quyết định mời anh Lý Quý Chung, anh Nguyễn Hữu An tham gia lãnh đạo tờ Tin Sáng ngay từ đầu. Ngô Công Đức giữ vai trò chủ nhiệm được chính quyền giao phó, chịu trách nhiệm trước pháp lý về nội dung chính trị của nhật báo Tin Sáng. Anh Hồ Ngọc Nhuận giữ vai trò chủ bút hiện nay gọi là Tổng Biên Tập. Anh Nhuận có 3 phó chủ bút phụ giúp anh trong việc quán xuyến nội dung tờ báo: tôi, Dương Văn Ba - phó chủ bút phụ trách kinh tế chính trị, anh Nguyễn Hữu An (bạn học của Hồ Ngọc Nhuận) - phó chủ bút đặc trách các vấn đề quốc tế, anh Lý Quý Chung - phó chủ bút đặc trách vấn đề văn hoá xã hội.

Ròng rã trong 6 năm trời, từ tháng 7-1975 đến tháng 6-1981, bộ phận đầu não của nhật báo Tin Sáng (hồi II) đã làm việc cật lực với tinh thần hăng hái, làm việc từ sáng sớm đến hơn 12 giờ đêm để tờ nhật báo Tin Sáng có được một tiếng nói mới mẻ, hấp dẫn quần chúng độc giả, góp phần soi đường dẫn lối những ngày đầu sau khi cách mạng thành công. Đánh giá về vai trò của nhật báo Tin Sáng trong giai đoạn ấy có thể có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng một điều không thể chối cãi được là nhật báo Tin Sáng do chúng tôi phụ trách có một số độc giả khá đông đảo, trên 60 ngàn độc giả mỗi ngày suốt từ năm 1976 đến năm 1981. Tờ báo có một sức mạnh không thể chối cãi. Chính vì sức mạnh đó mà phải tới lúc Tin Sáng được cho hoàn thành nhiệm vụ, nói một cách văn hoa nhưng thực tế là cho nghỉ xuất bản vào tháng 6-1981. Tôi sẽ xin trở lại vấn đề này ở những trang sau.

Xin nhắc lại giai đoạn đầu của tờ nhật báo Tin Sáng (hồi II) sau giải phóng. Việc cho xuất bản tờ báo Tin Sáng và để cho nhóm Ngô Công Đức cầm đầu tờ báo là một sáng kiến khôn ngoan của Ban Tuyên Huấn Trung Ương lúc bấy giờ mà nhân vật đứng đầu ở phía Nam là ông Trần Bạch Đằng. Theo tôi được biết không có sự yểm trợ mạnh mẽ của ông Trần Bạch Đằng và bà Nguyễn Thị Chơn, có thể không có việc xuất bản nhật báo Tin Sáng. Để quản lý tốt nội dung tờ báo trong buổi đầu, khỏi lệch lạc với đường lối của TW Đảng, chính ông Trần Bạch Đằng đã lựa chọn một cán bộ kỳ cựu của Ban Tuyên Huấn TW, là ông Kỳ Phương, từng làm Tổng Biên Tập báo Đại Đoàn Kết ở Hà Nội, về làm cố vấn và thường xuyên ngồi tại toà soạn Tin Sáng cùng với anh Hồ Ngọc Nhuận duyệt lại các bài vở, các tin tức mỗi ngày trước khi cho lệnh in tờ báo. Tôi có điều kiện làm việc thường xuyên với ông Kỳ Phương mỗi ngày từ 9 giờ sáng cho đến hơn 10 giờ đêm. Tôi phụ trách trang 1, 3, 7, 8 của tờ báo; những trang dính líu tới tin tức kinh tế chính trị, xã hội hàng ngày, những trang thường làm cho đến 9-10 giờ đêm mới xong và là những trang quan trọng phải đọc và duyệt bài thật kỹ để tránh các sơ hở có thể vi phạm đường lối chính trị chủ trương của Đảng, rất dễ mang đến tai họa không lường trước được cho những người chủ trương và những người viết báo. Trong vai trò của người cố vấn chính trị, cố vấn cho tổng biên tập, từng câu từng chữ, từng ý từng lời, anh Kỳ Phương đã tận tụy làm việc và đảm nhận vai trò của anh một cách khá hoàn hảo. Nhờ đó, nhật báo Tin Sáng đỡ vấp phải những lỗi lầm ấu trĩ  về chính trị, nhờ đó anh Hồ Ngọc Nhuận, Tổng Biên Tập của báo Tin Sáng đỡ được phần lớn gánh nặng có thể đổ trên vai anh, nhờ đó tôi, anh Lý Quí Chung, anh Nguyễn Hữu An cũng đỡ vất vả. Anh Kỳ Phương tinh tình ít nói, thâm trầm, nói năng nhẹ nhàng, những câu những chữ anh đề nghị sửa đổi hay cắt bỏ, anh không bao giờ áp đặt, anh chỉ gợi ý để chúng tôi thảo luận và chấp nhận. Thông thường những ý kiến của anh đều được toà soạn chấp hành vì nó rất hợp lý hợp tình, không áp đặt, nó giúp cho tờ báo vững vàng về quan điểm chính trị. Có con mắt và bàn tay của anh Kỳ Phương nhúng vào, nội dung tờ nhật báo Tin Sáng được an toàn hơn, báo Tin Sáng có thể đảm nhận vai trò tuyên truyền chính trị được Đảng giao phó một cách vững vàng và nhuần nhuyễn hơn. Sự thành công của báo Tin Sáng trong suốt hơn 6 năm, có sự đóng góp rất lớn của anh Kỳ Phương về mặt an toàn chính trị.

Ban biên tập nhật báo Tin Sáng có những người trợ lý tòa soạn khá vững vàng và thông thạo nghề. Anh Trương Lộc, anh Minh Đỗ từng là thư ký toà soạn của nhật báo Điện Tín trước đây, hai anh này tiếp tục trợ lý cho tôi và anh Nguyễn Hữu An. Phần nhà thơ Kiên Giang thì trợ lý anh Lý Quý Chung về văn nghệ và văn xã. Biên tập viên nồng cốt của nhật báo Tin Sáng thời kỳ 1975-1981 có thêm Trần Trọng Thức, Hoàng Ngọc Nguyên, Cao Thanh Tùng, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Ngọc Thạch, Võ Văn Điểm… những người này là những ngòi bút khá vững chắc, bén nhọn và là những người có kiến thức, tồn đọng lại sau giải phóng và đều tập trung hội tụ về nhật báo Tin Sáng. Cộng tác viên nổi bật của báo Tin Sáng sau giải phóng cũng rất nhiều. Có thể kể đến tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, tiến sĩ Phạm Hoàng Hộ, tiến sĩ Châu Tâm Luân…và rất nhiều ngòi bút tên tuổi khác. Nhật báo Tin Sáng sau giải phóng, xuất hiện với tư cách tư nhân đã quy tụ được hầu hết lực lượng trí thức có tâm huyết và có tay nghề báo chí. Đó là một diễn đàn thể hiện những ý kiến, những đề xuất tích cực phản ánh những tồn tại cần phải sửa đổi trên bước đường xây dựng một nước Việt Nam mới. Phải nói rằng ông Trần Bạch Đằng với tư cách là người đỡ đầu cho nhật báo Tin Sáng về mặt nội dung tư tưởng đã có những sáng kiến và những đóng góp tích cực cho việc hình thành một nền báo chí mới mẻ tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

 

17-3-15