Những Ngã Rẽ
 

Hồi ký


Dương Văn Ba

 

 


 

Chương 10
NHỮNG MÀN KỊCH CUỐI CÙNG. ..

 

Phần 1

 

 

Chuyện Ngô Công Đức vượt biên

Vuợt biên ra khỏi miền Nam Việt Nam không phải đợi đến sau năm 1975 mới có.

Tháng 9-1971, sau khi thất cử dân biểu ở tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh), Ngô Công Đức rủ tôi vượt biên qua Pháp hoặc Thụy Điển tiếp tục cuộc đấu tranh chống chính quyền Thiệu. Tôi có bàn việc nầy với ba má tôi, hai người dù không hề dính líu tới chính trị, vẫn đồng ý và khuyến khích tôi đi vì cả hai người rất biết việc Hoàng Đức Ninh gian lận bầu cử đánh rớt tôi và Thạch Phen, để đưa người tay chân của hắn thay thế.

Chúng tôi quyết định ra khỏi Nam Việt Nam bằng ngõ Campuchia. Má tôi có người anh em bà con ở Nam Vang đang làm lớn trong văn phòng của Hội Khờ Me Krom (người Khờ Me miền Hạ) tại Thủ đô. Nhờ người bà con đó giúp đỡ, tôi và Ngô Công Đức trong vòng một tuần lễ đã có được giấy tuỳ thân có mộc đỏ. Ngô Công Đức lấy tên Tăng Sa Rinh, tên tôi là Thạch Sa Phê. Quyết định đi sớm, tôi lưỡng lự. Lý do, vợ tôi yếu ớt, một mình khó nuôi đàn con dại, mặc dù ông bà nội có hứa sẽ giúp đỡ khi tôi vắng mặt. Ngô Công Đức nói với tôi: “Mày mạnh dạn đi theo tao, qua bên đó, tao lo cho mầy có tiền đảm bảo mỗi tháng gửi về nhà nuôi vợ con”. Tôi thầm cám ơn anh ta, nhưng trong bụng không tin lắm, tôi thầm tính: Mình chỉ mới đánh nhau thẳng mặt với Hoàng Đức Ninh trên báo chí, đối với Thiệu, mình chưa phải là đối tượng để hắn phải hạ độc thủ. Ở lại, không đi vẫn có nhiều cái lợi chắc chắn hơn. Cụ thể, mình có thể dùng ngòi bút viết báo, mình vẫn có thể tiếp tục chiến đấu trong nhóm của Tướng Dương Văn Minh (nghĩ như thế nhưng yếu tố quyết định giữ tôi lại vẫn là bà vợ và đàn con nhỏ).

Tôi nói thẳng với Ngô Công Đức: “Ông đi một mình, tôi ở lại, viết báo nuôi con. Ở nhà tôi còn có thể nắm tin tức gởi qua cho ông”.  Ngô Công Đức đồng ý đi một mình vì vị thế của anh ta đã đánh nhau thẳng mặt Nguyễn Văn Thiệu, anh ta không đi không được. Người sắp xếp tổ chức cho Đức vượt biên chính là tôi.

Tôi có hai người bạn Khờ Me thân tín là dân biểu Thạch Phen - từ tháng tám 1967 tôi với Phen như hình với bóng trong mắt của các sư sãi và dân Khờ Me Bạc Liêu, Vĩnh Châu. Người bạn thứ nhì khá thân là anh Trần Sa Huynh, lớn hơn tôi chừng mười tuổi. Sa Huynh gốc Xã Lai Hoà Vĩnh Châu, một tư sản có uy tín trong giới Khờ Me, một tay anh chị, thời Pháp thuộc có lúc làm tướng cướp. Ăn cướp của mấy tay buôn bán người Hoa giàu có ở nông thôn, đem về chia cho dân nghèo Khờ Me Lai Hoà. Sa Huynh tánh khí khái, súng chĩa vào bụng cũng không lùi bước. Vì tình nghĩa với tôi, Sa Huynh chấp nhận cùng Thạch Phen đưa Ngô Công Đức vượt biên. Cả hai người hộ tống Đức không ăn một đồng bạc nào của Đức trong chuyến đi đầy nguy hiểm đó. Đưa Ngô Công Đức đi chỉ vì tình bạn, chỉ vì nghĩa khí đối với bạn bè đang gặp nghịch cảnh. Tôi còn nhớ: một buổi sáng sớm trời còn lờ mờ, Trung Tá Nguyễn Văn Binh anh rễ Ngô Công Đức lái chiếc xe Datsun 1500 sơn màu xanh lá mạ tiến sát vào nhà tôi ở trong hẻm lớn đầu đường Nguyễn Tri Phương, quận 10. Đêm hôm trước, Thạch Phen và Sa Huynh ngủ sẵn ở nhà tôi chờ. Hai anh bạn tôi đã khăn gói sẵn sàng, vọt lên ngồi trên xe của Đức. Anh Binh vội vã nhấn ga cho xe lao nhanh. Cuộc chạy trốn chế độ Nguyễn Văn Thịêu của người bạn khá thân của tôi, bắt đầu. (Trong kỳ bầu cử 1971, ở Miền Tây, chỉ có 2 tỉnh bị gian lận bầu cử nặng nề nhất, lộ liễu chính là Vĩnh Bình và Bạc Liêu. Ngô Công Đức cao bay xa chạy để giữ tính mạng, còn tôi, vì cảnh gia đình phải liều mạng ở lại, chưa biết hồi tiếp theo sẽ như thế nào).

Hơn 10 ngày sau, Thạch Phen trở lại Sài Gòn, thuật cho tôi nghe diễn tiến của chuyến đi.

Trong ngày hôm đó, khoảng 3 giờ chiều, xe của Nguyễn Văn Binh chở Ngô Công Đức đến Châu Đốc. Tại Châu Đốc, ba người chia tay với anh Binh. Họ tiếp tục mướn xe lôi gắn máy chở họ vào Tịnh Biên. Đến Tịnh Biên trời sắp tối, họ không dám đi bộ qua biên giới, Thạch Phen mướn một chiếc ghe nhỏ lòi họ qua Tà Keo trong cánh đồng nước nổi. Đi xào xạt trong ruộng nước, gần 12 giờ đêm họ đến địa phận Tà Keo. Đến Tà Keo, nhờ có Thạch Phen và Sa Huynh là người Khờ Me, họ xin tá túc tại một ngôi chùa trong làng. Sáng hôm sau, 3 người đi xe đò lên Nam Vang. Tới Nam Vang, Thạch Phen và Sa Huynh như cá về với nước, Thạch Phen quen thân với nhiều sĩ quan cấp Tá trong quân đội của Lon Nol. Họ bàn với mấy người bạn Khờ Me tìm đường, chỉ có đường lên Battambong qua biên giới dễ dàng.

Sáng hôm sau, Ngô Công Đức đổi một số tiền Miên, tiền Thái, người bạn của Thạch Phen dẫn đường cho ba người đón xe đò lên Battambong. Trời phù hộ, họ tới Battambong bình yên trong ngày hôm đó. Sáng hôm sau họ đưa Ngô Công Đức đến biên giới Battambong – Thái Lan. Chưa yên tâm, vì Ngô Công Đức đâu có biết một tiếng Miên, một tiếng Thái nào. Hai bạn tôi đánh liều: Đã đưa thì phải đưa đến cùng. Họ mua giấy qua biên giới Thái cùng với Ngô Công Đức. Qua biên giới Thái đã xế trưa, đưa Ngô Công Đức vào chỗ nào đây? Họ tìm được một Việt kiều buôn bán ngay chợ biên giới Thái – Campuchia. May thay, nhà đó lại có thờ Đức Chúa Jésus và Đức Mẹ:  Ngô Công Đức quá mừng, đã gặp được Đức Chúa là có thể thoát .

Ba người vào nhà nói thật cho bà Việt kiều nghe và yêu cầu tìm cách giúp Ngô Công Đức lên Bangkok, bao nhiêu tiền Đức cũng đồng ý trả. Bà Việt kiều đồng ý, bố trí xong kế hoạch cho  Ngô Công Đức đi Bangkok, Thạch Phen và Sa Huynh mới lộn trở về Battambong. Hôm sau vừa trở về đến Nam Vang, hai người bị an ninh quân đội của LonNol mời thẩm vấn. Họ trả lời loanh quanh, khai là người Khờ Me Krom ở Vĩnh Châu qua Nam Vang thăm bà con. Thạch Phen và Sa Huynh phải nhờ mấy người bà con quen làm Sĩ quan quân đội xác nhận, bọn an ninh quân đội của Lon Nol mới bỏ không tra hỏi nữa. Sợ bị rắc rối kéo dài, vừa hừng sáng họ dông một mạch về Châu Đốc bằng ô tô, vì là người Khờ Me, họ qua biên giới Miên – Việt dễ dàng. Thoát nạn!

Sau này Ngô Công Đức có viết thư thuật lại diễn tiến lên Bangkok. Nhờ Bà Việt kiều dẫn đường ngồi kế bên, anh ta cứ giả bộ nhắm mắt ngủ suốt lộ trình 10 tiếng đồng hồ. Tiền xe, tiền công đã đưa sẵn cho bà Việt kiều. Đến Thái Lan, nhờ dấu thánh giá của Chúa, có người dẫn đường đưa Ngô Công Đức lên thủ đô Thái. Tại đây anh ta có sẵn hai người bạn thân: người thứ nhất nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti, phóng viên báo Le Monde. Nguời thứ hai là bà Hằng, nguyên vợ Tham tán Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa tại Thái. Bà Hằng phải lòng Đức mấy lần anh ta ghé chơi Thái trước đây, Theo lời Đức kể lại, hai người bạn này đã từng giúp đỡ mọi mặt cho Đức trong những ngày đầu lưu vong tại Thái.

 Ngô Công Đức lưu lại Bangkok mấy tháng, vẫn đi ăn nhậu và giao du nhiều nơi với nhiều người. Trong thời gian đó, có một số người từ Sài Gòn qua Bangkok gặp Đức (trong đó có hậu vệ Ngôn của đội tuyển bóng đá Sài Gòn) Đức vẫn không né tránh. Không biết nhờ đâu, ngõ ngách nào, anh ta từ Thái bay được sang Thụy Điển. Tại Thụy Điển, Pháp, Mỹ chuyện dài này thế nào Đức cũng viết hồi ký kể lại, chỉ có một điều là bạn của anh ta, từng có đóng góp công sức vào việc giúp anh ta lưu vong, tôi múôn nói với Đức vài dòng về chuyện đối xử ơn nghĩa ở đời:

- Thạch Phen đã tận tình giúp anh lưu vong. Khi Thạch Phen ở tù ra (sau giải phóng), anh không có lấy một sự giúp đỡ nào, mặc dù anh thừa biết là Phen rất nghèo và bệnh hoạn. Không giúp đỡ Phen lúc khổ. Thạch Phen chết vì già yếu năm 1990, lúc đó anh ở Sài Gòn là tỉ phú, phè phởn rượu đỏ tối ngày, anh cũng không tới đốt một cây nhang cho người chết.

- Đối với anh Trần Sa Huynh, tay anh chị ở Lai Hoà, từ ngày anh trở về Việt Nam sống trong vinh hoa phú quý, anh cũng không có một lời hỏi thăm, một lá thư hay một món quà mọn.

Hay là, có người đặt giả thuyết, không có Thạch Phen, không có Sa Huynh, Ngô Công Đức cũng dư sức vượt biên. Tướng Đặng Văn Quang, trùm tình báo của Sài Gòn, có biết anh vượt biên hay không? Hoặc biết mà vẫn để cho anh đủ thời gian và tự do để đi …?

 

Những ngày sống trong dinh Hoa Lan

Cuối năm 1972, để tránh bị Thiệu bắt lính, sau khi trao đổi với Tướng Dương Văn Minh, được sự đồng ý của ông, tôi dọn vào Dinh Hoa Lan ở trong một phòng nhỏ. Buổi sáng từ 6 giờ, anh em trong toà soạn Nhật Báo Điện Tín lần lượt vào địa chỉ số 3 Trần Quí Cáp (nay là Võ Văn Tần ) làm việc với tôi để hoàn thành tờ báo mỗi ngày.

Trong một hai tuần lễ đầu, số người làm việc cho tờ báo Điện Tín ra vào còn giới hạn, qua đến tháng thứ hai, thứ ba, quen lần, những người có việc liên lạc với Điện Tín về bài vở, ra vào cổng sau Dinh Hoa Lan khá đông. Tướng Minh sắp xếp cho chúng tôi nguyên căn nhà của Thiếu tá Hoa Hải Đường để làm toà soạn. Được khoảng 10 tháng, Thiếu tá Đường lấy nhà lại ở, toà soạn Điện Tín dời qua biệt thự đối diện, nguyên là văn phòng Đại tá Trương Minh Đẩu. Chúng tôi chia 2 giang sơn: văn phòng Đại tá Đẩu thu hẹp lại phân nửa, còn phân nửa giao cho tôi ở và làm báo. Phần trước tôi dùng làm toà soạn, phòng tiếp khách, phần sau tôi sửa lại làm chỗ ở và nấu bếp.

Báo Điện Tín sống ở số 3 Trần Quí Cáp từ đầu năm 1973 cho đến tháng 4-1975.

Dựa vào uy thế của Tướng Dương Văn Minh, tôi vẫn ung dung đỉều khiển và quyết định nội dung Nhật báo Điện Tín mỗi ngày. Các phóng viên ngoại quốc Mỹ, Anh, Pháp, Nhật lui tới toà soạn báo của chúng tôi để lấy tin tức về các hoạt động chính trị của nhóm Hoà Bình Dân Tộc của Tướng Dương Văn Minh. Vì ở đó suốt ngày đêm, tôi vừa điều hành tờ báo, vừa tiếp báo chí quốc tế. Chính quyền bố trí công an chìm vây quanh Dinh Hoa Lan để nắm tình hình người ra vô cổng số 3 Trần Quí Cáp.

Cứ mỗi tháng một lần, Tướng Minh chở tôi lên Thủ Đức thăm nhà mẫu thân ông hoặc đi lên Đường Sơn Quán ăn cơm. Tôi ngồi chung xe với Tướng Minh, có Thiếu tá Hoa Hải Đường mặc quân phục Nhảy dù theo bảo vệ Tướng Minh, có một xe Jeep chở 2 vệ sĩ của ông theo sau xe tướng Minh để hộ tống. Những chuyến đi “relax” (xả hơi) như thế giúp cho tôi đỡ tù túng và có dịp hít thở khí trời tự do. Thông thường mỗi lần đi đều có gặp một số dân biểu, nghị sĩ hoặc cựu tướng lãnh cùng ăn cơm và bàn luận tình hình chính trị. Tướng Minh khi công bố đề nghị hoà bình của ông cũng sử dụng Đường Sơn Quán làm địa điểm họp báo trong ngoài nước. Đường Sơn Quán là quán ăn tư nhân, do Tướng Mai Hữu Xuân làm chủ. Khu Đường sơn quán rộng 100 hecta là rừng cao su của tướng Xuân (hiện nay được sử dụng làm nghĩa trang liệt sĩ của TP.HCM). Đường Sơn Quán có các món ăn Việt Nam đặc sắc, khách ngoại quốc vẫn thường lên đó dùng cơm trưa hoặc nghỉ ngơi vào những ngày chủ nhật. Thức uống đặc biệt của Đường Sơn Quán là nước sả nấu sôi pha chút đường, uống rất dễ tiêu sau bữa ăn nặng nhiều rượu thịt.

Kỷ niệm về Đường Sơn Quán đối với riêng tôi còn sâu đậm hơn. Tháng 2-1973, trong lúc tôi còn trốn ở nhà Tướng Minh, con trai lớn tôi ở ngoài bị xe đụng chết tại góc đường Trần Quốc Toản Chợ cá Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Hôm đó, con trai tôi vào thăm tôi lúc 7 giờ sáng, có cô liên lạc của báo Điện Tín chạy xe PC Honda đưa vào. Nó ở chơi với tôi đến 8 giờ thì trở về. 30 phút sau, có tin báo con tôi bị xe đụng chết. “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Tôi phải đi trốn Thiệu, chưa bao lâu, đứa con yêu quí của tôi tử nạn thảm khốc. Vợ chồng tôi đã lăn ra khóc suốt mấy giờ liền. Tôi không về nhà được. Chỉ 12 giờ sau, vào buổi tối, Thiếu Tá Đường mặc quân phục Nhảy dù, lấy xe jeep nhà binh, đưa tôi về nhà ở hẻm đường Nguyễn Tri Phương để nhìn thấy mặt con lần chót. Chính quyền của Thiệu lúc đó dù có rình rập cũng không gây khó khăn nào cho việc tôi thăm con trước giờ liệm. Tôi được biết, chị Nga vợ của anh Lý Quý Chung, ở gần xóm tôi, hay tin con tôi chết đã chạy ra chỗ đụng xe, bồng xác con tôi về tắm rửa tận tình và chị cũng đã khóc hết nước mắt cho cháu (hiện nay chị là chủ quán Thanh Niên nổi tiếng ở Sài Gòn). Hai ngày sau, đám tang con tôi được cử hành trọng thể. Các bạn bè làm báo và những dân biểu thân hữu đều có mặt đưa đám. Tôi không đưa tang tại nhà mà đi thẳng lên Khu Đường Sơn Quán chờ trước tại huyệt. Tướng Mai Hữu Xuân cho tôi một miếng đất nhỏ để làm mộ cho con. Tướng Xuân cũng đích thân có mặt tại nơi chôn cất. Đó là khu nghĩa địa tư nhân của Tướng Xuân. Sau khi giải phóng xong, chính quyền mới lấy toàn bộ diện tích đất cao su của Tướng Xuân, phân nửa làm nghĩa trang liệt sĩ, phân nửa làm Khu Công nghiệp Linh Xuân. Những gia đình liệt sĩ hàng năm đi viếng mộ thân nhân, đều ngạc nhiên, sao lại có một cháu bé 11 tuổi nằm chung với nhiều cô bác ở trong một nơi chỉ dành riêng cho những người có công với cuộc cách mạng. Con trai tôi đến ở đó lâu đời nhất từ tháng 2-1973. Nó là một linh hồn cư ngụ lâu đời ở đó. Những người đến sau, cư ngụ nơi nghĩa trang này đều là “ma mới” so với con tôi. Không biết ở âm phủ có “ma cũ ăn hiếp ma mới” hay không, nếu có, chắc con tôi sẽ không hài lòng với một người rất có quyền thế đã “hạ độc thủ” bắt tôi bỏ tù, làm tiêu tan cả sản nghiệp mấy chục năm lao động cật lực của tôi. Có lẽ nói cho vui, con tôi sẽ hỏi và đã hỏi ông ấy sao ông làm lớn mà hồ đồ đến thế!”.

 

Tướng Dương Văn Minh đứng giữa

Trong năm 1973, Dinh Hoa Lan mỗi tuần có một cuộc họp bàn về tình hình thời sự chính trị. Đến năm 1974, do tình hình bên ngoài sôi động hẳn lên, Tướng Minh quyết định mỗi tuần họp 2 lần vào chiều thứ ba và chiều thứ sáu. Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu được Tướng Minh mời chủ toạ tất cả các phiên họp. Giáo sư Lý Chánh Trung đề xuất phải có một thực thể nào đó để dễ phát ngôn. Nhiều người góp ý kiến nên thành lập Văn phòng chinh trị cạnh Đại Tướng Dương Văn Minh. Từ đó các tuyên bố của Tướng Minh đều lấy danh nghĩa cái “politburo” nhỏ đó. Trong cái gọi là “Politburo” của Tướng Minh, chính thức có các nhân vật sau đây:

1.      Đại Tướng Dương Văn Minh

2.      Luật sư Vũ Văn Mẫu

3.      Giáo sư Lý Chánh Trung

4.      Bác sĩ Hồ Văn Minh

5.      Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận

6.      Nghị sĩ Hồng Sơn Đông

7.      Dân biểu Lý Quí Chung

8.      Dân biểu Nguyễn Hữu Chung

9.      Luật sư Trần Ngọc Liễng

10.  Trung tướng Mai Hữu Xuân

11.  Cựu dân biểu Dương Văn Ba

Thỉnh thoảng có thêm một số nhân vật sau đây đến dự:

1.      Bà luật sư Nguyễn Phước Đại

2.      Tướng Lê Văn Nghiêm

3.      Luật sư Bùi Chánh Thời

4.      Ông Nguyễn Văn Cước (hoạt động công đoàn - có lúc trốn trong tư dinh của tướng Minh dài hạn).

Tướng Dương Văn Minh quan điểm khác hoàn toàn với các tướng Lê Văn Kim, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính. Tướng Đôn, Tướng Đính hoạt động trong hệ chính quyền của Thiệu với tư cách Nghị sĩ quốc hội. Nhiều người nói tướng Đôn, tướng Đính là người vừa theo Pháp vừa theo Mỹ. Họ hoạt động thuận theo thời cuộc mà chính quyền Mỹ vạch ra. Tướng Dương Văn Minh giữ quan hệ thường xuyên với tướng Times (tướng CIA Mỹ), nhưng tướng Minh không theo lập trường của chính phủ Mỹ. Điều này Dương Văn Minh giữ vững cho đến khi Việt Nam có hoà bình. Quan hệ với Mỹ để không bị Mỹ xếp hàng vào loại kẻ thù, tướng Minh vẫn có lập trường riêng của một nguời Việt Nam yêu nước và yêu hoà bình. Tướng Minh không thích cộng sản, nhưng cũng không đứng vào hàng ngũ của những kẻ không đội trời chung với cộng sản. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi lần có dịp nhắc đến, Tướng Minh nói với sự kính trọng của kẻ hậu sinh. Ông không để lộ sự tôn kính công khai nhưng không bao giờ, dù trong một phiên họp nội bộ, ít người, có bất cứ phát biểu nào về con đường Hồ Chủ Tịch vạch ra cho dân tộc Việt Nam thời hiện đại. Dương Văn Minh lựa chọn con đường độc lập tự chủ cho đất nước, ông không thích sự can thiệp lộ liễu của Mỹ, nhưng không dứt khoát chống Mỹ. Có thể nói Dương Văn Minh là người đứng giữa không theo Mỹ cũng không theo Cộng sản. Ông từng bao che cho nhiều người bị nghi là theo Cộng sản. Trường hợp ông Nguyễn Văn Cước, hoạt động công đoàn, bạn của Luật sư Trần Ngọc Liễng bị chính quyền truy đuổi về tội thân cộng. Tướng Minh chấp nhận cho ông Cước vào trốn trong Dinh Hoa Lan hơn một năm trời, tướng Minh đối đãi với ông Cước rất tử tế. Ngoài ra, Tướng Dương Văn Minh đã từng quyết định cho sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm ẩn trốn trong dinh thự của ông hơn một tháng trời, ông lệnh cho Thiếu tá Trịnh Bá Lộc sắp xếp nơi ăn chổ ở cho Huỳnh Tấn Mẫm thật chu đáo, kể cả tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm vẫn tiếp tục liên lạc được với bên ngoài. Bản thân tôi từng được Tướng Minh cho phép sử dụng chổ ở riêng của tôi nhiều lần làm nơi họp bí mật của nhóm sinh viên tranh đấu, trong đó có Nguyễn Hoàng Trúc, Nguyễn Thị Yến… Kẻ đứng giữa dòng như Tướng Minh luôn luôn cẩn thận, nếu không sẽ bị dòng nước cuốn phăng đi. Đó là lý do giải thích sự thận trọng của Tướng Minh trong mọi tham gia hoạt động chính trị công khai. Ông không tham gia bất cứ đảng phái nào, bất cứ tôn giáo nào. Ông giữ quan hệ tốt với Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, với hoà thượng Thích Thiện Hoa, thỉnh thoảng ông có tiếp xúc riêng với Thượng toạ Thích Trí Quang nhưng rất dè dặt với ông này. Tướng Minh có cảm tình với ông Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa của đạo Cao Đài Tây Ninh. Nhà của Dương Văn Minh chỉ có bàn thờ tổ tiên. Vợ ông không đi lễ chùa cũng không đi nhà thờ. Ông Minh luôn giữ thái độ độc lập với mọi xu hướng chính trị ở miền Nam. Nhiều người nhìn thấy ở ông dáng vẻ của một người có thể đoàn kết được nhiều khuynh hướng khác nhau. Người ta thấy ông có thể tượng trưng cho một giải pháp hoà bình. Người ta mong đợi ở ông một tiếng nói hoà bình có trọng lượng. Ông Dương Văn Minh vào năm 1973, đã đưa ra giải pháp hoà bình của nguời Việt Nam. Miền Nam phải có một chính phủ thật sự muốn hoà bình. Không chịu ảnh hưởng của các thế lực Mỹ. Các phe Việt Nam sẽ ngồi lại nói chuyện với nhau. Đó là một giải pháp lý tưởng, nhưng cũng là một giải pháp không tuởng. Người cộng sản đã đổ máu quá nhiều. Bọn tay sai của Mỹ ở miền Nam không thể ngồi ngang hàng nói chuyện với những người cộng sản. Mỹ cũng đã đổ xương đổ máu và tiền của ở Việt Nam, không thể nào ngồi yên để người Việt Nam tự quyết định số phận của mình. Lập trường đứng giữa của Tướng Minh, tượng trưng điển hình cho mong muốn của bao nhiêu nguời trí thức miền Nam yêu nước. Đó chỉ là một tiếng nói đầy khát vọng, nhưng vô vọng.

Tướng DươngVăn Minh rất thích thể thao. Lúc nhỏ, khi còn là sĩ  quan cấp uý trong quân đội Pháp, ông đóng quân ở Thủ Dầu Một. Ông là cầu thủ nổi tiếng của đội tuyển Thủ Dầu Một. Một người bạn thời đó của ông là ông Trịnh Văn Tiễng kể lại: “Anh Minh đá vai hậu vệ rất tài”. Sau này, hai thú vui của ông là đánh tennis và chăm sóc hoa phong lan. Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn ở vườn Ông Thượng (vườn Tao Đàn) là nơi tướng Minh thường lui tới. Bạn bè chơi thể thao với ông khá đông và mọi người đều thích thú vì tính tình giản dị, vui vẻ hoà đồng của vị tướng ít nói nhưng cũng thường nói chuyện khôi hài đúng lúc. Ông Minh chơi với bạn bè rất chung thuỷ.  Ông Hai Tiễng, người bạn của ông từ lúc thiếu thời, nghèo, đến lúc Tướng Minh làm Quốc Trưởng, sự đối xử của tướng Minh với ông Tiễng vẫn không thay đổi. Lúc nào cửa nhà ông cũng rộng mở đón bạn bè cũ.

 

Lực lượng thứ ba, có hay không?

Sau năm 1969, dư luận trong Sài Gòn và ở nước ngoài nổi lên râm ran vấn đề Lực Lượng Thứ Ba phải có vai trò trong việc dàn xếp hoà bình ở Việt Nam.

Có những người ở nước ngoài như Trần Đình Lan tuyên bố linh tinh, mình là đại diện cho những người đứng giữa ở Việt Nam. Thật ra ông Trần Đình Lan chẳng có một thế lực quần chúng nào, ông chỉ là một chinh khách thân Pháp, ngồi giữa các quán rượu ở Paris, tính chuyện “ăn có” vào chính trường nhờ các thế lực nước ngoài. Nói tới Lực Lượng Thứ Ba, người ta cũng nghĩ đến Phật Giáo Ấn Quang với đông đảo quần chúng Phật tử không theo Mỹ, không theo cộng sản cũng không phải là “quốc gia”. Ai đại diện cho khối Phật Giáo đó? Có quá nhiều hoà thượng, thượng toạ ở ngoài Huế, ở Sài Gòn, ở chùa này chùa nọ. Trên một số vấn đề chính trị, họ có nhiều ý kiến khác nhau, không thống nhất thành một mối. Sau khi hoà thượng Thích Thiện Hoa qua đời, chùa Ấn Quang gần như sút giảm sức mạnh của một trung tâm đoàn kết. Thượng toạ Thích Trí Quang là một huyền thoại, bí hiểm, người ta không biết thực sự ông muốn gì, đoàn kết với ai, lãnh đạo ai, không ủng hộ ai. Sau năm 1970, lực lượng Phật Giáo Ấn Quang không còn đủ sức mạnh hội tụ cần thiết để tạo ra một áp lực tranh đấu nào khả dĩ có thể gây chấn động.

Nói về quần chúng ở miền Nam Việt Nam không theo Mỹ, không theo Cộng sản, không chấp nhận chính quyền thúi nát của ông Thiệu, trong bất cứ thành phần tôn giáo nào cũng có những mầm mống như thế. Nhóm Công Giáo Tiến Bộ chịu ảnh hưởng của linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Linh Mục Chân Tín, cũng có thể coi được là thành phần thứ ba. Những tín đồ Cao Đài Giáo ở toà thánh Tây Ninh chịu ảnh hưởng của ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa cũng có những tâm tư nguyện vọng không khác xa lắm với các nhóm Công Giáo, không chịu ảnh huởng của chính quyền Thiệu.

Một số bộ phận sinh viên tranh đấu đứng giữa không chịu ảnh hưởng của Cộng sản cũng có thể coi mình là thành phần thứ ba. Lãnh tụ sinh viên Nguyễn Văn Thắng chẳng hạn. Anh rất khác Huỳnh Tấn Mẫm, khác Nguyễn Hoàng Trúc, khác Lê Công Giàu những sinh viên đã từng mặc áo lót đỏ ở bên trong. Lúc tranh đấu, Lê Công Giàu đã từng là Bí Thư của Thành Đoàn Thanh Niên Sài Gòn – Gia Định. Những sinh viên yêu nước không chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thành đoàn, không chịu sự giựt dây của Trung ương Tình báo, rất đông, nhưng họ chỉ hoạt động theo sự hướng dẫn của bên này hay bên kia một cách vô thức hoặc ý thức.

Trong giới trí thức thành phần thứ ba khá đông. Đại đa số họ thụ động, chỉ theo dõi thời cuộc với tư cách chứng nhân, họ không tham gia bất cứ đoàn thể chính trị nào. Bởi vì, hầu hết các đoàn thể chính trị công khai đều có người nấp phía sau lưng giựt dây. Đa số họ theo Mỹ cách này hay cách khác. Nếu không theo Mỹ, lại do chính quyền dàn dựng. Có lúc người ta gọi đông đảo thành phần thứ ba đóng vai chứng nhân lịch sử là đa số thầm lặng. Năm 1968, dân biểu Lý Quý Chung, chủ nhiệm kiêm chủ bút Nhật báo Tiếng Nói Dân Tộc có tổ chức cuộc thi truyện ngắn trên tờ Nhật báo của ông với chủ đề “Giữa hai lằn đạn”. Cuộc thi truyện ngắn này đã thành công lớn. Hàng trăm tác phẩm vừa có giá trị văn học, vừa có giá trị chứng nhân lịch sử đã mô tả sâu sắc, cảm động, thấm thía hoàn cảnh của đa số quần chúng thầm lặng ở nông thôn hay thành thị. Những truyện ngắn được đăng tải tác động đến dư luận chinh trị bên Mỹ. Một nhà xuất bản của Mỹ đã dịch ra tiếng Anh và xuất bản tập sách “Between Two Fires”. Đó cũng là một chứng liệu lịch sử cho thấy quần chúng Việt Nam, nạn nhân của chiến tranh chỉ mong muốn có hoà bình.

Đa số thầm lặng Việt Nam đứng giữa. Không có một đại diện chính thức nào của họ. Vì họ không phải là một tổ chức chính trị, một phong trào quần chúng. Chỉ có những người làm chính trị ở giữa Sài Gòn hiểu được đúng đắn nguyện vọng của họ, nói lên đúng tâm trạng của họ: một tâm trạng khao khát hoà bình, ngao ngán chiến tranh đồng thời muốn có độc lập và tự chủ.

Tướng Dương Văn Minh và một số người cùng làm việc với ông đã nói được tiếng nói của những người thầm lặng. Nhóm Hoà Bình Dân Tộc đứng sau lưng ông Dương Văn Minh thể hiện khát vọng hòa bình cao độ của nhân dân miền Nam. Nhưng Nhóm Hoà Bình Dân Tộc không phải là một tổ chức chính trị, không phải là một phong trào chính trị, không phải là một đảng phái. Nhóm đó tập họp một số người yêu nước trí thức. Bên trong nhóm, âm thầm cũng đã có những người hoạt động cho phía Mặt Trận Giải Phóng. Bản thân ông Dương Văn Minh có lập trường độc lập tự chủ, cách thể hiện cũng phải dựa vào tình thế thời cơ. Ông chỉ đóng vai vận động cho một đường lối, một giải pháp tình thế để gỡ rối cho những bế tắc của thời cuộc. Tình thế bế tắc tạo ra những giải pháp cần có những người làm trái độn đã không xảy ra. Tình thế của miền Nam lúc đó chỉ có thể dẫn tới sụp đổ của một bên, chiến thắng của một bên. Giải pháp tình thế đã không có vai trò, vì sau khi Thiệu sụp đổ, Tướng Dương Văn Minh chỉ còn vai trò cầm cờ trắng để tiết kiệm xương máu của đa số thầm lặng, khỏi phải đổ ra vô ích, vô nghĩa.

Lực Lượng Thứ Ba thực sự không có ở miền Nam Việt Nam. Chỉ có những người Việt Nam đứng giữa muốn có hoà bình. Tướng Dương Văn Minh hết vai trò lịch sử, ngay khi ngọn cờ đỏ được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Chỉ còn lại một đất nước Việt Nam hoà bình, với những nhu cầu xây dựng cấp thiết mà chính quyền chiến thắng phải nổ lực ngày đêm để đối phó. Đóng góp vào việc xây dựng hoà bình là trách nhiệm của toàn thể những người Việt Nam yêu nước. Ông Dương Văn Minh hay những người trước đây nằm trong đa số thầm lặng chỉ còn có một con đường: bắt tay góp phần xây dựng đất nước. Những ai mong muốn thực sự có một nước Việt Nam hùng mạnh đều phải vui mừng truớc cơ hội đất nước Việt Nam đã bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển, sau bao nhiêu năm tháng đổ nát điêu tàn. .

 

Người Mỹ sắp đặt cho tôi di tản

Thời gian ở Dinh Hoa Lan hơn 2 năm 4 tháng, vừa làm báo, tôi vừa trau giồi thêm tiếng Anh. Thầy dạy tiếng Anh của tôi là giảng viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, một thanh niên người Mỹ tên là Peter Porr. Peter khoảng 26 tuổi, quê ở California, đối với anh những bờ biển vùng California là đẹp nhất thế giới. Tôi quen với Peter do nhà báo Mỹ John Spragens giới thiệu. Mỗi tuần Peter vào dạy tôi 3 lần vào buổi chiều thường ở lại ăn cơm với tôi. Cơm không tính tiền cho nên thầy giáo dạy học cũng không lấy tiền. Peter nhỏ hơn tôi 4 tuổi, nhưng anh biết rất nhiều về thế giới, thời còn sinh viên anh đã có nhiều thời gian sống ở Trung Quốc. Peter là một thanh niên tình nguyện đi làm việc ở các nước nghèo. Nhờ Peter tiếng Anh của tôi khá lên và tôi có thể tiếp xúc thoải mái với báo chí nước ngoài (nhắc lại một kỷ niệm  26-4-1975, lúc Tướng Dương Văn Minh sắp nhận chức Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, tôi là phát ngôn báo chí của văn phòng tướng Minh phải liên tiếp hai, ba lần tổ chức các cuộc họp báo quốc tế để trả lời những câu hỏi thời sự).

Điều đáng nói thêm về Peter cũng là một điều lúc đó Peter làm cho tôi chưng hửng: sáng ngày 25-4-1975, khoảng 8 giờ, lúc đó khung cảnh bên ngoài Sài Gòn đã rộn ràng người di tản, Peter đột nhiên xuất hiện tại văn phòng của tôi. Anh nói: “Tôi đã chuẩn bị cho anh 11 vé máy bay để anh đi Mỹ vì tôi biết gia đình anh hiện nay có tất cả 11 người, anh, vợ anh, 7 đứa con và 2 cô em gái. Tôi đã sắp xếp để anh ra đi đàng hoàng không phải chen lấn. Đúng 12 giờ trưa tôi trở lại rước gia đình anh”. Peter đã làm tôi bàng hoàng. Tôi không hề có ý định bỏ ra đi vào lúc dầu sôi lửa bỏng, đang làm việc với Bộ Tham mưu của Tướng Minh, đang nỗ lực chuẩn bị để Tướng Minh nắm chính quyền. Tôi không bao giờ nghĩ đến cảnh dẫn vợ con chạy trốn. Ngày mà thiếu tá Trịnh Bá Lộc, Tuỳ viên quân sự của Tướng Minh dẫn một vợ hai con bỏ đi trước đó khoảng một tuần, tôi đã hỏi thiếu tá Lộc: “Ông Tướng còn ở lại, sao anh nỡ ra đi”. Lộc đã gắt gỏng với tôi: “Chuyện riêng của tôi, anh hỏi để làm gì ?” .

Trước đề nghị của người bạn thân vừa là thầy giáo Peter Porr, tôi đã phản ứng như cái máy: “Tao không thể ra đi được. Rất cám ơn mày. Hẹn gặp lại”. Peter nhìn tôi sững sờ vì sự từ chối lới đề nghị quá tốt đẹp của anh ta, trong lúc bên ngoài Dinh Hoa Lan hàng chục ngàn người đang ùn ùn tháo chạy. Mười mấy năm sau lời đề nghị đó của Peter, trong những lúc nằm trong nhà giam ở số 242 đường Trần Bình Trọng TPHCM hoặc ở B14 làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, vào những lúc nằm thao thức nhìn lên trần nhà giam tôi, tự nhủ: Từ chối lời mời của Peter, phải chăng là từ bỏ một thiên đàng, để dẫn vợ con ở vào một nơi tăm tối? Đó là những lúc sa sút tinh thần, sau những phút giây đó, bản năng chiến đấu để sinh tồn trong con người lại thúc giục tôi đừng chỉ nhìn thấy màu đen, cố lên, cố lên!

Nhắc tới chuyện của Peter rủ tôi bỏ trốn, tôi còn nhớ thêm một nỗi ân hận cả đời, đến hơn 28 năm nay tôi vẫn còn ray rứt. Ngày 25-4-1975 hai người bạn của tôi (bạn thân) là Trương Vĩ Trí (dân biểu Chợ Lớn), Trần Cảnh Chung nguyên Đại tá Trưởng ty cảnh sát quận 5 và là dân biểu tỉnh Long An, có đến tìm tôi để tâm sự về thời cuộc. Cả hai người đều hỏi tôi: “Mày nghĩ tao có nên di tản hay không?”. Tôi trả lời ngay: “Tụi bay đừng có đi. Có lẽ cộng sản không lấy hết được miền Nam đâu. Tướng Minh sắp thay Thiệu lập chính phủ hoà giải dân tộc. Tướng Minh sẽ đề nghị lập chính phủ liên hiệp, ngừng bắn theo kiểu da beo. Không đến nỗi nào đâu. Đừng bỏ chạy theo Mỹ”. Hai người bạn tôi đã nghe lời tôi ở lại. Cả hai anh đều phải đi học tập cải tạo 12 năm sau mới được trở về. Có người gia đình tan nát, có người vợ phải bỏ đi nước ngoài trước. Tôi đã hại hai bạn tôi vì những sai lầm trong lượng giá tình hình. Tôi không thể nào quên chuyện này và phải thành thật xin lỗi các bạn tôi với sự hối tiếc to lớn.

 

Tướng Dương Văn Minh gặp Thiệu lần chót

Từ giữa năm 1969, sau khi Dương Văn Minh từ Bangkok trở về Sài Gòn, có một lần vào khoảng cuối năm 1974, Thiệu cho Đại tá Chiêm, Chánh văn phòng Phủ Tổng Thống đến số 3 Trần Quý Cáp gặp Đại tá Trương Minh Đẩu, Chánh văn phòng của Đại tướng Minh, chuyển lời mời của Thiệu muốn được gặp Tướng Minh tại Dinh Độc Lập để bàn về tình hình đất nước. Trước khi đi gặp Tổng thống Thiệu, Tướng Minh họp ban tham mưu chính trị để thông báo và tìm hiểu ý kiến của các cộng sự viên. Luật sư Vũ Văn Mẫu, bác sĩ Hồ Văn Minh, Tướng Mai Hữu Xuân tán đồng việc Tướng Minh đi gặp Thiệu. Cuộc gặp diễn ra trong một tiếng đồng hồ, không biết Thiệu đã nói gì và đề nghị gì với Tướng Minh, chỉ thấy sau cuộc gặp lần đó Tướng Minh càng dứt khoát hơn về vấn đề Thiệu phải từ chức lập tức, nếu không muốn thấy miền Nam hoàn toàn sụp đổ trước tình hình quân sự càng ngày càng bất lợi cho phía Việt Nam Cộng Hòa. Tướng Minh có nói với Thiệu: “Tôi phải nghĩ tới vận mạng của dân chúng, càng đánh nhau, dân càng chết nhiều. Tôi nên ra đi.”

 

Giải pháp quân sự của Tướng Kỳ

Vào những ngày giữa tháng 3/1975, sau khi Ban Mê Thuộc thất thủ và cả khu vực Vùng II chiến thuật lần lượt tháo chạy, Tướng Nguyễn Cao Kỳ đề nghị có cuộc tiếp xúc với Tướng Dương Văn Minh. Tướng Minh đã đồng ý tiếp, có sự hiện diện của luật sư Vũ Văn Mẫu. Tướng Nguyễn Cao Kỳ đề nghị được hợp tác với Tướng Dương Văn Minh công khai trong nỗ lực ngăn chận làn sóng tiến công của quân đội cộng sản. Phân tich tình hình, không thể nào giữ được Sài Gòn, Tướng Kỳ đưa ra giải pháp quân sự: Tình hình chiến trận ở Vùng IV chiến thuật, từ bến phà Cần Thơ trở về phía dưới miền Tây như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Châu Đốc, Long Xuyên, Trà Vinh, Rạch Giá lực lượng Việt Nam Cộng Hòa còn đủ mạnh để ngăn chận và đẩy lui cộng sản. Tướng Kỳ đưa ra ý kiến chính thức lấy Cần Thơ làm thủ đô, gom tất cả lực lượng, hải quân, không quân và bộ binh làm vành đai bảo vệ phần đất còn lại, bảo vệ bờ biển phía Nam. Sử dụng lực luợng không quân ngăn chận và phản công từ Vĩnh Long trở lên Sài Gòn. Gom tất cả lực lượng bộ binh tinh nhuệ của Việt Nam Cộng Hòa như hai sư đoàn Dù, hai sư đoàn Thuỷ Quân Lục chiến, hàng chục tiểu đoàn Biệt Động quân, Biệt kích họp thành các mũi tiến công chống trả và tổng phản công lấy lại các phần đất bị quân đội cộng sản chiếm đóng.

Giải pháp quân sự có vẻ hùng hồn của Tướng Kỳ không được Tướng Duơng Văn Minh chấp thuận với các lý do:

- Tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã giảm sút rõ rệt sau cuộc tháo chạy từ Pleiku, các tỉnh duyên hải miền Trung.

- Mỹ không còn tiếp tục viện trợ quân sự nữa, Việt Nam Cộng Hòa không thể đánh nhau lâu dài được với quân lực cộng sản đang hừng hực khí thế chiến thắng.

- Cuộc chống trả từ miền Tây do Kỳ đề nghị dứt khoát không thể kéo dài quá 6 tháng, chỉ gây thêm đổ nát vật chất, gây thêm chết chóc cho nhân dân miền Nam, không lường truớc được là bao nhiêu, cuối cùng cũng sẽ thua.

- Tướng Minh cho rằng, về quân sự đã quá trễ. Chỉ còn một giải pháp duy nhất là thương lượng thành lập chính phủ liên hiệp hai bên với sự kiểm soát của quốc tế. Muốn thế, Tướng Minh cho rằng Thiệu phải từ chức lập tức, một chính phủ do ông cầm đầu và gồm các thành phần chủ hoà, tiến bộ, công khai kêu gọi ngừng bắn, thương thuyết thực hiện giải pháp liên hiệp da beo.

Ý kiến của Tướng Minh, Thiệu dứt khoát không đồng ý. Nguyễn Cao Kỳ cũng không thích thú lắm. Thiệu đã kiên quyết thực hiện sự trốn chạy âm thầm với phương châm: “Sau tôi sẽ là cơn hồng thuỷ”. Thiệu đã cố tình trì trệ việc từ chức, âm thầm chuẩn bị nước bài “chuồn” vào ngày 25-4-1975.

Vào tháng giêng năm 2004, trong đợt Nguyễn Cao Kỳ về thăm Việt Nam, ông ta có gặp cựu dân biểu Lý Quý Chung và mời ông Chung ăn cơm. Ông Chung có hỏi ông Kỳ về chi tiết cuộc gặp Tướng Dương Văn Minh. Nhưng ông Kỳ cho biết ông có xin gặp, mà cuối cùng vẫn không gặp, vì ngày đó đã là ngày 27-4-1975, đã quá trễ. Dù ông Kỳ có nói như thế với ông Lý Quý Chung nhưng ý kiến của tôi vẫn là đã có cuộc gặp gỡ giữa Tướng Minh và Tướng Kỳ vào khoảng tháng 3-1975. Ngày đó Tướng Kỳ có đến Dinh Hoa Lan, chúng tôi, nhiều người được nghe Tướng Minh kể lại nội dung cuộc gặp. Còn lần gặp gỡ thứ nhì vào ngày 27-4-1975 đã không xảy ra, tình hình lúc đó quá cấp bách, không thể làm gì khác.

 

Những sắp xếp ngoại giao của phía Pháp và Mỹ

Cuối tháng 3 và tháng 4-1975, có rất nhiều vận động chính trị ngoại giao ngấm ngầm từ phía chính phủ Pháp phối hợp với chính phủ Mỹ thực hiện. Là một người “cận thần” nằm trong Bộ Tham Mưu của Tướng Minh, ngày đêm lo nắm tin tức và quan hệ với các giới báo chi nước ngoài tại Sài Gòn, tôi cũng nắm được nhiều diễn biến gay cấn hấp dẫn..

Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn ông Graham Martin đã một lần đến gặp Tướng Minh vào giữa tháng 4-1975. Cuộc nói chuyện kéo dài hàng giờ tại số 3 Trần Quý Cáp. Trong cuối tháng 3 và cả trong tháng 4-1975 hầu như không ngày nào Tướng CIA Mỹ Times không đến buổi sáng thì buổi chiều, có khi một ngày hai, ba phen để đàm đạo với Tướng Minh. Họ nói gì với nhau về chi tiết không ai biết rõ tường tận dù đó là nghị sĩ Vũ Văn Mẫu hay dân biểu Nguyễn Hữu Chung, kỹ sư Nông nghiệp, một người rất thông minh được tướng Dương Văn Minh sủng ái. Chỉ biết mỗi lần Tướng Times đến, không khí Dinh Hoa Lan như nóng hẳn lên, người ta trông đợi ở những thông tin giờ chót từ Hoa Thịnh Đốn. Có lẽ Tướng Times thuyết phục Tướng Dương Văn Minh dù Nguyễn Văn Thiệu có từ chức trễ tràng, Tướng Dương Văn Minh cũng nên mạnh dạn nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Tướng Dương Văn Minh có nhiều lần nói với chúng tôi nếu Thiệu từ chức quá trễ ông sẽ không nhận lãnh trách nhiệm thay thế vì đâu còn gì nữa để làm “atout” để thương lượng với phía cộng sản, mà Thiệu thì cứ dằng dai dằng dai. Theo tôi được biết, ông Minh đã nói rõ với phía Mỹ rằng Thiệu phải từ chức thật sớm mới có thể thương lượng chính phù liên hiệp và ngừng bắn tại chỗ và yêu cầu đại sứ Mỹ chuyển ý kiến đó về Hoa Thịnh Đốn. Graham Martin không để lộ đồng ý hay không, chỉ nói là sẽ yêu cầu Hoa Thịnh Đốn nghiên cứu.

Phía Toà đại sứ Pháp cũng hoạt động rộn rịp. Cố vấn chinh trị của Toà đại sứ Pháp, ông Pierre Brochand, bạn đánh tennis rất thân tình với dân biểu Lý Quí Chung, dạo đó ngày nào cũng gặp ông Chung tại sân tennis hoặc tại một điểm hẹn kín đáo để thảo luận nhiều ý kiến, nhiều giải pháp do Tổng thống Pháp Giscard D’Estaing đưa ra và nhờ dân biểu Lý Quí Chung trao đổi với Tướng Minh. Đích thân Tướng Dương Văn Minh nhiều lần tiếp kiến Pierre Brochand để nghe Pierre trình bày nỗ lực ngoại giao và thiện chí của Tổng Thống Pháp trong việc sắp xếp một giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Sau mấy lần Pierre gặp Tướng Minh, đại sứ Pháp Mérillon đã trực tiếp đến gặp Tướng Dương Văn Minh hai lần. Đại sứ Pháp biểu lộ quyết tâm dàn xếp thật nhanh mọi việc để Sài Gòn có thể thương lượng với quân Giải phóng. Theo chỗ tôi được biết thì phía Pháp và Mỹ không chỉ vận động tại Sài Gòn mà còn qua con đường ngoại giao vận động với Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh (tài liệu sách báo nước ngoài). Phía Mỹ nhờ phía Liên Xô và Trung Quốc ảnh hưởng với Hà Nội đảm bảo cho việc đưa những người Mỹ làm tại Việt Nam di tản về nước bằng đường máy bay mà không bị đại bác và cao xạ của quân giải phóng cản trở, gây thương vong. Phía Liên Xô hứa làm hết sức mình để Mỹ có thể tuyệt đối an toàn rút các cố vấn, các nhân viên dân sự của họ lần lượt ra khỏi Việt Nam. Không biết phía Hà Nội trả lời như thế nào mà suốt tháng 4/1975, không có máy bay Mỹ nào chở người di tản bị bắn rớt.

 

Những tin tức liên lạc từ phía Việt kiều tại Mỹ và Pháp

Trong năm 1973 và 1974, mặc dù trốn trong Dinh của Tướng Dương Văn Minh, không dám ra ngoài, mỗi lần đi dạo phải có tiền hô hậu ủng của những sĩ quan cấp tá, tuỳ viên của Tướng Minh. Có lần tôi quá nhức răng, không dám làm phiền mấy ông “Tá”, phải nhờ dân biểu Nguyễn Hữu Chung bạn đồng viện cùng lứa tuổi với tôi, một buổi tối lấy xe Peugeot 404 bạo dạn chở tôi đến phòng răng ở số 1 đường Duy Tân chữa bệnh. Cũng có một lần dân biểu Nguyễn Hữu Chung thấy tôi bị ở tù lỏng, tội nghiệp, lấy xe chở tôi đi du hí vài tiếng đồng hồ. Đó là những lần đi lén, không báo cho Tướng Minh biết (nếu biết thì chỉ có Nguyễn Hữu Chung có thể bị Tướng Minh rầy).

 Việc liên lạc giữa tôi, anh Hồ Ngọc Nhuận với Ngô Công Đức đang ở Pháp và Mỹ diễn ra đều đặn hàng tháng. Chúng tôi tự thu giọng nói vào băng cassette có khi đến 2 tiếng đồng hồ để thuật cho Ngô Công Đức nghe cặn kẽ mọi diễn biến ở bên nhà và đưa ra những đề nghị ở Pháp, ở Mỹ, Ngô Công Đức nên làm gì. Ngược lại, Ngô Công Đức cũng thông báo cho chúng tôi diễn biến của cuộc vận động chống Thiệu tại Mỹ và tại Pháp. Phải nói rằng lúc đó tình bạn của chúng tôi rất khắn khít vì mục tiêu chung là phải đánh đổ Thiệu tại Sài Gòn. Có lần Ngô Công Đức thuật lại cho chúng tôi nghe việc anh ta trực tiếp lên đài truyền hình Mỹ nhận đấu khẩu với tên Nguyễn Dương, đại diện của Hoàng Đức Nhã tại Mỹ, Đức nói đó là lần Đức phải học “gồng” vì tiếng Anh của Đức lúc đó chưa đến độ chuẩn quốc tế cả nghe lẫn nói. Anh phải liên tục trả lời những cú điện thoại trực tiếp của khán giả Mỹ gởi đến đài truyền hình. Nhưng may mắn, Đức đã đóng được vai trò đó một cách khá tốt. Tôi liên tục chuyển cho Ngô Công Đức nhiều kiến nghị của các nghị sĩ, dân biểu Việt Nam gởi Quốc hội Mỹ yêu cầu Quốc hội Mỹ cúp viện trợ cho Thiệu. Giúp đỡ cho Ngô Công Đức tại Mỹ về đường đi nước bước, về cách thức đối đầu với những phe nhóm bên Mỹ như thế nào, có giáo sư tiến sĩ Ngô Vĩnh Long đang dạy tại Đại Học Harvard về những vấn đề của các nước Á Châu mà trọng điểm là vấn đề Trung Quốc và Việt Nam. Thông qua em ruột của Giáo sư Long đang làm việc tại Sài Gòn, tôi viết nhiều thư từ nhờ Ngô Vĩnh Hải chuyển cho anh Long. Những thư tôi viết cho anh Long có vài chục lá, mô tả tình hình thời sự bên Việt Nam, những ý kiến của các phe phái để anh Long nắm được thời sự bên nhà. Những thư đó tôi đều ký biệt danh Đặng Vĩnh Bình (DVB). Anh Long cũng đã hướng dẫn cho chúng tôi biết rõ thời cuộc bên Mỹ, có những đánh giá riêng về tình hình Sài Gòn. Tôi nhớ giữa năm 1974, Ngô Vĩnh Long có phân tich cho bên nhà thấy trước: Quốc hội Mỹ sẽ cúp viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa. Không có viện trợ quân sự chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sẽ sụp đổ. Ngô Vĩnh Long đã làm hai câu vè thời sự:

“Ất Mão Thiệu sẽ lộn nhào

Giựt mình ngồi dậy, chạy một lèo sang Tây”

Ngô Vĩnh Long ăn nói nhỏ nhẹ, tinh tình hiền hoà, nhưng nhận định về chính trị rất sắc bén. Những ngày Ngô Công Đức ở Mỹ, có sự giúp đỡ và hướng dẫn của anh Ngô Vĩnh Long về nhiều vấn đề chính trị. Nhờ những cuộc tiếp xúc đó, ban đầu Đức còn phân vân, lần lần đã ngả hẳn theo con đường Mặt Trận Giải Phóng vạch ra. Đại Sứ Nguyễn Văn Tiến, Đại sứ Phạm Văn Ba cũng là những “ông anh” đã đóng góp nhiều trong việc Đưc rẽ hẳn theo con đường của cách mạng.

Trên đường đi trong đời, nhất là về chính trị có những ngõ rẽ. Ngô Công Đức đã có may mắn có một người bà con là ông Ngô Tấn Nhơn, trí thức gạo cội của tỉnh Trà Vinh theo cộng sản. Ông Nhơn và bà Bùi Thị Mè là những người đã tiếp sức cho Ngô Công Đức đi theo cách mạng dù trước đây anh ta là một lái buôn trục lợi trên sự cực khổ của những cô gái massage hiến thân cho lính Mỹ trong những cửa hiệu massage của ông ta tại tỉnh Hậu Nghĩa. Những Ngô Vĩnh Long, Phạm Văn Ba, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Ngọc Hà đã đưa tay dẫn dắt Ngô Công Đức qua những ngõ rẽ khó khăn khi ông ta ở nước ngoài. Đặc biệt Ngô Vĩnh Long, một giáo sư Đại học ở Mỹ, không theo cộng sản nhưng là một người Việt Nam yêu nước, đã có những nhận định đúng đắn về thời cuộc, giúp cho Đức kịp thời. Ngạn ngữ người Hoa có nói “cho tiền, cho vàng không bằng cho ý kiến hay, ý kiến đúng để làm kim chỉ nam soi đường”.

Phần cá nhân tôi, nhờ những nhận định chính xác của anh Ngô Vĩnh Long qua các thư từ lén lút trao đổi cho nhau, tôi đã thêm được niềm tin trong những ngày phải tự giam lỏng mình trong Dinh Hoa Lan để chiến đấu dưới màu cờ “hoà bình cho người Việt

 

 

14-3-15