NGƯỜI VIỆT
13-2-22

Ở đâu, lãnh vực nào của CSVN cũng đầy sâu mọt

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Sai phạm,” “yếu kém” ở tất cả mọi bộ phận của Bộ Y Tế CSVN, theo “kết luận thanh tra” của Thanh Tra Chính Phủ trên mặt báo trong nước.

Tờ Tiền Phong hôm Thứ Bảy 12, Tháng Hai, viết: “Kết luận Thanh Tra Chính Phủ (TTCP) chỉ ra loạt yếu kém, sai phạm xảy ra tại Bộ Y Tế, từ công tác tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, văn bản quy phạm pháp luật cho đến công tác quản lý về trang thiết bị y tế, vật tư y tế, nhập khẩu thuốc.”

Báo Tiền Phong sau khi thuật lại một số vụ việc cụ thể rồi dẫn lời chỉ trích trong bản báo cáo nói “một số cá nhân đã bất chấp tất cả, chạy theo lợi ích cá nhân để vi phạm pháp luật.”

Trong khi đó “các quy định của luật pháp về đấu thầu, về mua sắm trang thiết bị từ ngân sách thực sự còn có những lỗ hổng”.

Quan tham của chế độ hiểu rõ sự vận hành của guồng máy nên tìm cách “lách luật” qua những lỗ hổng, dẫn đến “vi phạm quy định mà không kịp thời bị phát hiện, gây thất thoát của nhà nước nhiều tỷ đồng”.

Thanh Tra Chính Phủ vội vã được đẩy vào thanh tra Bộ Y Tế khi bùng nổ vụ quan chức y tế các cấp toa rập với Phan Quốc Việt, tổng giám đốc công ty Việt Á, “thổi giá” bộ xét nghiệm COVID-19.

Tiếng là công trình khoa học tự nghiên cứu nhưng gần đây lộ ra sự thật là chúng được nhập cảng khoảng mỗi bộ 21,900 đồng (hay gần $1) rồi bán lại cho các cơ quan y tế nhà nước với giá trên dưới 400,000 đồng (hay trên dưới $17).

Năm ngoái, suốt mấy tháng trời, cả hai bộ Khoa Học và Công Nghệ và Y Tế CSVN theo nhau tung hô công trình nghiên cứu khoa học chớp nhoáng của hơn một chục ông bà giáo sư tiến sĩ tại Cục Quân Y.

Người duy nhất có bằng cấp thấp nhất là Phan Quốc Việt với bằng cử nhân sinh học, cũng ké tên vào cái “tổ” nghiên cứu đó. Bộ “kít” xét nghiệm COVID-19 được đem trình làng như “niềm tự hào về những bộ óc thông minh xuất chúng của Việt Nam và đã được Tổ Chức Y tế Thế Giới công nhận.”

Tuy nhiên, tất cả chỉ là trò đại bịp và màn bịp thần sầu đã giúp Phan Quốc Việt gom được 4,000 tỉ đồng (khoảng hơn $170 triệu) và chia lại cho các quan tham từ 20% đến 30%.

Ngoài Phan Quốc Việt và một số quan chức y tế một số địa phương, mới chỉ thấy có hai ông cấp vụ của Bộ Y Tế bị bắt mà người ta tin rằng những người bị bắt chưa phải là “trùm cuối”.

Khi vụ án Việt Á vẫn còn đang điều tra lòng vòng thì lại bùng nố vụ bắt giam gần lãnh đạo Cục Lãnh Sự của Bộ Ngoại Giao CSVN. Những người này bị cáo buộc ăn hối lộ để “giải cứu” công dân Việt Nam đang kẹt ở nước ngoài vì dịch COVID-19 muốn về nước.

Giá vé máy bay “giải cứu” gồm cả chi phí “lót tay” từ $3,000 đến $10,000, tức là có thể đã bị “thổi” lên gấp chục lần tùy khu vực nước ngoài.

Hơn một năm trời với hàng trăm chuyến bay, số tiền “giải cứu” chui vào túi các quan chức từ các tòa đại sứ, các hãng hàng không, Bộ Ngoại Giao, phải lên hàng trăm triệu đô la. Người ta cũng tin rằng bà Cục Trưởng Cục Lãnh Sự Nguyễn Thị Hương Lan chưa phải là “trùm cuối” tham nhũng tiền của người dân nhân danh “giải cứu”.

Đó là không kể đến hàng loạt các giới chức trong ngành giáo dục tại nhiều địa phương bị khởi tố vì những vụ việc nhỏ hơn nhưng cũng đều đáng xấu hổ cho những người có trách nhiệm dẫn đường cho thanh thiếu niên chuẩn bị vào đời tự lập.

Cuối năm 2020, tờ Thanh Niên thuật lời ông Trương Hòa Bình, khi đó là phó thủ tướng, “phát biểu chỉ đạo” trong một cuộc họp của Bộ Nội Vụ CSVN là “Phải làm sao để cán bộ khi làm sai phải thấy lương tâm cắn rứt”. Nhiều Facebooker cho rằng chúng đâu có lương tâm để bị cắn rứt. (TN) [kn]