Bài viết dưới đây của PGS Đào Công Tiến thật ra chỉ là một bài viết vừa được sửa chữa bổ sung trên cơ sở một bài viết đã từng đăng trên Viet-Studies khoảng 2 năm trước. Nay ông Tiến tuổi đã cao sức khỏe ngày càng suy kém, mắt mờ tay run, không viết được nữa, nhưng lòng ông thì vẫn luôn suy tư trăn trở về một số vấn đề thời cuộc gắn với số phận dân tộc và tương lai của đất nước.

Vài nội dung nêu trong bài viết giai đoạn trước Đại hội XIII ĐCSVN đã mất tính cập nhật, nhưng căn bản vẫn còn thích hợp với những đòi hỏi về cải cách hệ thống chính trị để thực hiện một nền dân chủ pháp quyền, trong đó các nhánh quyền lực phải được kiểm soát và chế ước lẫn nhau. Vì vậy, thể theo nguyện vọng đầy tâm huyết của nhân vật đảng viên trí thức 65 tuổi đảng Đào Công Tiến,  Viet-Studies  đăng bài viết (tương đối mới) này, như một tài liệu tham khảo, với ý nghĩ cho rằng vấn đề gì đặt ra mà chưa được giải quyết thì coi như vẫn còn mới.   


 

Mấy Tư Vấn Và Phản Biện
Gửi Dân Gửi Đảng

Đào Công Tiến

 

Bài viết của Đảng viên Đào Công Tiến – (Đảng viên 85 tuổi đời, 62 tuổi đảng, thuộc chi bộ khu phố 3, phường 5, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) là những góp ý đến Dân đến Đảng nhằm Đại hội XIII và Đại hội cấp dưới tiến đến ĐH XIII

Đào Công Tiến

Xin đi ngay vào nội hàm của “mấy tư vấn và phản biện” mà tôi – tác giả của bài viết đã nguyện dấn thân.

1.  Đảng và chế độ XHCN theo chủ thuyết Mác - Lenin – chủ nghĩa cộng sản và Quốc tế vô sản là hai chủ đề nổi cộm, được các nhà phản biện trong đó có tôi kiên trì tư vấn và phản biện.

CNXH với lập trường giai cấp quá cực đoan, nội hàm công hữu hóa và kinh tế nhà nước chủ đạo về lý thuyết quá mù mờ, về thực tế, không thành công trong “ai thắng ai” với nhiều nền kinh tế khác.

Đảng với “đảng lãnh đạo đảng”, “đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, đã thâu tóm quyền lực để “tập quyền tuyệt đối” và “tha hóa tuyệt đối” cũng chẳng buông tha.

Đảng và chế độ như vậy, trên thực tế của đời sống hiện thực hai hệ lụy không khó nhận biết, nhưng khó tránh: (1) Quyền lực tuyệt đối – tha hóa, tuyệt đối sẽ giết chết Đảng và Chế độ;  (2) Không có quyền –lợi quyền thì vô trách nhiệm, vô cảm dẫn đến “dân hư”. “Nước lấy dân làm gốc” mà gốc bệnh hoạn, hư hỏng thì tránh sao được hệ lụy khôn lường. Đảng và chế độ XHCN đã sụp đổ, tan rã tại nhiều “quốc gia tự xưng XHCN” ra đời trong trào lưu XHCN thế giới – Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tự tan rã sụp đổ. Việt Nam và một số quốc gia “thân hữu” đã muốn trở thành người hùng trung thành vô hạn nền CNXH ở đó đã chết mà Đảng Cộng Sản không cho chôn. Đại hội Đảng XIII (và Đại hội các cấp tiến đến Đại hội XIII) vẫn êm xuôi như nhiều kỳ Đại hội trước, để tiếp tục giáo điều CNXH và độc đảng toàn trị?

2.  Đổi mới trong nhiều văn kiện của Đảng, Đảng tự nhận: Đổi mới do Đảng khởi xướng mà có. Còn trong đời sống hiện thực, Đổi mới đã có những nội hàm đột phá để phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần; phá bỏ những rào cản ngăn sông cấm chợ để liên kết hợp tác trên thị trường đối với người sản xuất và người tiêu dùng, người bán và người mua. Đổi mới tuy chưa toàn diện, nhưng cũng có những nội hàm ươm mầm cho cải cách thể chế chính trị - xã hội. Những nội hàm đột phá đó, phần lớn được hình thành và phát triển hoàn thiện từ những khởi xướng của người dân tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình nông dân, thợ thủ công, tiểu thương vì cuộc sống và lẽ sống của mình, họ đã tự phát “xé rào” vượt cơ chế chính sách hiện hữu chưa thấu tình đạt lý. Đó là mũi đột phá được khởi xướng từ dân – là cơ sở, gốc rễ của Đổi mới. Đổi mới từ chuyện lớn của dân, của nước và cũng là chuyện lớn của Đảng. Đảng chấp nhận việc làm của dân, như là chấp nhận giải pháp tình thế trước áp lực của khủng hoảng đã đến lúc không còn chịu nổi. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa V, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI, và nhất là Nghị quyết của Đại hội Đảng VI chấp nhận Đổi mới.

Với những trình bày ở trên, xin đề nghị không nói khởi xướng Đổi mới thuộc về Đảng. Nếu nói khởi xướng thì phải nói thuộc về dân.

Tiếp nối hành trình Đổi mới gặp không ít cản ngại từ tư duy giáo điều XHCN, sợ “Đổi mới được kinh tế nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất tổng thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người”. Sự mơ hồ trong tư duy lý luận như vậy đã tồn tại trong một bộ phận không ít lý luận gia của Đảng; thậm chí cả chủ tịch Hội Đồng lý luận TW, đã làm cho Đổi mới không toàn diện, không triệt để, thiếu dứt khoát, nhất là đối với đòi hỏi đổi mới thể chế chính trị gắn liền với đổi mới kinh tế.

Ngay cả chống tham những tuy có được phát động, nhưng nặng về chống đỡ, thậm chí chống đỡ thụ động, chưa thực sự đi vào chiều sâu từ cội nguồn sinh ra tham nhũng để phòng chống tham nhũng.

Quy định pháp luật vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp căn cơ của Đổi mới bị hụt hẫng suốt nhiều thập niên từ đó cho đến nay. Các quyền tự do dân chủ đã được Hiến pháp 2013 quy định (tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình) không được thực hiện đầy đủ trên thực tế. “Xin cho” còn làm thay cho “điều gì luật pháp không cấm thì được làm”. Đất đai với “sở hữu toàn dân” và “nhà nước quản lý” làm mất quyền của dân và gia tăng sự lạm dụng từ Nhà nước và các nhóm lợi ích bất chính gây bất ổn xã hội ở nhiều nơi. . .

3.  Trong quá trình dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Việt, có cả ngàn năm phải đối đầu với mưu đồ xâm phạm chủ quyền, như chủ quyền biển đảo hiện nay, của các thế lực bành trướng bá quyền Trung Quốc. Chỉ tính từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Việt Nam liên tục bị nhiều “cú đánh” và cả những cú lừa.

“Đổi trắng thay đen” để đánh bồi thêm cùng với cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, về sự có  mặt của quân tình nguyện của Việt Nam trên đất Campuchia theo tiếng gọi giải cứu thảm họa diệt chủng do Khơ me Đỏ gây ra.

“Lèo lái” buộc Việt Nam chấp nhận giải pháp “chia đôi” đất nước, “chia rẽ” dân tộc tại vĩ tuyến 17 ngay sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng kết thúc thắng lợi – chấn động địa cầu, để cơ hội hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ rời khỏi tầm tay. Sự kiện nầy diễn ra tại cái gọi là Hòa đàm Genève và bị coi là ươm mầm chia rẽ lớn nhất đối với cộng đồng người Việt và dẫn đến cuộc “chiến tranh Việt Nam” có sự can thiệp của các nước lớn, trở thành cuộc chiến tranh lớn nhất, kéo dài nhất, đẫm máu nhất, và là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn tồi tệ nhất, với Việt Nam và thế giới sau Đại thế chiến thứ hai.

“Quay lưng lại” với Công ước Liên Hiệp quốc về luật biển năm 1982, nhà cầm quyền Trung Quốc đã đưa ra yêu sách phi pháp bằng cái gọi là “Đường 9 đoạn” – “Đường lưỡi bò” và thành lập cái gọi là thành phố này quận huyện nọ trên biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, để hòng tạo cơ sở pháp lý cho việc xâm phạm chủ quyền biển đảo của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Các thế lực bành trướng bá quyền Trung Quốc thường nói “bốn tốt”- láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt; “mười sáu chữ vàng” – láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện ổn định lâu dài, hướng tới tương lại; cùng chung ý thức hệ XHCN theo chủ thuyết Mác-Lênin và biện minh rằng, còn Đảng Cộng sản, còn chế độ XHCN là còn tất cả nên phải giữ gìn cho nhau bằng mọi giá, Nhà cầm quyền Trung Quốc nói thế nhưng không phải thế. Họ đánh chiếm Hoàng Sa, (1974), đánh chiếm Gạc Ma thuộc Trường Sa của Việt Nam (1988), đưa các tàu thăm dò hải hương HD 981, HD 08 và nhiều lượt tàu hộ tống vào vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Họ đứng sau lưng Khơ me Đỏ đánh Việt Nam ở biên giới Tây Nam (1976-1978), xua 60 vạn quân đánh Việt Nam ở biên giới phía Bắc (1979). Và tàu cá của ngư dân Việt Nam tiếp tục bị tấn công, bị đâm chìm ở quần đảo Hoàng Sa của VN, bởi tàu hải cảnh của Trung Quốc gây ra.

Những sự kiện nêu trên là hành vi xâm lược, mà kẻ xâm lược thuộc về các thế lực bành trướng bá quyền Trung Quốc theo chủ nghĩa Đại Hán.

Thay lời kết

Lệ thuộc vào giáo điều ý thức hệ XHCN theo chủ thuyết Mác - Lê nin, cùng với lệ thuộc vào các thế lực bành trướng bá quyền Trung Quốc không chỉ là chuyện quá khứ, mà cũng là chuyện của hiện tại. Không thoát ra khỏi “lệ thuộc kép” này thì không thể giữ được chủ quyền – độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để thoát ra khỏi “lệ thuộc kép” đó, phải cải cách toàn diện hệ thống chính trị theo hướng tôn trọng nhân quyền, tự do dân chủ, nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập. Không có sự cải cách đó, mọi ý đồ tốt đẹp sẽ chỉ là ảo tưởng, bất khả thi, kể cả việc bài trừ quốc nạn tham nhũng.

2. 2022