PHƯƠNG DIỆN LÍ THUYẾT

CỦA “MẤY VẤN ĐỀ VĂN HỌC SỬ VIỆT NAM”

CỦA TRƯƠNG TỬU

 

Trịnh Bá Đĩnh

   

      Cuốn Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (MVĐVHSVN) ra mắt năm 1958, vào thời điểm chuyển giao khá đặc biệt: Cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm đã hạ màn và phong trào nhà văn "đi vào đời sống" sắp diễn ra vào đầu những năm 1960. Hoàn cảnh bên ngoài đã ảnh hưởng quyết định đến số phận cuốn sách, nhưng ở đây chúng tôi sẽ không nói đến những tác động bên ngoài mà chủ yếu đề cập đến phương diện bên trong, cụ thể là tư tưởng lí luận của nó. 

     MVĐVHSVN của Trương Tửu cùng với Văn học khái luận (VHKL) của Đặng Thai Mai là hai công trình đặt nền tảng cho khoa học về văn học theo xu hướng mac-xit ở nước ta. Nói là đặt nền tảng vì đây là những công trình đầu tiên trình bày một cách hệ thống những quan điểm mĩ học và lí luận văn học, hầu hết những công trình lí luận văn học và văn học sử ở Miền bắc mấy thập niên sau đều nhiều hoặc ít chịu ảnh hưởng cách lập luận và cả kết cấu của chúng. Mà vị tất sự ảnh hưởng ấy đến nay đã hết!

       Hai cuốn sách dường như là sự bổ sung cho nhau: VHKL trả lời cho câu hỏi: văn học là gì, chức năng và các nguyên tắc giá trị của nó? MVĐVHSVN giải đáp vấn đề: đời sống văn học là gì, sự xuất hiện và quá trình phát triển của nó, phương pháp trình bày lịch sử văn học, cụ thể là lịch sử văn học Việt Nam như thế nào? Theo nghĩa rộng và không đòi hỏi quá chặt chẽ trong định danh khoa học thì ta có thể coi VHKL là lí thuyết về thi pháp tổng quát (hãy nhớ về Thi học của Aristote), còn MVĐVHSVN là lí thuyết về thi pháp lịch sử. Cả hai công trình đều được viết bởi những học giả có tư duy lí thuyết và kinh nghiệm phân tích văn học sử. Tác giả của MVĐVHSVN đầy các trải nghiệm khoa học đối với các hiện tượng quan trọng của lịch sử văn học Việt Nam với nhiều công trình về cuộc đời, tư tưởng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, rồi về văn học dân gian... Cả hai đều được viết theo quan điểm mac-xit nhưng có màu sắc khác nhau: tư tưởng của chủ nghĩa Mac về văn nghệ trong VHKL dường như được tiếp nhận qua lăng kính của các nhà mac-xit Trung Quốc, còn ở MVĐVHSVN, tác giả của nó rõ ràng là đã chịu sự chi phối của các nhà mĩ học và lí luận văn học Phương tây như G. Lukacz (Hunggari), J. Lefbvre (Đức), Plekhanov, Kammarin (Nga), F. Challaye, J. Fréville (Pháp)... qua các tài liệu bằng tiếng Pháp được đăng tải trên các tạp chí La pensée, La nouvelle critique, La litterature sovietique... Tài liệu được tác giả MVĐVHSVN lấy làm cơ sở là cuốn Về văn học và nghệ thuật của Marx và  Engels do Jean Fréville biên soạn. Giờ đây như ta biết, VHKLMVĐVHSVN cùng các tác giả của chúng có số phận rất khác nhau, hoàn toàn tương phản nhau, nguyên do một phần có lẽ bởi sự khác nhau về kênh tiếp thu chủ nghĩa Mác như vậy. Cũng cần biết thêm rằng sự khác biệt đã có từ lâu.    

       Ngay sau khi MVĐVHSVN ra mắt (tháng 12/1957) đã có một loạt bài của Vũ Đức Phúc, Nguyễn Kiến Giang, Hồng Quảng phê phán dữ dội nó trên báo Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, từ số 13 đến số 17 vào tháng 10 – 11 cùng năm. Tác giả của nó bị lên án là “lợi dụng văn học để chống lại cách mạng, chống lại chế độ”, “tuyên truyền cho thế giới quan duy tâm và phủ nhận thế giới quan tiến bộ”…, bị những người phê phán xếp vào hàng ngũ xét lại như Vizma ở Nam Tư, Hồ Phong ở Trung Quốc. Họ công kích MVĐVHSVN ở những nội dung nào? Có hai điểm chính: 1/ Tính độc lập tương đối và sự kế thừa của văn học; 2/ Tính loại biệt của văn học. Xét từ quan điểm lí thuyết văn học của ngày hôm nay, ta lại thấy đây lại chính là hai điểm khả thủ nhất của Trương Tửu trong công trình này. Chúng ta cùng đi vào hai nội dung đó.

 

Về tính độc lập tương đối của văn học

Luận điểm này tất cả các nhà lí luận và nghiên cứu theo xu hướng Mac-xit của ta đều thừa nhận như một tiên định trong các lập luận lí thuyết của mình, sự khác biệt là lí giải nó như thế nào và đánh giá mức độ độc lập của văn học nghệ thuật đến đâu. Trương Tửu vẫn trung thành với quan điểm coi văn học là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc xã hội, nằm trên các quan hệ vật chất, tức hạ tầng cơ sở, tức cơ cấu kinh tế-xã hội. Và hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc, nhưng là “xét đến cùng”. Xét đến cùng tức là xem xét đến những quan hệ sâu xa nhất, không có sự chi phối trực tiếp mà qua vô vàn những khâu trung gian. Chỉ có thế mới lí giải được (điều này ông dẫn lại nhận xét của Marx) “những thời kì thịnh vượng nhất định của nghệ thuật không hề tương quan với sự phát triển chung của xã hội”, chẳng hạn như văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX. Vì văn học có “tính độc lập” như thế nên đối với các nhà nghiên cứu là “phải chú ý đến sự phát triển của bản thân văn học” và “đấy mới là điều cốt yếu” (tr. 880). Coi trọng sự phát triển của bản thân văn học đối với nhà văn học sử tức là không nên căn cứ vào các giai đoạn phát triển xã hội để phân chia các thời kì văn học. Theo ông “Một biến động lớn trong cơ cấu kinh tế, chính trị của xã hội phải thông qua nhiều nhân tố môi giới phức tạp mới tác động được đến bản thân quá trình văn học… (phải đi đến) biến đổi được nhu cầu nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ mới biến đổi được tính chất của văn học” (tr.1045).

 Trương Tửu bác bỏ việc lấy năm 1930, tức năm thành lập Đảng cộng sản Đông Dương làm điểm mốc của lịch sử văn học. Vũ Đức Phúc đã phê phán Trương Tửu là “làm mờ nhạt tính quyết định của kinh tế”, “nêu lên quá nhiều những nhân tố môi giới khác, khuếch đại tính độc lập tương đối của văn học”, “cho văn học có đời sống riêng”… Vũ Đức Phúc cũng phê phán quan điểm tính phổ biến vĩnh cửu của kiệt tác văn học trong MVĐVHSVN. Trương Tửu đặt câu hỏi: vì ai và vì sao mà các kiệt tác văn học như thần thoại Hy Lạp và kinh kịch Trung Quốc vẫn duy trì được giá trị lâu bền của nó, dù xã hội đã nhiều lần đổi thay, dù “chung quanh nó mọi sự vật đều đã thay đổi, khí hậu tinh thần, chính trị xã hội, kinh tế đã hoàn toàn biến dịch, những điều kiện làm cơ sở cho sự thành công của nó lúc ban đầu đã mất hẳn”? Theo ông có hai lí do: Thứ nhất, vì văn học có sự độc lập tương đối, có đời sống riêng nên nó có tính kế thừa. Thứ hai, nó có “tính phổ biến vĩnh cửu của yếu tố nhân loại”. Trong văn học – theo Trương Tửu – có sự kí thác “các giá trị nhân loại cao nhất, phổ biến nhất”. Ông kết luận: “Đánh giá một tác phẩm văn học – nhất là các kiệt tác – không thể quên tính phổ biến vĩnh cửu của yếu tố nhân loại ấy”. Yếu tố nhân loại phổ biến và vĩnh cửu ấy là gì? Ở đây Trương Tửu chưa giải thích được thật rõ, ông cho rằng đó là “lòng ao ước tự vượt lên mình ở con người” (tr.883).  

Trong bối cảnh cuối những năm 1950, đưa ra quan điểm về tính người phổ biến, tức là làm mờ đi quyết định luận giai cấp trong tư tưởng văn học, bị phê phán là điều không tránh khỏi, nhất là với một người bị coi là một trong những đại diện của nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Đầu những năm 1960, vấn đề “tính người phổ biến” lại được đưa ra thảo luận trong giới học thuật, kết quả như ta đã rõ, những học giả chủ trương hay thừa nhận nó đã gặp những rắc rối. Chỉ mãi tới sau năm 1986, tức sau phong trào Đổi mới, tính nhân loại phổ biến trong văn học nghệ thuật mới được thừa nhận hoàn toàn. 

 

Về sự khu biệt của văn học

Nguyễn Kiến Giang trong bài Tuyên truyền thế giới quan duy tâm và phủ nhận thế giới quan tiến bộ cách mạng trong lí luận và sáng tác văn học đã cho rằng cuốn Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam viết theo “thế giới quan xét lại”, “vỏ thì duy vật mà ruột thì duy tâm”, cụ thể hơn là triết học duy tâm kiểu Bec-clây; thế giới quan duy tâm này thể hiện rõ nhất trong quan điểm của Trương Tửu về tính loại biệt của văn học. Vậy thực chất thì Trương Tửu quan niệm thế nào về tính loại biệt của văn học? 

Ngay từ những dòng mở đầu của phần Tính loại biệt của văn học, Trương Tửu đã viết: “(Văn học) biểu hiện thực tại bằng nghệ thuật không phải là chụp ảnh thực tại”. Quan điểm này được nhấn mạnh nhiều lần và thể hiện qua việc phân tích hiện tượng cụ thể trong toàn bộ công trình. Như một nhà mac-xit, Trương Tửu xem văn học là phản ánh hiện thực, nhưng cũng như khi nói về tính độc lập tương đối của văn học, ông coi đây là vấn đề “xét đến cùng”. Còn vấn đề cốt yếu đối với văn học là trí tưởng tượng, cá tính sáng tạo của nhà văn. Đây là cách ông quan niệm về sự phản ánh: “Một công trình tổ chức có sáng tạo (tác phẩm văn học – TBĐ) do nhà nghệ sĩ kiến thiết bằng cách kết tinh những nhân tố chắt lọc ở thực tại ra song đã tự tay mình chế biến đi, kết hợp lại, theo một mục đích có sẵn trong trí tưởng tượng" (tr.919). Hiện thực đời sống, như vậy, chỉ là vật liệu cho nhà văn chế tác ra những hình tượng theo trí tưởng tượng của mình. Hình tượng văn học là “những hình thức mới” chưa hề có trong hiện thực, “là những vật được bật ra từ cái “không”, cái “không” ở đây có nghĩa là chưa hề có. Để sáng tạo ra các hình tượng văn học, mà kết tinh của chúng là điển hình văn học cần có thiên tài (Goethe, Balzac, Dostoievski, Dickens,… là những thiên tài như vậy). Đấy là những người có “cái khoa trực giác kì diệu, cái nhìn thấu suốt tới bản chất hiện thực, cái trí tưởng tượng khái quát được cả những khí hậu tinh thần ấp ủ các điện lực tình cảm vô hình, cái khiếu hỗn hợp hóa học tâm lí làm nảy ra những chất kết tinh mới (những điển hình văn học) không có trong thực tế mà y như thế, cái sức mạnh cảm xúc làm cho nó bật ra từ cái “không” những quang cảnh phù hợp với nó, cái khả năng trông rõ, nghe rõ hơi thở cực kì tinh vi của sự sống đang phôi thai, đó chính là đặc tính loại biệt của trí sáng tạo văn học thiên tài” (tr.927). Vì thế, nghiên cứu văn học trước hết là tìm hiểu cá tính của nhà sáng tạo. Một tác phẩm văn học vì là “biểu hiện một nhãn quan độc đáo về thế giới, một cách điển hình hóa độc đáo, một bút pháp độc đáo”, cho nên nhà nghiên cứu “phải đi từ phân tích ngôn ngữ, bút pháp đặc biệt của nhà văn và thông qua những hình tượng nghệ thuật dò ngược lên cái nguồn phát sinh ra nó” (thực tại xã hội, tâm lí thời đại, tâm hồn nhà văn). Coi bản ngã độc đáo, trí tưởng tượng của nhà văn mới là điều cốt lõi của văn học, các sự kiện đời sống hiện thực chỉ là vật liệu để nhà văn, theo hình dung chủ quan của mình, chế tác ra “những hình thức mới” chưa hề có trong thực tế, tư tưởng lí luận của Trương Tửu đã vượt trước rất xa tư tưởng lí luận của các nhà mac-xit ở Việt Nam hai thập niên sau, ngay cả quan niệm “văn học là nghiền ngẫm về hiện thực” (Lê Ngọc Trà) xuất hiện vào cuối thập niên 1980 so với tư tưởng của Trương Tửu cũng chưa hẳn là mới hơn. 

Ngoài hai vấn đề lí thuyết trên, trong MVĐVHSVN còn một khái niệm nữa cũng đáng chú ý, đó là khái niệm “khí hậu văn học”. “Khí hậu văn học là môi trường hoạt động của các nhà sáng tác. Mỗi thời có một khí hậu văn học riêng góp phần vào sự sinh sản ra đặc tính của thời ấy” (tr.897). So với cái gọi là “bối cảnh kinh tế, xã hội, tư tưởng” mà các bộ văn học sử của nước ta sau đó thường xếp ở phần mở đầu thì “khí hậu văn học” của Trương Tửu xác đáng và tinh tế hơn nhiều. Cần phải nói rằng, “bối cảnh kinh tế, xã hội, tư tưởng” làm phông nền cho sự phát triển văn học ở mỗi giai đoạn được trình bày trong các bộ văn học sử của ta hầu hết khá thô sơ, đó hầu như chủ yếu là sự lược quy về cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội và tư tưởng hệ.  

Theo Trương Tửu, khí hậu văn học được cấu tạo nên bởi 4 yếu tố là: tâm lí thời đại, chính sách của nhà nước đối với văn học, những cuộc đấu tranh văn học, công chúng văn học. Trong cách lí giải của ông về 4 nhân tố này thì tâm lí thời đại được coi là nền tảng, gốc rễ, là yếu tố (“Mọi ý thức hệ đều có gốc rễ chung là tâm lí thời đại”, “Mỗi tư tưởng ưu thế có một tâm lí xã hội dinh dưỡng nó”, tr.898 – 899) làm nên “cái chất và cái vị” của những khí hậu văn học mỗi thời đại. Chủ nghĩa tâm lí, tâm lí học nghệ thuật là nét nổi bật trong tất cả những công trình khoa học của Trương Tửu từ trước 1945: Nguyễn Du và Truyện Kiều, Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Kinh thi Việt Nam. Và ở đây cũng vậy, cả trong cách giải thích lẫn màu sắc của thuật ngữ “khí hậu văn học” đều thấy yếu tố tâm lí học. Trương Tửu đã trích một đoạn văn rất dài của Stefan Zweig trong cuốn Ba bậc thầy văn học (Trois Maitres) nói về trạng thái tâm lí cộng đồng mà ông gọi là phong vị của khí hậu văn học thời tiền cách mạng Nga, khi Dostoievski đọc diễn văn trong buổi lễ tưởng niệm 100 năm sinh của Pushkin. Xin trích lại một phần:

“… đến lượt Dostoievski. Trong một cơn say sưa ma quái, Dos sử dụng lời nói như một tiếng sét. Với một nhiệt tình cảm thán cực độ, bằng một giọng trầm trầm khàn khàn, ông báo hiệu sứ mệnh đoàn kết toàn dân Nga; bàng hoàng, quần chúng như ngã phục xuống chân ông; gian phòng kỉ niệm rung lên vì hân hoan, phụ nữ hôn tay ông, một sinh viên ngất đi dưới chân ông… Sự hào hứng không còn bờ bến nào nữa, một vòng hào quang chói lọi tết đai quanh đầu con người khổ hạnh ấy… Dos mất ngày 12-2-1881. Một luồng rung động lay chuyển toàn bộ nước Nga, mọi người lịm đi vì đau đớn. Ba tuần sau Nga hoàng bị ám sát; tiếng sấm báo động rầm rộ khắp nơi. Những tia lửa trà thù xiên dọc xiên ngang toàn xứ”.

Chủ nghĩa tâm lí trong khoa học thể hiện qua rất nhiều từ ngữ, khái niệm, cách diễn đạt có màu sắc cảm giác trong công trình của Trương Tửu: “phong vị thời đại”, “luồng rung động”, “khí hậu văn học vô hình”, “cái chất, cái vị của khí hậu văn học”,… Trong khí hậu văn học, Trương Tửu cũng chú ý đến vai trò của công chúng văn học. Ông đồng tình với nhà văn Anatole France rằng “văn học là tác phẩm vừa của tác giả vừa của độc giả”, theo ông “công chúng quyết định cả hướng sáng tác văn học”, vì vậy “Lịch sử văn học phần nào cũng là lịch sử của công chúng văn học” (tr.909). 

Những vấn đề lí thuyết trong MVĐVHSVN không chỉ có như vậy, trong đó cũng không chỉ có những vấn đề lí thuyết mà cả những đề xuất về phương pháp viết lịch sử văn học Việt Nam. Có những đề xuất rất thời sự so với thời điểm đó của khoa văn học như: bộ phận văn học chữ Hán có phải là văn học dân tộc không, phân kì lịch sử văn học Việt Nam như thế nào, văn học hiện đại bắt đầu từ thời điểm nào? Có những điều mà hôm nay chúng ta vẫn phải suy nghĩ tiếp. Chẳng hạn Trương Tửu cho rằng văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX là cùng kiểu loại với văn học Phục hưng phương Tây (ông gọi là “văn học cổ điển”). Điều này khá gần gũi với quan điểm của các nhà phương Đông học Nga về một giai đoạn văn học Phục hưng có tính toàn thế giới, trong đó có “thời Phục hưng phương Đông”. ([*])


 

([*])  Các dẫn chứng trong bài viết này đều rút từ cuốn Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu phê bình, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh biên soạn, Nxb Lao Động, 2007. Tôi cũng xin cám ơn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã cho biết về mấy bài phê bình cuốn MVĐVHSVN.

Hồ sơ Trương Tửu

 

Lên trang này ngày 9-12-08