ĐỌC NGỌN LỬA HOANG DÃ

Trần Văn Chánh

 

Nếu chỉ lướt qua cái tên sách này, và nhất là tên tác giả LongỨng Đài, người đọc dễ có cảm tưởng đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết tầm thường nào đó của một tác giả xa lạ người Trung Quốc và rất có thể sẽ không thèm chú ý bỏ thì giờ ra đọc. Nhưng không. Đây không phải cuốn tiểu thuyết ba xu, mà là tập hợp một số bài viết của LongỨng Đài, một nữ tác giả Đài Loan còn tương đối trẻ, sinh năm 1952, từng là Cục trưởng Cục Văn hóa Đài Bắc và Bộ trưởng Bộ Văn hóa đầu tiên của Đài Loan, một nhân vật không xa lạ đối với giới trí thức Đài Loan trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Hầu hết các bài báo tập hợp trong Ngọn lửa hoang dã (Công ty Domino – NXB Hội Nhà Văn, Quý III/2019) đều mang tính chiến đấu cao, được đăng trên tờ Trung Quốc Thời Báo các năm 1984-1986, lúc tác giả chừng 32 tuổi, với những những nhận định trung thực và lời bình luận sắc sảo đầy sức thuyết phục của tác giả liên quan đến những vấn đề chính trị-xã hội bức xúc của Đài Loan đòi hỏi phải giải quyết.

Đài Loan (còn gọi Trung Hoa Dân Quốc) cách nay 40-50 năm tuy là một thực thể chính trị theo chế độ dân chủ và đã đạt nhiều thành tích rất cao về mọi mặt kinh tế-khoa học kỹ thuật-giáo dục, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại không ít những biểu hiện lạc hậu còn rơi rớt lại của xã hội phong kiến theo ý thức hệ Khổng giáo, cả trong quan niệm, lối sống của người dân cũng như trong hành động chính trị của các nhà đương cuộc. LongỨng Đài vì thế đã tập trung sự chú ý của mình vào việc phê phán mạnh mẽ xã hội Đài Loan trên các phương diện còn bị hạn chế về môi trường, trị an, văn hóa giáo dục, chế độ dân chủ...

Theo bà, cả người dân và các cấp chính quyền đều luôn tỏ ra vô tâm ù lì an phận trước những hiện tượng trái tai gay mắt gây bức xúc xã hội diễn ra trong cuộc dân sinh hàng ngày, nên cần phải đánh động tâm thức của họ bằng những lời lẽ mạnh bạo thậm chí “nổi nóng”, không cần tới bất kỳ sự kiêng nể hay phép lịch sự nào. Long Ứng Đài cổ vũ mọi người Trung Quốc phải biết tức giận và lên tiếng trước những hiện tượng bất hợp lý hoặc bất công diễn ra nhan nhản trong xã hội: “Chính là bởi vì bạn không lên tiếng, không chửi bới, không bày tỏ ý kiến, do vậy những đứa con bé bỏng mà bạn hết mực thương yêu mỗi ngày [phải] ăn, uống, hít thở những chất độc hóa học…” (tr.15).

Về việc hoàn thiện chế độ dân chủ, LongỨng Đài cho rằng muốn có được nền dân chủ thực chất thì người dân cần phải tranh đấu đòi hỏi chứ không đợi các cấp chính quyền từ tâm ban phát, và theo tác giả “cần có nhân dân ‘đối lập’, nhân dân giám sát thì mới có một chính phủ tốt” (tr. 130); “dân chủ không phải là từ trên trời rơi xuống, nhất định phải trải qua những đấu tranh lý tính, những người dân không hiểu được đấu tranh giành quyền lợi, thì sẽ phải chịu sự thống trị của độc tài, đó là tự làm tự chịu” (tr. 131).

Một trong những điểm tập trung phê phán khác đối với nhà cầm quyền Đài Loan là bệnh hình thức, biểu hiện qua việc cho dán/ giăng đầy một cách vô ích đủ các loại biểu ngữ, khẩu hiệu khắp nơi nơi, và việc dựng các tượng đồng gây tiêu tốn ngân sách từ tiền thuế của người dân. Chẳng hạn, như trong một trường tiểu học có nhà vệ sinh dơ dáy không chịu nổi, người ta không lo cải tạo nhà vệ sinh nhưng lại thích dựng một tượng đồng hoành tráng ở ngay trước cổng trường! LongỨng Đài giải thích lý do sâu xa và quyết liệt phê phán: “Chúng ta háo hức thèm khát được người khác chú ý, bản thân là một loại tâm thái thiếu tự tin, trống rỗng…”; “chúng ta lại nỗ lực thực hiện những hành động ‘truyền bá’ một cách không não không đầu như dán biểu ngữ, làm tuyên truyền, đúc những bức tượng đồng mang tầm cỡ thế giới nào là to nhất, nặng nhất, cao nhất, đắt nhất… đây không phải là tâm thái của bọn nhà giàu ở quê mới nổi thiếu tự tin, thì là cái gì?” (tr. 109). Rồi bà mạnh dạn kêu gọi người dân đấu tranh theo kiểu “bất phục tùng” của nhà văn-nhà triết học Mỹ Thoreau: “Nếu như trong bảng kê khai thuế có một hạng mục như vậy, tôi cũng sẽ giống như Thoreau, sẽ từ chối đóng tiền thuế cho bức tượng đồng kia, tôi thà rằng ngồi tù, cũng sẽ không tình nguyện trả tiền cho những công trình to lớn ngu ngốc và vô dụng đó” (tr. 110).

Ngoài ra, còn biết bao vấn đề dân sinh hệ trọng khác, đều được LongỨng Đài đề cập, bằng cách trước hết đưa ra một số thí dụ sinh động cụ thể trong đời sống xã hội hàng ngày gây chú ý người đọc, rồi phân tích phê phán không kiêng nể, nhưng tựu trung vẫn tập trung vào thói xấu của người Trung Quốc và trách nhiệm của các nhà đương cuộc.

Cũng may, LongỨng Đài sống ở Đài Loan hướng theo chế độ dân chủ nên mặc dù phê phán nhà cầm quyền rất gay gắt, bà vẫn được cất nhắc lên hàng bộ trưởng, chứ giả định ở một xứ sở độc tài nào khác, đời bà có lẽ khó tránh khỏi bị tiêu tàn!

Đọc Ngọn lửa hoang dã, ta dễ có cái cảm tưởng như đọc Người Trung Quốc xấu xí của Bá Dương, và nếu liên hệ với tình hình Việt Nam hiện tại, với nhiều điểm tệ hại tương tự, lớp trẻ Việt Nam sẽ có thể tìm thấy trong sách nhiều chỗ gợi ý hữu ích để tỉnh tuồng và thấy rõ được trách nhiệm của mình đối với tiền đồ dân tộc. Ngoài ra theo tôi, Ngọn lửa hoang dã còn là một điển hình tốt của loại văn phong đấu tranh,  mà các bạn trẻ quan tâm các vấn đề xã hội, yêu thích văn chương và nghề viết báo, rất nên tìm đọc để tham khảo học hỏi.

30.5.2020         

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 31-5-20