Hồ Hữu Tường, Như Tôi Nhìn Thấy

Nguyễn Thị Thanh Xuân

 

Hồ Hữu Tường sinh ngày 8 tháng 5 năm 1910 tại làng Thường Thạnh, huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ, mất ngảy 26-6-1980 tại Sài Gòn, là con của ông Hồ Văn Sây và bà Võ Thị Nữ, là tá điền nghèo[1]. Ông kết hôn với bà Nguyễn Huệ Minh, sinh được chín người con, bảy người đã mất, hiện nay chỉ còn hai người con gái:  bà Hồ Huệ Tâm, giáo sư dạy Lịch sử ở Đại học Harvard, Hoa Kỳ và bà Hồ Đào sống ở Sài Gòn.

Tuy chỉ có 70 năm tại thế, cuộc đời của Hồ Hữu Tường cực kỳ phong phú, được dệt nên bởi nhiều hoạt động, nhiều quan hệ, nhiều biến cố, nhiều sáng tạo. Gắn liền với chữ nghĩa, và hoạt động này, cùng với tư tưởng xã hội thể hiện công khai của Hồ Hữu Tường cũng đã mang lại cho ông nhiều tai họa.

Phần viết này dựa theo những tài liệu do chính Hồ Hữu Tường kể lại[2], đối chiếu với những tài liệu do những người cùng thời và người sau ghi chép.

Cuộc đời của Hồ Hữu Tường có thể hình dung qua bốn giai đoạn: (1) Thời đi học ở quê nhà Cần Thơ và Pháp (1910-1930); (2) Thời chọn lý tưởng xã hội theo tư tưởng Trotskisme, làm báo, bị tù (1930-1939), (3) Thời chủ trương con đường dân tộc, “trung lập chế” xây dựng văn hóa Việt Nam (1939-1954), (4) Thời hoạt động nghị viện, làm quản lý giáo dục, viết sách, chủ trương “liên hiệp quốc” (1954-1980).

Dù tư tưởng và hoạt động của Hồ Hữu Tường mỗi thời có khác nhau, nhưng tất cả đều hiện lên một con người vượt thoát hoàn cảnh, có lòng say mê với chữ nghĩa, có một nghị lực khác thường, một trí tuệ năng động, một sự lạc quan và tự tín hiếm thấy[3].

Thời đi học ở quê nhà Cần Thơ và Pháp (1910-1930)

Thuở nhỏ, Hồ Hữu Tường học ở quê nhà. Từ 6 tuổi đã ham đọc báo và tờ báo đầu tiên mà ông tiếp xúc là Nam Phong tạp chí, ở nhà người cậu họ là điền chủ, làm hội đồng. Tuy với ông, tờ báo ấy là khô khan, nhưng ông vẫn đọc và thuộc nhiều đoạn trong báo, vì vậy cha mẹ ông đặt tên ở nhà cho ông là Thuộc. Khi bước chân vào trường  trung học Cần Thơ, ông mê báo Đông Pháp thời báo. Xúc động mạnh khi đọc bài tường thuật của báo về vụ xử án nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Hồ Hữu Tường và bạn bè cùng trường như Ung Văn Khiêm, Trần Thiêm Thới (tức Trúc Hà) làm báo viết tay ra hàng tuần bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, bày tỏ ý kiến của mình. Bài Hồ Hữu Tường viết bằng tiếng Pháp, ký bút danh Pierre Vutren. Kết quả là các học sinh làm báo bị đuổi học, năm 1926. Phong cách của Hồ Hữu Tường đã hé lộ ngay từ lúc này.

Ngay năm  đó, Hồ Hữu Tường được gia đình tạo điều kiện sang Pháp, học tiếp tại trường trung học Fédéric Mistral, lấy bằng tú tài. Sau đó, ông học đại học toán ở Marseille, rồi vừa dạy học tư, vừa làm thạc sĩ toán ở Lyon. Khi vừa xong thạc sĩ, (1930), ông lên Paris tham gia phong trào yêu nước, làm báo bí mật (Tiền quân). Ở đây, Hồ Hữu Tường gặp gỡ nhiều trí thức yêu nước Việt Nam như: Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Lê Bá Cang, Hồ Văn Ngà, Ngô Quang Huy…Do tham gia cuộc biểu tình ngày 22-5-1930, nhằm xin giảm án cho các chiến sĩ khởi nghĩa Yên Bái, Hồ Hữu Tường phải lánh sang Bỉ cùng Phan Văn Hùm trong một tháng. Về lại Paris, viết cho tuần báo La Vérité với bút danh chung là Giải phóng. Với năm tháng Paris, Hồ Hữu Tường học được nhiều về kỹ thuật làm báo.

Thời chọn hệ tư tưởng Trotskisme, làm báo, bị tù (1930-1939)

Năm 1931, Hồ Hữu Tường về nước, tham gia một tờ báo bí mật có tên là Tháng Mười, ở đó ông được may mắn gặp bà Huệ Minh, cũng làm báo hoạt động chống Pháp, sau này trở thành người bạn đời chung thủy của ông. Tờ báo làm được đến tháng  9 -1932 thì  Huệ Minh bị bắt và sau đó, tháng 11-1932 Hồ Hữu Tường cũng bị Pháp bắt giam. Ở trong khám Catinat, ông bắt đầu làm “báo nhẩm” (nghĩa là báo tưởng tượng trong đầu, lưu lại bằng trí nhớ), đặt tên là Thiên Thu, để chống lại bệnh điên do ở một mình quá lâu. Năm1933, ông bị đưa về khám lớn và ra tòa 1-5-1933, bị án treo ba năm.

Từ 1933, Hồ Hữu Tường bắt đầu tham gia báo chí công khai. Ông vừa ở trong ban biên tập báo Công Luận [4] và báo Đồng Nai[5], ký bút hiệu Bửu Liên, vừa dạy môn tự nhiên cho trường tư thục Paul Doumer. Từ tháng 10-1934, ông là một trong những nhân vật nòng cốt của báo La Lutte [6] tái bản năm thứ hai, tờ báo tập hợp cả hai nhóm Marxist đệ tam và đệ tứ, một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử của phong trào cộng sản, để tham gia liên danh bầu cử hội đồng quản hạt, nhằm khi tranh cử có cơ hội quảng bá tư tưởng chống Pháp. Trong thời gian này ông có bài cho La Lutte, dưới sự điều hành của Nguyễn An Ninh, nơi ban biên tập báo là cả hai xu hướng cộng sản: đệ tam (Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Dương Bạch Mai) và đệ tứ (Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Hữu Tường): một hiện tượng rất đặc biệt.

Năm 1936, Hồ Hữu Tường lại làm báo Thường trực cách mạng, một tờ báo bí mật duy nhất trong nước được in bằng chữ in. Báo thành công, có ảnh hưởng lớn, theo ông, là nhờ quần chúng: “những sáng kiến bất ngờ của đại chúng lắm khi là vô giá”[7].  Pháp truy xét ráo riết, tìm ra nơi in, ông lại bị bắt giam non một tháng rồi được thả. Để vận động cho phong trào Đông Dương đại hội, Hồ Hữu Tường tổ chức đưa tin cho các báo Việt Ngữ, rồi ra báo Le Militant, sau đó ra báo Tia sáng (1938), cùng một tạp chí lý luận xuất bản hàng tháng lấy tên là Tháng Mười, và một tuần báo có tên là Thầy Thợ. Tất cả hoạt động này kết thúc vào cuối năm 1939, khi Pháp mở chiến dịch truy quét, bắt toàn bộ những người tham gia các đảng phái đối lập. Hàng trăm nhà báo bị bắt, trong đó có Hồ Hữu Tường. Ông bị đày ra Côn Đảo cùng với Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ, Thu Thâu… từ năm 1940 cho đến năm 1944, sau đó tiếp tục bị an trí ở Cần Thơ.

Thời chủ trương con đường dân tộc, “trung lập chế” xây dựng văn hóa Việt Nam (1939-1954)

Từ 1939, Hồ Hữu Tường cho rằng cuộc đời mình “lật qua trang mới”. Năm 1944, bị quản thúc ở Cần Thơ, Hồ Hữu Tường đã tuyên bố với các bạn đồng chí cũ: “Tôi trở về con đường dân tộc, tôi cho rằng việc giai cấp vô sản giải phóng nhân loại là một huyền thoại lớn của thế kỷ 19 và tiềm năng cách mạng của giai cấp vô sản ở châu Âu và Bắc Mỹ là một huyền thoại lớn của thế kỷ 20”.

Sau này, ông còn nói rõ hơn trong hồi ký: “Về tư tưởng, trước chiến tranh, tôi đã đứng dưới bóng cờ của duy vật biện chứng pháp. Sau chiến tranh tôi quay về con đường đạo đức của ông bà”, “Về chánh trị, trước chiến tranh tôi đứng trong hang ngũ Đệ tứ quốc tế …sau khi ở tù ra, tôi lại đi vào đường lối dân tộc”[8].

Nhưng sự chuyển biến ấy không xui Hồ Hữu Tường an phận. Vừa mới rời ngục tù Côn Đảo về năm 1944, năm sau Hồ Hữu Tường ra Hà Nội ở đến 3 năm, in một loạt sách nơi đây[9], có những gặp gỡ và những mối giao tình đẹp đẽ. Thời gian ấy không biết ngẫu nhiên hay cố ý lại gắn với hai cuộc Hội nghị văn hóa toàn quốc của Việt Minh: lần 1 (1946), lần hai (16-20-7-1948).

Trong ba năm sống ở Hà Nội, Hồ Hữu Tường cũng tham gia một số hoạt động xã hội, như cùng các trí thức Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kontum… ký vào bức điện tín ngày 27 tháng 8 năm 1945 của Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ, gởi khẩn cầu Bảo Đại thoái vị; tham dự Hội nghị Đà Lạt (1946)[10], với tư cách cố vấn; tham gia chương trình biên soạn chương trình sách giáo bằng tiếng Việt cho Bộ Giáo dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa[11].

Trong hy vọng là với cơ hội Pháp trao trả độc lập, Việt Nam sẽ tự lực chọn giải pháp phát triển cho mình, Hồ Hữu Tường viết Tương lai văn hóa Việt Nam. Cuốn  sách đã xuất bản trước ngày Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, được tổ chức từ 24-11-1946. Ấy là sự kiện mà Hồ Hữu Tường hướng đến để phát ra thông điệp của mình. Năm 1947, ông bị Pháp bắt một thời gian ngắn khi tản cư về Hải Dương.

Năm 1948, Hồ Hữu Tường về Sài Gòn làm báo trở lại và viết văn. Ông viết cho báo Thế giới của Đông Hồ với ba bút danh: Lân Trinh, Ly Duệ, Ý Dư, Huân Phong và Huệ Tôn (bút hiệu duy nhất mà Hồ Hữu Tường tự đặt). Ở đó, ông khai sinh các mục văn chương: “Mấy vần thơ thẩn” “Tin tức mình…” “Nhổ cỏ dại” “Cấy hoa thơm”. Trong các bài trên Thế giới, ông ưng ý bài “Nhạc Nôm”[12].

Sau đó ông cộng tác với báo Sanh hoạt[13].  Để đảm nhiệm hầu hết bài vở của báo, ông có người bạn trẻ nổi tiếng giỏi toán học từ Bắc vào là Phạm Mậu Quân giúp đỡ, viết báo vận động chuyển ngữ tiếng Việt cho các môn học từ tiểu học đến đại học, bởi vì Nam kỳ, sau khi Pháp chiếm lại, hầu hết các trường đều học tiếng Pháp. Bài “Thân Việt” của ông được đăng ở đây, nói rõ lập trường dân tộc, đồng thời cuốn Tương lai văn hóa Việt Nam được in lại nhiều kỳ trên báo này. Cũng trong năm 1948, nhận lời mời của bà Bút Trà, Hồ Hữu Tường viết cho Sài Gòn Mới[14].

Nhưng văn chương, báo chí thuần túy chưa làm ông thỏa lòng. Từ 1949 đến 1954, Hồ Hữu Tường sang hoạt động ở Pháp. Trong thời gian này, ông vẫn tiếp tục cộng tác với các báo trên, đồng thời mở lớp dạy làm báo hàm thụ. Tài liệu dạy, sau được in trên Hòa Đồng và in thành sách với tên Những kỹ thuật căn bản của nghề viết báo[15].  Đã in công trình Lịch sử văn chương Việt Namvà sáng tác Nỗi lòng thằng Hiệp[16], Hồ Hữu Tường còn ra số báo Xuân năm 1950 có tên là Cảo Thơm, với kỹ thuật hiện đại và bài vở có chất lượng cao. Dự định của ông là sẽ tổ chức một nhà xuất bản tại Paris để in các tác phẩm giá trị của Việt Nam, đó là Minh Tân, với sự cộng tác của những trí thức khác tại Pháp. Năm 1952, tình hình đất nước báo trước nhiều chuyển biến, Hồ Hữu Tường làm một tờ báo có tên là Pacific[17], song ngữ Pháp- Anh, tập hợp bài vở của các tác giả tên tuổi từ Ấn Độ, Miến Điện, Indonésia, Thái… kêu gọi thành lập “Thế giới thứ ba” và đề xuất con đường “trung lập chế” cho Việt Nam (Neutrality, không theo Nga, Mỹ), giải pháp  mà ông đã có lần viết trong bài xã luận Thân Việt trên báo Sanh Hoạt (1948). Theo Hồ Hữu Tường, Pacific không thành công về tài chính, nhưng gây được tiếng vang và nối kết ông với một số trí thức có tư tưởng tiến bộ, nhờ đó mà sau này ông được can thiệp thoát án tử hình. Ông gọi đó là cái mu rùa của người làm chính trị, là “cái bất khả xâm phạm” nhờ uy tín văn hóa[18].  Từ 1952 đến 1954, Hồ Hữu Tường hoạt động trong hai không gian Sài Gòn- Paris, ông vận động ra tờ Phương Đông[19] ở Sài Gòn để tiếp tục phổ biến đường lối chính trị của mình. Bản thuyết trình “Trung lập chế” của ông được Đông Phương in thành số đặc biệt, dịch sang tiếng Pháp “La Seule Bonne Voie” và tiếng Anh “The Only Good Way”, in trên giấy đẹp, gửi đi khắp thế giới trong dịp hội nghị Genève mà ông tham dự với tư cách ký giả để vận động cho Việt Nam khỏi bị chia đôi đất nước. Thất bại, “chỉ thỏa mãn lương tâm”, ông sang Anh một tháng, rồi về nước.  Thời gian này, ông viết truyện thiếu nhi:  Quả trứng thần  (1952), tiểu thuyết Phi Lạc đại náo Hoa Kỳ đăng Sài Gòn Mới, rồi  in trên Phương Đông 1953, năm 1955 được in thành sách[20]. Ông còn dịch Tam quốc chí (quyển 1, 1951).

Thời hoạt động nghị viện, làm quản lý giáo dục, dạy học, viết sách, chủ trương “liên hiệp quốc” (1954-1980)

Giai đoạn từ 1954 đến 1980, là thời kỳ dài cuối đời vừa cực kỳ gian nan, vừa thành công trong các lĩnh vực giáo dục, chính trị, sẽ đưa đến một chuyển biến thứ ba của Hồ Hữu Tường. Do nhận làm cố vấn cho Mặt trận Thống nhất Cao Đài- Hòa Hảo - Bình Xuyên, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam, ngày 29-8-1957, bị tòa án quân sự Sài Gòn kết án tử hình. Nhờ sự can thiệp của một nhóm trí thức trên thế giới như Albert Camus, thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru… mà ông thoát chết, phải ngồi tù chín năm khổ sai ở Côn Đảo, từ 1955 đến 1964.

Khi ra tù, năm 1964, Hồ Hữu Tường viết lại cho báo Ánh Sáng[21] và năm 1965, viết cho Hòa Đồng[22], đồng thời cộng tác với báo Sống của Chu Tử, đăng nhiều kỳ tác phẩm Người Mỹ ưu tư, sau xuất bản thành sách ở Pháp[23].  Thời gian này ông viết khỏe và thể loại đa dạng. Về tiểu thuyết, có: Kế thế (tiểu thuyết dã sử), Thuốc trường sanh (gồm 3 tập: Xây mộng, Phúc đứcVẹn nguyền (Huệ Minh, 1964)[24]. Tiểu Phi Lạc náo Sàigòn; Diễm Hồng xuất giá; Hồn bướm mơ hoa (tiểu thuyết lịch sử xã hội, miền Hậu Giang gồm 4 tập: Mai Thoại Dung, Tam nhơn đồng hành, Ông thầy Quảng, Bủa lưới người)[25]. Về tạp văn có: Kể chuyện, Nợ tinh thần[26]. Vể tự truyện và hồi ký, có: Thằng Thuộc con nhà nông [27]; 41 năm làm báo[28]. Về tiểu luận, có: Trầm tư của một tên tội tử hình[29]; Luận lâm I;  Nói tại Phú Xuân (những bài phát biểu tại Đại học Huế) [30]. Ngoài ra ông còn một bản thảo viết năm 1969 tại Paris, chưa in: Un  fétu de paille dans la tourmente (Cọng rơm bị dập vùi).

Năm 1967, ông làm Phó Viện Trưởng Đại học Vạn Hạnh, phó chủ tịch thứ nhất Trung tâm Văn bút Việt Nam, đắc cử vào Hạ nghị viện của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Từ 1968 đến 1969, ông qua Pháp 11 tháng, quan sát Hội nghị Paris, gặp một số trí thức như  Jean Lacouture, Philippe Devillers…

Khi đại học Hòa Hảo thành lập ở Long Xuyên, năm 1970, ông là giáo sư thỉnh giảng. Ông tiếp tục viết cho nhiều báo cho đến năm 1975, khi đất nước thống nhất: Quyết Tiến, Đuốc Nhà Nam, Tiếng nói dân tộc, Tin Sáng, Sài Gòn Mới, Thanh Bình, Điện tín…

Vẫn kiên trì con đường văn hóa, ông dùng khái niệm Minh đạo thay cho Việt đạo, chủ trương tìm một con đường hòa bình phát triển cho Việt Nam và cho thế giới bằng giải pháp “liên hiệp quốc hóa”, và bằng việc dung hợp các phương diện: tôn giáo, triết học, khoa học và chánh trị, ở đó tinh thần Phật giáo làm nền tảng.

Hồ Hữu Tường mất ngày 26-6-1980 tại nhà riêng ở Sài Gòn, ngay trong ngày được trả tự do, sau hai năm bị giam giữ ở Hàm Tân, Bình Thuận.

*** 

Bài viết đã ghi khá chi tiết về tiểu sử Hồ Hữu Tường, bởi vì ông chưa được nhiều người biết đến như lẽ ra phải có, nhất là thế hệ trẻ ở Việt Nam. Các dữ kiện trong tiểu sử cũng sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu và lý giải đời văn Hồ Hiểu Tường.

Từ tiểu sử, chúng ta thấy Hồ Hữu Tường có gần nửa thế kỷ làm báo, viết văn, hoạt động chính trị. Trong gần 50 năm ấy, dù tư tưởng ông mấy lần chuyển biến, nhìn chung, con đường cầm bút của ông luôn gắn với khát vọng làm thay đổi xã hội. Ông ý thức về điều ấy và luôn nói rõ chọn lựa của mình: “Tôi dụng văn chứ không làm văn”.

Hồ Hữu Tường “dụng văn” như thế nào? Hoạt động “dụng văn” của ông có đóng góp gì cho đời sống văn học đương thời, đặc biệt là giai đoạn trước 1954? Hiện nay những trang viết của ông có còn ý nghĩa hay không?

Chúng tôi sẽ thử trả lời các câu hỏi này, bằng việc phân tích sâu vào các văn bản của ông, trong sự đối chiếu với văn cảnh thời ông sống và văn cảnh Việt Nam hiện tại.

Như Hồ Hữu Tường kể lại, và với những gì chúng tôi tiếp xúc được, thì Hồ Hữu Tường chỉ bắt đầu có công trình gắn với văn hóa văn học từ năm 1946. Mở đầu là Tương lai văn hóa Việt Nam[31], ông tự đánh giá là quyển sách quan trọng nhất  của đời ông: “Đến nay tôi chưa viết quyền nào đắc ý hơn. Các tác phẩm khác chỉ là đem những tư tưởng đã nói rồi trong quyển này, đem ra mà mở rộng về bề mặt, hay moi sâu hơn mà thôi. Năm 1946, sách này là quyển duy nhất được in ra ở Hà Nội với tên thiệt”[32].

Về lý do ra đời của công trình, ông xác định: “Nhơn Hội nghị văn hóa toàn quốc đương cổ động rầm rộ, và ở Hà Nội đã tung ra thị trường bán hai quyền sách trùng tên là Văn hóa là gì?,một quyển do Đào Duy Anh viết, một quyển do Nguyễn Hữu Đang và Đặng Thai Mai cùng viết để định nghĩa danh từ văn hóa, nên tôi muốn đưa ra định nghĩa thứ ba của tôi, nhân tiện thảo ra “một bản hịch văn hóa” để phổ biến trong hội nghị”[33].

Đọc Tương lai văn hóa Việt Nam[34], sẽ nhận ra một số quan niệm cốt lõi của Hồ Hữu Tường rất gần với quan niệm của một số lý thuyết gia ngả về Thiền học của phương Tây.

Trước hết, ông quan niệm văn hóa là cái , chứ không phải là cái .

Đây cũng là tư tưởng nền tảng của Erich Fromm khi bàn về những vấn đề của con người trong Phân tâm học và tôn giáo. Cả hai ông đều thấy rằng, xã hội văn minh hiện đại thường đưa con người đến việc ý thức về cái có hơn là cái là và đó là nguy cơ làm con người đi xa những giá trị thực của chính mình, khi ấy sẽ xảy ra tình trạng mà triết học hiện sinh gọi là tha hóa (vong thân).

Trong toàn công trình, Hổ Hữu Tường nhiều lần khẳng định: “Văn hóa đuổi theo cái mục đích làm cho “người” trở nên NGƯỜI”[35], mệnh đề này lặp đi lặp lại như là một điệp khúc trong tác phẩm Tương lai văn hóa Việt Nam tràn đầy cảm hứng và giai điệu của ông.

Với Hồ Hữu Tường, văn hóa phải thể hiện trong cách sống, văn hóa là trải nghiệm, là nỗ lực để hoàn thiện mình trong suốt cuộc đời, không phải là lý thuyết, là kiến thức, nó thấm nhuần trong toàn bộ con người chúng ta, chi phối trong từng ý nghĩ, cảm xúc, hành vi,  đó là trải nghiệm toàn diện: lý trí, tình cảm, bản năng, cơ thể, rồi trở thành phản ứng tự nhiên của mỗi người, theo nguyên tắc “chân, thiện, mỹ”. Một cá nhân, một cộng đồng, một dân tộc có văn hóa thì điều ấy sẽ thể hiện qua cách sống và ứng xử của họ với con người, với thiên nhiên: “Nó là đời sống, tinh thần sống. Nó là một sự cố gắng, một sự thành thực, một sự tu dưỡng để đạt đến mục đích cao cả của nó. Người có thể biết cái gì là giá trị tinh thần, đâu là ý nghĩa cao quý của đời. Biết ấy chưa phải là Văn hóa. Nếu giá trị tinh thần chưa thấm nhuần lý trí, tình cảm, tiềm thức, thể chất của con người, nếu ý nghĩa kia chưa làm động cơ cho đời sống, thì cái biết kia đổi lại thành tai vạ”[36].

Trên tinh thần ấy Hồ Hữu Tường soát xét lại tất cả, và đề nghị phân biệt: “văn chương, nghệ thuật, triết học, khoa học của Tây phương là khác. Mà “văn hóa” Tây phương là khác (tr. 42), rồi khẳng định: “Tây phương không có Văn hóa. Tây phương chỉ có Quái hóa. Chính cái Quái hóa này chế ngự tâm hồn của Tây phương, nó rèn luyện, uốn nắn, hun đúc con người ngày càng hạ tiện, xấu xa” (tr. 43)…”Quái hóa đuổi theo một mục đích trái lại, làm cho người trở nên nô lệ. Nô lệ tất cả. Người hèn yếu bị làm nô lệ cho kẻ giàu mạnh. Kẻ giàu mạnh bị làm nô lệ cho tiền bạc. Tiền bạc bị làm nô lệ cho một lực lượng huyền bí, vô hình… của Quái hóa (tr.45).

Hồ Hữu Tường cho rằng, phương Đông đạo học “chỉ có những thuật tu dưỡng” (tr. 50), phương Tây khoa học “chỉ có kỹ thuật, phương pháp”, cả hai chưa hề có Văn hóa (tr. 51). Nhưng ông nhìn thấy Văn hóa từ dân tộc ông: “Văn hóa bắt nguồn gốc nơi dân tộc Việt Nam, nơi cái ý ham sống một cách đầy đủ và cao quý, nơi những tình cảm yêu đương dồi dào, nơi những nề nếp quý trọng giá trị tinh thần và nhân bản, nơi cái chí cao cả và khoan hồng, sẽ đạt được tính chất là rèn luyện, uốn nắn, hun đúc cho người càng đẹp đẽ cao quý hơn, cho “người” trở nên NGƯỜI.” (tr. 52).

Ông nói đến những biểu hiện phi văn hóa ở khắp nơi như: “đè nén, áp bức, bóc lột, ngu tối, gạt gẫm, phá hoại và trụy lạc”, “Văn hóa không làm cho giai cấp này đàn áp, bóc lột, dày xéo giai cấp kia. Vì như thế, kẻ bị đàn áp, bóc lột, dày xéo sẽ không sống được cái đời đầy đủ của người. Vì như thế, kẻ đi đàn áp, bóc lột, dày xéo sẽ không phải là người. Chưa phải là người làm sao trở nên NGƯỜI được?” (tr.53).

Ông nhìn thấy cái phi văn hóa của nền văn minh vật chất: “Văn hóa không làm cho những giá trị tinh thần phải bị lệ thuộc vào vật chất. Vì cái giá trị của người chính là sự chiến thắng vật chất, thu phục được vật giới, làm cho vật giới phụng sự cho người” (tr.53).

Ông vạch rõ tình trạng lệ thuộc trong tương quan giữa cá nhân và tập thể, những biểu hiện phát xít, độc tài: “Văn hóa không làm cho số đông phải phục tùng những cá nhân dù đó là những “siêu nhân”.  Vì như thế, số đông là bầy nô lệ, và “siêu nhân” kia là quái vật: bầy nô lệ do quái vật chỉ huy không phải là nhân loại”.”Văn hóa không làm cho nhân tài lui bước trước quần chúng. Mục đích của văn hóa không phải làm cho tất cả ai ai đều sống một cái đời bình đẳng, đồng đẳng nhưng hạ đẳng. Nhân tài cần phải nhắc đưa lên cao nữa. Quần chúng cần phải nâng lên cao nữa. Cao lên, cao hoài, cao mãi. Để rồi không còn ai là nhân tài, ai là quần chúng. Để rồi chỉ có những NGƯỜI sống một cuộc đời bình đẳng mà siêu đẳng”.

Ông nói đến vấn đề quyền lực, mối quan hệ giữa văn hóa, chính trị và tư tưởng: “Văn hóa không phụng sự một chế độ, một oai quyền nào cả. Chế độ, oai quyền là sản phẩm của người, khi người còn sống một đời eo hẹp, bỉ ổi. Văn hóa chỉ phụng sự cho NGƯỜI sống một đời khoáng đãng, cao quý, đầy ý nghĩa” (tr.53-54] “Văn hóa hơn hẳn một học thuyết, hơn hẳn một ý thức hệ” (tr. 55).

Hồ Hữu Tường đã đưa các phạm trù mỹ học cốt lõi của nhân loại vào văn hóa: “Văn hóa phải làm sao cho cái chân, cái thiện, cái mỹ thấm nhuần lý trí, tình cảm, bản năng, cơ thể, của mỗi ngưởi, của mỗi chế độ, của mỗi tương quan xã hội để cho nhất cử nhất động đều đượm nhuần cái chân, cái thiện, cái mỹ, phát tiết tràn trề cái chân, cái thiện, cái mỹ” (tr. 57).

Thứ hai, Hồ Hữu Tường nâng văn hóa lên một tầm cao mới.

Ông viết:  “tôi cảm thấy Văn hóa có một cái gì thiêng liêng, có một sự sáng suốt toàn tri, có một sức lực toàn năng như Thượng Đế”. Có thể nói, đó là một thứ tôn giáo mới, nó bắt nguồn từ niềm tin ở con người, xây dựng lòng yêu thương, từ ái trong từng sinh hoạt nhỏ, chống lại bạo lực và chiến tranh, “làm cho người trở nên NGƯỜI”.

Với Việt Nam, ông cho rằng, xây dựng Văn hóa một nền văn hóa đích thực, là giải pháp giúp Việt Nam giành được tư thế độc lập và phát triển lành mạnh trong hòa bình. Và từ đó Việt Nam sẽ trở thành tấm gương của nhân loại.

Thứ ba, Hồ Hữu Tường đã nói đến các khái niệm cái đà sống, đà chết, sức sáng tạo của văn hóa và cái sức sống di truyền của dân tộc Việt Nam: “Văn hóa là nhựa sống trong thân cây, trong các nhành, trong các lá, một nhựa sống vận chuyển thường xuyên” (tr. 62).

Chắc chắn, Hồ Hữu Tường ít nhiều chịu ảnh hưởng của Henri Bergson (1859-1941, triết gia, nhà văn Pháp, được giải Nobel văn chương năm 1927), người đã đưa khái niệm này trong công trình  L'Évolution créatrice năm 1907.

Thứ tư, Hồ Hữu Tường nói về lương tri của con người, do con người tạo ra, không có thế lực nào ban phát: “Lương tri không còn là của trời cho. Lương tri sẽ là sản phẩm của người. Nó có nguồn gốc ở người. Nó là một vật nhân bản” (tr. 58).

Thứ năm, Hồ Hữu Tường đã cảnh báo về sức sống dai dẳng của ý thức hệ.

 “Sức sống thừa của ý thức hệ là một tai vạ cho nhân loại. Khi nó không còn thích hợp với điều kiện cụ thể, khi cái xác nó xung đột với điều kiện cụ thể, thì cái xác nó không nhượng nhịn chút nào. Xác nó là khung khổ phản tiến hóa, xác nó là lực lượng phản động, bao giờ cũng giành phần thắng cho mình. Khi mới thành lập, nó giúp ích cho sự tiến bộ khá nhiều, nhưng mà về sau, đến giai đoạn nó sống  thừa, loài người phải lắm bận rộn vì xác nó. Hầu gần hết sức hoạt động của loài người là phá vỡ xác nó để lập ra một ý thức hệ mới, thích hợp hơn…Và ông nói, như một lời tiên tri: “Để một ngày kia, con cháu của chúng ta tấm tắc khen lối giải quyết tinh xảo của bạn: “Ồ! Cái ý thức hệ Việt Nam năm 1946 đến bây giờ hãy còn thích ứng, tao khỏi phải vì nó, bận vì nó. Hay thay!” (tr.20-21).

Thứ sáu, ông giải thích cội nguồn của ước vọng này.

 “Ước vọng này không phải tự nhiên mà tôi có được. Trong lúc căng thẳng tâm trí, cân não để chống chọi mọi sự áp bức, đè nén, trong lúc tìm một lối giải thoát để ra khỏi cảnh tủi nhục, thì “Dõi theo đường báo thù, người ta gặp sự sống”… (tr. 22).  Dẫn câu nói này của André Malraux làm lời đề từ cho tiểu luận của mình, Hồ Hữu Tường muốn nói lên hoàn cảnh và tâm thế của Việt Nam: vượt thoát oán thù, tạo dựng sức sống bằng lòng yêu thương, tôn trọng tự do. Làm lương tri cho nhân loại, ấy là “một cách trả thù cao thượng” mà Việt Nam có thể.

Đối chiếu những quan điểm trên của Hồ Hữu Tường với Erich Fromm trong Phân tâm học và Tôn giáo, Phân tâm học về tình yêu, chúng ta sẽ thấy cả hai đều gặp nhau ở chỗ nhận ra những khủng hoảng của xã hội phương Tây. Trong khi Hồ Hữu Tường đề cao Văn hóa thì Fromm đề nghị một phân tâm học nhân bản, nhuốm màu hiện sinh, gần như tương thông với Thiền học, để dẫn đến mục tiêu giải phóng con người, bằng khả năng tự nhận thức và tình yêu thương.

Tương lai văn hóa Việt Nam là một tiểu luận văn hóa, nó dung chứa những nội dung tư tưởng lớn, nhưng lại được viết bằng một văn phong tràn đầy cảm xúc: có thể gọi đó là “tiếng gọi đàn” của một trí tuệ sớm thức tỉnh, của một tâm hồn chan chứa yêu thương, của một bút pháp bồng bột trẻ trung, khẩn thiết và chí thành  ngay từ giòng đầu tiên cho đến chữ cuối cùng: “Tôi muốn cất tiếng mà kêu to. Kêu thực to để ai nấy cùng nghe. Tôi muốn có một giọng tha thiết. Thực tha thiết để ai nấy cùng cảm. Tôi muốn có những luận điệu đanh thép. Thực đanh thép để ai nấy cùng tin. Nghe, cảm, tin… để cùng tôi đem một cái vinh quang chưa hề có trên quả địa-cầu về cho dân-tộc ta, cho dân-tộc Việt-Nam”. (tr. 9); “Không đâu! Tôi không chịu đâu! Đã tủi nhục về mặt quân sự, đã thiệt thòi về mặt kinh tế, đã khổ sở về mặt chính trị, tôi còn lòng nào đem tâm hồn tôi mà rèn luyện, uốn nắn, hun đúc theo khuôn mẫu của kẻ thù?” (tr.42); “Bạn cứ mắng tôi đi. Nhưng bạn hãy để cho tôi hy vọng” (tr.62).

Tương lai văn hóa Việt Nam Kể được tiếp nhận như thế nào?  Hồ Hữu Tường đã ghi lại trong hồi ký: “giới văn nghệ Hà Nội trải qua một hồi náo nhiệt”[37]. Đó là những gặp gỡ bạn văn: Lần một, có Lưu Trọng Lư, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Đình Lạp, Phạm Ngọc Khuê, Bùi Huy Phồn, Huyền Kiêu, chỉ nói về thể thơ văn xuôi, tải những bài thơ tư tưởng. Lần hai có Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Hữu Đang, hỏi “Cái văn hóa đó là gì?” Tác giả bảo câu trả lời sẽ dành cho X.T. (tức là xích tử), bằng việc làm.

Xác định là chỉ làm văn hóa, văn học, từ năm 1948, Hồ Hữu Tường viết thường xuyên cho một số tờ báo ở Sải Gòn, và tham gia được nhiều thể loại: truyện thiếu nhi, truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn, tiểu luận, biên khảo…

 Trong những thao thức về dân tộc và muốn đối thoại với những quan niệm muốn chia rẽ Việt Nam lúc bấy giờ, Hồ Hữu Tường viết bài “Đi tìm nguồn gốc của dân tộc” (in trên Tiếng Việt, số 1 năm 1948). Theo đó, Hồ Hữu Tường không đồng ý với hai giả thuyết đã có: (1) người Việt từ Tây Tạng di cư xuống; (2) người Việt là bộ lạc Việt trong Bách Việt của Tàu. Theo ông hai giả thuyết ấy dựa theo chủng tộc, gắn với cách lý giải lệ thuộc Trung quốc, là không thuyết phục và ông đưa ra giải thuyết thứ ba: người Việt không có một chủng tộc thuần túy, mà là “kết quả của một cuộc xáo trộn của nhiều giống người, lai ra, lộn nhau, đã bao đời”. Người miền Bắc có nhiều nét giống Tàu, người miền Trung giống Chăm, người miền Nam giống Miên. Về cách tư duy, người Việt (khách quan/ chủ quan) khác người Tàu hoàn toàn (chủ quan/ khách quan):  bạch mã/ ngựa trắng, ngã phụ/ cha tôi. Tiếng Việt không hoàn toàn là đơn âm. Âm nhạc ta có nhiều loại khác Tàu. Về vấn đề Nam tiến, Hồ Hữu Tường cho rằng đó là quy luật thống nhất của bất kỳ quốc gia nào thời kỳ phong kiến (Pháp và Trung Hoa cũng vậy), có lực lượng thồ dân tại chỗ và các khi dân tộc khác thâm nhập thì đồng hóa với nhau rồi thống nhất. Ông kết luận, “Tìm nguồn gốc dân tộc Việt ấy là tìm cái nền gốc, tức là đám thổ dân trên dải đất này, bị chinh phục, ở Bắc do Lạc Việt, ở Trung do Chàm, ở Nam do Chân Lạp, rồi lần lần đồng hóa” [38].

Có lẽ ông là người đã khai sinh thể loại truyện tranh thiếu nhi ở Việt Nam, đăng nhiều kỳ trên báo Sài Gòn Mới, kể về “hai nhân vật Quỳnh và Thơm đi vòng quanh thế giới với hai bàn tay trắng”, Tú Duyên là người vẽ tranh minh họa[39]. Truyện thu hút đông đảo độc giả, trong đó có cả người lớn, giúp Hồ Hữu Tường tự tin hơn trong việc sáng tác. Nhân Đông Hồ “xúi ông viết tiểu thuyết”, ông nhớ lại phác thảo Phi Lạc sang Tàu đã có trong trí từ  năm 1945 ở Hà Nội, liền chép ra từng đoạn ngắn đưa in từng kỳ trên báo Sài Gòn Mới từ 1948, ký tên Ý Dư. Tiểu thuyết được dư luận tán thưởng, sau này nhìn lại đời văn của mình, ông cho là “tôi có chút danh trong làng văn là nhờ quyển Phi Lạc Sang Tàu[40]. Hai tiểu thuyết Thu Hương, Chị Tập (nằm trong bộ Gái nước Nam làm gì? theo dự định là 28 tập) cũng công bố trên Sài Gòn Mới.

Hồ Hữu Tường còn viết một loạt truyện ngắn trên báo Ánh sáng: Răng đen (số 161, 15-9-1948), Dưa hấu (số 200, ngày 30-10-1948), Thuỷ Hoàng và thuốc trường sanh (Ánh Sáng, số 234, ngày 12-12-1948) , Ngày chót của một nữ sứ quân Xuân An Hải (Ánh sáng xuân Kỷ Sửu),  Phi Lạc bỡn Nga; báo Sài Gòn Mới: Cọp hú (Xuân Canh Dần, 1950),  Nàng mọt sách (Truyền Tin, số Xuân Ất Mùi, 1955)…

 Trong thời gian ở Pháp, ông đã in công trình Lịch sử văn chương Việt Nam và sáng tác Nỗi lòng thằng Hiệp[41]. Thời gian này, ông viết truyện thiếu nhi:  Quả trứng thần  (1952), tiểu thuyết Phi Lạc đại náo Hoa Kỳ đăng Sài Gòn Mới, rồi  in trên Phương Đông 1953, năm 1955 được in thành sách[42]. Ông còn dịch Tam quốc chí (quyển 1, 1951).

Có thể thấy, toàn bộ tác phẩm trên đây của Hồ Hữu Tường đều mang một thông điệp văn hóa xã hội rất nhất quán của ông, nhưng mỗi thể loại, mỗi tác phẩm lại được xây dựng theo một cốt truyện, một bút pháp riêng. Là người có tư tưởng đấu tranh xã hội, nhưng Hồ Hữu Tường chống loại văn chương hiện thực truyền thống, chân phương. Sức tưởng tượng của ông thật dồi dào, ngôn ngữ kể chuyện của ông thật biến hóa. Trong tác phẩm của ông, thế giới hiện thực và thế giới huyền ảo, nhân vật có tên thực ngoài đời và nhân vật hư cấu thâm nhập vào nhau, tạo nên một mạng lưới lạ lùng, một không khí đặc biệt. Đặc biệt là chất giễu cợt, nhạo báng tràn ngập trong trang viết. Hồ Hữu Tường, như vậy, đã tạo nên được nhiều tầng vỉa cho tác phẩm của mình, ông gọi đó là: “bọc  liểu thuốc đắng bằng đường”, “Mớ xảo thuật để bọc đường tư tưởng cao siêu là cả cái kho tàng văn chương bình dân đương tàng trữ trong dân gian, mà ít ai chịu khó khai thác”. Công chúng bình dân đọc ông, sẽ bị hút vào các câu chuyện nhiều tình tiết hấp dẫn và cách kể rất gần gũi, rất có duyên; giới trí thức sẽ giật mình nhận ra sự khiêu khích táo bạo của ông với những nề nếp đang có, đặc biệt là các nề nếp lịch sử, xã hội. Ông lật tung không thương tiếc những quán tính quen thuộc để làm chúng ta nhận ra hầu hết chúng ta sống lầm lũi, đắm chìm trong vô số những ràng buộc của chính mình và của xã hội, của các hệ tư tưởng giáo điều.

Tiểu thuyết của Hồ Hữu Tường mang tính hiện đại rõ rệt trong nghệ thuật trần thuật và tính liên văn bản.  Điểm nhìn chuyển dịch nhanh, ngôn ngữ đối thoại đa dạng và rất hoạt; các liên văn bản gần như hết sức bất ngờ, không giới hạn, làm cho kết cấu tiểu thuyết, dù đặt trong cái khung chương hồi cũ kỹ, vẫn không bị giảm giá trị.

Nhiều truyện có yếu tố hoang đường, ma quái, nhằm chuyên chở những thực tại xã hội đương thời, như trong tuyện Cọp hú, ông để cho nhân vật người -kể -chuyện trả lời những nhân vật người –nghe- chuyện:  "Nếu hiểu nghĩa đen, thì hẳn là không có. Nhưng nếu xem câu chuyện vừa kể đây là một bài văn tượng trưng thì trong đời thiếu chi kẻ bị cọp hú ríu ríu vâng lời kẻ thù nghịch mà thù nghịch lại dòng họ mình… Những kẻ nông nổi, những kẻ không biết văn chương là cái quái gì, mới dám nói tôi nói chuyện dị đoan…"[43].

Những phân tích trên đây chỉ mới chạm đến một phần trong di sản của Hồ Hữu Tường, bởi có một số tác phẩm chúng tôi chưa tiếp cận được, như công trình Lịch sử văn chương Việt Nam.

Nhìn cả trên bình diện tư tưởng lẫn trên bình diện sáng tác, chúng tôi xin được đưa ra một số ý kiến, đồng thời thử lý giải, về những đặc điểm và đóng góp của Hồ Hữu Tường, trong đời sống văn học Nam Bộ nói riêng và trong đời sống văn học Việt Nam nói chung.

Khác với những trí thức Việt Nam giai đoạn thứ nhất (1865-1912), Hồ Hữu Tường xê dịch trong không gian nước Pháp, với cái đầu của dân toán học, không ngạc nhiên, không ngưỡng mộ, không lãng mạn hóa, chỉ một thôi thúc duy nhất: làm cái gì cho quê nhà. Ông đã giải quyết chóng vánh việc học tập, ở Marseille (đại học), Lyon (cao học) rồi lên Paris làm báo, đấu tranh. Ông liên kết dễ và liên kết ngay với một nhóm người đồng chí hướng để cùng chuyền lửa. Hồ Hữu Tường đã sống trong mối quan hệ ấy, và là người viết, chứng nhân, khi viết về mình, ông giúp người sau nhận biết được một thời như vậy, ở ngay trên đất nước thực dân, những người Việt yêu nước nhiệt thành đã làm gì. Chúng tôi muốn nói đến những tên tuổi còn khá xa lạ trong tâm thức công chúng hiện nay như: Nguyễn Thế Truyền, Tạ Thu Thâu, Dương Văn Giáo, Trịnh Hưng Ngẫu, Huỳnh Văn Phương, Nguyễn Văn Tạo, Phan văn Hùm, Hồ Văn Ngà, Lê Bá Cang…

Không chỉ có những tương giao bằng hữu tốt, Hồ Hữu Tường có cái hạnh phúc là gặp người bạn đời cùng chí hướng: Huệ Minh, cô gái làm báo, hoạt động chống Pháp, cũng từng bị tù vào năm 1932 như Hồ Hữu Tường. Nhiều tác phẩm của ông đã ký bút hiệu Huệ Minh. Phải chăng nhờ vậy mà Hồ Hữu Tường mới có thể dấn thân cả đời trong hoạt động chính trị và hoạt động văn chương, giữ được niềm say mê và bản ngã của mình?

Khác với những nhà văn Nam Bộ khác, Hồ Hữu Tường có nhiều trang viết lưu lại các sự kiện của cuộc đời mình, đọc ông và đọc nhiều tư liệu người khác viết, có thể không chỉ nắm bắt tiểu sử ông mà còn hình dung được chân dung ông. Một cuộc đời nằm trọn trong thế kỷ XX, bảy mươi năm mà biết bao sự kiện, biết bao biến cố và biết bao lần thay đổi. Có thể nói, bên cạnh nhiều nhà văn và trí thức Nam Bộ cùng thời, ông hòa vào trong ấy cái hăm hở, nhiệt huyết mạnh mẽ của những con người một lòng vì dân tộc, ông liên kết với họ trong một chuỗi hoạt động không ngừng nghỉ, cùng chia sẻ với họ những suy tư và công việc, và cùng chịu với họ những gian khó, hiểm nguy, tù tội; nhưng Hồ Hữu Tường cũng một mình trong số phận, nhân dáng và khát vọng của mình. Hồ Hữu Tường cô đơn mà mạnh mẽ. Dường như lúc nào cũng lạc quan, tin vào sinh lực của dân tộc, tin là lòng tốt và lẽ phải cuối cùng sẽ thắng.

Một trong những điểm nổi bật của Hồ Hữu Tường là khả năng tự ý thức của ông. Về căn tính, ông nói “Tôi có cái tật ngồi yên một chỗ không được, phải luôn luôn tìm cơ hội hoạt động” ; về sáng tác của mình, ông cho rằng: "Tôi là kẻ dụng văn, chớ không phải nhà văn”; về  đời văn của mình, ông nói tác phẩm ưng ý nhất là Tương lai văn hóa Việt Nam; về tính chất hoạt động của mình, ông xác định: “… tôi không làm văn chương, tôi làm siêu văn chương, tôi không làm chính trị, tôi làm siêu chính trị” . Ông biết một trong những mục đích viết của mình là muốn lưu lại những chứng tích lịch sử: “vậy thiên hồi ký này có thể kể là một chứng tích lịch sử”; ông viết bài giới thiệu xuất xứ các tác phẩm mà mình đã viết ra, cho công chúng hiểu sâu hơn. Trong một lần được phỏng vấn, Hồ Hữu Tường đã nói rõ quan niệm và kinh nghiệm sáng tác của mình, khi viết quyển tiểu thuyết đầu tay Phi Lạc sang Tàu: “phải giải quyết một bài toán hết sức khó, gồm năm phương trình: (1) Làm sao mà trình một văn kiện chánh trị vạch rõ được tiền đồ, chiến lược và triển vọng của dân tộc Việt? (2) Làm sao mà văn kiện này lọt qua lưới kiểm duyệt của Việt Minh cũng như của Pháp? ( 3) Làm sao mà văn kiện này, tuy lọt qua lưới kiểm duyệt, mà vẫn để cho quần chúng hiểu được nó nói gì? (4) Làm sao mà nó thâm nhập được trong nhân gian mau lẹ và có thể ảnh hưởng được thời cuộc nước nhà? (5) Làm sao mà độc giả xem qua một lần, không ném nó một bên lại đành để mà đọc đi đọc lại, và nhờ ánh sáng của thời cuộc rọi, mỗi lần đọc lại thấy phong phú và xác đáng hơn?” [6].

Tư duy văn hóa văn học của Hồ Hữu Tường và các phản ứng của ông với những cái đã có, từ Đông sang Tây, là một phản ứng mang tính trải nghiệm và chiêm nghiệm, gắn rất chặt với cội nguồn dân tộc và những quan sát rộng rãi về nhân loại. Đó không phải là người viết bị điều kiện hóa bởi thân phận một trí thức thuộc địa nhược tiểu da vàng. Vì vậy, khi quảng bá tri thức của những ngành học mới (xã hội học, kinh tế học, chính trị học), khi viết về một vấn đề trừu tượng và lớn lao như văn hóa, hay khi viết những bộ tiểu thuyết mang tính triết luận (chữ chúng tôi dùng thay cho khái niệm luận đề), Hồ Hữu Tường vẫn luôn duy trì cái chất văn dung dị, dễ hiểu của mình. Đó là ý thức hay là hồn nhiên? Có lần, Hồ Hữu Tường nói là Phan Văn Hùm, trong những ngày hai người lánh nạn ở Bỉ, đã ra sức dạy ông sửa lại lối văn nặng từ Hán Việt (vốn ảnh hưởng từ việc đọc Nam Phong tạp chí từ ngày 6 tuổi) đồng thời lại dạy cho ông biết làm thơ Đường! Những chi tiết này nói với chúng ta về một thái độ hết sức cởi mở của những trí thức Nam Bộ. Nhưng cái dung dị đó vẫn đủ sức chuyên chở những suy tưởng thâm trầm, những quan niệm hiện đại. Hình như trang viết của Hồ Hữu Tường rất ít chua tiếng Pháp, tiếng Anh, dù nhiều khi ông viết báo bằng tiếng Pháp. Thế nhưng đọc ông, ta nhận ra đằng sau các ý tưởng mà ông trình bày, là một trường liên tưởng rộng, là một liên văn bản phong phú. Ngày hôm nay đọc ông, chúng ta có thể không hoàn toàn đồng ý với ông tất cả, nhưng ta cảm nhận ở những điều ông viết ra là một thao thức ghê gớm, sau bao nhiêu biến cố của dân tộc và sau bao nhiêu đêm dài bị đày ải của cá nhân.

Với Hồ Hữu Tường, văn chương là “kinh nghiệm cá nhân”, “đem cái “tôi” mình ra, “để chịu trách nhiệm những gì mình nói”, “thành thật với chính mình”. Hồi ký (Bốn mươi mốt năm làm báo) và tự truyện (Thằng Thuộc, con nhà nông) là “để tôi tìm hiểu lại tôi, cái tôi thật ẩn náu tận đáy lòng, ở trong tiềm thức sau này tô lên một lớp sơn dày”. Bộc lộ này cho thấy, Hồ Hữu Tường đã chạm đến những quan niệm rất hiện đại của văn chương, nhất là khi ông nói đến “cái cô đơn cá nhân” và “cái cô đơn tập thể”, tâm lý cá nhân và tâm lý tập thể, trong nhiều sáng tác của mình.

“Viết nhanh”, “nhiều ý kiến đi trước thời cuộc”, “lúc nào cũng say mê với các cải biến kỹ thuật làm báo và tìm cách hướng dẫn việc viết báo”[44], Hồ Hữu Tường đã tạo nên những tác động nhất định với công chúng Việt Nam lúc bấy giờ. Tác phẩm của ông có tính thời sự rõ rệt, nhưng đồng thời, cũng để lại dấu ấn lâu dài. Dấu ấn ấy có được, trước hết là nhờ phong cách tư duy và bút pháp độc đáo của ông. Trong các nhà văn Nam Bộ, Hồ Hữu Tường là một trong những người mà văn phong tiểu luận, biên khảo vừa cứng cáp, trong sáng, khúc chiết, vừa phóng túng gợi cảm nhất.

Nhờ đâu mà Hồ Hữu Tường có thể làm được nhiều điều đáng kể trong văn hóa, văn học và xã hội như vậy? Chúng tôi thử lý giải kết quả này bằng con người, cuộc đời nhà văn và hoàn cảnh xã hội như sau.

Có thể nói giai đoạn đầu đời của Hồ Hữu Tường rất quan trọng. Ông đã thừa hưởng những tố chất tích cực của gia đình, đã cảm nhận được nguồn gốc xuất thân của mình, đã có nhiều dịp tiếp xúc với người lao động. Trong môi trường học tập, dù ở Việt Nam hay ở Pháp, ông đã may mắn gặp được  người thầy[45] và người bạn tốt, việc học của ông khá suôn sẻ và tập trung, chỉ ở Pháp có 4 năm, nhưng ông đã học từ tú tài đến thạc sĩ toán. Có năng khiếu về toán học, nhưng ông lại rất quan tâm đến các vấn đề tư tưởng, chữ nghĩa, xã hội, và sớm thể hiện tinh thần dấn thân.

Hồ Hữu Tường đã không quên và luôn thể hiện lòng biết ơn những người đã góp phần làm nên đời ông. Từ người cha: “Tôi có một diễm phúc là có một người cha có thiên tư kể chuyện và đặt chuyện tiếu lâm. Bất cứ có đề tài nào để châm biếm với mục đích răn đời là ông có sẵn trong kho ký ức một câu chuyện hay của ông đã nghe mà ghi nhớ”[46], cho đến những người lao động vô danh: “Nghe lén, cười hùn” các câu chuyện tiếu lâm của những “phu phen” gần nhà”. Và người bạn vong niên như Phan Văn Trường với tầm trí tuệ tiên cảm khác thường, như Phan Văn Hùm với những chỉ dạy về chữ nghĩa, văn chương… và ông đáp lại cái ơn tạo tác ấy bằng những sáng tác mới: “lập một cuộc lễ tạ ơn những vị giáo sư đã dạy tôi viết văn nhà quê, hoang đường, hóm hỉnh, trào lộng và châm biếm, đặc biệt của nông dân miền Tây vào đầu thế kỷ XX nầy”[47] .

Tuổi đôi mươi sáng láng, nhạy bén, ông đã hấp thu hai nền văn hóa của phương Đông và phương Tây, đã kịp có những nối kết ruột rà với nguồn cội và những tương giao rộng rãi với các trí thức tiến bộ xứ người. Nhờ nền tảng này mà 50 năm còn lại, ông luôn thể hiện một tư thế độc lập trong chọn lựa, ông luôn có được sự ung dung, rộng rãi trong phạm vi hoạt động của mình. Chín năm trong độ tuổi đôi mươi là một đoạn đời làm báo hết sức hào hứng, hết sức sôi nổi của Hồ Hữu Tường. Dấn mình theo hệ tư tưởng Đệ tứ quốc tế, ông đã viết báo để gây phong trào chống Pháp, giành độc lập cho đất nước. Kiểm điểm lại giai đoạn ấy, Hồ Hữu Tường cho rằng “tôi viết không biết cơ man nào mà kể, nay không còn dấu vết gì cả”[48]. Vì sao không còn dấu vết? Vì thực ra các tờ báo giai đoạn ấy vẫn còn đó, trừ một số báo bí mật. Chúng ta hiểu rằng, nó không được Hồ Hữu Tường kể đến nữa trong sự nghiệp của mình. Khoảng thời gian Hồ Hữu Tường ở tù, ngẫu nhiên trùng khít với cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) và cả hai sự kiện ấy cùng hợp lại, tác động mạnh vào ông, làm ông thay đổi hoàn toàn quan niệm. Những ai hiểu một chút ít lịch sử, cũng sẽ nhận ra rằng, trong thời điểm ấy nhân loại phải chứng kiến những bạo lực khủng khiếp. Phương Tây khủng hoảng, những cái được xem là lý tưởng phô bày ra tất cả sự thật trần trụi, trong phân hóa, đối địch và tàn sát. Một chàng trai tuổi 20 đã từng “trầm tư” lần thứ nhất trong một tháng ở Lyon[49] rồi quyết tâm lên Paris hoạt động chính trị, chọn hệ tư tưởng Đệ tứ quốc tế; bây giờ trầm tư lần thứ hai ở tuổi 30 trong cả năm năm tròn ở ngục từ Côn Đảo, để trở về với “Việt đạo”. Sau này, Hồ Hữu Tường đã viết hẳn một tác phẩm để nói về thời điểm quan trọng ấy: Trầm tư của một tên tội tử hình[50]

Từ 1939, Hồ Hữu Tường cho rằng đời mình có một “khúc gãy”. Dù phủ định chặng đường đã qua, thậm chí có lúc ông dùng chữ “quái thai của lịch sử” để nói về sự hợp tác của nhóm Đệ tam và Đệ tứ ở Việt Nam trong tờ La Lutte[51], chúng ta cũng thấy được qua đoạn đời ấy, cái nhiệt thành sôi nổi và sự trong sáng của chàng trai Hồ Hữu Tường tuổi đôi mươi, cùng với những người trí thức khác và quần chúng lao động, làm nên sự đa dạng của phong trào dân chủ, đấu tranh chống Pháp ở Nam Bộ, Sài Gòn. Chúng ta cũng thấy được khả năng bước vào và bước ra của một trí thức hành động gắn liền với quần chúng và những suy tư về bước đi của dân tộc bằng trải nghiệm thực tế của cá nhân.Vì sao Hồ Hữu Tường có được một niềm lạc quan chất ngất đến vậy? Hãy hình dung về không khí của những ngày sau năm 1945. Nhiều trang viết đã gọi đó là “ngày hội của non sông” Việt Nam. Đồng thời, cũng có thể là lúc bấy giờ Hồ Hữu Tường đã chọn hẳn cho mình quan điểm Phật giáo, qua những tiếp xúc với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương mà ông gọi là “cái nghiệp tiên thiên” của đời mình.

Những trình bày, phân tích và lý giải trên đây của bài viết, có thể xem là những phác thảo mang tính sơ khởi về một nhân vật đặc biệt cần được nghiên cứu kỹ hơn nữa về sau là Hồ Hữu Tường. Chúng tôi tạm dừng lại ở đây, với kết luận như sau:

Hoạt động từ rất sớm trên báo chí, từ bí mật đến công khai trong một không gian rộng (Pháp và Việt Nam), Hồ Hữu Tường thể hiện rõ vai trò của một trí thức yêu nước dấn thân. Khát vọng đấu tranh cho lẽ phải, công bằng, tự do và sự tiến bộ xã hội, đã cho ông nghị lực và dũng khí trải qua những ngày tù tội gian nan, nguy hiểm để vẫn còn cảm hứng cầm bút, tiếp tục nói lên tiếng nói của mình. Từ năm 1945, khi chọn hẳn con đường văn hóa, Hồ Hữu Tường có một sức viết đáng ngạc nhiên: tác phẩm của ông dồi dào và đa dạng, vừa có tính đại chúng, lại vừa có tính tư tưởng, vừa rất dân tộc, lại vừa rất hiện đại. Đặc biệt, ông đưa tinh thần “phá chấp” của Phật giáo vào văn chương, nhằm vượt thoát mọi quy phạm thường tình.

Đứng vững trên mảnh đất của dân tộc, tìm hiểu thế giới, không ngừng thao thức về những bước đi và giải pháp cho Việt Nam, Hồ Hữu Tường đã gửi vào trang viết của mình những chọn lựa, phán đoán, gợi ý, tiên cảm mà hôm nay thời gian cho phép chúng ta nhận thấy rõ hơn giá trị của nó.

Để hiểu đời sống xã hội, văn hóa và văn chương Việt Nam, không thể không đọc Hồ Hữu Tường. Tràn đầy cá tính, tự cho mình là “thuyền đi gặp gió ngược”[52], không ngớt gian nan, Hồ Hữu Tường lại rất liên tài, rất dễ dàng chấp nhận sự khác biệt nơi người khác và đặc biệt luôn tràn đầy lòng biết ơn. Cái chất giễu nhại và phê phán trong trang viết của ông không hề dẫn đến hư vô, chua chát, bi quan, nhằm hoài nghi sự sống, nó tràn đầy tinh thần hy vọng, khoan dung, nó lành mạnh, phả lại sinh lực tự nhiên của muôn loài.

                                                                         

Sài Gòn, 27-9-2016

Nguyễn Thị Thanh Xuân

          

 



[1]  Hồ Hữu Tường thuật lại: “Tôi sanh trưởng nơi một gia đình nông dân nghèo ở miền Hậu Giang. Cha tôi, mồ côi cha sớm từ mười hai tuổi đã phải đi ở đợ để nuôi thân và không được đi học. Nhờ tánh tình hiền hậu, ngay thẳng và siêng năng, ông được một nhà giàu gả cho đứa con nuôi, cho mướn ruộng và giúp vốn để cất nhà, làm mùa, rời thân phận ở đợ để trở nên một tá điền cho đến ngày lâm chung. Lúc ấy, cả hai đều không có học. Về mặt tư tưởng, cha tôi không theo đạo Phật, chẳng theo Lão giáo, mà cũng không biết Khổng giáo là gì, bình sanh rất ghét thầy chùa, thầy pháp, và chỉ biết thờ kính ông bà”. (Trầm tư của một tên tội tử hình. Lá Bối. Sài Gòn. 1965).

[2] Hồ Hữu Tường 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, 1972. Trầm tư của một tên tội tử hình. Lá Bối. Sài Gòn. 1965.
 

[3]“Và trong cảnh tù tội ở Côn Đảo, ăn Tết mà bị còng chân cả tháng bên cạnh nhà văn Phan Văn Hùm,tha hồ buông tư tưởng đằng phi trong lãnh vực thơm tho của văn chương nghệ thuật, khi mà lỗ mũi để khít bên mấy cái ti-nết không đậy nắp” Kể chuyện [2].
 

[4] Nguyễn Văn Bá và Diệp Văn Kỳ phụ trách.
 

[5] Đoàn Quang Tấn là chủ nhiệm và chủ bút, quy tụ nhiều trí thức thiên tả ở Pháp về: Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh…ra được 8 số thì bị cấm.
 6. Ganofsky quản lý, Nguyễn An Ninh vận động thành lập.
 

[7] Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr.109.

 [8] Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr.130.

[9] Xã hội học nhập môn (Minh Đức, 1945), với bút hiệu Duy Minh; Kinh tế học và kinh tế chánh trị nhập môn (Tân Việt, 1945), với bút hiệu Khổng Cưu; Muốn hiểu chánh trị, bút danh Thuần Phong;Tương lai kinh tế Việt Nam (Hàn Thuyên, 1945), Phong kiến là gì? (Minh Đức, 1946), ký Duy Minh; Vấn đề dân tộc (Minh Đức, 1946), ký Duy Minh; Tương lai văn hóa Việt Nam (Minh Đức, 1946), ký tên Hồ Hữu Tường.

[10] là một hội nghị dự bị Việt-Pháp họp từ ngày 19-4 đến ngày 11-5 năm 1946, chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau ở Pháp, vào tháng 7-1946.

11. Phép nói và viết hỏi ngã (1950), Em học tiếng mẹ (1950), Em tập đọc (1951).

[12] Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr.136.

 [13] Của Đặng Văn Ký
14 Của bà Bút Trà

15.  In tại Paris, 1951.
 

 16  Cùng nhà Nxb. Lê Lợi, Paris, 1949.
 

[17] Báo phát hành 3 tháng 1 lần, ra được 8 số, từ 1952-1954, báo này bị thủ tướng Nguyễn Văn Tâm cấm phát hành ở Việt Nam.
 

[18] Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr. 169 .
 

[19] Do Lê văn Siêu làm chủ bút. Nguyễn Ngu Í cộng tác. Lúc đầu là tuần báo, sau chuyển thành báo ngày.
 

[20] Vannay, Paris.
             

[21] Hoàng Hồ làm giám đốc.
               

[22] Nguyễn Lương Hưng, Nguyễn Ngu Í phụ trách.
             

[23] Một số bạn bè vận động đưa tiểu thuyết này tham dự giải Nobel văn chương, nhưng thất bại.
               

[24] Tất cả đều xuất bản bởi Huệ Minh, Sài Gòn, 1964.
 

[25] Tất cả đều in ở Nxb. Nam Cường, năm 1966.
             

[26] Tất cả đều in ở Huệ Minh, Sài Gòn, 1965.
             

[27]  An Tiêm, Sài Gòn, 1966.
             

[28] Trí Đăng, Sài Gòn.1972.  Đông Nam Á tái bản tại Paris, 1984.
 

[29]  Lá Bối. Sài Gòn, 1965.
             

[30] Tất cả đều in ở Huệ Minh, 1965.
             

[31] Minh Đức xuất bản, Hà Nội, 1946. 62 trang. do Tô Ngọc Vân trình bày, in nhiều loại bản, rất đặc biệt.Chúng tôi trích theo bản điện từ của nhatbook-Tuong lai van hoa Viet Nam-ho huu thuong.pdf https://app.box.com/s/s97sh5ljx28utqj1w4hle9wc18p88bdx.
 

[32] Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr. 145.

[33] Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr.146.

[34] Sách in nhiều lần, nhưng theo Hồ Hữu Tường, chỉ bản in Minh Đức và các phần đăng trên báo Sanh Hoạt là đúng nguyên văn. [41, 145]
 

[35] Hồ Hữu Tường (1946) Tương lai văn hóa Việt Nam. Nxb. Minh Đức. Hà Nội, tr.45.

 

[36] Hồ Hữu Tường (1946) Tương lai văn hóa Việt Nam. Nxb. Minh Đức. Hà Nội, tr.55.

 

[37] Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr.145.

[38] In lại trên Bách Khoa với cái tên “Đề tìm nguồn sống của dân tộc”. số 206, năm 1965, tr. 42-45.
 

[39]  Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr.150.

[40] Tiểu thuyết này đã được in ở nhà xuất bản Sống Chung, Sài Gòn, 1950, Trí Đăng, Sài Gòn tái bản năm 1972.
 

[41] Cùng nhà Nxb. Lê Lợi, Paris, 1949.
               

[42] Vannay, Paris.
             

[43] Sài Gòn Mới, số Xuân Canh Dần, 1950.
 

[44] Trần Ngươn Phiêu. Hồ Hữu Tường và cái nghiệp làm báo. http://t-van.net/?p=15685. Dẫn nguồn 15-9-2016.

 

[45] Như Thầy Bizot, dạy trung học Cần Thơ, khi gặp Thạnh, một người học trò nhà rất nghèo, viết văn hay, liền “mua một tập giấy dày, đóng bìa cứng. Hễ có bài của anh, thì bắt chép vào, nói “để đem về Pháp mà khoe với các văn sĩ” [41 năm làm báo, tr. 9].
 

[46]  Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr.154-155.

[47] Hồ Hữu Tường (1965) Kể chuyện. Nxb. Huệ Minh. Sài Gòn.

[48]   Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr.130.

[49]  Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr.16.

[50] Nxb.Lá Bối. Sài Gòn. 1965.
              .

[51] Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr.79.

[52]  Hồ Hữu Tường (1972) 41 năm làm báo. Nxb. Trí Đăng. Sài Gòn, tr.149.