thời gian
TRONG MẮT TÔI

Trần Hữu Nghiệp

(nxb Văn Nghệ - 1993)


 

3
NHỚ NHỮNG NGƯỜI TRÍ THỨC
CHƯA KỊP ĐÓN CÁCH MẠNG
THÁNG TÁM

 

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đem lại "Nước" cho chúng ta. Sự kiện lịch sử ấy, mỗi năm nhắc lại vào dạo này, có thể làm khó chịu một số người đang chờ nghe điều gì mới lạ. Nhất là ở các bạn từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 

Nhưng nhiều năm rồi, hằng ngày có dịp tiếp xúc với nhiều anh chị em trí thức ở miền Nam này, tôi thấy vẫn cần phải nhắc đi nhắc lại điều ấy.  Mà hà tất chỉ ở miền Nam. Bao nhiêu thế hệ trí thức mới, trẻ được đào tạo gần đây và chưa từng sống qua những ngày thanh xuân "chưa có Nước" chắc cũng muốn nghe chuyện của giới mình hồi trước để thấm thía hơn lời nói của Bác Hồ: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"! 

 

Bởi con đường biện chứng của nhận thức là "từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng". Dưới đây là vài  mẩu "trực quan sinh động" ấy rút ra từ ký ức ngày xưa: một số hình ảnh của những kẻ đã mất mang theo cái mà nhà văn thời trước gọi là "mối hận nghìn thu".

 

Trước Cách mạng tháng Tám, trong sáu năm dài sống ở trường Đại học Hà Nội, rồi sau đó qua Pháp học thêm, tôi có dịp quen biết một số anh em trí thức mà thời ấy đồng bào ta gọi là người có tâm huyết, nghĩa là trong tâm khảm luôn luôn có cái gì ấm ức, nhưng không gần được cách mạng nên chưa thấy lối ra.

 

Anh thứ nhất là một anh bạn từng đỗ Tiến sĩ nhân chủng học ở Sorbonne với luận án về "Nghệ thuật hát bội an-nam-mít", mà khi nói về ý nghĩa của điệu bộ, câu hát trên sân khấu, giọng anh trở nên sôi nổi, say sưa. Trước tách cà phê để chia tay nhau lần chót ở khu phố la-tinh, tôi hỏi về ý định của anh lúc nào sẽ về nước? Anh trả lời chua chát: "Mình đâu có Nước mà về; chữ Nước không hề có trong từ điển Việt Nam".  Rồi anh lại bắt sang chuyện hát bội: "Anh có nhớ không ? Trong tuồng Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Cao Hoài Đức ăn phải bùa mê, thuốc lú của yêu đạo Dư Hồng, cầm binh đánh lại nước mình, chửi bới thân tộc mình. Nhưng khi nghe con là Cao Tôn Bảo gọi lên hai tiếng "Bớ cha!" thì toàn thân lão ta run rẩy, thụt lùi lại mấy bước, đưa tay lên trán như muốn suy nghĩ cái gì. Ý nghĩa tượng trưng của điệu bộ ấy là: một con người dù mê muội đến mức nào, trong tiềm thức vẫn còn có sợi dây vô hình nối liền tâm hồn họ với đất nước, quê hương. Sợi dây đó đối với nhiều người trong chúng ta nay thật mong manh, có khi đã đứt, gỡ được bùa mê chưa chắc đã sớm hoàn hồn như tên tướng Tống.

 

Cách mạng tháng Tám đến sau đó bốn, năm năm chứng minh rằng ý nghĩ của bạn tôi đã quá đen tối, bi quan. ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, đông đảo anh chị em trí thức đã đi theo hoặc luôn hướng về kháng chiến. Nhưng nhận xét của anh về sự vắng mặt của chữ "Nước" trong từ điển quả có thật. Trong Việt Nam tự điển do Ban Văn học của Hội Khai trí Tiến đức biên soạn và xuất bản có đủ cả định nghĩa của chữ Nước: nào là chất lỏng do khinh khí và dưỡng khí hợp lại, nào là mánh lới, thủ đoạn (ví dụ xoay đủ nước) nào là tốc độ nhanh (phi nước đại, đi nước rút) nào là không theo hẳn một bên nào (nước đôi) v.v.. nhưng lại thiếu hẳn chữ "Nước" theo cái nghĩa Tổ quốc mà ta hiểu ngày nay, trong tên "Hội trí thức yêu nước" chẳng hạn.

 

Nhưng tôi nhớ đến người bạn xưa kia không phải vì cái chuyện chữ nghĩa ấy, mà là khi các bài hát bội của ta trúng giải thưởng quốc tế vừa rồi ở I Rắc trong một cuộc thi gồm hàng chục nước. Nếu bạn tôi còn sống, anh sẽ vui sướng đến ngần nào, bởi đã có lần anh thủ thỉ : "Luận án của tôi là để chống lại nhà phê bình văn học nổi tiếng Jules Lemaitre. Viện sĩ hàn lâm, kẻ đã viết trong sách Ấn tượng kịch trường (Impressions de théâtre) rằng: nhìn dân man rợ nhảy nhót, nghe tiếng thú kêu còn có ý vị hơn xem hát bội An nam.

 

Câu chuyện nói về "từ điển", tôi dành cho một trí thức vắn số khác, đồng nghiệp và bạn thân của tôi ở Đại học Y khoa Hà Nội: anh Giang Văn Xường, quê ở Gìồng ông Tố (Gia Định). Tốt nghiệp thầy thuốc chưa được bao lâu, anh đă qua đời vì bệnh lao phổi, bởi thời ấy chưa phát minh ra những kháng sinh hữu hiệu như bây giờ.

 

Bệnh anh đã có triệu chứng báo hiệu vào năm cuối cùng ở trường thuốc; nhưng ngày đêm anh vẫn dành thì giờ, miệt mài bên đống từ điển Hán, Nhật, Pháp, mong sớm hoàn thành cuốn Danh từ y học bằng tiếng Việt mà anh hết sức thiết tha. Một công việc to lớn như vậy không thể chỉ có một người lo, dù nhiệt tình và tài năng đến đâu. Anh bạn tôi đã trút hơi thở cuối cùng giữa cuốn từ điển soạn chưa xong, và sau khi anh mất đi, mấy trăm trang bản thảo đã lạc mất. Cuốn "Từ điển Y dược Pháp Việt" của Bộ Y tế, in ra lần đầu năm 1962 ở Hà Nội, sau lễ kỷ niệm 35 năm thành lập nước này, sẽ in lại lần thứ ba với khoảng 60.000 từ, tái bản lần này có bổ sung và sửa chữa khá nhiều với sự đóng góp ý kiến của hàng chục giáo sư chủ nhiệm khoa ở đủ các bộ môn tại các trường Đại học Y dược Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Nếu bạn tôi còn sống, từ Cách mạng tháng Tám buổi đầu, chắc chắn anh sẽ tham gia tích cực, nhất định anh sẽ lao vào công việc soạn từ điển này với tình cảm nồng nhiệt say sưa. Hơn nữa, giỏi chữ Hán và chữ Nhật, anh có thể góp ý kiến cho các ngành khoa học khác để chỉnh tu nhiều từ Việt ngữ dùng cho đại học.

 

Lòng tin của tôi có căn cứ. Dù bận rộn như thế nào, ngày lễ nào anh Xường cũng rủ anh em đi thăm bao nhiêu di tích lịch sử. Phóng xe đạp trên đường đi Sơn Tây, Bắc Ninh, Ninh Bình... lúc nào anh cũng bảo bạn bè phải đạp cách khoảng nhau hàng chục thước, bằng không "suốt đường cứ tán dóc linh tinh, còn đâu tâm trí mà ngắm cảnh đất nước và nghĩ ngợi về công lao xây dựng của tổ tiên". Có người trong bọn chúng tôi phá ra cười trước ý kiến ngộ nghĩnh ấy. Bây giờ nghĩ nhớ tới bạn cũ, tôi tự hỏi sự vui mừng của anh sẽ lên tới cỡ nào, trước bao nhiêu phát hiện khảo cổ lịch sử, văn học... mà nếu chưa có Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì nhất định không thể có.

 

Người thứ ba tôi muốn nhắc đến trong hồi ký này là một trí thức có tiếng tăm ở Việt Nam, ở Paris vào giữa thập niên 30 cho tới ngày anh mất tháng 2-1938 tại Sài Gòn tuổi mới 33. Đằng sau bệnh viện Chợ Rẫy ngày nay có một con đường nhỏ mang tên anh bác sĩ Phạm Hữu Chí. Con một giáo viên ở Bà Rịa, học sinh xuất sắc trường trung học Chasseloup Laubat (bây giờ là Lê Quí Đôn), anh được học bổng ra Hà Nội, đỗ tú tài rồi vào Đại học Y khoa, luôn luôn chứng tỏ là một sinh viên thông minh và cần mẫn. Tên bác sĩ thực dân Pháp, hiệu trưởng trường Y khoa, kiêm luôn cả trường nữ hộ sinh thuở ấy là một con quỷ dâm ô khét tiếng, hay áp bức sinh viên. Phạm Hữu Chí chịu không được, có lần đứng đầu trong đám "làm reo" (grève) để phản đối. Tên hiệu trưởng trả thù, đánh trượt anh vào cuối năm thứ hai; và trái với thông lệ, cũng không cho anh thi lại kỳ sau hè. Đối với sinh viên nghèo, thế là mất học bổng vì phải "lưu ban"; nói cách khác là bị đuổi luôn.

 

Được một người bà con thương giúp cho tiền bạc, anh xuống tàu sang Pháp, học lại năm thứ hai, và cuối năm thì đỗ ngay ngoại trú các bệnh viện Paris. Ba năm sau, trong 90 sinh viên được chọn làm "nội trú" (internat des hôpitaux), Phạm Hữu Chí đỗ số 10 trong số gần cả ngàn "ngoại trú" tham dự cuộc thi tuyển. Đây là việc rất khó đối với một sinh viên Việt Nam. Không có cha chú đở đầu, bởi vì ngoài kiến thức vững vàng ra còn phải nói năng lưu loát (tất nhiên là nói tiếng Pháp). Kỳ thi tuyển sau bốn năm nội trú, anh lại vượt lên đầu, đứng hạng ba, được thưởng huy chương đồng. Luận án bác sĩ của anh được giải thưởng cao của Đại học Y khoa Paris năm 1935, nhưng anh lại cho in ở Sài Gòn chớ không để in ở Pháp.

 

Thương mến tài năng của người học trò xuất sắc ấy, giáo sư Lemierre khuyên anh nên xin nhập Pháp tịch để dự thi trợ giáo Đại học (Clinicat), và ông sẵn sàng giúp cho kỳ được. Anh Chí cương quyết từ chối xin vào "làng Tây", một "danh dự" mà bao nhiêu người "An nam" đương thời ao ước... Anh trả lời : "Mẹ cha ôòi dạy rằng: cây có gốc, nước có nguồn. Tôi không thể tách mình ra khỏi dân tộc".

 

Nhưng rồi, giáo sư khéo chạy chọt, giải thích với cấp trên đang kính nể cụ: "Nam kỳ là thuộc địa Pháp thì sinh ra ở đó cũng như dân Pháp rồi!", Phạm Hữu Chí được dự thi và dĩ nhiên là trở thành trợ giáo Y khoa Đại học Paris (chef de clinique), thay thầy lên lớp giảng bài cho bao nhiêu bác sĩ, sinh viên tới học ở khoa truyền nhiễm. Cũng ở nơi đó, tận tụy với bệnh nhân, anh đã bị lây bệnh tinh hồng nhiệt, sau này đời anh cũng bị cắt ngang với cái sẹo ở tim.

 

Những công trình của anh đăng lên báo chí y học, các báo cáo của anh trước hội nghị khoa học mở thênh thang con đường đưa anh tới học vị giáo sư thạc sĩ Y khoa ở Pháp. Nhưng lòng anh không cưỡng lại được tiếng gọi của quê hương, anh trở về nước cuối năm 1936, mong sớm được lãnh một chân giảng dạy ở Đại học Y khoa Hà Nội theo sự gợi ý của bạn bè ở Paris, nguyện vọng thiết tha của anh là được trực tiếp hướng dẫn cho sinh viên Việt Nam, điều mà anh đã đem hết nhiệt tình ra làm "không công" tại nhà riêng ở Hà Nội, hai buổi tối mỗi tuần, trong khi chờ đợi một sự bổ nhiệm không bao giờ đến, do sự chống đối của quan chức Đông Dương. Bởi lẽ anh là người "An nam" mà lại dám đỗ đạt quá cao, lại ở một trường đại học nổi tiếng nhất, trong khi các giáo sư chủ nhiệm khoa ở Hà Nội chỉ là những bác sĩ Pháp lục lục thường tài, hoặc những thầy thuốc quân y cũ chưa hề có công trình nghiên cứu. Bù vào cái mặc cảm tự ti về kiến thức và tài năng, chúng sẵn có cái ngạo mạn của màu da thống trị.

 

Ai từng học qua trường Đại học Hà Nội còn nhớ tấm tranh sơn dầu to rộng trên vách trang trí tại giảng đường, nghe đâu là do một họa sĩ từng đoạt giải thưởng Rôma được mời từ Pháp sang vẽ. Sau Hiệp định Genève 1954, ta về tiếp quản Thủ độ, tranh ấy còn ít lâu mới bị xóa. Trên đầu bức tranh là hai chữ cổ "alma mater", chữ la tinh có nghĩa là "Bà mẹ nuôi con" ; sau đó hiểu rộng ra là "Tổ quốc", hoặc nơi tôn nghiêm của "Đại học". Dưới hàng chữ ấy là mấy ông Tây, râu quai nón, mặc áo choàng trắng hay đội mũ thuộc địa hướng dẫn một lũ sinh viên "An nam" khám bệnh, phát thuốc đo đạc hay xử kiện cho đám dân đen đang đứng khoanh tay. Đấy là những y dược sĩ, quan đốc, quan tham, lục lộ tri huyện tương lai, những "người hùng" trong giấc mơ của bao nhiêu tiểu thư Hà Thành thuở ấy đã cùng nhau ăn thề "phi cao đẳng bất thành phu phụ" . Còn nhớ năm 1931, hoa khôi Tuyết Hồng đã tự tử ở Hồ Tây vì bị mẹ cha ép phản lại lời thề.

 

Một "Alma mater" trang nghiêm bệ vệ như vậy bao giờ lại có thể chấp nhận trên bục giảng của mình một thằng mũi tẹt da vàng? Dù là ở ngay trên miếng đất mà Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Trãi và Lê Quí Đôn từng sống?

 

Cho nên tôi đặc biệt nhớ đến bác sĩ Phạm Hữu Chí ngày được tin Chính phủ ta phong chức giáo sư cho một loạt anh chị em ở khắp mọi ngành. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, tên vua bù nhìn Bảo Đại cởi long bào ngọc đái mà khoác áo "Quốc trưởng Việt Nam", để mà thích nghi với tình hình mới, chính phủ Pháp mới tổ ehức ra cuộc thi chọn "Giáo sư thạc sĩ Đại học"- cho Liên hiệp Pháp (professeur agrégé de l'Union Francaise). Khi Mỹ đến thay chân thực dân Pháp và biến Quốc trưởng thành Tổng thống Cộng hòa, học vị giáo sư được mở rộng ra, phong cho nhiều người. Nhưng, như đồng chí Lê Duẫn nói: "Chân lý là cụ thể". Không có "giáo sư" chung chung, khơi khơi; mà là giáo sư cụ thể của Tổ quốc, dân tộc nào, giáo sư của nhân dân lao động còn nghèo khổ và kém hiểu biết đang ngưỡng vọng, chờ mong, như của tất cả chúng ta; hay là những học vị để giúp làm lớp sơn mạ vàng cho một chế độ bóc lột đương lung lay cần được củng cố. Tôi nhớ đến bài tứ tuyệt Phạm Hữu Chí Than của người xấu số trong khi tuyệt vọng, bài thơ cuối cùng và cũng là duy nhất của anh làm ở Sài Gòn năm 1938 :

Phạm vi sinh tử dễ gì vong
Hữu trí vô tài mạng vốn không!
Chí dốc mong đền ơn xã hôi
Than ôi để lại vết thương lòng!

Năm xửa năm xưa, Phạm Hữu Chí hay kể chuyện vui này cho anh em nghe khi cao hứng: ở hội chợ phiên người ta bán bóng cao su đủ màu sắc cho trẻ em thả chơi. Một em bé da đen thập thò khép nép đến hỏi anh, một người da vàng : "ông ơi, nói giúp cháu biết quả bóng màu đen kia có bay bổng lên cao được lúc buông nó ra như các loại bóng màu khác không?". Anh bật cười trả lời: "Cháu ơi, nó bay cao hay thấp nào bởi tại màu da, mà tùy theo người ta bơm vào đó loại khí nào, và bơm có đủ chưa". Nếu anh còn sống đến ngày nay đón chào những giáo sư mới tấn phong, anh sẽ hiểu cái "không khí" đã bơm chúng ta lên cao là Cách mạng tháng Tám 1945, bởi trước đó chưa hề có danh từ "giáo sư", "đại sứ" và chi chi nữa cho người Việt. . . mang tên An-na-mít. Không khí để thở là món quý báu nhất cho mọi người cần sống. Cái điều giản đơn ấy, có khi người ta cũng quên, dù là nhà khoa học. Huống chi là khái niệm Tổ quốc, quê hương.

 

Báo Đại Đoàn Kết, số kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, 1980

 

 

 Trở lại mục lục