9

Trở về Nam

 

Những dự cảm của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp hoàn toàn đúng, quyết định Chính phủ điều sang công tác tại Cục Quân Y Bộ quốc phòng là có chủ ý. Những chuyến đi tới Khu III, hay vào Khu IV là một ví dụ. Trên đoạn đường nhỏ từ Vinh đến Hà Tĩnh, quang cảnh làng quê để lại cho Trần Hữu Nghiệp nhiều cảm xúc. Trần Hữu Nghiệp bắt gặp hàng chuỗi dài những chiếc xe được chế tác hoàn toàn bằng gỗ, thứ xe gỗ một bánh hình chữ V người quê gọi là xe (Cút kít), bánh xe đặc và dầy khi dùng hai tay cầm đẩy. Trên xe có cái thùng chất đầy đá gạch, tiếng xe kêu cọt kẹt cút kít tạo thành một âm thanh nghe đồng điệu kỳ hùng. Họ đang đi đâu, làm gì? Cách mạng mới giành được độc lập, cái đói vẫn đang hoành hành, thất học tới chín mươi lăm phần trăm dân số, người dân theo Đảng bắt tay ngay vào khai phá đồng ruộng, đồi núi trước đây bị bỏ hoang để trồng trọt, dựng lên làng ấp mới có trường học, nhà trẻ và trạm Y tế. Để trợ giúp nông dân, Chính phủ cũng kêu gọi các nhà trường, bệnh viện ở thành thị thay nhau về nông thôn giúp dân cày bừa, cấy lúa sản xuất lương thực. Những chuyến đi như thế đã giúp bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nắm bắt, làm quen với các hình thức tổ chức nhiệm vụ trong công tác Quân Y, kết hợp với công tác Y tế dân sự rất nhiều. Chưa hết, tham gia công tác Tổng thanh tra Quân dân y Việt Nam, đây là một vị trí rất quan trọng trong việc kiểm soát, điều hành thực thi nhiệm vụ có tính hành Pháp. Qủa là một khối lượng công việc khá lớn đòi hỏi tập trung cao độ cùng một lúc, thật đâu có dễ dàng! Năm 1946, tình hình đất nước cũng vô cùng phức tạp, người Pháp được sự hổ trợ của người Mỹ, người Anh, chúng đang ráo riết chuẩn bị đưa quân đánh chiếm ra miền Bắc, nhằm tiêu diệt Chính phủ non trẻ Hồ Chí Minh. Nhận biết được âm mưu của địch, tháng 12 năm 1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “Toàn dân kháng chiến”, đồng thời Trung ương Đảng đưa một lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ, bí mật gấp rút lên tỉnh Thái Nguyên bắt tay ngay vào xây dựng căn cứ “An Toàn Khu” tại Định Hóa, làm trung tâm đầu não chỉ huy kháng chiến.

Cũng trong tháng 12 năm 1946, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vừa có chuyến công tác thực tế từ Khu IV về, đang chủ trì cuộc họp với các thành viên trong Tổng thanh tra Quân dân Y, bỗng có người bên Chính phủ sang thông báo: “sáng mai tám giờ, mời anh lên văn phòng Chính phủ làm việc”. Thấy quá bất ngờ, rồi tự hỏi “làm việc gì, Bác Hồ gặp sao?”. Là trong đầu nghĩ vậy, rồi định hỏi người cán bộ đó. “Anh có biết Bác muốn gặp tôi làm việc gì không?”. Nhưng chợt nhớ nguyên tắc bảo mật nên thôi. Thế là suốt đêm đó Trần Hữu Nghiệp gần như không ngủ, trong đầu cứ lởn vởn hoài bao nhiêu câu hỏi, đại loại Bác sắp giao cho mình công việc mới nào nữa chăng? Thời gian qua mình có làm việc gì đó không được tốt? Hay Bác cho mình về Nam? Và Trần Hữu Nghiệp không phải chờ lâu.

Theo lịch hẹn, sáng hôm sau đúng giờ bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đến Văn phòng Chính phủ, chợt lạ thấy Bộ trưởng Bộ canh nông Ngô Tấn Nhơn, lại có cả giáo sư Ca Văn Thỉnh đang ngồi ở đó. Một lát, lại thấy bác sĩ Nguyễn Thiện Thành từ ngoài đi vào. Vậy là tính cả bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trong văn phòng hiện có bốn người, đều là dân Nam Bộ?

Trong bốn người, Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn lần đầu tiên mới gặp, nhưng biết quê ông ở Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Tiểu sử Ngô Tấn Nhơn thật đáng nể, năm 1938 tốt nghiệp kỹ sư canh nông, rồi ra làm việc ở sở lúa gạo Đông Dương và sớm tham gia Việt Minh chống thực dân Pháp. Năm 1940 Ngô Tấn Nhơn bị địch bắt, chúng kết tội ông năm năm tù, rồi đày biệt giam ra ngoài Côn Đảo. Hết tù Ngô Tấn Nhơn về đất liền, loanh quanh tại Sài Gòn tìm cách bắt nối với cách mạng, rồi gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giới thiệu với Bí thư xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu trọng dụng. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Ngô Tấn Nhơn trở thành một trong những người lãnh đạo tích cực cướp chính quyền tại khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn, Gia-Định, chúng ta dành thắng lợi mà không đổ một giọt máu. Sau khởi nghĩa Tháng Tám, Ngô Tấn Nhơn ra Hà Nội tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội, ông được bầu làm Bộ trưởng Bộ Canh nông và Kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Người thứ hai là giáo sư Ca Văn Thỉnh, quê Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, không xa lạ với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, người cùng vượt biển ra Bắc năm 1946, rồi được Trung ương, Bác Hồ giữ lại. Hiện đang giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục, kiêm Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam. Ngày còn nhỏ Ca Văn Thỉnh học giỏi, đỗ tú tài Sài Gòn, rồi ra Hà Nội học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Tốt nghiệp làm giáo sư Trung học một thời gian ở đất Thăng Long, nhưng sau đó bỏ về quê được bổ nhiệm làm Đốc học tỉnh Bến Tre. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Ca Văn Thỉnh tham gia biểu tình cướp chính quyền tại tỉnh, rồi được phân công làm ủy viên, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ.

Người thứ ba là bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, trong nhóm ông là trẻ nhất. Quê Nguyễn Thiện Thành ở xã Phương Thạnh, huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh. Ngày nhỏ học tại quê, sau sang học Collège Le Myre De Villers (sau này là Trung học Nguyễn Đình Chiểu) tại Mỹ Tho lấy bằng Thành chung. Tiếp theo lên Sài Gòn học Trường Pétrus Ký hoàn tất Tú tài, đỗ hạng ưu, rồi được học bổng Đông Dương cho sang Pháp học, nhưng Nguyễn Thiện Thành từ chối. Sau này mới biết, Nguyễn Thiện Thành không đi với lời tuyên bố rất “khí phách” ý cho rằng ba cái nghề võ bị, thương mại, chính trị, mà người Pháp muốn bắt thanh niên người Việt mình học, để đào tạo nhân lực cho bộ máy cai trị chủ nghĩa thực dân.

Bỏ trời Tây, Nguyễn Thiện Thành ra Bắc vào trường Đại học Y khoa Đông Dương, với mong muốn trở thành bác sĩ để được phụng sự nhân dân. Tốt nghiệp, Nguyễn Thiện Thành ra làm việc tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Trong Cách mạng tháng tám, Nguyễn Thiện Thành hăng hái xuống đường cùng quần chúng tham gia biểu tình cướp chính quyền tay sai ở Hà Nội, rồi được bầu vào Hội đồng nhân dân bệnh viện Bạch Mai. Tháng 10 năm 1945, Nguyễn Thiện Thành tham gia quân đội tình nguyện ra nhập đoàn quân Nam tiến, nguyện vọng được về quê hương chiến đấu chống lại quân Pháp. Nhưng rất tiếc, Đội quân Nam Tiến ngày đó không vào được tới Nam Bộ, vì quân Pháp đã đánh ra chiếm tới Nam Trung Bộ (Phú Yên). Những chiến sĩ Nam tiến được lệnh dừng ở Khu 5 và theo phân công bác sĩ Nguyễn Thiện Thành phụ trách Quân Y Khu 5. Bốn người cùng dân Nam Bộ mà quê hương cũng rất gần, chỉ cách nhau qua hai con phà sông Tiền và sông Hàm Luông.

Ở Hà Nội tính ra được hơn một năm, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vẫn có dịp gặp lại bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nhưng bây giờ Phạm Ngọc Thạch đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế, và qua ông mới biết thêm bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, nhưng không ngờ hôm nay họ lại gặp nhau. Nguyễn Thiện Thành cũng thế, từng nghe bác sĩ Phạm Ngọc Thạch kể nhiều về bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, quê Ba Tri, Bến Tre. Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành vui mừng bước nhanh tới bắt tay Trần Hữu Nghiệp, nhưng cũng vừa lúc cánh cửa phòng làm việc bật mở, rồi thấy Bác Hồ từ ngoài bước nhanh vào. Trần Hữu Nghiệp nói: “Tất cả chúng tôi đều đứng bật dậy, hướng về phía Bác. Bác đưa tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống”. Trời đất, gần một năm sau lần đầu gặp Bác, bây giờ trông Bác gày và già đi nhiều quá. Đúng như dự cảm của Trần Hữu Nghiệp, cuộc gặp mặt hôm ấy Bác Hồ chỉ thông báo nhanh về quyết định của Trung ương, cử đoàn cán bộ vào Nam Bộ. Ngoài quyết định trên, Bác còn nói thêm với đoàn đại ý tình hình đất nước đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn lớn, do người Pháp tự phá bỏ Hiệp định sơ bộ vừa ký với Chính phủ ta ngày 6 tháng 3 năm 1946. Không còn con đường nào khác, chúng ta phải tiếp tục kháng chiến! “Các chú về miền Nam, đem tinh thần ấy nói với đồng bào Nam Bộ, giữ vững lòng tin với cách mạng, với Chính phủ”. Lời Bác Hồ ngắn gọn, nhưng đầy thuyết phục. Rồi trước khi ra về, Bác còn nói: “Chúc các chú lên đường mạnh khỏe!”.

Thời gian kể từ hôm gặp Bác, đoàn bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, Ngô Tấn Nhơn, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Thiện Thành chỉ có một tuần chuẩn bị và theo kế hoạch họ sẽ đi xe lửa từ ga Hà Nội vào qua các tỉnh Khu IV, rồi vượt giới tuyến 17 ở phía Tây theo đường Trường Sơn vào Nam Bộ. Nhưng còn một ngày nữa trước lúc lên đường, từ rất sớm Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch bất ngờ lái chiếc Peugeot màu đen đến nơi ở gặp Trần Hữu Nghiệp, nắm chặt tay vừa kéo lên xe vừa nói:

-         Lên xe!

Khi Trần Hữu Nghiệp còn đang ngơ ngác, Phạm Ngọc Thạch nói tiếp:

-         Tối nay mày đi rồi, tao cũng di chuyển lên An Toàn Khu, chúng mình cùng ngắm Hà Nội tạm biệt thủ đô hẹn ngày trở lại.

Đúng là Trần Hữu Nghiệp cũng muốn vậy. Họ biết chuyến đi xa này dù niềm tin nhất định có ngày trở lại, nhưng biết bao giờ, khi quân Pháp ngấp nghé ngoài biển khơi, chúng sẽ đổ bộ vào Hà Nội, miền Bắc có thể ngày mai, có thể ngày mốt. Phạm Ngọc Thạch lái xe chạy qua Hoàng Thành Thăng Long, nơi này mấy ngày qua ta vẫn treo Đại kỳ cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, giờ tạm thời kéo xuống đề phòng quân Pháp khi vào làm nhục. Tiếp theo là Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của nước Việt xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Lại nữa, xe chạy sang Hồ Hoàn Kiếm-Đền Ngọc Sơn. Hà Nội buổi sáng cuối năm 1946 yên bình, nhưng chỉ là sự bình yên giả tạo, những dấu hiệu trên các đường phố, góc nhà, thấp thoáng những chiếc xe quân sự vệ quốc đoàn ta rì rì qua lại. Trong các tòa nhà công vụ Chính phủ thưa vắng bóng người vào ra, tất cả hình như đang chuẩn bị cho một cuộc chiến đối đầu sắp xảy ra? Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch nhận ra trên khuôn mặt, ánh mắt Trần Hữu Nghiệp vẻ đượm buồn, rồi không thể giấu mãi nên nói nhỏ:

-         Quân Pháp sớm muộn gì chúng cũng sẽ  vào Hà Nội!

 Đúng vậy, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng đang nghĩ nhiều về điều xấu đó, rồi nói với Phạm Ngọc Thạch:

-         Cuộc chiến sẽ xảy ra thôi!

-         Phải! Có lẽ nay mai! – Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch giọng man mát buồn đáp.

Chiếc xe tiếp tục chạy một vòng xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, đêm qua có một cơn mưa nhẹ không khí trời khá mát mẻ. Hàng liễu bên hồ tươi xanh, rủ cành lá từng tràng dây dài như những chuỗi đăng ten kết màu hoa đỏ. Mặt nước ban mai phủ một lớp hơi sương màu sữa trắng, đền Ngọc Sơn như cao lên mái ngói phong rêu cổ kính. Cuối cùng xe lướt qua đại lộ Bobillot (Lê Thánh Tông) nơi có Trường Đại học Y khoa Đông Dương, ở đây cả hai từng có nhiều kỷ niệm vui buồn một thời sinh viên sôi động, nhưng rồi bất ngờ Phạm Ngọc Thạch nhắc tới bác sĩ Nguyễn Thiện Thành:

-         Thằng Thành nó tốt đấy, vào trong đó cố gắng anh em gần gủi nhau làm cho tốt nhiệm vụ nhé.

Nghe vậy, Trần Hữu Nghiệp đáp:

-         Anh an tâm, chúng tôi sẽ không làm anh thất vọng đâu!

-         Mày nói thế là tao mừng rồi.

Chín giờ sáng Phạm Ngọc Thạch trả bác sĩ Trần Hữu Nghiệp về nơi ở, rồi cũng vội vả quay về Bộ, tối đó theo kế hoạch ông cùng cơ quan di chuyển lên An Toàn Khu Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Hai mươi hai giờ hôm đó, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng cùng đoàn có Bộ trưởng Canh nông Ngô Tấn Nhơn; giáo sư Ca Văn Thỉnh; bác sĩ Nguyễn Thiện Thành lên xe ra ga Hà Nội lên tàu lửa, bắt đầu chuyến hành trình trở về Nam. Cuộc “trường chinh vạn dặm” gian khổ, thiên nhiên khắc nghiệt, lội suối trèo đèo, mưa rừng xối xả, theo trí nhớ của người cháu ruột, Đại tá, bác sĩ Trần Văn Lễ, vào khoảng cuối tháng 4 hay đầu tháng 5 năm 1947, đoàn cán bộ cao cấp vào tới căn cứ kháng chiến Nam Bộ.

 

 Mục Lục