5

Tình đầu dẫu đẹp nhưng không như mơ

 

Ngồi trên xe lửa từ Hà Nội về Sài Gòn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc ngất ngây ngày nhận bằng “đốc tờ” tại Paris Pháp thành phố hoa lệ trời Âu. Khóa tốt nghiệp chỉ vẻn vẹn vài ba chục người, đủ mọi màu da trên khắp các châu lục. Trong bộ áo dài rộng thùng thình đen, ống tay rộng thừa thải, viền áo mầu đỏ, đầu đội mũ hình vuông có dải màu ngũ sắc. Hai năm ở Pháp, bốn năm ở Trường Y Đông Dương cộng vào là sáu năm không thiếu một tháng, mài vẹt đủng quần để có ngày “vinh qui bái tổ”. Nhìn qua cửa sổ toa tàu xa xa là những ngọn núi xanh lam buổi sáng còn mù hơi sương, đang chuyển mùa cuối thu sang Đông. Dưới chân đồi, lấp lóa những mái nhà lá xa trông giống như một cái nấm mối khổng lồ màu rơm rạ, bảng lảng bốc lên những làn khói trắng từ bếp củi mong manh. Tiếp theo là những cánh đồng lúa còn trơ gốc rạ, kéo dài sang phía Đông giáp với đường ray con tàu đang sập xình rúc lên hồi còi dài, hu hú khàn khàn như gã say rượu mỗi khi sắp qua một xóm làng, hay gặp một ngã tư đường đông người qua lại đi về hai phía. Phố thị, núi đồi, làng quê Bắc Kỳ cứ dần lùi xa về phía sau, như gởi gác lại những kỷ niệm vui buồn sau những năm đèn sách tại Kinh kỳ. Gởi lại nhé Hà Nội. Gởi lại nhé những người thầy cả Tây lẫn Ta, truyền dạy cho Trần Hữu Nghiệp có một gia tài tri thức về nghề thầy thuốc. Hà Nội ba mươi sáu phố phường cổ nổi tiếng, hàng bồ, hàng cót, hàng khay, hàng đường, hàng vải… . Hồ Gươm nước trong veo, in sắc trời cầu vồng bảy sắc sau những cơn mưa bất chợt buổi sáng chớm thu. Bóng liễu thướt tha rủ xuống mặt hồ long lanh những tràng hoa nhỏ cánh đỏ, trải hết lòng hiến cho đời tận cùng sắc đẹp kiệt sức mới chịu lìa cánh rơi xuống nước. Chào nhé Sông Hồng, những mùa hoa cải vàng đẹp như bức tranh khổng lồ làm nên sự khác biệt thôn quê, dân dã, của người nông dân cần cù xứ Bắc. 

Tiếng tàu xình xịch xình xịch lắc lư đều đều nghe quen thuộc, như tiếng vỗ về đưa bác sĩ Trần Hữu Nghiệp chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Ngoài trời bóng đêm đang dần buông xuống, gió lướt qua cửa sổ đem theo hơi sương man mát, rồi bất chợt giấc mơ tràn về. Trong giấc mơ, Trần Hữu Nghiệp nhìn thấy có một cậu bé đầu để chừa chỏm, rồi hai đứa, ba đứa, cứ thế xuất hiện kéo cả bầy trẻ có cả gái, cả trai dần dần xuất hiện. Hình như chúng đang rất vui, mắt lũ nhỏ sáng rực, miệng tươi cười thích thú nhìn thấy một đám cưới đang đi trên đường làng về đâu đó? Đám cưới trông rình rang, nhưng lộng lẫy rồng rắn có tới mấy chục người áo quần sặc sỡ tung bay phấp phới. Đi đầu là ba chiếc xe ngựa trang hoàng công phu cài cắm nhiều hoa tươi rất đẹp. Xe đi theo hàng dài, chiếc đầu tiên chở thân sinh họ nhà trai. Xe thứ nhì chở cô dâu chú rể, ngồi phía sau có hai đứa trẻ một trai, một gái xinh đẹp như đôi tiên đồng. Xe thứ ba là thân sinh nhà họ gái. Trên các xe những người già, các cụ ông râu tóc trắng muốt, áo dài tím, đầu đội khăn đóng, các cụ bà áo dài tứ thân, tóc búi cao trùm khăn tơ tằm Lãnh Á vừa đi vừa nhai trầu, môi tím phớt hồng tươi tắn. Tiếp đoàn rước dâu có tám chàng trai trẻ, tám cô gái xinh như tiên đi song song từng cặp, trên tay mỗi chàng trai, mỗi nàng, bê một mâm lễ vật hình tròn sơn son thếp vàng có chữ đề chúc phúc. Đi sau cùng, là quí thân bằng hữu họ tộc nhà trai, nhà gái, tiễn đưa ai cũng bận đồ đẹp, nói cười vui vẻ, nhất là những đứa nhóc lên bốn, lên năm, nhảy nhót hò reo tưng bừng.

Đám rước dâu đi từ đâu về không rõ, nhưng trong giấc mơ hình như họ đang đi ngang qua đình làng, bên đường có cây đa cổ thụ tỏa bóng râm mát, nghe có gió thổi rì rào. Lạ thiệt, sao nó giống cái đình Giồng Bông quê hương của Chín Nghiệp. Đoàn người đến đây như đang bắt đầu chậm dần, rồi bỗng tiếng pháo nổ ran phía trước làm đốc tờ Trần Hữu Nghiệp tỉnh giấc. Miệng ú ớ nhìn xung quanh “pháo pháo pháo, nổ nổ…?”. Một thoáng ngơ ngác, ngạc nhiên dù biết rằng chỉ là giấc mơ không phải hiện thực, nhưng vẫn tự hỏi “ở đâu?”. Tiếng con tàu vẫn sập xình tiến về Nam, nó đi bao xa làm sao nhận biết.

Tiếng gió vẫn quét qua ngoài thân tàu một chút gai gai ớn lạnh, rồi Trần Hữu Nghiệp như bị cuốn vào giấc mới xảy ra: “Trời đất, đó chỉ là giấc mơ. Nhưng sao không phải là giấc mơ nào khác, mà là giấc mơ một đám cưới?”. Cái lạ lùng còn nhìn thấy đám cưới đó rõ ràng trên đất Giồng Bông - Tân Thủy, Ba Tri quê của Trần Hữu Nghiệp? Cái đình làng đó. Cây đa đó. Xa xa nghe tiếng rì rào sóng biển từ Bãi Nghêu vọng lại. Từ đình làng đến nhà Trần Hữu Nghiệp chỉ vài trăm thước. Vậy nếu đúng như trong giấc mơ, thì đám cưới của nhà ai vậy? Không lẽ? Bất chợt Trần Hữu Nghiệp nghĩ về gia đình mình. Nhưng anh chị lớn đều có gia đình ở riêng tất cả, rồi hai đứa em gái cũng vậy. Chúng nó lấy chồng trong những năm Trần Hữu Nghiệp còn học ở Trường Y khoa Đông Dương, dù chỉ nhận được tin báo qua đường dây thép Tây. Mười Nhã cưới chồng sau một năm Trần Hữu Nghiệp vào Đại học. Trần Thị Nguyễn cưới sau Mười Nhã ba năm. Nhưng những thông tin đa phần đến chậm, khi biết được nó đã thay đổi quá nhiều. Thật tiếc, những ngày vui đẹp của các em mà không thể bỏ học để về nhà chúc phúc. “Thôi chỉ là giấc mơ có gì đâu”. Trần Hữu Nghiệp tự nói với mình như thế. Sang ngày thứ ba, tàu về đến nhà ga Sài Gòn. Xuống tàu lòng dạ xốn xang nhớ nhà, nhớ má, nhớ quê quay quắt, Trần Hữu Nghiệp thuê ngay xe kéo đưa mình ra Bến Nghé, rồi mua vé lên ghe bầu đi thẳng về Ba Tri ngay trong chiều ấy. Mấy năm xa quê, cảm giác vùng miền tự dưng thức dậy. Nếu Bắc Kỳ có nhiều núi non hùng vĩ, nơi có những di tích lịch sử các vua hùng, khai sanh ra nước Văn Lang nghìn năm văn hiến. Dấu vết người Việt minh chứng cho con cháu đời sau nhớ rằng, cha ông nó có công dựng nước, chúng phải có bổn phận giữ nước. Nam Kỳ sông rạch ngang dọc không còn là vùng đất thuở hoang vu khí chướng, hổ gầm, rắn rít. Người Việt làm thay đổi tất cả, họ là những lưu dân đầu tiên ở đất Gia Định tiến xa hơn về phía Nam hơn nữa, để những đứa con họ, hậu duệ qua mấy đời lam lũ biết vươn lên trở thành đốc tờ đầu tiên ở nơi chót mũi cù lao Bảo. Đúng vậy, hình như vào năm 1937 này ở Tân Thủy, Ba Tri, Bến Tre, mới có một người giành bằng đốc tờ Paris Pháp là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Một vinh dự lớn tiếng tăm cho gia đình ông Đại Hương Cả Trần Văn Nghĩa và bà Phạm Thị Phường, nhưng tiếc thay ngày trở về “vinh qui bái tổ” ba đã mất.

Ghe cập bến sông Ba Lai vào sáng sớm hôm sau, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp xách va li bước lên bờ mà ràn rụa nước mắt, bất chợt lại nhớ lần giúp ba tính diện tích ruộng hình tam giác, ba mừng quá rồi nói: “thật không phí bỏ tiền cho con đi học”. “ba ơi, con đã về. Má, con đã về”. Bây giờ tri thức đứa con còn cao hơn, khác xa một trời một vực khi trình độ Trần Hữu Nghiệp còn đang học ở trường tiểu học huyện Ba Tri. Không còn mơ nữa, đó là hiện thực. Bước vào nhà trên, ông “Quan nghè” Trần Hữu Nghiệp muốn làm cho má bất ngờ, rồi lặng lẽ đi qua nhà cầu xuống nhà dưới, nhìn thấy má đang ngồi trên ghế, nhưng đôi mắt nhắm nghiền âm u. Nghe tiếng gọi, bà khẽ giật mình ngửng đầu lên, cánh tay run rẫy chống cây gậy tre xuống đất định đứng dậy. Nhìn má, Trần Hữu Nghiệp không giữ được ý nghĩ ban đầu muốn tạo ra bất ngờ được nữa, rồi kêu lên: “Má”. Quẳng chiếc va ly nằm vật ra đất, chạy vội lại ôm chầm lấy đôi vai gày tần tảo tháng năm vì chồng con, mà đôi mắt má giờ đây đã mù hẳn do bệnh tăng nhãn áp. Bà Phường rờ rẩm lên vai, lên mặt, nắm vào cánh tay rắn chắc của con trai nghẹn ngào nói: “con về rồi phải không Nhuần?”, cái tên hồi nhỏ bà vẫn yêu thương gọi nhất.

Trong những trang viết về sau, dù ít thấy bác sĩ Trần Hữu Nghiệp diễn tả chi tiết buổi gặp mặt sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Đông Dương từ Hà Nội trở về, nhưng rất có thể cuộc hội ngộ sẽ diễn ra như thế?! Bởi đứa con nào, ở bất cứ nơi đâu, dù được sinh ra, nuôi dưỡng trong hoàn nào, khổ hay sướng, người má đối với những đứa con vẫn là số một!

*

“Đốc tờ” Trần Hữu Nghiệp trở về quê, tin đó nhanh chóng lan tỏa ra khắp mọi nhà lối xóm đất Giồng Bông, sau đó còn bay xa hơn vị “Quan nghè” con trai út Đại Hương Cả Trần Văn Nghĩa ra đến thị trấn huyện Ba Tri, và nhiều xã lân cận tổng Bảo Trị Đông nữa. Rồi những ngày tiếp theo, bà Phạm Thị Phường dù đôi mắt không còn nhìn thấy, nhưng vẫn cùng các con, các cháu, thay nhau tiếp khách các quan tề xã, và trên Phú Lễ có cả quan tổng tới thăm chúc mừng. Xóm giềng quen biết cũng tới chào hỏi, có nhiều bà má không hiểu có “âm mưu” gì không, còn dẫn theo cả con gái đang tuổi xuân thì, tươi như hoa đến chào “đốc tờ” Chín Nghiệp. Mấy bà, mấy thím, trầu cau bỏm bẻm, nói cười giòn tan như pháo tết, ướm ờ đánh tiếng gần xa: “Thôi bà ạ, tuổi cậu Chín cũng đến lúc có hôn thê rồi?”. Người khác cũng bảo: “Phải đó bà, các anh, các chị và mấy đứa em đều có nơi có chỗ, chỉ còn cậu Chín?”. Hình như họ đến thăm ngoài chúc mừng ngài “đốc tờ”, còn muốn nói chuyện ấy thể hiện tấm lòng quan tâm thân ái. Những cô gái đến tuổi cặp kê của các bà, thì ngồi tít ngoài xa gần cửa sổ nhìn mấy má chúng bẻn lẽn cười, nhưng thi thoảng lại đánh mắt đưa tình nhìn Chín Nghiệp đang ngồi gần đó. Những câu chuyện như vậy cũng vãn dần, sau những ngày tiếp theo và sự thật dù người đời có nói, có quan tâm tới cậu Chín Nghiệp ra sao, tâm trạng bà Phạm Thị Phường tỏ ra bình thản. Té ra đâu phải chờ bà con lối xóm nhắc nhở, chuyện hỏi vợ, tìm dâu cho thằng Nhuần (Chín Nghiệp) bà Phường đã nghĩ mấy năm nay dù lúc ban đầu bà từng phản đối, nói với chồng khi ông Đại Hương Cả còn sống: “nhà mình nghèo, so với bên đó là một đại điền chủ, làm xui với người ta để họ khinh cho à”. Thế nhưng bà Phường đã sai, cô Lê Thị Nhi cũng là người con gái duy nhất của gia đình họ, ngày cùng học trường công tỉnh Bến Tre, cả hai lúc đầu là tình bạn, sau có cảm tình thương yêu nhau, ngay cả khi Nhuần bị đuổi khỏi trường trong vụ “tang cụ Phan Châu Trinh” phải lên Sài Gòn học, nhưng vẫn thư từ qua lại hẹn hò trải lòng thắm thiết. Nay Trần Hữu Nghiệp “vinh qui bái tổ” còn mong gì nữa. Cơ hội ngày đã tới. Cái duyên cái số cũng được định đoạt, sau sáu năm học xa nhà liên lạc giữa Trần Hữu Nghiệp và má chủ yếu bằng gởi thư, có lúc nói chuyện qua đường dây thép Tây, báo cho biết ở quê bà Phường đã chuẩn bị đầy đủ “đặt chỗ” không ai khác chính là cô con gái nhà ông Huyện Hương. Gặp lại con trai, những bí mật bây giờ bà Phường mới kể, rằng hai năm cuối cùng Trần Hữu Nghiệp du học lấy bằng “đốc tờ” Đại học Paris Pháp, gia đình ba vợ tương lai cũng góp phần chu cấp. Kỳ lạ, giấc mơ của Chín Nghiệp ngồi trên con tàu từ Hà Nội về Sài Gòn không phải là ảo ảnh, đó hiện tượng được lập lại của con người thường thấy ngoài đời lưu lại trong bộ não chúng ta mà thôi. Chính cái kho trữ liệu dồi dào ấy mỗi khi cảm xúc bùng lên mà ta hay nói như một tín hiệu loại kiểu “thần giao cách cảm” được phát đi từ hiện thực. Chín Nghiệp năm ấy 26, sắp bước sang tuổi 27. Hai bảy đang là tuổi đẹp của người thanh niên trưởng thành. Hai bảy tuổi trở thành “đốc tờ” do trường Đại học Y Paris nước Pháp cấp, nó như vì sao sáng dù không phải cả bầu trời vùng sông nước Cửu Long Giang, thì ít nhất cũng là vùng trời Ba Tri, Bến Tre. Càng rực rỡ hơn vùng đất nơi sinh ra đốc tờ Chín Nghiệp, xã Tân Thủy, nơi có Bãi Nghêu nổi tiếng đi vào thơ ca cụ Đồ Chiểu.

Bà Phạm Thị Phường chờ cho con nghỉ ngơi sau một chặng đường dài phục sức, và đi thăm bà con xóm giềng xong. Sang ngày thứ năm, bà gọi người con trai lớn Trần Văn Đính (Tư Đính) giao trách nhiệm theo chỉ đạo của bà, đứng ra lo đám cưới cho “Quan nghè” Trần Hữu Nghiệp. 

(Đoạn viết trên, thật ra có một phần mô tả theo logic tâm lý cũng như  sinh hoạt văn hóa tập quán người Việt ta mà thôi. Nguyên do chuyện riêng tư này, vì một yếu tố nào đó mà bác sĩ Trần Hữu Nghiệp chưa từng kể với ai, dù ông là một Nhà văn, Nhà báo, đi nhiều, viết lắm?).

Đám cưới diễn ra theo đúng kế hoạch sau đó, gia đình Chín Nghiệp sắm sửa trầu cau, chọn ngày lành tháng tốt, tổ chức chuyến đi sang nhà ông Huyện Hương ở bên Hương Điểm, làm lễ cầu hôn cho đốc tờ Chín. Họ đi trên một chiếc xe ngựa thuê của một chủ khác, tất tật quà cáp và chỉ có bốn người bà Phạm Thị Phường do mắt không nhìn thấy gì phải ở nhà, người con trai lớn Tư Đính, một chị gái, anh Bảy Nhưn (Bảy Xồm) và đốc tờ Chín Nghiệp. Thật tiếc, chiếc xe nhà ngày xưa không còn nữa, chiếc xe Chín Nghiệp từng tự hào đầy ắp kỷ niệm thuở còn tuổi thơ, nhưng từ khi ba mất không ai trông coi, chăm sóc, hơn nữa con ngựa già cũng không còn đủ sức kéo và bà Phường bán đi từ lâu. Từ nhà sang bên Hương Điểm ngót gần ba tiếng đồng hồ, so với thơ Nguyễn Bính “nhà nàng ở cạnh nhà tôi/cách nhau chỉ rặng mồng tơi xanh rờn” là quá xa, nhưng tình yêu nào có giới hạn, ngồi trên xe nếu ăn trầu ba lần bỏ bã là cũng đến. Được tin báo trước một ngày của họ nhà trai, xuống xe đã nhìn thấy ngay trước cổng nhà ông Huyện Hương có người ra đón. Tư Đính đi trước, bác Bảy Nhưn, cô Tám bê quà theo sau, rồi đến Chín Nghiệp. Căn nhà ông Huyện Hương khá rộng rãi, nhà trên năm gian nơi chỉ để tiếp khách, bàn thờ gia tiên chánh giữa. Bộ bàn ghế ngồi đóng bằng gỗ gõ trạm trổ xung quanh nhưng không cầu  kỳ, nước véc ni gỗ vàng tươi nổi vân tự nhiên làm sáng cả căn nhà thêm sang trọng. Ngoài bộ bàn ghế đó, hai bên phòng tiếp khách còn kê nhiều ghế ngồi gỗ quí có lưng tựa, chứng tỏ nhà ông Huyện Hương luôn có nhiều khách đến dùng trà, hay đôi khi công việc cần ông giải quyết. Câu chuyện đi cầu hôn như thế nào, giống như ngày đầu từ Hà Nội về nhà, bà Phạm Thị Phường nói chuyện với Chín Nghiệp trước khi sang nhà ông Huyện Hương, không có giấy bút nào được ghi, và cũng không nghe bà sau này kể lại. Vẫn là những suy đoán theo logic và nghi thức văn hóa của người Việt mình. Đôi bên gặp nhau, thưa chuyện, rồi nhanh chóng đồng ý chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ cưới cho các con họ. Đáng nói nhất là cảm xúc của “đốc tờ” Chín Nghiệp, khi gặp hôn thê xinh đẹp Lê Thị Nhi, không ngờ nàng lại lớn nhanh đến vậy. Còn nhớ, lần gặp đầu tiên trước khi lên tàu ra Bắc Kỳ học trường Y khoa Đông Dương, ngày đó nàng vẫn còn là một đứa trẻ, gặp Chín Nghiệp nàng vẫn vô tư cười, vô tư chạy nhảy, hỏi han đủ thứ mà không hề ngượng ngùng bối rối. Cái dáng gày nhom cô nữ sinh trường công Bến Tre ngày đó vẫn là một đứa trẻ, dù nhà nàng cuộc sống dành cho không thiếu một thứ gì, so với những đứa trẻ cùng lứa khác trong vùng Hương Điểm. Sáu năm kể từ lần gặp ấy, giờ đây nàng thay đổi ngoạn mục của lứa tuổi dậy thì con gái. Nàng đẹp thật sự, khiến Chín Nghiệp mới bước chân vào nhà như không tin vào mắt mình. Dáng nàng cao cao, da trắng, đôi mắt sáng trong veo, nhìn Chín Nghiệp miệng khẽ mỉm cười để lộ đôi hàm răng đều đặn trắng muốt. Thật khó tưởng tượng, vùng đất Hương Điểm nước mặn phèn chua, người dân chỉ ăn uống hứng nước từ trời ban cho sau những trận mưa là chủ yếu, nhưng lại sinh ra nàng khác hẳn. Sự dịu dàng của nàng, nụ cười của nàng, để Chín Nghiệp tự tin vào một tương lai hạnh phúc. Chín Nghiệp không còn một lí do gì không yêu thích nàng. Càng không thể khước từ tình cảm gia đình ông Huyện Hương giàu có dành cho mình, qua những tháng năm ăn học thành đạt từ xứ trời Tây trở về. Buổi gặp mặt hai bên gia đình diễn ra nhanh chóng, và đồng điệu cho nhiều công việc tiếp theo định ngày lễ cưới vô cùng tốt đẹp.

Tháng giêng năm 1938, đám cưới được tổ chức giữa “đốc tờ” Trần Hữu Nghiệp và mỹ nữ họ Lê diễn ra tại Hương Điểm, Bến Tre. Một sự trùng hợp đến kỳ lạ, giấc mơ trên chuyến tàu lửa xuyên đất nước từ kinh kỳ Thăng Long trở về Sài Gòn, vùng đất trời Nam phóng khoáng mênh mang sông nước, trở thành hiện thực.

*

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sau đám cưới, vợ chồng ông sống ở đâu? Nhưng chắc chắn không phải là đất Tân Thủy, nơi có bãi Nghêu nổi tiếng! Rồi chỉ trong vòng gần sáu năm đã có với nhau ba người con, một gái đầu lòng đặt tên Trần Hữu Kim Dung, hai người con trai tiếp theo Trần Hữu Trí, và cậu út tên Trần Hữu Dũng. Vậy không sống ở Tân Thủy, thì chỉ có thể là về sống cùng ông bà ngoại ở Hương Điểm, Bến Tre. Cũng có lý, vì bà Lê Thị Nhi là con gái một duy nhất của ông bà ngoại, hơn nữa ở đây có đôi vợ chồng trẻ không cần phải lo lắng nhiều về nhu cầu vật chất, bởi ông Huyện Hương là một điền chủ lớn. Nhưng hình như sống với ông bà ngoại không dài chỉ non một năm (qua tìm hiểu tư liệu), bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và vợ chuyển sang thành phố Mỹ Tho. Cứ theo thời gian có thể tính, ngày mới chuyển sang khoảng năm 1939, khi đó họ chưa có con gái đầu Trần Hữu Kim Dung (sinh năm 1940). Cũng còn có một câu hỏi khác, vì sao vợ chồng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lại chuyển từ Hương Điểm, Bến Tre, sang thành phố Mỹ Tho? Và đây là một lời giải. Năm 2011, người con gái đầu Trần Hữu Kim Dung đang sống ở Toronto đất nước Canada, trong một lá thư gởi về cho gia đình má kế (vợ thứ 2 của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp) tại Việt Nam, hình như theo yêu cầu của Ban biên tập Hội Y học thành phố Hồ Chí Minh, chuẩn bị xuất bản một cuốn sách nói về Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, có viết: “Là đứa con đầu lòng, tôi nhớ năm năm đầu của đời tôi với ba má và đứa em trai nhỏ ở Mỹ Tho”. Vậy là đúng. Trần Hữu Nghiệp cùng vợ từ Hương Điểm, Bến Tre, chuyển sang sống ở Mỹ Tho và bắt đầu mở phòng mạch tư. Ngôi nhà này còn được mô tả khá chi tiết, là do vợ chồng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vẽ “với đầy đủ chi tiết kỹ thuật, đó là ngôi nhà với những căn phòng rộng lớn, và ngay bên cạnh là phòng mạch, nơi mà những bệnh nhân đến gặp ba tôi hàng ngày. Những bản họa đồ ngôi nhà ấy được vẽ bằng bút chì với những chú giải bằng tiếng Pháp, mà ba tôi đã viết ở lề những trang giấy nay đã ngã vàng mà tôi còn giữ”.

Đối chiếu với những trang viết, trong hồi ký của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có những đoạn ông nhắc tới gia đình khi ở Mỹ Tho có mở phòng mạch, và duy trì trong khoảng thời gian sáu năm. Lúc đầu, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nghĩ khởi đầu chỉ vừa đủ ăn, còn dùng thì giờ đọc và viết sách báo khoa học. Nhưng về sau không ngờ tiền vào như nước, đến nỗi làm ông có cảm giác “rùng mình khó chịu”. Lạ thật, người ta làm nghề chỉ mong có nhiều khách, kiếm được nhiều tiền, sao ông lại nghĩ thế? Rồi Trần Hữu Nghiệp đặt câu hỏi: “Cái phản ứng lành mạnh này đến với tôi tự dạo nào?”. Nhân cách của Trần Hữu Nghiệp bắt đầu bộc lộ từ đây chăng, bắt đầu từ phòng mạch kiếm tiền? Rõ ràng nó đang bộc lộ một nhân cách lớn, của một trí thức lớn mà không mấy người có thể nhìn ra được?! Nó đến rất tự nhiên, không bị ràng buộc hay bị tác động tâm lý gì đó từ bên ngoài vào nhận thức của Trần Hữu Nghiệp. Chuyện ấy có chăng phải rất lâu, một thời gian dài. Có thể hiểu như vậy, khi Trần Hữu Nghiệp dấn thân vào con đường cách mạng tiếp xúc với chủ nghĩa Mác như trong tuyên ngôn Cộng sản hơn trăm năm về trước: “Trong chế độ tư bản, những nghề vinh quang và thiêng liêng nhất, nghề Luật sư, Bác sĩ, Giáo sư bị coi là nghề làm thuê, và cái hiểu biết của người trí thức được xem như là món hàng tiền trao cháo múc”. Ở vùng căn cứ hay khi ra miền Bắc công tác, Trần Hữu Nghiệp nhận ra nghề lao động của mình đã thay đổi căn bản, giờ đây cái bắt tay, cái nụ cười của mình không phải là vật quảng cáo để kiếm tiền nữa mà là để yên lòng gia đình, ổn định tư tưởng cho người bệnh chóng khỏi. Cái cười đã có giá trị nhân văn.

Nhưng vào thời điểm đó dù muốn hay không, hàng ngày nó vẫn diễn ra như vậy. Trần Hữu Nghiệp không khép mình vào khung quan lại, công chức của thực dân bày ra, càng không dính dáng gì với đế quốc. Chiến tranh thế chiến II bấy giờ vẫn đang tiếp diễn, thuốc men từ Pháp sang quá khan hiếm, việc hành nghề y gặp không ít khó khăn, nhưng nhu cầu vẫn cần biệt dược của các công ty tư bản để kiếm tiền sinh sống, ngược lại các công ty tư bản cũng cần hàng trăm, hàng ngàn thầy thuốc như Trần Hữu Nghiệp, để bán biệt dược kiếm tiền nhiều hơn. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp hàng ngày phải ráng sức điều trị cho họ, nhưng đa số không phải là những người đổ mồ hôi sôi nước mắt để sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, mà khách hàng toàn là những quan lại đang phục vụ cho chế độ thực dân, hoặc thừa hưởng những của cải ấy mới có tiền. Trong xã hội tư sản, Trần Hữu Nghiệp cũng thừa nhận mình “cũng mất tự do trước quyền lực của ý thức, phải hái ra tiền”. Tiền vào làm cuộc sống gia đình Trần Hữu Nghiệp thay đổi nhanh hơn, chính là thời sống ở Mỹ Tho mỗi ngày thêm giàu sang, phú quí, trong ngôi nhà lúc nào cũng rộn vang tiếng nói cười, tiếng rung ngân của những nốt nhạc phát ra từ chiếc dương cầm do người vợ xinh đẹp quí phái Lê Thị Nhi biểu diễn. Những buổi đi dạo chơi bằng xe đạp sau buổi cơm chiều, Trần Hữu Nghiệp chở cô con gái đầu ở phía sau, bà Lê Thị Nhi chở cậu con trai thứ nhì Trần Hữu Trí, dạo trên đường phố Mỹ Tho (khi đó cậu con trai út Trần Hữu Dũng chưa sinh). Chiều sông Tiền thật êm đềm, gió mát, tiếng nước vỗ lao xao vào bờ reo lên rào dạt. Bến đò chiều cuối cùng trong ngày vẫn còn hối hả, đưa người sang sông để về phía bên kia tỉnh Bến Tre.

Những năm tháng tiếp theo lại là câu chuyện khác với gia đình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Vật chất, tinh thần, hạnh phúc đang viên mãn, nó đẹp lấp lánh tựa kim cương tưởng như chẳng có gì phá vỡ nổi. Thế nhưng, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã nhầm. Thời cuộc thay đổi mau lẹ. Cách mạng tháng Tám mới dành được chưa bao lâu, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ 2. “Mùa thu rồi ngày 23, ta ra đi, theo tiếng kêu san hà nguy biến”, đã hát lên bài ca Nam Bộ kháng chiến. Đất nước nguy vong, những người Việt Nam yêu nước chân chính phải đứng trước sự lựa chọn “được và mất”, trong đó có bác sĩ Trần Hữu Nghiệp chọn cái “được” để cứu nguy đất nước! Và đương nhiên bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã “mất”, đó là cái giá cuộc sống hạnh phúc gia đình nhỏ, mà trong thâm tâm ông luôn muốn giữ lại mãi mãi. Để chứng minh điều đó, qua lời kể của bốn người con gái của bác Bảy Nhưn (Bảy Xồm) là bà Trần Thị Thiềm năm nay 84 tuổi, bà Trần Thị Kiềm 82, bà Trần Thị Cúc 80 và bà Trần Thị Ngữ 75 tuổi, hiện đã xuất gia vào Thiền Viện Linh Chiểu, Đồng Nai làm Ni cô. Theo đó ta biết được một chi tiết hết sức giá trị, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trước khi rời Mỹ Tho tham gia cách mạng cũng có “rủ” bà Lê Thị Nhi vợ mình: “Em ơi hãy cùng anh theo Việt Minh kháng chiến cứu nước?”. Thế nhưng, ngày đó các con còn quá nhỏ bà Nhi không đành lòng quyết định theo chồng hòa cùng nhịp bước đồng hành cùng dân tộc. Bà Nhi không đi, cũng có nghĩa Trần Hữu Nghiệp đã mất thật! Rồi chỉ vài năm sau tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, người vợ mà mình yêu quí nhất không vượt qua được cám dỗ của thói đời đi lấy chồng Tây, một viên sĩ quan người Pháp ở Mỹ Tho đầy quyền lực. Tin buồn đến tai bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, ngày ấy cũng vừa vượt biển bằng thuyền ra miền Bắc vẫn còn đang ở Hà Nội, rồi không kềm nổi sự thất vọng và đau đớn khiến ông phải thốt lên: “Sao, sao, sao lại như vậy được? Sao lại như vậy hả hả…?”. Thời gian nguôi ngoai dần đi, giống như ta vừa đi qua một cơn bão lớn, khi điềm tĩnh trở lại nhìn sự tàn phá của nó quét trên mặt đất mà lòng đau như cắt, và chỉ có lòng vị tha mới nói được điều này: Chiến tranh, mất mát là không tránh khỏi!”. Việc đã rồi, nhưng sự sa ngã đó đến với bà có thể còn những lý do khác chăng? Ai biết? Những đứa con bà ngày đó còn rất nhỏ, để đủ hiểu được điều gì xảy ra với ba má chúng? Chỉ có ngôi nhà lớn, nơi có phòng mạch và bệnh viện tư bác sĩ Trần Hữu Nghiệp hành nghề ở thành phố Mỹ Tho, là kết quả của tình yêu họ cùng nhau tạo dựng là nhân chứng. Rằng bà có những đêm không ngủ, trái tim bà đau nhói, nước mắt chảy đầm đìa, đứng nhìn con đường đối diện và ngoài kia là dòng sông Tiền mênh mang, nhờ gió, nhờ mây, để gởi lòng mình về đâu đó tận chân trời xa: “Anh tha thứ cho em!”.

 

  Mục Lục