4

Học bổng Trường Y khoa Đông Dương

 

Học xong Trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, nguyện vọng của Trần Hữu Nghiệp muốn theo học nghề y, đơn giản ông nghĩ sau này trở về quê chữa bệnh cho bà con mình. Tuổi thơ Trần Hữu Nghiệp từng chứng kiến cuộc sống lam lũ khó khăn, người dân nghèo mắc nhiều bệnh thuộc đường tiêu hóa, nguyên nhân môi trường liên quan đến nơi ở có nhiều kênh rạch, đầm nước tồn đọng. Nạn uống rượu lậu ở vùng quê cũng khá phổ biến, vì họ không muốn uống rượu Ty, một hãng rượu do công ty người Pháp Fontaine độc quyền. Rượu “lậu” chính là rượu người dân tự nấu lấy để uống, dễ dàng sử dụng, lại giá thấp, nên nhiều người mắc chứng đau bao tử và bệnh gan. Sốt rét cũng là một vấn nạn ở các vùng quê Nam Bộ thời đó mà nhân dân địa phương gọi là “ban bạch hoặc trái trắng”. Ba Trần Hữu Nghiệp ông Đại Hương Cả đất Giồng Bông, cũng đồng tình với quyết định của con trai và khuyến khích đi theo hướng đó.

Người Pháp đô hộ Việt Nam hàng trăm năm (1858-1954) chúng lấy đi của dân tộc ta vô kể, nhưng cũng để lại một dấu ấn lịch sử đấy là ra đời của Trường Y Đông Dương rất nổi tiếng năm 1902, tại Hà Nội. Tại sao lại gọi là “Trường Y Đông Dương”, trong khi trường ở trên đất Bắc Kỳ, Hà Nội, nước Việt Nam? Cái gọi là Đông Dương thuộc Pháp, hay ngày trước chúng thường gọi “xứ Đông Pháp” khai sinh 1887, gồm Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên. Đến năm 1893 thêm nước Lào, từ đó gọi chung là “Liên Bang Đông Dương” thuộc Pháp, có tổ chức hoàn chỉnh hơn có 5 xứ. Thuộc Pháp, có nghĩa nước Pháp kéo dài sang cả xứ Liên Bang Đông Dương, vì vậy không thể không có một trường Y nhằm phục vụ cho sự cai trị lâu dài. Năm 1898, Hội đồng tư vấn tối cao Đông Dương do Paul Doumer thành lập. Paul Doumer, chính là viên toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ, ông ta nói: “Bắc Kỳ không chỉ cho phép nghiên cứu các bệnh của vùng nhiệt đới Viễn Đông, mà còn là cho các bệnh riêng cho mùa lạnh. Hơn nữa tiếp giáp với Trung Hoa là nơi ảnh hưởng của nền y học của chúng ta ngày càng tăng cường. Đó là sự xâm nhập hữu hiệu nhất, và cũng là vinh dự nhất”. Tên trường cũng được xác định là “Trường Y Đông Dương” là câu trả lời rõ ràng như lời viên toàn quyền Đông Dương Paul Doumer nói, không chỉ cho các xứ ở Việt Nam mà có cả Cao Miên và Lào.

Việc chọn Hiệu trưởng lúc đầu Hội đồng đưa ra năm người, nhưng Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp không đồng ý, ông ta phản đối vì nhiều người trong số đó còn quá trẻ, chọn phải lấy người có đủ uy tín để làm việc. Cuối cùng để làm vừa lòng Bộ trưởng bộ thuộc địa, Paul Doumer chọn nhà khoa học gốc Thụy Sĩ năm đó mới 39 tuổi học trò của Louis Pasteur là Alexandre Yersin, khi đang còn làm giám đốc viện Pasteur Nha Trang ở Trung Kỳ. Alexandre Yersin nhận làm hiệu trưởng, nhưng trước khi hành động ông có viết một bức thư gởi toàn quyền Đông Dương Paul Doumer nói rằng: “Trường Y Đông Dương phải là nơi vừa đào tạo, vừa nghiên cứu khoa học, tiến tới trở thành trung tâm khoa học có tầm cỡ tại Bắc Kỳ”. Trên cơ sở đó Alexandre Yersin đề nghị, hiệu trưởng phải do tổng thống Pháp bổ nhiệm theo giới thiệu của Trường Đại học Y khoa, hoặc giám đốc viện Pasteur Paris. Về giáo sư giảng dạy của trường, Alexandre Yersin yêu cầu chức danh này do hiệu trưởng giới thiệu, và do tổng thống bổ nhiệm. Alexandre Yersin nói, một trường như vậy sẽ đáp ứng đầy đủ các qui chế cũng như quyền lợi, danh tiếng tương đương như các trường Đại học Y tại chính quốc Pháp. Nhưng rất tiếc không thỏa mãn được hoàn toàn các yêu cầu đề nghị của Alexandre Yersin, vì viên toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trong đầu ông ta không muốn. Sau đó Trường vẫn được thành lập, nhưng người ký quyết định, không phải là tổng thống Pháp mà là toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Nhưng những điểm nhấn quan trọng trong đề nghị của Alexandr Yersi đều được đáp ứng, nó mang dáng dấp một nền giáo dục Đại học. Nó cũng phản ảnh quan điểm của một nhà khoa học chân chính, một viên cai trị như Paul Doumer chỉ quan tâm tới dấu ấn của hắn và lợi ích thuộc địa mà thôi!

Cùng năm Trường Y Đông Dương được xây dựng, tại ấp Thái Hà khu (Nam Đồng) ngày nay. Trường khai giảng vào tháng 3 năm 1902, nhưng không được bao lâu sau khai giảng do xa trung tâm Hà Nội, nơi này cũng có nhiều ao hồ môi trường xấu, bệnh sốt rét hoành hành, đến cuối năm đó trường phải dời về địa điểm mới tại phố Bobinlot (Lê Thánh Tông) ngày nay, còn bệnh viện thực hành của trường về phố Armand Rousseau phố Lò Đúc.

Năm 1931, Trần Hữu Nghiệp tuổi còn rất trẻ vừa tốt nghiệp trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn ra Hà Nội, thi đỗ tú tài được học bổng vào Trường Y Đông Dương, lúc này đã có tên gọi khác “Trường Y khoa Đông Dương”. Sinh viên được học bổng là mơ ước của nhiều người, bởi sinh hoạt nơi ở, chế độ ăn miễn phí tại ký túc xá Bobillot đường (Lê Thánh tôn) hiện nay. Trần Hữu Nghiệp còn cho biết, sinh viên đều được phụ cấp tiền tiêu vặt 8 đồng mỗi tháng, so sánh với giá thời đó một tô phở 4 xu, một cuốc xe kéo 1 cắc. Sự hào phóng của chính phủ Đông Dương giữa lúc đang khủng hoảng kinh tế thế giới, và việc đối xử như vậy là có lý do. Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, rồi phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh người Pháp phải mua lòng giới thanh niên “thượng lưu trí thức” tương lai, ngăn cản họ đi Tây, rồi bày ra biểu tình ở Paris, nhưng chỉ bốn năm sau tình hình chính trị Đông Dương ổn định hơn cái “ưu đãi mị dân” đó bị bãi bỏ. 

*

Ở ký túc xá Bobillot mỗi phòng ở 6 sinh viên, chuyện ấy thật ra cũng bình thường với Trần Hữu Nghiệp, vì hồi còn học ở Bến Tre hay lúc lên học ở Sài Gòn cũng vậy, chỉ gặp bối rối chút đỉnh về môi trường thời tiết khắc nghiệt của Bắc Kỳ. Hà Nội bốn mùa rất rõ rệt, Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Xuân ấm áp muôn loài hoa nở, buổi sáng dịu dàng se se lạnh và xóm làng bảng lảng sương giăng, mây trời neo lưng chừng núi như bông trắng đẹp mê hồn. Hạ thì khác, cái nóng kinh người như đổ lửa, ngay tại Hà Nội có khi lên tới gần bốn mươi độ, xuống vùng thôn quê đàn ông cởi trần chỉ bận mỗi cái quần cộc, ruộng đồng khô hạn nứt toác có nơi đút lọt cả bàn chân. Mùa Thu êm dịu hơn chút, mùa của loài cây thay lá phố phường Hà Nội lá vàng rơi đầy đường, khổ nhất là những người lao công quét rác nhọc nhằn. Tới mùa Đông còn kinh khủng hơn, Xứ Nam Kỳ ít khi mặc áo ấm, nhưng Bắc Kỳ vào mùa này trong nhà ngoài đường đều phải khoác áo bông, ở vùng sâu xa phía Bắc hay vùng Trung du, người dân ra đồng muốn chống chịu được với giá buốt đều phải khoác trên người một chiếc áo tơi kết bằng lá của một loại cây rừng, trông xa trên cánh đồng trong mù sương khói nhìn người nông dân làm đồng giống như một đàn trâu đang gặm cỏ.

Năm Trần Hữu Nghiệp vào học, Viên hiệu trưởng đã thay đổi không còn là Alexandre Yersin mà là người Pháp giáo sư Le Roydes Barres. Chẳng hiểu ông ta sang Việt Nam từ khi nào, nhưng lại say đắm một thiếu nữ người Việt gốc Huế rồi cưới làm vợ. Le Roy des Barres nói con gái Việt thật tuyệt, xinh đẹp, dịu dàng, nhưng vô cùng mạnh mẽ?! Le Roy des Barres giỏi cả chuyên môn y học, đặc biệt là giải phẩu và công tác quản lý, nhưng tính cách lại nóng như lửa. Sinh viên Trần Hữu Nghiệp từng chứng kiến có lần Le Roy des Barres đang đứng mổ, một y sĩ người Việt tham gia ê kíp không hiểu vì lí do gì (có thể anh ta thiếu tập trung), đưa nhầm cho Le Roydes Barres chiếc dao mổ không đúng yêu cầu, điều ấy làm ông ta bực tức gầm lên: “Đồ ngu, cút ngay”, may nhờ có bà vợ hôm ấy cũng làm trợ giúp, biết tính khí chồng, rồi khẽ đá vào chân gã nên hắn hạ hỏa mới thôi. Một giáo sư khác cũng để lại ấn tượng tốt với sinh viên là Lucas Championnère, ông ta rất giỏi về ngoại khoa, nghe nói vị giáo sư này là con nhà nòi ba đời đều làm nghề thầy thuốc. Khác với Le Roy des Barres, tính tình cởi mở điềm đạm và rất quí mến sinh viên. Trần Hữu Nghiệp từng được thầy hướng dẫn, trong những lần thực hành thầy vừa làm vừa giải thích rất cặn kẽ. Tiếc thay Lucas Championnère là giáo sư tốt lại chết sớm, do một căn bệnh hiểm nghèo tại Hà Nội, sau khi Trần Hữu Nghiệp ra trường được mấy năm. Sau giáo sư Lucas Championnère theo yêu cầu của Trường Y khoa Đông Dương, Đại học Paris Pháp bổ sung sang hai vị giáo sư mới là Cartoux và giáo sư người Việt Hồ Đắc Di giảng dạy ngoại khoa. Viết điều này rất có thể ai đó sẽ hỏi: “Tại sao giáo sư Hồ Đắc Di từ Pháp sang Việt Nam? Trong khi ông là người Việt? Đây là người thầy vô cùng đáng trọng, đáng kính về tài năng và nhân cách, Trần Hữu Nghiệp khẳng định thế! Giáo sư Hồ Đắc Di là con một quan thượng thư đại thần trong triều đình Huế, ông sang Pháp học từ nhỏ, rồi vào Đại học Y khoa Paris. Về Trường Y khoa Đông Dương dạy học một thời gian, đáp lời kêu gọi của Hồ Chí Minh giáo sư ra tham gia kháng chiến. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông được giao phụ trách ngành Đại học dưới thời Chính phủ mới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần trở về trường Đại học Y Đông Dương năm đó, lúc đầu ông làm ngoại khoa, kiêm giảng viên môn giải phẩu cùng với giáo sư Cartoux là vậy. Những buổi trên giảng đường của giáo sư Hồ Đắc Di, bao giờ sinh viên cũng rất hào hứng vì ông là người Việt, ngôn ngữ, giao tiếp thầy trò rất thoải mái. Kỷ niệm về vị giáo sư Cartoux, học trò cũng rất thán phục trình độ phẩu thuật ngoại khoa điêu luyện, thú vị hơn là ông ta lại thuận tay trái, nhưng dù thế tay mổ của ông rất khéo, ngoài ra thái độ thật mềm mỏng tận tình giúp đỡ sinh viên. Nhưng nói giáo sư Cartoux, không thể không nói tính cách rất thời thượng của vị giáo sư này rất biết cách chưng diện. Dáng người cao, da trắng hồng, mũi dài và có đôi mắt xanh như nước biển. Sau mỗi ngày làm việc, nhất là vào chủ nhật Cartoux bảnh bao ngồi vào chiếc xe thể thao màu cà phê sữa, chạy lòng vòng ra Hồ Hoàn Kiếm, có khi băng qua cầu Long Biên sang bên bờ tả ngạn, ngắm những làng quê ven Sông Hồng bạt ngàn màu vàng hoa cải. Cả Hà Nội thời đó duy nhất chỉ có chiếc xe hơi của giáo sư Cartoux, những ánh mắt trên đường đều đổ dồn chỉ để ngắm chiếc xe và người tài xế Tây phương hào hoa, phong nhã, đặc biệt những tiểu thư Hà thành đưa tình lưu luyến.

Với trí nhớ tuyệt vời của mình, Trần Hữu Nghiệp trong những năm tháng học tại Trường Y khoa Đông Dương, còn nhắc tới nhiều người bạn cùng khóa, hoặc lớp trên, lớp dưới một hay hai năm gì đó, bằng thái độ vô cùng ngưỡng mộ. Rồi hình như về sau này mỗi khi nhắc lại tên họ, cái ý nghĩa chữ “Nước” không đơn thuần như định nghĩa trong từ điển. Nước là chất lỏng do khinh khí và dưỡng khí hợp lại, hay mánh lới, thủ đoạn (xoay đủ nước), còn là ý nói tốc độ nhanh (phi nước đại, nước rút), và không theo hẳn bên nào nói (nước đôi) v.v … . Nhưng “Nước” ở đây mà những người bạn, người anh đó muốn nói đến theo nghĩa Tổ quốc! Người đầu tiên theo Trần Hữu Nghiệp là một đồng nghiệp, người bạn thân khi học ở trường Y khoa Đông Dương Hà Nội, tên anh là Giang Văn Xường, quê ở Giồng Ông Tố, (Gia Định). Trong hồi ký của mình, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có viết: “tốt nghiệp thầy thuốc chưa được bao lâu anh qua đời vì bệnh lao phổi, tiếc là thời ấy khoa học chưa phát minh ra những kháng sinh hữu hiệu như bây giờ. Bệnh anh có dấu hiệu vào năm cuối ở trường, nhưng ngày đêm anh vẫn dành thì giờ miệt mài bên đống từ điển Hán, Nhật, Pháp, mong sớm hoàn thành cuốn danh từ Y học bằng tiếng Việt mà anh hết sức thiết tha…”. Giang Văn Xường trút hơi thở cuối cùng khi cuốn từ điển còn dang dở, nhưng đáng buồn hơn sau khi anh mất mấy trăm trang bản thảo tâm huyết, công phu cũng bị thất lạc. Mấy chục năm sau, Trần Hữu Nghiệp còn một lý do nữa để ngưỡng mộ anh Xường: “nếu bạn tôi còn sống, từ Cách mạng tháng tám buổi đầu chắc chắn anh sẽ tham gia tích cực, nhất định anh sẽ lao vào công việc soạn từ điển này với tình cảm nồng nhiệt và say sưa”. Lòng tin của Trần Hữu Nghiệp là có cơ sở, rồi kể lại một câu chuyện. Thời gian cùng học tập ở trường vào các ngày được nghỉ, Giang Văn Xường thường rủ mấy anh em đạp xe đi thăm các địa danh di tích lịch sử nổi tiếng ở miền Bắc, như Đền Hùng, Bắc Ninh và Sơn Tây. Nhưng Trần Hữu Nghiệp nhớ nhất một lần đi xuống Ninh Bình, khi ra khỏi trường được hơn chục cây số cả nhóm phóng xe đạp như bay, thấy vậy Giang Văn Xường nói: “Tụi bay đi chơi mà đạp xe gì như đang đua vậy hả? Tao đề nghị phải giữ khoảng cách chục thước nghe chưa? Bằng không suốt đường đi cứ tán dóc, nói chuyện linh tinh còn đâu tâm trí mà ngắm cảnh non sông đất nước và nghĩ ngợi về công lao xây dựng của tổ tiên ta hả?”. Nghe anh Xường nói, một người bạn khác cùng đi trong đoàn phá lên cười, trước lời yêu cầu ngộ nghĩnh của Giang Văn Xường. “Mày nói nghe cứ như một nhà hiền triết vậy?”. Mấy chục năm sau, khi đủ lớn để ngẫm suy về lời nói của anh Xường hôm đó, Trần Hữu Nghiệp tự hỏi, “sự vui mừng của anh chắc sẽ lên đến cỡ nào? bởi bao nhiêu phát hiện của khảo cổ học, văn học, … mà nếu chưa có Cách mạng tháng tám năm 1945, thì nhất định không thể có!”.

Người bạn thứ hai cùng nghề Y với Trần Hữu Nghiệp rất nổi tiếng, không chỉ ở Việt Nam và ở tại Paris nước Pháp vào giữa thập niên 30 của thế kỷ trước. Anh tên là Phạm Hữu Chí, quê Bà Rịa, con một giáo viên lên Sài Gòn học trường Trung học Chasseloup Laubat nay là (trường Lê Qúi Đôn, Quận 3). Anh Chí học rất xuất sắc được học bổng ra Hà Nội thi đỗ tú tài, rồi vào học trường Đại học Y khoa Đông Dương (lúc này đã có tên gọi Trường Đại học Y khoa Đông Dương). Thật rất trùng hợp, Trần Hữu Nghiệp cũng từng học ở Chasseeloup Laubat, ra Hà Nội thi đỗ tú tài vào trường Đại học Y khoa Đông Dương, nhưng vào sau anh Chí hai năm. Ở trường Phạm Hữu Chí luôn chứng tỏ là một học sinh thông minh, chăm chỉ, nhưng tính tình lại rất thẳng thắn! Câu chuyện được Trần Hữu Nghiệp kể lại như là một minh chứng. Khốn nạn thay ở một trường danh giá nhất toàn cõi Đông Dương, nơi đào tạo cho các quốc gia thuộc địa những nhân tài tương lai, lại có tên bác sĩ người Pháp, kiêm hiệu trưởng Y khoa, kiêm luôn cả trường nữ hộ sinh, nhưng hắn là một con quỉ dâm ô khét tiếng. Chính Hắn còn là hình ảnh thu nhỏ sặc mùi thuộc địa, cậy quyền là hiệu trưởng, luôn áp bức sinh viên. Một người có tính cách như Phạm Hữu Chí, phải hàng ngày làm việc học tập chứng kiến con người  hắn là hai thái cực đối lập nhau như nước và lửa. Và tất nhiên, điều gì đến sẽ đến! Anh Chí không chịu nổi trước thói ngạo mạn và dâm ô của hắn, rồi anh đứng đầu một nhóm “làm reo” (grève) kéo lên văn phòng gặp hắn phản đối. Tên hiệu trưởng bị một phen bẽ mặt, nhưng quyền lực trong tay hắn, rồi để trả thù anh Chí. Cuối năm học thứ hai, hắn đánh trượt kết quả của anh một cách tàn nhẫn. Không những thế, hắn còn làm trái với thông lệ không cho anh thi lại kỳ hè sau. Một học sinh nghèo như anh Phạm Hữu Chí, bị mất ngay học bổng chẳng khác gì phải lưu ban, nói cách khác anh Chí bị đuổi học. Thật may, sau đó Phạm Hữu Chí được một người bà con thương tình giúp đỡ xuống tàu sang Pháp tiếp tục học lại năm thứ hai, cuối năm ấy anh thi đỗ ngay vào ngoại trú các bệnh viện Paris. Ba năm sau, trong số chín chục sinh viên được chọn làm nội trú Phạm Hữu Chí đỗ số mười, trong gần cả ngàn sinh viên ngoại trú tham dự cuộc thi tuyển. Chưa hết, bốn năm tiếp theo Phạm Hữu Chí lại vượt lên trong tốp ba đứng đầu, được nhà trường tặng thưởng huy chương đồng. Luận án của bác sĩ của Phạm Hữu Chí được giải thưởng cao của Đại học Y khoa Paris năm 1935, nhưng luận án đó anh lại cho in ở Sài Gòn mà không để in ở Pháp. Mãi sau này tìm hiểu thêm, Trần Hữu Nghiệp mới biết anh làm vậy là muốn công trình của mình được nhiều người Việt biết đến, ngầm ý nói với người Tây phương: “người Việt chúng tao, tuy bị các người đô hộ, nhưng không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới!”. Học giỏi, được giáo sư Lemaire mến mộ tài năng, rồi khuyên Phạm Hữu Chí xin ra nhập quốc tịch Pháp, nhưng anh từ chối và trả lời: “Mẹ cha tôi dạy rằng: cây có gốc, nước có nguồn. Tôi không thể tách mình ra khỏi dân tộc!”. Ở Pháp vào thời đó, một sinh viên thuộc địa cả gan nói như vậy quả là phạm thượng, nhưng nhờ có giáo sư Lemaire yêu quí chạy chọt giúp đỡ, Phạm Hữu Chí vẫn ở lại Pháp làm trợ giáo trong trường Đại học Paris, tại khoa truyền nhiễm. Nhưng buồn thay, chính thời gian ở lại đó Phạm Hữu Chí bị lây bệnh tinh hồng nhiệt. Rồi dù ở Pháp tiếng tăm Phạm Hữu Chí vẫn đang nổi như cồn, sau hàng loạt các công trình khoa học, nhưng anh vẫn không cưỡng lại được tiếng gọi của quê hương. Cuối năm 1936, Phạm Hữu Chí từ bỏ Paris hoa lệ, nơi có thể đưa tên tuổi mình bay cao bay xa hơn nữa, cuộc sống vật chất tiền tài chắc chắn cũng không bao giờ thiếu, nhưng anh vẫn về nước. Ước mơ trở về của Phạm Hữu Chí muốn được lãnh một chân tại giảng đường Trường Đại học Y khoa Đông Dương Hà Nội, nhưng tiếc thay sự chờ đợi một sự bổ nhiệm ấy lại không bao giờ đến?!

Năm 1935, đánh dấu đợt thi tốt nghiệp cuối cùng hệ Y sĩ sau 4 năm học của khóa rất quan trọng, trong đó có sinh viên Trần Hữu Nghiệp. Nó quan trọng bởi sau đó chỉ còn hệ Bác sĩ (tú tài học 6 năm). Vậy nếu hỏng rất nguy hiểm cho bất  cứ ai, do Hội đồng chấm thi bị giải tán chưa biết bao giờ thi lại. Khóa đó có sinh viên Ph. Sa vào nguy cơ đó, vì điểm thi của anh ta chỉ đạt 3 ở môn dược lý trị liệu, nhưng đòi hỏi phải có điểm từ 5 đến 10. Trần Hữu Nghiệp nhớ khi tiếng kẻng tập trung ăn cơm chiều, sinh viên dồn về phía nhà ăn khá đông, bạn cùng lớp với mình có sinh viên Tôn Thất Tùng, mặt đỏ gay nhảy phốc lên bàn nói lớn:

-         Mọi người lắng nghe đây.

Nói rồi, Tôn Thất Tùng rút trong túi quần ra một tờ giấy. Té ra, đó là bức thư của Ph. gởi cho giảng viên Mounier môn dược lý điều trị, van xin cho thêm 2 điểm để “cứu vớt cuộc đời”. Ph. tại sao lại làm như thế? Số là có một nhà giàu ở Hà Nội chịu gã con gái cho Ph, và hai bên gia đình cũng đã làm lễ hỏi, chỉ chờ ngày lành tháng tốt sẽ tổ chức lễ cưới, vài tuần sau đại đăng khoa đến lượt tiểu đăng khoa. Bức thư viết bằng tiếng Pháp, như sau: “Thưa sư phụ tôn kính, con xin sụp lạy dưới chân thầy như kẻ hấp hối cầu mong cứu sống…” . Đoạn sau Ph. kể lể dài dòng lâm ly để lay động lòng trắc ẩn của sư phụ. Thế nhưng, thư của Ph. đến tay Ủy viên Mounier của Hội đồng thi trao thư ấy cho nhiều người Pháp đọc, và kết luận: “Đấy là tâm địa (mentalité) của bọn thanh niên An-na-mít”. Sinh viên lúc ấy đã chật kín nhà ăn, tất cả đều im lặng, cảm giác của Trần Hữu Nghiệp như mọi người đang mặc niệm cho một kẻ đã chết. Trần Hữu Nghiệp cũng không rõ, Tôn Thất Tùng bằng cách nào sao chép được toàn vẹn bức thư đem về ký túc xá? Sự lặng im như chết của sinh viên bây giờ lại bùng lên đột ngột, khi Tôn Thất Tùng đọc xong bức thư liền nhảy xuống đến bên Ph. túm ngay cổ áo lôi ra phía trước, rồi giang tay bạt tai, miệng thì la lớn: “Làm nhục thanh niên Việt Nam như mày, không nên cho ăn chung với tụi tao”.  Anh Phạm Ngọc Thạch học trên Trần Hữu Nghiệp hai lớp, vừa xuống tới nhà ăn thấy vậy, cũng chạy tới ngăn tay Tôn Thất Tùng, rồi nói:

-         Tùng, mày đừng đánh nó nữa! Không giải quyết được gì đâu. Bảo nó khoanh tay xin lỗi tất cả anh em, rồi ngồi vào mâm ăn cơm cho xong.

Sau sự vụ đó, các sinh viên trường, đặc biệt Trần Hữu Nghiệp cực kỳ ngưỡng mộ Tôn Thất Tùng, một con người tài năng trong học tập trong nghiên cứu và trung trực hiếm có. Ở trường, sinh viên Tôn Thất Tùng cũng rất mê thể thao đặc biệt môn bóng đá, hôm nào sau giờ học cũng ra sân và có anh không khí trong sân tưng bừng hào hứng hẳn lên.

 Năm 1936, sau tốt nghiệp Tôn Thất Tùng được ở lại làm phụ tá giải phẩu cho nhiều giáo sư Pháp tại Trương Đại học Y khoa Đông Dương, ông đã phân tích tới 200 bộ gan người chết, phục vụ cho công tác giảng dạy nghiên cứu rất quí giá. Giống nhiều trí thức khác có tấm lòng yêu nước, giáo sư Tôn Thất Tùng tham gia kháng chiến. Cách mạng tháng tám thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bác sĩ Tôn Thất Tùng từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Chuyện sinh viên Ph. chẳng hiểu bằng cách nào sau đó anh ta cũng được “vớt”, có lẽ là năm cuối cùng cấp bằng Y sĩ Đông Dương. Nhưng cũng vì cái vụ “xì căng đan” nội bộ ấy lan ra ngoài phố phường Hà Nội, đến tai gia đình vị hôn thê sợ bị nhục lây nên đã từ hôn và hủy bỏ luôn đám cưới. Ph. Dẫu thất bại chuyện tình, nhưng hắn vẫn gặp hên sau đó lại được bổ nhiệm làm Y sĩ Sơn Tây, rồi cũng vớ được cô vợ khá giàu con gái một viên Cai tổng. Tuy nhiên, cuộc đời Ph. sau này nghe nói cũng chẳng sướng ích gì, sống không có bạn bè tâm giao, không có bạn tương tri thuộc hàng khả kính, dù vật chất dồi dào!

Kỷ niệm về những người bạn thời sinh viên, Trần Hữu Nghiệp còn nhắc tới người nữa tên là L. Thuở ấy thư gởi trong nước còn dán tem 4 xu, phải ra Bưu điện Bờ Hồ mua. Cả ký túc xá Bobilllot ai ai cũng biết L. luôn luôn có tem trữ sẵn bán lại với giá 5 xu. Chưa hết, trong rương để gần đầu giường L. nằm cũng có cả kem đánh răng, mực viết, xà bông tắm để bán lại giá đều cao hơn thị trường. Đám sinh viên Sai Gòn như Trần Hữu Nghiệp có thói quen, sau khi lãnh phụ cấp là ăn xài sạch, khi cần tiền thụt “két” không có phải mua chịu L. nhưng phải mua giá “trên trời”. Buồn cười nhất là đầu tháng L., đứng chờ bên ngoài phòng tài vụ lấy tiền nợ. Nhưng một hôm, Trần Hữu Nghiệp mới đi thực tập về thấy L. bỏ cơm đang ngồi ôm mặt khóc nức nở, nên tò mò hỏi ngay mấy đứa bạn:

-         Sao thằng L. nó khóc?

Các bạn ở chung phòng nheo mắt, miệng khẽ mỉm cười đáp:

-         Nó vừa bị mất cắp bốn tờ giấy con công (tức 20 đồng bạc), lợi nhuận ky cóp cả gần một năm trời lao động “ngoại khóa” xem như xong.

Thật tài, sau khi ra trường cũng không hiểu bằng cách nào L. lại mở được phòng mạch khá sớm. L. quảng cáo ầm ĩ trên các báo, rồi còn in tờ rơi bươm bướm đi thả khắp nơi ngoài chợ, bến xe, lời lẽ “bốc phét” nghề nghiệp tài năng quá xá, được một anh bạn Trần Hữu Nghiệp chụp lại, cho in trong bản luận án bác sĩ nói về Y đức học, cùng với quảng cáo thuốc lậu Hồng Khê, đoán bệnh bằng cách xem chỉ tay của “Maitre Khánh Sơn” danh tiếng lừng lẫy Bắc-Nam. Các giáo sư người Pháp khi chấm bản luận án thấy thích thú như món ăn lạ, nên cho luận án tốt nghiệp của L. đạt điểm ưu (Mension Bien). Nhưng thời gian trôi qua, cuộc đời L. hình như lại không được xếp hạng ưu! Bạn bè sau này khi nhắc tới L., đều kèm theo một biệt danh “L. năm xu” cho tới ngày anh ta mất.

Có một anh bạn khác người Sài Gòn tên là T. ra học sau Trần Hữu Nghiệp một lớp, nhưng thời còn ở chung ký túc xá Bobillot anh này rất cần mẫn. Năm 1934, giáo sư Đại học Paris Lemaire sang chấm thi cuối năm. Ở môn giải phẩu sinh viên T. thực hành mổ vùng háng trên tử thi thấy đẹp quá, được giáo sư chủ tọa khen và cấp ngay một xuất học bổng để sau hè sang học tiếp tại Pháp. Không phụ lòng thầy, anh T. đã thi đậu vào ngoại trú bệnh viện Paris, nhưng sau khi đỗ bác sĩ về nước thấy thầy thuốc như thầy giáo, nếu hành nghề lương thiện không bao giờ thành người giàu như câu: “phi thương bất phú”. Thế là anh T. đổi nghề đi buôn bán thuốc. Nhưng ngặt nỗi thời Pháp luật lệ rất nghiêm, muốn sản xuất thuốc Tây phải có bằng dược sĩ. Nhưng ở Đông Dương ai muốn sản xuất thuốc Đông dược đều được cả, từ Nhị Thiên Đường đến Nhành Mai. Học vị bác sĩ Y khoa Paris dính liền kèm theo một số công thức, xin thầy lang đây đó thêm hấp dẫn, tăng lòng tin trong dân chúng tạo ra sức mạnh cho hàng cạnh tranh. Anh T. còn bắt mối cầu thân quà cáp với những người cần thiết, mong sự nâng đỡ sau này. Nói vậy chắc mọi người rõ anh T. là ai rồi phải không? Dưới chính quyền Mỹ, Ngụy ở miền Nam Việt Nam, bằng cách đó T. không phải do tài khám bệnh, chuẩn đoán bệnh theo chức danh, mà tài làm giàu nhờ sản xuất thuốc nam cho lưu thông trên thị trường dưới tên “thuốc ho Bác sĩ T. …”, “thuốc trị mộng tinh Bác sĩ T.”, “dầu gió Bác sĩ T.” v.v…. Nhưng nghe đâu cuộc sống không vui vẻ gì, khác hẳn với những người bạn cùng lứa, cùng khóa sang Pháp cùng năm ấy. Năm 1946, theo Bác Hồ về nước được mọi người nhắc đến trong sự kính trọng, do công lao xây dựng ngành tai-mũi-họng Việt Nam đó là giáo sư Trần Hữu Tước.

Ở Trường Đại học Y khoa Đông Dương, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn chứng kiến nhiều sự bất công giữa người Pháp với người Việt, chúng luôn tỏ thái độ trịch thượng của kẻ cai trị và kẻ bị thống trị không hề giấu giếm. Ai từng học qua trường Y khoa Đông Dương ở Hà Nội, hẳn còn nhớ có một bức tranh sơn dầu khổ lớn, trang trí ngay tại giảng đường nghe đâu do một họa sĩ được giải thưởng Roma mời từ Pháp sang vẽ. Trên đầu bức tranh là hai chữ cổ “Alma mate” chữ la tinh, có nghĩa là “bà mẹ nuôi con”, hiểu rộng ra là “Tổ quốc” hoặc nơi tôn nghiêm của Đại học. Dưới hàng chữ ấy là mấy ông Tây râu ria quai nón, mặc áo choàng trắng, đầu đội mũ thuộc địa đang hướng dẫn một lũ sinh viên “An Nam” khám bệnh, phát thuốc, đo đạc, hay xử kiện cho đám dân đen đang đứng khoanh tay là những Y dược sĩ, quan đốc, quan tham, lục tri huyện tương lai. Họ là những “người hùng” trong giấc mơ của bao nhiêu người Hà Thành thuở ấy, đã cùng nhau ăn thề “phi cao đẳng bất thành phu phụ”. Một “Alma Mater” trang nghiêm bệ vệ như vậy, thì bao giờ lại có thể chấp nhận trên bục giảng của Trường Đại học Y Đông Dương một thằng mũi tẹt, da vàng, như anh Phạm Hữu Chí? Liệu có bất công không? Bất công phải chịu, người có tài đức, nhưng là dân nước thuộc địa mà người Pháp gọi là “Alman mate”.

Tháng 2 năm 1938, anh Phạm Hữu Chí mất tại Sài Gòn khi đó mới 33 tuổi. Cách mạng thành công, nước Việt Nam độc lập thống nhất vẫn nhớ tới một tài năng có tinh thần dân tộc, yêu nước, rồi đặt tên một con đường mang tên Phạm Hữu Chí, đằng sau bệnh viện Chợ rẫy ngày nay.

 

*

Năm 1935 là kỳ thi cuối cùng tốt nghiệp hệ Y sĩ 4 năm rất quan trọng, sau đó chỉ còn hệ Bác sĩ (tú tài học 6 năm). Trần Hữu Nghiệp thi đỗ xong với điểm số cao, tiếp tục sang Pháp thi vào trường Đại học Y Paris học tiếp hai năm nữa để lấy bằng đốc tờ (Bác sĩ). Theo Trần Hữu Nghiệp từ sau khóa của mình, sinh viên học ở Trường Đại học Y khoa Đông Dương Hà Nội, không phải sang Pháp làm luận án tốt nghiệp như các khóa trước như mình nữa, từ đây các giáo sư người Pháp sẽ sang Hà Nội chấm thi và hướng dẫn làm luận án tốt nghiệp. Cuối năm 1936, đốc tờ Trần Hữu Nghiệp từ Pháp về lại Trường Y khoa Đông Dương mà theo thủ tục vẫn là sinh viên từ trường này sang Pháp. Đầu năm 1937, đốc tờ Trần Hữu Nghiệp trở về quê hương Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, sau 6 năm “miệt mài đèn sách” cả trong nước và ngoài nước đỗ đạt “Ông nghè” danh giá.

 

 Mục Lục