3

Lên Sài Gòn học trường Huỳnh Khương Ninh

 

Trần Hữu Nghiệp sau này ít viết hoặc có viết, nhưng cũng không nói nhiều về vụ “quậy” rồi bị đuổi học ở trường công tỉnh Bến Tre, song chắc chắn gia đình nhất là ba mình ông Đại Hương Cả Trần Văn Nghĩa, và má bà Phạm Thị Phường rất buồn. Đó là chuyện “động trời” về thời đó, ông Trần Văn Nghĩa rất lo, rồi đánh xe ngựa lên tỉnh đón Trần Hữu Nghiệp về. Suốt chặng đường dài trên ba chục cây số từ tỉnh lỵ Bến Tre về quê Tân Thủy, không khí ngồi trên xe buồn lặng thật lâu không ai nói câu nào, chỉ có tiếng cọt kẹt, tiếng lóc cóc, của đôi bánh xe cũ mèm không có lớp cao su bó bên ngoài là nghe rõ. Nhìn trời, nhìn mây cũng thấy u ám, Đại Hương Cả Trần Văn Nghĩa tay giữ chặt dây cương ngựa, nhưng đầu óc đang váng vất bao nhiêu câu hỏi, đại loại “làm sao đây?”, “cho nó nghỉ học, hay ở nhà trồng dưa, chăn trâu cho mình?”. Nhưng ngay sau đó, ông lại dứt khoát “không thể được! Nó học giỏi, là thằng con ngoan”. Thêm một ý tứ mang tính sĩ diện, “nó nghỉ học mặt mũi đâu mà nhìn thiên hạ?”. “Có thể người ta khi biết chuyện, tuy không nói ra, nhưng nhìn ánh mắt, cái nhếch môi cười cũng đủ biết họ đang nói - con một Đại Hương Cả, giàu có, mà bị đuổi học vì chống lại nước cha Đại Pháp”. “Không được! Thằng Chín phải tiếp tục đi học! Hôm nay về cứ xem là nó được nghỉ phép”. Mãi nghĩ xe chạy về đến cổng nhà lúc nào không hay. Ký ức chuyến xe cuối cùng học trường công tỉnh, ba đưa Trần Hữu Nghiệp về nhà là như thế. Suốt cả chặng đường dài ngồi im bặt không nói lời nào, mà có nói khi ông Đại Hương Cả đang buồn, đang giận, biết đâu rách việc thêm. Thôi im là tốt nhất.

 Nhưng đêm ấy là đêm “khủng khiếp” nhất với Trần Hữu Nghiệp, nhìn ba im lặng muốn giấu đi tất cả. Những anh chị lớn có gia đình riêng ở nhà cách đó vài ba trăm mét. Hai đứa em út còn nhỏ, học xong bài đã đi ngủ sớm. Ông Đại Hương Cả dù cẩn trọng không muốn ồn ào chuyện thằng Chín bị đuổi học, nên cũng chưa vội nói với vợ bà Phạm Thị Phường, nếu biết có thể còn là “thảm họa” hơn. Nhưng linh tính mách bảo người má lại khác, bà thấy nôn nao, sốt ruột, ngồi kéo tơ mà sao cứ rối bời bời đứt dây liên tục. Thấy vậy, bà chán bỏ luôn, rồi bất thần đứng dậy nhìn Chín Nghiệp mặt nó hồi hộp ngơ ngác, hỏi:

-         Hôm nay đâu phải chủ nhật, sao con lại về hả Nhuần? – Cái tên Nhuần là tên gọi thân thiết khi ở nhà với Chín Nghiệp, cũng là cái tên đôi khi bà Phường bắt thóp nhận ra đứa con yêu đang cố giấu điều gì đó mà bà muốn biết.

-         Thưa má… . À… nhà trường các thầy cô bận họp chi đó, nên cho học trò nghỉ. Thôi má nghỉ đi, con cũng vào ngủ đây.

Trần Hữu Nghiệp trả lời má, nhưng khi vừa định bước đi, bị bà Phường gọi giật.

-         Ngồi xuống đó. Trả lời má đi. Có phải con giấu má điều chi phải không?

-         Hì hì … có gì đâu má. – Trần Hữu Nghiệp đáp cứng. Nhưng xem ra càng cố thản nhiên, thì ánh mắt của Trần Hữu Nghiệp lại lấp láy rưng rưng như lời thú tội. 

-         Con đừng giấu má, nghe Nhuần.

Lời má nói như bắt trúng tim Trần Hữu Nghiệp đang đau nhói. Cảm giác thương, tội lỗi với má vô cùng. Má là cánh chim lớn, bao bọc chở che cho con. Má đã vất vả dồn hết tình yêu cho mình, nỡ nào mình giấu má, dù điều mình muốn giấu cũng không phải xấu xa gì? Chỉ là mình không muốn má buồn thôi. Rồi khi vừa muốn nói thật với má, thì ông Trần Văn Nghĩa xuất hiện từ trên nhà lớn bước qua nhà cầu xuống, nói với bà Phường bằng giọng dịu dàng ấm áp ít khi thấy:

-         Tôi cũng muốn nói với bà đây. Nó nghỉ học ở trên tỉnh rồi, chuyện đó cũng thường thôi bà.

-         Ông nói chi hả? Tự dưng nghỉ học mà cũng thường thôi à? – Bà Phường thảng thốt nhìn chồng, rồi không để ông Đại Hương Cả, Trần Văn Nghĩa đáp. Bà Phường nói tiếp:

-         Cha con ông, nói rõ tôi nghe. Tại sao thằng Nhuần phải nghỉ học? Khi năm học còn chưa kết thúc?

Đại Hương Cả Trần Văn Nghĩa là người có uy tín với đất Giồng Bông, tiếp xúc với bao nhiêu loại người có trên có dưới, kinh nghiệm đầy mình với những tình huống bất ngờ rối rắm trong thiên hạ. Đưa hai tay vỗ nhẹ vào bờ vai vợ, ông nói tiếp giọng ấm áp, nhưng thuyết phục:

-         Tôi mới gặp được người quen trên Sài Gòn, đưa nó lên học trên đó, trường tốt hơn, thầy giỏi hơn. Thế bà không ưng à?

Ông Trần Văn Nghĩa nói điều đó. Trần Hữu Nghiệp và cả má mình đều trố mắt tròn vo nhìn chồng, nhìn ba. Trần Hữu Nghiệp quá ngạc nhiên, rằng ba mình đang cố “bịa” ra hay thay một lời giải thích, trong khi bị má truy vấn chăng? Cũng có thể trên quảng đường dài từ tỉnh về, ông đã nghĩ ra “chiêu” gì đó, mà cơ sở có thật? Dù chức Đại Hương Cả đứng đầu trong Ban hội tề xã, nhưng đức tính rộng lượng, hiền lành, lòng tốt của ông biết đâu có quí nhân phù trợ? Tuy nhiên, cảm giác của Trần Hữu Nghiệp rằng ba mình đang tự dối bằng những lời lẽ “ngọt ngào”, để đánh lừa hạ nhiệt cơn giận dỗi của má, kéo dài thời gian qua đêm rồi tính tiếp?

Cái đêm đó Trần Hữu Nghiệp gần như không ngủ, ngoài trời đã canh ba có tiếng gió lùa vào khóm tre nghe xào xạt, rồi lắc rắc vài giọt mưa rơi, tiếng côn trùng kêu ran ran nghe buồn não ruột. Trần Hữu Nghiệp nghĩ mung lung về số phận mình, rồi gần sáng mệt quá thiếp đi lúc nào không biết.

-         Dậy, dậy…

Có tiếng ai đó vừa lay vừa gọi Trần Hữu Nghiệp. Mở mắt lồm cồm ngồi dậy, thấy ba đứng ngay bên giường và lạ nhất ông bận bộ cánh chỉnh chu, chiếc áo dài mỏng thưa như vải mùng màu tím, đầu quấn khăn xếp màu đen, cổ quàng chiếc khăn dài kiểu mốt cung đình triều Nguyễn ngày đó rất thịnh hành ở nông thôn Nam Bộ. Đó là bộ cánh Trần Hữu Nghiệp cũng từng thấy, mỗi khi ông đi gặp quan tổng Bảo Trị trên Phú Lễ, Bình An Đông mà thôi. Bà Phường cũng thức dậy từ lâu, chắc chắn lúc Chín Nghiệp ngủ thiếp đi, hai người họ đã nói hết với nhau chuyện mình vì sao bị đuổi học rồi. “Đúng là ông đưa lên Sài Gòn thiệt, đâu có đùa như mình nghĩ tối qua?”. Hoàn toàn chánh xác! Để tranh thủ thời gian, má dậy thật sớm nấu một nồi xôi đậu phộng tỏa mùi thơm phức, một gói nhộng tằm rang mắm, món mà Chín Nghiệp rất ghiền. Tất cả được chuẩn bị sẵn, để trong cái túi đan bằng thân cây lục bình phơi khô cho hai cha con ăn dọc đường lên thành phố.

-         Đi thôi Chín.

Dù đã nghĩ đúng, ba sẽ đưa mình lên Sài Gòn, nhưng Chín Nghiệp vẫn hỏi:

-         Đi đâu đó ba?

Ông Trần Văn Nghĩa đáp ngắn gọn như ra lệnh:

-         Lên Sài Gòn!

Chín Nghiệp bật khỏi giường, chạy xuống nhà dưới đưa hai tay vục nước rửa mặt, rồi theo ông Trần Văn Nghĩa bước lên xe ngựa. Không biết ba gọi anh Tư Đính lúc nào, lúc ra đã thấy anh đứng đợi, ông nói “đi cho tiện ra bến thuyền rồi giao cho anh đưa xe về”. Chiếc xe ngựa xuất phát khi người Giồng Bông chưa mấy ai dậy đi làm đồng buổi sáng, rồi đi thẳng qua sông Ba Lai xuống thuyền lên Sài Gòn cập bến Tàu Hủ, lúc mặt trời cũng vừa nhô lên ngoài bãi biển Ngao Châu.

 

*

Sài Gòn cuối những năm hai mươi thế kỷ trước là thiên đường sầm uất. Lần đầu tiên đến Sài Gòn, Trần Hữu Nghiệp bị choáng ngợp trước sự phồn thịnh xa hoa lộng lẫy, nhìn cái gì cũng lạ khác xa với vùng đất Tân Thủy, Ba Tri, người dân lam lũ, nghèo khó, đêm ngày nghe tiếng âm vang duy nhất và nhiều nhất chính là tiếng gió rì rào sóng nước từ biển xa thổi vào. Sài Gòn nhiều con đường thẳng tắp, mặt đường nhẵn bóng, hai bên có cột đèn trên đó treo những chiếc bóng to bằng quả dưa. Ông Trần Văn Nghĩa thuê một chiếc xe kéo, rồi hai ba con ngồi lên. Ông nói với người kéo xe đi thẳng về hướng tây Bắc, mà sau này Trần Hữu Nghiệp mới biết đó là vùng Chợ Lớn, có nhiều người Hoa sanh sống. Bất chợt Trần Hữu Nghiệp nhớ tới chú Hía người Hoa ở Giồng Bông quê hương mình. Chú Hía người Triều Châu, không hiểu sao chỉ có mình chú dạt vào Tân Thủy sống rồi mở tiệm hàng xén. Chú Hía lấy vợ người Việt, chú bán các thứ đồ linh tinh như dầu lửa thắp đèn, hột tiêu kho cá, tương tàu, chao hộp cho những người ăn chay, cho đến nhu cầu lễ lạt cho người đã khuất như nhang, đèn cầy, giấy tiền vàng bạc âm phủ. Chú Hía quen biết tất cả bà con trong vùng, tính tình hề hề hà hà rất dễ chịu. Chú Hía bán hàng ai chưa có tiền trả ngay chú thím đều cho trả chịu, ghi sổ chờ đến lúc bán heo, bán lúa mới thanh toán. Điều Trần Hữu Nghiệp thấy tấm lòng chú Hía thật tốt, chưa bao giờ than phiền ai dù cũng có người “xù” nợ. Nhưng bài học cho người đó mất đi chữ tín, và chắc chắn lần sau có muốn làm cũng thấy xấu hổ, hoặc đi tìm mua nơi khác. Sài Gòn, người Hoa hình như có tính cộng đồng cao, buôn bán qui cũ, nền nếp, mỗi dãy phố một loại hàng như hàng đồng, hàng sắt, hàng trống, có chỗ bày bán đầu lân, đèn lồng, nhưng nhiều nhất là phố kinh doanh thuốc Bắc và hàng vải. Ông Trần Văn Nghĩa thấy con chăm chú nhìn phố mãi mê, nên nói:

-         Đây là Chợ Lớn, chủ yếu người Hoa sanh sống và buôn bán.

-         Người giống Chú Hía ở quê mình phải không ba? – Trần Hữu Nghiệp lại nghĩ về chú Hía. Ông Trần Văn Nghĩa đáp:

-         Ừ, Chú Hía là người Hoa như họ.

Ông Trần Văn Nghĩa dù chỉ làm quan ở cấp xã, nhưng quan hệ rộng, nhờ cái chức Đại Hương Cả nên kết giao quen biết nhiều người trên tổng, rồi người trên tổng giới thiệu với người trên tỉnh cao hơn. Ông cũng từng đi Sài Gòn nhiều lần, mua vài ba thứ đồ phụ tùng xe ngựa, dụng cụ làm ruộng, có khi đến phố Lãn Ông cắt vài thang thuốc Bắc đem về biếu má. Ba vợ của Đại Hương Cả Trần Văn Nghĩa là người giỏi chữ nho, ham đọc sách Tàu, cũng có mối tâm giao với cụ Nguyễn Đình Chiểu, nên hiểu khá rành đất Sài Gòn và cư dân người Hoa giỏi nghề buôn bán. Nhưng chuyện ấy, chưa bao giờ ông Trần Văn Nghĩa kể cho Trần Hữu Nghiệp nghe. Lần đi này vô tình hiểu thêm về ba, những điều ba mình biết chính là tiếp thu được từ người ba vợ, ông ngoại của mình.

Lịch sử chép vào thế kỷ XVII, bấy giờ bên Trung Hoa nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh, một bộ phận người dân không phục bỏ xứ ra biển xuống phương Nam, rồi ra Thuận Hóa xin chúa Nguyễn cho được làm lưu dân nước Việt, Chúa sau đó cho vào cư trú ở vùng đất Nam Bộ. Về sau phần lớn những lưu dân này, di chuyển tới cư trú quanh khu vực Sài Gòn. Theo “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức, Sài Gòn là tên của Chợ Lớn hiện nay, còn Sài Gòn hiện nay xưa gọi là Bến Nghé. Người Hoa đến Sài Gòn ngày càng đông, rồi lập phố thị (Chợ Lớn) buôn bán, dần dần trở thành một địa điểm thuận lợi sinh hoạt kinh tế. Thời gian trôi đi, mối quan hệ xã hội đan xen với những người Việt, nhiều lưu dân người Hoa lấy vợ Việt và ngược lại cũng có đàn ông người Việt lấy vợ người Hoa nhưng ít, nên chúa Nguyễn cho lập làng Minh Hương từ đó. Người Minh Hương sinh sống bằng nghề thủ công, buôn bán, chuyên chở, về sau khi các loại nông sản trong đó chủ yếu là lúa gạo trở thành hàng hóa, thì phố phường mọc lên ngày càng sầm uất. Từ cuối thế kỷ thứ XVIII trở về sau, khu vực Sài Gòn nói chung trong đó có Chợ Lớn là đầu mối giao lưu thuận lợi cho toàn vùng Nam Kỳ lục tỉnh, tỏa lan ra cả nước và quốc tế. Năm 1858, khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam các khu phố - chợ - bến ở Chợ Lớn càng nảy nở, lan tỏa cùng với sự mở rộng mạng lưới giao thông thủy, bộ, khuếch trương nghề kinh doanh lúa gạo. Tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt phát triển trong giai đoạn này và tập trung nhiều nhất vào vùng trung tâm Chợ Lớn.

-         Thưa Cụ về đâu ạ?

Mãi nói chuyện với con trai, Đại Hương Cả Trần Văn Nghĩa quên nói với người kéo xe điểm mình sẽ đến.

-         Anh cho tôi về trường Huỳnh Khương Ninh.

-         Dạ, có phải trường Trung học tư thục của thầy Huỳnh Khương Ninh, trên đại lộ Beylie không thư cụ?

-         Ồ, anh biết thầy Huỳnh Khương Ninh à?

-         Dạ, thưa cụ. Cả thành phố Chợ Lớn này ai cũng biết, đó là người thầy có tâm với trò lắm.

Anh xe kéo không ngờ lại có hiểu biết đến thế. Trần Hữu Nghiệp nhớ lại. Mình đi từ ngạc nhiên này, sang ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên kiến thức của ông Trần Văn Nghĩa về người Hoa. Ngạc nhiên, vì sao ông cũng biết ngôi trường tư thục mà khi còn đang học ở trường Trung học công tỉnh Bến Tre, nhiều đứa bạn có nhắc tới tên trường mang danh thầy Huỳnh Khương Ninh, và ước mơ sau khi học xong chúng nó cũng muốn lên Sài Gòn xin học tại đây. 

Từ bến Tàu Hủ đến trường Huỳnh Khương Ninh trên đại lộ Beylie chừng ba cây số, trả tiền cho anh xe lôi hết một cắc rưỡi, nhưng ông Trần Văn Nghĩa hào phóng thấy người xe lôi vất vả, lại nhiệt tình, nên cho thêm chẳn tròn hai cắc. Thời đó hai cắc tiền Đông Dương có giá trị rất lớn, bởi tiền lương lao động của một phu cao su ở Thủ Dầu Một, một tháng ông chủ đồn điền người Pháp trả cho họ nhiều nhất là hai đồng mà thôi. Buổi chiều vừa tan học, học sinh túa ra đi từng tốp vẻ thanh bình và trật tự. Tất cả trò đều bận đồ đồng phục một màu áo trắng, quần vàng vỏ trấu sông nước phương Nam, trên ngực áo có thêm một chiếc phù hiệu tên trường, tên trò, chữ trắng nền xanh. Đại Hương Cả Trần Văn Nghĩa chờ đám học trò ra về hết, đưa tay lên đầu sửa lại chiếc khăn xếp cho ngay ngắn, rồi quay sang nói với con trai Trần Hữu Nghiệp:

-         Vào thôi Chín.

Trần Hữu Nghiệp cảm thấy bối rối lẫn một chút lo âu khi bước qua cổng trường đi thẳng vào bên trong. Vừa lúc người bảo vệ trường xuất hiện gặp ngay cha con ông Trần Văn Nghĩa, nhưng anh ta lễ phép hỏi:

-         Cụ đi đâu, muốn gặp ai ạ?

Ông Trần Văn Nghĩa, đáp:

-         Anh tin giùm tôi, nói với thầy Huỳnh có người dưới Ba Tri lên xin được gặp.

Người gác cổng nhìn ông Trần Văn Nghĩa vẻ như dò xét, nhưng thấy người đang nói chuyện với mình có dáng một vị quan quê, nhưng vẻ hiền lành, rồi đang định nói thêm gì đó, bỗng nghe có tiếng người từ trong trường nói vọng ra:

-         Anh ở Ba Tri lên à?

Ông Trần Văn Nghĩa mừng quýnh, hướng về phía người vừa nói, rồi đáp:

-         Vâng, chào thầy.

-         Để ông cụ vào.

Người gác cổng khúm núm cúi gập người xuống, rồì nói:

-         Dạ thưa cụ, người vừa nói đấy là thầy Huỳnh đấy ạ. Mời cụ vào.

Đúng là thầy Huỳnh Khương Ninh, một con người nghe tiếng từ lâu, nhưng chưa có cơ hội gặp. Bên trong thầy Huỳnh nói rồi cũng từ đó bước ra thái độ ân cần mến khách, trực tiếp đưa hai ba con ông Trần Văn Nghĩa vào văn phòng làm việc.

 

*

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ mãi cái hôm đó, cả hai cha con lên Sài Gòn xin vào học ở trường tư thục Huỳnh Khương Ninh trên đại lộ Beylie bên hông Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn. Trần Hữu Nghiệp liên tục đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Té ra ba mình “đâu phải chuyện vừa”, bản chất hiền lành của ông vượt xa ra ngoài phạm vi một chốn quê nghèo đất đai cằn cỗi như Giồng Bông. Làm chức Đại Hương Cả mà không mang thù chuốc oán, không ăn của đút như bao người khác, không cậy quyền cậy thế hách dịch người dân. Làm quan Tề hàng xã, nhưng thường tự lấy sức mình cày cuốc ruộng đồng là chánh, hy hữu mới thuê công thợ làm mướn nhưng thanh toán trả tiền công sòng phẳng. Chính thầy Huỳnh Khương Ninh hồi còn nhỏ cũng theo ba mình xuống Bến Tre, rồi đi Ba Tri tìm gặp cụ Đồ Chiểu khi ông cụ còn sống. Bố vợ Đại Hương Cả Trần Văn Nghĩa là cụ Phạm Văn Cung, một nhà nho bất đắc chí làm nghề hốt thuốc Bắc, học chữ và làm nghề bắt mạch với cụ Đồ Chiểu người đang ở cùng làng. Thầy Huỳnh Khương Ninh rất có cảm tình ngưỡng mộ tinh thần yêu nước của cụ Đồ, và có dịp quen luôn cả cụ Phạm Văn Cung, rồi họ trở thành bạn tâm tình từ đó. Thế là việc nhận Trần Hữu Nghiệp vào học trường Huỳnh Khương Ninh, một trường tư thục ở Sài Gòn danh tiếng trở nên thuận lợi. Hôm đó thầy Ninh chỉ nhìn trò Nghiệp, dáng dấp chân thật, cao ráo, dồi dào khí chất một con người có khát vọng tương lai mà không hỏi thêm bất cứ điều gì khác, ngoài một lời khuyên: “Chuyện làm chánh trị là chuyện người lớn, mình còn trẻ, tương lai còn dài, giờ phải lo học giỏi, sau này muốn làm gì cũng không muộn!”.

Thầy Huỳnh hình như nói đúng! Nói “hình như” bởi tuổi trẻ vẫn có thể làm chính trị. Vụ à um cùng đám học trò ở trường công Bến Tre, xuống đường cổ súy tinh thần dân tộc nhân đám tang cụ Phan Châu Trinh là một “tai nạn”. Con đường phía trước của Trần Hữu Nghiệp là học. Học để có tri thức, học để mở tầm nhìn xa lâu dài và khi đó làm chánh trị có sao đâu!

Trần Hữu Nghiêp học ở Sài Gòn hàng tháng ông Đại Hương Cả, có khi bà Phạm Thị Phường cùng chồng lên thăm đem theo đồ tiếp tế gạo, tiền, hay do bận công việc ruộng vườn không lên được thì gởi qua thuyền ghe trung chuyển người quen từ Ba Tri lên. Nhưng chỉ một năm sau, một cú sốc lớn bất ngờ ập đến với Trần Hữu Nghiệp, vị Đại Hương Cả Trần Văn Nghĩa đột ngột qua đời ở tuổi sáu mươi hai, song trong rất nhiều tài liệu, bài viết, về nỗi buồn, nỗi đau ấy lại không thấy bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhắc tới ở giai đoạn này. Nhưng ta có thể hình dung một điều chắc chắn, khi nghe tin cậu học trò trung học vừa thoát khỏi “tai nạn” ở Bến Tre, lên Sài Gòn là vô cùng đau khổ! Và một câu hỏi đặt ra tiếp, Trần Hữu Nghiệp có về Tân Thủy chịu tang ba không? Câu trả lời là có! Trường trung học tư thục Huỳnh Khương Ninh, thầy là người rất có thâm tình với cụ Phạm Văn Cung, bố vợ Đại Hương Cả Trần Văn Nghĩa. Biết đâu, thầy cũng đi với cậu học trò cưng Trần Hữu Nghiệp về dự tang? Hơn nữa, đường từ Sài Gòn về Tân Thủy nếu đi bằng ghe cũng rất thuận lợi, già lắm đi sớm chỉ hết nửa ngày đã tới nơi.

Những năm sau tang của ba, hầu như Trần Hữu Nghiệp chỉ chú tâm vào đèn sách ít đi chơi xa, mặc phố thị bao điều hấp dẫn, nên cậu học rất giỏi. Có thể thấy điểm qua các bài kiểm tra môn, hay thi học kỳ của lớp, Trần Hữu Nghiệp đều đạt suất sắc. Học giỏi lại ngoan, thầy Huỳnh cho cậu nhảy lớp. Hai năm tiếp, Trần Hữu Nghiệp thi đậu Brevet Elementaire với số điểm cao tuyệt đối, thầy Huỳnh bấy giờ là Hội đồng thành phố Sài Gòn, vận động tiếp cho cậu học trò cưng của mình được học bổng, vào học trường Chasseloup Laubat (trường Lê Qúi Đôn ngày nay) và thi đỗ Tú tài, sau bốn năm học tại Sài Gòn.

 

 Mục Lục