18

Ánh sáng dành cho người đã khuất

 

Trong rất nhiều ký ức thời chiến tranh, với đồng đội, đồng chí, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có hai nỗi buồn, nỗi đau, mất mát lớn đó là sự ra đi của bác sĩ Bộ trưởng bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch và lãnh tụ kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai nỗi đau ấy lại xảy ra liên tiếp chưa đầy một năm, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào thời kỳ sôi động, nóng bỏng, ác liệt và khó khăn.  

Về trường hợp Bác sĩ, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch.

Giữa năm 1968, theo nguyện vọng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tha thiết đề nghị Trung ương xin được trở về Nam công tác. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có nhiều tư liệu, thấu hiểu đặc biệt về người anh, người bạn của mình, để nói vì sao ông lại quyết tâm trở về Nam trong giai đoạn nóng bỏng như thế? Vào giai  đoạn này, cuộc Tổng tiến công nổi dậy của ta vừa tạm dừng ở giai đoạn 2, và đang chuẩn bị chuyển tiếp Tổng tiến công giai đoạn 3 cũng rất khẩn trương. Sự trở lại miền Nam với tâm trạng háo hức với nhiều cảm xúc của Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, rằng ông muốn được trực tiếp tham gia vào sự kiện lịch sử đóng góp cho quê hương. Phạm Ngọc Thạch đi với tâm trạng như thế, ngành Y miền Nam hơn lúc nào hết cũng cần có những con người như ông, trong thực hiện nhiệm vụ đầy khó khăn gian khổ, nhưng cũng rất vinh quang. Cũng có một câu hỏi, cho tới hôm nay nhiều người cũng đang muốn biết, thời đó Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch vào miền Nam đi bằng con đường nào? Bí mật này chỉ có trong kho tư liệu Quốc gia mới giải được, nhưng ta có thể phỏng đoán cỡ một “quan đại thần”như Phạm Ngọc Thạch, tổ chức không thể bố trí cho ông đi theo đường bộ vượt Trường Sơn, vì thời gian quá dài lại quá nguy hiểm. Con đường thứ hai ngắn hơn đi trên “tàu không số”, nhưng bấy giờ đường trên biển đã hoàn toàn bị lộ sau vụ Vũng Rô, một con tàu không số buộc ta phải phá hủy, từ đây địch phong tỏa kiểm soát vô cùng chặt chẽ, nên khả năng này là rất thấp. Suy đoán cuối cùng, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đi bằng đường không từ Hà Nội qua Hồng Kông, rồi từ Hồng Kông bay sang Nông Pênh thủ đô Campuchia thời đó họ là nước trung lập, rồi cũng giống như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp theo đường giao liên vượt biên giới miền Tây về Miền. Nhưng thôi, chỉ biết rằng giữa cuối năm 1968, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã về tới cứ, và trong ký ức bác sĩ Trần Hữu Nghiệp anh em ra đón gặp nhau thật cảm động. Bộ trưởng mặc bộ đồ bà ba màu đen, đầu đội mũ tai bèo, cổ quấn chiếc khăn rằn, chân đi đôi dép râu, trông ông dân dã và gần gũi. Nhìn thấy Trần Hữu Nghiệp từ xa, Phạm Ngọc Thạch reo lên, rồi nhanh chân bước tới ôm chầm lấy người bạn vong niên tri âm tri kỷ, nói:

-         Chín. Ta lại gặp nhau rồi.

Trần Hữu Nghiệp mừng vui quá, bỗng rưng rưng nước mắt, đáp:

-         Anh Tư khỏe không?

-         Khỏe. Còn Chín?

Nói xong khẽ đẩy Chín Nghiệp ra xa chút, Phạm Ngọc Thạch hỏi tiếp:

-         Lê khỏe chứ?

-         Khỏe, anh Tư. 

-         Ừ thế là mừng rồi.

Lần đầu gặp nhau chóng vánh, vì muốn để Phạm Ngọc Thạch nghỉ ngơi cho lại sức, nên Trần Hữu Nghiệp chủ động nói trước:

-         Anh Tư mới về còn mệt, mai gặp nhau nói chuyện tiếp nhé anh Tư.

-         Được được…

Họ chia tay nhau, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch về nơi ở trong một căn nhà lán được Miền chuẩn bị sẵn, cách Ban dân Y Miền không xa và cũng gần Trường Cán bộ Y tế trung cao, hiệu trưởng là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.

*

Dù mới vào, nhưng Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch vẫn nắm rất chắc tình hình. Theo ông, Chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân năm 1968 lực lượng y tế Nam Bộ có nhiều đóng góp quan trọng.

Để tiếp tục phục vụ tốt hơn cho Chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy chuyển tiếp sang giai đoạn 3 (tháng 9 năm 1968), Ban dân y Miền tiến hành tổ chức hội nghị đánh giá thành công đạt được vừa qua, triển khai nhiệm vụ sắp tới, chủ trì hội nghị là Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng biểu dương toàn thể cán bộ, nhân viên y tế Miền có những đóng góp rất lớn cho chiến dịch. Sau đó Phạm Ngọc Thạch dành nhiều thời gian nghe các đoàn báo cáo, ông đặc biệt chú ý các kinh nghiệm hoạt động ở cơ sở, đây cũng chính là điều ông quan tâm, trong đó báo cáo của các gương điển hình tiên tiến, tập thể và cá nhân ngành y tế. Cuối cùng Bộ trưởng phát biểu: “Lãnh đạo Miền và Bộ đánh giá cao chủ trương quân dân y kết hợp, đã đem lại hiệu quả cao ngành y phục vụ chiến dịch. Đây là kết quả sự vận dụng sáng tạo của Miền, trong nhiệm vụ xây dựng mạng lưới y tế cơ sở trong thời gian qua. Đáng chú ý, biết vận động quần chúng cùng tham gia sức mạnh nguồn lực Y tế tại chỗ, chăm sóc phục vụ thương bệnh binh là một nỗ lực lớn”. Bộ trưởng tâm đắc và tuyên dương thành tích các gương điển hình, như chị Út Hấp và Trạm xá của chị tại Tân Đông, xem đó là hình mẫu cần nhân rộng. Về nhiệm vụ sắp tới, Bộ trưởng nói: “Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng mạng lưới Y tế cơ sở, vì đây là đội quân “nằm vùng”, hơn hẳn kẻ thù dù có máy bay cơ động nhanh đến mấy, vẫn thua chúng ta! Lực lượng Y tế tại chỗ còn có ưu điểm vượt trội không ngán ngại bom đạn của địch”.

Sau hội nghị, Bộ trưởng sang thăm Trường Cán bộ Y tế Trung Cao, nơi bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm hiệu trưởng. Thế nhưng, danh nghĩa làm việc riêng với trường, Bộ trưởng còn mời thêm nhiều đại diện cơ quan khác, đặc biệt có thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Hôm đó, Bộ trưởng nói nhiều về tình hình miền Bắc, về nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, trong đó cuộc Tổng tiến công nổi dậy trên khắp miền Nam. Kết quả đợt một, đợt hai làm suy sụp mưu đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, mở ra một giai đoạn mới có lợi cho cách mạng Việt Nam. Buổi nói chuyện của Bộ trưởng làm cho người nghe rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, và còn hơn thế như một lời kêu gọi, mà theo bác sĩ Trần Hữu Nghiệp người nghe như được sốc lại tinh thần trước khi bước vào giai đoạn mới, giai đoạn 3 của chiến dịch!

Chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy quân và dân miền Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt, nhưng tổn thất cả hai bên đều rất lớn. Dù vậy, Chiến dịch làm cho nội bộ nước Mỹ phân hóa, nhân dân Mỹ, nhân dân thế giới nhìn rõ bản chất xâm lược của chúng, nhân dân yêu chuộng hòa bình ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam mạnh mẽ và lớn mạnh chưa bao giờ có. Nhân dân ta, dân tộc ta nhất định thắng, đúng như lời thơ chúc tết của Bác Hồ Xuân 1968: “Năm qua thắng lợi vẻ vang, năm nay tiền tuyến ắt càng thắng to”.

Sang buổi chiều, thay mặt cho Ban giám hiệu nhà trường bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lên báo cáo với Bộ trưởng, về hoạt động của trường trong thời gian qua. Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch ngồi nghe chăm chú, thi thoảng cũng mở cuốn sổ tay ra ghi chép điều gì đó mà ông tâm đắc. Cuối cùng Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch phát biểu: “Chúng ta đã làm tốt, cần làm tốt hơn nữa. Không cầu toàn trong điều kiện chiến tranh, nội dung giảng dạy bám sát thực tiễn và thiết thực”. Bộ trưởng còn nói: “Bộ Y tế đầu tư cán bộ cho trường là đầu tư cho máy cái. Trường cần củng cố, mở rộng loại hình đào tạo để góp phần đáp ứng nhu cầu cán bộ Y tế tại chỗ, trước mắt và lâu dài”.

Vậy mà chỉ ba tháng, sau khi Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch về thăm nói chuyện với Trường Cán bộ Y tế trung cao ông lâm bệnh, rồi từ giã cõi đời khi mới ở tuổi 59. Thật khó tin, nhưng chuyện đó đã xảy ra. Bộ trưởng còn biết bao nhiêu công việc dở dang cống hiến cho dân tộc, đất nước cho đến ngày thống nhất hai miền Nam Bắc. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kể: “Trước khi vĩnh viễn ra đi, bệnh nhân Bộ trưởng chắc phải vừa ý. Suốt thời gian anh bệnh, chúng tôi đã dành cho anh một túp lều sang trọng nhất. Cột kèo đều làm bằng gỗ lột sạch vỏ ngoài trắng tinh, và thẳng tắp, trơn tru. Nóc lợp lá trung quân kết chùm lại, tránh được cái hút nóng của ni lông hay để làm nơi nuôi dưỡng của con mò gây ngứa của nóc lợp cỏ tranh. Hầm núp máy bay kề bên vừa chắc, vừa sạch, dễ làm an lòng người trong lều”. Thế nhưng Phạm Ngọc Thạch vẫn từ chối, tuân theo thói quen của Miền chịu nằm võng để nghe anh em các địa phương về báo cáo. Ông cố gắng ngồi ghế không chỗ tựa lưng làm bằng mấy nhánh cây rừng, tay viết gạch ghi ký chú. Thấy vậy càng thương Phạm Ngọc Thạch, rồi Trần Hữu Nghiệp ngăn:

-         Anh Tư, bệnh cần nghỉ dưỡng. Nếu muốn ghi chép gì, có anh em phụ giúp.

Nhưng, Phạm Ngọc Thạch đáp:

-         Anh chị em từ chiến trường về mệt nhọc, mình phải tôn trọng có lễ độ khi tiếp chuyện.

Là bạn lại thân nhau từ lâu, hiểu nhau từ tính cách, sinh hoạt và nhiều điểm tương đồng giữa Trần Hữu Nghiệp và Phạm Ngọc Thạch là rất rõ. Với Phạm Ngọc Thạch ham đi thực tế, nắm bắt tình hình dù xa xôi tới đâu, khó khăn đến mấy. Phạm Ngọc Thạch là cấp Bộ trưởng, nhưng luôn tôn trọng đồng sự, cấp dưới, ý chí của ông như tên ba má sinh ra “Ngọc Thạch” là đá. Nhưng không phải là đá thường mà là đá Kim cương, luôn lóng lánh, nhưng chan chứa tình yêu thương chân thành. Bác sĩ còn chứng minh người bạn, người anh của mình có sức hút, sức cảm hóa với những người trí thức, nếu ai đó chỉ một lần gặp Phạm Ngọc Thạch. Rồi bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kể: “Dược sĩ Nguyễn Văn Cao, chủ một tiệm thuốc Tây ở chợ Bến Thành, bị tự vệ thành Sài Gòn cưỡng ép tại nhà số 142 Lagrandière nay là (đường Lý Tự Trọng) lên xe hơi Mercury cực sang riêng của ông thời ấy chỉ có hai chiếc, chiếc thứ hai là của Quốc trưởng Bảo Đại, vào chiến khu theo hướng Cầu Bông, để tính toán số tiền thuế thương nghiệp phải đóng cho kháng chiến. Sau một tháng ở chung với Phạm Ngọc Thạch, khi trở về thành ông được chánh quyền mời lên radio nói xấu Việt Minh. Nhưng Nguyễn Văn Cao từ chối, rồi bị tống qua Pháp, nhưng ông tuyên bố thẳng thừng: - Bác sĩ Thạch, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Sài Gòn là bạn cũ, mời tôi vào thăm Khu ở chơi ít lâu, chớ có bị bắt cóc bao giờ mà báo chí trong thành cứ la lối rùm beng”.

Còn nữa, mà theo Trần Hữu Nghiệp biết được, cũng có hàng tá đồng nghiệp theo Phạm Ngọc Thạch bỏ thành phố Sài Gòn ra đi. Sau Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 mới lần lượt trở về nhà, nhưng những người ấy sau này không một ai, trong suốt cuộc đời mình trở thành người xấu đối với kháng chiến. Trái lại một số anh em trở thành chỗ dựa lâu dài cho cách mạng, suốt thời kỳ chống Mỹ như bác sĩ nha khoa Nguyễn Xuân Bái và Dược sĩ Lê Quang Thăng.

Một con người như thế, sao vội đi về cõi xa xăm quá sớm. Và bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ như in, hôm ấy khi đang ngồi làm việc với Tư Phan hiệu phó, một cán bộ y tế túc trực trong trường vội vã tới gặp thông báo: “Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đang trong cơn nguy kịch”. Trần Hữu Nghiệp cùng Tư Phan bung chạy sang lều Phạm Ngọc Thạch. Đúng là ông đang hấp hối. Những cơn đau cuối cùng như những mũi dao làm cơ thể Phạm Ngọc Thạch kiệt sức, trông ông gày sọp, nước da tái sạm, miệng mở hờ nhọc nhằn thoi thóp thở. Biết bạn mình không thể qua khỏi, Trần Hữu Nghiệp gọi lớn:

-         Ai đó ở đâu, tập trung hết đèn bão cho tôi.

Khi người ta gom hết được những chiếc đèn bão cuối cùng có trong trường, Trần Hữu Nghiệp lại nói tiếp:

-         Đốt sáng đèn lên.

Bí thơ chi bộ Tư Phan trực tiếp đốt những ngọn đèn, ánh sáng bừng lên và người ta mới hiểu ra ý đồ của hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp, vì sao ông làm vậy?          

 Phạm Ngọc Thạch mất, Trần Hữu Nghiệp chợt nhớ tới Goethe, một khối óc vĩ đại của Châu Âu vào thế kỷ thứ XIX, khi hấp hối ông đã kêu lên: “Hãy cho tôi thêm nhiều ánh sáng”, mà trong lần được tháp tùng phù tá Bác Tôn sang trời Âu. một chiều mưa mùa Đông ở thành phố Weimar miền Nam nước Đức, khi người hướng dẫn đoàn đến viếng mộ Goethe và Shiller đã nhắc lại. Và lúc người này chỉ vào một ngọn đèn đặt trên mồ trong phòng ánh sáng chan hòa, bất kể ngày hay đêm và cứ vậy hết năm này sang năm khác. Bên ngoài trời âm u và tuyết rơi, nhưng ở đây ấm áp đến nỗi có thể quên đi như ta đang đứng giữa những người đã mất. Anh bạn Đức còn lý giải thêm: “Ánh sáng mà tư duy sắc sảo của người trí thức cần, Đảng của giai cấp công nhân không bao giờ để cho nó tắt?!”. 

Tối mồng 7 tháng 11 năm 1968, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch trút hơi thở cuối cùng, giữa khu rừng già Xóm Giữa, Lò Gò, căn cứ Miền ở Tây Ninh. Dù biết rằng căn bệnh sốt rét ác tính cộng viêm túi mật cấp, đã mấy lần hội chẩn và xác định bằng điện quang cũng như trên triệu chứng lâm sàng, nhưng bổn phận của những người thầy thuốc không ai được phép nói ra cho Bộ trưởng biết. Gần hai tháng trời lâm trọng bệnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ngày nào cũng ghé thăm Phạm Ngọc Thạch. Trần Hữu Nghiệp không thể nào quên hình ảnh Tư Thạch và mình vẫn luôn nở nụ cười động viên dành cho nhau. Rồi họ cũng nhắc lại một nơi nào đó mà cả hai từng đến, từng biết, ở quê hương Long An nơi sinh ra người Bộ trưởng. Hay một chuyện vui cũ xa xăm ở nước Pháp một thời cùng du học, rồi cùng cười vui vẻ và cảm giác tự nhiên bình thản như mới ngày hôm qua.

Té ra căn bệnh của mình Phạm Ngọc Thạch biết hết. Còn Trần Hữu Nghiệp lại cứ bâng khuâng tự hỏi: “Tại sao một trí thức biết mình sắp chết, mà lại có tâm hồn thanh thản, vô tư, dạt dào tình cảm đến như vậy?”. Rồi bất chợt nhớ đến hồi còn ở thành, Trần Hữu Nghiệp có đọc qua bản dịch tiếng Pháp một cuốn truyện, có ít nhiều ảnh hưởng mình đi theo kháng chiến. Rằng nhà soạn nhạc vĩ đại thế kỷ XVIII Tchaikovsky, có ghi trong nhật ký về cuốn sách đó. Ông viết: “Tôi mới đọc xong chuyện - Cái chết của Ivan Ilitch. Hơn bao giờ cả tôi tin rằng nhà văn, họa sĩ lớn thế giới, bất cứ vào giai đoạn nào chỉ có thể là Lep Tonstoi”. “Thật là thiên tài”, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đôi lúc thốt lên như thế. Diễn biến tư tưởng tình cảm của một trí thức Nga tư sản, suốt ba tháng trời nằm trên giường bệnh vì ung thư bao tử mà triệu chứng lâm sàng được tác giả “Chiến tranh và Hòa bình”, tả lại chính xác đến nỗi làm kinh ngạc giới trí thức ngày nay, dù sách tác giả viết từ năm 1886.

Có gì đó trùng hợp, gặp Trần Hữu Nghiệp và những người đến thăm, nhân viên, bác sĩ chăm sóc mình, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch vẫn cười, vẫn vui. Hình như vui, cười là dành cho bạn. Còn ta hiểu, người tri thức như anh Tư Thạch đã sống một quãng đời không có gì phải hối tiếc hay ân hận! Từ cảnh sống đầy đủ tiện nghi ở Sài Gòn, Tư Thạch đi vào kháng chiến nhẹ như lông hồng. Năm 1968 đang ở Hà Nội, Tư Thạch có thể không trở vào Nam, nhưng ông vẫn cố xin đi cho bằng được, bởi người như anh không thể không hòa mình vào cuộc Tổng tiến công nổi dậy của miền Nam? Thật bi thương, bom đạn đã không hạ gục người Bộ trưởng, nhưng căn bệnh sốt rét ác tính cộng viêm túi mật cấp lại đánh bại ông, như một lẽ thường tình “sinh lão bệnh tử”. Và Phạm Ngọc Thạch vui vẻ chấp nhận điều ấy, nên đã viết sẵn bản di chúc cả tháng trước để lại cho người bạn thân nhất, đáng tin cậy nhất, và cũng dặn dò kỹ lưỡng khiến ai đọc được đều trào nước mắt:

“Sau khi tôi chết, đồ đạc của tôi đừng có chôn theo”. Câu đầu tiên ông viết thế. Về tài sản của mình Phạm Ngọc Thạch ghi, trao món này cho người này, món khác cho người khác. Trong di chúc có dặn lại với người thân: “… Còn cái đồng hồ Thụy Sĩ tôi đeo gần hai chục năm nay, tôi gởi biếu anh Chín Nghiệp, để mỗi lần bắt mạch bệnh nhân ảnh khỏi phải chạy đi mượn ở người khác”. Đọc những dòng viết này bác sĩ Trần Hữu Nghiệp bật khóc, rồi thốt lên: “Anh ơi, không phải là tôi hành nghề không sắm được đồng hồ, nhưng nó hư rồi, mà tổ chức lo mua chưa kịp”.

Đám tang bác sĩ, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch tiến hành trong đêm, do cuộc chiến tranh còn đang diễn ra trên khắp mặt trận, học viên và nhiều bác sĩ giảng viên được điều chi viện ra phía trước, tại trường chỉ còn một nhóm người tín cẩn hơn mười người có mặt. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kể: “Chúng tôi phải gỡ những chiếc bàn học của học viên, lấy những tấm ván gỗ dầu để đóng quan tài rồi sơn đen, trên quan tài phủ lá cờ đỏ búa liềm”.

Đêm đó có một cơn mưa bất chợt, nhưng không lớn và không gió. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và cá đồng sự khiêng quan tài Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đi chầm chậm, phía trước có người cầm đèn pin rọi đường, phía sau có hai người cầm đèn bão nhưng che tán bên trên để tránh máy bay thù trinh sát. Tiếng mưa lâm râm rơi bì bộp xuống lá, xuống đầu họ. Những người khênh quan tài đi qua những tán cây rừng cao vọi, đến bên bờ sông Vàm Cỏ Đông rồi dừng lại trong một cái rẫy cũ, an táng Phạm Ngọc Thạch nằm ở đấy.

Thời gian qua đi, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ lại, rồi có viết trong một tác phẩm của mình: “để sau này không nhầm mộ phần anh với mộ phần người khác, chúng tôi đánh dấu bằng những mảnh ve chai, rồi lấp đất lại”.

Trở về ngôi nhà lán của trường suốt đêm ấy, Trần Hữu Nghiệp không tài nào chợp mắt nổi, rồi ra ngoài cửa ngồi đốt thuốc, loại thuốc cuốn của đồng bào tự trồng tự chế biến mỗi lần có người xuống xin khám chữa bệnh đưa tặng, nhưng vì sức khỏe ông đã bỏ từ lâu. Đúng là thuốc ngoài niềm vui với người nghiện, còn làm vơi đi nỗi buồn khi người ta cảm thấy cô đơn, Trần Hữu Nghiệp vừa mất đi một người bạn lớn. Rít một hơi, bỗng ông ho khùng khục, bà Nguyễn Thị Lê nghe tiếng chồng ho ngồi bật dậy, rồi đi tới bên nhẹ nhàng hỏi:

-         Người đi rồi cũng không trở lại nữa, vào nghỉ đi anh.

Biết vậy, làm sao quên được. Nhưng một lát sau bất chợt Trần Hữu Nghiệp, nói với vợ:

-         Anh từng đọc tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng”, của bác sĩ kiêm đại văn hào Nhật Bản Watanabê, ông ấy viết rằng: “Người thầy thuốc chân chính phải vừa là một triết gia, vừa là kẻ tuyên truyền đạo lý làm người”. Nói xong nhìn ra màn trời xa xăm hình như Trần Hữu Nghiệp cũng thấy ai ngoài đấy, té ra trong đầu chồng mình vẫn đang nghĩ tới Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Nhờ bà Lê nhắc mà Trần Hữu Nghiệp dụi vội điếu thuốc đang cầm trên tay, rồi nói tiếp: “Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là người thầy thuốc như vậy. Triết học mà anh thực hiện quả như lời Mác, không phải là đứng ngoài giải thích, mà lăn xả vào cải tạo cuộc đời. Năm phương châm y tế cách mạng anh nêu ra từ năm 1955, đường lối tổ chức y tế và nghiên cứu y học Việt Nam là vài ví dụ điển hình. Đạo lý xử thế của anh với bạn bè là đạo đức dân tộc nghìn xưa. Chuyện Lưu Bình – Dương Lễ ở miền Bắc, tình bạn trong Lục Vân Tiên và chuyện Ngư Tiều Vấn Đáp của lương Y Đồ Chiểu ở miền Nam”.

Năm Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch mất, theo tư liệu thông báo lúc bấy giờ ngoài Hà Nội cũng có cuộc kiểm kê tài sản để đưa vào niêm phong. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Đức Thắng người được giao thực hiện nhiệm vụ cho biết, trong lễ truy điệu: “Ngoài cái đài thu thanh của Bộ cho mượn để nghe tin tức, tìm khắp cả nhà nơi nghỉ, nơi làm việc của Bộ trưởng không có một món đồ nào đáng giá tới một trăm đồng”.

*

30 tết năm ấy, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, rồi dậy thật sớm bận bộ đồ chỉn chu không quên quàng thêm chiếc khăn rằn quanh cổ, sỏ đôi dép râu vừa lãnh rồi bước ra khỏi lán. Đang là mùa Xuân rừng có rất nhiều hoa dại, những bông hoa mới nở còn đẫm sương mai tha hồ chọn lựa, rồi hướng ra bờ sông Vàm Cỏ Đông đến bên mộ anh Tư Thạch. Đặt bó hoa tươi lên trên đó, Trần Hữu Nghiệp thì thầm nói: “Ngày mai lên đường trở lại Tây Ninh, nhưng tôi ao ước có một cây đèn sáp thắp lên thật sáng cắm trước mộ anh trước lúc ra đi”.  

 Mục Lục