15

Trở về Nam lần thứ hai

 

Hà Nội đêm tháng chạp 1964, cái rét đang rất đậm. Nửa đêm bà Nguyễn Thị Lê giật mình tỉnh dậy, bởi hơi ấm của chồng như mọi khi bỗng biến mất? Bà đưa cánh tay quờ sang bên tìm kiếm, không có chồng nằm bên cạnh, rồi hồi hộp bung chăn ngồi dậy khẽ cất tiếng gọi:

-         Anh Chín?

Bóng đêm im lìm, và ngoài trời có tiếng gió se se thổi lùa qua khe cửa mở hờ. Bước vội xuống giường, khoác thêm chiếc áo vào người cho ấm, bà Lê gọi tiếp:

-         Anh đâu rồi?

Vẫn bóng đêm mù mờ lạnh lẽo. Bà Lê đến bên cánh cửa, đưa tay nhẹ nhàng mở vì sợ làm lũ nhỏ đang ngủ phòng bên thức dậy. Bà đi vào phòng khách, sửng sốt nhìn thấy cái bóng đen sẫm Trần Hữu Nghiệp ngồi trong đêm, trên môi lập lòe đóm lửa thuốc lá, mắt nhìn xa vời ngoài đường phố qua khung cửa sổ màn sương giăng bàng bạc.

-         Anh Chín?

Trần Hữu Nghiệp giật thót, khi nghe tiếng vợ gọi từ phía sau. Bà Lê bước nhanh tới bên chồng:

-         Anh làm em sợ quá.

Trần Hữu Nghiệp khẽ mỉm cười, rồi đưa tay nắm chặt bàn tay vợ, đáp:

-         Anh không ngủ được.

Là người vợ, bà Lê hiểu trong tiếng cười ấy của Trần Hữu Nghiệp đang cố giấu điều gì, chỉ là để làm bà bình an lúc này mà thôi. Nghĩ vậy, nên hỏi:

-         Anh Chín, có chuyện gì phải không?

Bây giờ Trần Hữu Nghiệp mới nói thật với bà Lê:

-         Anh định sẽ nói với em.

-         Nói gì? Sao anh giấu em?

Đưa tay vỗ nhẹ vào vai vợ, Trần Hữu Nghiệp sẽ sàng nói:

-         Anh sợ em buồn.

-         Có phải anh định xin trở về Nam không?

-         Sao em biết?

Té ra nhiều ngày nay thấy Trần Hữu Nghiệp đi làm về, rồi lúi húi ở nhà làm việc khuya, đi ngủ muộn, nhưng lên giường nằm lại cứ trằn trọc hoài không thể ngủ, hành động đó không qua mắt được bà Lê. Đúng là vậy, Trần Hữu Nghiệp sắp trở vào Nam, trở về với quê mình sinh ra một lần nữa, và mọi công việc ở trường đang gấp rút bàn giao nay mai. Thương vợ, thương con quá, nên cứ băn khoăn, rồi định chọn thời điểm thích hợp sẽ nói.

-         Sao anh không nói với em? - Bà Lê hỏi.

-         Anh định sáng mai sẽ nói với em.

-         Mai ư?

-         Anh lo nhất, nếu anh đi em và các con sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Bà Lê bỗng nghe tim mình đập dồn dập. Nước mắt bà ứa ra, vì tình yêu thương của chồng thật vô bờ bến.

Kể từ ngày, gia đình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tập kết ra Bắc tính đến nay đã già chín năm. Chín năm trên đất Bắc, Trần Hữu Nghiệp đảm đương rất nhiều chức vụ của Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế giao cho, nhưng nhiệm vụ chủ yếu là hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế Trung ương, nơi đào tạo cán bộ Y tế cho cả nước. Từ trường này, đã có hàng ngàn học sinh tốt nghiệp ra trường, trong đó có một lực lượng lớn là cán bộ Y người miền Nam nay có trình độ từ Y sĩ, Bác sĩ. Đội ngũ chuyên môn này sau khi tốt nghiệp, nghe theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, hầu hết xung phong trở về miền Nam phục vụ. Trần Hữu Nghiệp cũng trực tiếp tiễn hàng trăm học trò như thế trở về Nam, nhìn họ ra trận một cách hăm hở, nhìn họ ra trận với ý chí tinh thần tự nguyện, mà đôi lúc ông cũng tự hỏi mình? Nay thì rõ rồi, vì sao Bộ Y tế giao cho mình ngoài công việc chính là hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế Trung ương, còn được bổ nhiệm thêm chức vụ Phó Chủ nhiệm khoa nội bệnh viện Bạch Mai từ tháng 4 năm 1964, làm việc bên cạnh giáo sư Chủ nhiệm khoa Đặng Văn Chung, và nhiều thầy thuốc giỏi khác. Rõ ràng việc kiêm nhiệm ấy, Bộ Y tế mà trực tiếp là bác sĩ Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, muốn Trần Hữu Nghiệp có thêm những kiến thức về công tác tổ chức, những kinh nghiệm thực tiễn chuyên môn, chờ một dịp nào đó để đưa Trần Hữu Nghiệp trở lại miền Nam.

Và việc đó đã đến. Năm 1965 trên chiến trường miền Nam, “chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính phủ Sài Gòn hoàn toàn thất bại, giờ chúng chuyển sang “chiến lược chiến tranh cục bộ” đưa quân viễn chinh ào ạt vào miền Nam trực tiếp tham chiến. Những người như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp càng cần “xuất tướng”. Đúng như bà Nguyễn Thị Lê, vợ của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, đã thôi thúc ông trở về Nam lần nữa. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trở về Nam còn một nguyên nhân khác, đó là lòng tin tưởng của bác sĩ Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Chính Phạm Ngọc Thạch là người thiết kế, đưa Trần Hữu Nghiệp vào nắm các nhiệm vụ từ khi ra miền Bắc, để rồi hôm nay Trần Hữu Nghiệp có đủ khả năng trở về đảm nhiệm tiếp những công việc mà chiến trường Nam Bộ đang cần.  

Đêm ấy vợ chồng Trần Hữu Nghiệp ngồi bên nhau đến sáng, cái rét mùa Đông miền Bắc làm họ càng nhích lại gần nhau hơn, bà Lê lọt thỏm trong vòng tay to lớn của Trần Hữu Nghiệp. Có lúc cả hai đều lặng im, chỉ nghe tiếng con tim hòa vào nhau đập thình thịch trở về với bao kỷ niệm ngày họ mới quen nhau, rồi yêu,  rồi cưới. Khi những đứa con lần lượt chào đời trong bưng biền gian khổ, chạy bom đạn địch càn liên tục. Tập kết ra miền Bắc, cả gia đình được sống quần tựu bên nhau suốt gần mười năm, các con được đến trường, dẫu điều kiện còn khó khăn, nhưng vẫn thấy tràn ngập yêu thương hạnh phúc. “Anh định nói với em, để xin về Nam”. Lời Trần Hữu Nghiệp giống như một lời cầu khẩn, sao bà không ủng hộ chứ? Anh phải đi, vì trong ấy còn bao nhiêu gia đình, bao nhiêu đồng bào mình đang sống trong sự kềm kẹp của kẻ thù. Bà Lê nghĩ vậy. Rồi nhẹ nhàng gỡ khỏi vòng tay chồng, nhìn lên khuôn mặt đăm chiêu của Trần Hữu Nghiệp mờ mờ trong bóng đêm, nói:

-         Em đồng ý, nhưng…

Trần Hữu Nghiệp nhìn vợ mừng rỡ, rồi hỏi:

-         Đồng ý, sao còn nhưng?

Bà Lê đáp:

-         Chờ vài năm nữa, khi các con mình đủ hiểu, lớn khôn hơn, em cũng sẽ vào công tác cùng anh nhé?

Câu hỏi của vợ thật bất ngờ, Trần Hữu Nghiệp chưa bao giờ nghĩ tới, nhưng trước mắt cứ để vợ vui, rồi ông đáp:

-         Đồng ý!

Đầu hồi nhà trên mái gianh, có tiếng chim kêu lích chích báo hiệu trời sắp sáng. Cây phượng vĩ trước cửa nhà cũng nghe tiếng chim chào mào hót xôn xao, ngoài đường thấp thoáng có bóng người xe qua lại. Bà Nguyễn Thị Lê vội vã đứng dậy, rồi đi tới trước cửa phòng mấy đứa nhỏ gọi vào:

“Kiều Dung, Kiều Miên, Kiều Lan, sáng rồi, dậy chuẩn bị đến trường học”.

*

Gia đình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sau bữa ăn sáng, bà Nguyễn Thị Lê tiễn các con đi học, rồi đến bệnh viện B Trần Phú (Bệnh viện nhi) làm việc. Bên ngoài cổng chiếc xe công vụ cũng vừa đến đón hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp, theo kế hoạch hôm nay sang văn phòng Bộ làm việc với Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch. Là bạn thân thiết của nhau, từng có những giai đoạn hoạt động tại chiến trường, cùng cam cộng khổ, xây dựng ngành Y tế Nam Bộ, vì vậy họ không giấu nhau điều gì, ngay cả việc ý định xin trở về Nam công tác của Trần Hữu Nghiệp, thật ra cả hai đã bàn rất kỹ từ trước. Việc họ gặp nhau hôm nay chỉ là vấn đề thủ tục, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch sẽ thông báo quyết định cuối cùng và ngược lại cũng muốn nghe Trần Hữu Nghiệp thu xếp việc gia đình tốt rồi hay chưa. Vì vậy khi Trần Hữu Nghiệp vừa bước vào phòng, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã hỏi:

-         Bả đồng ý chưa Chín (Chín Nghiệp)?

Trần Hữu Nghiệp, đáp:

-         Rồi anh Tư (Tư Thạch).

-         Nhưng sao trông còn ủ ê thế?

Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, bắt mạch đúng chóc tâm trạng thần thái của người bạn mình. Trần Hữu Nghiệp không phủ nhận điều ấy, nguyện vọng đề đạt được trở về Nam Bộ công tác là chấp nhận mọi điều kiện, đặc biệt là dám chấp nhận hy sinh trong điều kiện ác liệt ở chiến trường. Nhưng suy cho cùng, con người đâu phải sỏi đá, trong thâm tâm Trần Hữu Nghiệp vẫn thương các con còn nhỏ, Ngọc Lê cũng sẽ vất vả thêm nhiều khi vắng chồng, nên đáp:

-         Tụi nhỏ còn thơ dại quá anh Tư.

Trần Hữu Nghiệp nói đúng, nhưng cũng là lẽ đương nhiên, người làm ba làm má ai chẳng vậy. Nghĩ thế, nên Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch nói:

-         Mình biết, hỏi vậy thôi. Mình tin Ngọc Lê sẽ làm tốt. Bộ ngoài này cũng sẽ chú ý hơn, nhưng đã quyết tâm thì đừng lấn cấn nhiều nhé?

Sợ Tư Thạch hiểu lầm, nên Trần Hữu Nghiệp vội nói:

-         Anh Tư, tôi sẵn sàng rồi!

-         Hà hà, tốt. Nhưng Chín đã báo cáo với bên Vụ I chưa?

Trần Hữu Nghiệp đáp:

-         Rồi anh Tư. Tôi đã có thư gởi anh Nguyễn Văn Sáu, Vụ trưởng vụ I.

Nghe vậy, Phạm Ngọc Thạch cười, rồi bảo:

-         Nhưng mình vẫn phê bình Chín dám nói dối Ngọc Lê, khi chưa có sự đồng ý của bả. 

Trần Hữu Nghiệp cười xòa, chống chế:

-         Tôi biết thế nào Ngọc Lê cũng chịu, mình đi trước một bước càng nhanh càng tốt mà anh Tư.

Đúng là vậy. Trần Hữu Nghiệp đã viết một bức thư tay, vì thời đó việc đánh máy chữ ở cơ quan cũng khó bảo mật, nhưng viết bằng tay còn thể hiện được tâm nguyện tinh thần mạnh mẽ, như rất nhiều trai tráng thanh niên miền Bắc bấy giờ muốn lên đường nhập ngũ xung phong ra chiến trường, họ đã cắn vào tay mình lấy máu để viết đơn. Lá thư Trần Hữu Nghiệp chính là thể hiện được tinh thần quyết tâm như thế. Phải nửa thế kỷ sau, ngày thống nhất đất nước bức thư này được tìm thấy tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, ở thành phố Hồ Chí Minh. 

Và đây là toàn văn bức thư:

“Ngày 11-6-1965

Anh Sáu thân mến

Tôi đã sẵn sàng, và nếu được đi về trong ấy càng sớm càng tốt, vì theo lời anh Thạch phải cố gắng mở lớp bổ túc lên cao cho anh em trong ấy, bên cạnh chuyên môn về Nội ở Trung ương Cục. Nhưng nghe ra hình như có khó khăn về đường đi. Theo kế hoạch của Khoa (Bệnh viên Bạch mai), thì ngày 20 tháng 6 này tôi phải đi Lao kay và Yên báy 14 hôm, để nghiên cứu về bướu cổ và chỉ đạo ngành cho miền núi.

Từ 21 đến ngày 30 tháng 6 tôi ở Lào Kay, có đi mỏ Apatít độ 5 ngày và từ ngày 1 tới ngày 3 tháng 7 về Ty Y tế Yên Báy. Nếu có cơ hội tốt để lên đường sớm đi công tác B, thì anh nên “a lô” cho Bệnh viện để ngăn kế hoạch của khoa về phần tôi lại. Còn như tới ngày 4 tháng 7 chưa có gì thay đổi, thì anh cứ để yên tôi đi Lào Kay về sẽ hay.

Nếu lúc tôi đang ở Lào Kay (từ ngày 20 tới ngày 30 tháng 6), có gì đột xuất (có cơ hội tốt) theo kiểu Madame thủ lúc no, thì anh điện lên Lào Kay tôi sẽ về ngay Hà Nội nhé. Nhớ giùm.

Thân mến

B.S. Nghiệp

Khoa nội B. V. Bạch Mai”.

Chuyến vào Nam năm 1947, như bác sĩ Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch nói họ là một lớp “cán bộ mùa Thu” (tức Cách mạng tháng tám là vào mùa Thu), chuẩn bị cho cuộc “vạn lý” vượt Trường Sơn vào Nam công tác. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (Chín Nghiệp), Nguyễn Duy Liên (Tư Hiếu), Trần Ngọc Đăng (Chín Hưng), Bùi Sĩ Hùng (Hai Bùi), Dương Quang Trung (Hai Ngọ), Nguyễn Kim Phát… , lại lên rừng vùng núi Sơn Tây luyện tập, đeo ba lô gạch, chống gậy, vượt suối, trèo đèo như những ngưỡi lính để thích nghi với điều kiện chiến trường. Cứ một tuần Trần Hữu Nghiệp lại về thăm nhà một lần. Theo bà Nguyễn Thị Lê, vợ bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói “anh rất vui và háo hức”, nhưng nhìn chồng bà biết trong thẳm sâu tim Trần Hữu Nghiệp vẫn lờ mờ một nỗi “sợ hãi” lại vuột mất gia đình một lần nữa. Nên khi hết kỳ rèn luyện thể lực chờ lệnh vào Nam, đêm cuối cùng trong căn phòng ngôi nhà tập thể khu dành riêng cho gia đình Cán bộ lãnh đạo nhà trường, bà Nguyễn Thị Lê nói với Trần Hữu Nghiệp: “Anh cứ yên tâm lên đường, em sẽ mãi mãi là người vợ chung thủy, em sẽ chăm lo cho các con mình chu toàn. Em cũng hứa với anh, khi Kiều Lan con út của vợ chồng mình lớn hơn chút nữa, ba chị em chúng đủ sức đùm bọc cho nhau, học hành đến nơi đến chốn trở nên hữu ích, em sẽ vào bên anh”.

Vậy là an tâm. Một buổi tối cuối năm 1965, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đến thăm chào tạm biệt bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Thứ trưởng Bộ y tế, Cục trưởng cục Quân Y tại nhà riêng ở phố Phan Đình Phùng, Hà Nội. Gặp nhau hai người trò chuyện thân thiết khá lâu, rồi bác sĩ Vũ Văn Cẩn nói:

-         Biết cậu đi từ lâu, nhưng ngày lên đường đột ngột quá, không biết lấy gì tiễn nhau.

Nói xong, rồi ông đứng dậy đi vào nhà trong khi trở ra trên tay cầm một gói nhỏ, đặt vào lòng bàn tay Trần Hữu Nghiệp, giọng ông ấm áp chân tình nói:

-         Ở nhà còn một ít sâm Triều Tiên dành cho bà cụ, mình ngoài này sẽ tìm cái khác cho cụ sau. Đường đi dài, vào trong đó chiến trường gian nan vất vả lắm, nhớ giữ gìn sức khỏe nhé.

Hà Nội đang mùa Đông càng về khuya cái rét càng đậm, hơi sương đọng trên lá hàng cây ngoài phố rỏ xuống những giọt nước nghe lộp bộp. Lúc tiễn Trần Hữu Nghiệp ra về, Thứ trưởng Vũ Văn Cẩn vẫn đi ra tận cổng, rồi ôm lấy Trần Hữu Nghiệp, tình cảm họ dành cho nhau thật lưu luyến.

Vài ngày còn lại trên đất Bắc tiếp theo, Trần Hữu Nghiệp đến thăm và chia tay chào tạm biệt ông Phạm Văn Bạch, Chánh án tòa án tối cao, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, hôm đó cũng có cả bà Nguyễn Thị Lê, Trần Kiều Dung, Trần Kiều Miên và con gái út Trần Kiều Lan cùng đi. Tình cảm đồng hương, đồng chí, lại sắp phải xa nhau ngàn dặm, Phạm Văn Bạch mời cả gia đình Trần Hữu Nghiệp ra nhà hàng BODEGA bờ Hồ chiêu đãi. Ký ức tuổi thơ xưa cứ nhớ mãi cái lần đó thật vui, rằng đây là lần đầu tiên trong đời Trần Kiều Lan được ăn món thịt chim bồ câu quay sao ngon thế. Bữa cơm thật tuyệt vào cái thời đất nước còn kháng chiến, sao có thể phai mờ được.

Thế rồi ngày đi cũng đến. Buổi sáng ngày 19 tháng 12 năm 1965, bà Nguyễn Thị Lê đi tiễn chồng ra điểm tập kết cùng đoàn cán bộ vào Nam. Hôm đó bà mặc một chiếc áo dài màu xanh thiên thanh, cổ quàng chiếc khăn nylon màu vàng món quà đó, do chính bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trong một lần đi công tác Tiệp Khắc mua về tặng vợ. Màu áo, màu khăn hợp với nước da bà trắng bóc, càng tôn lên vẻ đẹp sang trọng, quí phái làm bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mãi không bao giờ quên. Tiễn chồng mấy tiếng sau bà Nguyễn Thị Lê mới trở về nhà, gặp các con gái bà mới thông báo cho các con mình biết: “Ba các con đi B rồi”. Nghe vậy, ba chị em đều khóc, trong đó Trần Kiều Miên khóc dữ nhất, không những thế còn cứ ôm bộ đồ của Ba vừa khóc vừa hít hà như cố tìm hơi ấm còn vương trên đó. Khóc, đúng là khóc như mưa, khóc đến nỗi cả tuần sau đôi mắt Kiều Miên vẫn còn sưng húp. 

*

Đầu năm 1966, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và những người cùng đi về tới căn cứ Miền (B2) một ngày đúng buổi trưa. Vừa đặt ba lô xuống một chiếc ghế ghép bằng thân cây tràm, bỗng nghe một giọng quen quen ai đó hỏi:

-         Chín mạnh giỏi chớ?

Ngửng mặt nhìn lên, nhận ra người vừa hỏi là bác sĩ Nguyễn Văn Thủ (Bảy Thủ), Trưởng ban Y tế Trung ương cục, Ủy viên Đảng ủy Ban Y tế miền Nam.

Nguyễn Văn Thủ, sinh ra trong một gia đình khá giả ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, rồi cả gia đình sang sinh sống tại Pháp, học lên cao đỗ tú tài thi vào trường Y khoa Paris, học ngành Nha Khoa răng hàm mặt. Nhưng sớm giác ngộ cách mạng, rồi tham gia vào phòng trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Năm 1942 bàn giao lại công tác Việt kiều cho tổ chức, rồi về nước liên lạc bắt mối với nhóm bác sĩ Phạm Ngọc Thạch bấy giờ đang hoạt động bí mật ở Sài Gòn. Tháng 4 năm 1944, nhóm này tổ chức phong trào Thanh niên Tiền phong Sài Gòn – Chợ Lớn, Chủ tịch là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, phó chủ tịch bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, Ủy viên nhóm Thái Văn Lung. Cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, Nguyễn Văn Thủ được cử làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành hành chính Nam Bộ. Khi Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông giữ chức Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn – Chợ Lớn, phân công phụ trách Y tế và kinh tế.

Năm 1953 Nguyễn Văn Thủ làm Phó giám đốc Sở Y tế Nam Bộ, khi đó bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng là Phó giám đốc Sở, nên họ là những người bạn công tác dưới sự điều hành của giám đốc sở bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. Năm 1954 bác sĩ Nguyễn Văn Thủ tập kết ra Bắc, rồi giữ nhiều chức vụ trong lĩnh vực Y tế chuyên ngành răng hàm mặt, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ. Năm 1964 bác sĩ Nguyễn Văn Thủ vào Nam, nhưng ông không đi bằng đường bộ mà đi bằng đường biển, trên “tàu không số” Đoàn 125 Hải quân thời gian có sáu ngày vào bến Cồn Tra, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Giờ gặp lại nhau ở chiến trường, Trần Hữu Nghiệp ôm chặt lấy bác sĩ Bảy Thủ, tình cảm bạn bè chân thành thân thiết.  

-         Bảy hả.

Trần Hữu Nghiệp gọi tên thân mật, dù thiếu kính ngữ, nhưng họ là bạn, xét về tuổi tác Chín Nghiệp còn lớn hơn Bảy Thủ tới bốn năm.

-         Tôi biết Chín vào, mừng quá.

Họ mừng còn một lý do khác, bắt đầu từ ngày hôm nay sau hơn mười năm từ khi tập kết ra Bắc, cả hai lại được trở về Nam, cùng sát cánh bên nhau công tác, trong tình hình chiến trường nóng bỏng chống lại quân viễn chinh Mỹ. Đúng vậy, đối tượng bây giờ đương đầu không phải là người Pháp, mà là đế quốc Mỹ ranh ma xảo quyệt nguy hiểm hơn nhiều, có tiềm lực quốc phòng mạnh nhất hành tinh. Dù thế, hơn mười năm qua từ sau Đồng Khởi Bến Tre, Trung ương có nghị quyết 15 rất kịp thời, cuộc chiến không còn đơn thuần đấu tranh chính trị nữa mà là kết hợp ba mũi giáp công, Chính trị, Quân sự và Binh địch vận. Trên chiến trường quân giải phóng có thêm nhiều đơn vị chủ lực mới thành lập, chi viện của miền Bắc vào Nam ngoài đường Hồ Chí Minh Trường Sơn, còn có thêm con đường vận chuyển trên biển “Đoàn tàu không số” của binh chủng Hải quân. Những con tàu không số ngày đêm âm thầm, lặng lẽ, len lỏi nghi binh đánh lừa không quân địch đưa được hàng trăm chuyến tàu, chở hàng ngàn tấn vũ khí cập vào các bến bí mật tại nhiều tỉnh duyên hải Nam Bộ thành công.

Nhờ có được trang bị vũ khí hiện đại từ miền Bắc, quân Giải phóng đã đập tan nhiều cuộc hành quân qui mô lớn của địch đánh vào vùng Giải phóng. Tiêu biểu nhất là trận càn của địch mang tên Chiến dịch “Phụng Hoàng TG.1”, chúng huy động tới 20 ngàn quân, có xe tăng, xe thiết giáp và không quân yểm trợ đánh vào căn cứ Khu 8, huyện Thanh Phú, tỉnh Bến Tre, bắt đầu từ ngày 31 tháng 12 năm 1963. Trận càn của địch là nhằm tiêu diệt lực lượng ta, phá hủy hoặc tịch thu kho vũ khí của Quân giải phóng mà theo tin tình báo chúng nắm được, ta còn 300 tấn vũ khí do những con tàu không số vận chuyển vào đang cất giấu tại Cồn Tra, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Kết quả sau hơn hai chục ngày đêm kiên cường chiến đấu với địch, quân giải phóng bẻ gãy cuộc càn quét tiêu diệt 1.200 tên lính địch, thu trên hai trăm khẩu súng các loại, bắn rơi 47 máy bay trực thăng, một máy bay trinh sát chỉ huy chở tên Đại tá Lye, cố vấn quân sự Hoàng gia Anh bị tử trận. Bị thua đau trên chiến trường, quân Mỹ và quân Ngụy Sài Gòn buộc phải chuyển từ chiến tranh “đặc biệt” sang chiến tranh “cục bộ”.

Tháng 8 năm 1964, Mỹ dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, vu cáo ta tấn công tàu Ma Đốc nằm ngoài hải phận quốc tế, rồi mở rộng cuộc chiến tranh đánh phá bằng không quân ra miền Bắc. Ở miền Nam năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến. Đúng như những gì trước lúc lên đường vào Nam, trong buổi làm việc cuối cùng với Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch, nói với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp: “Địch cơ động bằng trực thăng, thì ta cơ động bằng tổ chức ở dưới đất, tức là chúng ta phải xây dựng mạng lưới của chúng ta, đủ bao phủ ở khắp miền Nam này”. Bộ trưởng còn căn dặn cụ thể: “Muốn được như vậy, ta phải tuyển người tại chỗ, đón anh em từ chiến trường lên và đào tạo có chuyên môn trở về lại phục vụ chiến trường”. Tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch mang tầm chiến lược, rõ ràng nếu không làm được chúng ta luôn bị động mà bị động tức là chết! Sự trở về Nam của bác sĩ  Nguyễn Văn Thủ, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và nhiều cán bộ Y tế khác trong những năm cuối thập kỷ bảy mươi, chính là nhằm thực hiện yêu cầu đó.

Nghỉ sức được một hôm, thực tế cũng không nghỉ phút giây nào chỉ dành thời gian để nhận chỗ ở, chỗ làm việc, rồi Trần Hữu Nghiệp gặp gỡ làm quen anh em bạn bè trong cơ quan. Sáng hôm sau tham dự một cuộc họp của Ban dân Y Miền ngay, nội dung trọng tâm thảo luận nhiệm vụ Y tế trong tình hình mới, theo đó công tác đào tạo nguồn nhân lực trở thành mục tiêu cấp bách cả cho trước mắt và lâu dài. Chủ trì hội nghị là bác sĩ Bảy Thủ, Trưởng Ban dân Y Miền, cái chức đó ông từng giữ từ năm 1947, năm 1954 tập kết ra Bắc, năm 1964 trở vào lại ngồi vào ghế cũ mà thôi, nhưng khi đó gọi là “Sở Y tế”. Trong hội nghị, bác sĩ Bảy Thủ đặt vấn đề: “từ nay Miền không chỉ tiếp tục mở trường đào tạo cán bộ sơ cấp, trung cấp hệ Y sĩ, mà phải tiến hành ngay mở lớp đào tạo cao hơn là Cán bộ Y tế có trình độ bác sĩ”. Không khí thảo luận trở nên hào hứng, cuối cùng đều đồng thuận thống nhất cao với để nghị của Trưởng ban dân Y Miền Bảy Thủ. Ít ngày sau hội nghị, Bảy Thủ đến gặp bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói:

-         Lãnh đạo Miền đồng ý chọn Xóm giữa, vùng Lò Gò làm nơi mở trường, Chín thấy vậy có sớm và ổn không?

Không ngờ Bảy Thủ đặt vấn đề thực hiện nhanh đến thế, nhưng quan trọng ông tin tưởng Trần Hữu Nghiệp. Thực ra cũng không có gì là lạ, cách đây mười năm lúc chưa tập kết ra Bắc, câu hỏi ấy Trần Hữu Nghiệp sẽ trả lời được ngay, nhưng giờ đã khác. Chiến trường cũng thay đổi lớn, tương quan lực lượng ta có mạnh hơn, nhưng địch cũng không như hồi đó, quân Mỹ đã nhảy vào còn chưa nói tới lực lượng quân đồng minh của chúng. Khắp miền Nam, khắp Nam Bộ, chúng rãi lính khắp nơi, trên trời máy bay trinh sát vo ve suốt ngày đêm, trên sông tàu chiến cũng thường xuyên tuần tra tuần tiễu, nếu ta mất cảnh giác là lãnh đủ, nhưng trên đã quyết, chắc chắn có tính toán rất kỹ. Nghĩ vậy, Trần Hữu Nghiệp mới đáp:

-         Các anh đã quyết, chắc chắn có tính toán kỹ. Tôi mới vào chưa nắm chắc, tham gia e là không khách quan lắm. 

Nguyễn Văn Thủ, nhìn Trần Hữu Nghiêp khẽ mỉm cười, rồi nói:

-         Chín nói vậy cũng phải, về nhân sự Ban dân Y Miền phân công Chín và Sáu Tấn trực tiếp phụ trách.

 Trần Hữu Nghiệp đáp:

-         Trên phân công tôi xin chấp hành.

Công việc sau đó diễn ra rất suôn sẻ, Sáu Tấn, Trần Hữu Nghiệp bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ, tiến hành chiêu sinh Khóa I đào tạo trình độ Bác sĩ. Sau một tháng học viên từ các Khu về, nhưng nhiều nhất vẫn là Khu 8, Khu 9 tổng cộng được 17 người, và hầu hết là Cán bộ Y tế có trình độ Y sĩ, có nhiều thành tích trong phục vụ chiến trường. Về nội dung đào tạo, phân công bác sĩ Sáu Tấn là giảng viên chính về Ngoại khoa, vì ông là bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức quản lí, đào tạo, ngày còn công tác ngoài miền Bắc với chức danh Giám đốc bệnh viện Saint Paul Hà Nội. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng vậy, nguyên là hiệu trưởng trường Cán bộ quản lí Y tế Trung ương, đào tạo hàng ngàn y sĩ, bác sĩ cho cả nước. Đặc biệt Trần Hữu Nghiệp, còn có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức công tác đào tạo học viên y tế ở điều kiện khó khăn, gian khổ, tại chiến trường Nam Bộ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, sẽ là giảng viên chính về nội khoa. Qúa trình đào tạo trường cũng mời thêm nhiều bác sĩ khác tham gia giảng bài, hiện đang công tác ở hai bệnh viện Miền như Hoàng Lê Kha và bệnh viện Liên Cơ. Xuất phát từ điều kiện thực tế, trường chủ trương chọn lọc biên soạn bài giảng, lấy yêu cầu thực tiễn làm mục tiêu như vấn đề ngoại khoa, chấn thương, biết cấp cứu khi người dân, chiến sĩ, bị bom đạn địch và biết chữa trị các bệnh thông thường hiện đang khá phổ biến.

*

Thành công của Khóa I đào tạo bác sĩ, đã khích lệ tinh thần và rút ra bài học kinh nghiệm tốt, để chương trình đào tạo tiếp. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói: “cuối năm 1966, Ban Y tế được lãnh đạo Miền đồng ý thành lập Trường Cán bộ Y tế trung cao, và bổ nhiệm bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm hiệu trưởng. Những cán bộ Y tế từng sống, chiến đấu, công tác trong thời kỳ này không ngạc nhiên vai trò của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm hiệu trưởng, cho đó là sự lựa chọn chính xác! Chính xác vì chỉ có ông là người phù hợp nhất. Với kiến thức chuyên môn của một thầy thuốc giỏi, từng được đào tạo bài bản, rồi lấy bằng “đốc tờ” Paris năm 1937. Lại có năng khiếu bẩm sinh người truyền lửa, giàu nhiệt huyết của một nhà giáo.

Điều đó đúng. Đúng vì ngay từ những ngày đầu đi ra kháng chiến năm 1945, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lập tức được tổ chức tín nhiệm, giao nhiệm vụ mở lớp dạy nghề Y tá ở An Hóa, tỉnh Mỹ Tho. Năm 1946, vượt biển ra Bắc xin vũ  khí vào Nam Bộ. Năm 1947, trở về Nam được cử làm Phó Sở Y tế Nam Bộ, rồi về Khu 8 trực tiếp mở nhiều lớp Y tá ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Năm 1954 lại tập kết ra Bắc, hai năm sau (1956) được giao hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lí Y tế Trung ương tại Hà Nội. Những năm làm hiệu trưởng ở trường, là những năm Trần Hữu Nghiệp tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm cả chuyên môn và công tác tổ chức. 

Ở vai trò hiệu trưởng, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ngoài nhiệm vụ phụ trách chung, còn trực tiếp giảng dạy các môn Y học lâm sàng. Ban dân Y cũng bổ nhiệm bác sĩ Huỳnh Văn Lai (Tư Phan) làm hiệu phó kiêm Bí thư chi bộ, phụ trách khối bổ túc văn hóa và Y học cơ sở. Nhiều bác sĩ khác như Trần Văn Sáng phụ trách môn ngoại. Bác sĩ Nguyễn Thị Trúc phụ trách môn nội. Bác sĩ Trịnh Bình, làm trưởng khoa giáo vụ và dạy môn mô học. Bác sĩ Đào Hoàng Thư, chuyên khoa tai mũi họng dạy hóa học. Để phối hợp với nhà trường, hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp làm việc với Ban giáo dục Miền mời thêm một số giáo viên sang giảng dạy các môn văn hóa, thầy Lê Trà Sơn dạy môn Lý. Thầy Nguyễn Vựng dạy môn Hóa. Thầy Phan Huy Tùng dạy môn Văn… . Đa số các giáo viên kể trên đều tốt nghiệp Đại học trong các trường chính qui ngoài miền Bắc, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình giúp học viên tiếp thu nhanh. 

Tháng 8 năm 1967, nhà trường bắt đầu mở lớp chiêu sinh đào tạo hệ Bác sĩ khóa II. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ lại, năm ấy trường triệu tập khoảng 60 anh em học viên. Trình độ chuyên môn, văn hóa, khá giống như khóa trước, hầu hết học viên điều là Y sĩ từ Long An mật danh (T2), Đồng bằng sông Cửu Long (T3), khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn (T4). Thời bấy giờ việc được điều động học viên từ các địa phương về trường học ai cũng mừng, nhưng để đến được trường học không hề dễ dàng. Bác sĩ Tạ Thị Chung, Anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân là một trong những học viên khóa II nhớ lại: “Các học viên từ các địa phương phải vượt qua bao chặng đường máu lửa, người đi bộ, người đi ghe đi thuyền, lách qua kênh rạch ban đêm nơi có đồn bốt lính canh của địch. Trên đường đi nhiều anh chị em phải nằm lại ở mương vườn, bờ ruộng, dòng sông, cánh rừng xa hút…”.

Học sinh các Khu về học người đến trước, người đến sau, đều bắt tay ngay vào làm lán trại để ở. Trường nằm trong cánh rừng rậm rạp, những học sinh nam khỏe mạnh hơn thì đào giếng lấy nguồn nước ăn, bộ phận khác chặt cây rừng làm kèo cột, làm bàn ghế học. Các học trò nữ đi lấy lá trung quân về kết thành tấm lợp nhà, đây là loại lá cây chịu mưa chịu nắng rất tốt, đặc biệt gặp lửa không cháy. Nhưng gọi nhà cho hoành tráng, thực ra chỉ là những cái lều, mỗi học viên, giáo viên ở một lều, và mỗi lều như thế cách xa nhau chừng vài ba chục mét, do chiều cao thấp, cây rừng lại rậm rạp, nên máy bay địch cũng rất khó phát hiện. Đêm nằm ngủ đều dùng võng, bên cạnh võng dưới đất đào sẵn một cái hầm, ban đêm đang nằm ngủ nghe tiếng máy bay là lăn ngay xuống núp. Hội trường lớp học lợp hai mái, xung quanh có giao thông hào, đào sâu tới ngang tầm ngực tránh máy bay địch ném bom, hay pháo bắn từ xa tới.

Khóa II đào tạo bác sĩ chia thành hai lớp, dù tất cả đều có giấy xác nhận chuyên môn là Y sĩ, nhưng do trình độ văn hóa chưa đồng đều, trường sắp xếp những người chưa tốt nghiệp chương trình trung học vào cùng một lớp, để được bổ túc văn hóa thêm trước khi bước vào học chuyên môn. Khó khăn gian khổ như vậy, nhưng chỉ sau một năm học tập, một trăm phần trăm học viên đều nắm bắt được cả phần lý thuyết lẫn thực hành.

Kết quả hai khóa học đào tạo bác sĩ do Ban Y tế Miền thành lập, trực tiếp là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm hiệu trưởng đã đào tạo thành công gần một trăm bác sĩ. Năm 1967, khi Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch vào miền Nam, ông đến thăm biểu dương Ban Y tế Miền chủ động sáng tạo và rất kịp thời. Hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp vẫn nhớ. Khóa II kết thúc nhiều anh chị em bác sĩ kịp trở về cơ sở, tham gia ngay vào chiến dịch lớn trên toàn miền Nam Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, ta giành thắng lợi vang dội.

 

 Mục Lục