ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 37 (16-9-1989)

 

ÂM NHẠC: GIÁO DỤC HAY ÁP ĐẶT?

DƯƠNG VIẾT Á

Hàng năm, cứ đến dịp kỷ niệm những ngày lịch sử trên các phương tiện truyền thông thường phát những chương trình ca nhạc với nội dung tương ứng. Tác dụng của những chương trình đó là hiển nhiên vì nó đã phát huy những ưu thế và khả năng của khoa học kỹ thuật và nghệ thuật trong việc giáo dục tư tưởng thông qua truyền thống lịch sử. Hiển nhiên vì nó đã tận dụng tối đa chức năng giáo dục của nghệ thuật - người nghe không cảm thấy bị giáo dục mà như được thưởng thức nghệ thuật; và qua những rung động thẩm mỹ, cảm xúc thẩm mỹ, trái tim người nghe được đánh thức dậy để tiếp nhận một nội dung tư tưởng, một cách cảm nhận hiện thực nhất định. Như vậy tính tự nguyện của người nghe được phát huy - thái độ chủ động thay thế thái độ thụ động trong việc tiếp nhận sự giáo dục.

Song, đã đến lúc nên nhìn nhận và đánh giá lại tác dụng hiển nhiên ấy! Hình như cách làm ăn đó đã trở thành lối mòn - một chiếc gối nhàn hạ cho các biên tập viên và người dàn dựng chương trình! Cứ đúng đến ngày tháng ấy thì mở chương trình ca nhạc ấy - cứ thế mà phát lên sóng truyền thanh, truyền hình. Hình như cách làm ăn ấy không chỉ riêng trong lĩnh vực âm nhạc mà cũng xuất hiện trong các lĩnh vực nghệ thuật khác nữa: sân khấu, điện ảnh, nghệ thuật tạo hình - và còn trên các báo chí, kể cả tạp chí, tập san nghiên cứu. Giá như những chương trình ấy có chất lượng thì khỏi phải bàn, đằng này có một cái gì đó mang tính chất đối phó, chiếu lệ, qua chuyện. Bởi thế, đã có người nó đùa rằng đấy là những chương trình "cúng cụ".

Kết quả là tác dụng giáo dục bị hạn chế, vì thực chất đấy không phải là giáo dục mà là áp đặt, thái độ tự nguyện, chủ động của người nghe đã không được coi trọng mà là cưỡng bách. Ai lường hết những phản ứng diễn ra trong nội tâm người nghe? Chán chường vì nhàm tai, khó chịu vì thấy vô bổ, thậm chí có người chuyển sóng, chuyển kênh, hoặc tắt đài, tắt tivi - để khỏi phải nghe, phải nhìn, chỉ trừ cái loa công cộng trước nhà thì đành chịu vậy!

Hãy thử mở một quyển lịch bỏ túi ra xem (chưa nói đến lịch sổ tay hoặc lịch tổng hợp dày hơn và chi tiết hơn) đủ thấy danh mục những ngày lễ, ngày nghỉ, ngày lịch sử - khá dài và chắc là ngày càng dày thêm. Dăm bảy thôi ư? Không! Vài chục, hoặc nhiều hơn nữa! Thử hình dung một vài trăm năm nữa sẽ ra sao? Một năm chỉ có 365 ngày, liệu có đủ chương trình ca nhạc để giáo dục truyền thống lịch sử không? Chắc sẽ có những ngày trùng hợp. Và liệu phải sắp xếp chương trình ca nhạc trong những ngày ấy ra sao? Liệu con cháu chúng ta sẽ phải chịu đựng ra sao khi phải nghe những chương trình ấy?

Đến đây thì ta thấy vấn đề giáo dục truyền thống lịch sử bằng âm nhạc và bằng nghệ thuật - phải được đặt lại và xem lại, nhất là trong không khí chuẩn bị cho năm 1990 sắp tới. Trước hết cần chỉ ra nguyên nhân dẫn đến xu hướng áp đặt trong công việc này. Có thể do quá quen với quan niệm giản đơn - và kèm theo là thái độ e ngại thay đổi - trong công tác giáo dục tư tưởng. Có thể do nắm độc quyền các phương tiện truyền thông, thông tin, tuyên truyền. Có thể do nhận thức không đầy đủ về chức năng giáo dục của âm nhạc (và nghệ thuật) và chỉ dừng lại với quan niệm - văn dĩ tải đạo - từ thuở xa xưa. Có thể do quá quen với cách hiểu văn nghệ phục vụ chính trị tức là phục vụ kịp thời mà có lúc đã trở thành phương châm chỉ đạo nghệ thuật để rồi bỏ rơi mất đặc trưng nghệ thuật: chức năng thẩm mỹ. Có thể do hiểu một cách dễ dãi về tính hiện thực trong nghệ thuật: hiện thực là hiện lên sự thực, đúng y như thực. Lại cũng có thể là do hiểu lầm về tính định hướng trong giáo dục tư tưởng với sự áp đặt mang đầu óc gia trưởng, giáo điều.

Có thể và có thể - song, nổi bật lên trên những nguyên nhân đã nêu là do chưa xác định đúng đối tượng của việc giáo dục truyền thống lịch sử qua âm nhạc và nghệ thuật. Đối tượng giáo dục chủ yếu là ai? Câu trả lời đã rõ: lớp trẻ (thanh niên, thiếu niên, kể cả nhi đồng). Tại sao không phải là lớp già? Với lớp lớn tuổi (khoảng từ 50 trở lên), một ca khúc, một bản nhạc đã được lưu hành rộng rãi vào thời điểm mà họ là những người đang hoạt động để - làm nên lịch sử - cách mạng, kháng chiến - chỉ cần phát lên là đủ gây sự cộng hưởng, liên tưởng trong lòng. Đây là một nét đặc trưng phân biệt giữa hình tượng âm nhạc (có lời và không lời) với các loại hình tượng nghệ thuật khác. Hình tượng âm nhạc chỉ trở thành trọn vẹn, hoàn chỉnh, sống động trong trí óc, tâm hồn và trái tim người nghe. Tác dụng khơi dậy, đánh thức, gợi mở của âm nhạc về một không gian, thời gian, một hoàn cảnh cụ thể, một kỷ niệm cụ thể - thật đặc biệt mạnh mẽ. Cùng tác phẩm âm nhạc ấy, với lớp trẻ ngày nay, chưa có bề dày của vốn sống, chưa tắm mình trong không khí của thời điểm xuất hiện tác phẩm, chưa có kỷ niệm gắn với tác phẩm - nói chung là chưa có cái vốn lịch sử cụ thể - thì nó chưa tạo nên sức mạnh cộng hưởng - lại cũng là điều hiển nhiên.

Trong quá trình thưởng thức âm nhạc, đã có trường hợp một tác phẩm gây được những rung động hết sức mạnh mẽ không phải vì giá trị đích thực của bản thân tác phẩm mà nằm ở ngoài tác phẩm - người nghe, một chủ thể đầy năng động trong việc tiếp nhận, đã chắp cánh cho tác phẩm bay cao, bay xa hơn. Tác phẩm âm nhạc lúc này hầu như dừng lại với tính cách một chất xúc tác để cho sức tưởng tượng liên tưởng trong đầu óc người nghe trỗi dậy. Sức sống dai dẳng của nhạc vàng, với một số người nào đó thuộc vào dạng này. Trong số những tác phẩm thường được đưa vào chương trình ca nhạc nhằm giáo dục truyền thống lịch sử không phải là không có những tác phẩm chỉ dừng lại ở giá trị lịch sử và như một tư liệu lịch sử. Đưa đến với lớp trẻ một chương trình ca nhạc xô bồ và áp đặt như vậy sẽ không có tác dụng - nghĩa là không vào lòng người nghe, là điều dễ hiểu. Vì rằng, bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào khi đi vào lòng người đều phải vượt qua cửa ải - sức ì, sức phản kháng - của người thưởng thức. Huống nữa là một chương trình ca nhạc mang nội dung giáo dục thì lại càng cần tinh tế, tế nhị đến chừng nào!

Một câu hỏi nữa cũng cần đặt ra: việc nhắc lại truyền thống lịch sử nhằm mục đích gì! Thiếu gì trường hợp tìm đến với quá khứ để nhấm nháp, tự thưởng ngoạn và kể cả để ẩn náu hoặc thoát ly hiện tại? Nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa là một ví dụ cụ thể. Mác đã viết một đoạn hay về điều này: bắt chước những người đã mất để ca ngợi những cuộc đấu tranh mới chứ không phải là vụng về lặp lại những cuộc đấu tranh cũ, là để khuếch đại trong trí tưởng tượng cái nhiệm vụ phải hoàn thành chứ không phải là để trốn tránh nhiệm vụ đó bằng cách ẩn nấp trong thực tế, là để lại tìm ra cái tinh thần của cuộc cách mạng chứ không phải để triệu cái bóng ma của nó hiện về một lần nữa. (Về văn học và nghệ thuật, Nxb Sự thật, 1954).

Vả chăng cũng không nên chia cắt quá tách bạch đến mức siêu hình giữa quá khứ và hiện tại. Thời gian lịch sử là một chuỗi liên tục mà sự chia cắt thành từng đoạn chỉ là quy ước. Chẳng phải hát về một dòng sông, một cánh đồng, một mối tình, một nỗi đau cũng giúp cho người nghe yêu nhà, yêu nước hơn, vững bước trong hiện tại để tiến đến tương lai đó sao? Tất nhiên là không thể đồng nhất giữa một tác phẩm mang một nội dung về truyền thống lịch sử (quá khứ) với một tác phẩm hiện đại và đương đại, song cũng nên nhìn nhận cái hiện đại, đương đại lại tiếp nối của cái truyền thống lịch sử ở một cấp độ cao hơn.

Vấn đề là phải đầu tư công sức, tiền của trên hết là đầu óc, trí tuệ cho các chương trình ca nhạc vào dịp những ngày lễ, ngày kỷ niệm - có thể cần có lời dẫn dắt, giới thiệu, có thể cần gắn thêm thơ ca, có thể cần phải có kịch bản - nói chung là cần phải có đạo diễn chương trình ca nhạc (cũng như đã có đạo diễn chương trình truyền hình) và cần được định danh. Mặc khác, cũng cần phải có sự chọn lọc lại: trong một gia tài các tác phẩm âm nhạc ra đời - rất nhiều - còn đọng lại được bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có giá trị đích thực? Từ đó mà đầu tư vào việc dàn dựng lại tác phẩm cho xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật. Để thấy một số tác phẩm được dàn dựng lại xuất hiện. Song cái thiếu ở đây không phải về kỹ thuật, thủ pháp, tay nghề - mà lại là trái tim. Xin chớ vội nghĩ rằng với cái vốn kiến thức, vốn nghiệp vụ về âm nhạc là đủ làm sống lại cái hồn của những tác phẩm thuộc về lịch sử. Các nghệ sĩ biểu diễn cũng cần và rất cần phải sống với tác phẩm. Người công tác giáo dục (truyền thống lịch sử) phải là người được giáo dục đầu tiên.

Trái tim mình có lửa mới có thể nhóm lửa trong trái tim người khác. Đó cũng là sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ - từ biên tập viên, diễn viên cho đến đạo diễn chương trình ca nhạc.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 37 (16-9-1989)


Mục lục 

23-10-2021