ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 6 & 7 (6-2-1988)

 

ĐÊM NHẠC VĂN CAO

NGUYỄN THỤY KHA

Một thế giới âm thanh của một tâm hồn dạt dào nhiều cung bậc, đã được phát xạ ra không gian nghệ thuật từ nửa thế kỷ, đã có một khoảng thời gian im lặng dài chừng 30 năm, tưởng chừng tan biến, tưởng chừng tắt hẳn, thì hôm nay, trong mùa xuân con Rồng này lại đột ngột dội lên.

Đêm nhạc Văn Cao đầu tiên trong mùa xuân Mậu Thìn được tổ chức tại câu lạc bộ thính phòng của nhà văn hóa trung tâm Hà Nội ngày 17 tháng 1 năm 1988. Đêm ấy, Hà Nội trở rét. Ngay từ trước giờ khai mạc rất sớm, người người đã đông chật trước cửa vào. Vé ngồi bán hết, phải bán đến vé đứng. Người đến nghe, mỗi người một tâm trạng nhưng đều cùng chung một sự im lặng, một nỗi hồi hộp đón chờ.

Có gì lạ lùng hơn sự thực đâu? Chỉ là sự thực thôi mà dường như lâu lắm nó thường bị lãng quên, mà dường như lâu lắm nó mới được thốt lên. Vì vậy, những tràng vỗ tay đầu tiên lại dành cho người giới thiệu - ca sĩ Gia Khánh - trong ít lời tâm sự về tác giả của Quốc ca Việt Nam. Rồi đêm nhạc bắt đầu vang bay...

Sau phần hòa tấu Trường ca Sông Lô của dàn nhạc mà chủ yếu là đàn violon, nhịp hành khúc của những người thợ được đồng ca, hát lên rắn rỏi. Những cảm xúc về Bác Hồ của Văn Cao được giọng nam trung Quý Dương diễn tả cùng phần đệm của tốp nữ. Rồi tốp nữ lại dịu dàng tha thiết trong ca khúc Ngày mùa. Lại Quý Dương hùng hồn với Thăng Long hành khúc ca. Tiếng vỗ tay trào lên, như sóng trùng khi Quý Dương như kêu thốt từ chính trái tim câu hát cuối: "Thăng Long! Thăng Long! Thăng Long thành!".

Không khí như lắng lại ở phần biểu diễn các tác phẩm trước cách mạng của Văn Cao. Chị Kim Ngọc, một giọng hát già về tuổi đời, tuổi nghề, đã để lại cho người nghe một ấn tượng sâu sắc trong phần thể hiện Thiên Thai và nhất là Trương Chi. Ở Trương Chi, chị Kim Ngọc đã khai thác cái hay của bài hát đến từng chữ, từng dấu lặng. Một tình yêu, một bi kịch, một nhân tính cứ dần dần lồ lộ lồng lộng một khối âm thanh rồi bất ngờ đổ xuống như thác dốc: "Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta". Quý Dương xuất hiện trở lại với Đàn chim Việt cùng tốp nữ phụ họa. Những ai đã từng dọc đường tàu Nam tiến? Những ai đã từng bộ hành xuyên Việt Bắc mà đâu đây trong khán giả có tiếng nhẩm hát theo. Cả một thời trai đầu cách mạng đang hồi sinh trong bài hát. Rồi tốp nữ với trang phục trắng đang làm trẻ lại một Suối mơ.

Trở lại với những ngày kháng chiến chống Pháp, nhịp valse đã được Việt Nam hóa trong ca khúc Làng tôi vẫn do tốp nữ thể hiện nhưng trên nền dày của đàn dây thêm guitar gỗ qua bản phối khí sáng tạo của nhạc sĩ trẻ Đỗ Hồng Quân – con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Và Trường ca Sông Lô lại tiếp tục vang lên như phần đệm cho giọng hát Kim Định. Khi chị hát đến "Mùa xuân tới, nước băng qua..." thì tiếng vỗ tay rào rạt như biển dâng, như thăng hoa theo cao trào tột cùng của khát vọng.

Đêm nhạc Văn Cao được kết thúc bằng bài Tiến về Hà Nội, một bài hát mang tính dự báo sớm của anh về ngày chống Pháp thắng lợi. Không riêng là diễn viên nữa mà cả khán giả đã cùng "đồng thanh tương ứng" vừa nghệ thuật vừa quần chúng đậm chất thủ đô này.

Đêm nhạc Văn Cao còn tiếp tục với không khí như thế ở Cung văn hóa công nhân, ở Hội nhạc sĩ Việt Nam v.v... trong những ngày xuân con Rồng ở Hà Nội.

Thế là sau cuộc kỷ niệm 60 năm ngày sinh của nghệ sĩ đa tài Văn Cao dịp mùa thu 1983, sau đêm nhạc Văn Cao, đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh dịp cuối tháng 12 năm 1986, năm nay Văn Cao bước sang tuổi 65 bằng những đêm nhạc của anh trong mùa xuân Hà Nội. Cùng thời gian này, tờ Đất Việt, tờ báo của Hội Việt kiều yêu nước ở Canada cũng dành giới thiệu riêng Văn Cao một số và tập nhạc Văn Cao do nhà xuất bản Trẻ ấn hành cũng đang sắp ra mắt độc giả.

Thế là trải qua một khoảng im lặng quá dài, âm nhạc Văn Cao lại được vang lên đầy đủ cùng đời sống. Đêm nhạc nào, tác giả cũng được nhận thật nhiều hoa, thật nhiều sự mến mộ của các thế hệ. Nhìn người nghệ sĩ già râu tóc đã bạc trắng mừng tủi đón nhận từng bó hoa, từng phần hồi sinh trở lại với mọi người, tôi bỗng nhớ đến một câu thơ của một người bạn: "Hoa và hoa đến không cầm nước mắt".

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 6 & 7 (6-2-1988)

 

Mục lục 

22-11-2020