Về quyết định 19-12-2018 của Trump

 

Nguyễn Trung

 

Ngày 19-12-2018 Trump tuyên bố rút 2000 quân Mỹ khỏi Syrie và sẽ rút tiếp đại bộ phận  của 7000 quân tại Afghanistan, đúng như quan điểm của Trump trong khi tranh cử cho đến hôm nay: Mỹ không thể cứ nai lưng làm mãi cảnh sát cho thế giới![1] Tuy thế, quyết định này là một cú sốc lớn ngay trong nội bộ chính giới Mỹ - tới mức tổng trưởng quốc phòng J Mattis và đặc sứ B McGurk (dẫn đầu liên minh của phương Tây chống khủng bố) từ chức. Quyết định này đồng thời tác động mạnh vào Tây Âu và cả thế giới còn lại. Lý do Trump đưa ra cho quyết định rút quân là: Đã hoàn thành nhiệm vụ chống khủng bố IS, mọi vấn đề có liên quan còn lại là công việc của nước sở tại và các nước liên quan, Mỹ không có trách nhiệm phải ở lại mãi mãi những nơi này...

Dư luận báo chí Mỹ và nhiều nước khác cho quyết định của Trump tính toán theo kiểu con buôn: Có lợi thì làm, không có lợi thì vứt bỏ theo kiểu đem con bỏ chợ - dù là ai đi với Mỹ (trong trường hợp này là bộ tộc người Kurd ở Syrie đã 4 năm xả thân chiến đấu bên cạnh quân Mỹ ở Syrie chống khủng bố IS và chống chính quyền Bashar al-Assad). Ai cũng biết vấn đề IS và Al Qaeda đã kéo dài gần 2 thập kỷ nay – tính từ 2001, và chưa biết đến bao giờ mới giải quyết được. Ít nhiều có tính toán của Trump bỏ vấn đề IS cho Nga và Thổ. Hơn nữa sự thật là từ thời Obama đến nay Mỹ không thể đảo ngược được chỗ đứng của Nga ở Syrie. Trước mắt, được lợi trong quyết định này của Trump là Nga và Thổ.  

Hãy để thời gian làm rõ những gì liên quan đến quyết định 19-12-2018 rút quân 2 nơi của Trump. 

Có mấy điều đáng lưu ý sau đây: 

-               Giới chiến lược Mỹ đánh giá có 4 mặt trận tiềm năng nổ ra chiến tranh thế giới III: Biển Đông, Krym, Vịnh Ba Tư, Bắc Triều tiên với vấn đề vũ khí A. Thực tế này đồng nghĩa có 4 đối thủ Mỹ phải đối phó: TQ, Nga, Iran, vấn đề vũ khí A của Bắc Triều Tiên (có TQ đứng sau, phần nào liên quan đến Nga); nước Mỹ của Trump không thể ba đầu sáu tay cùng một lúc xử lý cả 4 đối thủ này, phải có chiến lược và sách lược, để phân hóa, chọn lọc.

-               Trong tính toán của Trump ngay từ khi tranh cử, TQ được coi là đối thủ số 1 (muốn truất vị thế dẫn đầu của Mỹ), vì thế phải tập trung xử lý. Vả lại, tại đại hội 19 của ĐCSTQ 10-2017, trên thực tế TQ Tập Cận Bình đã tuyên chiến hạ bệ vai trò của Mỹ để theo đuổi giấc mộng Trung Hoa. Hai năm cầm quyền vừa qua, Trump thực sự tập trung nhiều nỗ lực đối phó với đối thủ số 1, bắt đầu từ chiến tranh thương mại, hiện nay đang thời kỳ quyết liệt – tạm thời hưu chiến 90 ngày cho đàm phán. Trong khi đó mọi nỗ lực của Trump nhằm đối phó / phân hóa 3 đối thủ còn lại hầu như chưa có kết quả.

-               Mặt khác, Trump phải đối mặt với áp lực trong nội bộ Mỹ tiếp tục gia tăng đối với (a) các vấn đề riêng tư của Trump, và đối với (b) cách tiếp cận đơn phương gần như độc đoán của Trump trong hầu hết mọi vấn đề đối nội và đối ngoại, kể cả trong vấn đề nhân sự (như lọai Tillerson và Mattis, một số nhân vật quan trọng khác…). Tình hình hiện nay thêm căng thẳng do xuất hiện những khó khăn mới trong kinh tế Mỹ (đây là lý do Trump đang muốn loại luôn cả Chủ tịch cục Dự trữ Liên bang FED - Jerome Powell).

-               Hưu chiến 90 ngày để đàm phán thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ 04-12-2018, mở đầu có vẻ thuận lợi trên bàn hội nghị, nhưng ngoài đời rất quyết liệt do vụ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt ngày 01-12-2018 ở Canada -  theo yêu cầu của Mỹ, đang chờ xét xử để dẫn độ qua Mỹ, với các tội danh (a)vi phạm luật cấm vận của Mỹ trừng phạt Iran và (b)tội tập đoàn Huawi ăn cắp bản quyền, các tội làm gián điệp…

-               Toàn bộ những sự kiện nêu trên cho thấy tình hình nội bộ Mỹ, cũng như diễn biến các mối quan hệ giữa Mỹ và các đối thủ của nó rất nhạy cảm, đầy kịch tính. Toàn bộ thực tế này có nhiều biến động với những hệ quả hầu như không thể lường trước, tác động lớn vào cục diện cả thế giới và những khu vực nóng bỏng – trong đó có Biển Đông và vấn đề Trung Quốc!

-               Trong bối cảnh nêu trên, quyết định rút quân 2 nơi của Trump hiển nhiên giảm gánh nặng cho nước mỹ, dân chúng Mỹ hoan nghênh vì con em họ được về nhà, nhiều chính trị gia và báo chí đánh giá hoàn toàn khác theo “khẩu vị” và lợi ích riêng. Nếu quyết định rút quân 2 nơi của Trump có chủ đích nhằm ưu tiên dồn lực cho mặt trận đối phó với đối thủ số 1 là TQ, phân hóa các đối thủ khác, đây sẽ có thể là sự lựa chọn khôn ngoan nhất: (a) bảo vệ trực tiếp lợi ích kinh tế của Mỹ, (b) mặt trận kinh tế cho phép phát huy chỗ mạnh nhất của Mỹ đánh vào chỗ yếu nhất của TQ, (c) nếu thắng sẽ giúp Mỹ tạo ra bước ngoặt có thể thay đổi cục diện địa chính trị thế giới ở mức độ nhất định, giúp Mỹ duy trì và phát triển tiếp thế thượng phong. Song chữ nếu trong quyết định 19-12-2018 của Trump còn để ngỏ nhiều vấn đề không đơn giản, đại thể như dưới đây.

-               Để giành được thắng lợi, Trump rất cần sự đồng hành và chịu đựng của nền kinh tế Mỹ, những hậu thuẫn từ đối nội, và sự hưởng ứng nhất định của các đồng minh; nhất là chính quyền Trump phải kiên định dám đi tới cùng. Hiển nhiên đây là một quá trình vận động không đơn giản đối với chính quyền Trump. Ngoài ra cũng không thể đánh giá thấp sự kháng cự của TQ: Tuy có nhiều yếu kém trong kinh tế, song chế độ độc tài chuyên chính của TQ cho phép huy động tập trung nguồn lực đã tích tụ được của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới để đối phó (vì lý do này giới nghiên cứu Mỹ thừa nhận do những ảo tưởng sai lầm nên đã để cho “v/đ TQ” – quái vật Frankenstein đi quá xa).

-               Bước đi này trở thành một chiến lược, hay chỉ là một tính toán cơ hội của tham vọng cá nhân Trump, của những lý do khác, dễ làm khó bỏ? 3 mặt trận còn lại nêu trên (Krym, vịnh Ba Tư và Trung Đông, v/đ Bắc Triều Tiên) thường xuyên “nóng”, TQ đang ra sức tác động để hướng mũi nhọn vào Mỹ; trong khi đó thế giới hôm nay có nhiều biến cố khó lường và bất khả kháng (ví dụ vừa qua là vụ nhà báo Khashoggi bị giết tác động nghiêm trọng vào cá nhân Trump và chiến lược của Mỹ ở Trung Đông, EU suy yếu tiếp vì những vấn đề nội bộ, v/đ người di tản, v v…).  

-               Khả năng Trump bị cách chức giữa nhiệm kỳ tuy hầu như không có, nhưng vẫn tiềm tàng chuyện ngã ngựa giữa dòng - do Trump tính khí thất thường và có thể phạm sai lầm, do tranh giành quyền lực trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ, hoặc do sự can thiệp của bên ngoài (trước hết là TQ và Nga), hoặc do lực bất tòng tâm, hoặc do những biến cố nào đấy bất ngờ và bất khả kháng… Nếu Trump ngã ngựa giữa dòng, tình hình sẽ chẳng khác gì lắm cuộc chiến (bước đi đầu tiên là chiến tranh thương mại đang diễn ra) nhằm vào đối thủ số 1 do Trump khởi xướng không còn tướng!..

-               Vân vân…

-               Toàn bộ những nguy cơ vừa kể trên có thể gây ra cho nước Mỹ thất bại nhất thời nào đó. Trong tình huống ngã ngựa như vậy, quyết định chủ động 19-12-2018 của Trump có thể biến thành bước đi giật lùi, sẽ làm đảo lộn nhiều thứ trong nước Mỹ và trên thế giới. Nếu Trump không ngã ngựa, nhưng không có nhiệm kỳ II, hay có nhiệm kỳ II sẽ để ngỏ nhiều diễn biến quyết liệt khác.

-                Tuy nhiên, dù tình hình trước mắt diễn biến thế nào,  cục diện đối đầu Mỹ - Trung vẫn sẽ tiếp diễn, chí ít là trong một vài thập kỷ tới, dù có Trump hay sau Trump, cho đến khi hình thành một khung khổ các mối quan hệ mới cho cả 2 quốc gia này và thế gới còn lại. Có thể dự báo khung khổ cho những mối quan hệ mới sẽ hình thành này là một thế giới đa cực với những phân bổ quyền lực mới khác hẳn hôm nay, trong đó chắc chắn không có Pax Americana, nhưng cũng không có chuyện TQ lên ngôi vua, giấc mộng Trung Hoa của Tập sẽ phá sản và ông ta sẽ phải tạm nhường công việc mộng mị này cho những thế hệ thuộc thời gian sau đó, hoặc giả chiến tranh thế giới III sẽ định hình ra một thế giới khác!? 

-               Trong sự vận động đầy biến động như vừa trình bầy trên của thế giới hôm nay, sẽ có kẻ mượn bão bẻ măng, kẻ cháy thành vạ lây, kẻ nhân dịp đắm đò giặt mẹt, kẻ cao chạy xa bay, kẻ bị tên rơi đạn lạc nếu không phải đầu thì phải tai, kẻ chết chìm trong bão tố vì bất lực… Cái thế giới đầy biến động này chẳng biết thương hại ai, cũng không buông tha ai, và chỉ dừng tay trước quốc gia nào lọc lõi – âu cũng là sự sàng lọc của tự nhiên và thượng đế!  

Hiển nhiên cả một thế giới đầy nguy hiểm đang lững lững xuất hiện phía trước! 

-                 Đối với Việt Nam, một trạng thái hưu chiến hay một bước đi giật lùi nào đó của Trump nếu xảy ra, đều có thể là một cơ hội, một thảm họa, hoặc tiềm tàng khả năng trở thành một thảm họa – có thể na ná như sự việc Trump vứt bỏ đồng minh người Kurd ở Syrie, hoặc dưới dạng tương tự như chiến tranh 17-02-1979 của TQ đánh Việt Nam để cho bài học… Hoặc giống như năm nào, khi các nước LXĐÂ sụp đổ cuối thập kỉ 1980s khách quan đem lại thời cơ cho Việt Nam độc lập tự chủ đứng lên tự khẳng định mình, thì Việt Nam lại tự dẫn mình vào con đường Thành Đô!..  

Vì thế kết luận đối với VN trong thế giới hôm nay không phải là câu hỏi Theo ai? Chống ai?, mà là câu hỏi Việt Nam hôm nay phải là ai?  

-               Thời gian không biết chờ đợi. Nghĩa là, ngay từ bây giờ, từng giây từng phút còn quý hơn vàng, Việt Nam hôm nay phải đứng lên tự quyết định lấy vận mệnh của mình, bắt đầu từ một cuộc cải cách chính trị đổi đời không thể né tránh – nếu muốn sống! Chừng nào còn tư duy ý thức hệ luẩn quẩn chung quanh “pro / cons – theo ai? chống ai?”, “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội”, vân vân.., dù đất nước đã từng có lịch sử mấy nghìn năm - nhưng trong thế giới hôm nay sống như thế vẫn chỉ là thân phận cây tầm gửi./.

 

 

Tiễn năm 2018 – chào đón năm 2019

Võng thị, Hà Nội – Christmas 2018

 

 

 



[1] Trump usually reiterated “…that the era of heavy US intervention abroad was ending The United States cannot continue to be the policeman of the world," Trump said. "We are spread out all over the world…”…  … “Pretty sad when you spend $7 trillion in the Middle East and going in has to be under this massive cover," he said (CNN 26-12-2018). Tuy nhiên Trump nói rõ vẫn tiếp tục duy trì 5000 quân ở Iraq vì tình hình ở đây đòi hỏi như vậy, và đồng thời đây còn là căn cứ để kiểm soát Syrie.

 

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 27-12-18