Văn Học- Nghệ Thuật Góp Phần Nhân Đạo Hóa Hoàn Cảnh

Ngô Thảo

    

 Nếu hoàn cảnh quyết định tính cách, thì nhiệm vụ của chúng ta là làm cho hoàn cảnh trở thành nhân đạo hơn.

      Nhìn lại hiện tình hôm nay, chắc không ai không nhìn thấy những thay đổi lớn lao trên bề mặt của đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược.Mới 20 năm đầu thế kỷ XXI, rõ ràng chúng ta đã thực hiện được giấc mơ ngàn đời :Thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang sơn.Về cơ bản, nước ta đã thực hiện được ba mục tiêu ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.Đất nước thống nhất trong hòa bình đã dài hơn 1,5 thời gian chiến tranh.Theo Nghị quyết của Đảng, nước ta từ xây dựng Cơ sở vật chất và kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội đã chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN;từ xây dựng một nước VN Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giàu mạnh chuyển thành mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, xã hội Dân chủ, Công bằng và Văn minh. Tất nhiên, đây không chỉ là thay đổi của ngôn từ, mà nội dung của nó là những thay đổi lớn trong chiến lược xây dựng đất nước của Đảng trong từng thời điểm khác nhau. Nhờ thế, kinh tế nước ta đã có những phát triển vượt bậc, thoát khỏi vị trí một nước nông nghiệp lạc hậu. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không còn là một nước đáng thương vì liên miên chiến tranh và nghèo đói. Về dân số đã ở vị trí 13 trên hơn 200 quốc gia, thu nhập đầu người được xếp hạng ngày càng cao. Đặc biệt, trong thời gian cả thế giới,kể cả các nước lớn, lao đao vì dịch Covid, thì Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, vì bao vây, khống chế được sự lây lan của dịch bệnh, duy trì được sự phát triển của cả nền kinh tế, với một xã hội và hệ thống chính trị ổn định.Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế,và uy tín quốc tế như ngày nay.

         Nhưng điều đáng suy nghĩ, là trong khi kinh tế phát triển, hệ thống chính trị ổn định, nhưng xã hội lại đã và đang phát sinh nhiều vấn đề làm cho đời sống người dân chưa cảm thấy Hạnh phúc.Chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ, đất nước hòa bình mà người dân chưa có cảm giác Thanh bình.Mỗi sáng mai thức dậy, dự báo thời tiết, hầu như ngày nào cũng nhắc nhỡ : Không khí bị nhiễm độc cao. Tai nạn các loại luôn rình rập, mà có nguy cơ ngày càng tăng. Theo thông báo của Bộ Công An, quý 1 năm 2021,toàn quốc có 3.206 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.672 và bị thương 2.386 người, trong khi dịch Covid dữ dội là vậy mà  hơn một năm chỉ số người bị chết vẫn dưới hai con số ( Báo Lao động ngày 14-2-2021)..Ngay cả các đợt dịch tiếp theo, cả nước nhiều nơi bùng phát, virut nguy hiểm hơn, nhưng do được kiểm soát tốt, nên số người chết cũng kém xa tai nạn giao thông và các loại bệnh khác.Trường học là khu vực được quản lý chặt chẽ và cần bảo đảm an ninh, thì thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh vừa phải ra thông báo khẩn về bảo đảm an ninh học đường ( 11-4-2021 ).Theo số liệu Bộ Công an, từ 2018-2020, toàn quốc có 10.786 vụ vị thành niên phạm luật pháp với 16.583 đối tượng, có 5% là nữ. Năm 2020, có 4.262 vụ với 6.588 đối tượng,không chỉ trong trường học. ( Baó Thanh niên ngày 12-4-2021 ).Hệ thống viên chức các cấp là bộ khung của  cả thể chế, được lựa chọn bằng sát hạch, bồi dưỡng, đào tạo qua nhiều trường lớp chính trị và chuyên môn, mà số người vi phạm là  một bộ phận không nhỏ.Cán bộ Đảng và Chính quyền các cấp đáng ra là tấm gương chấp hành pháp luật và kiểm tra người dân sống và làm việc theo pháp luật, thì số người vi phạm khá phổ biến. Chỉ một nhiệm kỳ gần đây, mà cùng lúc. Cán bộ Đảng và Chính quyền ở 3 thành phố lớn nhất nước : Thành Phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẳng đều vi phạm pháp luật với nhiều mức độ khác nhau, nhưng đều nghiêm trọng. Không chỉ Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ - Thứ trưởng mà cả Ủy viên Bộ Chính Trị , các tướng lĩnh cao cấp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng dính vòng lao lý, tù tội.Ngoài mọi hệ lụy, điều đáng suy nghĩ nhất, là không có một Môi trường, vị trí công tác nào mà người làm việc ở đó được bảo đảm an toàn tính mạng và tư cách.  Y tế là ngành có yêu cầu cao về đạo đức, thì rất nhiều cán bộ y tế các tỉnh thành, cả ở các bệnh viện đầu ngành Trung ương cũng bị tù tội vì nâng giá vật tư và thuốc men , nghĩa là ăn trên đau khổ của bệnh nhân.Trong một Nhà nước hiện đại và phát triển, với một thể chế chính trị tự thấy là tốt đẹp , có sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, thì với hệ thống nhân sự được đào tạo và tuyển chọn, không cần thiết phải răn dạy về đạo đức và tư  cách, mà chỉ bàn về khả năng chuyên môn và kế hoạch hành động để đạt các mục tiêu đề ra. Với một bộ máy hành chính mà luôn lấy Liêm Chính tức sự trong sạch và trung thực làm nhiệm vụ thường xuyên, thì rất cần xem lại hệ thống tổ chức, đào tạo, tuyển chọn và kiểm soát nhân sự. Mục đích cao nhất vẫn là bảo đảm độ An toàn cao nhất cho những người thi hành công vụ đúng luật pháp. Việc các cán bộ, Đảng viên ở mọi cấp bị kỷ luật, tù tội, vì những tội lỗi họ vi phạm, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe những người khác, cũng đồng thời gây những hiệu ứng bất an với các nhân thân trong gia đình và có khi cả dòng tộc : Từ đâu, và tại sao, những con người có tài năng, đức độ, được lựa chọn chặt chẽ, có sự kiểm soát thường xuyên của các cấp, mới được cất nhắc, bổ nhiệm  mà bỗng nhiên phạm những tội lớn đến không ai ngờ ? Không phải ông bố, bà mẹ nào cũng là đồng phạm, tiếp tay cho con cái phạm pháp  cả. Không chỉ viên chức Nhà nước, mà những người dân trong các công ty kinh doanh lớn nhỏ, cũng không có được sự bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.An toàn thực phẩm cũng là nỗi lo thường trực của cả xã hội.

         Mặc cho mức sống toàn dân được nâng cao, điều kiện sống được cải thiện rõ rệt,nhưng chính hoàn cảnh sống không an toàn đã làm nảy sinh tâm  lý tập thể ngã về mê tín dị đoan. Theo các nhà khoa học chủ nghĩa xã hội khoa học, nguồn gốc tôn giáo nằm trong quan hệ con người với tự nhiên, và con người với xã hội,đó là sự sợ hãi của con người trước những tai họa bất thường của tự nhiên,và sự bất lực của con người trước các thế lực xã hội;buộc người ta mù quáng tin vào những thế lực huyền bí ở một thế giới khác có thể giúp họ thóat khỏi những tai ương, hiểm họa khôn lường. Đã có thời kỳ, người ta ngỡ, khi khoa học phát triển, chủ nghĩa duy vật có thể đánh bạt ý thức tôn giáo. Thơ Tố Hữu : Trời không có thiên thần./Đất không có thánh nhân. / Chỉ có Nhân dân : Thần thánh./ Và chỉ Đảng , làm nên sức mạnh./ Cho ta đôi cánh/ Bay tới chân trời .Nhưng hình như ngày nay, ý thức khoa học của một bộ phận không hề nhỏ , kể cả cán bộ, Đảng viên cao cấp đã đầu hàng niềm tin tôn giáo. Không ít những nhà khoa học vật lý lý thuyết hàng đầu nước ta- mà không chỉ nước ta- trở thành những nhà thực hành tâm linh một cách tận tụy.Những năm qua, theo đà phát triển kinh tế, các cơ sở chùa chiền, nhân danh Tâm linh, cũng biến thành một ngành kinh doanh rất hiệu quả. Chưa bao giờ niềm tin vào những điều huyền bí- dưới nhiều hình thức tôn giáo cổ truyền và hiện đại- được bộc lộ công khai và rộng rãi như hiện nay. Không chỉ dân chúng, mà cán bộ, Đảng viên cũng không hề che dấu, khi lễ bái, xin xỏ ở mọi nơi, mọi lúc có thể. Ngoài nhiều lý do, có thể thấy rõ nhất là tâm thế bất an của hầu hết người dân. Đó là một thực tế cần nhìn nhận để cùng tìm ra những phương cách gỡ rối không hề và không thể đơn giản.

    Hiện trạng xã hội để có thể thay đổi, cần có thời gian và cả hệ thống chính trị tham gia. Nhưng văn học nghệ thuật có thể góp phần tích cực vào thay đổi tâm thế đó bằng những sáng tác của mỗi loại hình.Quan hệ văn học- nghệ thuật với đời sống, từ lý luận cũng như thực tiễn là vấn đề được giải quyết từ lâu. Nhờ thế, trong cách mạng, kháng chiến, và những năm xây dựng đất nước, văn nghệ nước ta đã có nhiều thành tựu quan trọng.Vai trò của văn học- nghệ thuật và vị trí văn nghệ sĩ được cả hệ thống chính trị và xã hội coi trọng.Nhưng bước vào thời kỳ kinh tế thị trường,sản phẩm văn nghệ biến thành hàng hóa . Những tác phẩm đặc sắc là không thiếu, nhưng tác động đối với xã hội của VHNT rõ ràng đang giám sút nghiêm trọng. VHNT không còn được coi là một Mặt trận,và dĩ nhiên văn nghệ sĩ không còn được coi là Chiến sĩ. Cũng nên mừng, vì đất nước đã hòa bình.Nhưng giấc mơ của Nguyễn Trãi là làm sao : Trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận, oán sầu, thì hình như vẫn còn phải tiếp tục …mơ.

       Tôi nhớ lại, những năm 60 của thế kỷ trước,lứa học sinh, sinh viên buông bút, cầm súng ra trận,mê say văn học Nga –Xô viết, say sưa đọc Thép đã tôi thế đấy, Con đường đau khổ,đều chung ý nghĩ : Được tôi luyện qua cuộc chiến đấu này, ai còn sống , đều sẽ thành thép, để không môi trường nào có thể làm nó han rỉ. Và được an ủi biết bao, khi giữa chiến trường đầy bom đạn,nhớ lời một nhân vật trong Con đường đau khổ : Năm tháng qua đi, những cuộc chiến tranh rồi sẽ chấm dứt, các cuộc cách mạng rồi sẽ thôi gầm lên bão táp, và chỉ còn lại bất diệt tấm lòng yêu mến dịu dàng và đầy tình thương mến của Em.Những ai đi ra từ chiến tranh, đủ thời gian để kiểm nghiệm lại những điều đó chỉ lá giấc mơ trong trang sách.Bao nhiêu người gan dạ, dũng cảm trong chiến tranh, đã bị hoàn cảnh hòa bình làm cho sa ngã theo nhiều hoàn cảnh khác nhau. Chiến tranh kết thúc, không có nghĩa là sẽ có ngay cuộc sống êm đềm. Hậu quả chiến tranh, cũng làm tan nát bao nhiêu mối tình ngỡ là tuyệt đẹp. Nhưng chẳng thể vì vậy mà quay lưng lại với Văn học nghệ thuật, coi nó chỉ là ánh trăng lừa dối.

  Hình như, phản ứng lại thứ văn học nghệ thuật Lãng mạn cách mạng,những năm qua, văn học – nghệ thuật nước ta đã nghiêng về xu hướng Hiện thực phê phán,và tràn ngập trong văn chương cũng như điện ảnh, truyền hình là một cái nhìn hiện thực đa chiều,các nhân vật đa cực,đa diện. Tìm một nhân vật tốt trong văn chương thật hiếm. Hàng trăm nam thanh nữ tú, qua hàng trăm vai diễn trong điện ảnh , phim truyền hình- trừ phim Nhà nước đặt hàng- thấy thật nhiều lừa đảo, mưu ma chước quỷ,bạo lực các kiểu, cướp giết hiếp, hầu vắng bóng những nhân vật mà khán giả, bạn đọc có thể ước ao trở thành. Thậm chí, không thỏa mãn với sáng tác trong nước, một số bộ phim hình sự còn mua kịch bản nước ngoài về dựng lại với các tập đoàn tội phạm, mức độ bạo lực, số lượng và thế lực băng đảng công khai trắng trợn khá xa lạ với hiện thực nước ta  ( Người phán xử).Không có gì lạ, khi một bộ phận khán giả mê các chàng trai, cô gái Hàn quốc , thậm chí còn chọn tên họ đặt tên cho con mình. Hỏi có bao nhiêu diễn viên trong nước, xây dựng được hình tượng của mình trong lòng khán giả ?Ngỡ là đáp ứng thị hiếu người xem, các tác giả và  nghệ sĩ qua các vai diễn loại này đã đánh mất tình yêu và sự tôn trọng của khán giả và xã hội.

        Chạy theo khuynh hướng phê phán, không biết văn học- nghệ thuật  có góp phần làm trong lành môi trường xã hội không- chỉ đơn giản là những kẻ xấu, không mấy khi đọc sách, xem phim-nhưng rõ ràng, bằng tác phẩm của mình, họ đã làm cho người đọc thường xuyên tiếp xúc, làm quen , sống chung với cái ác, cái xấu, lâu rồi coi nó là bình thường.

   Nhà văn Nguyễn Khải, trong tiểu thuyết Cõi nhân gian bé tí, đã để cho một nhân vật làm kiểm sát viên, một đời cúi mặt xuống các hồ sơ tội ác, khi về cuối đời nghĩ :Trong thực tế,tội ác gần gủi và quen thuộc hơn ta nghĩ về nó nhiều. Con người đã từng có ý nghĩ đó,đã từng có hành động đó,trong những trường hợp có thể xẩy ra.Đã có rất nhiều người lương thiện phạm tội trong những hoàn cảnh chẳng có gì là kỳ quái.Tốt nhất là không nên biết tới tội ác, cũng không nên bình luận và thuật kể về tội ác. Nó có khả năng thâm nhiễm và tiềm phục tận trong đáy sâu của tiềm thức.Khi có cơ hội, một cơ hội rất khó ngờ ( Tr 92 ). Một nền văn học nghệ thuật lành mạnh, không thể chỉ có vài ba màu sắc,Nhưng nhân danh hiện thực cuộc sống mà nghiêng về cái nhìn mặt tiêu cực, chỉ thấy khoái cảm khi phát hiện cái xấu, cái ác,những nhân cách méo mó, bất như ý, là bất công với số đông những con người chân chính, lao động, tìm tòi, sáng tạo, hy sinh thầm lặng để tạo nên một đất nước bình yên,với những đổi mới từng ngày. Chẳng thể vừa lòng với những gì đang có, và cũng không nên đem những viễn cảnh tương lai xa gần để buộc người dân tiếp tục hy sinh hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại, kiểu : Nhà tan cửa nát cũng ừ./ Đánh tan giặc Mỹ, cực chừ sướng sau.Bởi vì hơn 40 năm hòa bình đã là thời điểm Sau của ngày ấy rồi.Cực đoan và thường xuyên nuôi dưỡng tâm thế không hài lòng với hiện tại, rất có thể tự đánh mất niềm vui và thưởng thức những gì cuộc sống đang mang tới cho mỗi người.Người xưa nói : Dĩ vãng bao giờ cũng đẹp, nhưng thấy được cái đẹp vô song của hiện tại thì khó hơn nhiều.Đánh mất điều đó, sẽ dẫn tới tâm lý mặc cảm, phai nhạt lòng tự hào về truyền thống và bản lĩnh con người Việt Nam, những nhân tố làm nên nguồn cảm hứng lớn cho sáng tạo văn học nghệ thuật mọi thời đại.Những sáng tác VHNT thành công đều truyền tải tình yêu đất nước, con người và cuộc sống đến mọi người. Sự phát triển vượt bậc của các phương tiện truyền tải, không chỉ đòi hỏi các tác phẩm VHNT chật lượng cao, mà cần thiết cả về số lượng, để dù mở rộng giao lưu quốc tế, vẫn không thể mở cửa cho các sản phẩm văn hóa nước ngoài tràn ngập như hiện nay. Hơn thế, phải hiện thực hóa chiến lược xây dựng nền Công nghiệp Văn hóa, để VHNT ở một quốc gia giàu truyền thống lịch sử và bản sắc như nước ta sớm thành một mũi nhọn kinh tế không chỉ nội địa với gần 100 triệu dân, mà còn tiến công ra thị trường quốc tế, ít ra cũng như nông sản Việt đang vươn ra nhiều thị trường thế giới.Về kinh tế, chúng ta coi nhập siêu là một nguy cơ, và phải phấn đấu để cân bằng giữa xuất và nhập. Nhưng ở một đất nước rất coi trọng vai trò tư tưởng trong văn hóa, thì trên mặt trận này, hiện tượng Nhập siêu diễn ra từ nhiều năm nay,sản phẩm văn hóa thất thủ ngay trên địa bàn nội địa mà ta vẫn bình chân như vại. Phải chăng đó là một nguyên nhân chủ quan dẫn đến hiện tình, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định trong một bài viết vừa được dư luận đồng thuận:  Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng,chất lượng giáo dục,chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế;văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt tình trạng tham nhũng, lãng phí,suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ ,Đảng viên. ( Dẫn theo báo Tiền phong ngày 17-5-2021 )

   Nếu được nói một suy nghĩ cá nhân, thì tôi nghĩ , chúng ta không thiếu tiền, nhưng lựa chọn đàu tư chưa đúng hướng. Để có thành tích trên các đấu trường quốc tế, những năm qua, ta đã đầu tư khá lớn cho các môn Thể thao đỉnh cao.Từ cơ sở các Nhà thi đấu, tuyển chọn, phát hiện, đào tạo, có những bộ môn phải luyện từ tuổi nhi đồng,tập huấn trong và ngoài nước, mời những chuyên gia giỏi nhất, thi đấu quốc tế, mới có một số thành tích rất đáng mừng về một số bộ môn.Nhưng thi đấu thể thao kích động máu ăn thua, cạnh tranh, nhiều khi là đối kháng,cay cú cả khi thắng thua. Mà thành tích chỉ là khoảnh khắc, chen nhiều yếu tố may rủi,nhất là với một Tộc người vốn thấp bé, nhẹ cân như nước ta,khi bước ra đấu trường lớn của thế giới. Tuổi thọ hành nghề của các vận động viên thường không lâu dài. Do luôn cần cố gắng vượt sức người bình thường, nhiều tai nạn trong thi đấu, nên phần đông những người từng đạt giải cao – và cả số đông không bao giờ đoạt giải, có sức khỏe không bình thường. Tâm lý của các vận động viên thi đấu, dù đã có lúc đạt thành tích cao trong một vài  khoảnh khắc, thì phần đời còn lại thường là cảm giác cay đắng khi thua thiệt, sa sút.Có lẽ đối với nước ta lúc này nên tập trung cho thể thao phong trào của toàn dân, để trong vài thập niên, tự cải tạo giống nòi, nâng tầm vóc và thể lực cho thế hệ trẻ, thì sẽ tránh được những tâm lý thất vọng, cay đắng tập thể trong các cuộc ganh đua quốc tế về các bộ môn thể thao.Tôi nói thế, vì thấy, nếu với số tiền lớn tương tự mà có chiến lược cụ thể đầu tư cho Công nghiệp văn hóa- mà trung tâm là văn học nghệ thuật, thì nền văn hóa nước nhà nhất định sẽ có những thành tựu xứng đáng. Trong văn hóa, các sáng tạo, cần Bản sắc riêng, chứ không cần xếp hạng trên dưới, tâm thế cùng sáng tạo sẽ tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, không cần triệt hạ lẫn nhau. Mấy nghìn năm tồn tại của nước ta là một kho tài nguyên vô giá cho văn hóa. Không như các tài nguyên vật chất đang mau chóng bị cạn kiệt vì các kỹ thuật khai thác ngày càng hiện đại, kho tàng Văn hóa Việt Nam, với thiên nhiên tươi đẹp, lịch sử dựng và giữ nước bi hùng, con người nhiều dân tộc,nhiều bản sắc văn hóa và tài năng là những tài nguyên khai thác không bao giờ cạn, bởi nó không như vật chất, chỉ đào, bới,tát, vét một lần.Quan trọng hơn, các tác phẩm VHNT một khi đã đạt những chuẩn nhất định thì nó có sức sống lâu bền, tuổi thọ của tác phẩm và tác giả cao,và giúp xây dựng một tâm thế , một nếp sống có văn hóa, nói như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nó giúp mỗi người vượt qua nhiều tai họa, cám dỗ.

      Hơn bao giờ hết,trong những ngày cả hành tinh bị đe dọa bởi một loại vi rut không dễ nhìn thấy,như là bắt đầu một hình thái chiến tranh hoàn toàn mới, với cái đích diệt chủng quy mô lớn, buộc cả loài người không phân biệt chính kiến, thể chế, tôn giáo và khác biệt , đều phải chung tay tìm mọi biện pháp từ thô sơ đến hiện đại, từ tự giác đến bắt buộc,để cứu vãn sự sống, và duy trì sự sinh tồn, buộc chúng ta phải suy xét lại nhiều điều rất cơ bản.Sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng đồng thời diễn ra một cuộc chiến tranh trên mạng,hậu quả vô cùng nguy hiểm, mà quốc gia nào cũng phải chống đỡ rất vất vả. Mỗi người đều phát hiện ra, có biết bao nhiêu giá trị quý báu, đáng yêu, đáng tự hào, trong những ngày thường, mà mình đã bỏ qua.Hy vọng đó cũng là cơ hội để mỗi người nghệ sĩ tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tạo từ chính hiện thực đất nước hôm nay. Chỉ cần nhớ lại những năm đất nước trong chiến tranh, cuộc sống đầy gian khổ, mà những tác phẩm văn học nghệ thuật nhiều loại hình vẫn thường xuyên xuất hiện, với Giai điệu tự hào,mà hôm nay vẫn luôn có mặt trong các chương trình nghệ thuật hoành tráng.Bởi vì chính là trong những hoàn cảnh hiện thực còn nhiều điều không như mơ ước, công chúng rộng rãi càng cần đến những tác phẩm văn học nghệ thuật mới.Cần những tác phẩm lớn, như những ngày lễ hội. Nhưng cuộc sống thường nhật, cần một số lượng lớn tác phẩm thuộc các loại hình để lấp hàng trăm kênh sóng, đáp ứng những nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đã rất khác nhau của nhiều lớp, loại công chúng rộng rãi trong xã hội.Các tác phẩm đánh thức lòng yêu đời, yêu những gì chúng ta đã rất khó khăn mới giành được,tình yêu quê hương, yêu những con người đầy sức sống và sáng tạo để đổi thay cuộc sống mỗi ngày, trên hết là tình yêu và tự hào của con người Việt Nam. Vị thế xã hội của văn nghệ sĩ cũng được xác định bằng những sáng tác mới mang đến ánh sáng và hơi ấm, niềm tin và hy vọng cho mỗi người bình thường. Phải  chăng, góp phần Nhân đạo hóa hoàn cảnh vẫn là một sứ mệnh cao cả của Văn học – Nghệ thuật ?

                                                                      Ngày 16-6-2021

                                                                      NGÔ THẢO

   Tác giả gửi cho viet-studies ngày 5-8-21