cũng có người về

Tản văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Thằng nhỏ kể với tôi, nó đã trở về quê trên chiếc xe máy, lúc nửa đêm. Bạn kêu nó đi mua ít rau nêm nồi cháo gà, và món xé phay “phải có rau răm mới đúng điệu”. Khó khăn lắm cả đám mới có thể bày ra được bữa nhậu này, bởi tụi nó kẻ ca ngày người ca tối, lại không cùng nhà máy. Nhưng mua vài cọng hành và nắm rau răm cũng chẳng dễ gì kiếm vào lúc giữa khuya. Mấy sạp rau của cái chợ nhóm gần nhà trọ ngủ queo, thằng nhỏ chạy thêm non bốn cây số nữa ra chợ đầu mối. Trên đường tới đó, ngang qua những vỉa hè trơ bụi, qua một vụ tai nạn xe, qua những nhà xưởng im lìm, trong đầu nó không chút ý nghĩ nào về quê nhà.

Nhưng khi đi vô chợ, giữa mùi rau sực nức, chừng như chúng được cắt khi đang ngậm sương và đến đây chưa hoàn toàn khô nhựa. Húng lủi, húng cây mùi mạnh nên ập vào thằng nhỏ trước tiên, nhưng chúng cũng không lấn át hết mùi của những thứ hành lá, rau ngổ, cần nước, cải tùa xại. Ngay đầu chợ là những cần xé rau cải thải loại giập úng chờ xe rác mang đi, tất cả chúng phảng phất mùi mưa tháng Sáu ở vườn sau nhà. Chữ “nhà” này không bao gồm phòng trọ chật cứng mà thằng nhỏ mướn từ năm trước. Nhà là ở phía quê. Tự dưng nó muốn về.

Thằng nhỏ nói sau này nó nghĩ lại, cũng không hiểu nổi sao khuya ấy lại nổi cơn bất tử. Tại mùi rau dậy động trong chợ, hay bởi gió tháng Mười chớm bấc, bởi dấu máu đã khô chỗ xảy ra tai nạn, hay vì nó từ sau Tết không về. Nó chỉ kịp gọi cho bạn, nói nhậu đi khỏi chờ, tao chạy về quê rồi. “Không, nhà không có ai đau yếu, tao mắc về, vậy thôi”. Bạn, chắc não không kịp phản ứng trước nỗi mất mát của nồi cháo gà thiếu hành và dĩa gỏi không rau răm, nói “anh Thạch Sêl qua ngồi rồi nè”.

Thằng nhỏ sực nhớ tiệc nhậu này là để tiễn anh bạn bán vé số đó - người thuê trọ cạnh phòng thằng nhỏ. Bữa đầu tiên anh dọn tới, cây thốt nốt ốm o trồng một bên cái khung sắt hàn cứng phía sau xe anh từng làm thằng nhỏ mất cảm tình khi chình ình nửa hành lang, vốn chẳng rộng rãi gì. Nhưng sáng hôm sau, khi nhìn anh chất bà mẹ già lên bên khung còn lại, đối diện với cái cây, thằng nhỏ chùng xuống. Thạch Sêl, người đàn ông sau khi xưng tên, đã phân trần rằng má anh bị lẫn hay đi lạc, nhưng chừng nào cây thốt nốt này còn thì bà còn ngồi im thít đó, ngó cây. Cho má giữ cái cây, anh yên tâm dựng xe đầu chợ đi quanh bán vé số, nhiều khi ngoảnh lại dòm chừng, anh không biết ai giữ ai, có khi cái cây thốt nốt đó giữ bà già.

Chuyện của anh Thạch Sêl làm thằng nhỏ nhớ bà nội ở quê, cũng đãng trí nặng. Bà luôn nghĩ cháu nội mình là con nhà bên xóm, lần nào ăn cơm chung bà cũng liếc xéo thằng nhỏ, nói “đả đảo thằng ăn chực”. Bà không nhớ gì hết, nhưng lại nhớ mùa màng. Mới sa mưa bà đã bảo con dâu xúc lúa ra ngâm giống, mưa bão qua bà kêu trời ăn ở chi mà ngặt, lúa đang đỏ đuôi sập mẹp hết còn đâu. Cả nhà coi bà là cái máy dự báo thời tiết, có khi còn chính xác hơn trên đài, mọi người không biết bà nhìn mây, cảm nhận gió kiểu gì mà đoán nắng mưa trúng phóc. Chiều nay mưa chớ, nội ? Dễ gì, mây đóng vãy kiểu này còn lâu.

Thằng nhỏ nhớ bà nội, khi nhìn má anh Thạch Sêl lạch bạch đi tưới cây thốt nốt còi. Đó là lần hiếm hoi nó nhớ người nhà mình, từ khi theo bạn lên miền Đông làm công nhân. Hai chữ “nhớ nhà” không có trong từ điển thằng con trai hai mươi ba tuổi. Tan ca cả người rời rã, chạy qua chở bồ ghé qua chợ mua vài thứ gì đó về nấu cơm ăn, rồi na cái bụng no cành ra ngồi quán coi bóng đá, không thì bày rượu ra lai rai, dưa leo chấm muối ớt cũng là mồi. Quê nhà vẫn vói theo bằng những cuộc điện thoại. Mọi thứ ở đó chừng như không thay đổi, người nhà thằng nhỏ lúc nào cũng làm lụng gì đó, khi mẹ nó lia máy ảnh điện thoại về phía họ, và thuyết minh. Nói “mấy nay mưa quá lúa không được nắng nên có mớ lên mọng rồi”, mẹ chú thích cho hình ảnh ông nội đang đứng trong lều phơi, chống cào tự đấm lưng. Bữa khác thấy ba nó ngồi xoa dầu nóng lên cổ chân sưng phù, giọng mẹ  vẳng đằng xa lại, ổng bị trặt chân khi be đất lên liếp mía. Nhà cửa vẫn rối bời như trước, việc nối việc, tát xong cái đìa phải thức nguyên đêm để xẻ thịt làm khô cho kịp nắng, lúa chín chưa tìm được công gặt, cỏ ngoài nền mả mọc lút đầu. Hỏi sao không mướn người làm, mẹ nó nói thanh niên trong xóm bỏ đi hết còn đâu, giờ kiếm công thiệt khó. Mình cũng trong số đó, thằng nhỏ chột dạ, nhưng mẹ chừng như chỉ nói bâng quơ khi day qua hỏi nó thèm gì không, mẹ gởi. Những cuộc gọi từ mẹ luôn khiến thằng nhỏ bứt rứt, bởi mẹ thường chong điện thoại vào cái bếp, hoặc mái nhà, rồi nói vói vào. Chắc cũng bận tay chân. Như thể thằng nhỏ đang nói chuyện với khói bếp mịt mù, với cái võng trống trơn, với cái lồng bàn im lìm trên bộ vạc. Nếu may nhìn thấy người, thì là những hình người đẫm mồ hôi. Nên những tin tốt kiểu như lúa năm nay được giá, cũng mang vị mặn.

“Hên là anh đã trốn nhà đi sớm”, thằng nhỏ từng nói vậy với bồ, trước khi cô gái da mật nọ trở thành bồ cũ. Trên đường về khuya đó, thằng nhỏ cũng nghĩ việc thất tình cũng có thể là cớ, cho nó cưỡi xe máy dưới trời sương, đi ba trăm cây số về nhà. Hoặc chẳng vì lý do gì hết. Dân xứ nó bốc đồng đâu trong máu. Như khi nó bỏ xóm Cầu Nâu, cả nhà không phải là không cản ngăn, nhưng nó kệ, quảy ba lô đi một nước, theo những tiếng gọi xa xôi mà chính nó cũng không sao tả nổi.

Luôn tồn tại những tiếng gọi đâu đó, và người ta buông bỏ mọi thứ, để đi theo. Trời sắp sáng, thằng nhỏ bỏ cuộc, chẳng cố giải thích sao mình lại quay về. Nó thấy mắt cay một chút, nhưng không buồn ngủ. Tụi công nhân phía xóm trọ, ngó nồi cháo gà nguội ngắt bắt đầu tin thằng bạn về quê là thật, đã nhắn vào điện thoại, “đi ngang coi cây me trước đình Tân Thịnh còn không”. Tin anh Thạch Sêl đến sau cùng, “phải chi đợi sáng hãy về, hai thằng chạy chung một đoạn cho vui”. Anh chở má về Bảy Núi bứng cây thốt nốt khác, cây kia sắp chết rồi, cưng chiều cỡ nào được vài ba tháng cây cũng lụn dần, kiệt sức. Tin anh tới lúc sáu giờ rưỡi sáng, chắc anh đã đi một đoạn đường. Anh luôn đi sớm cho bà già đỡ nắng.

Giờ đó thằng nhỏ đã quẹo vô lộ ngánh vắng người, lối mà tụi nhỏ hay tắt qua mỗi khi đi huyện coi nhạc hội. Cỏ ướt quệt vào chân nó, thằng nhỏ nghĩ chắc lâu không có ai qua. Và Cầu Nâu hiện ra những hình người quen thuộc, vẫn chưa kịp đẫm mồ hôi, khói trà còn trên môi. Trước những cái nhìn sửng sốt, thằng nhỏ cười cười không nói gì, dựng xe đó ra ngoài hè đái bổng cầu vồng thiệt sảng khoái, rồi tiện tay bẻ một trái bầu tơ. Bầu mướt lông măng, mịn mượt trong tay người hái. Thằng nhỏ nói với mẹ, trưa kiếm tép rong nấu canh bầu, con thèm. Rồi nó sà vào lòng võng như sà vào lòng mẹ, ngủ một giấc nửa ngày.

Thằng nhỏ nói với tôi, nó không chắc mình sẽ ở lại Cầu Nâu tới già đi và hoà mình vào đất. Những tiếng gọi xa xôi ấy mà, chúng cất lên lúc nào đâu ai biết. Nhưng có một chuyện thằng nhỏ chắc chắn, là nó đã về. 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 30-1-2020