Tạp Chí Nhân Loại Và Cá Tính Văn Học Miền Nam

Lê Văn Nghĩa

  

(trích Văn học Sài Gòn 1954-1975-Những chuyện bên lề-NXB TPHCM, 2020)

 Tạp chí Sáng Tạo, ra đời vào tháng 10 năm1956 dưới sự đầu tư tài chánh của USIS (Mỹ) với sự góp mặt của những nhà văn trẻ đa số là người miền bắc (trừ Tô Thùy Yên). Người Mỹ đầu tư vì mong muốn những cây bút trẻ di cư nầy sẽ tạo ra một trào lưu văn chương chống lại phía bên kia vĩ tuyến như Mai Thảo đã có Đêm giã từ Hà Nội là dấu ấn.

 Bìa tuần báo Nhân Loại

 

Văn đàn lúc đó vô tình lại có “một cuộc đối đầu lịch sử”.  Trước đó, tờ tuần báo thời sự-xã hội Nhân Loại do những nhà văn kháng chiến miền nam bỏ tiền túi ra mắt vào cuối tháng 4/1956 với thành phần : Chủ Nhiệm kiêm chủ bút Anh Đào.(người cho thuê Manchette  không chỉ đạo nội dung) Thư ký Tòa soạn Thùy Lê Anh (Nguyên Hùng ) với sự cộng tác của Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Tiêu Kim Thủy, Lê Dân, Trường Xuân Trúc ngay số đầu tiên.

Nguyên Hùng kể lại hoàn cảnh ra đời tạp chí Nhân Loại. Sau 1954, ông vừa mới lên Sài Gòn gặp được Trường Xuân Trúc rũ làm báo Nhân Loại và mỗi người phải đóng 500 đồng vì không có ngân khoản nào của cách mạng tài trợ. Sở dĩ ông được chọn làm thư ký tòa soạn  là do có giấy tờ công khai sớm  hơn mọi người. Ngày thượng bảng tuần báo Nhân Loại trước của nhà in Hồ Văn Lợi, 316 bến Chương Dương chỉ có ba người là Nguyễn Bảo Hóa người thay mặt bộ biên tập giải quyết những chuyện nghiệp vụ, Trường Xuân Trúc và Nguyên Hùng. Theo lời Nguyên Hùng, ông chỉ là người thường trực tại tòa soạn được giao vài việc nhẹ nhàng như đọc thư từ  của bạn đọc nếu cần thì trả lời. Kế đó là đọc bản thảo các nơi gửi tới ‘góp ý đăng được hay không? Được giao nhiệm vụ đọc báo ngoại quốc như Selection hay Constellation. Ông chỉ làm thư ký tòa soạn được vài tháng rồi bàn giao cho người khác. (Ngọc Linh?). Đến số 14 bộ mới  tờ tuần báo Nhân Loại cải biến nhẹ nhàng là tờ tuần báo văn nghệ-thời sự-xã hội. Lúc nầy Nguyên Hùng không còn làm thư ký tòa soạn nữa nhưng trong thành phần biên tập không ghi tên thư ký tòa soạn mới. Số đầu tiên đổi mới nầy có bài của Tân Đức. Từ số nầy, tờ báo có khuynh hướng văn nghệ rõ hơn mặc dầu bộ cũ vẫn có văn của Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Ngọc Linh… Đến số 41 (15/2/1957) mới có tên Ngọc Linh là Thư ký Tòa soạn nằm trên manchette báo.

Ngoài những cây bút miền nam đã thành danh như Tô Nguyệt Đình (Nguyễn Bảo Hóa - Tiêu Kim Thủy), Viễn Phương, Thẩm Thệ Hà, Bình Nguyên Lộc trên tờ Nhân Loại xuất hiện những cây bút miền nam trẻ như Sơn Nam, Lê Vĩnh Hòa, Văn Phụng Mỹ (Trang Thế Hy), Kiên Giang, Ngọc Linh .Bên cạnh đó còn những cây bút miền nam khác góp mặt không thường xuyên như Cô Hợp Phố, Lê Dân, Vĩnh Điền, Trường Xuân Trúc… Sau này Viên Linh đã nhận định ‘Thế hệ văn học đầu của Miền Nam qui tụ quanh các báo Nhân Loại, Sáng Tạo, Bách khoa, Thế Kỷ Hai Mươi, Hiện Đại…’

 

Nhân Loại đã tạo được một thế đứng riêng biệt không thể phủ nhận được khi viết về nông thôn miền nam và tạo thành một khuynh hướng đối lập về ngôn ngữ cũng như khuynh hướng chính trị trong cách phản ánh hiện thực bằng văn chương. Võ Phiến đã nhận định: ‘Nhìn chung từ trước tới sau suốt thời kỳ 1954 - 1975 lúc nào cũng có những nhóm văn nghệ sĩ gần nhau không hẳn vì lập trường văn nghệ mà là vì một quan điểm chánh trị… Quan Điểm, Nhân Loại, Tự Do… Văn học thời kỳ nầy mang đậm màu sắc chánh trị…’

 

Đó là nhận định về khuynh hướng chính trị, ngoài ra ông Võ Phiến cũng không phủ nhậnCá tính miền nam hiển hiện rõ rệt trong nền văn học chúng ta thời kỳ 54 - 75 hiển hiện có ý thức…Sự hồi đầu của họ (những nhà văn nhóm Nhân Loại - Người viết) về Nam là một chủ tâm. Cá tính văn học miền nam là điều không thể phủ nhận và nó rất hấp dẫn. Sự phát huy bản sắc miền nam là một đóng góp thật quan trọng vào nền văn học VN…” Trong bài “Cá tính văn học miền nam “(Bách khoa, số 63 -15/8/1959), nhà văn Võ Phiến - qua những truyện ngắn trong tạp chí Nhân Loại đã nhận định “Vừa dễ dãi xuề xòa, người Việt miền nam vừa mau mắn vừa hoạt bát. Giọng văn của các tác giả trong nam có một vẻ gì rất khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Cho đến cách xây dựng cốt truyện cũng thế”.

 

Ông Võ Phiến cũng trích dẫn sự so sánh những khuyết điểm hình thức câu văn của hai miền nam bắc từ ý kiến của ông Thanh Lãng “… các nhà văn miền bắc, có lẽ vì uyên thâm nho học hơn, nên khi viết văn đã chịu sức tác động của văn chữ Hán rất mạnh: câu văn đặt dài, cân xứng, đối chác và điểm xuyết nhiều hán tự. Ngược lại., lối văn trong nam là lối văn đơn sơ, mộc mạc, dùng hầu toàn chữ nôm; cách đạt câu có vẻ cục cằn, vắn tắt, không xét gì đến cân xứng, đối chát “ (Biểu nhất lãm văn học cận đại). Ngoài ra, còn một yếu tố khiến cho người miền nam viết văn đơn sơ , mộc mạc là “người miền Nam tham dự vào hoạt động văn học còn mới mẻ quá”.

 

Theo ông Võ Phiến, ngoài những yếu tố kể trên cũng phải tính đến một vài yếu tố tâm lý làm ra cá tính miền nam cùng với ảnh hưởng của yếu tố ấy trong văn học. Tâm lý người miền nam là dễ dãi, xuề xòa trong trang phục, đã dễ dãi trong cách làm đẹp bản thân “…Thì người ta cũng rất có thể dễ dãi về quan niệm cái đẹp trong văn chương…Trong thái độ thưởng thức cuộc sống, chúng ta còn nhiều dịp thấy người miền nam tránh mọi sự cầu kỳ. Chỉ ở Bắc mới có người ăn uống kiểu cách như Tản Đà và luận bàn về cách ăn kỹ lưỡng như Tản Đà, mới có kẻ đi nếm đủ thức ăn ở Hà Nội 36 phố phường, rồi viết thành sách, mới có người tinh tế đến nỗi đất nước chia đôi, cách xa quê hương lâu rồi mà vẫn nhớ rõ mùi vị từng “miếng ngon Hà Nội”. Như thế cũng là vì miếng ăn ở miền ngoài nấu nướng thật là công phu khéo léo. Còn như ở trong nầy cách nấu nướng thường thường giản dị, nhiều khi chỉ nướng hay luộc, ít gia vị…”(bđd).

 

Thời gian đó, gần như có sự đối chọi giữa hai dòng văn học. Sáng Tạo thì văn chương, chữ nghĩa rổn rảng, uốn éo, chẻ sợi tóc làm tư, làm dáng văn chương . Nội dung thì viết nhiều về kỷ niệm thời còn ở miền bắc hay “hướng về một thủ đô văn hóa mới” với cuộc sống của Sài Gòn đêm đêm hoa lệ vũ trường nhạt nhòa phấn hương. Còn Nhân Loại thì giọng văn, ngôn ngữ nam bộ, huỵch toẹt, dễ hiểu ôn nhu, nhẹ nhàng kể chuyện nộng thôn miền nam thời thuộc Pháp, những phong tục, truyền thống đất lề quê thói “hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”. Cả hai có điểm chung là cùng “chết” vào năm 59 vì hết tiền.

Tạp chí Sáng Tạo kéo dài được 31 số, tháng 9/59 đóng cửa vì không được tài trợ nữa. Cho đến tháng 7/60 được Sở Nghiên Cứu Chính Trị (Trần Kim Tuyến) tài trợ ra lại bộ mới và cũng chỉ kéo dài được 7 tháng vì bị cắt nguồn kinh tế. Lý do tại sao bị cắt thì không biết. Không làm hài lòng ông Tuyến chăng vì chỉ vị nghệ thuật, lo chống lại văn nghệ tiền chiến mà văn chương nội dung chống cộng không hiệu quả? Còn Nhân Loại của nhóm Tân Đức, Tô Nguyệt Đình, Ngọc Linh… thì cũng chết vào năm 1959 vì bị trung tâm phát hành báo chí chính quyền ém lại, không phát hành. Nhân Loại chết nhưng những nhà văn nam bộ vẫn tiếp tục hoạt động văn chương trên các tờ báo, tạp chí khác.

Dấu ấn của Nhân Loại là tiếp tục phát huy được cá tính văn học miền nam từ những truyện dài, truyện ngắn viết về nông thôn miền nam từ thời cụ Đồ Chiểu cho đến Hồ Biểu Chánh sau nầy là Tô Nguyệt Đình, Thẩm Thệ Hà… và được tiếp nối bởi những Sơn Nam, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa,  Ngọc Linh…

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 22-12-20