Kim Thúy: “Con trai đã dạy tôi quan sát
mọi thứ từ một góc nhìn mới”

 Susanna Karhapää

 

Nhà văn Kim Thúy đi thẳng từ sân bay đến. Chị vừa trải qua một chặng đường dài từ Montreal qua Paris đến Helsinki. Kim Thúy chào tôi bằng một cái ôm, khiến tôi không khỏi có chút ngạc nhiên vì người Phần Lan chỉ quen bắt tay những người chúng ta chưa bao giờ gặp.

Đột nhiên, tác giả bắt đầu ngửi chiếc áo len của tôi.

- Mùi thật dễ chịu! Kim Thúy kêu lên. Tôi thấy hơi mắc cỡ, còn nhà văn nói tiếp rằng trên máy bay, hành khách bên cạnh chị có mùi khó chịu, đến mức chị phải ngửi một loại kem dưỡng da trong suốt hành trình.

- Tôi chắc hơi khác người, tác giả nói và cười phá lên.

Kim Thúy sinh năm 1968 tại Sài Gòn, Việt Nam. Khi nhà văn lên 10, gia đình đã rời khỏi Việt Nam theo thuyền tị nạn sang Malaysia và sống tại một trại tị nạn ở đây trong bốn tháng. Cha mẹ của chị biết tiếng Pháp, nên gia đình đã đến định cư ở Quebec, Canada.

Kim Thúy kể lại những trải nghiệm của mình trong cuốn tiểu thuyết giả tưởng tự truyện Ru, được xuất bản vào mùa xuân do Marja Luoma chuyển ngữ. Cuốn tiểu thuyết ban đầu được xuất bản bằng tiếng Pháp vào năm 2009. Cuốn sách đã được xuất bản tại hơn 30 quốc gia.

- Nhân vật chính không phải là tôi, vì tôi muốn mô tả rộng hơn kinh nghiệm của những người tị nạn Việt Nam. Tôi đã cho phép mình tự do pha trộn kinh nghiệm của bản thân và người thân của tôi với các sự kiện hoàn toàn hư cấu. Tôi không bao giờ nghĩ rằng cuốn sách sẽ được ai đó khác đọc, ngoài bạn tôi. Thậm chí, tôi còn ngạc nhiên nhiều hơn khi cuốn sách của tôi được dịch ra các ngôn ngữ khác, - với mười năm làm việc như một nhà văn, Kim Thúy nói.

Trước khi đến với nghề viết văn, Kim Thúy làm luật sư, phiên dịch viên và chủ nhà hàng. Chị nói rằng kinh nghiệm lập nhà hàng và quyết định đóng cửa đã khiến chị viết.

- Tôi mệt đến nỗi bắt đầu ngủ gật trên tay lái. Viết làm tôi tỉnh táo. Lúc đầu tôi viết tất cả mọi thứ. Cuối cùng, tôi bắt đầu viết về những trải nghiệm của bản thân và thấy mình thích viết lách.

Một lý do khác để tôi viết là chứng tự kỷ được tìm thấy ở đứa con trai nhỏ của mình.

Tác giả giải thích rằng trải nghiệm đầy nhạy cảm về thế giới của con trai đã khiến chị quan sát mọi thứ từ một góc nhìn mới. Chị nghĩ rằng đây là lý do tại sao văn bản tiểu thuyết của chị rất hiện thực và đa giác quan.

- Chẳng hạn, trước đây chắc chắn tôi không nhận thấy mùi áo len của chị. Điều này con trai tôi đã dạy tôi.

Viết là quan sát từ thế giới. Kim Thúy bộc bạch rằng ban đầu chị rất nhút nhát và mười năm đầu đời chị chủ yếu im lặng, đứng từ xa quan sát những trải nghiệm của người khác.

- Tôi đã có thời gian để quan sát mọi thứ từ bên ngoài.

Đó là kinh nghiệm ở bên ngoài mà Kim Thúy có thể mô tả bằng tài năng. Chị cung cấp một điểm nhận biết cho người ngoài, khác lạ, khó nhìn thấy được. Chị nói rằng những người nhập cư thường được mô tả một cách hời hợt, không thấu đáo và tiếng nói của họ không được lắng nghe.

- Vì thế tôi tận dụng mọi cơ hội mà tôi có được để lên tiếng và đại diện cho người nhập cư - nghĩa là tôi thể hiện như một đại diện hòa nhập thành công. Tôi vẫn muốn được tham gia vào việc thay đổi những câu chuyện của người nhập cư. Nhiệm vụ của tôi là lên tiếng cho những người không nói.

Không người thân nào của chị đã nhận xét về những cuốn sách của chị, mặc dù chúng là những cuốn tự truyện. Chị nói rằng những người khác trong gia đình chị luôn ủng hộ, mặc dù họ không nghĩ khác về hầu hết mọi chuyện.

- Khi tôi bắt đầu mở nhà hàng của mình, mọi người đều phản đối và nói rằng tôi nên quên đi toàn bộ ý định không tưởng. Rốt cuộc tôi đã học luật và đã có một việc làm tốt. Cuối cùng, gia đình đã giúp tôi. Mẹ tôi nướng tất cả các món bánh tráng miệng trong nhà hàng. Em trai nha sĩ của tôi đến đó để ăn trưa và giúp dọn rửa. Dì tôi đầu tư tiền vào nhà hàng.

Kim Thúy nay 50 tuổi, sống ở Montreal. Nhà văn đã có mặt ở Phần Lan lần thứ hai kể từ Festival Văn học Helsinki vào tháng Năm (2019). Ở đó, chị thu hút tất cả mọi người bằng sự sinh động của mình, kể cả các nhà văn Phần Lan. Chị kể một mạch về chuyến thăm của mình sau khi trở về Canada.

- Có 700 người trong nhà hát vào tối thứ Sáu, trong đó có nhiều người trẻ! Họ đã trả tiền để nghe một cuộc trò chuyện văn học giữa hai người trên sân khấu. Điều này sẽ không bao giờ có thể xảy ra ở Montreal!

Chị nghĩ rằng, Bắc Âu mang lại hy vọng cho văn học.

- Những người ngoài luôn nghĩ rằng người Scandinavi là tốt nhất. Một lần nữa các bạn đã chứng minh điều đó!

Một số người Việt Nam không thích những gì Kim Thúy đã viết trong tiểu thuyết tự truyện của chị. Vi, cuốn tiếp theo của tiểu thuyết Ru sẽ được xuất bản ở Phần Lan vào mùa thu tới. Vi cũng mô tả trải nghiệm của một thuyền nhân tị nạn và trưởng thành ở một đất nước mới.

Một số người cảm thấy khó chịu với những cuốn sách của Kim Thúy vì văn phong nhẹ nhàng của chúng và đặc biệt coi cộng sản là nạn nhân.

- Theo ý kiến của họ, tôi không nên hiểu cộng sản là nạn nhân. Tuy nhiên, tôi không thể không nhìn thấy sự thật là trong số những người lính một số 15 tuổi, vẫn còn hoàn toàn trẻ em. Tất cả chúng tôi đều là nạn nhân của cuộc chiến.

Có lẽ đó là một vấn đề thuộc về thế hệ, Kim Thúy nghĩ. Mặt khác, nhà văn nói rằng chị hiểu những người công kích mình.

- Họ đã bỏ lại cả cuộc đời - nghề nghiệp, nhà cửa, mọi thứ. Bản thân tôi chỉ mới 10 tuổi khi chúng tôi rời Việt Nam và Canada trở thành quê hương của tôi.

Kim Thúy biết ơn Canada về tất cả. Hiện nay chị viết bằng tiếng Pháp, và đây là ngôn ngữ chị yêu thích vì chị đã làm việc rất chăm chỉ để học nó.

Tiểu thuyết Người tình (The Lover) của Marguerite Duras là một cuốn tiểu thuyết đặc biệt quan trọng đối với Thúy. Năm 15 tuổi và vừa đến Canada, chú của chị đã quyết định mua cuốn sách này vì cuốn sách viết về Việt Nam và có thể học tiếng Pháp.

-15 đô la là một số tiền rất lớn để mua cuốn sách, bởi vì chúng tôi thường phải gửi tất cả tiền tiết kiệm về giúp thêm cho họ hàng ở Việt Nam.

Cậu của Thúy đọc cho chị nghe từng câu. Cùng với mẹ, cô đọc cuốn sách để học cấu trúc của tiếng Pháp. Thúy yêu thích cuốn sách đến mức cuối cùng chị cũng nói tiếng Pháp theo phong cách viết của Duras.

- Tôi nói với mọi người giống như nữ nhân vật của Duras, khi tôi năm mười lăm tuổi rưỡi. Tôi bắt đầu viết nhiều đến nỗi không còn ai thèm nghe tôi nói nữa,  Kim Thúy nói.

Bây giờ tác giả nói rằng cuốn sách thực sự hữu ích với tôi.

 

Lê Lam (dịch từ tiếng Phần Lan)

Nguồn: (https://www.hs.fi/kulttuuri/art-2000006142758.html)

Ghi chú của người dịch

·       Cả hai tiểu thuyết “Ru” và “Vi” của Kim Thúy đều đã được dịch sang tiếng Phần Lan cùng năm 2019

·       Khi đọc bài viết này tôi vào trang mạng của thư viện 3 thành phố (Helsinki, Porvoo và Vantaa) để đăng ký mượn tiểu thuyết “Ru”. Không ngờ, thư viện có tất cả 57 cuốn thì có 638 người đăng ký mượn.  Còn “Vi” có 57 cuốn, 314 người đăng ký mượn.

·       Ngoài bản dịch tiếng Phần Lan, thư viện còn có nguyên bản tiếng Pháp, bản dịch tiếng Anh, tiếng Thụy Điển.

 

Người dịch gửi cho viet-studies ngày 5-3-20