Khúc ngợi ca một ngôi trường

 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

Ở miền Nam từ những năm 1950 đến nay, trong số các trường trung học nổi tiếng, Trường Trung học Phổ thông Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) là một ngôi trường đặc biệt.

Qua những biến thiên chính trị, nhiều ngôi trường danh giá ở miền Nam không còn giữ được tên ban đầu: Đồng Khánh ở Huế, Pétrus Ký ở Sài Gòn, Phan Thanh Giản ở Cần Thơ… Trong quá khứ cũng như tương lai, truyền thống Trường Trần Quốc Tuấn trên quê hương Quảng Ngãi trường tồn cùng với tên tuổi Hưng Đạo Đại Vương, nhân vật lịch sử, người anh hùng vĩ đại đã lập chiến công oanh liệt ba lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông.

Qua những thay đổi xã hội, một số ngôi trường lớn ở miền Nam phải di dời địa điểm, nhường “khu đất vàng” cho sự phát triển kinh tế; những cựu học sinh nhiều năm đi xa trở về không tìm thấy dấu tích kỷ niệm tuổi học trò vì cảnh vật đã không còn như xưa. Trường Trần Quốc Tuấn cho đến nay vẫn ổn định ở một khu đất đẹp, gần trung tâm thành phố mà luôn giữ được sự tĩnh lặng cần thiết cho sinh hoạt học đường. Điều đó cho thấy nhận thức về giá trị vô hình mà lớn lao của mảnh đất truyền thống này.

Ở miền Nam không một ngôi trường nào đứng ngoài những biến động lịch sử trong thế kỷ 20, đã chứng kiến những chia xa, cách trở, phân hóa, thậm chí ngộ nhận. Nhưng giáo dục chân chính bao giờ cũng là kết nối, tích hợp và hòa hợp. Kết nối, tích hợp và hòa hợp giữa thầy và trò, giữa các thế hệ, giữa các nguồn đào tạo, giữa khoa học và đạo đức, giữa lịch sử nhà trường và lịch sử đất nước. Trường Trung học Trần Quốc Tuấn là ngôi trường tiêu biểu cho tinh thần đó. Vào phòng truyền thống của trường, ta thấy chân dung của 11 vị hiệu trưởng qua các thời kỳ, hình ảnh các thầy cô giáo qua các thế hệ được tôn vinh và trân trọng, không có một sự gián đoạn nào. Cựu học sinh Trần Quốc Tuấn, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, một nghề nghiệp, nhưng ai cũng tự hào về ngôi trường của mình. Không khí gặp gỡ, họp mặt những dịp kỷ niệm ngày thành lập trường chứng tỏ điều đó.

       Tôi học ở Trần Quốc Tuấn chỉ một năm ngắn ngủi trong thời chiến, nhưng mỗi lần nghe ai nhắc đến tên trường, lòng luôn xúc động và cảm thấy hạnh phúc. Những ấn tượng về ngôi trường thời xưa tôi đã ghi lại trong hai bài viết đăng trong Kỷ yếu của trường. Tháng 11 năm nay ngôi trường được 65 tuổi (1955-2020); không có điều kiện về dự ngày hội trường, từ xa xôi, tôi xin kể lại một kỷ niệm gần đây.

       Mỗi năm tôi về thăm quê nhà ở Mộ Đức ít nhất một lần và lần nào tôi cũng ra ở lại thành phổ Quảng Ngãi một ngày để đi dạo phố phường trước khi vào lại Sài Gòn. Lúc thì thăm bà con, lúc gặp mặt bạn bè, lúc một mình xin vào Trường Trần Quốc Tuấn chụp ảnh những hàng cây long não mướt xanh và những chùm hoa phượng vĩ.

       Lần ấy, gần cuối tháng 11, tôi ra thành phố đúng ngày mưa. Cả ngày thu mình trong khách sạn không đi chơi đâu được, buổi tối tôi một mình đón xe đến Quán cà phê Cẩm Viên trên đường Hùng Vương. Trời vẫn mưa rả rích, tôi nghĩ quán vắng khách. Không ngờ đến nơi thấy các bàn đều kín người, tôi chọn một chỗ ngồi trong góc khuất. Thì ra tối nay có chương trình ca nhạc đặc biệt của một nhóm cựu học sinh mừng các thầy cô giáo Trường Trần Quốc Tuấn nhân dịp ngày 20-11. Tôi thấy phía trước có thầy Trần Đình Trọng, người tôi đã gặp hôm đi viếng thân phụ của thầy là nhà giáo mẫu mực Trần Văn Thận. Thầy Trọng là nhân vật thầy giáo thương binh từng được một người lính Việt Nam Cộng hòa cứu sống mà nhà báo Hàng Chức Nguyên đã tái hiện trong bài phóng sự gây xúc động “Chuyện hai người lính” trên báo Tuổi Trẻ, sau đưa vào phim tài liệu “Chung một mái nhà”. Ngồi gần đó có thầy Đinh Duy Quang, người mà tôi làm quen nhiều năm trước nhờ đi cùng toa trên một chuyến tàu từ Sài Gòn về Quảng Ngãi. Nay thầy Quang là cựu học sinh Trần Quốc Tuấn đầu tiên trở thành hiệu trưởng nhà trường.

       Quán đông người, chương trình đang diễn ra nên tôi không dám lên chào các thầy cô, ngại làm phiền khán giả. Quả là một bất ngờ may mắn, tôi được thưởng thức một bữa tiệc âm thanh cuốn hút, giọng hát nào cũng truyền cảm. Tiết mục tôi thích nhất trong đêm đó là khi cô Trần Thị Kim Phú lên hát bài Tóc mai sợi vắn sợi dài của Phạm Duy, hòa trong tiếng đàn guitare của phu quân là nhà thơ Đinh Tấn Phước. Ôi, bài hát gắn liền với tuổi học trò của tôi năm Trần Quốc Tuấn xa xưa, in trong tuyển tập ca khúc mà tôi mua ở hiệu sách Tinh Hoa ngay trước cổng trường và còn lưu giữ đến bây giờ.

      Tôi thấy mình có lỗi vì lớp chúng tôi chưa bao giờ tổ chức được một cuộc họp mặt tạ ơn các thầy cô giáo của mình. Mùa hè đỏ lửa năm 1972 chúng tôi chia tay nhau và không có dịp nào gặp lại đông đủ bạn bè. Chúng tôi như đôi tình nhân trong bài hát: “yêu nhau, yêu nhau theo thời gian/ xa nhau, xa nhau theo mộng tàn”. Nhưng lòng chúng tôi vẫn luôn nhớ thương các thầy cô, bè bạn, những người thất lạc nhau qua bao gian nan sau những tháng ngày êm ả ở Trường Trần Quốc Tuấn.

 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG 

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 26-11-20