NGƯỜI VIỆT
19-10-19

Các giáo sư vùng Little Saigon hào hứng với ‘Vài nét độc đáo trong tiếng Việt’

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Giáo Sư Nguyễn Trung Chánh đã dựa trên những khảo cứu về triết học, nhân chủng học, dân tộc học, cũng như về chính trị và văn hóa để nói về đề tài ‘Vài nét độc đáo trong tiếng Việt.’ Song song đó, thầy đã truy nguyên gốc tiếng Việt sang tiếng Hán cho đến tiếng Nôm để làm dàn bài cho buổi thuyết trình này.”

Giáo Sư Nguyễn Khoa Diệu Quyên, hội trưởng Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California, nói như vậy với nhật báo Người Việt về buổi hội thảo do Giáo Sư Nguyễn Trung Chánh thuyết trình vào sáng Thứ Bảy, 12 Tháng Mười, tại Văn Phòng Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ, Westminster.

Giáo Sư Đỗ Anh Tài, đại diện ban tổ chức, cho biết ban tổ chức đã mời các giáo sư, các thầy cô giáo của những trường Việt Ngữ và các trường công lập tại vùng Little Saigon đến dự buổi hội thảo này. Nhân dịp này, ban tổ chức cũng đã mời những cựu giáo sư đã từng dạy ở Việt Nam trước 1975 như các Giáo Sư Trần Huy Bích, Phạm Thị Huê, Vũ Ngọc Mai.

Đặc biệt, ban tổ chức đã nhờ quý thầy cô giáo khuyến khích các em học sinh đang học tiếng Việt đợt 4 cùng gia đình đến tham dự. Bởi vì sang năm, các em học sinh này sẽ ra trường để chuẩn bị vào đại học, nên các em cũng cần phải biết những nét độc đáo trong tiếng Việt của chúng ta như thế nào.

Trong bài thuyết trình, diễn giả Nguyễn Trung Chánh nói: “Tiếng Việt của chúng ta đã có năm-sáu chục phần trăm là gốc từ chữ Hán, chúng ta phải nhìn nhận điều đó. Nhưng mà không phải vì mượn chữ Hán mà chúng ta là người Hán hay là đi theo người Hán. Tiếng Anh cũng mượn tiếng La Tinh, rồi cũng mượn đến tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp, tiếng Đức. Nhưng mà, theo sự diễn biến của xã hội thì tiếng Anh càng ngày càng thay đổi, và sự vay mượn đó là chuyện bình thường. Thành ra tiếng Việt của chúng ta vay mượn chữ Hán cũng là chuyện bình thường thôi, chớ không phải bị lệ thuộc hay nô lệ vào chữ Hán.”

Theo diễn giả, vì tình hình trong nước hiện nay, chúng ta không có quyền làm ngơ, bởi vì làm ngơ có nghĩa là phản bội quê hương! Chúng ta là những người vì hai chữ tự do mà nữ ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh đã nói, ‘Vì hai chữ tự do nên chúng ta mang đời lưu vong!’ Trong sự lưu vong đó, chúng ta vẫn mang theo quê hương, văn hóa và tiếng nói Việt Nam. Vì thế, điều quan trọng nhất là chúng ta phải duy trì tiếng nói và ngôn ngữ Việt.

“Nếu những người lưu vong như chúng ta bỏ lơ đi những cái hay trong tiếng Việt thì con cháu của chúng ta đến một ngày nào đó sẽ bị tự diệt nguồn gốc của mình. Do đó, chúng ta phải làm sao bảo vệ tiếng Việt của mình, và phải thấy được tiếng Việt hay ở chỗ nào để dạy cho con cháu. Khi đó các cháu mới hiểu biết rằng, tiếng Việt quá hay nên cần phải học và nói tiếng Việt. Cũng như chúng ta là những người yêu tiếng Việt, tại sao cứ nói tiếng Việt hằng ngày mà không để ý cái hay của nó?” ông nói thêm.

Nói về sự độc đáo của tiếng Việt, Giáo Sư Nguyễn Trung Chánh đã đưa ra những thí dụ từ những văn nghệ sĩ đã sáng tác những tác phẩm vào đúng thời và đúng lúc. Ông viện dẫn bài nhạc “Trường Ca Con Đường Cái Quan,” cố nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa ra hình ảnh trong thời chiến tranh Việt Nam chống Bắc thuộc.

“Trường Ca Con Đường Cái Quan” đã miêu tả lại bối cảnh trên đường tùng chinh giúp nước thì có những người trai đang đi trên con đường Cái Quan. Khi đi qua thửa ruộng có một cô gái đang cấy lúa nhìn thấy những người trai này mới nói: “Hỡi anh đi trên đường Cái Quan, dừng chân đứng lại cho em đây than đôi lời, đi đâu mà vội mấy anh ơi!” Trong những ca từ này đã nói lên đúng thời đúng lúc của những chàng trai đang đi trên đường Cái Quan. Vì thế, trong văn chương Việt Nam, chữ Việt có sự độc đáo là đánh bắt được thời điểm đưa vào những tác phẩm để cho người ta hiểu được bối cảnh đang thời như thế nào.

Một thí dụ khác là giáo sư đã đưa ra hình ảnh của những người nông dân chất phác, khi một chàng trai yêu một thiếu nữ nào đó thì họ đâu có đủ văn chương để nói lên những từ ngữ trau chuốt, văn hoa. Nhưng họ đã nói lên những gì từ tiếng lòng của họ, tuy có hơi khó nghe, nhưng nghe nó rất chí tình và bộc lộ một cách mộc mạc như chàng trai nông dân đã tỏ tình với một thiếu nữ: “Em ơi! Anh yêu em thấy mẹ!”

Sau lời thuyết trình của diễn giả, cô giáo Phạm Loan Anh của trường Việt Ngữ Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam tâm tình: “Tuy tôi là một cô giáo dạy Việt Ngữ đã hơn 17 năm qua, nhưng khi nghe Giáo Sư Nguyễn Trung Chánh nói về đề tài “Vài nét độc đáo trong tiếng Việt” thì tôi mới học được thêm từ giáo sư những phong phú của tiếng Việt mình còn rất nhiều nét độc đáo và rất cao siêu mà mình chưa bao giờ nghĩ đến.”

Còn Giáo Sư Phương Lê chia sẻ: “Sau khi nghe lời thuyết trình của diễn giả thì chúng ta được học hỏi thêm là, tiếng Việt còn phong phú ở chỗ vừa tượng hình và tượng thanh nữa.”

Trong nét độc đáo đó, giáo sư đã giải thích chữ “bụng,” mà cố thi sĩ Du Tử Lê đã từng nghĩ, “Tình yêu nó ẩn chứa trong bụng của mình,” và giáo sư cũng đã đưa ra một câu chuyện có chút tếu là các cụ bà ngày xưa đã nói với con gái của mình: “Con có yêu ai thì nhớ để bụng nghe con.” Đến khi cái bụng của cô gái bị to lên thì cô gái lại thưa với mẹ rằng: “Tại vì mẹ bảo con yêu ai thì để vào trong bụng mà.” “Thế nên, tiếng Việt của chúng ta độc đáo là vậy,” bà nói.

Giáo Sư Vũ Ngọc Mai, thành viên trong ban tổ chức, tâm tình: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy quý cựu giáo sư, quý thầy cô giáo, các em học sinh và phụ huynh đã đến dự buổi thuyết trình có ý nghĩa này. Sự đa dạng và  phong phú của ngôn ngữ Việt Nam là một văn hóa để cho chúng ta nên học để thực dụng trong gia đình cũng như ngoài xa hội. Hiện giờ, ngôn ngữ Việt cũng đang được phát triển tạị các trường trung học, đại học ở California, nhất là ở Little Saigon. Đây là điều cho người Việt của chúng ta được hãnh diện. Chúng ta đã rời xa quê hương, nhưng không bao giờ quên nguồn gốc và văn hóa của mình, một văn hóa rất đáng để hãnh diện cho dân tộc Việt Nam.”

Nhân dịp này, Giáo Sư Phạm Thị Huệ cũng thông báo cho mọi người biết là Giải Thưởng Học Sinh, Sinh Viên Gương Mẫu trong năm nay với tiền học bổng giá trị $15,000 và nhiều bằng khen giá trị