Một Vài Suy Nghĩ Xung Quanh Việc Đề Nghị Bỏ
"Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” của GS Trần Ngọc Thêm

 

Boristo Nguyen

 

Tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT", do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm đề xuất loại bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lý do, theo ông vì khẩu hiệu này là sản phẩm của Nho giáo và “Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều. Chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" sẽ là điều kiện cần để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”.

 

Khoảng 15 năm trước, tôi có tham gia diễn đàn giáo dục Edunet của bộ Giáo dục & Đào tạo với hy vọng sẽ đưa ra những kiến nghị để góp phần ngăn chặn sự tha hóa và chấn hưng giáo dục. Nhà trường Việt Nam có nhiều vấn đề, rất nhiều bất cập. Để giải quyết những vấn đề này, đáng tiếc là đến tận bây giờ, lãnh đạo và ngành giáo dục vẫn làm theo cách: hỏng đâu chữa đấy, cháy đâu dập đấy; thử và sai, sai lại sửa. Kết quả là tình hình mãi vẫn không được cải thiện, chất lượng giáo dục không những không tốt lên mà ngày càng kém đi. Tôi nghĩ: giáo dục ở ta như ngôi nhà xây trên móng bị hỏng, đắp được chỗ này lại lún chỗ kia, muốn giải quyết phải có cách tiếp cận hệ thống, bắt đầu từ việc tìm ra những nguyên nhân gốc (root causes) để rồi tìm cách khắc phục (nếu có thể) hoặc giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của chúng. Giải quyết được những vấn đề gốc rễ này rồi mới làm gì thì làm, ngược lại mọi cải cách, hay đúng hơn là chữa cháy đều sẽ vô nghĩa.

 

Nhưng rồi tôi hiểu ra, cách làm này cũng chẳng đi đến đâu. Giáo dục như một hệ thống con, không thể vượt qua hệ thống mẹ của nó. Khi xã hội tha hóa và con người mất niềm tin thì việc chấn hưng giáo dục là bất khả kháng. Khi mọi thước đo giá trị bị đảo lộn, con người mất niềm tin thì người thày giao giảng những cái mà chính mình cũng chẳng tin, trò học mà chẳng tin, mọi cái chỉ là giả vờ, làm cho có. Gốc rễ của giáo dục Việt Nam là ở chỗ niềm tin bị mất. Không còn niềm tin vào những điều tốt đẹp, thì không hy vọng gì có một nền giáo dục tử tế.

 

Quay lại chuyện “Tiên học lễ, hậu học văn”. GS Thêm cho rằng: “lễ” làm người học bị trói buộc trong quan hệ một chiều và từ đó làm mất tư duy phản biện, sức sáng tạo của họ. Theo tôi, đây là cách nhìn bề mặt, không hẳn đúng. “Lễ” không phải là quan hệ một chiều mà là hai chiều. Ví dụ như quan hệ thày trò: trò phải kính thày, nhưng ngược lại người thày phải làm gương cho trò. Khi được tôn trọng, mang danh người thày, thày càng phải giữ, làm gương cho trò, cho xã hội. Nhìn vào các nhà nho trong quá khứ thì rõ. Còn việc cho học trò kính trọng thày sẽ làm mất đi khả năng phản biện, tính sáng tạo. Chẳng có mối quan hệ nhân quả nào giữa hai chuyện này. Kính trọng là “nguyên tắc” về thái độ, ứng xử chứ không phải không được phép có ý kiến khác, không được phản biện. Đây là đòi hỏi về cách thể hiện chứ không phải về nội dung của quan điểm. Còn việc coi “lễ” làm cản trở sự sáng tạo của người học, tôi nghĩ đơn thuần đây là sự suy diễn không có căn cứ. Trung tâm thực nghiệm Giảng Võ của GS Hồ Ngọc Đại ngày trước mà tôi biết nổi tiếng về việc khuyến khích học sinh tranh luận với thày cô. Trò thực nghiệm “cãi thày leo lẻo” nhưng họ đâu có bất kính với thày cô, hàng năm các học sinh cũ vẫn kéo nhau đến thăm GS Hồ Ngọc Đại (đại diện cho Trung tâm), vẫn yêu mến, kính trọng những người đã dạy họ. Bên châu Âu này cũng vậy, chẳng có Nho giáo nhưng vẫn có truyền thống trò kính trọng thày (nếu thày ra thày) nhưng đâu có ai cấm phản biện, có ý kiến khác với thày. Vấn đề chỉ ở cách phản biện, cách trình bày quan điểm.

 

Sống chung với nhau trong cộng đồng, con người phải chịu sự điều chỉnh bởi các qui tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ đó mà những bản năng gốc (“cái ấy” (id) trong mô hình nhân cách của Freud), sinh học và tính dục, mới không phát tác mất điều khiển. Không có các quy tắc, chuẩn mực sống, xã hội sẽ hỗn loạn, không thành xã hội. Có hai mô hình tổ chức xã hội: pháp trị và đức trị. Pháp trị dựa vào hệ thống luật pháp, đang chứng tỏ ưu việt trước đức trị, mô hình dựa vào những tiêu chuẩn đạo đức. Tuy nhiên, chỉ pháp luật thôi không đủ, vẫn không thể thiếu những chuẩn mực về đạo đức. Các mối quan hệ (về đạo đức) giữa người với người được quy định bởi các chuẩn mực đạo đức: con cái biết ơn cha mẹ, người trẻ kính trọng người già, học trò kính trọng thày cô, … Một ví dụ cho thấy không thể thiếu các chuẩn mực về đạo đức là quan hệ cha mẹ con cái trong gia đình. Thử hỏi, cho dù không có vi phạm luật pháp nhưng nếu đạo đức gia đình bị phá vỡ, con cái bất hiếu với cha mẹ thì xã hội sẽ như thế nào?

 

Nho giáo được sinh ra cũng nhằm để tạo ra các chuẩn mực đạo đức, và từ đó là cách hành xử giữa các thành viên trong cộng đồng, nền tảng cho sự ổn định của xã hội phong kiến. Mọi triết thuyết, đều có những điểm tích cực, những điều hạn chế và mang tính lịch sử. Thời gian trôi đi, những gì không phù hợp sẽ dần bị loại bỏ nhưng những gì tốt đẹp, vẫn có ích cần phải được chắt lọc và gìn giữ. Nho giáo là một trong những triết thuyết lớn nhất trong lịch sử loài người, được du nhập và tồn tại lâu đời ở Việt Nam và trở thành một phần của văn hóa dân tộc thì chắc chắn vẫn còn những điều có giá trị. Nho giáo giờ có thể đã lạc hậu, cản trở sự phát triển của xã hội hiện đại. Thêm nữa, nhắc đến Nho giáo là gợi đến ảnh hưởng của TQ, ông bạn 4 tốt đã và đang gây cho Việt Nam không ít nhức nhối. Vì vậy, Nho giáo như một triết thuyết, một hệ tư tưởng cần loại phải loại bỏ nhưng những giá trị tốt đẹp của nó vẫn cần được gìn giữ.

 

Tôi không nghiên cứu Nho giáo nên không biết theo theo sách vở “Tiên học lễ, hậu học văn” phải được hiểu chính xác như thế nào? Tuy nhiên, cách hiểu này không quan trọng. Quan trọng là xã hội, người dân hiểu nó như thế nào vì ảnh hưởng của triết lý (câu nói) lên xã hội thông qua cách hiểu của đại đa số người dân chứ không phải qua cách hiểu của mấy vị hàn lâm. Mà người dân bình thường hiểu câu nói đó theo nghĩa: việc trau dồi đạo đức phải là hàng đầu, sau đó mới đến tri thức.

 

Trên thực tế có những quan hệ thày trò ở Việt Nam khá cứng nhắc, trò ngại không dám nói ngược với thày. Điều này là có và ảnh hưởng đến việc giải phóng tư tưởng, hạn chế tư duy phản biện. Tuy nhiên, nếu đây là sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thì là ảnh hưởng của Nho giáo nói chung chứ không phải từ câu nói cụ thể này. Việc phải làm là làm sao để mọi người nhận thức lại cho đúng về mối quan hệ thày-trò, ý nghĩa của câu khẩu hiệu: kính trọng khác với việc có tinh thần phản biện.

 

Một trong những lí do mà GS Thêm đề nghị bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vì đây là khẩu hiệu suông, không có mấy tác dụng. Ông đặt ra câu hỏi: “Lâu nay ta chẳng vẫn đang duy trì khẩu hiệu này ở khắp nơi đó sao? Vậy tại sao đạo đức vẫn suy thoái, trong học đường vẫn liên tiếp xảy ra các sự cố?”. Tôi nghĩ, ở ta hầu như tất cả khẩu hiệu đều chỉ là hình thức, ít tác dụng. Đòi hỏi chỉ bằng một câu khẩu hiệu mà ngăn chặn được sự suy thoái đạo đức xã hội là điều không tưởng.

 

Có rất nhiều ý kiến phản ứng, không đồng tình với đề nghị của GS Trần Ngọc Thêm. Lý do có lẽ không hẳn nằm ở chỗ treo hay bỏ khẩu hiệu mà là ở chỗ loại bỏ cái tinh thần, cái tiêu chuẩn đạo đức: học gì thì học, phải làm người (tử tế) trước đã. Đạo đức trong xã hội, trong nhà trường đã vô cùng xuống cấp, xóa bỏ nốt những tiêu chuẩn đạo đức như “Tiên học lễ, hậu học văn” không hiểu rồi sẽ đi đến đâu?

 

Không có con người (tử tế) thì mong gì có con người sáng tạo!

 

Moscow 30-11-2021

 

Tác giả gửi viet-studies ngày 30-11-21