Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
25-6-04

Cánh cửa đã mở

Theo một quan chức trong đoàn đàm phán của Việt Nam thì tại phiên đàm phán thứ bảy vào cuối năm ngoái và phiên thứ tám vừa qua, chúng ta đã đạt được “những tiến bộ có ý nghĩa, có thể nói là đột phá”.

Từ phiên đầu tiên đến hết phiên thứ sáu chỉ là giai đoạn minh bạch hóa chính sách: chúng ta trả lời các câu hỏi của các nước thành viên và các câu hỏi này được tập hợp lại dưới dạng một bản tóm tắt hiện trạng chính sách thương mại. “Đây là tài liệu không chính thức để các nước dựa vào đó bàn bạc, làm rõ thêm hiện trạng chính sách thương mại của chúng ta”, quan chức trên cho biết.

Tại phiên thứ bảy, chúng ta đã chuyển sang giai đoạn bàn thảo tài liệu “một số yếu tố của dự thảo báo cáo gia nhập”. Sau hai phiên bàn bạc, Ban Công tác đã chấp nhận cho chúng ta được tiến vào giai đoạn đàm phán “Dự thảo báo cáo gia nhập” từ phiên thứ chín tới đây. Đây là việc rất có ý nghĩa bởi bước vào đàm phán dự thảo báo cáo gia nhập tức là bước vào giai đoạn cuối cùng của đàm phán đa phương. Tài liệu này cùng với Nghị định thư gia nhập, là những tài liệu quan trọng nhất để Việt Nam gia nhập WTO.

Để WTO chấp thuận xây dựng bản báo cáo cuối cùng này, tại phiên thứ tám, Việt Nam đã phải cam kết tuân thủ một loạt các quy định, nghĩa vụ của WTO. Đầu tiên là nghĩa vụ MFN (nguyên tắc tối huệ quốc, không phân biệt đối xử), theo đó, Việt Nam xác nhận sẽ tuân thủ nguyên tắc MFN sau khi gia nhập đối với cả thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ. Cam kết này đã giải tỏa quan ngại của một số thành viên, giúp quá trình đàm phán thuận lợi hơn.

Cam kết thứ hai nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa trong nước và ngoài nước. Hiện nay ô tô lắp ráp trong nước đang bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 25% và nhập khẩu từ nước ngoài là khoảng 80%; thuốc lá sử dụng nguyên liệu nội áp thuế thấp hơn nguyên liệu ngoại.

Tại phiên thứ tám, Việt Nam tuyên bố sẽ xóa bỏ sự phân biệt đối với thuốc lá vào thời điểm gia nhập WTO, còn với ô tô, Quốc hội đã ban hành luật thuế mới, theo đó đến năm 2007 sẽ đưa về một mức thuế trong và ngoài nước như nhau, đồng thời cam kết không phân biệt đối xử giữa hàng trong nước và hàng nước ngoài và mức thuế nội địa đánh khác nhau sẽ được đưa về một mối theo một lộ trình rõ ràng.

Các trường hợp ngoại lệ ở đây được áp dụng trong việc mua sắm của Chính phủ, trong quy định quy định tỷ lệ chiếu phim nước ngoài và phim Việt Nam hay cách tính cước cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, nhưng cũng phải tuân theo một số điều kiện nhất định, không phải phân biệt bằng thuế.

Nông nghiệp cũng là một vấn đề được đặt lên bàn đàm phán, nhất là việc hỗ trợ, trợ cấp trong nông nghiệp. Trước đây, chúng ta đề nghị cho tiếp tục trợ cấp xuất khẩu nhưng các nước thành viên đã phản đối và yêu cầu tất cả các nước mới gia nhập đều giữ mức trợ cấp bằng 0. Tại phiên thứ bảy, chúng ta đề nghị giữ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp ở mức hiện hành và sẽ cắt giảm theo đúng quy định của WTO, kể cả những quy định mới của vòng đàm phán Doha. Nhưng đề nghị này cũng không được chấp thuận và đến phiên thứ tám, chúng ta tuyên bố bãi bỏ ngay đối với cà phê khi gia nhập và đã được Colombia đánh giá rất cao. Với các chủng loại nông sản khác, sẽ bãi bỏ sau ba năm kể từ khi gia nhập.

Về hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ trừ một, hai nghĩa vụ chúng ta cần thời gian để nâng cao năng lực quản lý (khoảng hai năm), còn lại các nghĩa vụ khác đều tuân thủ.

Về trợ cấp khác liên quan đến hàng công nghiệp, Việt Nam đã tuyên bố: Trợ cấp gắn với tỷ lệ nội địa hóa sẽ xóa ngay từ thời điểm gia nhập; các hình thức trợ cấp như từ ngân sách, sẽ bãi bỏ trong vòng năm năm kể từ khi gia nhập.

Các hình thức trợ cấp gián tiếp khác, Việt Nam đề nghị được giữ đến khi nào GDP đầu người lên đến 1.000 đô-la Mỹ thì sẽ bãi bỏ. Một số nước thành viên WTO đã được áp dụng quy chế này, nhưng WTO cho rằng điều này chỉ dành cho những nước đã đạt thỏa hiệp ở vòng đàm phán Uruguay, các nước mới gia nhập không nên đòi hỏi.

Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với Mỹ và trong hiệp định này, chúng ta cam kết mở cửa thị trường dịch vụ một số ngành hàng sau bảy năm kể từ khi có hiệu lực, nghĩa là vào khoảng năm 2008. Giả sử Việt Nam gia nhập WTO vào cuối năm 2005 thì theo nguyên tắc MFN, các nước cũng phải được hưởng những mở cửa này vào thời điểm Việt Nam mở cửa cho Mỹ. Tại vòng đàm phán lần này, Việt Nam đã đồng ý áp dụng nguyên tắc như hiệp định thương mại Việt-Mỹ: Mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ lúc nào thì mở cửa cho các thành viên WTO lúc ấy.

Thái Thanh