KHÓ ĐI CHỊ DẮT EM ĐI…

 

Tạ Thị Ngọc Thảo

 

Cô thủ quỹ của Công ty đã hai lần hỏi: "Thưa Sếp, Công ty mình là bên A, tại sao lại như vậy?", tôi vẫn chưa trả lời và cũng không có ý định trả lời. Chiều qua, tôi lệnh chi 40% tổng giá trị hợp đồng mới ký và dặn kỹ: "Lấy xe của Công ty chở tiền đến giao tận tay thủ quỹ bên B". Chuyện giao nhận không thành, tiền lại phải chở về với lý do: vị giám đốc bên B không dặn trước cho nên thủ quỹ bên B không dám nhận.

Sáng nay, một lần nữa tôi lại yêu cầu "phải đi giao tiền bên B cho xong, đi về thì báo kết quả cho Sếp biết". Số tiền không nhiều, khoảng cách không xa nhưng sao xe Công ty đi lâu quá. Thì ra, thủ quỹ bên B đếm tiền bằng tay và vì không quen đếm, nên thao tác rất chậm. Thêm nữa, thủ quỹ bên còn B nói rằng "phải đếm rất cẩn thận vì với Công ty của chủ tôi thì đây là một số tiền nhiều". Chuyện là như thế này…

Công ty của tôi có chức năng đầu tư cho nên thường xuyên giao dịch với các Nhà thầu phụ hoặc các Nhà đầu tư thứ cấp và được phép chọn đối tác liên kết, vì là chủ đầu tư. Có một công đoạn nhỏ trong một công trình cần đến "phần tinh" là phần của sáng tạo và tinh tế, tôi muốn ngắt nó ra để giao cho một công ty chuyên nghiệp thực hiện. Một số công ty chuyên ngành đã tìm đến để liên kết, và chính tôi đã chân tình ngồi nghe họ trình bày, nhưng sao cứ lượng sượng nên còn dùng dằng chưa ký kết được.

Đúng lúc đó thì cô ta xuất hiện. Với cái quần jean, cái áo sô bụi bụi, chân mang sandal, tay xách một cái gì đó giống như balô và một gương mặt không son phấn; trông cô như một  sinh viên mới ra trường đi xin việc. Nếu không đọc danh thiếp cô trao thì tôi không thể tin đây là Giám đốc Công ty. Thế nhưng, cô đã từng bước chinh phục tôi bằng cách trình bày với những lời lẽ bay bổng đầy tính trẻ trung và sáng tạo của một người hiểu việc, ham làm việc và được đào tạo chuyên sâu. Liền sau đó tôi tìm hiểu thông tin thì biết cô được đào tạo chuyên ngành ở một nước Châu Á, sau đó về nuớc đi làm thuê khoảng một năm và vừa tách ra làm chủ.

Lần thứ hai, cô quay lại Công ty của tôi để ký hợp đồng, cườm tay của cô bị sưng và xây xát, cô không tự điều khiển chiếc xe gắn máy của mình được mà phải nhờ cộng sự chở. Cô nói: “Hôm qua cháu vừa bị giật giỏ xách lại còn bị té ngã…”. Tôi cầm bàn tay của cô rồi sờ vào chỗ bị sưng, tôi thấy nó hâm hấp nóng. Có nhiều chỗ còn gút mắc trong bản vẽ khiến tôi băn khoăn, cô liền cầm cây bút chì trong bàn tay bị sưng để giải trình. Ngay buổi chiều hôm đó tôi đã quyết định chi 40% tổng giá trị hợp đồng cho bên Công ty của cô và còn hứa sẽ giao tiền tận tay thủ quỹ. Dù tôi đã nói trước với cô, nhưng cuộc giao nhận vẫn không thành và phải lập lại lần 2…

Cô thủ quỹ thắc mắc là phải, tất cả những giao dịch khác, Công ty của tôi chưa bao giờ ứng trước 40% trên tổng giá trị hợp đồng (bởi chi như thế vừa bị chiếm dụng vốn vừa bị rủi ro cao). Nhưng tôi biết Công ty bên B là một công ty mới toanh, nếu số tiền ứng trước hợp đồng không "nhiều nhiều" một chút, chắc chắn cô phải đi vay nợ. Và, tôi cũng biết, với một công ty mới thành lập thì chuyện đi vay Ngân hàng chưa chắc đã được, nếu được thì liệu có tài sản thế chấp? Còn nếu vay bên ngoài thì phải trả lãi suất rất cao. Có khi thực hiện xong hợp đồng đã không còn đồng lời mà còn mắc nợ…

Tôi còn lo lắng, chẳng may số tiền ứng trước hợp đồng của Công ty tôi cho bên Công ty của cô (cô sẽ lại chở đi bằng xe gắn máy?), nếu lỡ bị giật mất mọi chuyện đối với cô có thể khép lại hoặc sẽ rất chật vật để làm lại từ đầu. Vì thế tôi mới quyết “giao tiền tận tay cho thủ quỹ bên B” và đó là lý do cô thủ quỹ Công ty của tôi cứ thắc mắc hoài vì chưa có tiền lệ. Cứ như thế, tôi lẳng lặng, âm thầm tìm cách tránh những rủi ro có thể xảy ra cho cô Giám đốc trẻ trong khả năng của mình. Tại sao tôi lại làm như thế?

Ngày đầu khởi nghiệp của tôi đã có đôi bàn tay chìa ra nâng đỡ, dắt dìu  tôi những bước đầu nhập cuộc với thương trường. Vì thế tôi hiểu “đôi bàn tay của người đi trước chìa ra đúng lúc với người đi sau nó quan trọng lắm”. Ngày hôm nay tôi muốn lập lại điều đó với lớp doanh nhân trẻ - lớp đàn em của mình. Tôi không làm được gì nhiều, chỉ khẽ khàng như lời một câu ca dao chân tình mộc mạc: "Khó đi chị dắt em đi…". Thế thôi.

TẠ THỊ NGỌC THẢO

 

(Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo)