ĐẠI LIÊN – THÀNH PHỐ TRẺ

Tạ Thị Ngọc Thảo

“Nhà đẹp không bằng đường phố đẹp, đường phố đẹp không bằng công viên – quảng trường đẹp” đó là câu nói của Ngài Thị trưởng Thành phố Đại Liên – Thành phố cấp II thuộc Tỉnh Liêu Ninh –Trung Quốc. Trong hai nhiệm kỳ làm Thị trưởng, Ngài nói như thế nào thì đã làm như thế nấy.

Ngài Thị trưởng

Ngài trạc tuổi trên năm mươi – độ tuổi đủ già để đúc kết những trải nghiệm thành kinh nghiệm và đủ trẻ để sử dụng những kinh nghiệm đã tích lũy được nhằm tiếp tục làm nhiều việc lớn. Nếu nói theo ngôn ngữ của ta, Ngài thuộc tầng lớp con ông cháu cha, mà lại là cha ông thuộc gốc thiệt bự – con của Cố Phó Thủ tướng Bạc Nhất Ba – người cùng thời với vị lãnh tụ Mao Trạch Đông, Ngài là Bạc Hy Lai.

Báo chí nước ngoài nói về Ngài như một nhân tố mới đáng gờm ở Trung Quốc. Nhà nước Trung Quốc trân trọng Ngài như một hạt giống quý để nhân rộng và tạo điều kiện cho Ngài thử thách để đợi đúng thời điểm cây non hóa thành đại thụ. Nhân dân Thành phố Đại Liên nói về Ngài Thị trưởng của mình với một lòng tự hào, quý mến. Sau hai nhiệm kỳ làm Thị trưởng Thành phố Đại Liên, năm 2002, Ngài nhận chức vụ mới: Chủ tịch Tỉnh Liêu Ninh. Hôm Ngài lên đường, hơn 5 triệu dân nội ngoại thành níu kéo, trên 200 ngàn người trực tiếp tiễn đưa và khóc sụt sùi. Riêng Ngài, đã hoàn toàn yên tâm với đội ngũ kế thừa mà trong thời gian đương nhiệm Ngài đã chú tâm đào tạo. Ngài biết giai đoạn “khởi đầu nan” đã qua, định hướng phát triển Thành phố đã được vạch ra, nền tảng đã được xây dựng vững vàng, người kế nhiệm chỉ còn tập trung đưa Thành phố Đại Liên tiến thẳng tới sự phồn vinh thịnh vượng. Lịch sử chọn Ngài nhận một trọng trách nặng nề hơn, sau gần một năm giữ chức vụ Chủ tịch Tỉnh, bây giờ đây, Ngài Bạc Hy Lai đương nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trung Quốc.

Đại Liên – đêm hôm trước…

Người khổng lồ Trung Quốc đi những bước đầu vào công cuộc đổi mới rất dè dặt vốn như bản chất đặc thù của người phương Đông. Sau cách mạng văn hóa, kinh tế – xã hội của Trung Quốc chịu những tổn thất thật nặng nề. Vào những năm cuối thập niên 70, đã có số liệu nói rằng Trung Quốc nghèo hơn đất nước ta vào cùng một thời điểm. Đã thế, dân Trung Quốc đông và đất cũng rộng, muốn xoay trở để đổi mới thật không dễ chút nào. Nhà nước Trung Quốc đã đi từng bước thăm dò bằng cách lấy Thâm Quyến – Hạ Môn – Chu Hải – Sơn Đầu làm thí điểm mở cửa đợt 1, năm 1981; đợt 2, năm 1992 là Thành phố Thượng Hải và 13 Thành phố khác; đợt 3, năm 1995 Nhà nước bắt đầu nhân đại trà mô hình này ra toàn quốc và đợt này có Thành phố Đại Liên, một Thành phố cấp II thuộc tỉnh Liêu Ninh phía Đông Bắc Trung Quốc. Thành phố Đại Liên là một bán đảo có diện tích 12.574 km2, trong đó 40% là núi, 60% là đồng bằng, dân số 5,7 triệu; riêng nội thành là 1000 km2, chiếm 1/12 diện tích Thành phố với khoảng 2 triệu người dân. Năm 1999, Thành phố kỷ niệm 100 năm tuổi, trong đó có 7 năm là thuộc địa Nga hoàng, 40 năm là thuộc địa của Nhật và gần 50 năm dưới cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp.

Trước năm 1995, Đại Liên là một Thành phố cảng biển và công nghiệp nặng. Ba cái ba lô do thể chế cũ để lại mà Đại Liên phải mang: công nợ của doanh nghiệp nhà nước; lao động dôi dư do chuyển đổi công nghệ cũ qua công nghệ mới và gánh nặng xã hội, bao cấp nhiều trách nhiệm như: giữ trẻ, mẫu giáo, dạy nghề, trường học, chăm sóc y tế, v.v. đã làm cho chi phí đầu vào quá cao, cao đến nổi cái ăn cũng không đủ nói gì đến lo mặc, lo ở và tích lũy để phát triển. Hay nói cách khác là cả Thành phố lo về phần thô và không dám nghĩ  đến chuyện hưởng thụ tinh hoa của cuộc sống. Vào thời kỳ này, thu nhập kinh tế giống như  “tiền vào nhà khó, gió vào nhà trống“, người dân Thành phố Đại Liên phải đối phó với cái đói, cái rét, cái ô nhiễm và nghèo nàn lạc hậu quanh năm, suốt tháng. Những dấu vết của “đêm hôm trước” vẫn còn hiển hiện đến hôm nay, vì thời gian đổi mới chỉ có 12 năm (1995 -2007) nên chưa kịp xóa bỏ. Đó là những căn nhà tệ hơn ổ chuột, những hẻm phố lầy lội quanh co, một môi trường sống ẩm thấp, tối tăm, nặng nề, ô nhiễm …Và trên gương mặt những người dân lớn tuổi vẫn còn hằn nét ưu tư của một thời khó khăn vừa qua.

Đại Liên – sáng hôm sau…

Từ Bắc Kinh, ta có thể đi bằng đường bộ, đường thủy, đường xe lửa và đường hàng không để đến Đại Liên. Tại sân bay Bắc Kinh, nếu đến Đại Liên ta mất khoảng 1 giờ 15 phút bay, với số tiền 720 nhân dân tệ (khoảng 1,4 triệu VNĐ) cho lượt đi, còn lượt về chỉ chiếm 60% số đó. Để giải thích về điều này, ta có thể hiểu: khách vãng lai đến Đại Liên thì ít, khách địa phương và doanh nhân đến Đại Liên để ở lại làm ăn thì nhiều, nên chuyến bay về Bắc Kinh rất ít người. Sân bay Đại Liên là sân bay nội địa nhưng tấp nập hơn sân bay quốc tế của TP. HCM và người đến chủ yếu là doanh nhân Nhật và Hàn Quốc. Khác với những nơi khác, sân bay thường được đặt ở vùng ven, riêng ở Đại Liên nhà cửa lại dày đặc từ cổng sân bay và ngược lại càng vào sâu mật độ xây dựng càng thưa dần và thoáng đãng. Ở hai bên đường từ sân bay vào đến trung tâm Thành phố, tất cả quỹ đất trống đều được phủ xanh, không phải là phủ xanh tự nhiên mà là một sự chăm chút rất kỹ càng, cây được chủ ý trồng với màu sắc là xen kẽ, tương phản nhau và được cắt tỉa thành nhiều hình thù vui mắt, rất công phu.

 Những con đường thuộc nội thành rộng từ 60 mét trở lên với nhiều làn xe và nhiều dải phân cách bằng cây xanh rất mát mắt. Đèn chiếu sáng công cộng là loại đèn chùm có hình dáng giống cây bông huệ ở nước ta; thì ra loại đèn này được mô phỏng theo một loại hoa rất đặc biệt của xứ sở này. Nếu để ý, ta sẽ thấy những cao ốc đã và đang xây dựng ở đây không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt về quy hoạch, mà còn được khống chế cả chiều cao, chỉ những cao ốc được chọn là điểm nhấn của Thành phố mới có chiều cao vượt trội. Những cao ốc này có kiến trúc áp đảo và được chọn đặt để trong một không gian đủ rộng cho mọi người chiêm ngưỡng. Đường ở đây không chỉ để phục vụ giao thông, cây xanh  không chỉ nhằm tạo bóng mát, đèn không chỉ để chiếu sáng và nhà cửa cũng không phải chỉ để ở; tất cả những gì được xây dựng từ thời kỳ đổi mới đều đáng được gọi là những tác phẩm nghệ thuật! Hơn thế, nếu người dân TP. HCM đến đây thì chắc chắn nhiều người sẽ bị choáng ngợp bởi những công viên và quảng trường rất lớn, trong đó phải kể đến quảng trường Tinh Hải rộng 166ha đã được công nhận là hoành tráng, đẹp và quy mô nhất Châu Á.

          Trên những pano quảng cáo, người ta dùng từ romantic (lãng mạn) để chỉ về Thành phố Đại Liên. Thành phố này có núi chập chùng núi, mây chập chùng mây, có biển lạnh nhưng mang về gió ấm, có nhiều nhánh sông và lạch biển nhỏ trong vắt chảy ngang qua Thành phố tạo nên một khung cảnh êm đềm. Thành phố còn có nhiều di tích với độ tuổi chỉ khoảng hơn trăm năm nhưng đẹp vì thường xuyên được giữ gìn và tôn tạo; có những căn nhà nằm vắt vẻo trên lưng chừng núi tạo một kiến trúc đặc thù của Thành phố núi. Nhiệt độ ở đây dao động từ 12 – 200C, không khí se se đủ làm lòng người man mác. Chỉ tới mùa Đông, khi nhiệt độ hạ xuống âm 150C, cao nhất là 50C thì mới thấu cái lạnh phương Bắc. Ở đây, con trai thì cao lớn, con gái thì da trắng, má đỏ hồng. Do vị trí đặc thù, từ trước đến nay Thành phố Đại Liên là Thành phố cảng biển, nay cảng này đã được hiện đại hóa thành cảng lớn nhất phía Đông Bắc Trung Quốc hàng năm đón khoảng 100 triệu tấn hàng hóa ra vào cảng. Công nghiệp nặng về cơ khí, gang, thép, hóa chất là công nghiệp truyền thống của Thành phố Đại Liên cũng được sàng lọc lại và đưa ra vùng xa để dành quỹ đất trong Thành phố cho công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, Thành phố Đại Liên là Thành phố du lịch – dịch vụ – thương mại, áp dụng công nghệ cao vào mọi hoạt động và chú trọng công nghệ sinh học. Phương tiện giao thông công cộng ở đây được phát triển rất sớm, trước khi nạn xe cá nhân bùng phát. Đáng nể nhất là hệ thống xe bus chỉ khoảng dưới 1 phút/chuyến và tỏa nhanh đi khắp các nẻo đường. Ngoài ra, còn có xe điện, tàu hỏa, xe hơi; riêng xe hai bánh rất ít, nếu có thì chủ yếu là xe đạp được sử dụng theo kiểu rèn luyện sức khỏe. Thành phố Đại Liên còn là chiếc nôi đào tạo dân thể thao chuyên nghiệp cho Trung Quốc, riêng môn điền kinh Đại Liên không có đối thủ trong nước. Về giá cả sinh hoạt thì rẻ hơn nhiều so với Bắc Kinh, thức ăn để phục vụ cho du khách chủ yếu là hải sản: những con hải sâm, bào ngư, mực, cá biển còn sống trông thiệt ngộ và được các đầu bếp chế biến theo kiểu phương Bắc vừa ngon, bổ, giá lại rẻ.

          Nếu để ý, ta sẽ thấy người dân địa phương không bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế, thể hiện qua dịch vụ thiếu tính chuyên nghiệp và xã giao thương mại còn kém; giống như nhà giàu nhanh cho nên chưa kịp sang vậy. Những doanh nhân ở đây không có biểu hiện căng thẳng và thao tác chậm; có lẽ phần sắc sảo, nhạy bén, táo bạo đã thuộc về các vị lãnh đạo Thành phố?

 Đến đây ta sẽ hiểu thế nào là “Nhà nước  đi trước, làng nước theo sau”.

          Và Đại Liên – ngày mai         

          Thành phố Đại Liên không có những biểu ngữ với nội dung ca ngợi Đảng và Nhà nước; có chăng là những lời kêu gọi về bảo vệ môi trường, vệ sinh, văn minh, lịch sự, v.v. Các cơ quan quan trọng của Đảng và Nhà nước chỉ để một tấm bảng đồng khiêm tốn trước cửa, không thấy treo cờ trước cơ quan hay những nơi công cộng. Dù Đảng và Nhà nước cố tình lẩn vào bên trong các hoạt động xã hội, nhưng du khách không thể không ngạc nhiên trước những thành tựu mà Đảng và chính quyền Đại Liên đã mang lại cho dân. Ngày mai của Thành phố Đại Liên được thể hiện bằng những dự án cụ thể có tên gọi rất kêu: Thành phố – cuộc sống năm sao, Thành phố – điểm hẹn để hâm nóng tình yêu, Thành phố – thương trường của thương trường; v.v. Tất cả những dự án trên đã có quy hoạch chi tiết 1/500, có nhiều dự án đã được triển khai, đã đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả cao. Những điều đó hứa hẹn một Thành phố Đại Liên non trẻ nhưng trong một tương lai rất gần sẽ vượt qua các thành phố đàn anh, dù công cuộc đổi mới ở đây chỉ mới bắt đầu từ năm 1995. Những gì mà Thành phố Đại Liên hôm nay và ngày mai có được đã khẳng định Ngài Thị trưởng Bạc Hy Lai thật sự là một vị lãnh đạo có tầm nhìn của một nhà lãnh tụ.

          Sự thay da đổi thịt, sự phát triển quá nhanh và đúng quy trình của Thành phố trẻ Đại Liên có làm cho những vị lãnh đạo Thành phố của nước ta suy nghĩ điều gì không?

TẠ THỊ NGỌC THẢO