45 phút với Ngoại Trưởng Condoleezza Rice

KHI PHỤ NỮ NHÌN NHAU

Tạ Thị Ngọc Thảo

Như món quà nhỏ biếu Ngoại trưởng Condoleezza Rice nhân dịp Giáng sinh 2006

 

 

 

 

Khác với khoảng trên 10 nguyên thủ quốc gia là nam giới đến làm việc với Hội nghị thượng đỉnh các tổng giám đốc APEC 2006 (APEC CEO Summit 2006), 14h ngày 18 tháng 11 năm 2006, khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice xuất hiện, khán phòng chứa gần 4.000 con người của 21 nền kinh tế thành viên đột nhiên rơi vào trạng thái: vừa “nóng” vừa “lạnh”; tại sao như thế?

  Tạ Thị Ngọc Thảo

Nóng và lạnh

Các ông chủ nói: “Quá nóng!” - Tại sao nóng? “Nóng vì Bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ rất đẹp, rất hấp dẫn cả trí tuệ lẫn hình thức. Đôi chân dài (Bà mặc váy khá ngắn) vắt chéo với dáng ngồi sang trọng, gợi cảm Bà đã làm chúng tôi mất tự tin; còn những câu trả lời của Bà lại làm chúng tôi toát mồ hôi hột!”. Các bà chủ thì lặng im quan sát Bà C. Rice không chớp mắt. Sau 45 phút Bà đến rồi đi, họ đã rút ra một nhận định: những điều Bà C.Rice tư duy, nói, hành xử… trong hội nghị đã thể hiện Bà không chỉ là Ngoại trưởng của Hoa Kỳ mà còn là người có tầm ảnh hưởng sâu sắc toàn cầu. Xem người rồi nghĩ đến ta, các bà chủ Việt Nam liền đặt câu hỏi với chính mình: cùng là phụ nữ, tuổi tác lại xêm xêm, điều gì đã tạo ra sự khác biệt của Bà C. Rice với phụ nữ toàn cầu, trong đó có phụ nữ Việt Nam? Chưa tìm được câu trả lời, cái đầu, tay và chân của các bà chủ Việt Nam lạnh ngắt!

Hội nghị APEC CEO Summit 2006 hân hạnh lần lượt tiếp đón: Chủ tịch CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Thủ tướng New Zealand Helen Clark, Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng Australia John Howard, Phó tổng thống Peru Luis Giampietri, Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi, Ngoại trưởng C. Rice là vị khách sau cùng. Về chức vị, tưởng như Bà C.Rice thấp nhất trong các nguyên thủ đến trao đổi với APEC CEO. Nhưng, hệ thống chính trị của Hoa Kỳ không có thủ tướng, nên Bà Rice là người có quyền lực chỉ sau Tổng thống G.Bush. Vì vậy, Bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ có những đặc quyền hơn hẳn các Bộ trưởng của 21 nền kinh tế APEC, dù bà luôn miệng xưng hô với các Bộ trưởng APEC là “đồng nghiệp”.

Dáng thu ở chốn chính trường

Tiết trời Hà Nội cuối thu, nắng thì vàng, lá thì đỏ. Bà Ngoại trưởng C. Rice xuất hiện ở hội nghị APEC CEO Summit 2006 với bộ váy màu cỏ úa được thiết kế cho mùa thu theo phong cách thể thao: Áo có dây kéo phía trước, cổ lọ và có sọc trắng được dằn theo chiều dài tay áo. Váy cùng màu áo, ngắn trên đầu gối, đôi chân của Bà mang vớ mỏng màu đen, một màu đen lãng mạn huyền hoặc! Mùa thu đã theo Bà C. Rice vào chốn chính trường.

Đứng trên diễn đàn, việc đầu tiên Bà làm sau khi chào hội nghị là… kéo dây kéo cổ áo xuống. Chiếc cổ lọ kín đáo bỗng nhiên thành cổ tim, Bà trông nữ tính, cởi mở và sinh động hẳn lên. Các ông chủ nói: “Mái tóc chải cúp vào trong lần xuất hiện này đã làm bà đằm thắm dịu dàng, rất phù hợp với phong cách của người Châu Á; khác hẳn với mái tóc chải quớt ra đầy góc cạnh, khiêu khích mà bà hay chải ở phương Tây”. Các bà chủ thì: “Lần tiếp xúc trực tiếp với ngoại trưởng Rice đã giúp chúng tôi học hỏi được rất nhiều, cả về hình thức lẫn nội dung. Nếu có gì chưa hoàn chỉnh lắm ở bà C. Rice, có lẽ là dáng đi của Bà. Khi Bà đi, đầu hơi cúi về phía trước, đầu nhanh hơn thân. Với người Châu Á, ai có dáng đi như thế thường vất vả”. Đọc tiểu sử của Bà quả, Bà đã từng có một thời vất vả. Chính vì vậy, những đỉnh cao mà Bà đã đạt được trong sự nghiệp cho đến hôm nay, chỉ có thể thán phục với hai từ: lỗi lạc! Riêng với phụ nữ Việt Nam, những người phụ nữ vốn quen tảo tần, chịu khó, nhưng ắp đầy tinh thần bất khuất, quật khởi thì dáng đi giống “con cò lặn lội bờ ao” của bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ tự nhiên lại trở nên gần gũi, thân thương.

Vịt xấu xí hóa thiên nga

Ngài Michael Ducker, giám đốc FedEx, người hướng dẫn chương trình phiên tiếp xúc của Ngoại trưởng C. Rice với APEC CEO Summit 2006 giới thiệu: “Bà là người đàn hay, dạy học giỏi, kinh doanh thành công, am tường nhiều lĩnh vực, biết nhiều ngoại ngữ, nhất là tiếng Nga và hiện là ngoại trưởng Hoa Kỳ”. Những thông tin này trên các phương tiện truyền thông đã có. Nhưng khi được nghe ngài Michael Ducker giới thiệu thêm “Bà còn là cố vấn an ninh của TT G. Bush và có tiếng nói rất quan trọng đối với cuộc chiến Irắc”, thì cả hội trường “lạnh gáy”! Người phụ nữ nhỏ nhắn, xinh xắn, hơi chút mỏng manh ấy mà phải gánh vác những công việc đầy áp lực, nặng nề, căng thẳng, khó chịu đến thế sao? Hèn gì,  khi được hỏi về công việc mơ ước, Bà đã trả lời “rất thích trở thành huấn luyện viên bóng đá!”.

Đứng trên bục diễn đàn rộng thênh thang trước gần 4.000 con người, Bà C, Rice tưởng như nhỏ nhắn hơn và đơn lẽ. Nhưng khi Bà cất tiếng nói, Bà vụt lớn. Bà nói gì? Bà đề cập đến vai trò cường quốc và tầm ảnh hưởng của Hoa kỳ trong APEC (Hoa Kỳ chiếm 1/20 dân số thế giới nhưng nắm tỷ trọng đến 1/3 GDP toàn cầu). Bà đề cao vị Tổng thống của mình, nêu lên “tầm nhìn Hoa Kỳ”. Bà quan tâm đến vấn đề an ninh toàn cầu, lên án khủng bố; kêu gọi tự do thương mại và cảm ơn những con người đã ngày đêm đem lại sự hy vọng, hòa bình, thịnh vượng cho người dân khắp thế giới. Chuyện ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực toàn cầu cũng được Bà đặt ra rất cụ thể và đầy thuyết phục bởi, Bà nói: “Tôi đã từng đi dạy và đã là Hiệu trưởng…”. Những vấn đề Bà C. Rice đề cập không còn là chuyện của một quốc gia mà là chuyện của nguyên quả địa cầu và tất cả những ai ở trong đó không thể không quan tâm. Điều đáng nói ở đấy chính là những vấn đề vô cùng quan trọng đó lại phát ra từ cửa miệng xinh xinh của một người phụ nữ. Vì thế mọi chuyện được “mềm hóa” và uyển chuyển hơn. Tính gai góc, căng thẳng thấp đến không thể thấp hơn được nữa.

Chính vì quen nghe Bà bàn chuyện lớn, cho nên cả hội nghị chùng xuống mềm lòng khi nghe Bà trả lời câu hỏi: “Du học sinh làm thế nào để được đón tiếp nồng hậu tại Hoa Kỳ?”. Bà thổ lộ: “Tôi là người da màu, tôi đi học ở trường bị phân biệt chủng tộc, tôi không thể tới nhà hàng, khách sạn, rạp chiếu phim, v.v… của người da trắng. Ấy vậy mà 40 năm sau, tôi lại đứng ở đây với tư cách là ngoại trưởng Hoa Kỳ”. Những gì Bà C. Rice gặt hái được đều có thể trong tầm tay của chúng ta. Tại sao không? Vịt xấu xí hóa thiên nga như trong câu truyện ngụ ngôn đầy tính nhân văn là vậy.

Ngày hôm nay chưa thể thì ngày mai có thể

Kết quả bình chọn “100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” do Tạp chí Forbes tổ chức cho thấy: năm 2005 Bà C. Rice giữ vị trí số một, năm 2006 Bà giữ vị trí số hai sau thủ tướng Đức Angela Merkel vừa nhậm chức; người thứ ba trong danh sách này là Bà Ngô Nghi - Phó Thủ tướng Trung Quốc. Những kết quả này cho thấy: Để trở thành những người phụ nữ quyền lực đẳng cấp thế giới, nỗ lực bản thân là quyết định. Trong thực tế, đa số giới nữ thường làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, bằng lòng với công việc có mức lương cao, hơn chút nữa là người chủ doanh nghiệp, tập đoàn, rất ít phụ nữ nung nấu khát vọng vươn lên chiếm giữ vị trí ở tầm quốc gia, quốc tế; trong đó có phụ nữ Việt Nam. Trước đây trong một “thế giới khép” sự thua thiệt của giới nữ có thể chưa cao, nhưng hiện nay đang là xu thế của “thế giới mở”, xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế thì câu chuyện đã khác đi rất nhiều. Nếu phụ nữ Việt Nam không bứt phá để chiếm giữ nhiều vị trí quan trọng thì đất nước của chúng ta sẽ mất diễn đàn, doanh nghiệp do chúng ta làm chủ sẽ mất tiếng nói, hình ảnh phụ nữ Việt Nam cũng vì thế mà mờ nhạt trong mắt của cộng đồng quốc gia, khu vực và thế giới.

 Nhưng để có “nhiều phụ nữ toàn cầu” thì rất cần môi trường lành mạnh, thông thoáng, bình đẳng để phụ nữ ươm mầm khát vọng; cụ thể như: “vườn ươm” nhân tài, cơ chế tuyển dụng, cơ chế tập hợp và trọng dụng nhân tài, cơ cấu nhân sự chú trọng thực chất, v.v…Quốc gia nào cũng trở nên giàu có từ nguồn vốn “con người”, trong đó phụ nữ chiếm đa số. Muốn thắng lợi trong cuộc cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu, lại càng phải biết thu hút, quý trọng nhân tài. Và công cụ để đo lường sự sáng suốt, anh minh của các vị lãnh đạo Nhà nước là “Tập hợp được nhiều người giỏi hơn mình và khai thác, sử dụng tối đa nguồn vốn quý đó để phục vụ cho Tổ quốc, dân tộc”. Lịch sử đã cho thấy, dấu chấm hết sẽ đến rất nhanh nếu Nhà nước nào không làm được như vậy.

Phải chăng, để trở thành nhân tài cần có những tố chất và điều kiện: (i) Khát vọng chân chính và sự nỗ lực bản thân không ngừng nghỉ, (ii) một Nhà nước trọng dụng nhân tài, không phân biệt đối xử, không câu nệ quá khứ và, (iii) một cộng đồng ắp đầy khát vọng vươn lên và đồng thuận với Nhà nước về mục tiêu phát triển đất nước? Thực tế đã chứng minh: Chính không câu nệ quá khứ đã tạo điều kiện cho nước Đức có Bà Angela Merkel, nữ Thủ tướng tài ba. Vì không phân biệt đối xử nên Hoa Kỳ đã có vị nữ Ngoại trưởng Condoleezza Rice lỗi lạc. Và Một Nhà nước Trung Quốc biết trọng dụng nên đã tập hợp được nhiều nhân tài, trong đó có Bà phó Thủ tướng Ngô Nghi - người nổi tiếng dám quyết, dám làm, luôn luôn đòi hỏi cao sự công khai, minh bạch ..v.v…

Trong APEC CEO Summit 2006, khi một phụ nữ Việt Nam, một chủ doanh nghiệp nhỏ ở TP. HCM nói với Bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ: “Bà có thể vui lòng chia sẻ để trở thành nữ chính trị gia xuất sắc nữ doanh nhân cần có những tố chất và điều kiện gì?” - Bà C. Rice tinh tế nhận ra ngay nội dung câu hỏi ẩn chứa khát vọng lớn, mãnh liệt cao của người phụ nữ Việt Nam. Trước khi trả lời Bà đã mỉm cười rất ý nhị, nụ cười mà chỉ có phụ nữ với nhau mới thấu hiểu… “Tất cả những gì ngày hôm nay chưa thể thì ngày mai hoàn toàn có thể!

TẠ THỊ NGỌC THẢO