Tham luận Hội thảo “Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam”

 

CẠNH TRANH TOÀN CẦU

 – CÂU CHUYỆN CỦA CÂY Ô LIU VÀ CHIẾC LEXUS!

 

“Hàng hóa rẻ của Chủ nghĩa Tư bản như cỗ trọng pháo bắn thủng Vạn Lý Trường Thành..”

(Tuyên ngôn Cộng sản)

 

Cạnh tranh toàn cầu suy cho cùng chính là sự xung đột giữa “nhiều điều mới mẻ” với “những thứ cũ xưa” mà Thomas Friedman đã dùng hình tượng “chiếc Lexus” hiện đại của hãng Toyota – nằm ở phía nam Tokyo và “cây Ô liu” già cỗi bên bờ sông Jordan để ẩn dụ. Nhiều điều mới mẻ và những thứ cũ xưa được đề cập trong bài tham luận này có khi là một nửa Trái đất, một nửa quốc gia, một nửa doanh nghiệp, một nửa con người trong mỗi chúng ta đang dùng dằng giữa sự lựa chọn cũ và mới. Không sao cả, sự tranh chấp trong nội tâm nào mà không làm ta đau đớn, dằn vặt? Nhưng một khi “miệng” đã phát lệnh “cạnh tranh toàn cầu” thì cần phải xác định ta đã là một phần của toàn cầu hóa. Và “lợi thế Việt Nam” là gì nếu không phải là tận dụng thời cơ buông cây ô-liu, vượt lên phía trước, bước vào xe Lexus nhanh hơn thiên hạ? Thị trường toàn cầu luôn luôn vận động theo vòng xoáy: “mới, mới nhất và mới hơn”, sẽ không có chỗ cho những người “Chân đặt lên chiếc Lexus nhưng tay vẫn khư khư ôm cây Ô liu bản ngã”, lấy đỉnh cao của quá khứ làm mốc để đo hiện tại và đo luôn cả tương lai.

 

Thôi, đừng say nồng với giấc mộng đẹp đêm qua nữa, vì một ngày mới trên toàn cầu đã bắt đầu. 

 

 Chiếc Lexus đã lướt qua cây Ô liu như thế nào?

 

 Toàn cầu hóa là một khái niệm chưa tìm được sự đồng thuận. Theo David Held (tác giả của nhiều cuốn sách về toàn cầu hóa), thì “toàn cầu hóa là một trào lưu rộng lớn trong lịch sử phát triển loài người và có những hệ quả sâu sắc đối với mọi mặt của đời sống con người, xã hội và thế giới”; cách nhìn này cho đến nay được đánh giá là trung dung nhất. Mới mẻ và táo bạo là Thomas Friedman (tác giả cuốn Thế giới phẳng và cuốn Chiếc Lexus và Cây Ô liu), ông nhận định “toàn cầu hóa là một thế lực không gì ngăn cản nổi, được thúc đẩy bởi những bước tiến dài trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông, tài chính…”. Naomi Klien (cũng là một nhà báo danh tiếng, tác giả của cuốn No Logo) thì gay gắt: “Toàn cầu hóa là một thế lực ghê gớm nhưng mờ ám, bị thao túng bởi các tập đoàn quốc tế, có khả năng xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia, san bằng các nền văn hóa, triệt tiêu vai trò của Nhà nước - quốc gia và thủ tiêu các tiến trình dân chủ”. Ở Việt Nam, giới học giả nhìn toàn cầu hóa với một thái độ khách quan và điềm tĩnh hơn “một dòng chảy xuyên biên giới về con người, dịch vụ, vốn, thông tin, và văn hóa” (báo Tia sáng số 5, tháng 3 – 2006). Còn giới kinh doanh Việt Nam lại nói về toàn cầu hóa với đặc tính riêng của giới mình: “Toàn cầu hóa = Tốc độ cao + cường độ lớn + lan tỏa nhanh + khoảng cách hẹp”! 

 

Nhiều học giả trên thế giới cho rằng loài người đã trải qua ba kỷ nguyên toàn cầu hóa với mức độ và những đặc trưng khác nhau:  Khi “chiếc Lexus” lướt qua lần thứ nhất (thế kỷ 14 - 18), châu Âu kiểm soát được 35% lãnh thổ trên thế giới; thu nhập bình quân của các nước phương Tây vào thời điểm này gấp 20% các nước phương Đông. Lần thứ hai (thế kỷ 18 - 19), “chiếc Lexus” đã lướt qua đến 85% lãnh thổ toàn cầu và đẩy thu nhập bình quân của các nước phương Tây lên cao hơn các quốc gia còn lại đến 80%. Toàn cầu hóa thứ ba bắt đầu từ năm 1989 - sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Tờ The Economist nhận xét: “kỷ nguyên toàn cầu hóa ngày nay được xây dựng nhờ vào giá viễn thông ngày càng giảm – nhờ bộ vi xử lý, vệ tinh, cáp quang và internet; nhưng người ta cũng đang xem xét cách nó định hình toàn bộ quan hệ chính trị, thương mại, môi trường trong nước và quốc tế như thế nào”.

 

Thiên hạ tiễn đưa Cây Ô liu ra sao?

 

Trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914 – 1945, toàn cầu hóa hoàn toàn dừng lại, tiếp sau đó là chiến tranh lạnh kéo dài. Có thể gọi đây là thời kỳ trỗi dậy của những cây Ô liu. Trong giai đoạn này, giao dịch thương mại diễn ra chỉ trong nội bộ của quốc gia hoặc trong từng phe, nhóm (tư bản và xã hội chủ nghĩa). Đã có số liệu chứng minh, vào thời kỳ này, tỉ trọng xuất khẩu so với GDP của toàn thế giới giảm 5% - bằng tỷ trọng của năm 1870! Từ đó cho ta một nhận định: Khi toàn cầu hóa dừng lại, từng quốc gia, từng phe, nhóm co cụm đan kết với nhau thành những khóm, những rừng cây Ô liu khiến chiếc Lexus hết đường chạy, thì nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái, sức cạnh tranh toàn cầu bị yếu kém, tiến hóa của loài người cũng vì thế mà chựng lại. Sự “lão hóa” toàn cầu đã trở thành mối đe dọa cho toàn cầu. Cây Ô liu bắt đầu tự gây hiểm họa cho nhau, thậm chí có người còn nuôi ý đồ đem cây Ô liu của nhà mình trồng vào nhà bạn. Vào thời kỳ ấy, ít ai nghĩ đến “Hiểm hoạ lớn nhất của cây Ô liu chính là chiéc Lexus – Thomas Friedman

 Không thụ động chờ làn sóng toàn cầu hóa ụp qua như những lần trước, nhiều quốc gia và nền kinh tế đã chủ động buông cây Ô liu và hơn nữa còn giành lợi thế để “làm chủ” chiếc Lexus theo cách của riêng mình. Đó là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Dùng dằng vừa buông vừa giữ, trạng thái này đã đẩy các nước Châu Phi chìm sâu vào sự hỗn loạn, mất ổn định, khoảng cách tụt hậu và lạc hậu với các nước khác ngày một xa với sự phát triển chung của toàn cầu. Nhưng buông cây Ô liu và chọn chiếc Lexus để đồng hành một cách đột ngột, không lường trước được những hệ quả (vì chưa có tiền lệ) như các nước Liên Xô, Đông Âu cũ cũng đã dẩn đến đổ vỡ hằng loạt cánh rừng Ô liu và phải xây dựng lại từ đầu.

 Gần đây, thế giới xuất hiện một cách buông cây Ô liu mới, cách của Trung Quốc. Về tư duy thì Trung Quốc thể hiện quyết tâm đổi mới triệt để. Trong hội nhập thì chủ động, dứt khoát, nhưng biện pháp thì mềm dẻo, thận trọng. Khôn ngoan hơn, Trung Quốc còn chú trọng bảo tồn bản sắc dân tộc, văn hoá đặc trưng, biến nó trở thành thế mạnh để cạnh tranh toàn cầu. Trung Quốc đặt ra tham vọng không chỉ giành lợi thế mở cửa chiếc Lexus trước nhiều nước đồng hành (Ấn Độ, một số nước ở Nam Mỹ…) mà còn đeo đuổi chiến lược làm chủ nó!

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu diễn biến của toàn cầu hoá, mỗi người có cách đúc kết khác nhau (phải chăng xã hội phát triển nhờ vào sự “khác” đó?). Riêng tôi tự nhận định và đặt ra những câu hỏi cho mình: (a) Toàn cầu hóa là sự vận động khách quan, diễn biến lần sau tốc độ cao hơn, cường độ lớn hơn, lan tỏa nhanh hơn; vì thế, khoảng cách thế giới hẹp hơn, sự lệ thuộc lẫn nhau sâu sắc và trở nên tất yếu hơn bao giờ hết; (b) Toàn cầu hóa là những làn sóng kinh tế: kinh tế lớn/ mới/ mạnh chinh phục kinh tế nhỏ/ lạc hậu/ yếu; cho nên phân hóa giàu nghèo vì thế cũng khắc nghiệt hơn. Đáng chú ý đứng trên đầu sóng là những người thuộc giới chủ; (c) Sau toàn cầu hoá lần ba sẽ là lần bốn, lần năm…? lúc đó nền kinh tế toàn cầu sẽ ra sao? (d) Hiện nay, Mỹ đã và đang khẳng định là cường quốc số 1 trong nền kinh tế toàn cầu, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái, liệu vị trí này có đổi ngôi trong vài thập niên tới? và (e) Việt Nam hiện đứng ở đâu, đang “nhắm” vị trí nào và giành lợi thế cạnh tranh ra sao trong nền kinh tế toàn cầu?

 

 Việt Nam: “Cây Ô liu” hay “chiếc Lexus”?

 

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm giống nhau cơ bản: cùng một chế độ xã hội, cùng từ bỏ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, cùng hội nhập kinh tế thế giới ở thế chẳng đặng đừng…, nhưng thành tựu gặt hái được lại rất khác nhau. Nếu Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới thì Việt Nam vẫn còn trong nhóm nước kém phát triển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này nhưng theo tôi, sự khác biệt cơ bản nhất nằm ở hệ tư duy: Trung Quốc quyết tâm làm chủ chiếc Lexus và mục tiêu này trở thành ý chí của toàn dân tộc. Còn Việt Nam thì một nhóm người trong tư duy vẫn ấp ủ cây Ô liu, cho nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mở cửa trước chiếc Lexus. Hy vọng với việc gia nhập WTO, Việt Nam sẽ quyết tâm lựa chọn xe Lexus.

 

 Toàn cầu hoá là sự vận động khách quan, hội nhập nền kinh tế toàn cầu trở thành đòi hỏi tất yếu đối với mọi quốc gia. Vì thế, nếu Việt Nam buông cây Ô liu chậm phải chấp nhận trả giá đắt hơn các nước buông trước (như phải  bỏ ngay trợ cấp hàng nông sản khi Việt Nam gia nhập WTO là một ví dụ). Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam hiện nay kém hơn so với các nước trong khu vực: dù là một thị trường trên 83 triệu dân nhưng quy mô nền kinh tế Việt Nam còn rất nhỏ, 52 tỷ USD (chiếm 0,04% của nước Mỹ), thua tỷ phú giàu nhất của nước Mỹ 1 tỷ USD và hơn tỷ phú giàu thứ hai cũng của nước này 2 tỷ! Vì thế, Việt Nam vẫn chưa là một thị trường quan trọng và hấp dẫn đối với thế giới. Đôi khi, ta còn tự gây thiệt hại  cho mình như trì hoãn hội nhập: số liệu từ phiá Mỹ cho thấy, năm 2005, thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Việt nam hơn 800%, nhiều hiệp hội ngành nghề của Mỹ không đồng tình với việc Chính phủ Mỹ trao quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam. Ông Lloyd Wood, phát ngôn viên của “Liên minh hành động vì nền sản xuất Mỹ”, nói: “Quyền lợi kinh tế của Mỹ ở Việt Nam không đáng kể so với những thị trường trên thế giới, và so với những gì Việt nam thu lợi từ thị trường Mỹ trong cuộc giao thương này”. Hãy khoan nói đến lợi thế cạnh tranh toàn cầu, việc trong những năm vừa qua dùng dằng buông cây Ô liu chậm đã gây ra cho Việt Nam biết bao tổn thất và thiệt hại về kinh tế!

 

     Tìm cách giải bài toán “Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt nam” sao cho tối ưu nhất là trách nhiệm và lương tâm của toàn dân tộc Việt, không phải của riêng ai. Là một chủ doanh nghiệp, tôi trăn trở tự tìm lời giải bài toán này như một cách bày tỏ khát vọng riêng của giới doanh nhân. Theo tôi, để cạnh tranh toàn cầu thành công: (i) Việt Nam cần định vị đúng vị trí của mình, biết mình là ai, nhận rõ thế mạnh và điểm yếu của chính mình; không tô hồng, cường điệu; cũng không bi quan, tự ti.(ii) Hiểu rõ các đối tác cạnh tranh với mình; vị trí, vai trò của họ ra sao trong nền kinh tế toàn cầu. Rất nên đánh giá thật chuẩn xác, khách quan sự cần thiết của Việt Nam đối với các đối tác về mọi phương diện và ngược lại. (iii) Xây dựng mục tiêu và đề ra những quyết sách khôn ngoan để giành thắng lợi. Mục tiêu đặt ra phải thể hiện bằng được hoài bảo, khát vọng và khơi dậy tinh thần quật khởi của toàn dân tộc (không phải của một nhóm người hoặc một nhóm lợi ích) và nhận được hậu thuẫn toàn tâm toàn ý của toàn dân; nếu không, thất bại trong cạnh tranh toàn cầu là điều hoàn toàn có thể..

 

Nắm bắt quy luật của những kỷ nguyên toàn cầu hoá, cộng với kinh nghiệm, thành tựu và cả thất bại của các nước trên thế giới trong tiến trình buông cây Ô liu và tiếp cận chiếc Lexus là một vốn quý giúp Việt Nam lựa chọn cách hội nhập và giành lợi thế cạnh tranh theo cách của riêng mình. Đừng ai thõa mãn với những thành tựu của đất nước, những thành tích của doanh nghiệp, những thành công của bản thân đã đạt được; hãy xem đó là cây Ô liu già cỗi của ngày hôm qua. Câu chuyện của ngày hôm nay là chúng ta cùng thống nhất ý chí tiếp cận sớm chiếc Lesux và vạch ra chiếc lược để giành thế làm chủ nó trong ngày mai. Nếu ai đó trong tư duy còn bám rễ cây Ô liu vì lo ngại chiếc Lexus sẽ đem nguy cơ đến cho mình thì sẽ bị quy luật đào thải.

 

Trong thời đại của nền kinh tế toàn cầu, thời của tốc độ cao, cường độ lớn, lan tỏa nhanh, khoảng cách hẹp, sự chậm chân nào cũng đồng nghĩa với nghèo nàn, lạc hậu và tụt hậu!

 

                                                            

                                                                              TẠ THỊ NGỌC THẢO