Tư Tưởng Nô Bộc hay là bệnh “Sùng Bái Cá Nhân” của người Việt

(Nhìn từ trường hợp sự sùng bái ông Nguyễn Phú Trọng)

 

Quách Hạo Nhiên

 

1. Thể chế độc Đảng, chính quyền độc tài – mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tư tưởng nô bộc và “bệnh sùng bái cá nhân” của đám đông dân chúng

Trong cuộc sống, việc một cá nhân này thể hiện sự yêu mến, kính trọng hay hâm mộ, thần tượng với cá nhân khác (có tài năng và phẩm hạnh) là chuyện rất bình thường, chẳng có gì đáng bàn. Tuy nhiên, yêu mến, hâm mộ đến mức “thần thánh hóa”, “huyền thoại hóa” thậm chí “đội lên đầu”, để lên bàn thờ gia tiên hoặc “dựng tượng đài”, “xây bảo tàng” lưu niệm … thì không những là sự bệnh hoạn mà đằng sau đó chắc chắn là một âm mưu, một “động cơ không trong sáng”. Nói cách khác, khi ta bắt đầu có suy nghĩ “thần thánh hóa”, “huyền thoại hóa” một cá nhân nào đó - vốn cũng là người trần mắt thịt như ta - dù với lý do gì cũng đồng nghĩa với việc đang tự lừa dối chính mình và lừa dối người khác. Ở giác độ văn hóa, đây chính là nguyên nhân làm khởi phát cho cái bi kịch chung của xã hội – bi kịch về sự “vô minh” hay “cuồng tín”, “mù quáng” của dân chúng (vì thiếu bản lĩnh và không có niềm tin vào bản thân nên lúc nào cũng dựa dẫm vào người khác). Một xã hội mà mỗi cá nhân không có niềm tin với bản thân là một xã hội không có hy vọng, hoặc không, cũng là đang tiềm ẩn những mối nguy hiểm (một khi xã hội bắt đầu xuất hiện những tiếng nói khác). Hay nói khác đi, đó là xã hội đang chết dần chết mòn vì cái tâm lý nô bộc do căn bệnh “sùng bái cá nhân” mà ra.

Lịch sử nhân loại cho thấy, bệnh “sùng bái cá nhân” diễn ra khắp mọi nơi, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây… Tuy vậy, có lẽ trong thời “bốn chấm không” hôm nay, bệnh “sùng bái cá nhân” thường rất khó trị ở các quốc gia với thể chế chính trị nhất nguyên, nền cai trị độc tài và trước đó thường có một nền chính trị quân chủ chuyên chế kéo dài…Vì hơn ai hết để có thể duy trì sự độc tài, độc tôn của mình, chính quyền nhà nước ở các quốc gia này buộc phải dùng mọi chiêu trò và thủ đoạn chính trị để “phong thánh” cho các “lãnh tụ vĩ đại”, “lãnh tụ kính yêu” thông qua vô số những câu chuyện mang màu sắc của sự kỳ bí, ảo diệu, hoang đường nhằm đánh vào cái tâm thức “ngu trung”; sự tôn thờ “minh quân”, “minh chủ” vô điều kiện của đại bộ phận đám đông dân chúng, từ đó buộc họ phải phủ phục quỳ lạy và đời đời nhớ ơn…Trên thế giới hiện nay, không khó để nhận ra một số cá nhân được dân chúng “phong thánh” và sùng bái vô điều kiện như trường hợp: Fidel Castro – Cuba; Maduro - Venuezuela (trước đó là Hugo Chavez), Tập Cận Bình – Trung Quốc (trước đó là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình…); Kim Jong Un – Bắc Hàn (trước đó là Kim Nhật Thành, Kim Jong –il)…

 

2. Từ Hồ Chí Minh đến Nguyễn Phú Trọng

Lịch sử Việt Nam đến thời điểm này có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là người được “phong thánh” một cách bài bản và thường xuyên nhất. Công bằng và khách quan mà nói, xét trong những điều kiện và bối cảnh lịch sử cụ thể, với tầm vóc trí tuệ nhất là những gì đã làm được, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất xứng đáng được tôn vinh, tôn kính hay “phong thánh” từ dân chúng (dĩ nhiên là với điều kiện sự tôn kính này được diễn ra một cách tự nhiên chứ không phải dùng quyền lực chính trị để áp đặt). Vì xét ở giác độ văn hóa, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia muốn kế thừa và phát triển vẫn rất cần có những cá nhân với những phẩm chất và tài năng xuất chúng làm “điểm tựa” và tạo niềm tin để các cá nhân bình thường khác soi vào mà phấn đấu, vươn lên. Và nếu mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên như vậy, thì việc Chủ tịch Hồ Chí Minh được dân chúng hôm nay “phong thánh” như cách mà cha ông trước đó đã từng phong cho các bậc tiền hiền như: Nguyễn Trãi, Chu Văn An hay Đức Thánh Trần... thì kể ra cũng chẳng có gì quá đáng. Thế nhưng đáng tiếc thay, những người cộng sản, những người đồng chí đương thời với ông và nhất là những kẻ được xem là “học trò xuất sắc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố tình không chịu hiểu điều này, ngày qua ngày họ tùy tiện thêu dệt, bịa chuyện về ông để một mặt lừa phỉnh dân chúng, mặt khác lại mang ông ra làm tấm bình phong để che đậy những quyết sách sai lầm, những việc làm hại dân, hại nước của họ. “Yêu nhau thì lại bằng mười hại nhau”, hậu quả là ở chiều ngược lại, Hồ Chí Minh vô tình trở thành đối tượng cho những người mang tư tưởng cực đoan công kích, bôi nhọ, dè bĩu, khinh thường… Một con người từng đi vào thơ ca với những niềm tin yêu trong sáng của dân chúng “mong manh áo vải hồn muôn trượng, hơn tượng đồng phơi những lối mòn” nhưng lại được/bị phong thánh và tùy tiện ghán ghép trong một bức tranh bên cạnh Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni (bởi những kẻ xuẩn ngốc và xu nịnh) từ đó, vô tình trở thành đề tài đàm tiếu cho “các thế lực thù địch” của “Đảng ta” thì thử hỏi có tệ hại và xót xa không?

Quan sát xã hội Việt Nam gần đây, có thể nói bệnh “sùng bái cá nhân” của người Việt hôm nay có vẻ ngày một trầm trọng và khó chữa trị hơn nữa. Và người đang được mọi tầng lớp xã hội hiện nay “phong thánh” và sùng bái không ai khác ơn là ông Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Câu nói “Người Đốt Lò Vĩ Đại” được giới truyền thông - bồi bút phát tán ra dân chúng đã nói lên tất cả điều này. Hay gần nhất là việc chính quyền cho xuất bản sách nhan đề “Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng  với tình cảm của nhân dân và bạn bè quốc tế” với những lời lẽ bốc thơm của ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức trung ương: “cuốn sách là tư liệu quý của đảng viên, các tầng lớp nhân dân và tin tưởng rằng nó sẽ hỗ trợ cho khối đại đoàn kết và tình cảm giữa dân với Đảng, để “trên dưới một lòng đổi mới đất nước”  [1] đã cho thấy, với cái đà này rất có khả năng ông Nguyễn Phú Trọng rồi đây cũng sẽ trở thành “bậc vĩ nhân” hay “lãnh tụ xuất chúng” của dân tộc này; rồi đây ông sẽ được xây tượng đài, nhà mồ hay viện bảo tàng trên khắp dãy đất hình chữ S này sau khi tạ thế? Điều đó cũng có nghĩa, 96 triệu dân Việt Nam trong tương lai ngoài việc phải tôn thờ vô điều kiện “Bác Hồ - vị cha già dân tộc” thì Tổng Bí Thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ là một tấm gương sáng ngời đầy tiềm năng cần đưa vào sử sách để các thế hệ cháu con học tập và noi theo…?

Thật lòng mà nói, kể từ khi ông Trọng trở thành người nắm quyền hành tuyệt đối ở đất nước này (và ngay cả khi ông bắt đầu khởi động chiến dịch “nhóm lò đốt củi” gần đây), nếu nhìn ở tầm vóc tư tưởng, trí tuệ trong vai trò của một chính khách đang dẫn dắt cả dân tộc cùng đi, bản thân tôi đã rất nhiều lần tự hỏi dân tộc này, đất nước này rồi sẽ đi về đâu mỗi khi nghe ông phát ra những câu vừa buồn cười, sáo rỗng và nhất là bất chấp hiện trạng nhiễu nhương, bộn bề của xã hội và đất nước hôm nay:“đất nước có bao giờ được như thế này không?”, “giáo dục nước nhà chưa bao giờ được như bây giờ?”; “cơ đồ dân tộc chưa bao giờ được như hôm nay?”…

Còn nói về sự đức độ, liêm khiết của ông ấy ư? Rất có thể so với những người khác, ông Trọng được đánh giá tốt hơn nhưng mà làm sao dân chúng kiểm chứng được điều này trong một cơ chế vốn bị bưng bít, hoặc không thì lại nửa kín nửa mở rất “tùy hứng lý qua cầu”!? Để có thể thăng tiến và ở trên ngôi cao quyền lực như hiện nay đương nhiên ai cũng biết trước đó ông buộc phải kinh qua rất nhiều vị trí, chức vụ ở cơ sở, địa phương và trung ương. Vậy thì làm cách nào để dân chúng kiểm tra giám sát đồng chí Nguyễn Phú Trọng  khi còn giữ các chức vụ như Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc Hội…là trong sáng, liêm khiết hay không gây ra những hậu quả gì nghiêm trọng? Không phải những “đồng chí” mà ông Trọng đã và đang chuẩn bị “đưa vào lò” (hoặc bị cách hết các chức vụ trong Đảng) như: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Trần Việt Tân, Bùi Xuân Thành, Nguyễn Văn Hiến, Phan Thị Mỹ Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Vũ Huy Hoàng, Tất Thành Cang, Vũ Văn Ninh, …tất cả đều trải qua những vòng tuyển chọn, quy trình sàng lọc để quy hoạch, tuyển chọn rất bài bản và nghiêm ngặt của chính cái thể chế này đó sao? Thế nên, tôi phải nhắc lại rằng, việc ông Trọng quyết tâm chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy là điều cần ghi nhận và trân trọng, tuy nhiên, không nên vì chuyện này mà cố tình quên hoặc đánh đồng với việc, lẽ ra, trong vai trò là người nắm quyền lực tuyệt đối ông Trọng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất khi để cho những thuộc cấp của mình vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ Đảng (đặc biệt tất cả những kẻ vi phạm đều là những Đảng viên, lãnh đạo cấp cao “thuộc diện Trung ương quản lý”).

Trong cái nhìn như vậy, một khi đã xác định “tham nhũng là quốc nạn”, là “giặc nội xâm” đang tàn phá đất nước này thì theo tôi đến thời điểm này ông Trọng vẫn đang nợ toàn thể quốc dân đồng bào một lời xin lỗi chân thành và nghiêm túc. Trước đây, khi để xảy ra những sai lầm trong vấn đề “cải cách ruộng đất”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy đã phải đứng ra xin lỗi đồng bào miền Bắc (trước Quốc hội 1956), vậy mà giờ đây, việc chống tham nhũng của ông Trọng trên thực tế chẳng qua chỉ là chuyện “xử lý nội bộ trong Đảng” (cả nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ này vì như ông Trọng từng nói chống tham nhũng là “ta tự đánh ta”) nhưng ông vẫn chưa một lần nào lên tiếng nhận lỗi trước người dân. Người ta nói rằng, chỉ riêng vụ án ở Thủ Thiêm thôi đã có không biết bao nhiêu người dân phải chịu cảnh tan nhà nát cửa, vợ chồng con cái ly tán, có người còn lê la chẳng khác gì ăn mày từ Sài Gòn ra Hà Nội để gõ cửa các cơ quan công quyền suốt 20 năm ròng. Thử hỏi trong 20 năm ấy, ông Trọng làm gì ở Hà Nội? Ông có nghe dư luận oán than về gia tộc Lê Thanh Hải ở Sài Gòn không? Ông có thấy những người dân oan đi khiếu kiện phải ăn bờ ngủ bụi không? Và hiện nay Thanh tra Chính phủ lại là nơi cửa quyền và tham nhũng người dân thêm một lần nữa, ông có biết không? Nếu các vị Thanh tra Chính phủ liêm khiết và chí công vô tư thì vụ Thủ Thiêm có kéo dài đến 20 năm như hôm nay không? Đừng ai nói với tôi là ông ấy bận trăm công nghìn việc nên không nghe, không thấy, không biết những chuyện này.

Từ đây, tôi cho rằng, dân chúng hôm nay đặc biệt là một số người được xem là tầng lớp trí thức, tinh hoa trong xã hội đang có những động thái tuyên truyền và thêu dệt để tung hô và “phong thánh” cho ông Trọng trong việc chống tham nhũng hiện nay thì đất nước này quả là đang đến hồi mạt vận rồi chăng? Thể chế này đã và đang đẻ ra một bầy sâu ăn tàn phá hại đất nước, ông Trọng một mặt cho người đi bắt sâu (theo kiểu nay bắt một con, mốt bắt một con…và không biết đến khi ông tạ thế đã bắt hết chưa) nhưng mặt khác lại đồng ý đặt bút ký “phê duyệt quy hoạch 184 nhân sự Trung ương khóa mới” để tiếp tục điều hành và duy trì cái thể chế này thì có khác gì đang tạo điều kiện cho những bầy sâu mới sinh sôi?

Đến đây, tôi thấy cần phải nhắc lại điều mà nhiều người đã nói, đất nước này, dân tộc này đã được hòa bình và thống nhất về mặt cương vực lãnh thổ hơn 40 năm rồi nhưng tại sao về mặt tư duy, tư tưởng cứ phải lệ thuộc và nhất là luôn phải bái vọng về phương Bắc? Cái “cơ đồ của dân tộc” hôm nay mà cha ông phải đổ máu xương để giành lại cho con cháu (như chính các vị thường xuyên nói) có lẽ nào lại là một đất nước Việt Nam mãi “không chịu phát triển” hay sao? Tôi hỏi thật ông Trọng và những trí thức đang tung hô và bốc thơm ông lên tận mây xanh có thấy đau lòng trước hiện tình đất nước và con người Việt Nam hôm nay không? Tôi rất mong và hy vọng các vị hãy chân thành và trung thực đối diện với lương tâm mình một lần thôi trước khi trả lời câu hỏi trên để cái lưỡi không xương của các vị sau này không bị hóa thạch, còn có cơ may được tan vào đất. Còn hiện tại, với riêng tôi, tuy ông Trọng đang tổ chức bắt một vài con sâu nhưng cũng chính ông đã và đang nuôi dưỡng rất nhiều ấu trùng sâu mới bằng cái thể chế lỗi thời và nhất là rập khuôn từ tập đoàn chính trị phương Bắc do Tập Cận Bình đứng đầu. Điều này cũng có nghĩa, cái công bắt vài con sâu của ông không thể nào bù đắp cho cái tội rất lớn của ông với dân tộc này khi vẫn duy trì cái thể chế hiện thời. Không khéo cái lò đốt củi do chính ông xây rồi đây cũng sẽ là nới thiêu đốt chính bản thân ông mà thôi! Vậy nên, ông Trọng và những kẻ sùng bái, xu nịnh ông xin có “Đừng lớn lối khi dân lành ốm đói/Vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn”! [2].

 

3. Thay lời kết

Trước năm 1945, Nam Cao thuộc số những nhà văn viết theo trường phái “tả chân” – nghĩa là “hiện thực phê phán”. Sau 1945, lịch sử Đảng xem ông như một nhà văn “sớm giác ngộ lý tưởng và đi theo Cách mạng”. Và truyện ngắn nổi tiếng nhan đề “Đôi mắt” chính là tác phẩm được nhiều nhà phê bình văn học của Đảng lấy ra làm minh chứng cho sự “sớm giác ngộ” này của Nam Cao. Sở dĩ phải nhắc lại vấn đề này là vì tôi muốn đề cập đến một chi tiết rất đắc giá trong tác phẩm này nhưng tiếc thay các nhà soạn sách giáo khoa của Đảng ta trong phần yêu cầu giảng dạy cho học sinh phổ thông hoặc là không hiểu hoặc là hiểu nhưng cố tình lờ đi, không dám nhắc tới. Ấy là chi tiết Nam Cao để cho hai nhân vật Hoàng và Độ bàn về cuộc chiến tranh và những người nông dân ít học đi làm cách mạng dưới sự dẫn dắt của Đảng và tài thao lược của “ông Cụ” – Hồ Chí Minh lúc bấy giờ. Mẩu đối thoại của nhân vật Hoàng và Độ dưới đây sẽ cho chúng ta thấy tư tưởng rất “độc” này của Nam Cao trong truyện ngắn“Đôi mắt”:

“Tôi cười nhạt:

- Nghe anh nói, tôi nản quá. Như vậy cuộc kháng chiến của ta có lẽ đến hỏng à?

Anh chộp lấy câu của tôi, nhanh như một con mèo vồ con chuột:

- “Ấy đấy, tôi bi lắm. Cứ quan sát kỹ thì rất nản. Nhưng tôi chưa nản có lẽ chỉ vì tôi tin vào ông Cụ. Tôi cho rằng cuộc Cách mạng tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến hiện nay chỉ ăn vì người lãnh đạo cừ. Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng tài. Phải cứu một nước như nước mình kể cũng khổ cho ông Cụ lắm. Anh tính tượng trưng cho phong trào giải phóng cả một cái đệ tứ cường quốc là Ðại Pháp, mà chỉ có đến thằng Ðờ-Gôn.

Tôi nhắc đến tên mấy nhân vật kháng chiến khác của Pháp, còn đáng tiêu biểu bằng mấy Ðờ-Gôn. Anh lắc đầu:

- Bằng thế nào được Hồ Chí Minh!

Và anh tiếp:

- Ông Cụ làm những việc nó cừ quá, đến nỗi tôi cứ cho rằng dù dân mình có tồi đi nữa, ông Cụ xoay quanh rồi cũng cứ độc lập như thường. Những cú như cú Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 thì đến chính thằng Mỹ cũng phải lắc đầu: nó cho rằng không thể nào bịp ông già nổi. Thằng Pháp thì nghĩa là gì? Bệt lắm rồi. Không có thằng Mỹ xúi thì làm gì Pháp dám trở mặt phản Hiệp định mồng 6 tháng 3? Mình cho nó như vậy đã là phúc đời nhà nó lắm rồi. Ðáng lẽ nó phải bám chằng chằng lấy chứ?”

Với chi tiết trên, có thể nói, Nam Cao chính là nhà văn đầu tiên đã bàn và phê phán trực diện căn bệnh “sùng bái cá nhân”, “sùng bái lãnh tụ” của người Việt thời hiện đại đặc biệt là thành phần trí thức cách mạng thời kỳ đầu ở miền Bắc. Từ thực tế lịch sử này nhìn lại thực tại xã hội hôm nay, có dịp theo dõi các bài viết của một vài nhân sĩ trí thức Việt Nam, đặc biệt là những facebooker có “số má” trên mạng xã hội khi họ bàn về việc chống tham nhũng của ông Trọng thời gian qua tôi thấy xấu hổ thay cho cái cái tư duy, cái tâm lý nô bộc hay là “bệnh sùng bái cá nhân”, “sùng bái lãnh tụ” vừa hồn nhiên vừa có chủ đích của họ.

Người dân bình thường, ít học nếu có mê muội, cuồng tín và thần tượng cá nhân nào đó nghĩ lại vấn còn cảm thông được. Nhưng mang danh là trí thức, là nhà văn, nhà báo mà ăn nói kiểu nước đôi, ba phải lúc thì ra vẻ thương xót, bênh vực người dân Thủ Thiêm lúc thì bợ đỡ, tung hô ông Trọng lên tận mây xanh và nhất là cố tình lờ đi chuyện ông Trọng thực ra cũng là một mắc xích tối quan trọng đã gián tiếp gây ra những oan khuất kia của người dân thì quả là những tay điếm bút thuộc hàng cao cấp, thượng thừa!

 Đến đây thì tôi lại càng thấm thía cho nhận định rất ghê gớm của Nam Cao qua câu nói của văn sĩ Hoàng ở trên: “Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng tài. Phải cứu một nước như nước mình kể cũng khổ cho ông Cụ lắm”.

Than ôi, dân tộc này nếu có bị ông Trọng và cái thể chế chính trị do chính ông ấy tạo ra bắt làm con tin thêm vài trăm năm nữa hoặc đến khi nào tìm được đường đi tới thiên đường XHCN âu cũng rất hợp lẽ và rất đáng đời!

CT, 12/7/2019

QHN

--------

Chú thích nguồn;

[1]: Xem tại: https://tuoitre.vn/ra-mat-sach-ve-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-20190620181934048.htm

[2]: “Nhìn từ xa…Tổ quốc” – thơ Nguyễn Duy.

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 12-7-19