Việt Nam Thời Báo
2, 3-12-19

 

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, như tôi biết

Nguyễn Tường Thuỵ

 

(VNTB) - Tôi chỉ biết đến Tiến sĩ Phạm Chí Dũng sau khi anh bị bắt lần đầu vào ngày 17/7/2012. 6 tháng sau, công an Tp HCM kết thúc điều tra, trả tự do cho anh mà chẳng có một lời giải thích nào. Tôi tò mò tìm hiểu và ngày càng rất thú vị về con người này. Lần đầu tôi gặp anh và nhiều nhân sĩ trí thức Sài Gòn tại nhà chị Dương Thị Tân vào ngày 14/8/2013. Tôi vào là để đi phiên tòa phúc thẩm cháu Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha sẽ diễn ra ở Tân An (Long An) 2 ngày sau đó.

Từ bỏ hoạn lộ

Phạm Chí Dũng sinh ra trong một gia đình có công với chế độ. Bản thân anh, trước khi bị bắt lần đầu cũng làm việc tại các cơ quan Đảng như Ban tôn giáo, Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP HCM. Anh cũng từng làm thư ký cho ông Trương Tấn Sang khi ông này làm Bí thư Thành ủy.

Ngày 5 tháng 12 năm 2013, Phạm Chí Dũng ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam vì cho rằng đảng này không đại diện và phục vụ cho quyền lợi cho nhân dân. Đây là một dấu mốc rất quan trọng trong cuộc đời anh. Anh chính thức ly khai với ĐCSVN, đi vào con đường dân chủ.

Tuy vậy, sự thay đổi không thể là đột ngột mà nó là một quá trình. Có lẽ, anh đã nung nấu và hành động từ nhiều năm trước, có thể ở tuổi trên dưới 40. Việc năm 2012, anh bị bắt để điều tra về hành vi biên soạn tài liệu chống nhà nước, nhằm lật đổ chính quyền đã nói lên điều đó.

Đây là một điều rất đáng quý ở Phạm Chí Dũng. Với học vị tiến sĩ và tài năng, với vị trí công tác của mình, với lý lịch gia đình và với tuổi còn khá trẻ nhưng vào đảng từ rất sớm (khi ra khỏi tổ chức này thì anh đã có 20 năm tuổi đảng), anh có thể có nhiều cơ hội trên con đường hoạn lộ. Nhưng Phạm Chí Dũng không theo con đường mà nhiều người đang đi.

Nguyễn Công Trứ có câu:

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông.

Cho đến bây giờ, con người nhất là giới gọi là có chữ vẫn ảnh hưởng sâu sắc về quan niệm lập thân của đạo Nho. Lập thân ở đây là lập danh, tức là phải đỗ đạt, phải làm quan để vinh quy bái tổ. Quan niệm này đã làm bao nhiêu người khốn khổ vì nó, nhục nhã vì nó và tha hóa cũng vì nó.

Quan niệm của Phạm Chí Dũng khác. Trước hết anh xác định trách nhiệm công dân. Anh không tìm đến danh, vì nếu thế, anh đã yên trí với vị trí của mình trong bộ máy chính trị để từ đó mà lên cao hơn nữa. Vị trí của anh khi ấy là điều thèm muốn của nhiều người. Anh luôn trăn trở phải làm gì cho núi sông chứ không phải là để có danh gì. Háo danh và danh hão đều xa lạ với anh.

Quan niệm phải làm gì cho non sông đất nước khiến Phạm Chí Dũng rẽ hẳn sang hướng khác, chấp nhận thiếu thốn, bị sách nhiễu và tù đày trong khi con đường hoạn lộ của anh đang rộng mở. Mấy ai dám từ bỏ tất cả để trở thành con người có hiếu với đất nước như anh?

Tôi tin rằng anh thành tâm, nhiệt huyết ngay từ thuở thanh niên, khi anh ký lá đơn xin vào ĐCSVN. Hẳn là anh vào đảng để mong được cống hiến cho nhân dân, cho đất nước chứ không để vinh thân phì gia. Nhưng rồi thời gian làm anh nhận ra, đó không phải là con đường anh có thể đi và đành đoạn tuyệt với nó, dù là đau đớn.

Tài năng và tâm huyết.

Từ năm 20 tuổi, Phạm Chí Dũng đã theo đuổi nghiệp văn chương. Anh từng xuất bản 2 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn. Nhưng rồi, anh dành tất cả tâm huyết cho viết báo và quên hẳn chuyện văn chương. Có lẽ anh cho rằng về việc đưa thông tin, phân tích thông tin và phổ biến thông tin, truyền tải tư tưởng, báo chí có thế mạnh hơn.

Ngày 29/04/2014, tổ chức Phóng viên Không biên giới công bố danh sách “100 anh hùng thông tin” năm 2014. Trong đó, Việt Nam 3 người được vinh danh gồm Nhà báo Trương Duy Nhất, Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh và Nhà báo Phạm Chí Dũng.

Hai tháng sau đó, ngày 4/7/2014 tại Sài Gòn, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam được thành lập. Phạm Chí Dũng được bầu làm Chủ tịch Hội với sự đồng thuận tuyệt đối, như là việc đương nhiên phải thế.

Hôm sau, có một Hội nghị các tổ chức xã hội dân sự họp ở Chùa Liên Trì. Trong cuộc họp, tôi thông báo về tình hình thành lập Hội Nhà báo Độc lập. Khi tôi nói đến việc tôi được bầu làm Phó chủ tịch Hội, mọi người lên tiếng chúc mừng. Nhưng ý tôi không phải thế. Tôi đưa tay về phía Phạm Chí Dũng và nói: “Ý tôi là tôi rất vui và vinh dự được giúp việc cho Tiến sĩ Phạm Chí Dũng”. Nghe bạn bè kể lại, anh khen tôi khiêm tốn, có lẽ cũng vì cả câu này. Nhưng đó là câu nói rất thật.

Sức viết của Phạm Chí Dũng thật ghê gớm. Hầu như không ngày nào, website Việt Nam Thời báo và các báo khác như VOA, Người Việt... không xuất hiện vài bài viết của anh. Anh là một cây bút phản biện xuất sắc với những bài bình luận sắc sảo. Giọng văn của anh mẫu mực, không xô bồ, không dùng ngôn ngữ miệt thị nhưng vô cùng thẳng thắn, thẳng thắn đến mức làm đối tượng khó chịu. Anh không né tránh lĩnh vực nào, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, từ “giới chóp bu” (chữ anh hay dùng), những chuyện đấu đá trong nội bộ đến các vấn đề bức xúc ngoài xã hội, từ trong nước ra ngoài nước... Tôi không hiểu anh lấy đâu ra kiến thức rộng như thế.

Tôi hay quan tâm đến sức khỏe của Phạm Chí Dũng. Nhìn anh với dáng vẻ như thể chỉ có da bọc xương, tôi hỏi thì anh bảo tạng người em nó thế, không thể khác được. Thế nhưng trong con người gầy gò, vẻ ốm yếu ấy là một năng lượng khủng khiếp. Tôi chưa từng biết đến cây bút nào viết khỏe như anh. Tôi đã chứng kiến có lần anh “viết bài” như sau: Anh đi chầm chậm vài bước, rồi quay lại vài bước, tay lúc chắp đằng sau, lúc day lên trán và đọc như đọc chính tả. Tôi nhìn anh rất ngạc nhiên, không hiểu anh đang làm gì. Đến câu: “xong chưa?” thì tôi mới biết anh đang “viết bài”. Ở một góc bàn, một cô gái nào đó ôm laptop đang gõ theo lời anh. Đến khi anh dừng đọc thì bài viết đã xong và anh gửi đi luôn. Khác hẳn với tôi, một bài viết có khi phải đánh vật cả buổi.

Say sưa với công việc, Phạm Chí Dũng bỏ qua tất cả những việc vặt vãnh. Ngoài việc bày tỏ chính kiến của mình trong các bài viết, hầu như anh không để ý đến những gì người ta nói về anh, kể lời khen và những lời dị nghị. Ngoài thái độ vui vẻ khi giao tiếp, anh không thể hiện những cảm xúc như buồn bã, cau có, nóng giận. Lúc nào, cũng thấy anh đăm chiêu suy nghĩ như nung nấu một điều gì. Khi thành lập Hội Nhà báo Độc lập, có một số người nghi ngờ anh, công khai nói rằng anh vẫn là an ninh cộng sản được “cài cắm” dưới vỏ bọc khác. Có lẽ người ta chỉ đơn giản để ý đến một thời anh làm việc ở các cơ quan đảng mà suy ra. Sau, những nghi ngờ này cũng giảm dần, không thấy nhắc lại nữa.

Phạm Chí Dũng biết cả nhưng anh không thanh minh, ra lời. Nếu buộc phải tranh cãi, anh cũng nói hết sức ngắn gọn, như thể anh sợ tốn thời gian vào những việc vô bổ hoặc không quan trọng. Anh cũng chẳng bao giờ nhắc tới những chuyện ấy với tôi. Anh vẫn cứ căng mình ra, lầm lũi làm việc như thể anh rất xót xa khi thời gian cứ chầm chậm trôi mà không bao giờ quay trở lại.

Tôi cũng một thời say mê văn thơ như Phạm Chí Dũng. Năm 2010, tôi đã chế bản 2 tập thơ và 1 tập truyện ngắn. Nhưng rồi bị báo chí tự do cuốn hút, tôi đành bỏ đấy. Có lần niềm say mê cũ thức dậy, tôi làm bài thơ tình rồi gửi anh đọc cho vui. Anh đáp: “Đến bây giờ mà anh còn viết những thứ này à?

Khiêm nhường và bình dị

Phạm Chí Dũng biết những đánh giá của công luận, của dư luận về mình nhưng hầu như anh không quan tâm mấy. Những lời khen không làm anh lấy đó mà cho rằng mình quan trọng, những lời dị nghị (như tôi vừa nhắc ở trên) không làm anh phân tâm. Phạm Chí Dũng khiêm nhường nhưng tự tin. Tôi không thấy anh chê bai ai, dù khi cần thiết anh có thể có những nhận xét thận trọng. Không thấy anh ồn ào, lên gân lên cốt bao giờ, nếu có thì chỉ là sự gồng mình lên trước áp lực của công việc.

Tôi thường thấy anh trong những bộ quần áo đơn giản nhưng gọn ghẽ. Chưa bao giờ thấy anh diện bộ trang phục đắt tiền, sang trọng. Anh sống chân thành, không có giọng lấy lòng ai hay xúc phạm đến ai. Có lần bài viết của tôi có tới 1 vạn chia sẻ, nhưng anh bảo bài ấy chưa phải hay, anh có những bài khác hay hơn. Tôi chẳng biết anh nói về bài nào.

Dưới con mắt của nhà cầm quyền, anh là người “không nghề nghiệp” (xem trong quyết định khởi tố). Đó là cách nói của họ, để cho dư luận hiểu anh là kẻ vô công rồi nghề. Không làm công ăn lương cho ai thì coi là không nghề nghiệp nhưng muốn giảm tỉ lệ thất nghiệp thì người ta phong cho mấy bà phục vụ gia đình có nghề nghiệp nội trợ.

Một nhân vật nổi tiếng như anh, cứ nghĩ anh phải có người giúp việc, hoặc ít ra được rảnh để có thể toàn tâm cho công việc nhưng không phải thế. Trong gia đình, anh cư xử trọn vẹn với trách nhiệm của người con, người chồng, người cha. Anh biết chia sẻ công việc với gia đình, cố gắng làm những gì có thể đỡ đần cho người khác. Quanh năm, anh lãnh trách nhiệm đưa đón 2 con đến lớp một cách đều đặn vì anh không làm hành chính, có thể làm vào lúc khác . Nhiều lần câu chuyện giữa tôi và anh phải tạm dừng vì “đã đến giờ em đi đón các cháu”. Vì vậy, công an muốn bắt anh chỉ cần mai phục ở cổng trường các cháu là tóm được.

Phạm Chí Dũng là người chí tình với bạn bè, thương yêu vợ con, là người con có hiếu của gia đình.

Tôi phải thành thật mà nói rằng, tôi và Phạm Chí Dũng không quá thân thiết với nhau, không phải là “cạ” với những sở thích như ham rượu chè, quán sá. Chúng tôi đối đãi với nhau bằng sự trân trọng, nể nang và tin cậy. Vì thế, trong hai kỳ viết này, tôi không có nhiều những kỷ niệm về anh mà chỉ có thể nói những gì tôi biết. Chúng tôi cũng không phải là không có những bất đồng, nhưng đó chỉ là những việc nhỏ như về một bài viết chẳng hạn. Khi ấy, anh hay tiếp thu ý kiến của tôi, vì tôi rất thận trọng, dè dặt khi quyết định đưa ra một ý kiến nào đó. Anh không bảo thủ trước những ý kiến thuyết phục. Ngược lại về công việc của Hội, tôi tôn trọng việc làm của anh, không tọc mạch những việc tôi không nên biết. Tôi tin anh trong những việc anh không thể chia sẻ.

Bị sách nhiễu

Không nói về hai lần bị bắt, Phạm Chí Dũng thường xuyên bị sách nhiễu. Anh bị theo dõi rất ngặt nghèo. Nhiều lúc anh bị canh giữ gắt gao. Giấy mời, giấy triệu tập thì thường xuyên, anh không đi thì bị đón bắt ngoài đường.

Xin nhắc lại vài vụ:

Ngày 29/11/2013 khi đến thăm Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội thì anh bị chặn ngay từ ngõ rồi bị đưa về đồn câu lưu 6 giờ. Tại đó, công an đưa ra một quyết định rất quái đản là anh không được gặp 3 đối tượng: Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Văn Hải và Lê Thị Công Nhân, trong khi Nguyễn Văn Hải, Lê Thị Công Nhân đang ở... trong tù.

Ngày 1/2/2014, trên đường đi Geneva, Phạm Chí Dũng bị chặn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Anh được tổ chức phi chính phủ UN Watch mời sang làm diễn giả tại một buổi họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 4/2 và tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhân quyền và Dân chủ Geneva vào ngày 25/2. Vụ chặn xuất cảnh ấy, công an cũng thu luôn hộ chiếu của anh cho tới tận bây giờ. Anh không đi được Mỹ để vận động cho tự do báo chí hồi tháng 4/2014 cũng vì thế. Trước đó Phạm Chí Dũng từng bị "cảnh báo" không nên đi Singapore tham dự một hội nghị về cải cách ở Việt Nam.

Ngày 25/6/2015, sau khi đưa con đến lớp, Phạm Chí Dũng bị đón bắt và đưa về đồn. Trong khoảng 8 giờ thẩm vấn, có nội dung công an yêu cầu chấm dứt trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập.

Ngày 16/4/2016, Phạm Chí Dũng ra Hà Nội từ hôm trước để tham dự tọa đàm của Hội Nhà báo độc lập “Obama đến Việt Nam - The change we need". Sáng hôm sau anh mượn xe máy của một người bạn tới địa điểm họp thì bị một xe khác tông vào rất khó hiểu. Lấy lý do va chạm, anh bị đưa đến công an phường Giảng Võ để câu lưu. Vụ này, Nhà thơ Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt ra cũng bị bắt về đồn câu lưu còn tôi bị canh giữ tại nhà.

Ngày 17/12/2017, Phạm Chí Dũng bị một kẻ lạ mặt ép xe ngã xuống đường rồi bỏ chạy. Anh bị chấn thương phần mềm, ở vai trái, chân trái và hai tay, có những vết bị sâu, phải băng bó khắp người. Thời điểm diễn ra vụ việc, đoạn đường vắng xe đi lại, thủ phạm chọn quãng đường tối để ra tay.

Nhiều năm qua, Phạm Chí Dũng đã nỗ lực làm việc trong hoàn cảnh bị canh giữ, trấn áp như thế.

Cáo trạng về Phạm Chí Dũng sẽ như thế nào?

Những gì nhận xét về việc viết bài của Phạm Chí Dũng ở kỳ trước tôi đều căn cứ vào những bài viết trên mạng có ký tác giả là Phạm Chí Dũng. Tôi cứ tạm coi thế đã. Còn những bài nào của anh hay bài nào không phải, đó là việc của cơ quan điều tra.

Phạm Chí Dũng bị khởi tố về Điều 117, khoản 1, tiết a “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, có khung hình phạt từ 5 đến 12 năm. Trong quyết định khởi tố, anh bị cáo cuộc hành vi cụ thể là “Làm, tàng trữ, phát tán các bài viết, trả lời phỏng vấn có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Điều 117 thực chất là Điều 88 cũ nhưng cụ thể hơn. Hành vi là làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền. Đối tượng của hành vi là thông tin, tài liệu, vật phẩm.

Nhưng những thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung như thế nào là tuyên truyền chống nhà nước thì không có qui định cụ thể. Việc này người ta dành cho quan tòa phán, phán thế nào nó ra thế ấy.

Tôi biết có những phiên tòa (ví dụ phiên tòa Hội Anh em dân chủ), người ta mời Hội đồng giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông giám định tài liệu này nọ xem có phải là tuyên truyền chống nhà nước hay hoạt động lật đổ không. Đây là một điều rất kỳ quặc. Người ta có thể dùng khoa học kỹ thuật giám định, chứ không ai dùng tư tưởng của người này để giám định tư tưởng của người kia bao giờ. Khi ấy, nó phụ thuộc vào cách hiểu, cách nghĩ của họ, thậm chí có thể là theo chỉ đạo.

Trong các bài viết ký tác giả là Phạm Chí Dũng, không biết người ta có đưa ra được bài nào, ý nào, câu nào để chứng minh tác giả tuyên truyền chống nhà nước hay không, nếu đưa ra thì cũng rất khiên cưỡng. Tôi cho rằng, các bài viết ấy, tác giả chỉ thể hiện quyền tự do biểu đạt tư tưởng, quan điểm, cách nhìn được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia mà thôi.

Vì vậy, cáo trạng trong nhiều vụ án rất buồn cười, khó đưa ra được các bằng chứng để kết tội theo tội danh bị quy chụp, nhất là trong các án chính trị hoặc các vụ án khởi tố theo tội danh thường nhưng thực chất là án chính trị. Ví dụ cáo trạng đối với Đinh Nhật Uy, người ta đưa ra những hành vi như ảnh bìa trang facebook của Uy in chung hình với một số tù nhân lương tâm; hành vi “kêu gọi hướng về phiên tòa xử Uyên - Kha”; lại có cả hành vi viết lời nhắn nhủ “Vững bước nhé những người em thân yêu". Hay như cáo trạng Nguyễn Phương Uyên có hành vi viết trên mảnh vải trắng “có nội dung không hay về Trung Quốc".

Trong vụ án Hội anh em Dân chủ, Hội đồng xét xử căn cứ vào bản ghi âm lén một cuộc họp có đề cập nội dung các kịch bản về sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Thế là họ qui sống cho các bị cáo tội hoạt động lật đổ, đánh đồng sụp đổ thành lật đổ.

Những sự gán ghép này thật nực cười. Cáo trạng về Phạm Chí Dũng rồi cũng sẽ khiên cưỡng như thế.

Dù có như thế nào, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng vẫn là một người vô tội.

Kết

Trước đây và đồng thời, có nhiều cây viết xuất sắc đóng góp cho tiếng nói phản biện như các blogger Điếu Cày, Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Người Buôn gió, Mẹ Nấm. Nhưng đến Phạm Chí Dũng, anh đã thổi luồng sinh khí mới cho tự do báo chí ở Việt Nam, làm cho diện mạo của báo chí Việt Nam khởi sắc chưa từng có. Có thể có những ý kiến khác, nhưng tôi ghi công đầu cho Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.

Trong vụ án này, có thể công an nhằm vào cá nhân Phạm Chí Dũng, điều đó đã rõ, nhưng có thể nhằm cả vào Hội Nhà báo Độc lập. Thế nhưng, chỉ với việc bắt Phạm Chí Dũng, họ cũng đã đạt được cả hai mục đích vì anh là linh hồn của Hội Nhà báo Độc lập. Dễ thấy rằng, việc Phạm Chí Dũng bị bắt gây tổn thất rất nặng nề cho Hội Nhà báo Độc lập. Những khoảng trống mà anh bỏ lại khó có thể thể bù lấp được như về tiếng nói, về đối ngoại...

Khi quyết định bắt Phạm Chí Dũng, hẳn nhà cầm quyền đã tính toán rất kỹ, cho rằng điểm ăn cao hơn điểm thua. Nhưng đó mới chỉ là tính toán, còn thực tế như thế nào lại là chuyện khác. Mời bạn đọc tìm hiểu thêm dư luận quốc tế về vụ này.

Nếu nhà cầm quyền vì đất nước, vì nhân dân thì việc bắt Phạm Chí Dũng là vô cùng sai lầm. Nhưng với mục đích chỉ để bảo vệ ĐCSVN, thì họ có thể đúng. Có thể thôi vì biết đâu việc bắt Phạm Chí Dũng lại gây hại cho họ. Tôi nói thế để khẳng định rằng, quyền lợi của dân tộc, của nhân dân và đất nước khác với quyền lợi của ĐCSVN.