30/4 điểm lại câu chuyện dân chủ hóa Việt Nam

Nguyễn Khoa

 

Hiển nhiên ngày 30/4/1975 là ngày chế độ toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức lên ngôi trên toàn cõi Việt Nam, là ngày mà những người yêu mến định chế dân chủ lên tiếng đấu tranh, nhưng tiến trình dân chủ hóa Việt Nam không phải bắt đầu từ sau khi Việt Nam Cộng hòa, thử nghiệm dân chủ đầu tiên tại Việt Nam, bị sụp đổ. Những tư tưởng dân chủ hóa đã bắt đầu trong lòng chế độ toàn trị từ khi nó mới thành lập. Các phong trào Nhân văn Giai phẩm, hay là cuộc đấu tranh giữa hai nhóm gọi là “xét lại” và “bảo thủ” tại miền Bắc Việt Nam, trong giai đoạn 1954-1975, dễ dàng được mọi người công nhận là minh chứng cho đòi hỏi dân chủ ấy.

Nhưng sau năm 1975, và nhất là trong 10 năm gần đây thì không khí sôi động hơn. Thử điểm lại một vài sự việc, hiện tượng của tiến trình dân chủ hóa chống toàn trị tại Việt Nam trong hơn 40 năm qua.

Vấp phải khó khăn về kinh tế, tiếp xúc với nền kinh tế thị trường tại miền Nam Việt Nam, cũng như không khí tự do hơn ở miền Nam so với miền Bắc, có những toan tính từ trong nội bộ đảng Cộng sản cầm quyền nhằm dân chủ hóa đất nước. Ta có thể kể đến Câu Lạc BNhững Người Kháng Chiến Cũ, trong đó có ông Nguyễn Hộ bị bắt giam, toan tính cải cách của ông Trần Xuân Bách, nhân vật suýt lên làm tổng bí thư đảng. Ngoài ra còn phải kể đến kiến nghị dân chủ hóa của nhóm “Việt kiều phản chiến” từ nước ngoài vào khoảng năm 1990.

Việc phản kháng chống lại chế độ toàn trị cũng theo chân những người tị nạn ra nước ngoài, mà lớn nhất là Mặt trận Hoàng Cơ Minh trong những năm 1980. Mặt trận này được thành lập ở nước ngoài và toan tính dùng đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ cộng sản trong nước. Cuộc đấu tranh của Mặt trận Hoàng Cơ Minh thất bại với nhiều bê bối, trong đó có hai vụ tai tiếng nhất là giấu cái chết của ông Hoàng Cơ Minh, và những tranh cãi, đồn đoán về sự không minh bạch khi gây quỹ làm “kháng chiến” (đấu tranh vũ trang).

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra  là tổ chức dùng vũ lực của Mặt trận Hoàng Cơ Minh có phải là nằm trong ý tưởng dân chủ hóa Việt Nam hay chỉ là việc tranh đoạt quyền lực? Cuộc đấu tranh vũ trang này thất bại làm cho chúng ta không có câu trả lời, tuy nhiên ta cũng nhận thấy những điều trớ trêu ngộ nghĩnh trong việc tổ chức, ăn mặc của Mặt trận này không khác … cộng sản là mấy. Một nhân vật từng được mời tham gia vào Mặt trận, mà tôi xin được giấu tên, nhận xét với tôi rằng ông cảm thấy rất bất an trong buổi đầu gặp gỡ các … cán binh mặt quần áo… nâu và có rất nhiều bia.

Ngoài Mặt trận Hoàng Cơ Minh, tại hải ngoại cũng có hàng chục tổ chức, chính phủ lưu vong, mà ngọai trừ những năm đầu tiên sau năm 1975 còn có vài toan tính và hoạt động thực chất, còn lại chỉ là những tổ chức hữu danh vô thực, ồn ào, chào c và biểu tình liên tục, không đem lại kết quả gì.

Trong nước, phong trào dân chủ hóa bắt đầu từ … phương Bắc. Tức là sự đe dọa của Trung Quốc làm bùng nổ những cuộc biểu tình bắt đầu từ những năm đầu thập niên 2000, và từ những cuộc biểu tình này khá đông người Việt trong nước nhận ra là cần đòi hỏi những nhu cầu về dân chủ. Cùng lúc đó khái niệm xã hội dân sự bắt đầu được nhiều người Việt Nam biết đến.

Tuy nhiên “phong trào dân chủ” trước năm 2020, không đồng nhất. Có những đảng chính trị được thành lập như Hội Anh Em Dân Chủ, Đảng Dân chủ của cựu đảng viên cộng sản Hoàng Minh Chính, hay những chi bộ của Đảng Việt Tân được điều hành từ hải ngoại (hậu thân của Mặt trận Hoàng Cơ Minh), các tổ chức nghiệp đoàn độc lập, những cá nhân lớn tiếng trên mạng xã hội vì lý do cá nhân nào đó, thậm chí có cả những người liên quan đến tham nhũng như ông Trương Duy Nhất chẳng hạn.

Các đảng chính trị, các tổ chức nghiệp đoàn độc lập hầu như hoàn toàn bị giải tán, các lãnh đạo bị cầm tù hay phải lưu vong sau khi bị trục xuất. Điểm chung của các tổ chức này là thiếu cơ sở trong nước, được điều khiển bởi những người từ hải ngoại, mà đa số không am tường Việt Nam hiện nay. Tệ hơn, một số cá nhân chỉ dùng việc đấu tranh dân chủ để được lợi về tài chánh, tăm tiếng, hay đi nước ngoài.

Một yếu tố quan trọng làm lộ rõ bản chất của những nhân vật đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, dù họ là luật sư hay nhà báo hay là dân oan mất đất, là sự xuất hiện của Donald Trump, một kẻ có khuynh hướng độc tài và thói quen trục lợi, làm tổng thống Mỹ. Việc ông ta được rất nhiều người Việt “đấu tranh dân chủ” ủng hộ nồng nhiệt, thể hiện hai điều: thứ nhất là những người này hướng đến nước Mỹ như là một sức mạnh để đánh cộng sản, chứ không phải là một định chế dân chủ. Vì thế họ ủng hộ Trump và các thuyết âm mưu xung quanh ông ta đả phá kết quả bầu cử dân chủ ở Mỹ.

Thứ hai là căn tính của những con người này, về sâu thẳm cũng giống như Donald Trump, độc tài và hám lợi. Có lẽ điều này làm cho ông Trương Nhân Tuấn, một người thường xuyên bình luận các vấn đề Việt Nam gọi họ là những người “dân chủ xà bần”.

Tuy nhiên nhìn ở góc cạnh tích cực, sự xuất hiện của Trump làm phân định rõ vàng và thau trong những người “dân chủ xà bần”.

Tổ chức có quy cũ nhất đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có lẽ là Đảng Việt Tân, có cơ sở ở hải ngoại. Tuyệt đại đa số các nhân vật lãnh đạo của đảng này đều chống Donald Trump, dù họ không tuyên bố chính thức vì lý do chính trị, trừ một nhân vật từ thời Mặt trận Hoàng Cơ Minh là ông Nguyễn Xuân Nghĩa ủng hộ Trump hết mình, ông ta là một người rất thích trình bày các vấn đề chính trị bằng những từ ngữ tục tằn, và các vấn đề kinh tế bằng các loại đao to búa lớn không ai hiểu cả.

Các gián điệp của Đảng Cộng sản chắc chắn cố gắng xâm nhập Việt Tân, và ngược lại, Việt Tân cũng tìm cách thu phục các đảng viên cộng sản. Có hai người, một nhân vật của Việt Tân, và một nhà quan sát độc lập người Việt ở Mỹ xác nhận với tôi điều đó. Mặt khác các kênh không chính thức giữa Việt Tân và Đảng Cộng sản dường như vẫn sẵn sàng mở ra. Trước mắt, dù có một ít cơ sở trong nước, Việt Tân không thể là đối thủ của Đảng Cộng sản được.

Bức tranh dân chủ hóa Việt Nam không hoàn toàn đen tối. Nếu ta nói rằng năm 2020 là kết thúc của những người “dân chủ xà bần” thì có gì là đáng tiếc!

Sức ép từ mạng xã hội cũng làm cho chế độ trở nên dân chủ hơn, dù việc bắt bớ vẫn tiếp tục núp dưới chiêu bài “giữ vững ổn định xã hội”. Các chính sách cũng được điều chỉnh kịp thời khi bị sự phản đối từ dư luận mạng xã hội. Báo chí dù vẫn còn bị Đảng Cộng sản chi phối 100% vẫn xuất hiện những khuynh hướng tự do hơn, mà ta thấy sự đối lập khá rõ giữa một bên là những tờ “chủ trương đường lối”, như Công an, Quân đội nhân dân, Nhân dân, một bên là các tờ tự do hơn, dù đôi khi vẫn phải viết giữa đôi dòng chữ như Tuổi Trẻ, VnExpress, Vietnamnet,… Đôi khi trong các phiên bản tiếng Anh của các tờ báo này không hề có sự kiểm duyệt những vấn đề, quan điểm gọi là… nhạy cảm.

Điều quan trọng, tích cực nhất còn lại trong phong trào dân chủ hóa mấy năm qua là dường như xã hội dân sự đã bén rễ, dù còn yếu tại Việt Nam. Một nhà hoạt động dân sự tại Việt Nam nói với tôi rằng nên quan niệm dân chủ hóa là cái gì thực sự diễn ra, chứ không phải là tên gọi. Các tổ chức dân sự chiếm một phổ rất rộng, từ những tổ chức tương tế, cho đến các nghiệp đoàn bí mật. Trên góc nhìn đó, một sự kiện tưởng chừng như vô thưởng vô phạt gây ồn ào như chuyện nữ ca sĩ Thủy Tiên đứng ra quyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, là một thể hiện của tiến trình dân chủ hóa nói chung, xã hội dân sự nói riêng.

Cơ sở thượng tầng cầm quyền tại Việt Nam có lẽ còn rất lâu mới đạt được đến một định chế dân chủ, trong đó có sự canh tranh quyền lực minh bạch, nhưng dân chủ hóa là một tiến trình không lúc nào chấm dứt, ngay cả một xứ tưởng chừng như dân chủ bám rễ hàng trăm năm như Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ sau khi nhân vật phản dân chủ Donald Trump phải về vườn, người ta vẫn đang phải đấu tranh đòi quyền bầu cử tại các tiểu bang do Đảng Cộng hòa nắm quyền, đó là chưa nói đến việc đấu tranh đòi những quyền cơ bản như chăm sóc sức khỏe bị cướp đoạt nhân danh kinh tế thị trường.

 

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 17-4-21