VietFact
11-10-17

Nghịch lý thời “quân đội làm kinh tế”

Ngọc Lan

Câu chuyện về sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và Gia Lâm của Tập đoàn Him Lam, về trường bắn quân sự Miếu Môn chuyển sang làm sân golf phục vụ “nhu cầu luyện tập thể thao, giao lưu và đối ngoại quân sự” hay gần đây nhất là “sự biến” tại xã Đồng Tâm do Viettel ngang ngược đòi đất nông nghiệp để phục vụ cho các dự án kinh tế… đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng một số nhóm lợi ích quân đội lạm quyền, ngang nhiên sử dụng tài nguyên đất nước (đất quốc phòng) để phục vụ cho lợi ích riêng. Đến lúc này, bức màn bí ẩn về tình trạng lạm dụng quyền lực quân đội để trục lợi mới bắt đầu được hé mở khiến dư luận vô cùng bất bình.

Quân đội làm kinh tế không phải là luống rau xanh mà tiểu đội lính nào cũng chăm chút vun xới, tưới bón sau một ngày mướt mồ hôi ở thao trường, sau một ngày căng trí não tiếp thu khoa học kĩ thuật quân sự. Quân đội làm kinh tế không phải chuồng nuôi heo mà bếp đại đội, bếp tiểu đoàn nào cũng phải có, mà là những đơn vị quân đội lớn, là những lữ đoàn, sư đoàn, quân đoàn thành lập những doanh nghiệp mang danh quốc phòng ra kinh doanh chuyên nghiệp trên thương trường quốc gia và quốc tế.

Khi mang năng lực và quyền uy quân đội, mang mênh mông đất an ninh quốc phòng, mang vô tận nước sông, công lính ra kiếm tiền thì làm sao kinh doanh không lãi khẳm? Cứ nhìn cái cách quân đội hết lần này đến lần khác đem lý do an ninh quốc gia, lấy quyền uy quân đội ra vơ công việc của Bộ Công thương về cho Bộ Quốc phòng, giành giật các dự án của nhà kinh doanh chuyên nghiệp, công việc kiếm tiền, sinh lời trở thành công việc thường xuyên, thành chức năng đương nhiên của người lính, tận dụng tài nguyên (đất quốc phòng), tài lực (tiền thuế của dân) quốc gia và lực lượng lao động sẵn có (sức trẻ của những binh sĩ nhập ngũ hàng năm) để phục vụ cho nhu cầu “làm kinh tế quân đội” là hiểu rõ.

Cứ nhìn cái cách một số vị tướng liều mạng hết lần này đến lần khác bảo vệ cho các khu đất quốc phòng được mang ra làm vốn góp kinh doanh, thành đất sinh lời cho một số nhóm lợi ích quân đội, cũng như những vị giãy nãy như đỉa phải vôi sau lời khẳng định của Thượng Tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng thấy được sức hút từ lĩnh vực này mạnh thế nào.

Còn nhớ ngày 18/12/2007 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trang nghiêm, trịnh trọng tuyên bố: “Việc chuyển các lực lượng quốc phòng làm kinh tế ra ngoài cho các bộ dân sự quản lí là chắc chắn, chứ các đơn vị quốc phòng loay hoay lo xây dựng, làm kinh tế cũng mệt mỏi”.

Ấy thế mà, nhìn lại hai nhiệm kỳ đứng đầu Bộ Quốc phòng của ông, người ta chỉ thấy quân đội ào ạt tràn ra làm kinh tế với tốc độ vũ bão, gấp gáp, hối hả như sợ không kịp, sợ vuột mất thời cơ kiếm tiền với tất cả các ngành nghề kinh tế, từ sản xuất, khai thác đến buôn bán, xuất nhập khẩu. Thay vì thu hẹp quy mô hoạt động, chỉ tập trung vào các lĩnh vực phục vụ tăng cường sức mạnh quân sự, hàng loạt tổng công ty, tập đoàn kinh tế quân đội lần lượt ra mắt như Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (2008), Tổng công ty 28 (2009), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (2010), Tổng công ty Hợp tác Kinh tế (2011), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (2010), Tổng công ty XNK Tổng hợp Vạn Xuân (2011), Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (2009), Tổng công ty 36 (2011), Tổng công ty 319 (2011), Tổng công ty 789 (2011), Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (2012), Tổng công ty Sông Thu (2013), Tổng công ty Ba Son (2014) …

Say “làm kinh tế” đến mức người ta cắt cả 125 ha đất sân bay Gia Lâm và 157 ha đất sân bay Tân Sơn Nhất, biến đất vàng sân bay của dân thành đất sinh lời của nhóm lợi ích quân đội, biến đất sân bay phục vụ phát triển đất nước thành sân golf, biệt thự, nhà hàng, khách sạn siêu sang chỉ dành cho những ông chủ bộn tiền lui tới. Đó là gì nếu không phải là tham nhũng tài nguyên quốc gia? Lạm dụng quyền lực?

Nghịch lý thay, trong bối cảnh đất nước không ngừng bị đe dọa, tàu Trung Quốc ngang nhiên đi lại ngang dọc trên lãnh hải của Việt Nam, bắn giết ngư dân trên thương trường truyền thống của ta, quân đội lẽ ra phải luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, vậy mà lực lượng này vẫn bình thản ồ ạt tràn ra làm kinh tế. Và lại thêm một nghịch lý, thời quân đội tràn ra làm kinh tế như vũ bão nhất, thời những chỉ huy cấp cao quân đội có cuộc sống giàu sang phú quí nhất cũng là thời tướng quân đội được phong ào ạt, rầm rộ nhất.

Nếu như sau cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm khốc liệt và quy mô trong lịch sử, đến năm 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ có 36 tướng, thì trong thời bình, khi những người lính này buông súng ra làm kinh tế, trở thành thế lực giàu có trên thương trường nhưng không có cuộc đời binh nghiệp, không cần đòi hỏi bản lĩnh cầm quân thì quân đội lại có tới 489 tướng lĩnh. Một doanh nghiệp đơn thuần kinh doanh kĩ thuật viễn thông và cũng là doanh nghiệp giàu có nhất quân đội ở một thời điểm có tới ba vị Tướng cùng chia nhau điều hành kinh doanh.

Trớ trêu thay, thời trận mạc, bản lĩnh chiến trận của người cầm quân quyết định quân hàm, lon tướng. Ấy vậy mà thời quân đội làm kinh tế, mọi giá trị dường như đều theo giá thương trường, lon tướng cũng tỉ lệ thuận với lợi nhuận, với đồng tiền. Do đó, số lượng tướng bùng nổ như pháo hoa trên trời, không tỉ lệ thuận với sức chiến đấu của quân đội, mà được phong cho những người có “tâm tư” hàm tướng như lời nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh: “Không phong Tướng, anh em tâm tư”.

Nghịch lý thay, nhiệm vụ của quân đội là cầm súng với trách nhiệm bảo vệ từng tấc đất, từng thước biển, từng khoảng trời đất nước, nay lại lao vào những dự án, công trình với trách nhiệm làm cho đồng tiền sinh lời thì quân đội đâu còn chuyên nghiệp và không thể là quân đội chính qui hiện đại, không thể là quân đội thường trực với một trăm phần trăm sức chiến đấu.

Và cũng nghịch lý thay, khi Trung Quốc loại bỏ hẳn tình trạng quân đội nhảy múa kiếm cơm, tập trung phát triển nguồn lực quân sự, ngày đêm bày mưu tính kế cướp quần đảo Hoàng Sa và nhiều đảo nhỏ của Việt Nam, hàng ngày bắn giết dân Việt Nam kiếm sống trên biển Đông, âm mưu thôn tính xóa sổ đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới, biến Việt Nam thành chư hầu, thành ngôi sao thứ sáu trên lá cờ Trung Quốc, thì quân đội ta lại chủ trương làm kinh tế, nghiệp dư hóa quân đội, phân hóa sự thống nhất, tính thường trực, làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của quân đội. Và khi sức mạnh quân đội đã bị phân tán, suy yếu thì từ chỗ không bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, từ chỗ để mặc biển Đông của tổ tiên cho Trung Quốc giày xéo, làm chủ, bỏ mặc ngư dân bị xua đuổi, bắn chết trên ngư trường chỗ khuất phục kẻ thù chỉ trong gang tấc.

Chính vì quân đội làm kinh tế mới sinh ra “sự biến” đất ở Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội) khi Viettel muốn dựa vào uy quyền quân đội, dùng quyền lực để thâu tóm, cướp trắng mảnh đất nông nghiệp (không thuộc đất sân bay Miếu Môn) gắn bó từ bao đời nay với người dân để phục vụ cho lợi ích nhà binh. Chính vì quân đội làm kinh tế mới sinh ra “ung nhọt” sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất của Tập đoàn Him Lam nhổ mãi không xong, đất sân golf thì bao la xanh mướt, thỉnh thoảng có vài ông chủ vác gậy tập luyện thể thao giải trí, vừa đánh golf vừa ngắm máy bay, còn sân bay kế bên thì bị o ép đến mức trở thành nỗi ám ảnh của không chỉ của hành khách khi chờ đợi các chuyến bay bị hoãn hủy, mà còn trở thành gánh nặng của thành phố khi tình trạng kẹt xe, ngập nước diễn ra như cơm bữa, hay thành mối đe dọa đáng kể đối với sự phát triển của ngành hàng không và kinh tế khu vực Nam Bộ cũng như cả nước.

Rõ ràng, quân đội làm kinh tế chỉ mang lại chút lợi nhuận cho nhóm lợi ích nhà binh, mang về cho ngân sách vài đồng tiền lẻ thuế lẻ (chưa nói đến gánh nặng ngân sách khổng lồ mà ngân sách phải chi ra nếu kinh doanh yếu kém, điển hình như Viettel), còn nhân dân, quân đội và đất nước phải gánh chịu thiệt hại quá lớn. Người lính bị tha hóa, kỷ luật quân đội bị xói mòn, sức mạnh quân đội bị phân tán vào việc chạy theo lợi nhuận, tính thường trực và tính chuyên nghiệp của quân đội không còn nữa, sức mạnh chiến đấu giảm sút nghiêm trọng. Nghịch lý thay, trong khi biên cương, biển đảo không ngừng bị sức mạnh quân sự của Trung Quốc lăm le và ngày càng có nhiều hành động đáng kể, thì quân đội cứ mải mê làm kinh tế, tối mắt với lợi nhuận.