Andrew Nathan: Self-interest shapes China’s policies toward the international order
East Asia Forum, 19 December 2017

Người dịch: Huỳnh Hoa

 

Tư lợi định hình chính sách của Trung Quốc
đối với trật tự quốc tế

Andrew J Nathan (*)

Sự gia tăng ngoạn mục về kinh tế, chính trị và quyền lực mềm của Trung Quốc từ thập niên 1990 đã làm phát sinh mối quan tâm ngày càng tăng rằng Bắc Kinh đang tìm cách lật đổ trật tự tự do quốc tế (liberal international order). Cái trật tự thời hậu chiến do Hoa Kỳ xây dựng bao gồm một bộ quy tắc và các thiết chế (institutions) thúc đẩy thương mại tự do và tương tác kinh tế “mở”, thiết lập những thủ tục, trình tự giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia một cách hòa bình, căn cứ theo luật lệ.

Vài người tin rằng, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi trật tự này theo những cách thức rất căn bản. Amitav Acharya chẳng hạn, đã viết “sẽ là ngụy biện nếu cho rằng bởi vì Trung Quốc, Ấn Độ và những cường quốc đang nổi lên khác là những người hưởng lợi từ trật tự tự do cho nên họ sẽ tuân thủ các quy tắc và thiết chế của nó. Có lẽ họ sẽ không tìm cách đảo ngược nó nhưng sẽ thúc đẩy những sự thay đổi làm biến cải sâu sắc những quy tắc và thiết chế của trật tự ấy”.

Nhưng về căn bản quan hệ của Trung Quốc với trật tự tự do quốc tế cũng giống hệt như quan hệ của các quốc gia quan trọng khác. Sở dĩ như vậy bởi vì ở đa số phương diện trật tự này phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc đã tham gia các hiệp định và các thiết chế tạo nên trật tự này và tuân thủ đầy đủ như các quốc gia quan trọng khác. Trung Quốc có tìm cách gây ảnh hưởng tới trật tự ấy - nhưng không phải để lật đổ nó hoặc biến đổi nó một cách căn bản.

Hàng loạt lý thuyết được đưa ra để giải thích điều gì đang dẫn dắt chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Một trong những lý thuyết đó nhìn thấy Trung Quốc đang thúc đẩy một hệ tư tưởng đặc biệt, một tầm nhìn về hệ thống quốc tế và vai trò của Trung Quốc trong hệ thống đó, chẳng hạn như nguyên lý về chủ quyền quốc gia, thế giới đa cực, giá trị châu Á hoặc sự thống trị của Trung Quốc. Nhưng thay vì vậy, các chính sách của Trung Quốc có thể được coi như những phản ứng thực dụng với những lợi ích quốc gia đặc thù, chẳng hạn như bảo vệ phúc lợi vật chất, mở rộng ảnh hưởng và làm suy yếu tác động của những cường quốc cạnh tranh như Hoa Kỳ. Việc xem xét một số cơ chế quốc tế hỗ trợ quan điểm rằng lập trường đàm phán của Trung Quốc dựa trên lợi ích chứ không dựa trên sự thay đổi dứt khoát.

Trong đàm phán thương mại khu vực, Trung Quốc muốn thị trường thế giới mở cửa thêm nữa cho xuất khẩu hàng công nghiệp. Khi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán, Trung Quốc tỏ ra quan tâm nhưng không có ý định tham gia – có lẽ vì khuôn khổ của TPP đặt ra những điều kiện về lao động và môi trường mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho là không thuận lợi cho họ. Thay vì vậy, Trung Quốc đã tham gia hoặc tạo ra các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc khu vực, chẳng hạn như hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN và Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – những hiệp định đặt ra tiêu chuẩn thấp hơn về bảo vệ môi trường và xã hội so với TPP.

Sự tham gia của Trung Quốc vào các cơ chế kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị cũng phục vụ cho tình trạng chiến lược hiện hữu. Trung Quốc ủng hộ việc phản đối Bắc Hàn và Iran phát triển và phổ biến vũ khí hạt nhân, Trung Quốc ủng hộ sự phát triển hơn nữa cơ chế kiểm soát vũ khí. Nhưng Trung Quốc ủng hộ tuyên bố về các khu vực phi vũ khí hạt nhân – một tuyên bố mà Hoa Kỳ, cường quốc hạt nhân hàng đầu, đã không ủng hộ. Tương tự như vậy, Trung Quốc ủng hộ lệnh cấm sử dụng vũ khí hạt nhân để ra tay trước, cấm phát triển hỏa tiễn chống hỏa tiễn đạn đạo và chạy đua vũ trang trong không gian – tất cả những lĩnh vực mà Hoa Kỳ đang có lợi thế.

Tóm lại, Trung Quốc là người ủng hộ cơ chế kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị, nhưng cũng giống các nước khác, họ theo đuổi những lợi ích riêng của mình, liên quan tới cách thức mà cơ chế ấy áp dụng hoặc phát triển.

Trong hơn một phần tư thế kỷ qua Trung Quốc đã gây được ảnh hưởng đáng kể lên cách thức hoạt động của cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc tế. Trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (UNHCR), Trung Quốc và các nước hợp tác với họ đã thúc đẩy nguyên lý về tính phổ quát, nhằm làm giảm mức độ mà mỗi quốc gia riêng lẻ được chọn ra để quan tâm đặc biệt.

Tương tự, Trung Quốc là một trong những nước quảng bá sáng kiến của UNHCR yêu cầu mỗi quốc gia phải đệ trình Kế hoạch Hành động Nhân quyền của mình, cho phép mỗi quốc gia đưa ra cách diễn dịch riêng về cách hiểu và áp dụng các quy tắc nhân quyền quốc tế ở nước mình. Tác động thuần của nỗ lực này, cùng nhiều nỗ lực khác nữa, chẳng hạn như kiềm chế ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ, đã đặt Trung Quốc vào vị trí tuân thủ những ưu tiên mà chính họ tự đặt ra, cách ly Trung Quốc khỏi những áp lực nặng nề thông qua UNHCR. Nhờ những thành tựu ngoại giao này, Bắc Kinh có vẻ như không thích có sự thay đổi quan trọng nào, hoặc sự bãi bỏ cơ chế quốc tế.

Cũng tương tự như vậy, Trung Quốc (giống như mọi quốc gia khác) đã diễn dịch Luật Biển theo lợi ích của họ. Năm 1996, Trung Quốc đã tán thành Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, đã diễn dịch những điều khoản về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nhằm đòi hỏi quyền kiểm soát những vùng biển rộng lớn. Trung Quốc đã đưa ra đòi hỏi chủ quyền ở những thực thể nổi trên biển dựa trên những điều khoản của luật quốc tế như quyền của người khám phá đầu tiên, của người chiếm giữ liên tục. Trung Quốc cũng diễn dịch những điều khoản về “đi qua vô hại” khi từ chối quyền của các chiến hạm hải quân và máy bay của không lực Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động do thám và “tự do đi lại” trong vùng biển của Trung Quốc (???) mà không được Trung Quốc cho phép.

Về biến đổi khí hậu, Trung Quốc ủng hộ nguyên tắc của Nghị định thư Kyoto và tham gia hiệp định khí hậu Paris 2016. Bắc Kinh cũng nói rằng, họ sẽ tiếp tục tuân thủ hiệp định khí hậu Paris cho dù tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này.

Tổng hợp lại, hành vi của Trung Quốc trong các cơ chế quốc tế không thể hiện một phương thức thúc đẩy một “mô hình Trung Quốc” rõ ràng, hoặc một tầm nhìn thay thế về trật tự thế giới. Nếu có một mô thức rộng lớn hơn thì đó là Trung Quốc có xu thế trở thành một cường quốc bảo thủ: nó chống lại những nỗ lực của Hoa Kỳ và các đối tác của Hoa Kỳ uốn nắn các cơ chế theo hướng không thuận cho lợi ích của Trung Quốc. Trong cuộc cạnh tranh với Washington và các đồng minh của Hoa Kỳ, Trung Quốc thường bảo vệ cho cách diễn dịch cổ lỗ hơn về chủ quyền quốc gia, chống lại một cách diễn dịch hạn chế hơn nhiều. Do đó, sẽ khó mà hình dung một kịch bản thực tế trong đó Trung Quốc sẽ nỗ lực cách mạng hóa hoặc lật đổ các quy tắc toàn cầu.

(*) Andrew J Nathan là giáo sư khoa học chính trị Đại học Columbia.

Bài này rút ra từ bài “China’s Rise and International Regimes: Does China Seek to Overthrow Global Norms?” (Sự trỗi dậy của Trung Quốc và các cơ chế quốc tế: Trung Quốc có tìm cách lật đổ các quy tắc toàn cầu?”) trong tập sách “China in the Era of Xi Jinping” (Trung Quốc trong kỷ nguyên Tập Cận Bình), do Robert S. Ross và Jo Inge Bekkevold biên tập; Washington DC: nxb Georgetown University Press, 2016; trang 165-195)

Nguồn: http://www.eastasiaforum.org/2017/12/19/self-interest-shapes-chinas-policies-toward-the-international-order/